Những bộ phim tiếp thêm động lực cống hiến cho các nhà giáo

“Stand and Deliver” chứa đựng thông điệp rất hữu ích cho các nhà giáo: “không bao giờ được nghĩ rằng học sinh của mình không thể tiếp thu được”. Bộ phim cũng chứng minh cho chúng ta thấy rằng, chỉ cần có nhiệt huyết và phương pháp đúng đắn, các giáo viên hoàn toàn có thể biến các cô cậu học trò ngỗ nghịch nhất thành các học sinh cần cù, hiếu học...

Những bộ phim tiếp thêm động lực cống hiến cho các nhà giáo

Nhân dịp 20/11 sắp tới, chúng ta hãy cùng điểm qua các bộ phim cảm động về đề tài nhà giáo. Qua các bộ phim này, các thầy cô sẽ thấy được tầm quan trọng, sức ảnh hưởng của mình và từ đó có thêm động lực cống hiến nhiều hơn nữa.

 
1.    Stand and Deliver (1988)

Dựa trên một câu chuyện có thật về thầy giáo Jaime Escalante, “Stand and Deliver” là một trong những bộ phim hay và cảm động nhất về đề tài nhà giáo. Chuyện phim xoay quanh các câu chuyện của  Jaime Escalante - thầy giáo dạy toán  (Edward James Olmos) tại trường trung học East LA.



Jaime Escalante phụ trách một lớp gồm toàn các học sinh bướng bỉnh, thích nổi loạn và ông quyết tâm sẽ giúp họ trở thành những học sinh giỏi. Khi mới nhận lớp, các học sinh rất ghét và không hề tỏ ra tôn trọng ông. Thậm chí, họ còn cười nhạo và đe dọa Jaime Escalante. Nhưng bằng sự nhiệt tình cộng với áp dụng các phương pháp sư phạm tuyệt vời, chẳng hạn như dùng ngôn ngữ hài hước để giảng giải các phạm trù trừu tượng của môn toán, Jaime dần dần thu hút được sự chú ý của học trò. 


 

Với tố chất tuyệt vời của một nhà giáo tận tâm, Jaime nhận thấy rằng học trò của mình có thể đạt được thành tựu xa hơn nữa nếu như ông đặt mục tiêu cao hơn và khuyến khích họ đạt được đó. Cũng chính vì vậy, mặc cho các bạn đồng nghiệp chê cười và nói rằng "ông không thể nào đào tạo được những học trò “ngôc nghếch” như vậy đâu", Jaime vẫn lập một kế hoạch để giúp các học trò của mình ôn luyện cho kì thi AP Calculus.


Và kỳ tích bất ngờ đã đến, tất cả các học trò của ông đều thi đỗ kỳ thi này với điểm số rất cao. Điều này khiến cho mọi người nghi ngờ rằng họ đã gian lận trong thi cử. Khi không một ai tin tưởng vào kết quả của kỳ thi, Jaime đã đứng ra bênh vực cho các học trò của mình, và ông yêu cầu tổ chức kì thi lại. Sau khi kiểm tra lại, các học trò của ông đã thật sự nổi bật và hãnh diện khi tất cả họ đều đạt kết quả rất tốt.

 “Stand and Deliver” chứa đựng thông điệp rất hữu ích cho các nhà giáo: “không bao giờ được nghĩ rằng học sinh của mình không thể tiếp thu được”. Bộ phim cũng chứng minh cho chúng ta thấy rằng, chỉ cần có nhiệt huyết và phương pháp đúng đắn, các giáo viên hoàn toàn có thể biến các cô cậu học trò ngỗ nghịch nhất thành các học sinh cần cù, hiếu học.

2.    Dangerous Minds (1995)


Louanne Johnson (Michelle Pfeiffer thủ vai), một cựu lính hải quân được thuê đến làm giáo viên cho một trường trung học Parkmont. Tại đây, cô được giao một lớp gồm toàn các học sinh ngỗ ngược. Ngày đầu tiên vào lớp, cô nhận được các màn “tiếp đón” rất tai quái từ các cô câu học trò ngang bướng này.





 
Quyết tâm lấy được niềm tin và sự tôn trọng của học sinh, Louanne Johnson đã nhanh chóng thay đổi cách truyền thụ bài giảng của mình. Để tạo cảm giác gần gũi giữa thầy và trò, cô đã ăn mặc theo phong cách rất trẻ trung và còn dạy karate cho học sinh của mình. Thêm vào đó, Louanne Johnson rất khôn khéo trong việc khích lệ các học trò của mình chăm học, chẳng hạn như  thưởng cho học sinh một thanh kẹo và lên tiếng khen ngợi khi học sinh đạt được một thành tích nào đó. Những phương pháp tưởng chừng như rất đơn giản như vậy đã đem lại một kết quả tuyệt vời. Louanne Johnson đã biến những những em học sinh cá biệt, không chịu học hành trở thành những học sinh giỏi, chăm chỉ.




 
Ắt hẳn những ai làm giáo viên khi xem bộ phim này đều như được tiếp thêm động lực để cống hiến hết mình cho nghề nghiệp của mình. Bên cạnh đó, bộ phim “Dangerous Minds” còn muốn truyền đạt thông điệp: chúng ta phải cố gắng hết mình để chiến thắng hoàn cảnh chứ không để hoàn cảnh chế ngự ta.

3.    Mr. Holland's Opus (1995)



Bộ phim “Mr. Holland's Opus” của đạo diễn Stephen Herek là một bộ phim đầy ý nghĩa về đề tài giáo dục. Qua bộ phim, chúng mới thấy hết sức ảnh hưởng to lớn của các giáo viên đối với học sinh. 


Glenn Holland (Richard Dreyfuss thủ vai) vốn là một nhà soạn nhạc và luôn ấp ủ khát vọng có thể sáng tác một kiệt tác. Nhưng do khó khăn về tài chính anh phải đi làm giáo viên dạy nhạc cho một trường trung học. Ban đầu, Glenn Holland đi dạy chỉ với mục đích kiếm tiền, nhưng dần dần anh đam mê với công việc dạy học và rất hứng thú với việc chia sẻ cảm nhận âm nhạc với các học sinh của mình. Glenn Holland nhận thấy rằng công việc giảng dạy của anh cũng có ảnh hưởng và sức lay động tới người khác không hề kém việc soạn nhạc.

 

4.  “To Sir With Love” (1967)

Tuy là một bộ phim được sản xuất khá lâu, nhưng các thông điệp về giáo dục mà “To Sir With Love”đưa ra vẫn hoàn toàn giữ nguyên giá trị của nó.


Mark Thackeray (Sidney Poitier thủ vai) vốn là một kỹ sư nhưng do chưa tìm được việc nên anh nhận lời đến làm giáo viên phụ trách một lớp "quậy" nhất tại một trường học ở phía đông thành phố London. Các học sinh của anh đều là những người rất ngỗ ngược, nổi loạn, luôn đối xử cục cằn, thô lỗ và thậm chí hành hung những người xung quanh họ. 


Nhận thấy rằng việc truyền dậy cách sống và đạo đức còn quan trọng hơn việc chỉ truyền thụ kiến thức trong sách vở, Mark Thackeray đã ném bỏ cuốn chương trình được nhà trường giao cho và tự lập kế hoạch giảng dạy của riêng mình. Anh cho phép các học sinh của mình nhảy nhót khiêu vũ trong lớp học để giúp họ bớt căng thẳng và hung hăng. Mark Thackeray đã khôn khéo giúp cho các học sinh của mình hiểu rằng tôn trọng người khác cũng chính  là tôn trọng bản thân. Và cứ như thế, sự tận tâm và các phương pháp tuyệt vời của anh đã có tác động sâu sắc đến các học sinh và giúp họ dần thay đổi.

Thông điệp của phim “truyền thụ kiến thức phải luôn song hành với việc dạy cách sống, cách làm người” tuy không mới nhưng luôn là một nguyên tắc tối quan trọng của nghề giáo.


5. “The Miracle Worker” (1962) 



Thử tưởng tượng bạn là một cô giáo và phải dạy cho một cô bé bị mù, câm, điếc. Cô bé này tính tình lại rất cổ quái, thất thường, không chịu nghe lời và thậm chí còn đánh bạn nhiều lần. Liệu bạn có đủ kiên nhẫn và tận tâm để giúp cô bé học nữa không, có thể tạo ra kỳ tích hay không? Nhân vật Annie Sullivan trong “The Miracle Worker” đã làm được điều đó.


 
Helen Keller (Patty Duke thủ vai) bị mù, câm và điếc từ nhỏ nên cô không thể giao tiếp với ai. Cũng chính vì thế, cô bé trở nên khó tính, ngang ngược và thích phá phách. Bố mẹ của Helen Keller đã mờiAnnie Sullivan (Anne Bancroft thủ vai) tới để giúp cô. Mới đầu, Helen Keller luôn tỏ ra chống đối và không thèm làm theo những gì Annie Sullivan hướng dẫn, thậm chí còn đánh cô nhiều lần. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì, tình yêu thương, đồng cảm, Annie đã dần dần phá vỡ được sự tối tăm, cô đơn trong thế giới của Helen và giúp cô bé có thể giao tiếp, cảm nhận thế giới tươi đẹp bên ngoài.


 
The Miracle Worker” thực sự là một bộ phim cảm động lòng người về đề tài nhà giáo. Nhờ bộ phim này, hai diễn viên Anne Bancroft và Patty Duke đã giành được giải Oscar cho nữ diễn viên chính và nữ diễn phụ xuất sắc nhất.

6. The Karate Kid (1984)



Cậu bé Daniel LaRusso (Ralph Macchio) cùng mẹ chuyển tới thành phố Reseda thuộc bang California sau khi người bố qua đời. Tại đây, cậu bị bạn bè cùng lớp chế nhạo, bắt nạt. Sau đó, Miyagi– một ông già người Nhật nhận lời dạy cậu học võ. Tuy nhiên, bài học đầu tiên của cậu lại không phải là các chiêu thức võ thuật mà là các công việc vô cùng đơn giản như: đánh sáp vỏ xe hơi, dải cát lên sàn gỗ, sơn hàng rào, sơn tường nhà. Lúc đầu, Daniel nghĩ rằng Miyagi đang đùa giỡn và dạy cậu những thứ vớ vẩn. Tuy nhiên, Miyagi đã giúp cho cậu bé hiểu rằng những công việc ấy mang đến cho cậu kỹ năng phòng thủ mà không phải ai cũng nhận thấy được. 




Ngoài dạy võ, Miyagi còn dạy Daniel nhiều bài học quan trọng trong cuộc sống như cách tìm điểm cân bằng trong cuộc sống, rèn luyện tinh thần. Nhờ có Miyagi, Daniel không những giỏi võ mà cậu bé còn trưởng thành và chín chắn hơn rất nhiều.

Tuy không phải là một bộ phim về đề tài trường lớp, nhưng “The Karate Kid” lại chứa đựng rất nhiều thông điệp rất hữu ích đối với các nhà giáo như: Các kỹ năng cở bản là những thứ rất quan trọng và là nền tảng để thành công; các thầy cô giáo phải biết cách khích lệ, động viên và khen thưởng đúng cách khi các học sinh của mình đạt thành tích tốt …

Hồng Anh
(Tổng hợp)