Hai điểm nổi bật của Niềm Vui Tin Mừng

Niềm Vui Tin Mừng không nhất thiết trái ngược với huấn quyền của Đức Gioan Phaolô II và của Đức Bênêdíctô XVI, nhưng chắc chắn nó có điểm khác. Vì ở đây, Đức Phanxicô rõ ràng có thiện cảm đối với tính đa nguyên trong các hình Giáo Hội, dựa theo mẫu các nền văn hóa địa phương...

Hai điểm nổi bật của Niềm Vui Tin Mừng
Vũ Văn An

Dành nhiều độc lập hơn cho các hội đồng giám mục các nước và dành nhiều không gian hơn cho các nền văn hóa, đó là hai điểm nổi bật của Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng vừa được Đức Phanxicô công bố. 

Điểm thứ nhất cũng là điểm gây chú ý giới truyền thông hơn cả. Nó đề cập tới cả việc thi hành quyền tối thượng của giáo hoàng lẫn thẩm quyền của các hội đồng giám mục. Điểm thứ hai liên quan đến mối liên hệ giữa Kitô Giáo và các nền văn hóa. 

1. Ngôi vị giáo hoàng và Giáo Hội các nước

Về vai trò Đức Giáo Hoàng, Đức Phanxicô cho rằng Đức Gioan Phaolô II có công dọn đường cho một hình thức mới của việc thi hành quyền tối thượng. Nhưng ngài than phiền rằng “chúng ta thực hiện được rất ít tiến bộ trong phương diện này” và hứa rằng ngài có ý định tiến hành mạnh mẽ hơn nữa để có được một hình thức giáo hoàng “trung thành hơn với ý nghĩa mà Chúa Giêsu Kitô vốn muốn đem lại cho nó và với các nhu cầu hiện nay của công cuộc phúc âm hóa”. 

Tuy nhiên, trong khi tỏ ra vẫn mập mờ phần nào đối với ngôi vị giáo hoàng và từ trước đến nay xem ra vẫn tự đưa ra phần lớn các quyết định, Đức Phanxicô đã dùng Niềm Vui Tin Mừng để nói khá rõ về thẩm quyền của các hội đồng giám mục các nước. 

Tại đoạn 32, ngài viết như sau: “Công Đồng Vatican II tuyên bố rằng, giống các Giáo Hội thượng phụ ngày xưa, các hội đồng giám mục đang ở vị trí ‘đóng góp nhiều cách có hiệu quả vào việc thể hiện một cách cụ thể tinh thần hợp đoàn’. Ấy thế nhưng ước nguyện này vẫn chưa được thể hiện hoàn toàn, vì địa vị pháp chế của các hội đồng giám mục, một địa vị muốn thấy chúng như chủ thể của những đặc qui chuyên biệt, trong đó có thẩm quyền thực sự về tín lý, vẫn chưa được chi tiết hóa đầy đủ. Việc tập trung quyền hành thái quá, thay vì đem lại lợi ích, đã làm phức tạp đời sống Giáo Hội và việc vươn ra truyền giáo của Giáo Hội”. 

Trong một ghi chú, Đức Phanxicô nhắc đến tự sắc Apostolos Suos năm 1998 của Đức Gioan Phaolô II liên quan tới “bản chất thần học và pháp chế của các hội đồng giám mục”. Nhưng nếu đọc kỹ văn kiện này, ta sẽ thấy nó chỉ đặc qui cho hội đồng giám mục các nước một chức năng hoàn toàn có tính thực tế, có tính hợp tác, của một cơ phận đơn giản chỉ có tính phụ thuộc, làm trung gian giữa hợp đoàn giám mục toàn thế giới với Đức Giáo Hoàng một bên, (chỉ “có hợp đoàn tính” mới được tuyên bố là có nền tảng thần học), và từng giám mục riêng rẽ với thẩm quyền đối với giáo phận của ngài một bên. 

Trên thực tế, tự sắc Apostolos Suos mạnh mẽ giới hạn “thẩm quyền thực sự về tín lý” mà Đức Phanxicô cho biết ngài muốn ban cho các hội đồng giám mục. Nó ấn định rằng nếu thực sự cần phải ban hành các tuyên bố về tín lý, thì việc này phải được thực hiện với sự chấp thuận nhất trí và trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và toàn thể Giáo Hội, hay ít nhất “với đa số thực chất” sau khi được Tòa Thánh xét duyệt và cho phép. 

Tự sắc Apostolos Suos có cảnh giác nguy cơ này: các hội đồng giám mục rất có thể ban hành các tuyên bố về tín lý mâu thuẫn nhau và mâu thuẫn với huấn quyền phổ quát của Giáo Hội. 

Một nguy cơ khác mà tự sắc muốn tránh là việc tạo ra ly cách và xung khắc giữa từng Giáo Hội quốc gia và Rôma, như đã xẩy ra trước đây tại Pháp với “Pháp Giáo” (Gallicanism) và như đang xẩy ra trong Chính Thống Giáo với nhiều Giáo Hội quốc gia tự trị. 

Tự sắc trên tuy mang chữ ký của Đức Gioan Phaolô II, nhưng khuôn khổ của nó là của người từng là bộ trưởng tín lý đầy tin tưởng của ngài, tức Đức Hồng Y Joseph Ratzinger. 

Như ai cũng biết, Đức HY Ratzinger từ lâu vốn chỉ trích mạnh mẽ các siêu quyền mà một số hội đồng giám mục tự gán cho mình, nhất là tại một số quốc gia, trong đó có quê hương Đức của ngài. 

Trong cuộc phỏng vấn gây chấn động vào năm 1985, được đăng tải dưới tên “Phúc Trình Ratzinger”, ngài cương quyết chống lại ý niệm cho rằng Giáo Hội Công Giáo nên trở thành “một thứ liên bang các Giáo Hội quốc gia”. 

Ngài tố cáo rằng thay vì “dứt khoát nhấn mạnh một cách mới mẻ tới vai trò của các giám mục” như Vatican II mong muốn, thì các hội đồng giám mục đã “bóp nghẹt” các giám mục với các cơ cấu bàn giấy nặng nề của chúng. 

Ngài cho biết thêm: “quyết định chung lúc nào cũng là điều kỳ diệu”, nhưng “sự thật không thể được tạo ra bằng các lá phiếu” cả vì “tinh thần phe nhóm và thậm chí có lẽ cả ước muốn có được một sinh hoạt thầm lặng êm ả hay chủ nghĩa tòng phục (conformism) sẽ dẫn đa số tới việc chấp nhận các chủ trương của một số thiểu số làm đủ cách để theo đuổi cho bằng được các mục tiêu rõ rệt” lẫn vì “việc tìm kiếm thỏa thuận giữa các khuynh hướng khác nhau và việc cố gắng làm trung gian thường đẻ ra những văn kiện vô hồn trong đó các chủ trương cương quyết (tại nơi chúng có thể thật cần thiết) bị làm yếu đi”.

Theo Sandro Magister, Đức Gioan Phaolô và Đức Bênêđíctô XVI sau ngài thường gán cho các giám mục và phần lớn các hội đồng giám mục thế giới một vai trò khiêm nhường. Và các ngài hành động theo suy tư ấy. Các ngài coi mình như người lãnh đạo và trong một số trường hợp, như tại Ý chẳng hạn, đã không ngần ngại can thiệp để thay đổi cấp lãnh đạo và lệnh lạc hành động. 

Với Đức Phanxicô, các hội đồng giám mục có thể được thừa nhận nhiều thẩm quyền lớn hơn. Điều đáng lưu ý là các giám mục Đức gần đây đã công khai có những động thái khác lạ về một số vấn đề, từ tiêu chuẩn quản trị giáo phận tới việc cho các cặp ly dị tái hôn rước lễ. Riêng vấn đề sau, ta hy vọng sẽ được hai Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới trong các năm 2014 và 2015 đem ra thảo luận và đưa ra nhiều quyết định theo chiều hướng thêm quyền cho các hội đồng giám mục địa phương. 

2. Kitô Giáo và các nền văn hóa

Trong các đoạn từ 115 tới 118 của Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Phanxicô nhấn mạnh tới ý niệm này: “Kitô Giáo không đơn giản chỉ có một lối phát biểu văn hóa” vì kể từ lúc khai sáng, “nó đã được nhập thể vào mọi dân tộc trên mặt đất, mỗi dân tộc đều có nền văn hóa riêng của họ”. 

Nói cách khác, “Ơn thánh giả thiết văn hóa, và ơn phúc của Thiên Chúa đã thành xác thân trong nền văn hóa của những ai tiếp nhận nó”. Hệ luận là “dù một số nền văn hóa quả có liên hệ gần gũi với việc rao giảng Tin Mừng và với việc triển khai tư tưởng Kitô Giáo, nhưng sứ điệp mạc khải thì không đồng nhất với bất cứ nền văn hóa nào; nội dung của nó có tính vượt trên văn hóa (transcultural)”. 

Khi chủ trương điều trên, Đức Phanxicô xem ra muốn ủng hộ những ai chủ trương rằng việc công bố Tin Mừng có sự tinh tuyền tinh khôi riêng của nó, tách biệt hẳn đối với bất cứ vấy độc văn hóa nào. Một sự tinh tuyền cần được tái lập cho nó, giải thoát nó một cách chủ yếu khỏi các ràng buộc “Tây Phương” của ngày qua và của hôm nay, và cho phép nó tự “hội nhập” vào các tổng hợp mới với các nền văn hóa khác. 

Nhưng đặt trong các hạn từ trên, mối liên hệ giữa Kitô Giáo và các nền văn hóa không lưu ý mấy tới mối liên kết vô hình giữa đức tin và lý trí, giữa mạc khải Thánh Kinh và văn hóa Hy Lạp, giữa Giêrusalem và Nhã Điển, mà Đức Gioan Phaolô II đã dành thông điệp “Fides et Ratio" để nói tới, còn Đức Bênêđíctô XVI thì đã hướng trọn bài diễn văn tại Regensburg ngày 12 tháng Chín năm 2006, tựa là “Đức Tin, Lý Trí và Đại Học”, để nói về. 

Đối với Đức Bênêđíctô XVI, mối nối kết giữa đức tin Thánh Kinh và triết lý Hy Lạp là “một thiết yếu nội tại” đã hiển thị không những trong tự ngôn đầy ngạc nhiên của Tin Mừng Thánh Gioan “từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời” mà còn trong cả Cựu Ước, trong lời huyền nhiệm “Ta là Đấng Tự Hữu” của Thiên Chúa nơi bụi gai rực lửa: “một thách thức đối với ý niệm huyền thoại, một thách thức mà cố gắng tiêu diệt và vượt qua huyền thoại của Socrate là một tương tự rất gần gũi”. 

Đức Bênêđíctô cho rằng cuộc gặp gỡ “giữa tinh thần Hy Lạp và tinh thần Kitô Giáo” diễn ra “một cách có tính quyết định đối với việc khai sinh và truyền bá Kitô Giáo”. Và đây là một tổng hợp, theo ngài, cần được bảo vệ chống lại mọi cuộc tấn công mà trong suốt nhiều thế kỷ qua, cho tới tận thời ta, đã nhắm triệt hạ nó, nhân danh việc “phi Hy Lạp hóa Kitô Giáo”

Trong bài diễn văn tại Regensburg, Đức Bênêđíctô nhận định rằng thời ta, cuộc tấn công này được đưa ra “dưới ánh sáng trải nghiệm của ta với chủ nghĩa đa nguyên văn hóa”. Ngài nói: “Ngày nay, người ta hay nói rằng cuộc tổng hợp với văn hóa Hy Lạp trong Giáo Hội sơ khai là cuộc hội nhập văn hóa khởi đầu không có tính trói buộc đối với các nền văn hóa khác. Các nền văn hóa này được quyền trở lại với sứ điệp đơn giản của Tân Ước trước lúc có cuộc hội nhập kia, để hội nhập nó như mới vào nền văn hóa ngay trong môi trường đặc thù của họ. Luận đề này không những sai lạc, mà còn thô thiển và thiếu chính xác nữa. […]Đã đành, có những yếu tố trong diễn biến của Giáo Hội sơ khai không nên hội nhập vào mọi nền văn hóa. Tuy thế, các quyết định căn bản được đưa ra liên quan tới mối liên hệ giữa đức tin và việc sử dụng lý trí nhân bản vốn là thành phần của chính đức tin; chúng là các phát triển phù hợp với bản tính đức tin”. 

Ta thấy về chủ đề chính này, Niềm Vui Tin Mừng không nhất thiết trái ngược với huấn quyền của Đức Gioan Phaolô II và của Đức Bênêdíctô XVI, nhưng chắc chắn nó có điểm khác. Vì ở đây, Đức Phanxicô rõ ràng có thiện cảm đối với tính đa nguyên trong các hình Giáo Hội, dựa theo mẫu các nền văn hóa địa phương. 

Viết theo Sandro Magister, The Federalist Option of the Bishop of Rome, www.chiesa.esspessonline.it, 3.12.2013

Theo Vietcatholic