TÔI ĐẾN ĐỂ CHIÊN ĐƯỢC SỐNG VÀ SỐNG DỒI DÀO
Chúa Giêsu nói: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10), và Ngài hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Hãy vững lòng tin. Và cũng nên nhớ lời cảnh báo của Thánh Phaolô: “Một số cành cây ô-liu đã bị chặt đi, còn bạn là ô-liu dại đã được tháp vào đó, và cùng được hưởng sự sống dồi dào từ rễ cây ô-liu chính. Vì thế, bạn đừng có lên mặt khinh dể các cành khác” (Rm 11:17-18).
Sống đạo cần có lòng can đảm, hiền lành không có nghĩa là để người khác hoành hành mà đè bẹp mình. Hãy cố gắng sống sung mãn trong Ơn Chúa, vì đó là bổn phận, bằng cách tránh 8 chữ T này:
1. Tức giận – Sự tức giận sẽ dẫn tới hiềm thù, làm nghẽn sự sống và xa cách sự tốt lành của Thiên Chúa. Chúa Giêsu bảo chúng ta đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn, đó là cách chúng ta có thể trao và nhận lòng thương xót mỗi buổi sáng.
2. To tiếng – Đừng la hét to tiếng, vì điều đó không sinh lợi và khiến chúng ta không thể nhận ra tội lỗi của mình. Hãy can đảm chịu trách nhiệm. Hãy làm chủ đời sống bằng cách chân thật với chính mình và để Chúa hành động.
3. Tính toán – Đừng như con gà “tức nhau tiếng gáy”, đừng tính toán so đo khi thấy người khác hơn mình về phương diện nào đó. Hãy tập trung vào sự sống Thiên Chúa trao ban cho mình và hãy tận dụng cuộc
sống. Khi chúng ta nhìn trước nhìn sau, nhìn ngang nhìn dọc, rồi so sánh mình với người khác, điều đó khiến bạn ghen tức và không nhận được phước lành Thiên Chúa dành riêng cho bạn.
4. Than phiền – Than phiền là ấp ủ điều gì đó khiến bạn khó chịu. Nó làm cho cảm xúc của bạn tiêu cực, không nhận ra ơn lành mà tạ ơn Chúa. Nếu tập trung vào điều đúng đắn, bạn sẽ mở rộng cửa để Chúa lấy đi những thứ rườm rà trong lòng bạn.
5. Trốn tránh – Vì sợ hãi nên mới trốn tránh. Khi nỗi sợ hãi ập đến, hãy nhớ lời Chúa nói: “Đừng run khiếp trước mặt chúng, vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi với anh em; Người sẽ không để mặc, không bỏ rơi anh em” (Đnl 31:6). Hãy nhiệt thành sống bằng cách hy vọng những điều
tốt lành để lấp đầy khoảng sợ hãi.
6. Tội lỗi – Hãy chân nhận mình là phàm nhân yếu đuối và dễ dàng sa ngã. Sự nhận biết này là thái độ của sự hoàn thiện cần thiết để khả dĩ sống khiêm nhường. Vì yếu đuối và dễ sa ngã nên chúng ta cần Thiên Chúa cứu độ. Càng nhận mình tội lỗi thì càng được Thiên Chúa xót thương và tha thứ.
7. Thay đổi – Chỉ có Thiên Chúa mới có thể thay đổi lòng người và biến chuyển mọi sự. Khi không thể tự điều khiển, bạn có thể cầu xin Chúa và thổ lộ nỗi lòng mình với Chúa. Khi làm vậy, bạn cho phép mình hướng tới sự bình an và tín thác vào Thiên Chúa toàn năng.
8. Thoái thác – Sự lo lắng làm bạn thoái thác, đồng thời nó làm kiệt quệ cả tinh thần và thể lý. Hãy quẳng gánh lo đi, vì càng cố gắng suy tư thì càng không thấy mình tiến bộ. Chúa Giêsu bảo chúng ta đừng lo lắng về ngày mai, mà hãy tìm kiếm Nước Chúa, rồi mọi thứ khác Ngài sẽ ban thêm cho (Mt 6:33-34).
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ beliefnet.com)
Chúa Nhật XXIX thường niên – 2013
------------------------------
MỘT GIÁO HỘI THEO LỐI MỚI
Theo Lm Timothy Radcliffe, Nguyên Bề trên Cả Dòng Đa minh
Bài của Vũ Văn An
Đức Phanxicô khởi đầu cuộc phỏng vấn ngài với linh mục Sparado, Dòng Tên, bằng việc nhắc tới bức “Kêu gọi Thánh Mátthêu” của Caravaggio, một hình ảnh giúp ta tìm thấy tâm điểm đời ngài và sứ vụ của ngài. Chúa Giêsu nhìn Mátthêu đang ôm túi tiền. Đức Phanxicô đồng hóa mình với người trong tranh: “Đó, tôi đó, một kẻ tội lỗi được Chúa ghé mắt nhìn”. Nhưng ngài cũng nhận ra sứ mệnh Kitô Giáo, là đem cái nhìn chữa lành đó tới người khác. Ngài xúc động khi thấy lối sống của các cá nhân.
Khi đề cập tới vấn đề chào đón người đồng tính vào Giáo Hội, ngài bảo: “Cha hãy cho tôi hay: khi Thiên Chúa nhìn một người đồng tính, ngài chấp nhận sự hiện hữu của người này trong yêu thương, hay từ khước và lên án họ?”. Nếu ta dám thực sự nhìn con người trong phẩm giá và nhân tính của họ, thì chắc chắn ta sẽ tìm được lời lẽ chính đáng để phát ngôn. Ai biết điều ấy sẽ dẫn ta tới đâu?
Cuộc phỏng vấn chú mục vào căn tính Đức Phanxicô trong tư
cách tu sĩ dòng Tên đầu tiên làm giáo hoàng. Là tu sĩ dòng Đa Minh, tôi hân hoan vì cuối cùng Dòng Tên đã có một tu sĩ làm giáo hoàng; dòng Đa Minh chúng tôi đã có tới 4 vị và từ thời Đức GH Piô V thuộc thế kỷ 16, các giáo hoàng còn mặc một hình thức y phục Đa Minh nào đó nữa! Tuy nhiên, Đức GH Phanxicô chịu ảnh hưởng sâu đậm của các vị sáng lập hai dòng tu là Phanxicô và Inhaxiô. Thăm dò tác động qua lại của hai truyền thống này là điều nên làm. Muốn thoát được óc hẹp hòi, ta luôn cần một vài viễn kiến đẩy ta đi tới.
Là người dòng Tên, đức Phanxicô chú trọng tới biện phân. Điều này đòi sự kiên nhẫn, ta cần có thì giờ để suy nghĩ, cầu nguyện và tham khảo. Điều ấy cần thiết để ta hiểu được những gì đang diễn ra
trong những ngày tháng khởi đầu của triều đại ngài. Người ta nôn nóng chờ xem ngài sẽ làm chi, nhưng ngài bảo: “tôi tin rằng ta luôn cần có thời gian để đặt nền tảng cho một thay đổi có thực chất, hữu hiệu... Tôi luôn cảnh giác trước các quyết định vội vã”.
Chủ trương này đi ngược lại áp lực của truyền thông cứ muốn gói trọn con người vào những phạm trù đơn nhất. Không chắc chắn là điều khó chịu đựng được. Ta phải cảm nhận được con đường tiến lên phía trước: “Các tu sĩ dòng Tên luôn suy nghĩ, suy nghĩ đi suy nghĩ lại, nhìn tới chân trời, về hướng họ phải đi, với Chúa Kitô làm trung tâm”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng “các cải tổ cơ cấu và tổ chức là điều thứ yếu, nghĩa là đến sau,. Cải tổ đầu tiên phải là cải tổ thái độ”. Sự thay đổi về cơ cấu quản trị Giáo Hội rất quan yếu nhưng nó phải đi theo đường hướng mới mẻ của việc làm Giáo Hội, trong đó, ta phải ra khỏi phòng áo lễ, để tiếp xúc với con người, hiểu biết các đau khổ và các ngỡ ngàng của họ từ bên trong.
Ở lãnh vực này, Đức Giáo Hoàng chỉ cho ta con đường tiến về phía trước bằng chính hành động của ngài. Ngài có khả năng thực hiện các động thái sâu rộng mở ra nhiều viễn ảnh tươi mới. Cuộc du hành đầu tiên của ngài ra ngoài Rôma là tới thăm Lampudesa, nơi rất nhiều di dân chết khi cố gắng tới Âu Châu; hay chuyến viếng thăm khu ổ chuột tại Rio de Janeiro. Kitô Giáo là tôn giáo của những động thái bí tích, như đổ nước và bẻ bánh, và các động thái của ngài rất mạnh mẽ trong việc mở ra tương lai.
Cách mới mẻ để trở thành Giáo Hội này cuối cùng sẽ đưa tới việc cải tổ cơ cấu. Đức Phanxicô cho hay: “các bộ sở của Giáo Triều Rôma là để phục vụ Đức Giáo Hoàng và các vị giám mục”. Tuy nhiên, nó không luôn luôn nghĩ thế!
Đức HY Hume từng cho rằng các giám mục phải ngưng, đừng phục vụ Đức Giáo Hoàng và Giáo Triều Rôma, thay vào đó, Giáo Triều phải phục vụ việc cai quản của Đức Giáo Hoàng và các giám mục.
Điều này hàm ý: Đức Giáo Hoàng không còn là một quân vương (monarch), cai quản Giáo Hội từ trên cao vời, mà phải là giám mục Rôma trở lại, đứng trong hàng hợp đoàn giám mục. Từ lúc bước ra ban công Nhà Thờ Thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã cho thấy đấy là ý định của ngài. Như thế, triều đại giáo hoàng này có lẽ đã đánh dấu sự thay đổi căn bản nhất trong cách cai quản Giáo Hội hàng thế kỷ qua, từ tính quân chủ tới tính hợp đoàn. Phần lớn nền thần học của Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô đã ngụ ý sư thay đổi này.
Phần Đức Phanxicô, ngài muốn thực hiện nó. Ngài nhấn mạnh tới việc trở về với các mô thức cai quản hợp đoàn và tham khảo thực sự. Giáo dân sẽ có tiếng nói, như họ từng có hồi Giáo Hội sơ khai. Ta phải kiên nhẫn để hình thức cơ cấu và năng động mới mẻ này diễn ra. Tôi muốn được kết luận với hai niềm hy vọng sâu sắc. Hy vọng thứ nhất: ta sẽ tìm ra phương cách để chào đón người ly dị và tái hôn trở lại bàn
hiệp lễ.
Và quan trọng hơn nữa, phụ nữ sẽ được dành thẩm quyền và tiếng nói thực sự trong Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng đã ngỏ ý ước mong điều này sẽ xẩy ra, nhưng nó sẽ mang hình thức cụ thể nào? Ngài tin rằng phong chức cho phụ nữ vào hàng linh mục thừa tác là điều bất khả hữu, nhưng trong nhiều năm qua, việc đưa ra quyết định trong Giáo Hội càng ngày càng được liên kết chặt chẽ hơn với việc phong chức này. Liệu mối liên kết này có được nới lỏng hay không? Ta hãy hy vọng điều này: phụ nữ được phong phó tế và nhờ thế có vị trí rao giảng trong Thánh Lễ. Còn có những cách nào khác để chia sẻ quyền hành hay không?
Linh Mục Timothy Radcliffe, O.P., cựu bề trên cả Dòng Đa Minh.