Tranh luận về trung tâm nhận trẻ em
bị bỏ rơi tại Trung Quốc
Nhiều năm nay, Trung Quốc từ chối mở các trung tâm tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi gây nhiều tranh cãi, sẽ là nơi an toàn hơn nhưng lại tiện lợi hơn cho các cha mẹ bỏ rơi con cái mình. Nhưng vào tháng 7-2011, một “đảo quốc an toàn cho trẻ sơ sinh” đầu tiên hay được người Trung Quốc gọi là “tổ ấm”, được mở cửa thí điểm tại Thạch Gia Trang, cách Bắc Kinh 300 km về hướng tây nam.
“Chúng ta không thể thay đổi sự bỏ rơi này, nhưng chúng ta có thể thay đổi kết quả của nó,” ông Han Jinhong, giám đốc trung tâm trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình nhà nước CCTV.
Chính phủ Trung Quốc cuối cùng cũng đồng ý. Vào tháng Tám, Bộ Nội vụ ban hành thông báo các thành phố lớn trong tất cả 31 tỉnh có thể thành lập các trung tâm nhận trẻ bị bỏ rơi vào cuối năm nay. Trong đó, các thủ phủ như Hạ Môn và Tây An đã mở các trung tâm này, và sau đó là Quảng Châu mở hồi tháng trước.
Các trung tâm có phòng nhỏ được trang bị đầy đủ gồm: nôi, lồng sưởi ấm, máy ôxy. Cha mẹ đặt đứa con mình muốn bỏ rơi vào trong phòng, nhấn chuông, và trong ít phút, cảnh sát và nhân viên y tế sẽ đến chăm sóc đứa trẻ. Không có máy ghi hình và cảnh sát sẽ không điều tra.
Trẻ em bị bỏ rơi vẫn là bất hợp pháp tại Trung Quốc. Nhưng đất nước cũng đang vật lộn kiểm soát tác dụng phụ của chính sách một con đã khiến các ông bố bà mẹ ưu tiên bé trai khỏe mạnh, thậm chí từ chối con cái của họ. Khoảng 100,000 trẻ em, hầu hết là trẻ sơ sinh, bị bỏ rơi mỗi năm tại Trung Quốc. Vào ngày 10-12, chỉ hai tiếng đồng hồ sau khi trung tâm ở Nam Kinh mở cửa, một trẻ em đã bị bỏ tại đó.
Mặc dầu cuộc khảo sát năm 2008 do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện, 76 phần trăm người dân Trung Quốc ủng hộ chính sách một con, nhưng các nhà phê bình liên tiếp chỉ ra rằng điều đó đã làm chênh lệch tỷ lệ nam nhiều hơn nữ, và khiến các bậc cha mẹ tuyệt vọng thêm động lực từ bỏ con bị khuyết tật.
Thực trạng lập tức tạo ra một cuộc tranh luận về đạo đức ở Trung Quốc nơi chính sách một con nghiêm ngặt dần nới lỏng từ đầu thập niên 1980.
Trong cuộc khảo sát trực tuyến quan điểm về các trung tâm trẻ em bị bỏ rơi do trang mạng Sina Weibo Trung Quốc thực hiện năm 2012, người được hỏi thường gắt gỏng về trách nhiệm của chính phủ.
“Nếu chúng ta làm tốt an toàn phúc lợi cho người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em, thì làm sao nhiều bậc cha mẹ lại có thể vứt bỏ con cái mình được? Các trung tâm an toàn trẻ em không phải là tấm gương khuyếch đại lòng nhân đạo, mà là gương soi cho lương tâm của chính phủ,” một blogger có biệt danh là Invincible Pupu viết.
Mười ngày sau khi Quảng Châu mở cửa trung tâm nhận trẻ em bị bỏ rơi, trước Tết Âm lịch, đã có 33 trẻ em bị bỏ tại đây, hầu hết đều mang bệnh tật nghiêm trọng. 10 em trong số đó được chẩn đoán bị bại não.
Liu, một người mẹ trẻ làm việc tại nhà máy ở Thâm Quyến, cửa ngõ đại lục với Hồng Kông, một giờ đi xe từ Quảng Châu, cho biết, nếu các bà mẹ đã muốn từ bỏ con cái mình rồi, thì họ cũng chẳng quan tâm liệu thành phố có trung tâm nhận trẻ em bị bỏ rơi hay không.
“Còn nếu bạn không muốn, thì bạn sẽ không làm điều đó, dù các trung tâm có tốt đến thế nào đi chăng nữa,” cô nói. “Nhưng các em bé tội nghiệp này cần có nơi chăm sóc”.
Một cuộc khảo sát thực hiện tại Thâm Quyến vào tháng Mười Một vừa qua cho thấy 82 phần trăm ủng hộ thành lập “tổ ấm” tại thành phố đông đúc hơn 10 triệu người này, và 67 phần trăm tin rằng điều này sẽ tăng thêm cơ hội cứu sống các em.
Chỉ 15,5 phần trăm chống lại ý tưởng, mặc dù gần một phần ba cho rằng các trung tâm nhận trẻ bị bỏ rơi sẽ khuyến khích các bậc cha mẹ từ bỏ con cái họ.
Tang Rongsheng, giám đốc Trung tâm Phúc lợi Thâm Quyến, lập luận rằng việc thành lập các trung tâm nhận trẻ em bị bỏ rơi đặt ra vấn đề căn bản là cứu sống các sinh linh bé nhỏ.
“Nếu chúng ta từ chối với lý do là tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm bỏ rơi con cái, trong khi thật ra chúng ta đang hy sinh mạng sống các trẻ sơ sinh, mà điều đó là vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội và nền văn minh chúng ta,” ông nói với báo Southern Daily có trụ sở tại Quảng Châu.
(UCAN 17.02.2014)
http://conggiao.info/news/2271/21361/tranh-luan-ve-trung-tam-nhan-tre-em-bi-bo-roi-tai-trung-quoc.aspx