Đức Phanxicô: Dòng Tên luôn ở thế căng thẳng
John Dear nổi tiếng là một tác giả và diễn giả chủ hòa, bị bắt hơn 75 lần vì các hành vi bất tuân dân sự không bạo động chống chiến tranh, bất công và vũ khí hạch nhân, từng được tổng giám mục Tutu đề nghị lãnh giải Nobel Hòa Bình. Dear tốt nghiệp tối ưu (magna cum laude) Đại Học Duke, tại Durham, Nam Carolina, năm 1981, sau đó làm việc cho Qũy Tưởng Niệm Robert F. Kennedy tại Hoa Thịnh Đốn. Năm 1982, gia nhập Dòng Tên, học cao học triết 2 năm tại đại học Fordham rồi làm việc cho Sở Tị Nạn của Dòng tại El Salvador 3 tháng trong năm 1985. Sau hai năm dạy học ở Scranton, Pensylvania, làm việc cho Trung Tâm Linh Mục McKenna dành cho người vô gia cư tại Hoa Thịnh Đốn (1988-1989). Từ 1989-1993, theo học tại Graduate Theological Union thuộc ĐH Berkeley và đậu hai cao học thần học.
Trong thời gian trên, Dear thành lập Phong Trào Pax Christi cho Vùng Vịnh và bắt đầu sắp xếp để Mẹ Têrêxa can thiệp với các thống đốc cho những người sắp lên đoạn đầu đài. Thụ phong linh mục tại Baltimore năm 1993, sau đó làm cha phó tại Nhà Thờ St Aloysius ở Hoa Thịnh Đốn.
Liên tiếp mấy năm này, Dear bị bắt khá nhiều lần vì các hành vi bất tuân dân sự chống chiến tranh, bất công và vũ khí hạch nhân, tứ Ngũ Giác Đài cho tới Các Phòng Thí Nghiệm Livermore tại California. Ngày 7 tháng 12, 1993, Dear bị bắt với 3 người khác tại căn cứ không quân Seymour Johnson ở Goldsboro, Nam Carolina, vì đã đập phá một chiến đấu cơ F-15 có khả năng hạch nhân. Bị giam tù, bị xử và kết 2 tội hình sự và 8 tháng tù giam tại Nam Carolina và gần 1 năm tù tại gia ở Hoa Thịnh Đốn. Như một thành phần của phong trào giải giới Lưỡi Cày, các can phạm cho rằng họ chỉ thực thi lời khuyên của Isaia “rèn gươm giáo thành lưỡi cày” và lệnh truyền của Chúa Giêsu “hãy yêu thương kẻ thù ngươi”.
Từ 1994 tới 1996, John Dear là giám đốc điều hành của Trung Tâm Thánh Tâm tại Richmond, Virginia, dành cho phụ nữ và trẻ em Mỹ Da Đen có lợi tức thấp. Đầu măm 1997, dạy thần học tại Fordham 1 lục cá nguệt. Rồi sống tại Derry, Bắc Ái Nhĩ Lan, tới năm 1998 và làm việc tại một trung tâm nhân quyền ở Belfast.
Từ 1998-2001, là giám đốc điều hành của Fellowship of Reconciliation, một tổ chức hòa bình liên tôn lớn nhất Hoa Kỳ, đặt căn cứ tại Nyack, NY. Năm 1999, hướng dẫn một phái đoàn các khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình thăm Iraq, và một phái đoàn liên tôn khác đi thăm Palestine/Israel.
Ngay sau ngày 11 tháng Chín, 2001, Dear là phối trí viên các tuyên úy của Hồng Thập Tự tại Trung Tâm Trợ Giúp Gia Đình ở Manhattan và đích thân ủy lạo hàng ngàn thân nhân và nhân viên cấp cứu. Từ 2002 tới 2004, làm cha xứ của 5 giáo xứ tại vùng sa mạc thuộc đông bắc New Mexico, và thành lập Pax Christi cho vùng này.
Năm 2006, hướng dẫn cuộc biều tình chống chiến tranh Iraq ở Santa Fe, New Mexico. Năm 2009, tham gia Creech 14 trong cuộc biểu tình bất tuân dân sự chống việc sử dụng máy bay không người lái tại Afghanistan và Pakistan, bị bắt và bị giam tại nhà tù Clark County, Nevada, 1 đêm.
Ngoài rất nhiều “tour” diễn thuyết khắp nơi, kể cả Úc Châu, Dear viết một mục hàng tuần cho tờ National Catholic Reporter và thường xuyên viết cho các tờ The New York Times và The Washington Post. Nhận nhiều giải thưởng hòa bình, trong đó có đề nghị nhận giải Nobel về hòa bình do tổng giám mục Tutu đề nghị, vì coi Dear “là hiện thân của người kiến tạo hòa bình”.
Nhưng cha bị trục xuất khỏi Dòng Tên ngày 20 tháng Mười Hai, năm 2013 vừa qua. Trong bài trần tình “Bỏ Dòng Tên sau 32 năm”, Dear cho biết tâm hồn mình nặng trĩu buồn và cho biết “Sau 3 năm biện phân, tôi ra đi vì Dòng Tên tại Hoa Kỳ đã thay đổi quá nhiều kể từ ngày tôi gia nhập năm 1982 và vì các bề trên Dòng Tên của tôi đã hết sức cố gắng suốt trong nhiều thập niên qua nhằm kết thúc công trình phục vụ hòa bình của tôi, gần đây nhất, khi cha bề trên tỉnh ra lệnh cho tôi trở về Baltimore mà không chỉ định cho tôi làm gì cả và theo tôi, đã thực sự khuyến khích tôi ra đi, như nhiều bề trên khác từng làm trong quá khứ”.
Dear cũng cho rằng Dòng tên tại Hoa Kỳ đã từ bỏ cam kết đối với một “đức tin phục vụ công lý”. Nó cũng gia tăng sự liên lụy của nó với nền văn hóa chiến tranh và giảm thiểu việc phục vụ người nghèo để phục vụ các đại học và trung học.
Tuy nhiên, vì sự kình chống với giáo quyền tại New Mexico, giám tỉnh Dòng Tên tại Maryland đã triệu cha Dear về lại Baltimore và chỉ định cha dạy tại một trung học của Dòng. Ở đó được 5 tháng, cha tự ý bỏ đi, trở lại New Mexico, “tiếp tục việc biện phân, yêu cầu được ra đi, và tuần này, rời khỏi Dòng. Tôi vẫn là một linh mục Công Giáo nhưng không có các năng quyền linh mục. Tôi nghi ngại rằng không một giám mục Hoa Kỳ nào cho tôi năng quyền này cả vì phần lớn phản đối việc chống chiến tranh và bất công của tôi, bởi thế tôi không chắc tôi sẽ còn là một linh mục nữa không”.
Nhiều người không đồng ý khi Dear cho rằng với Dòng Tên, việc giúp người nghèo và nền học vấn Công Giáo loại trừ lẫn nhau. Vì thực sự Dòng Tên song song thi hành cả hai thừa tác vụ ấy bên cạnh người nghèo và bên cạnh giới trẻ. Con số học bổng cấp cho các học sinh nghèo của Dòng Tên không ai cho là ít ỏi cả. Vả lại, không ai quên sự hiện diện của những trung học như Cristo Rey của Dòng Tên chuyên phục vụ các gia đình di dân của Chicago. Và chương trình giáo dục ở đây đã trở thành kiểu mẫu cho 25 trường khác phục vụ các cộng đồng có lợi tức thấp.
Dĩ nhiên Dòng Tên có nhiều nan đề, nhưng bảo họ từ bỏ người nghèo thì e là một vu khống. Một người “ương ngạnh không vâng lời” như Dear thì quả Dòng Tên khó mà chấp nhận, dù ông rất nổi tiếng. Chắc chắn một điều, Dear chưa nổi tiếng bằng Teilhard de Chardin, nhưng khi bề trên bảo de Chardin im tiếng, ngài đã im tiếng bởi biết mình chẳng xứng đáng gì hơn cô em gái dốt nát nằm liệt giường mà vẫn ca ngợi Đấng Hóa Công.
Thế căng thẳng
Một tu sĩ Dòng Tên khác, trong những ngày gần đây, đã nhận định về Dòng Tên như sau: nó luôn ở thế căng thẳng. Tu sĩ đó chính là Jorge Mario Bergoglio, tức Đức Phanxicô.
Thực vậy, trong bài giảng tại nhà thờ Gesu, nhà thờ mẹ của Dòng Tên, tại Rôma hôm 3 tháng Giêng vừa qua, ngài nói: “Các Tu Sĩ Dòng Tên chúng ta là những người luôn căng thẳng. Chúng ta cũng là những con người mâu thuẫn và những kẻ tội lỗi tạp nham, tất cả chúng ta đều thế hết. Nhưng chúng ta là những con người muốn bước đi dưới ánh mắt Chúa Giêsu”.
Mà “trái tim chúa Giêsu là trái tim Thiên Chúa, Đấng, vì yêu thương, đã tự ‘làm rỗng’ mình. Mọi tu sĩ Dòng Tên chúng ta muốn theo Chúa Giêsu phải sẵn sàng ‘tự làm rỗng’ mình. Chúng ta được mời gọi tự hạ mình: trở thành những người tự làm rỗng mình”.
Theo ngài, các tu sĩ Dòng Tên “phải trở nên những người không được sống cuộc sống tập chú vào chính mình, vì trung tâm của Dòng Tên là Chúa Kitô và Giáo Hội của Người”. Ngài cũng cho các tu sĩ Dòng Tên hay: “Người là vị Thiên Chúa luôn làm ta ngạc nhiên”. Vì “đường lối Người không phải là đường lối của ta”. Không hẳn vì ta không hiểu được điều Người nói với ta về chính Người. Nhưng một khi nắm được chút ít điều Người mạc khải cho ta, thì luôn có nhiều điều khác ta không thể tưởng tượng được. Thành thử “nếu Thiên Chúa, Đấng tạo ngạc nhiên, không ở trung tâm, Dòng Tên sẽ mất hướng”.
Mất hướng ra sao? Đối với Đức Phanxicô, “làm tu sĩ Dòng Tên có nghĩa là làm một người có tư tưởng chưa hoàn tất, có tư tưởng luôn mở ra”. Nhưng há đây không phải là chủ nghĩa duy tương đối? Không hẳn, vì “Ta phải luôn suy nghĩ bằng cách nhìn về phía chân trời là vinh quang Thiên Chúa, một vinh quang luôn trở nên lớn lao hơn. Và điều này làm ta ngạc nhiên khôn nguôi”. Thánh Tôma Aquinô từng nói về Thiên Chúa như “chân trời” của hữu thể.
Ngạc nhiên khôn nguôi là cái gì? Chính là “trũng lớn” (chasm) hay xoáy nước lớn trong hiện tượng không thể nghỉ yên của ta. “Đó chính là sự không nghỉ yên thánh thiện và đẹp đẽ của ta”. Nó chính là sự không nghỉ yên của Thánh Augustinô, một sự không nghỉ yên được gặp gỡ mọi điều tốt đẹp chỉ để thấy rằng dù chúng đều tốt cả, nhưng không làm ta thoả mãn. Ta được dựng nên để sống giữa mọi điều tốt đẹp này, để tạo ra số phận ta tại đó, giữa chúng. Ta được sử dụng chúng; đúng ra, được thưởng ngoạn chúng. Nhưng rồi đến lúc, từng điều một, ta sẽ thấy chúng không phải là Thiên Chúa, không phải là điều hay là đấng ta kiếm tìm.
Như thế, “sự không nghỉ yên này chuẩn bị ta tiếp nhận hồng ân phong phú tông truyền”. Ta nên để ý đây là một ân phúc, ta không tự bịa đặt ra nó được. Ta phải bé nhỏ đi. “Không có sự náo nức bồn chồn này, ta sẽ cằn cỗi vô sinh”. Quả là những lời thẳng thắn. Không lạ gì vị giáo hoàng này luôn dùng thời gian để kích thích ta ra khỏi não trạng ngủ mê để thấy được điều mình không thể tìm thấy nơi những người ở chung quanh, trong những ơn phúc ta đã nhận được.
Chính vì thế, Đức Phanxicô khuyên các tu sĩ Dòng Tên “đức tin chân chính của ta luôn hàm nghĩa một khát vọng sâu xa muốn thay đổi thế giới. Ta phải tự hỏi mình: chúng ta có những viễn kiến và quan điểm lớn lao không? Chúng ta có liều lĩnh không? Các giấc mơ của ta có vươn cao hơn không?”. Ở đây, Đức Phanxicô muốn ám chỉ Thánh Vịnh 69 nói tới lòng nhiệt thành thiêu đốt ta. Ngài sợ ta dám chọn làm người “tầm thường, tự bằng lòng trong cái phòng thí nghiệm tông truyền tự mình sáng chế ra”. Nhưng ngài cũng không phải là một nhà ý thức hệ ảo tưởng chỉ biết nhìn trần gian.
Ta cần nhớ rằng “sức mạnh của Giáo Hội không ngụ trong chính Giáo Hội hay trong khả năng tổ chức của nó mà dấu ẩn nơi thẳm sâu Thiên Chúa”. Đó chính là lý do khiến “chúng ta luôn căng thẳng”. Không phải vì nay ta biết nhiều hay làm được nhiều. Mà vì Thiên Chúa luôn luôn làm ta “ngạc nhiên” bởi việc vẫn để lại nhiều việc để ta phải làm và nhiều điều hơn nữa để ta biết. Trên bình diện tức khắc của đời thực, ta phải ý thức được tính hữu hạn của mình.
Người ta sợ cha Dear thiếu ý thức này nhất là thiếu ý thức rằng ta được dựng nên không phải cho ta mà là cho Chúa, mà Chúa là Đấng luôn làm ta “ngạc nhiên”, nên ta luôn không cảm thấy mình được nghỉ yên cho tới khi nghỉ yên trong Chúa, như Thánh Augustinô nói. Chính vì thế, Linh mục James V. Schall, S.J., khi tường thuật bài giảng của Đức Phanxicô, đã gọi nó “không phải là một bài giảng về sự nghèo khó Phan Sinh, về việc thuyết giảng Đa Minh, về “ora et labora” (cầu nguyện và làm việc) Biển Đức, mà là về sự “không nghỉ yên” (restlessness) của Thánh Augustinô: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa và trái tim chúng con sẽ không được nghỉ yên cho tới lúc được an nghỉ trong Chúa”.
Cuối cùng thì những điều Đức Phanxicô nhắn nhủ các tu sĩ Dòng Tên, ngài cũng muốn nói với tất cả chúng ta. Ta đã được dựng nên để làm gì? Tại sao ta luôn cảm thấy bồn chồn náo nức trong trái tim và linh hồn ta? Chính vì từ nguyên thủy, ta được dựng nên không phải cho ta mà là cho Thiên Chúa, cho sự sống đời đời của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong diễn tiến của thời gian, những ai chọn sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi hơn chọn sự sống mình luôn ngạc nhiên tại sao trái tim họ bồn chồn náo nức, không yên.
Như Đức Phanxicô chỉ ra, họ bị “ngạc nhiên” khi thấy câu trả lời đích thực cho sự không nghỉ yên của họ không phải là điều họ tự bịa đặt ra. Nó là một ơn phúc họ phài chờ mong và dự ứng. Và khi nhận được ân phúc này, họ tiếp nhận nó không phải từ chính họ mà là cho chính họ. Chỉ khi ấy, sự không nghỉ yên mới kết thúc.
http://conggiao.info/news/810/20762/duc-phanxico-dong-ten-luon-o-the-cang-thang.aspx
Vũ Văn An