Nhập thể và hội nhập văn hóa
Điệu hát bình ca hay thật. Rồi "Bộ Lễ theo cung Si” của Bach, và ngay cả giáng điệu thư thái của vị chủ tế một thánh lễ đại trào... cũng thật là hay, là đẹp! Nhưng cứ thử đem những kỳ công tuyệt tác ấy giới thiệu với người Phi Châu vốn chuộng nhịp điệu "quay cuồng", và từng quen vơi lối diễn tả bằng cơ thể và bắp thịt, thì có thể tất cả các thứ hay đẹp kể trên đều là những gì còn rất xa lạ đối vớ họ. Người Phi Châu ư ? Mà cũng chẳng cần phải tìm đâu cho xa như thế: cứ đem những đứa con của nhạc Rock đến trong nghi lễ công giáo thì cũng đủ thấy là chẳng khác gì hơn một cuộc đối thoại giữa những người điếc!
Cuộc gặp gỡ giữa đức tin kitô và các văn hóa khác nhau trên thế giới đã từng, và vẫn còn mang tính cách xung đột. Bằng chứng là đã có muôn vàn vị tử đạo (bị lên án vì đức tin bị hiểu lầm), cũng như đã có sự việc các vị thừa sai nghiêm ngặt lên án vì ngỡ ngàng hoặc bất mãn trước những phong tục và lối suy tư của các dân nước mà các ngài được phái gửi tới. Nhiều lúc vấn đề còn trở nên trầm trọng hơn: đó là những khi có một thẩm quyền Giáo hội nào đó đã quen coi cách diễn tả đức tin theo lối Tây phương như một chân lý vĩnh cửu. Vậy, làm sao để vượt qua được những chướng ngại do các khác biệt văn hóa gây nên như thế?
Dần dần, Giáo hội đã tiến tới chỗ đề cập đến việc "hội nhập văn hóa". Từ ngữ rất mới này đã được dùng tới trong các văn kiện chính thức kể từ năm 1974. Ở đây, tôi không có bàn về hội nhập văn hóa một cách chi tiết, nhưng chỉ muốn nêu cho thấy rằng theo nghĩa thịnh hành hiện nay, thì việc hội nhập văn hóa phát nguồn từ công trình Nhập Thể. Nhưng hội nhập văn hóa là gì? Thay vì định nghĩa thì chúng ta hãy thử mô tả nó.
Đức Tin Cũng Mặc Áo
Muốn sống đức tin của mình, một người công giáo Tây phương sẽ phải đi qua con đường nghi lễ và công thức, đi qua cách suy tư và xử thế từng kết tinh một đàng từ điều chúng ta gọi là Mạc khải do Kinh Thánh truyền lại, và đàng khác là từ các nền văn hóa kế tiếp và pha trộn của Tây phương. Chẳng hạn, hồi đầu người Tây phương sống đức tin một cách rất tập thể; rồi vào khoảng thế kỷ XVI thì sống theo khuynh hướng cá nhân và cảm thức nhiều hơn, và từ thế kỷ XVIII trở đi thì có phần nặng tính cách khuyên răn đạo lý: những chuyển biến liên tiếp đã xảy ra theo nhịp đổi thay não trạng trong văn hóa Tây phương.
Nói cách đơn giản: đức tin luôn luôn xuất hiện trong một bộ áo văn hóa. Nếu chúng ta có thể chuyển đạt đức tin tinh ròng trần trụi cho người thuộc một văn hóa khác, thì lập tức họ sẽ dệt ngay cho nó một tấm áo khác, bởi vì không hề có đức tin "trần trụi" được: chỉ có đức tin hiện diện trong cách diễn đạt chính nó tạo nên. Rõ ràng vấn đề là như thế này: người truyền giáo cần phải biết tương đối hóa chính văn hóa của mình, chính cách suy tư, diễn đạt và sinh sống riêng của mình để cho người thụ giáo có cơ may và tự do dựa theo bản sắc cùng lối sống riêng của họ mà tự mình khám phá ra những cách thích hợp cho công trình thâu nhập đức tin.
Từ lâu, các nhà truyền giáo đã hiểu rằng họ cần phải học biết ngôn ngữ của các dân nước họ muốn giao tiếp. Các vị đã thích nghi một phần lề lối trình bày giáo lý cho hợp với tâm não cũng như ngay cả với các lễ nghi tôn giáo địa phương. Nhưng việc làm trên đây của người rao truyền Phúc âm vẫn chưa đáp ứng trọn vẹn được nhu cầu của những người đón nhận Phúc âm, muốn được sống đức tin trong cách thức đặc thù của mình. Công trình hội nhập đức tin không phải là việc làm của người rao truyền Phúc âm, nhưng là của chính người đón nhận Phúc âm: chính những người thụ giáo có bổn phận phải gầy dựng nên một lối sống đức tin và một nền thần học mới.
Đi từ Đức Tin
Có thể nói được là sau thời bập bẹ của nỗ lực "thích nghi", ngày nay ý niệm hội nhập văn hóa đã đạt tới được mức độ trưởng thành, cho dù vẫn còn có thể tiến tới thêm để trở thành chính xác và hoàn hảo hơn nữa. Bây giờ là lúc phải nhận thức rằng, dù đã được bắt đầu và theo đuổi vì nhu cầu buộc phải có, và do hoàn cảnh thúc bách, thì thực ra việc hội nhập văn hóa như thế chung quy cũng chỉ là để đáp ứng một đòi hỏi thiết yếu của chính đức tin.
Thực thế, một số văn kiện chính thức của Giáo hội cũng như rất nhiều công trình nghiên cứu thần học đã dựa theo lối diễn đạt mầu nhiệm Nhập thể mà nói tới việc đức tin đâm rễ sâu trong lòng các văn hóa. Đã hẳn là giữa mầu nhiệm nòng cốt của kitô giáo và tiến trình hội nhập văn hóa có một mối đối chiếu song song. Tuy nhiên, rất có thể là người ta chỉ dừng lại ở nơi bình diện so sánh và tỷ dụ. Vì thế, người ta sẽ không nói rằng hội nhập văn hóa là một hình thức của Nhập thể: vì từ ngữ Nhập thể phải được dành riêng để chỉ biến cố Đức Giêsu Kitô đến trong lịch sử. Nhưng nếu Ngôi Lời đã trở thành nhục thể trong Đức Giêsu là Đấng Kitô thì, xét theo quan điểm của chính đức tin, việc hội nhập văn hóa hẳn là điều tất yếu.
Đức Kitô Trước Đức Giêsu
Thiên Chuía tạo dựng: tức là Ngài đặt vào trong hiện hữu ở ngoài Ngài một kẻ khác với Ngài. Hành động này của Thiên Chuía có phải là của chính Thiên Chúa hay không? hay là một thực tại nào khác? Về điểm này, Cựu Ước nói đến Thần khí, nhưng thông thường hơn thì nói đến "Lời Thiên Chúa". Thiên Chuía tạo dựng bằng Lời của Ngài, phát ra tự Ngài, nhưng không rời khỏi Ngài vì Lời ấy cũng vẫn là chính Ngài. Một phần nào đó cũng tựa như là Thiên chuía tự thoát ra khỏi chính mình để tự lồng mình vào trong một thực tại khác. Hành động này đã đạt tới hình thái cuối cùng và mới mẻ trong cái mà chúng ta gọi là Nhập thể: Lời Thiên Chuía mặc lấy thân thể, tự cho mình một thân thể là hình ảnh của Thiên Chúa, là thân mình của Thiên Chúa. Dĩ nhiên là không được lẫn lộn tạo dựng với Nhập thể, nhưng cả hai cũng đều diễn tiến theo cùng một cách thức giống nhau. Khi viết rằng tất cả đều đã được tạo dựng trong Đức Kitô (Cl 1,15-17), Phaolô muốn nói rằng ngay từ lúc có tạo dựng, thì đã có Đức Kitô, Ngôi Lời hiện hữu trong cảm tính.
Đức Kitô muôn thuở đã tự mạc khải mình ra ở nơi con người có một không hai là Đức Giêsu thành Nadarét. Ngài là con người đó. Đấng vừa độc nhất vô nhị, vừa đại đồng phổ cập, là chính sự hiện diện sáng tạo ở trong tất cả những gì hiện hữu: chính Đấng ấy nay đã hóa thành con người đặc biệt đó, làm người của một xứ sở, của một chuủng tộc, của một dân nước, của một nền văn hóa. Trong Đức Giêsu, chính Thiên Chuía đã "hội nhập văn hóa". Đó chính là những gì đặt ra vấn đề thể chế của dân Ítraen: chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề này qua vấn đề của Kinh Thánh là bộ sách của dân Ítraen.
Bộ Sách Của Itraen
Chúng ta nói rằng Đức Kitô là Lời của Thiên Chúa, nhưng chúng ta cũng nói rằng Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa. Thế có phải Đức Kitô và Kinh Thánh là cùng một thực tại hay không? Dĩ nhiên là không, thế nhưng ... Lời của Thiên Chúa thì không thể nghe bằng tai được. Đó là một Lời không từ ngữ: "chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh..."; nhưng lại có sức chống đỡ mọi vật và đi cùng khắp mọi chân trời góc biển (Tv 19,2-7). Lời duy nhất và không từ ngữ ấy sẽ lồng vào trong muôn vàn từ ngữ của hai pho Kinh Thánh Cựu và Tân (xem Paul Beauchamp, Parler d'Ecriture sainte, Le Seuil, pp. 66-71). Các từ ngữ đó là gì? Trước tiên, là những từ ngữ loài người, có khả năng truyền thông, nhưng đồng thời cũng là những từ ngữ của người Ítraen, thuộc một hay nhiều ngôn ngữ nhất định và diễn tả một nền văn hóa riêng biệt. Và sau cuìng, đó là những từ ngữ của một số người Ítraen cụ thể: đi từ những hiểu biết cá nhân, từ những định kiến sẵn có cũng như từ cả những ảo tưởng nữa, họ viết ra theo tâm tính riêng của họ. Isaia,Giêrêmia v.v...đều đích thực là tác giả của sách họ viết. Lời Thiên Chúa hóa thành những lời con người. Như thế, Kinh Thánh cũng đã là giao ước giữa Thiên Chúa và con người, giống như Đức Kitô sẽ là "Giao ước mới và đời đời" vậy. Chính vì thế mà Công đồng Vaticanô II đã không ngần ngại nói tới nhập thể khi bàn về Kinh Thánh. Tựu trung, đó cũng là "sự việc Thiên Chúa giáng trần ở với con người".
Những gì nói trên về bản chất của Kinh Thánh cũng đều xác thực đối với phần nội dung. Thực vậy, Kinh Thánh trước tiên là bản trình thuật về lịch sử của Thiên Chúa ở nơi một dân tộc, ở trong một nhân tính. Điều được kể lại ở trong đó cho chúng ta biết chính là việc Thiên Chúa đương đầu với những tối tăm của con người, chính là sự việc Thiên Chúa ở cùng chúng ta, cùng dấn thân với chúng ta trên những nẻo đường chúng ta chọn, ngõ hầu chúng ta khỏi phải cô đơn lẻ loi.
Những điều ấy có giúp chúng ta hiểu biết gì thêm về việc hội nhập văn hóa không? Dĩ nhiên là có! Việc các dân tộc được khai sinh trong đức tin không thể thành tựu, mà không có nỗ lực sáp nhập vào bên cạnh các giá trị mà Irênê gọi là "hạt giống của Ngôi Lời", những khía cạnh đêm đen của nhiều nền văn hóa khác nhau; những khía cạnh mà - thường thì sai, một đôi lúc đúng - chúng ta coi như sai lầm hay là lệch lạc. Bằng cách này hay cách khác, đâu đâu Ngôi Lời cũng đều bị đóng đinh. Cả ở nơi chúng ta cũng thế: "người nhà của Ngài đã không tiếp nhận Ngài".
Ítraen Ở Giữa Ngã Tư Các Nền Văn Hóa
Những gì vừa đề cập trên đây cho thấy rằng Kinh Thánh là cuốn sách của hết thảy mọi dân tộc: Thiên Chúa hiện diện và hoạt động giữa lòng mọi biến cố lịch sử. Và đây: một dân tộc duy nhất đã trở thành, từ trong chính lịch sử của mình, sự kiện mạc khải về những gì liên quan tới tất cả các dân tộc khác. Dân tộc có một, với không biết bao nhiêu là đặc nét! Đành rằng nhiều trong các đặc nét ấy có được là nhờ bởi kết giao ước với Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều đó không làm cho Ítraen không sống giao ước kia theo những "truyền thống của cha ông mình”: truyền thống mà Đức Giêsu coi là hay trái nghịch với căn bản của Lề Luật. Các truyền thống và các đặc nét văn hóa ấy đã từ đâu mà tới? Từ các lối sống trong các nền văn minh du mục, nhưng đã biến hóa theo đà của đủ các loại văn hóa mà Ítraen từng có dịp hấp thụ: Ai cập, Canaan, Babylon. Như thế, đoạn trích từ thánh vịnh 19 trên kia, diễn tả đúng niềm tin Kinh Thánh, nhưng là dùng các chủ đề vay mượn từ các huyền thoại của Babylon mà diễn đạt. Cũng thế, "chất liệu" trong các chương 2-3 của sách Sáng Thế (sông ngòi, hai thứ cây, con rắn, v.v...) xuất xứ từ những huyền thoại có lâu đời trước bản trình thuật Kinh Thánh, nhưng đã được lấy lại và sáp nhập vào trong cách diễn tả niềm tin của Ítraen.
Yếu tố văn hóa nòng cốt nói lên tính chất đặc thù của Ítraen và làm cho Ítraen trở thành duy nhất độc đáo: đó chính là luật Giao ước. Đi từ yếu tố nồng cốt đó, Ítraen xây dựng nền văn hóa của mình bằng cách thu nhận và biến cải thành của riêng tất cả những gì vay mượn từ các nền văn minh văn hóa từng có dịp tiếp xúc. Tóm lại: phi văn hóa bởi vì mang tính chất phổ cập và vì không phải là lời con người, Lời Thiên Chúa đã hội nhập vào trong Ítraen,và nhờ đó đã có được một ngôn ngữ, ngôn ngữ của Ítraen. Nhưng chính ngôn ngữ này lại là sản phẩm do muôn vàn đợt chiếm hữu văn hóa gầy dựng nên. Do đó, bản "sơ đồ" công cuộc Nhập thể đã tiềm tàng hiện diện dưới cả hai diện mạo. Diện mạo cá biệt: Đức Giêsu sẽ là người thuộc một dân nước và một thời đại nhất định. Diện mạo phổ cập: Đức Kitô tổng kết toàn bộ không gian cũng như toàn bộ lịch sử loài người lại ở trong Ngài.
Dân Tộc Để Riêng: Dân Tộc Riêng Biệt
Khi đọc phần lớn các công trình nghiên cứu về hội nhập văn hoía, người ta phải ngạc nhiên vì thấy nhấn mạnh nhiều đến sự việc một dân tộc, một văn hóa biết tiếp nhận sứ điệp (Tin Mừng), biết chuyển dịch sứ điệp ấy ra qua các phạm trù tư tưởng riêng của mình, và nhờ thế mà làm cho đức tin của Hội thánh hoàn vũ được thêm phong phú. Nhưng lại ít nghe nói tới phần nòng cốt lừng danh của đức tin được truyền thụ. Thậm chí, người ta có cảm tưởng là nó không có. Thực vậy, nếu lột bỏ hết mọi hình thái văn hóa khỏi đức tin để biến nó thành một thứ hóa chất tinh ròng, thì đức tin sẽ không còn nữa: lúc đó người ta sẽ trở lại với tình trạng "Lời chẳng một lời lẽ" mà thánh vịnh 19 nói tới, và Lời đó cũng chẳng nhận được một tiếng ứng đáp nào vì là không được diễn đạt ra. Đức tin luôn đến với chúng ta qua trung gian của một văn hóa, và trước tiên là qua trung gian văn hóa Do thái.Vẫn biết rằng các nhà tư tưởng kitô mọi thời vẫn tìm cách hội nhập đức tin vào nhiều loại hình thức tư tưởng và cảm thức của chính họ. Chẳng hạn, thánh Tôma Aquinô đã ngẫm suy về đức tin bằng cách đọc lại đức tin ấy nhờ bí quyết các phạm trù tư tưởng của Aristốt.
Tuy nhiên, trong cách diễn đạt đức tin, có một hình thái văn hóa không thể nào bỏ qua được: đó là hình thái văn hóa Ítraen. "Ơn cứu độ xuất phát từ Dân Do thái", như Đức Kitô đã nói trong chương 4 Phúc âm theo thánh Gioan. Chính vì lý do đó mà Ítraen là Dân được chọn riêng. Đức Kitô đã sinh ra giữa lòng văn hóa ấy. Ngài xuất thân từ một trong các làng xã dân tộc ấy, và Ngài đã học biết phong tục, lễ giáo của các nơi ấy. Lời Ngài nói chịu ảnh hưởng sâu đậm của toàn bộ Kinh Thánh có trước Ngài, nhưng Kinh Thánh ấy lại nhờ Ngài mà được nên trọn. Nếu có người hỏi: "Đức Kitô nói từ đâu?", thì phải trả lời rằng Ngài nói từ môi trường ấy: từ Ítraen, miêu duệ của Abraham. Vì thế, khi loan báo Tin Mừng cho các dân nước, chúng ta không yêu cầu họ đến với Tây phương, với gia sản La-Hy đã được các triết gia cũng như các nhà sưu tầm Âu Mỹ giải thích lại cùng làm cho phong phú thêm; chúng ta đề nghị với họ hướng nhìn về phía Ítraen. Dùng ngôn ngữ của mình, Kinh Thánh đề cập đến hiện tượng mọi dân tộc đổ dồn về Giêrusalem. Điều đó thiệt là quái gở nếu Ítraen chỉ là một dân tộc giống như các dân nước khác. Nhưng không phải thế: được để riêng ra, Ítraen là một dân tộc đặc tuyển, khác hẳn với các dân khác trong một cách thức khác, chứ không phải như người Đức khác với người Pháp, hay người Anh khác với người Ấn độ. Ngày nay, dân của Kinh Thánh mang đủ mọi màu sắc văn hóa, mọi quốc tịch, và có khi cả mọi hình thái tín ngưỡng nữa. Tuy thế, họ vẫn giữ nguyên tư thế đặc thù của họ. Ấn tích mà Thiên Chúa đã ghi đậm trong họ, sẽ không bao giờ phai mờ, và các dân tộc khác cũng sẽ không sao làm cho họ quên đi được nét đặc trưng ấy. Đức Kitô mang ấn tích đặc trưng ấy ở một mức độ độc nhất vô nhị: Ngài tổng kết trọn cả Ítraen, trong đó Ngài đã nhập thể làm người. "Thuộc chi tộc Đavít theo huyết nhục".
Thế thì tất cả chúng ta phải trở thành Do thái hay sao? Cũng có phần đúng là thế, với điều kiện là phải hiểu Ítraen như là điều phúc lộc dành cho mọi người, và nơi Abraham "mọi dân nước trên địa cầu đều được chúc phúc"; rồi hơn nữa "tất cả mọi dân tộc trên mặt đất đều nhờ dòng giống Abraham (Đức Kitô) mà chúc phúc cho lẫn nhau". Giới thiệu một Phúc âm hội nhập khắng khít với văn hóa Ítraen bởi vì đấy là nơi Ngôi Lời đã nhập thể: đó là điều tất yếu phải làm, không thể nào tránh né được. Và nếu chúng ta đã giải thích Phúc âm ấy theo tư thế là người Tây hay Đông phương, được thừa hưởng các nền văn hóa từng nắn đúc nên mình, thì cũng vậy, chúng ta cần phải chịu để cho các dân tộc khác được làm như vậy.
Từ đó, chính cách thức chúng ta quan niệm về đức tin cũng sẽ biến đổi. Chúng ta sẽ khám phá ra được nhiều chiều kích khác của "mầu nhiệm" Nhập thể. Thân mình hiện nay của Đức Kitô, tức là Hội Thánh, sẽ mang những khuôn mặt khác. Điều đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi biết niềm nở tiếp nhận lẫn nhau và biết thoát ra khỏi mọi hình thức mặc cảm tự ty cũng như tự tôn, để cởi mở đối thoại với nhau. Trong thực tế, điều đã giúp tiến hành việc hội nhập văn hóa, chính là nổ lực để cùng nhau tìm kiếm, không phải là một thứ giáo lý hoặc là một hình thức phụng tự nào đó, nhưng là một con người: Đức Kitô, là "nơi" mà cái cá biệt của dân Do thái nổ tung tóe ra để bắt gặp hết thảy mọi người. Phaolô đã muốn nói lên chân lý ấy khi giải thích rằng tự hậu, chúng ta không còn phải đi tìm ơn cứu độ ở nơi lề luật nữa, nhưng là chính ở nơi Đức Kitô. Đối với thánh nhân, đóng đinh Đức Kitô cũng là đóng đinh lề luật: cái lề luật đã từng phân cách Ítraen ra khỏi tất cả mọi dân tộc khác. Trong Ê-phê-xô 2,13-16, Phaolô giải thích rằng bức tường ngăn cách người Do thái với người ngoại giáo đã bị đạp đổ do sự việc Đức Kitô đã hủy diệt nơi thân xác Ngài hết cả lề luật với toàn bộ các sắc lệnh và chỉ thị của nó. Như vậy, Ngài đã làm cho hai thế giới trở thành một thế giới duy nhất. Ngài khiến cho nền văn hóa trong đó Ngài đã mặc lấy xác phàm, nổ tung ra. Từ đó, việc hội nhập văn hóa trở thành chuyện có thể làm được.
Động Tác Hai Chiều
Như vậy, rõ ràng là không bên nào trong cả hai phía - phía người truyền giảng Phúc âm cũng như phía người tiếp nhận Tin Mừng - là không hề hấn trong cuộc mạo hiểm hội nhập văn hóa. Bởi vì đức tin của người truyền giảng Phúc âm, thường đóng kín trong khuôn mẫu nền văn hóa của mình, cũng cần phải sống một cuộc khai sinh mới. Người ta đã bàn nhiều tới việc cần phải Phúc âm hóa các nền văn hóa. Quả thế, trong cuộc gặp gỡ với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, Phúc âm đã tác động sâu đậm trên chúng, hệt như đã nghiệm thấy đối với các nền văn hóaTây phương. Tuy nhiên, Phúc âm chỉ có thể bén rễ nơi "những người ở xa" - theo kiểu nói của Phaolô - nếu họ biết thích nghi Phúc âm vào trong thủy thổ của nền văn hóa mình; điều này có thể làm phát hiện nhiều khía cạnh chưa từng thấy, không ai ngờ.
Mầu nhiệm Nhập thể được mạc khải nơi Đức Kitô, sẽ tiếp tục tác động trong thế giới thời đại chúng ta. Lời-hạt giống từ Thiên Chúa mà đến; còn trái đất thì mang lại hoa trái của mình.
Chỉ có một Phúc âm, nhưng Phúc âm ấy phải được lặp đi lặp lại, không những trong mọi loại tiếng nói, nhưng còn cả trong mọi thứ ngôn ngữ của loài người nữa: ngôn ngữ ở đây được hiểu như là lối truyền đạt mọi cách thức cảm xúc, diễn tả cũng như sinh sống: nghệ thuật, triết lý, các lề lối giao tế.... chẳng hạn.
Đáp ứng công trình Nhập thể của Ngôi Lời thì có nỗ lực hội nhập văn hóa của Đức Tin.
Marcel Domergue [1]
Nguyễn Tiến Lãng phiên dịch,
trích Hợp tuyển Thần học sô 3, năm thứ hai