Khác hay cách biệt
Vũ Văn An
Nhiều người Công Giáo cảm thấy nhồn nhột trước hai cuộc phỏng vấn Đức Phanxicô gần đây, nhất là cuộc phỏng vấn của Eugenio Scalfari, một nhà trí thức vô thần. Sandro Magister còn nhân cơ hội này đặt tương phản giữa hai thái độ đối với người vô thần của Đức Bênêđíctô và Đức Phanxicô và cho rằng sự phân cách giữa hai vị “xem ra rõ hơn bao giờ hết, cả trong chữ nghĩa lẫn việc làm”.
Theo Magister, trong cuộc phỏng vấn của "La Civiltà Cattolica", có một đoạn được mọi người coi là đi ngược lại quan điểm của cả Đức Bênêđíctô XVI lẫn Đức Gioan Phaolô II:
“Ta không thể chỉ nhấn mạnh tới các vấn đề liên hệ tới phá thai, hôn nhân đồng tính và việc sử dụng các phương pháp ngừa thai. Điều này không thể được. Tôi vốn không nói nhiều tới các điều này, và từng bị chỉ trích vì thế. Nhưng khi nói về những điều này, ta phải nói về chúng trong ngữ cảnh.
Trong vấn đề này, giáo huấn của Giáo Hội đã quá rõ và tôi vốn là con cái Giáo Hội, nhưng ta không cần phải nói về các vấn đề này bất cứ lúc nào. Giáo huấn tín lý và luân lý của Giáo Hội tất cả không có cùng một giá trị. Thừa tác mục vụ của Giáo Hội không thể bị ám ảnh bởi việc thông truyền số đông các tín điều rời rạc (disjointed) để chúng được áp đặt một cách khư khư.
Trong phong cách truyền giáo, việc công bố chỉ tập chú vào những điều cốt yếu, cần thiết: những điều phấn khích, lôi cuốn, những điều làm tâm hồn bừng cháy, như các môn đệ trên đường Emmau xưa. Ta phải tìm cho ra một quân bình mới; nếu không, ngay tòa nhà luân lý của Giáo Hội cũng sẽ tan rã như tòa nhà bằng quân bài, mất hết nét tươi mát và hương thơm của Tin Mừng”.
Đã đành, cả ba vị giáo hoàng đều đồng quan điểm với nhau về ưu tiên tuyệt đối của việc công bố Tin Mừng. Tuy nhiên, nơi hai đức tiên giáo hoàng, ta thấy trực giác này: việc công bố Tin Mừng hiện nay không thể tách biệt khỏi việc giải thích có phê phán các viễn kiến mới về con người, một viễn kiến hoàn toàn trái ngược với con người được Thiên Chúa tạo nên giống hình ảnh Người, và khỏi hành động sau đó của các nhà lãnh đạo mục tử.
Magister cho rằng chính đó là điểm khác biệt của Đức Phanxicô.
Trong cuộc phỏng vấn của tờ "La Civiltà Cattolica", ta thấy còn một đoạn đáng lưu ý nữa. Cha Spadaro hỏi về “thách đố nhân học” hiện nay, câu trả lời của ngài không trực tiếp.
Ngài cho thấy ngài không hiểu tính tầm trọng của giai đoạn chuyển tiếp văn minh vốn được hai vị tiền nhiệm phân tích và thách thức. Ngài tin chắc rằng điều đáng làm hơn là đáp ứng các thách thức hiện nay bằng việc đơn giản công bố về Thiên Chúa xót thương, vị Thiên Chúa “làm mặt trời mọc lên cho cả người xấu lẫn người tốt, và làm mưa đổ xuống trên cả người công chính lẫn người bất chính”.
Đấy là quan điểm được Đức HY Carlo Maria Martini, cũng thuộc Dòng Tên, từng trình lên cả hai vị giáo hoàng trước đây. Tại Hoa Kỳ, đó là quan điểm của Đức HY Joseph L. Bernerdin. Những ai ái mộ hai vị Hồng Y này rất vui vì gặp được vang dội nơi Đức Phanxicô. Và Magister cho rằng: Đức HY Martini đã và hiện vẫn còn nổi tiếng trong công luận bên ngoài và thù nghịch với Giáo Hội thế nào, Đức Phanxicô cũng nổi tiếng như vậy.
Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn sau của Scalfari, một trí thức vô thần, giúp giải thích sự nổi tiếng của Đức Phanxicô ngay nơi người vô tín ngưỡng. Trong một bài báo ngày 7 tháng Tám, Scalfari đã có những nhận định sau đây về ngài:
“Sứ mệnh của ngài bao gồm hai canh tân gây tai tiếng: Giáo Hội nghèo của Thánh Phanxicô, Giáo Hội hàng ngang của Martini. Và canh tân thứ ba: một Thiên Chúa không phán xét, nhưng tha thứ. Không có trầm luân, không có hỏa ngục”.
Sau khi nhận và cho đăng lá thư trả lời của Đức Phanxicô, Scalfari nhận định thêm: “Một cởi mở đối với nền văn hóa hiện đại và thế tục tầm cỡ này, một viễn kiến sâu sắc đến thế giữa lương tâm và tính tự lập của nó, trước đây chưa hề nghe thấy bao giờ từ ngôi tòa Thánh Phêrô”
Được hỏi, Scalfari nói rõ hơn về điều Đức Phanxicô viết cho ông liên quan tới tính tối thượng của lương tâm: “Vấn đề hệ ở việc tuân theo lương tâm ta. Tội, với cả người không có đức tin, sẽ hiện hữu khi ta đi ngược lại lương tâm. Thực thế, lắng nghe và tuân theo nó là quyết định trước điều được coi là thiện hay ác. Và tính thiện hay tính ác trong hành động của ta tùy thuộc vào quyết định này”.
Đức Phanxicô không thêm điều gì khác.
Và một số độc giả thận trọng tự hỏi làm thế nào hoà giải một định nghĩa có tính chủ quan như thế về lương tâm, trong đó, cá nhân xem ra là tiêu chuẩn duy nhất của quyết định, với ý niệm về một lương tâm hiểu như cuộc hành trình của con người tiến tới chân lý, một ý niệm được suy tư thần học khai triển trong nhiều thế kỷ qua, từ Thánh Augustinô tới Newman, và được Đức Bênêđíctô XVI liên tục nhắc lại một cách mạnh mẽ.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn sau đó của Scalfari, Đức Phanxicô còn nhấn mạnh tới khía cạnh chủ quan của lương tâm hơn nữa: “mỗi người chúng ta có viễn kiến riêng về thiện và ác và phải chọn theo điều thiện và chống lại điều ác tùy cái hiểu của mình. Điều này đủ để thay đổi thế giới”.
Magister cho rằng: không lạ gì, người vô thần kiểu phong trào Ánh Sáng này cho biết ông “hoàn toàn chia sẻ” lời lẽ của Đức Phanxicô về lương tâm.
Cũng không lạ khi Scalfari vui vẻ chấp nhận các lời sau đây của Đức Phanxicô, được coi như chương trình của triều giáo hoàng này, hay “vấn đề khẩn trương nhất mà Giáo Hội đang đối phó”:
"Mục tiêu của chúng tôi không phải là cải đạo mà là lắng nghe các nhu cầu, ước mong, các thất vọng, ê chề và hy vọng. Chúng tôi phải tái tạo hy vọng cho người trẻ, giúp đỡ người già, chào đón tương lai, truyền bá tình yêu. Làm người nghèo giữa người nghèo. Chúng tôi cần bao gồm những người bị loại bỏ và truyền giảng hòa bình. Vatican II, một công đồng vốn được Đức Gioan và Phaolô VI gợi hứng, đã quyết định nhìn về tương lai với một tinh thần hiện đại và cởi mở đối với nền văn hóa hiện đại.
Các nghị phụ biết rằng cởi mở đối với nền văn hóa hiện đại có nghĩa đại kết về tôn giáo và đối thoại với người không tin. Nhưng sau đó, rất ít điều đã được thực thi theo hướng đó. Tôi có lòng khiêm nhường và tham vọng muốn làm một điều gì đó”.
Magister cho rằng không có điều gì trong chương trình trên bị dư luận thế tục hiện nay coi là không thể chấp nhận được. Cả nhận định cho rằng “sau đó”, các điều trên đã không được thi hành bao nhiêu cũng phù hợp với phán kết của dư luận này. Bí quyết làm Đức Phanxicô nổi tiếng là sự quảng đại trong việc nhượng bộ các hoài mong của “nền văn hóa hiện đại”.
Và ở điểm trên, ngài hoàn toàn cách biệt với các vị tiền nhiệm, kể cả Đức Phaolô VI.
Đoạn sau đây trích từ bài giảng lễ của Đức Cha Ratzinger, lúc còn là TGM Munich, nhân dịp Đức Phaolô VI qua đời, nói lên khá nhiều về một lương tâm “được do lường bằng sự thật”:
“Ngày nay, vị giáo hoàng nào không bị chỉ trích sẽ thất bại trong trách vụ của mình trước thời hiện đại. Đức Phaolô VI đã chống lại chủ thuyết cai trị bằng truyền hình (telecracy) hay bằng nghiên cứu công luận (demoscopy), hai quyền lực chuyên chế của thời nay. Ngài có khả năng làm thế nhờ đã không lấy thành công và công nhận làm thông số, mà đúng hơn lấy lương tâm, là thứ được đo lường bằng sự thật, bằng đức tin...
Đó là lý do tại sao ngài không mềm dẻo và rất cương quyết lúc đụng tới truyền thống chủ yếu của Giáo Hội. Nơi ngài, sự cứng rắn này không phát sinh từ sự vô cảm đối với những người mà cuộc hành trình bị điều khiển bởi lòng tham quyền và khinh thị người khác, mà là từ sự sâu sắc của đức tin, một sâu sắc giúp ngài có khả năng chịu đựng chống đối”.
Điều đáng lưu ý là gần cùng ngày với lá thư Đức Phanxicô gửi cho Scalfari, Đức Bênêđíctô XVI gửi một thư riêng cho Piergiorgio Odifreddi, nhà toán học vô thần, người từng viết cuốn “Đức Giáo Hoàng thân mến, tôi viết gửi ngài” xuất bản năm 2011 nhằm chỉ trích cuốn “Dẫn Nhập Vào Kitô Giáo” của thần học gia Ratzinger. Magister cho rằng, cả hai vị giáo hoàng đều sẵn sàng nói chuyện với người vô thần, “nhưng theo các hình thức rất khác nhau. Nếu Đức Phanxicô tránh né đụng độ, thì Đức Bênêđíctô nhấn mạnh tới các đụng độ này”.
Đây là lời Đức Bênêđíctô viết cho Odifreddi:
“Điều ông nói về nhân vật Giêsu quả không xứng với tầm cỡ học giả của ông. Nếu ông đặt vấn đề như thể cuối cùng không biết được điều gì về Chúa Giêsu và không thể xác quyết được gì về Người như một nhân vật lịch sử, thì tôi chỉ có thể mời ông một cách dứt khoát hãy giúp ông thông thạo hơn chút nữa về quan điểm lịch sử.
Về điểm này, tôi đề nghị trước nhất, ông nên đọc bốn cuốn sách mà Martin Hengel (một nhà chú giải thuộc phân khoa thần học Thệ Phản của Tübingen) mới xuất bản với Maria Schwemer: đây là bộ hết sức điển hình về sự chính xác và thông tin lịch sử rất bao quát.
Trước bộ sách này, điều ông nói về Chúa Giêsu quả là bất cẩn, không nên lặp lại. Một sự kiện không thể tranh cãi là trong ngành chú giải, nhiều điều được viết ra không được nghiêm túc bao nhiêu.
Cuộc hội thảo ở Mỹ về Chúa Giêsu mà ông trưng dẫn tại trang 105 và kế tiếp, một lần nữa, chỉ xác nhận điều Albert Schweitzer đã ghi nhận liên quan tới Leben-Jesu-Forschung (nghiên cứu về cuộc đời Chúa Giêsu), và điều này nữa nhân vật gọi là ‘Chúa Giêsu lịch sử’ phần lớn chỉ phản ảnh các ý niệm của tác giả.
Tuy nhiên, những công trình lịch sử vụng về này không hề làm hại tới tầm quan trọng của việc nghiên cứu lịch sử nghiêm túc, từng dẫn ta tới sự hiểu biết chân thực và chắc chắn liên quan tới việc công bố và con người Chúa Giêsu”.
Xa chút nữa, Đức Bênêđíctô viết thêm:
“Nếu ông muốn thay thế Thiên Chúa bằng ‘thiên nhiên’, thì còn vấn đề này: thiên nhiên ấy là ai hay là gì. Ông không định nghĩa điều này ở chỗ nào cả, và xem ra nó xuất hiện như một thần tính phi lý, một thần tính không giải thích được điều chi.
Tuy nhiên, trước nhất, tôi cũng muốn ghi nhận rằng trong tôn giáo toán học của ông, ba chủ đề nền tảng về hiện sinh nhân bản vẫn chưa được xem sét: tự do, tình yêu, và sự ác. Tôi ngạc nhiên điều này: chỉ bằng một nhận định duy nhất, ông đã bác bỏ tự do, dù sao đã là và vẫn còn là giá trị nền tảng của thời hiện đại.Trong sách của ông, tình yêu không hề xuất hiện và về sự ác cũng thế, không hề có thông tri gì cả.
Bất kể khoa sinh học thần kinh (neurobiology) của ông nói gì hay không nói gì về tự do, nó vẫn hiện diện trong bi hài kịch có thực của lịch sử ta như một thực tại dứt khoát và cần được xem sét. Nhưng tôn giáo toán học của ông không nhìn nhận bất cứ thông tri nào về sự ác. Một tôn giáo bỏ qua các vấn đề nền tảng này sẽ mãi mãi trống rỗng.
“Lời phê phán của tôi đối với cuốn sách của ông có khắt khe một phần. Nhưng thành thật là phần kia của cuộc đối thoại; chỉ nhờ cách này sự hiểu biết mới lớn mạnh. Ông từng rất thành thực, và như thế hẳn ông chấp nhận để tôi cũng nên hành xử như vậy.
Tuy nhiên, dù sao, tôi cũng xem sét một cách rất tích cực sự kiện, qua việc nghiên cứu cuốn ‘Dẫn Nhập Vào Kitô Giáo’ của tôi, ông nên tìm cách đối thoại cởi mở với đức tin của Giáo Hội Công Giáo và bất chấp những gì trái ngược, các điểm đồng qui không nên hoàn toàn trống vắng trong phạm vi quan tâm chính yếu”.
Phương pháp
Các nhận định của Magister trên đây không hẳn là không đúng, nhưng chắc chắn bất cập, vì đã chỉ nhìn vào một hai phát biểu riêng rẽ, từ những khung cảnh khác nhau của hai vị giáo hoàng. Chắc chắn công trình của hai vị không phải chỉ có thế.
Đức Bênêđíctô rõ ràng tham dự một tranh luận lý thuyết về một chủ đề nhất định, để trả lời các phê phán nhất định về một trình bày nhất định của ngài. Ngôn từ vì thế không thể khái quát mà phải thật chính xác, tập chú.
Đức Phanxicô không tham dự một tranh luận mà là một cuộc đối thoại “rộng mở” (open) gần như để làm quen với thế giới vô thần bằng cách tự giới thiệu mình với người đối diện để họ hiểu mình là ai. Làm quen là chủ đích, không có bất cứ ý định bênh vực nào. Ngôn từ vì thế bộc trực hơn.
Đúng như nhận định của phát ngôn viên Tòa Thánh Lombardi, ngoài ngôn từ thông điệp, tông huấn, giáo lý, bài giảng, nay Đức Phanxicô đưa vào ngôn từ tự phát, tùy đối tượng ngài nói với. Trong ngôn từ tự phát này, ý hướng là điều quan trọng, chứ không phải chi tiết.
Đã đành, lời nào của Đức Giáo Hoàng cũng nhằm giáo huấn tín hữu Công Giáo. Nhưng lãnh vực giáo huấn thì có khác. Giáo huấn về đức tin có khác, mà giáo huấn về cách trình bày đức tin với người không tin, với người vô thần có khác với việc trình bày đức tin cho những người sẵn sàng tiếp nhận đức tin hay đã tiếp nhận đức tin rồi.
Vả lại, nếu đọc hết nội dung các cuộc phỏng vấn, ta thấy Đức Phanxicô không ngại đặt vấn đề với người vô thần như khi ngài yêu cầu Scalfari định nghĩa thế nào là Hữu Thể (Being). Bỏ đi những chữ như ông đúng, ông sai... thì đây đúng là một cuộc tranh luận để trình bày chân lý Công Giáo. Không thể kết luận rằng Đức Phanxicô tránh né “đụng độ”.
Ngài chỉ theo một phương pháp khác thôi. Nếu không lầm thì Đức Bênêđictô theo đường diễn dịch, một con đường thật rõ ràng và chính xác, còn đức Phanxicô đặt nặng con đường qui nạp, đi từ những sự kiện vụn vặt vươn tới những nguyên tắc tổng quát, một con đường rất dễ bị hiểu lầm nếu bị cắt xén, để chỉ dừng lại ở sự kiện, điều mà người ta ngờ ngợ Magister đang lâm vào.
Trước đây, có lần chúng tôi ví Đức Phanxicô và Đức Bênêđíctô như hai lá phổi mà Giáo Hội ngày nay nhờ Chúa quan phòng có được. Ơn phúc này chính Đức Phanxicô là người ý thức rõ nhất. Cho nên chính ngài khuyến khích Đức Bênêđíctô “đến với chúng con” trong rất nhiều dịp kể cả trong việc “nhịp nhàng” nói chuyện với người vô thần lần này: kẻ tung người hấng.
Mục tiêu tối hậu là trình bày cái nhìn tổng thể, chân thực nhất về đức tin Công Giáo. Tân phúc âm hóa lần này, nếu gặt hái được điều gì, chắc chắn là công trình không phải của riêng Đức Phanxicô mà còn của các vị tiền nhiệm nữa, trong đó, cụ thể nhất là Đức Bênêđíctô XVI.