Truyền thống Giáng Sinh trên thế giới.

Trong thời gian cận kề ngày lễ Giáng Sinh, dân số tại Rôma đông đảo hẳn lên với các khách hành hương đổ về Vatican để tham dự Thánh Lễ Nửa Đêm với Đức Giáo Hoàng. Vào buổi sáng ngày Giáng Sinh, đông đảo các tín hữu Italia và khách hành hương sẽ tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô để nhận phép lành kèm theo ơn Toàn Xá của Đức Thánh Cha và lắng nghe ngài đọc thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi: gởi dân thành Rôma và thế giới.

Truyền thống Giáng Sinh trên thế giới

1. Giáng Sinh tại Thánh Địa
Đối với nhiều người Palestine, mùa Giáng Sinh là mùa đầy hy vọng nhất trong một năm mặc dù bầu khí lễ hội vẫn chưa được tưng bừng như trong thời gian trước cuộc nổi dậy Intifida lần thứ hai của người Palestine kéo dài từ tháng 9 năm 2000 đến năm 2005.

Mùa hy vọng này được bắt đầu cả tháng trước lễ Giáng Sinh, tức là vào ngày lễ Thánh Catherine thành Alexadria hôm 25 tháng 11, khi các khách hành hương bắt đầu kéo đến Bethlehem đông đảo mang theo nguồn lợi tức đáng kể cho dân chúng địa phương. 

Dịp lễ Phục Sinh cũng là một thời gian có đông khách hành hương. Tuy nhiên, các nghi thức chỉ tập trung tại nhà thờ Mộ Chúa tại Giêrusalem và nhà thờ Emmau. Trong thời gian này cũng diễn ra Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Vì lý do an ninh, nên trong dịp đó sự di chuyển của người Palestine và của các du khách gặp nhiều phiền toái. 

Bethlehem thuộc vùng Tây Ngạn cách Jerusalem 10km về phía Nam. Sau cuộc chiến 6 ngày hồi năm 1967, Israel đã đơn phương sát nhập khu vực đông Jerusalem vào lãnh thổ của mình. Cho nên, tuy chỉ cách 10km nhưng Bethlehem thuộc về lãnh thổ của Palestine, trong khi Jerusalem thuộc Israel.

Vào buổi chiều Lễ Vọng Giáng sinh, một cuộc diễu hành đông đảo với những tiếng kèn truyền thống của người Anh. Lý do giải thích sự hiện diện của loại kèn này là vì quân đội Anh đã chiếm đóng khu vực này từ năm 1920 cho đến năm 1948. 

Đỉnh cao trong đêm cực thánh là Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh do Đức Thượng Phụ Thành Jerusalem chủ sự cùng với các hiệp sĩ Thánh Mộ tại nhà thờ Bethlehem được xây dựng ngay tại địa điểm Chúa Giêsu được sinh ra. 

Theo hiệp ước Nguyên Trạng, Giáo Hội Công Giáo Rôma, Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp và Giáo Hội Armenia Tông Truyền cùng quản lý ngôi nhà thờ này. Tuy nhiên, thánh lễ Vọng Giáng Sinh sẽ diễn ra với đầy đủ các nghi thức và kéo dài bao lâu cũng được vì Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp và Giáo Hội Armenia Tông Truyền cử hành lễ Vọng Giáng Sinh vào ngày 6 tháng Giêng vì họ tính các ngày lễ theo lịch Julian trong khi Giáo Hội Công Giáo dùng lịch Gregorian.

Sau thánh lễ, mọi người lại kéo nhau hát mừng Giáng Sinh tại quảng trường Máng Cỏ ngay bên cạnh nhà thờ.

2. Giáng Sinh tại Italia 
Mùa Giáng Sinh ở Ý thường kéo dài trong ba tuần, bắt đầu từ 8 ngày trước lễ Giáng Sinh tức là ngày 16 tháng 12. Thời gian này được biết đến với tên gọi là Novena, nghĩa là Tuần Bát Nhật. Hình ảnh quý vị đang thấy đây là cuộc diễn hành khổng lồ của các ông già và cả những bà già Noel tại Riccione một thành phố thuộc tỉnh Rimini ở phía Bắc nước Ý, nơi đã phải gánh chịu một trận động đất lên đến 5.8 độc Richter hôm 29 tháng 5 vừa qua. 

Trong Tuần Bát Nhật mừng Chúa Giáng Sinh này, trẻ em đi từ nhà này sang nhà khác đọc các bài thơ và hát ca khúc Giáng Sinh.

24 tiếng đồng hồ trước lễ Giáng Sinh, các tín hữu thường ăn uống nhiệm nhặt các loại bánh ngọt và chololate cho qua bữa. Sau khi đi nhà thờ dự lễ Nửa Đêm về, món ăn truyền thống mừng Lễ Giáng Sinh thường được đi kèm với món thịt lươn.

Trong thời gian cận kề ngày lễ Giáng Sinh, dân số tại Rôma đông đảo hẳn lên với các khách hành hương đổ về Vatican để tham dự Thánh Lễ Nửa Đêm với Đức Giáo Hoàng. 

Vào buổi sáng ngày Giáng Sinh, đông đảo các tín hữu Italia và khách hành hương sẽ tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô để nhận phép lành kèm theo ơn Toàn Xá của Đức Thánh Cha và lắng nghe ngài đọc thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi: gởi dân thành Rôma và thế giới.

3. Giáng Sinh tại Á Căn Đình

Giáng Sinh tại Á Căn Đình quê hương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô được ghi đậm nét với thánh lễ Nửa Đêm trong đó các thành viên của gia đình đi dự lễ chung với nhau. 

Vào lúc nửa đêm, cả nhà quây quần ăn tối với nhau. Thức ăn truyền thống là bánh mì nướng, gà tây và những thức ăn ngọt như rượu táo và nước trái cây. Hàng tháng trước ngày lễ Giáng Sinh, các bà nội trợ bận rộn làm món rượu táo để trong buổi tối Giáng Sinh các loại trái cây tươi sẽ được cắt thành miếng trộn với rượu táo và nước trái cây. Bên cạnh đó các bà còn chuẩn bị những món như cà chua nhồi, và bánh nướng thịt băm.

Sau bữa ăn tối, những người trẻ tuổi kéo nhau đi xem pháo hoa mừng Chúa Giáng Sinh. 

4. Giáng Sinh tại Pakistan
Nếu như tại Đức và may mắn thay là tại nhiều nơi khác nữa trên thế giới Mùa Giáng Sinh được xem là Mùa An Bình, vui tươi và hy vọng thì vẫn còn nhiều vùng trên thế giới, cảm nhận này không có nơi các Kitô hữu. Pakistan là một ví dụ điển hình.

Tại Pakistan từ đầu tháng 12, không khí lễ hội và nghỉ ngơi cũng có thể cảm nhận được dễ dàng trong xã hội, cả ở thành thị lẫn nông thôn. Tuy nhiên, không phải người ta chào đón Giáng Sinh. Tháng 12 và tháng Giêng là mùa cưới tại Pakistan. Quý vị và anh chị em đang theo dõi cảnh một đám cưới truyền thống tại Pakistan.

Ngày 25 tháng 12 là ngày quốc lễ của Pakistan. Nhưng mà không phải vì là ngày lễ Giáng Sinh. Đó là ngày sinh của Muhammad Ali Jinnah người được coi là cha già dân tộc. Ông là một luật sư danh tiếng sinh ngày 25 tháng 12 năm 1876 và qua đời ngày 11 tháng 9 năm 1948 sau khi đã là Tổng Toàn Quyền đầu tiên của nước Pakistan độc lập.

Đối với người Kitô hữu mùa Giáng Sinh thường là mùa của âu lo trước những cuộc tấn công khủng bố của những người Hồi Giáo quá khích: nhà thờ bị đặt bom, bị ném lựu đạn khi đang dâng thánh lễ, và các thiếu nữ bị hãm hiếp trên đường đến nhà thờ cũng như sau thánh lễ. Thánh lễ Giáng Sinh, do đó, thường được tổ chức từ 6 giờ tối và khoảng 7 giờ tối đêm 24 các nhà thờ đều đã đóng cửa tắt đèn.

Đây là câu chuyện về một thiếu nữ Công Giáo. Cô bị 4 tên côn đồ quá khích hãm hiếp. Người ta khuyên cô nếu là thiếu nữ nết na thì nên câm miệng lại cam chịu trước nỗi bất hạnh của mình. Không chịu khuất phục, cô thưa những tên côn đồ ra trước tòa. Không một tên nào chịu bất cứ hình phạt nào của pháp luật. Ngược lại, cha và anh cô lần lượt bị giết.

Tuy nhiên, đồng tiền có hai mặt. Cũng có những tín hiệu tích cực từ những giới trẻ Hồi Giáo, những người có ăn học. Các bạn trẻ này đang giúp thu dọn những đổ nát và họ mang theo bích chương đòi hỏi sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng cho các tín hữu không Hồi Giáo.

5. Giáng Sinh tại Đức
Tại Đức việc chuẩn bị Giáng sinh thường được bắt đầu từ đầu tháng 12. Mọi người thường dành riêng các buổi tối cho việc nướng bánh ngọt có tẩm gia vị và bánh bích quy, làm quà tặng và đồ trang trí. Quà tặng truyền thống của Giáng sinh thường là những con búp bê và trái cây. Người Đức thường thích các loại bánh ngọt hình cây Giáng sinh, được gọi là Christbaumgeback, làm từ một loại bột trắng có thể được đúc thành các hình dạng khác nhau trước khi đem nướng rồi trưng ở trên cây thông Giáng Sinh. 

Truyền thống văn hóa Đức tin rằng Chúa Hài Đồng sẽ gửi một sứ giả đến trong đêm Giáng sinh. Vị này sẽ hiện ra dưới dạng một thiên thần trong một chiếc áo choàng trắng, đeo vương miện và đem theo quà tặng. Thiên thần này được gọi là Christkind. 

Trẻ em thường để thư trên cửa sổ cho Christkind. Đôi khi chữ nghĩa trên thư được trang trí với keo có rắc đường để làm lá thư lóng lánh.

Bên cạnh Christkind, người Đức cũng có ông già Noel gọi là Weihnachtsmann.

Những ai không có nhiều giờ làm bánh và chuẩn bị các loại quà tặng thì có thể mua tại các chợ đặc biệt chỉ nhóm trong dịp lễ Giáng Sinh.

Một vài gia đình người Đức có tới vài cây Giáng sinh, và ở khắp các thị trấn trên toàn nước Đức mọi người có thể nhìn thấy những cây này lấp lánh và toả sáng. Người Đức thường đặt trên bàn vòng hoa mùa vọng có bốn cây nến đỏ nằm chính giữa. Họ đốt một cây nến cho mỗi ngày Chúa Nhật và cây cuối cùng được thắp vào đêm trước ngày Giáng sinh. Trẻ em thường đếm từng ngày cho đến ngày Giáng sinh bằng cách sử dụng một lịch Mùa Vọng. Mỗi ngày có một hình ảnh Giáng Sinh bên trong. 

Vào lễ Hiển Linh, trẻ em ăn mặc như Ba Vua đến từ nhà để hát gây qũy cho các chương trình bác ái của Giáo Hội Đức.

6. Giáng Sinh tại Trung quốc
Nếu như tại Pakistan, Hội Thánh Chúa bị đàn áp thẳng tay thì tại Trung Hoa ngày nay tình hình có phần tế nhị hơn.

Ngày 25 tháng 12 năm 2011, trên tờ báo trực tuyến China Daily cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc, người ta nhìn thấy một hàng chữ thật to Merry Christmas. Trong khi những người vô thần Trung Quốc Merry Christmas thật to như thế thì trên trang chủ Google, người ta đọc được hàng chữ Happy Holiday. Thật là đáng buồn khi thế giới tự do với căn cội Kitô Giáo giờ đây né tránh không dám đề cập đến biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế làm người và cư ngụ giữa chúng ta.

Khắp đường phố Bắc Kinh cũng trăng đèn kết hoa không thua gì New York hay các thành phố Tây phương.

Tuy nhiên, các tín hữu tại Trung Hoa chỉ xem những hình thức bề ngoài này là “ảo ảnh cuộc đời”

Thật vậy, sau 58 năm bách hại đạo thánh Chúa, trên trang nhất số ra ngày 24/12/2007, tờ Daily News ấn bản Anh ngữ hàng ngày của cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung quốc, là một hàng chữ đậm, to “Merry Christmas”. Đó là một chuyện lạ.

Reinhard Krause, phóng viên Reuters, còn ghi nhận một sự kiện lạ khác.Tại một nhà thờ nhỏ trong làng Cao Gia Bảo gần thành phố Thái Nguyên, thuộc tỉnh Sơn Tây, Reinhard Krause chứng kiến 20 trẻ em từ mới sinh cho đến 10 tuổi đã được rửa tội trong Đêm Giáng Sinh 24/12/2007.

Trước thánh lễ, Reinhard Krause còn có cả một buổi trình diễn văn nghệ Mừng Chúa Giáng Sinh bên ngoài nhà thờ với sự tham dự của đông đảo người lớn và trẻ con trong làng. Đa số trong họ không phải là Công Giáo. Thậm chí, sau lễ người ta còn bắn pháo bông chào mừng lễ Giáng Sinh nữa. 

Các tín hữu và cả nhiều linh mục bắt đầu tin rằng có tự do tôn giáo rồi. Nhiều linh mục hầm trú bắt đầu kéo nhau ra trình diện đăng ký xin giấy phép hành nghề linh mục. 

Vì dễ tin như thế nên số linh mục bị bắt trong năm 2008 bằng với tổng số tất cả các vị mục tử bị bắt trong vòng một phần tư thế kỷ trước đó.

Theo Vietcatholic.