Đức Thánh Cha trả lời phỏng vấn tạp chí Civiltà Cattolica

ĐTC xác tín rằng ”Đề nghị về Tin Mừng phải đơn sơ, sâu xa và chiếu tỏa rạng ngời hơn. Những hệ luận luân lý phải đi từ mệnh đề ấy”. Ngài cũng tái khẳng định một trong những đề tài chính, đó là cần có lòng từ bi hơn là xét đoán, khi đề cập đến tội lỗi. Điều mà Giáo Hội ngày nay cần hơn cả đó là khả năng chữa lành những vết thương, sưởi ấm tâm hồn các tín hữu. Giáo Hội cần gần gũi với con người”...

Đức Thánh Cha trả lời phỏng vấn tạp chí Civiltà Cattolica

ROMA. Hôm 19-9-2013, bán nguyệt san Civiltà Cattolica, Văn Minh Kitô của dòng Tên Italia, đã công bố cuộc phỏng vấn ĐTC Phanxicô, dài 29 trang, nói về thân thế, cá tính, và lập trường của ngài về nhiều vấn đề của Giáo Hội.

PopeFrancis-AntonioSpadano.jpg


Cuộc phỏng vấn được ĐTC dành cho Cha Antonio Spadaro S.J, giám đốc tạp chí Văn Minh Công Giáo, vào 3 ngày 19, 23 và 29-8-2013, tổng cộng dài 6 tiếng đồng hồ, được dịch ra phổ biến đồng thời trên 16 tạp chí của dòng Tên bằng những thứ tiếng chính như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Croát, Hungari, Thụy Điển, Slovak v.v.

Trong cuộc phỏng vấn, ĐTC Phanxicô nói về nguy cơ quá nhấn mạnh đến giáo huấn Công Giáo về đạo đức tính dục và y khoa; lý do ngài chọn đường lối cai quản và tham vấn trong Giáo Hội, gia đình, vị thế phụ nữ trong Giáo Hội, giáo triều Roma, và đâu là những ưu tiên hàng đầu đối với Giáo Hội ngày nay.

Cha Spadano cho biết ĐTC đã đích thân duyệt lại văn bản cuộc phỏng vấn đề chấp thuận cho công bố, trong đó có đoạn ngài nói: ”Chúng ta không thể chỉ nhấn mạnh đén những vấn đề liên quan đến phá thai, hôn nhân đồng phái, và sử dụng các phương pháp ngừa thai”.

ĐTC cũng tiết lộ là đã bị phê bình vì không đề cập đến những đề tài đó, nhưng ngài nói: ”Không cần lúc nào cũng phải nói về những vấn đề ấy. Các giáo huấn tín lý và luân lý của Giáo Hội không phải tất cả đều tương đương với nhau.. Sứ vụ mục vụ của Giáo Hội không thể bị ám ảnh với việc thông truyền một mớ các đạo lý liên tục áp đặt.. Việc rao giảng như truyền giáo nhấn mạnh tới những gì là thiết yếu, những điều cần thiết. Chúng ta phải tìm ra một sự quân bình mới, chẳng vậy cả tòa nhà luân lý của Giáo Hội sẽ bị sụp đổ như một căn nhà bằng giấy, và sẽ đánh mất sự tươi mát và hương thơm của Tin Mừng”.

ĐTC xác tín rằng ”Đề nghị về Tin Mừng phải đơn sơ, sâu xa và chiếu tỏa rạng ngời hơn. Những hệ luận luân lý phải đi từ mệnh đề ấy”. Ngài cũng tái khẳng định một trong những đề tài chính, đó là cần có lòng từ bi hơn là xét đoán, khi đề cập đến tội lỗi. Điều mà Giáo Hội ngày nay cần hơn cả đó là khả năng chữa lành những vết thương, sưởi ấm tâm hồn các tín hữu. Giáo Hội cần gần gũi với con người”.

Theo ĐGH Phanxicô, ”đôi khi Giáo Hội đã khép kín mình trong những chuyện nhỏ nhặt, những qui luật hẹp hòi. Điều quan trọng nhất là lời công bố đầu tiên: Chúa Giêsu Kitô đã cứu bạn”.

Trong chiều hướng đó, ngài nói: ”Tòa giải tội không phải là một phòng tra tấn, nhưng là nơi mà lòng từ bi của Chúa thúc đẩy chúng ta hành động tốt đẹp hơn.. Những người luôn tìm kiếm những giải pháp kỷ luật, những người mong ước một sự an ninh thái quá về đạo lý, những người ngoan cố nỗ lực phục hồi một quá khứ không còn nữa, chính là những người có một cái nhìn bất động và hướng nội về sự vật”.

ĐTC cũng đề cập đến đường lối cai quản của ngài và nói: ”Nhiều người nghĩ rằng những thay đổi và cải tổ có thể diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta luôn cần có thời gian để đặt nền tảng cho một sự thay đổi thực sự và hữu hiệu. Đó chính là thời gian phân định. Nhưng đôi khi sự phân định thúc đẩy chúng ta phải làm ngay điều mà trước đó bạn nghĩa là phải làm về sau. Và đó cũng là điều xảy ra cho tôi trong những tháng qua”.

Riêng về việc cải tổ tại Vatican, ĐTC nghĩ rằng cần phải tản quyền về các Giáo Hội địa phương nhiều hơn. ”Một số cơ quan Tòa Thánh có nguy cơ trở thành một cơ quan kiểm duyệt. Thật là đáng ngạc nhiên khi thấy những đơn tố cáo về sự thiếu đạo lý chân chính từ các nơi được gửi về Roma. Tôi nghĩ những trường hợp ấy phải được các HĐGM địa phương điều tra và họ có thể được Tòa Thánh trợ giúp trong việc này. Những trường hợp như thế được xử lý ở địa phương thì tốt hơn. Các cơ quan Tòa Thánh là những ngừơi trung gian chứ không phải là những người điều hành”.

G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana