Tính vô ngộ của huấn quyền thông thường

Vô ngộ là một hồng ân của Chúa dành cho Giáo Hội. Khi Đức Giáo Hoàng truyền dạy một cách vô ngộ, ngài chỉ thi hành hồng ân này của Chúa nhân danh Giáo Hội. Khi Đức Giáo Hoàng và các giám mục họp nhau trong một công đồng chung để long trọng truyền dạy một giáo huấn, thì các ngài cũng đã hành động một cách vô ngộ như thế...

Tính vô ngộ của huấn quyền thông thường

Khi tuyên bố rằng học lý không cho phép phong chức cho phụ nữ làm linh mục là học lý vô ngộ, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã trích dẫn tính vô ngộ của “huấn quyền thông thường và phổ quát”.

PapalInfallibility.jpg  

 

Lời tuyên bố này bị nhiều người hiểu lầm, vì cho rằng ở đây có ý nói tới tính vô ngộ của ngôi vị giáo hoàng. Thực ra, không phải như thế. Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin không có ý nói tới tính vô ngộ ấy, mà là tính vô ngộ của huấn quyền thông thường và phổ quát. Ta cần phân biệt hai tính vô ngộ này. 

Ai cũng rõ thế nào là tính vô ngộ của ngôi vị giáo hoàng rồi. Đó là một tín điều được Công Đồng Vatican I và Đức GH Piô IX công bố vào năm 1870. Tín điều này dạy rằng Chúa gìn giữ Đức Giáo Hoàng khỏi sai lầm khi ngài định tín truyền dạy một học lý về đức tin hay luân lý. Tín điều này đã được Công Đồng Vatican II (1962-1965) xác nhận trong Lumen Gentium, tức Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội. Trong Hiến Chế này, CĐ Vatican II nhấn mạnh một số điểm chủ yếu. 

Thứ nhất, trong yếu tính, vô ngộ là một hồng ân của Chúa dành cho Giáo Hội. Khi Đức Giáo Hoàng truyền dạy một cách vô ngộ, ngài chỉ thi hành hồng ân này của Chúa nhân danh Giáo Hội. Khi Đức Giáo Hoàng và các giám mục họp nhau trong một công đồng chung để long trọng truyền dạy một giáo huấn, thì các ngài cũng đã hành động một cách vô ngộ như thế. 

Thứ hai, Vatican II, nhân dịp này, cũng noí tới tính vô ngộ của “huấn quyền thông thường”, tức thẩm quyền giảng dạy của các giám mục hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, được thi hành qua các hành vi giảng dạy “thông thường” ở bên ngoài một công đồng chung. 

Không phải mọi điều các giám mục giảng dạy trong hiệp thông với Đức Giáo Hoàng đều là vô ngộ cả, nhưng một số điều quả có vô ngộ. Điều 25 của Hiến Chế Lumen Gentium cho biết rõ điều ấy. Điều này nói rằng “Xét từng cá nhân, các giám mục không được hưởng đặc ân vô ngộ”. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các ngài quả “công bố giáo thuyết của Chúa Kitô một cách vô ngộ” như khi “dù tản mác khắp thế giới, nếu thông hiệp với nhau và với đấng kế vị Thánh Phêrô, các ngài cùng đồng ý dạy cách chính thức những điều thuộc đức tin và phong hóa là tuyệt đối buộc phải giữ”.

Công đồng đưa ra bốn điều kiện cho tính vô ngộ của huấn quyền thông thường này:

1. Các giám mục phải hiệp thông với nhau và với Đức Giáo Hoàng.
2. Các ngài phải truyền dạy một cách chính thức những điều thuộc đức tin và luân lý.
3. Các ngài phải nhất trí trong một phán đoán.
4. Các ngài phải dạy rằng đây là điều buộc các tín hữu phải dứt khoát tuân giữ. 

Vậy khi Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin nói rằng giáo thuyết không cho phụ nữ chịu chức linh mục là một giáo thuyết vô ngộ của huấn quyền thông thường, thì thử hỏi có căn cứ vào cả bốn điều kiện trên hay không? Tuyên bố của Thánh Bộ chỉ trưng dẫnLumen Gentium, chứ không khai triển lý chứng của mình, nhưng hàm ý cho thấy cả bốn điều kiện trên đều được thỏa mãn trong việc công bố giáo thuyết này. Thực vậy, Thánh Bộ cho rằng trong lịch sử Giáo Hội, bất cứ khi nào vấn đề phong chức linh mục cho phụ nữ được nêu ra, thì các giám mục hầu như nhất trí, dù không nhất thiết tuyệt đối, truyền dạy rằng việc đó không thể thực hiện được vì trái với ý muốn của Chúa Kitô. 

Kể từ ngày Lumen Gentium được Công Đồng Vatican II chấp nhận và được Đức GH Phaolô VI công bố vào năm 1964 cho đến nay, ít ai bàn tới tính vô ngộ của huấn quyền thông thường. Ngay Tòa Thánh cũng nói rất ít về nó và Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo chỉ nhắc qua tới nó ở số 891. Các thần học gia bất đồng lại càng không muốn nhắc đến nó chút nào. 

Tuy nhiên, năm 1978, hai thần học gia Hoa Kỳ là Linh Mục Dòng Tên John Ford và tiến sĩ Germain Grisez đã cho công bố một bài báo có lẽ quan trọng nhất về học lý này của Vatican II. Bài báo được đăng trên tập san Theological Studies nhằm chứng minh rằng giáo thuyết coi mọi hành động ngừa thai đều sai lầm từ trong nội tại đã được huấn quyền thông thường coi là vô ngộ. 

Để đạt tới kết luận đó, Cha Ford và Ông Grisez đã trích dẫn lịch sử giáo huấn ngừa thai qua nhiều thế kỷ và khảo sát cách thế trong đó giáo huấn này được rất nhiều giám mục đưa ra trong khi thi hành thẩm quyền giảng dạy riêng của mình. 

Hai nhà thần học luân lý, từng về “phe thiểu số” trong Ủy Ban cố vấn cho Đức Phaolô VI về vấn đề dân số, một phe mà quan điểm sau cùng đã được cô đọng trong thông điệp thời danh “Humanae vitae”, cho rằng dù một số giám mục hiện nay cũng như trong tương lai hoài nghi và không chấp nhận giáo huấn này chăng nữa, thì điều này không ảnh hưởng gì tới sự kiện: các điều kiện cần để biến giáo huấn ấy thành vô ngộ đã được thỏa mãn rồi. 

Luận đề Ford-Grisez không được đa số thần học gia ủng hộ và chính Vatican cũng chưa chính thức nói gì về nó. Nhưng lý chứng họ đưa ra, dù bị các nhà bất đồng thách thức hay làm ngơ, chưa bao giờ bị bác bỏ. Lúc đó, hai nhà thần học này cho rằng nếu đúng, lý chứng này không những chỉ áp dụng đối với việc ngừa thai mà còn đối với nhiều vấn đề khác được huấn quyền thông thường giảng dạy. 

Trong bài diễn văn ngày 24 tháng 11 năm 1995 đọc trước các thành viên của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Gioan Phaolô II tỏ lòng tiếc rằng nhiều người Công Giáo cho rằng mình hoàn toàn được tự do bác bỏ các giáo thuyết mình không đồng ý ngoại trừ nó được chính thức công bố là vô ngộ. 

Ngài cho biết các giáo huấn khác nhau có những trình độ thế giá khác nhau. Nhưng theo ngài, “điều ấy không cho phép người ta nghĩ rằng các công bố và quyết định lý thuyết của huấn quyền chỉ đòi phải tuyệt đối chấp thuận khi nó được công bố với một phán quyết long trọng hay một hành động định tín”. 

Vũ Văn An