Con gái đi tu

Theo tôi, hiền không có nghĩa là cứ để học trò muốn làm gì thì làm. Xử sự như thế là nhu nhược, là làm hư học trò, là có lỗi…Vì muốn cấp dưới thành người tốt nên các sơ phải nghiêm khắc, phải kỷ luật…Chúng ta đừng vô tình gán những danh hiệu không phù hợp cho người làm ích cho chúng ta…Người ta nói “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.” Cứ nuôi trẻ rồi sẽ biết thế nào là hiền lành. Cứ dạy trẻ thì sẽ biết ai hiền lành hơn ai…

Con gái đi tu

Tôi làm quản xứ Thanh Hải (2006-2012) nơi có nhiều cộng đoàn dòng tu đến đây cư ngụ, mục đích để các em đệ tử học Trung cấp, Cao đẳng và cả Đại Học… Đa số họ đi lễ ở Nhà thờ Thanh Hải…

Họ luôn chung sức trong các sinh hoạt của Giáo xứ, như Văn nghệ Trung Thu, dâng hoa, Hoạt cảnh Giáng sinh và các hoạt động khác…Nhờ họ mà thánh lễ sáng chiều lúc nào cũng đông đúc…Chỗ ở thì nghèo nàn, ăn uống thì kham khổ, thế mà học lại giỏi, nét mặt lúc nào cũng vui tươi…


Có lần tôi hỏi vài em gái trong xứ: Tụi con vui hơn hay các em đệ tử vui hơn? Chúng trả lời: Đệ tử vui hơn. Tôi hỏi tiếp: Vậy sao chúng con không đi tu để được vui vẻ như các đệ tử? Chúng trả lời: Kỷ luật, ít tự do…

Xin kính cẩn nghiêng mình khâm phục các cô gái đi tu…

Kỷ luật

Kỷ luật làm nên sức mạnh. Kỷ luật giúp chúng ta nên người. Thử hỏi ai không kỷ luật mà có thể thành công…Muốn thi đậu, phải chịu kỷ luật: Học nhiều chơi ít. Muốn trình diễn thành công, phải chịu kỷ luật: Tay đàn Ghi-ta Carulli, dù già 70, mỗi ngày phải tập 6 tiếng để các ngón tay được mềm dẽo mới trình diễn điêu luyện…

Ít tự do

Đi đâu, phải xin phép. Không đi một người và phải luôn đi hai người. Thật khôn ngoan…Chính người thứ hai giúp cho hai người trưởng thành hơn, tư cách hơn, tốt hơn…

Điện thoại Di Động:

Đa số đệ tử không được dùng điện thoại di động cá nhân. Chỉ có điện thoại của cộng đoàn…Ai cần thì dùng…Nói đến điện thoại Di động là nói đến không ít tai hại: Một cha Bề trên ĐCV bên Úc nói một bài về chuyện các thầy ĐCV dùng điện thoại di động cá nhân…Theo ngài là rất phiền và nguy hiểm…

Đọc kinh cầu nguyện

Hồi nhỏ ở Tiểu chủng viện, tôi thấy việc đọc kinh cầu nguyện khá nhẹ nhàng: Sáng nguyện gẫm 15 phút, có cha bề trên hướng dẫn…tiếp đến là thánh lễ…Chiều chầu Thánh Thể 15 phút trước ăn cơm…Tối lần một chuỗi 50 ngoài trời, đi men theo hàng dương bao quanh các sân chơi…

Các em đệ tử bận học, nhưng việc kinh sách vẫn cố gắng chu toàn trong khả năng.

Lâu rồi, tôi muốn viết về đề tài nầy và muốn nói lên cảm nhận của tôi về con gái đi tu:

Năm 1976, có một lớp khấn tạm ở dòng MTG Tân Bình, nay gọi là dòng MTG Nha Trang. Lúc đó, tôi là phó xứ Hòa Nghĩa,Cam Đức, Cam Ranh. Tôi cảm động và thầm khen cho ý chí của các em. Thời đó vất vả lắm, thiếu thốn mọi sự. Nhiều em phải về gia đình vì hoàn cảnh không cho phép…Một số vẫn kiên trì. Tội nghiệp…Thế mà họ vẫn tu, vẫn khấn…Tức cảnh sinh tình, tôi sáng tác bài XIN VÂNG: Trước để tạ ơn Chúa đã cho Giáo Hội có những tâm hồn đáng quí, sau là để giúp mọi người vui sống trong một hoàn cảnh trớ trêu…

Khi làm quản xứ Thanh Hải, Nha Trang, tôi được gặp các em thuộc nhiều hội dòng khác nhau. Trong cuộc đời sinh viên, các em chẳng có mấy đồng trong túi…Thế mà cứ vui. Đi nghỉ hè về, các em cũng mua một chút gì đó cho tôi. Tôi nghĩ và lấy làm lạ: Không biết các em lấy tiền ở đâu mà mua quà cho tôi. Tôi biết thế mà chưa biết cách đáp trả thực tế: Ví dụ gởi lại cho các em chút gì đó.

Bây giờ, già rồi, có lẽ tôi khôn hơn một chút. Hễ có em nào tới thăm, dù có quà hay không, hoặc trao giùm cái gì đó cho tôi là tôi gởi một chút như là dấu thông cảm. Ít thôi, nhưng với sự thông cảm…nói cho dễ nghe là để mua xăng…

Rồi các em làm “Ma sơ”. Người ta hát “Em hiền như Ma Sơ…” Có sách và có người nói “chưa chắc các sơ hiền…” Họ căn cứ vào việc các sơ kỷ luật, nghiêm minh khi dạy dỗ và rồi cho là các sơ không hiền.

Theo tôi, hiền không có nghĩa là cứ để học trò muốn làm gì thì làm. Xử sự như thế là nhu nhược, là làm hư học trò, là có lỗi…Vì muốn cấp dưới thành người tốt nên các sơ phải nghiêm khắc, phải kỷ luật…Chúng ta đừng vô tình gán những danh hiệu không phù hợp cho người làm ích cho chúng ta…Người ta nói “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.” Cứ nuôi trẻ rồi sẽ biết thế nào là hiền lành. Cứ dạy trẻ thì sẽ biết ai hiền lành hơn ai…Cứ coi xứ rồi sẽ biết ai hiền, ai không hiền. Tôi thuộc loại kỷ luật.

Năm 1978, một Bác sĩ thường đi lễ xứ tôi và có lần nói với tôi “Gặp ông, chứ gặp tôi thì không được đâu.”

Nhiều khi, người chê các sơ lại là người căng hơn các sơ, khi họ phải làm công việc như các sơ đang làm. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Không thể không mang tiếng nếu phải làm việc tận tình, có trách nhiệm. Theo tôi, nên khen chứ không nên chưỡi đỗng giữa trời. Tôi vẫn cám ơn những thầy cô nghiêm khắc. Nếu không có họ, tôi khó mà nên người. Do đó, dù ai kết án, tôi vẫn đứng về phía họ vì tôi đã qua cầu…


Đời giúp xứ

Các cộng đoàn dòng tu không đòi hỏi gì cả, nhưng phải làm tất cả. Khi có sơ mới tới, cha xứ hay hỏi sơ có biết đàn không, biết tập hát không, biết tập múa không…Có đấng thích có sơ hơn vì các sơ có ích cho xứ hơn…Họ phải coi ca đoàn, có khi coi hai, ba ca đoàn. Tôi làm nhạc, và tôi biết tập hát rất mệt. Tôi thường nói với các ca viên gái: Sơ tập bè nhì, các em bè nhất ngồi nói chuyện. Chúng con không thấy sơ khan cả tiếng và mệt mỏi sao? Nếu làm thế, cha nghĩ chúng con chưa nên lấy chồng, vì chúng con chưa biết nhìn, chưa thấy và chưa thông cảm.

Tập hát mệt lắm. Và nếu sơ đau vì tập hát thì sơ xin tiền cộng đoàn chữa bệnh, dễ gì mà cha xứ giúp sơ một chút (Nếu có, chắc không có nhiều nơi đã làm như thế).

Ngoài ra, các sơ còn cắm hoa, tập Văn nghệ Trung Thu, tập Hoạt cảnh, tập dâng hoa… đủ thứ…Cha sở có thấu chăng? Nếu ít ai hiểu thì chúng con dâng cả cho Chúa và Đức Mẹ, chúng con sẽ được chúc phúc… Chúa thấy tất cả và Chúa hiểu tất cả…

Họ sống cộng đoàn, giữ các giờ kinh lễ tử tế. Trong một lần gặp gỡ, Đức Hồng Y Etchegaray khuyên răn các Linh Mục sống sao cho xứng đáng. Khi được hỏi, sao Đức Hồng Y không có lời nào nói với các sơ. Ngài hỏm hỉnh trả lời: Các sơ là những người thánh thiện... Đó là câu nói đùa, nhưng theo tôi, đó cũng là câu nói chính xác…
 
Cùng các em đệ tử và các sơ lớn nhỏ,

Đã từ lâu, tôi vẫn có cái nhìn tích cực về con gái đi tu. Tuy nhiên, trong công việc, tôi vẫn có những thiếu sót trong lời nói việc làm…Tôi thành thật xin được thông cảm.

Chúng ta biết rõ công việc của Mẹ Tê-rê-xa thành Can-cút-ta đã làm cho người nghèo. Ai cũng nghĩ là người nghèo phải cảm ơn Mẹ. Nhưng Mẹ lại nói “Tôi cám ơn những người nghèo vì họ đã tạo cho tôi cơ hội làm việc bác ái, yêu thương.”
 
Năm nay, 66 tuổi, tôi muốn nói lời cám ơn các người con gái đi tu về nhiều điều: Lòng đạo đức với nhiều cố gắng, tinh thần phục vụ hết sức mình, sự chịu đựng mọi hoàn cảnh cách vui lòng, sự chấp nhận đời sống eo hẹp về vất chất…Nhiều nữa…nhiều nữa…

Lm. Mi Trầm, GX. Ngọc Thủy Nha Trang.

Nguồn: http://conggiao.info/news/1659/18489/con-gai-di-tu.aspx