Đức Maria, mẫu gương ba đức đối thần

Để tiến bộ về ba đức đối thần, chúng ta phải “đánh bật gốc” các thói hư và tật xấu. Hãy thường xuyên lãnh nhận Bí tích Hòa giải, liên lỉ cầu nguyện, xin ơn Chúa. Đồng thời phải nỗ lực thể hiện đức ái với mọi người, nhất là với những người ghét chúng ta. Cuối cùng, hãy cầu xin Chúa ban ơn để chúng ta xa lánh tội lỗi và bỏ các thói xấu...

Đức Maria, mẫu gương ba đức đối thần

Hồi còn trẻ, tôi lần Chuỗi Mân Côi với bà ngoại hoặc các bà khác trong giáo xứ ngay sau Thánh lễ mỗi ngày.

hail-mary.jpg  

 

Trước khi đọc kinh, một người luôn nói: “Chúng ta cùng cầu xin thêm các nhân đức đối thần là đức tin, đức cậy và đức mến”. Điều này gợi sự tò mò của một đứa trẻ 12 tuổi như tôi muốn biết thêm về các nhân đức này. Có hai vấn đề: Chúng ta có ý gì với các đức đối thần? Tại sao Đức Mẹ cầu bầu cho chúng ta về các nhân đức này?

Ba đức đối thần Tin, Cậy, Mến được Thiên Chúa trao ban cho chúng ta và hướng chúng ta tới Thiên Chúa, ngoài khả năng tự nhiên của chúng ta. Thật thích hợp khi chúng ta cầu xin thêm ba nhân đức này nhờ sự cầu bầu của Đức Maria vì Người sở hữu và nêu gương về ba nhân đức này. Đức Mẹ khuyến khích chúng ta trên đường tới sự thánh thiện.

ĐGH Biển Đức XVI đã mở Năm Đức Tin để giúp người Công giáo hiểu thêm về đức tin của mình. Tháng Mười Một này, Năm Đức Tin ở đỉnh cao nhất. Năm Đức Tin được ĐGH Biển Đức XVI kính dâng Đức Mẹ tại Đền thờ Loreto. Trong Tông thư Porta Fidei, ĐGH Biển Đức XVI đã mô tả vai trò của Đức Mẹ trong đời sống của Giáo hội. Thêm vào đó, Đức Mẹ là phần chính của Năm Đức Tin được minh chứng bằng Ngày Thánh Mẫu Đức Tin (Marian Day of Faith) tại Vatican hồi tháng 10-2013 vừa qua. Với điều này, khi chúng ta kết thúc Năm Đức Tin, chúng ta hãy nhìn vào Đức Maria là mẫu gương đức tin, và đặc iệt hơn, Đức Maria là mẫu gương cả ba đức đối thần.

Tin là tín thác vào Thiên Chúa và tin có sự sống vĩnh hằng. Chúng ta nhận tặng phẩm đức tin từ khi lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy. Nếu chúng ta được rửa tội khi còn nhỏ, cha mẹ chúng ta đã thay chúng ta quyết định đón nhận nhận đức này. Đức tin liên quan lý trí (biết các thiên luật) và ý muốn (đồng ý tin). Lý trí giúp chúng ta tán thành những gì không rõ ràng. Lưu ý vài điều đe dọa đức tin: Hoài nghi, tà thuyết, bội giáo, phỉ báng, và báng bổ Chúa Thánh Thần.

Đức Maria có niềm tin sâu thẳm. Khi Sứ thần Gabriel hiện ra thông báo rằng Đức Maria sẽ là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria đã thể hiện đức tin bằng lời “xin vâng” theo Ý Chúa. Đức Mẹ cũng tin vào Con tại tiệc cưới Cana, khi Đức Mẹ can thiệp cho đôi tân hôn vì thấy họ hết rượu. Đức Mẹ tin rằng Chúa Giêsu sẽ giúp vợ chồng trẻ kia. Đức Mẹ cũng giúp chúng ta hiểu biết thêm về Chúa Giêsu. Điều này đã được minh chứng bằng một trong các mối đe dọa đối với đức tin: Tà thuyết. Những năm 400, tà thuyết Nestorianism bác bỏ danh xưng Theotokos đối với Đức Maria (xin xem chú thích bên dưới). Nestorius cho rằng Đức Maria chỉ là Mẹ của Chúa Giêsu về nhân tính. Năm 431, Công đồng Êphêsô đã công bố rằng Ngôi Con mang nhân tính qua Đức Maria, và Đức Maria xứng đáng được tôn xưng là Mẹ Thiên Chúa. Nhờ xác định vai trò của Đức Maria, chúng ta có thể hiểu Chúa Giêsu vai trò của Chúa Giêsu trong việc cứu độ. Đức Mẹ dẫn chúng ta tới đức tin: Per Mariam Ad Jesum – Nhờ Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu.

Đức cậy là đức đối thần thứ nhì – tức là Hy Vọng. Nhân đức này được xác định vì tin Chúa giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc vĩnh hằng. Đức cậy tập trung vào mục đích Nước Trời và biết trước thế giới sẽ đến. Để có thể hy vọng ơn cứu độ và hạnh phúc vĩnh hằng, trước tiên phải có đức tin! Đức cậy cũng có mối đe dọa: Thất vọng hoặc tự phụ. Thất vọng là ít tin hoặc không tin vào Thiên Chúa. Dưới chân Thập giá, Đức Maria là phản đề của sự thất vọng. Khi Đức Mẹ chứng kiến Chúa Giêsu chịu khổ nạn và tắt thở, Đức Mẹ đã không mất niềm tin và hy vọng nơi Thiên Chúa. Đức Mẹ hy vọng sẽ được kết hợp với Chúa Giêsu trên trời.

Có hai mối đe dọa đối với đức cậy: Dục vọng và lười biếng. Cả hai đều liên quan sự lãnh đạm. Nếu tôi đầy dục vọng, sự khao khát tâm linh của tôi bị ngăn cản bằng những ham muốn quá quắt. Tôi thất vọng vì Chúa không ban ơn để tôi đến với Ngài. Nếu tôi lười biếng, tôi không tin tôi có thể vươn tới sự thiện, thế nên tôi không thèm cố gắng. Hãy hướng về Đức Mẹ và thân thưa: “Mẹ ơi, Mẹ là thánh nhân hoàn hảo. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, xin giúp con noi gương Mẹ”. Chúng ta phải cố gắng, nhờ noi gương Đức Mẹ về đường nhân đức, chúng ta sẽ tới gần Chúa Giêsu, và thêm hy vọng được đón nhận ân sủng.

Một cái xấu đối nghịch với đức cậy là lòng tự phụ. Tự phụ là lạm dụng, là hy vọng thái quá, tới mức đánh giá thấp sự công bình và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức Maria được về trời và được thưởng trên trời, điều này tăng niềm hy vọng nơi chúng ta về sự vinh phúc trường sinh mai sau. Lưu ý: Lòng sùng kính có thể thúc đẩy lòng tự phụ vì những lời hứa “gắn liền” với lòng sùng kính nào đó (sùng kính Thánh Tâm, sùng kính Lòng Chúa Thương Xót, sùng kính Đức Mẹ, sùng kính Thánh Giuse, sùng kính Thánh A, Thánh B, Thánh C,…). Tại sao? Vì chúng ta chỉ “chạy” theo “lời hứa” mà không vì yêu mến chân thành. Chỉ lo “số lượng” mà quên “chất lượng”. Đó chỉ là ích kỷ!

Ví dụ: Người ta đeo Áo Đức Bà vì “được” hứa rằng sẽ không phải chịu hình phạt đời đời. Áo Đức Bà “bị” người ta coi là “thẻ miễn tù”, nói cách khác là “thẻ tự phụ”, vì người ta chỉ “bám” vào lời hứa mà thôi. Việc khấn hứa của các tu sĩ, các ban thường vụ (ban hành giáo) hoặc các hội viên các hội đoàn cũng vậy. Chỉ lo “khấn” mà không “hứa” thì chẳng có giá trị gì đối với Thiên Chúa! Tuy nhiên, việc đeo Áo Đức Bà là “thẻ nhớ” có thể dẫn tới lòng trung tín với ơn gọi việc cầu nguyện liên lỉ. Ơn Cứu Độ không thể bị lạm dụng, Áo Đức Bà giúp chúng ta đào sâu đức tin và đức cậy nơi quyền năng của Chúa trong việc cứu độ chúng ta.

Thánh Phaolô phân tích: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13:13). Đức đối thần thứ ba là đức mến (đức ái, yêu thương). Đức mến liên kết với đức tin và đức cậy. Trong ba đức đối thần, đức mến còn mãi, cả khi chúng ta được kết hợp với Thiên Chúa trên Nước Trời. Như vậy, khi người ta trải nghiệm sự sống vĩnh hằng, đức tin và đức cậy không còn cần thiết nữa, chỉ còn lại đức mến mà thôi. Cuối cùng, đức mến “tái sinh” các nhân đức khác. Triết gia Aristotle nói: “Yêu thương là muốn điều thiện cho người khác”. Kitô giáo coi đức ái là yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân vì Chúa. Tình yêu đích thực là bạn hữu với Chúa, tình yêu này thấm nhuần và ảnh hưởng các mối quan hệ khác. Đức Mẹ được coi là mẫu gương về đức mến vì sau khi thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, qua lời truyền tin của Sứ thần Gabriel, Đức Mẹ đã VỘI VÃ lên đường đi thăm người chị họ Ê-li-da-bét đang mang thai 6 tháng trong lúc tuổi già. Đầy tràn tình yêu Thiên Chúa nên Đức Mẹ yêu thương và phục vụ người khác. Các điều đối nghịch đức mến: Lười biếng, ghen ghét, đố kỵ, chia rẽ, ly giáo, tội lỗi, và xúc phạm.

Để tiến bộ về ba đức đối thần, chúng ta phải “đánh bật gốc” các thói hư và tật xấu. Hãy thường xuyên lãnh nhận Bí tích Hòa giải, liên lỉ cầu nguyện, xin ơn Chúa. Đồng thời phải nỗ lực thể hiện đức ái với mọi người, nhất là với những người ghét chúng ta. Cuối cùng, hãy cầu xin Chúa ban ơn để chúng ta xa lánh tội lỗi và bỏ các thói xấu.

Lạy Thiên Chúa, xin cứu thoát các linh hồn, xin canh giữ những người hấp hối, xin nâng đỡ những người đau khổ, và xin hoán cải các tội nhân. Lạy Đức Mẹ, xin cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ chúng con. Amen.

 EDWARD LOONEY

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)

_________________________

Chú thích của người dịch: Nestorianism (học thuyết cảnh giáo) là thuyết của Nestorius, Giáo chủ thành Constantinople, trong những năm 428–431. Thuyết này nhấn mạnh sự tách biệt giữa nhân tính và thần tính của Chúa Giêsu. Thuyết của Nestorius không chấp nhận danh xưng Theotokos (Người Mang Thiên Chúa) dành cho Đức Maria. Nestorius bị lên án tại Công đồng Êphêsô năm 431 và Công đồng Chalcedon năm 451. Nhờ nỗ lực của Ibas, Giám mục thành Êphêsô từ năm 435, và Barsumas, Giám mục thành Nisibis từ năm 457, tà thuyết Nestorius được phát triển thành dạng thần học đầy đủ, rồi chuyển đến Persia và Tiểu Á, nơi có giáo phái nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn. Giáo hội Nestorius vẫn tồn tại tới ngày nay với tên gọi là “Kitô hữu Assyria”.
Sau khi Nestorius bị Giáo hội kết án, nhiều người ủng hộ Nestorius tái lập ở Sassanid, Persia, nơi họ kết hợp với cộng đồng Kitô giáo địa phương, gọi là Giáo hội Đông phương. Các thập niên kế tiếp, Giáo hội Đông phương càng ngày càng giống Giáo hội Nestorius về giáo lý, và biến thành Giáo hội Nestorius.