Phản ứng đối với cuộc diễn hành phò sự sống tại Hoa Kỳ năm 2014
Vũ Văn An
Phán quyết Roe v. Wade năm 1973 của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã gây ra cái chết cho 50 triệu trẻ chưa sinh. Từ đó tới nay, năm nào người Công Giáo Hoa Kỳ cũng góp chung tiếng nói để các nhà lãnh đạo và quần chúng Hoa Kỳ thấy rằng phán quyết ấy đơn thuần chỉ là phán quyết giết người. Dù chưa ngăn chặn được phong trào giết người hàng loạt và không thương tiếc này, sau 40 năm kiên trì tranh đấu, người Công Giáo Hoa Kỳ vẫn không nản chí. Trái lại, số người góp chung tiếng nói mỗi ngày mỗi gia tăng và cuộc tranh đấu của họ càng ngày càng diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau và được nhiều cộng đồng khác hưởng ứng tham gia.
Diễn hành quần chúng lớn nhất nhưng ôn hòa nhất
Thực vậy, theo linh mục Dwight Longenecker, một cựu mục sư Tin Lành, cuộc diễn hành phò sự sống tại WashingtonD.C. hiện là cuộc diễn hành phản đối lớn nhất tại Thủ Đô Hoa Kỳ. Nó đại diện cho một phong trào phản kháng lâu dài nhất và kiên tâm nhất trên thế giới. Nó cũng đã gây hứng cho nhiều cuộc diễn hành lớn khác vì song song với nó là cuộc diễn hành phò sự sống tại San Francisco ngày 25 tháng Giêng, lôi cuốn hàng trăm ngàn người tham dự. Các cuộc diễn hành khác cũng đã được tổ chức tại Texas, Bắc Florida và nhiều nơi khác.
Cuộc diễn hành phò sự sống này tuy đầy nhiệt huyết nhưng rất ôn hòa. Người tham dự hân hoan, bình thản và tự tin, không hận thù, giận dữ hay bạo động. Và dĩ nhiên họ chỉ là mặt nổi của một phong trào âm thầm và kiên nhẫn hơn nhiều qua các chương trình giáo dục, phổ biến truyền thông, nghiên cứu học thuật và y khoa, tranh đấu luật pháp…
Một đặc điểm khác đáng chú ý: phong trào này không do các nhà vận động chuyên môn, các chính phủ lớn theo chủ nghĩa quốc tế hay các đại xí nghiệp đa quốc chủ trương, mà là một phong trào quần chúng: xe búyt đưa họ đến Washington xuất phát từ các giáo xứ, trường học, và cộng đồng bình thường khắp trên đất Mỹ và họ là các học sinh, các gia đình, con cái, cháu chắt của người bình dân. Đây quả là dân chủ bằng hành động, với những người bình dân muốn tiếng nói của mình được lắng nghe.
Đây là cuộc diễn hành tích cực, tranh đấu cho sự thiện, sự thật và cái đẹp của sự sống con người từ lúc tượng thai cho tới lúc chết tự nhiên. Trong khi những người tranh đấu cho phá thai là tranh đấu cho cái chết, cho một điều trống rỗng.
Chính nhờ thế, càng ngày nó càng được sự tham gia của nhiều cộng đồng khác. Dù người Công Giáo tham dự đông nhất, nhưng người ta đọc được nhiều biểu ngữ như “Người Vô Thần Phò Sự Sống”, “Người Do Thái Giáo phò Sự Sống”, “Người Hồi Giáo phò Sự Sống” và cả “Người Duy Nữ phò Sự Sống”. Sự sống con người quả đã vượt qua mọi phân chia tôn giáo và cả ý thức hệ nữa.
Ngoài ra, Diễn Hành Phò Sự Sống không phải chỉ gồm các vị cao niên là những người được chứng kiến cái phi lý của phán quyết Roe v. Wade cách nay 41 năm, mà càng ngày càng gồm nhiều người trẻ là những người không có ký ức gì về những cuộc tranh đấu trong quá khứ. Trái lại, họ đại biểu cho thế hệ tương lai. Gương mặt họ trong cuộc diễn hành nói lên tương lai hân hoan của Hoa Kỳ và của thế giới. Sự tham dự của họ bảo đảm thành công của chiến dịch về lâu về dài.
Cuộc ếm tin vĩ đại và trâng tráo nhất
Ấy thế mà giới truyền thông chính dòng tại Hoa Kỳ đã trâng tráo áp dụng một chiến dịch ếm tin (blackout) vĩ đại chưa từng thấy.
Ký giả Phil Lawler gọi đó là “cơn bệnh mù hàng năm” của báo giới. Ông bảo: “hàng tá ký giả chuyên nghiệp, nhất là ở vùng chung quanh Washington D.C., cho thấy các triệu chứng của một cơn bệnh lạ phát ra đúng vào dịp này mỗi năm. Cơn bệnh này khiến thị lực của họ bị giảm, đến nỗi không còn nhìn thấy các biến cố vĩ đại nữa”.
Còn gì vĩ đại bằng hàng trăm ngàn người diễn hành trên Đường Constitution, gây ra cảnh kẹt xe ngoài đường phố, khách sạn hết chỗ, xe điện đầy người và không biết bao thanh thiếu niên mang biểu ngữ phò sự sống ngập một góc trời Thủ Đô chung quanh tòa nhà Quốc Hội?
Lawler cho hay chứng bệnh này chỉ kéo dài 36 tiếng đồng hồ. Vì qua ngày 23 tháng Giêng, các ký giả của báo chí chính dòng bỗng nhìn rõ trở lại khi dù chỉ có khoảng nửa tá người biểu tình trước tòa đại sứ Nhật để phản đối việc sát hại các con cá heo vô tội họ cũng thấy hết và tường trình thật đầy đủ.
Nhận xét về hiện tượng này, tiến sĩ Jeff Mirus cho rằng những người duy tục tại Tây Phương rất khôn khéo, họ không biến những người phò sự sống thành tử đạo, mà sử dụng ảnh hưởng của nền văn hóa đương thịnh để đẩy kẻ thù của họ qua bên lề, đến trở thành vô hiệu quả. Họ khéo léo sử dụng các phương tiện truyền thông làm cho những ổ chống đối bị nhận thức là nhỏ nhoi và phân tán. Họ làm mọi cách để triệt tiêu mọi cố gắng nhằm thay đổi lối nhận thức này.
Đứng lên tranh đấu
Xem ra, chiến lược của phe duy tục đang thắng thế, biến cuộc đấu tranh của những người phò sự sống mỗi lúc một khó khăn thêm, tuy không làm họ chùn bước. Trái lại, hình như khó khăn càng lớn, họ càng quyết tâm hơn và do đó, con số của họ mỗi ngày mỗi tăng thêm, gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp bốn lần trong các năm qua. Đây quả là cuộc chiến giữa thiện và ác. Ta đừng quên, tại cuộc biểu tình phò phá thai tại Texas gần đây, người biểu tình đã hô lớn “Kính chào Satan” để đáp lại bài “Amazing Grace” của những người phò sự sống!
Nhiều nhà bình luận Công Giáo cho rằng nay không còn là những trận đánh chính nghĩa nữa mà là cuộc chiến tranh toàn diện chống lại nền Văn Hóa Chết Chóc. Ta không chiến đấu với các con người phàm tục muốn biện minh cho phá thai như một luật hay một cách sống dễ dãi, mà là chiến đấu với chính thế giới tối tăm (xem Eph 6:10-18), với tên đầu sỏ là ma quỉ.
Ký giả Sean Fitzpatrick, vì thế, không ngại đề tựa cho bài gần đây của mình là “March on!”. Vì theo ông, trong 41 năm qua, hơn 41 triệu thai nhi Hoa Kỳ đã bị thảm sát trước khi được sinh ra. “Phá thai là tội ác quá quắt nhất trong lịch sử loài người; mà tại Hoa Kỳ, nó được coi không phải chỉ là chuyện cơm bữa mà còn hợp lương tri nữa!”.
Ông cho hay: đụng đến phá thai, sự thật không còn được người ủng hộ nó áp dụng nữa. Nói tới thuốc phá thai buổi sáng hôm sau, họ bảo “Đây là hành động có trách nhiệm”, hoặc “Giúp ngăn ngừa việc có thai”. Nó có ngăn ngừa đâu, nó phá thai đàng hoàng mà! Họ coi đó là kiểm soát sinh đẻ hay “ngừa thai khẩn cấp”.
Điều oái oăm là dù thế giới đã trở nên điên loạn, nhưng nếu có ai bảo nó như thế, nó sẽ coi họ là mất trí. Đó là thái độ của truyền thông thế tục ngày nay. Họ coi những người Diễn Hành Phò Sự Sống là những tên hề. Thái độ này khiến cả những người ủng hộ phò sự sống cũng thấy mình như những anh chàng Don Quixotes tân thời đang đánh nhau với những cối xay gió tưởng tượng, một cuộc chiến vô ích.
Nhưng Fitzpatrick không nghĩ thế, ông cho rằng có một truyền thống vĩ đại và đáng kính trong Đức Tin Công Giáo là sẵn sàng đứng lên nhân danh sự thật chống lại những sức mạnh xem ra không thể chống cưỡng được. Năm 1571, Don John của Áo đã làm một việc mà những người cùng suy nghĩ như ông không muốn làm. Sở dĩ ông làm là vì ông nghĩ đây là việc đúng cần phải làm. Ông đáp lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng đứng ra điều khiển cuộc thập tự chính chống lại làn sóng tấn công bách chiến bách thắng của Hồi Giáo lúc ấy đang xâm chiếm thế giới Kitô Giáo. Ông đáp ứng bằng một hành vi xem ra không đúng lý, nhưng đã được thi hành vì lý do đúng. Đối diện với đoàn quân vô địch của Thổ Nhĩ Kỳ như một Đavít tái thế, ông quả chiến đấu chống lại đoàn quân khổng lồ. Và trước sự ngạc nhiên của mọi người, ông vừa đánh vừa cười vừa nhẩy múa trên boong tầu như một người mất trí giữa khói trận mịt mùng. Đức Mẹ Rất Thánh Mân Côi đã đem chiến thắng lại cho ông, một chiến thắng không ai dám nghĩ tới. Chính vì “điên” đủ để dám tưởng tượng mình có thể biến điều bất khả thành khả thể, mà ông đã trở thành dụng cụ của Đức Mẹ tại Lepanto. Quả thực, “với Thiên Chúa chẳng có chi là bất khả cả”.
Đức Ông Charles Pope của TGP Washington D.C. thì nhắc lại cuộc diễn hành phò sự sống của giữa thập niên 1980, khi nhiệt độ xuống 4 độ F. và 15 “inches” tuyết. Lạnh đến nỗi Lễ Nhậm Chức Nhiệm Kỳ II của Reagan phải rời từ ngoài trời vào trong nhà. Nhưng ngày hôm sau, dù lạnh hơn, cuộc Diễn Hành Phò Sự Sống vẫn tiến hành!
Hy sinh ấy rất xứng đáng vì sự sống con người quà là diệu kỳ. Ngài nhớ đến một mô tả về sự diệu kỳ của sự sống con người: “Mỗi tế bào của con người đều có một thư viện hình xoắn ốc kép chứa 3 tỷ cặp căn bản cung cấp 50 ngàn gien. Ba tỷ cặp căn bản này và 50 ngàn gien điều hành 100 ngàn tỷ các nối kết thần kinh trong não bộ, đủ các điểm tín liệu để chứa đầy 50 triệu cuốn sách bách khoa. Thế rồi sau đó, 50 ngàn gien này phát khởi 1 triệu sợi thần kinh thị giác, mỗi xentimét võng mạc chứa 10 triệu ảnh điểm (pixels), tổng cộng vào khoảng 10 tỷ ảnh điểm tất cả, 10 ngàn nụ vị giác (taste buds), 10 triệu tận điểm thần kinh tiếp nhận mùi… Tất cả cấu trúc 3 chiều này đều phát sinh từ một nguồn tín liệu một chiều theo đường thẳng của xoắn ốc DNA. Chúng ngẫu nhiên diễn ra hay do bàn tay Thiên Chúa?”
Theo Vietcatholic