Cần phải tách biệt thần học và chính trị
Phỏng vấn triết gia Massimo Borghesi
|
Trong thời gian qua người ta thấy xuất hiện tại các nhà sách hai khảo luận mạnh mẽ phê bình sự lẫn lộn giữa thần học và chính trị đã kéo dài từ nhiều thế kỷ qua. Cuốn sách thứ nhất của ông Roberto Esposito tựa đề ”Hai. Chiếc máy của chính trị thần học và chỗ đứng của tư tưởng”. Cuốn thứ hai của ông Massimo Borghesi tựa đề ”Phê bình thần học chính trị, từ Agostino tới Peterson. Sự cáo chung của kỷ nguyên Costantino”.
Ông Massimo Borghesi là giáo sư triết học luân lý tại đại học Perugia bắc Italia. Theo ông chủ thuyết Costantino và sự lẫn lộn giữa ”Kinh thành của Thiên Chúa” với thế giới đã dẫn đưa tới chủ thuyết Hồi cuồng tín cũng như chủ thuyết chiến tranh ”có Thiên Chúa ở cùng”. Nghĩa là người ta đã chính trị hóa tôn giáo, hay đã lèo lái sử dụng tôn giáo cho các mục tiêu chính trị. Hơn bao giờ hết phải cấp thiết tái chiếm trở lại thái độ khoan nhượng đại đồng đối với mọi niềm tin tôn giáo, và phải để cho quyền bính chính trị trở về với trật tự tự nhiên của nó.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn giáo sư Massimo Borghesi về cuốn sách này.
Hỏi: Thưa giáo sư Borghesi, giáo sư đề cập tới việc cần thiết phải thắng vượt ý niệm về ”thần học chính trị” và nhường chỗ cho ý niệm ”thần học của chính trị”. Đâu là sự khác biệt giữa hai ý niệm này thưa giáo sư?
Đáp: Thần học chính trị ám chỉ việc chính trị hóa thần học. Nó khác với ”thần học của chính trị”. Có rất nhiều người lẫn lộn hai ý niệm này, nhưng điều này chỉ tạo ra sự hỗn độn thôi. Trong thần học của chính trị tương quan giữa thần học và chính trị không tức thì, nhưng được trung gian bởi luân lý, luật pháp vv... Hai ý niệm không giống nhau. Ơn thánh không trùng hợp với tự nhiên, kinh thành của Thiên Chúa không phải là kinh thành của thế giới. Đối với thần học chính trị thì trái lại, thần học gia thực tại hóa qua nhà chính trị, và nhà chính trị thực tại hóa qua thần học gia. Với sự kiện này là sự hỗn độn hoàn toàn, và thần học hoạt động cho quyền bính của thế giới. Như học giả Carl Schmidt, chuyên viên phê bình các thể chế dân chủ tự do, đã viết: ”không có thần học chính trị, nếu không có các kẻ thù. Thần học chính trị dẫn đưa các đạo binh tới Thiên Chúa, thánh hiến quyền năng của các dân tộc, chứ không thánh hiến vinh quang của Thiên Chúa”. Và đó là điều đã xảy ra sau vụ khủng bố tại New York ngày 11 tháng 9 năm 2001: một phía với hồi giáo triệt để cuồng tín, phía kia với ấn bản “Thiên Chúa ở với chúng ta” duy tây phương và chủ trương chiến tranh.
Hỏi: Đối với giáo sư, một trong các chìa khóa giải thích của Công Đồng Chung Vaticăng II chính là sự thắng vượt thần học chính trị và trở lại với tình trạng của Giáo Hội của bốn thế kỷ đầu. Đó lại không phải là một tách rời qúa đáng, so với kiểu giải thích của sự canh cải mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nêu bật hay sao, cải cách nhưng luôn luôn trong sự tiếp nối? Thế rồi sự cáo chung của kỷ nguyên Costantino đã là con ngựa chiến của các môi trường phố biến kiểu giải thích bẻ gãy này có đúng thế không?
Đáp: Sự bẻ gẫy trong cách đọc mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đưa ra trong nhiều dịp của cuộc cải tổ của Công Đồng không phải là trên các nguyên tắc nhưng trên các áp dụng. sự bẻ gẫy của Công Đồng Chung Vaticăng II không phải là một sự bẻ gẫy triệt để như các người của cả hai phía bảo thủ và cấp tiến muốn. Tuyên ngôn ”Dignitatis humanae” về quyền tự do tôn giáo, từ bỏ thần học chính trị, thông dụng từ thời hoàng đế Teodoro và phục hồi truyền thống của bốn thế kỷ đầu trong đó các Giáo Phụ, một cách hầu như đồng nhất, yêu cầu sự tự do tôn giáo cho tất cả mọi người. Từ quan điểm này hơn là từ sự cáo chung của kỷ nguyên của hoàng đế Costantino, chúng ta phải nói tới sự cáo chung của kỷ nguyên hoàng đế Teodosio. Thật thế chiếu chỉ của Costantino và Licinio năm 313 diễn tả một tuyệt tác của sự khoan nhượng, trong đó sự tự do tôn giáo được ban cho tất cả mọi người, tìn hữu Kitô cũng như người ngoại giáo.
Hỏi: Trong thư gửi giáo đoàn Roma thánh Phaolô khẳng định rằng ”mọi quyền bính đến từ Thiên Chúa”, đây lại đã không phải là sự phát triển của thần học chính trị hay sao thưa giáo sư?
Đáp: Không. Khẳng định của thánh Phaolô diễn tả thần học Kitô về chính trị, chứ không phải là sự tuyệt đối hóa thần học về chính trị gia. Như trong tác phẩm Kinh thành của Thiên Chúa thánh Agostino đưa ra ánh sáng sự kiện quyền bính đến từ Thiên Chúa không bao gồm việc nó phải là Kitô. Nó cũng không bao gồm rằng sự cứu rỗi phải đi qua quyền bính. Lãnh vực của quyền bính tùy thuộc trật tự của sự tạo dựng, là một trật tự tự nhiên, mà các người đại diện có thể là tín hữu Kitô hay không Kitô, là những người có niềm tin hay không có niềm tin. Việc vâng lời phải có đối với họ được quy định bởi các ranh giới bắt nguồn từ lương tâm luân lý và tôn giáo.
Hỏi: Thưa giáo sư, giáo sư đưa ra ánh sáng vai trò hai mặt, mà thánh Agostino đã có trong tương quan giữa Giáo Hội và quyền bính đời: có một Agostino viết tác phẩm ”Kinh thành của Thiên Chúa”, trong đó sự phân biệt giữa nhiệm vụ của Giáo Hội và nhiệm vụ của Nhà nước rất rõ ràng, và một Agostino của sự tranh luận chống lại những người theo bè rối Donatismo, do Giám Mục Donato di Case Nere (270-355) khởi xướng bên Phi châu năm 311, chống lại tất cả những gì có tính cách chính trị đời, đặc biệt là một Giáo Hội được Nhà nước yểm trợ. Trong đó thánh Agostino biện minh cho việc dùng cánh tay đời để bảo vệ thiện ích của đức tin. Tại sao thánh Agostino đích thật lại là Agostino thứ nhất?
Đáp: Agostino thứ nhất là Agostino cho tới năm 400-405, chủ trương tự do tôn giáo cho tất cả mọi người, khước từ tòa án đối với các người lạc giáo và chỉ xin phạt các bạo lực mà các băng đảng hứng khởi xoay quanh các người theo bè rối Donato gây ra mà thôi. Tiếp đó và theo sau các chỉ dụ trừng phạt do hoàng đế Onorio ban hành, coi các người theo bè rối Donato ngang hàng với các người theo bè rói Manicheo, thì thánh Agostino thay đổi ý kiến tới độ thần học hóa sự ích lợi của cánh tay đời. Đây đã là một bước định đoạt, vì tầm qaun trgon lớn của thánh Agostino trong Thời Trung Cổ và trong kỷ nguyên tân thời, bao gồm nhiều hậu qủa.
Để biện minh cho liên minh giữa đức tin và gươm giáo, thánh Agostino đã bị bó buộc phải tưởng tượng ra hai thời gian của Giáo Hội: thời của Chúa Giêsu và thời của các tong đồ, trong đó Kitộ giáo đã bị bách hại và đã không kháng cự lại các bạo lực; và thời gian tiếp theo trong đó các Kitô hữu cầm quyền có quyền tước đoạt sự tự do của các tín hữu lạc giáo. Tuy nhiên, trong khi viết Kinh thành của Thiên Chúa, sau vụ Alario cướp phá thành Roma, thánh Agostino tìm lại được giọng điệu và ngôn ngữ của Kitô giáo giáo phụ, đến độ phát triển việc phê bình đầu tiên thần học chính trị. Có hai kinh thành, khác nhau nhưng có một thời trộn lẫn với nhau và chúng không được đưa tới thuyết nhị nguyên thời trung cổ giữa Giáo Hội và đế quốc. Nghĩa là mặc dù có sự thay đổi vào năm 405, thánh Agostino cống hiến cho chúng ta trong tác phẩm Kinh thành của Thiên Chúa một mô thức tương qaun giữa Kitô giáo và quyền bính mà nó có, kể cả ngày nay nữa, một tính cách thời sự không thể nghi ngờ được. Để được như thế thì phải phân biệt thánh Agostino với chủ thuyết chính trị Agostino, thời trung cổ và thời tân tiến. Đây là công việc mà các nghiên cứu của Đức Ratzinger đã góp phần đáng kể.
Hỏi: Thưa giáo sư Borghesi, trong sách giáo sư đề cao gương mặt của học giả Erik Peterson và ảnh hưởng của ông trên các nhân vật như Maritain và Ratzinger: một tầm quan trọng có tỷ lệ nghịch với sự hiểu biết mà cả ngày nay nữa người ta có trong thế giới công giáo. Theo giáo sư thì tại sao vậy?
Đáp: Học giả triết gia Erik Peterson người Đức sau khi trở lại công giáo, đã sống tại Roma từ năm 1930 tới 1960, tức năm ông qua đời. Ông còn chờ đợi nơi chúng ta sự thừa nhận phải có đối với ông. Với tác phẩm của ông xuất bản năm 1935 nhất thần như là vấn đề chính trị, ông là nhà phê bình lớn của Carl Schmidt và các Kitô hữu đức đã theo Đức quốc xã. Học giả Peterson đã là nhà phê bình thần học chính trị đích thật của thế kỷ XX. Ông là người đã khiến cho thánh Agostino trở thành thời sự trong chìa khóa ”tự do”. Tương quan của ông với triết gia người Pháp Jacques Maritain đã là điều nền tảng, khi trong tác phẩm ”Chủ thuyết nhân bản toàn vẹn” ông Jacques Maritain phê bình mô thức Đế quốc thánh thời trung cổ, rất được cánh hữu công giáo của các năm đó ưa thích. Sự phê bình của ông đối với mô thức thần học chính trị trở thành đề tài trung tâm của thập niên 1970, trong khi nền thần học Kitô bị ảnh hưởng bởi chủ thuyết mác xít, tự giới thiệu như là thần học chính trị. Tại sao nó đã không được chúng ta thừa nhận và đánh giá tại Italia này? Có lẽ bởi vì Công giáo Italia sau đệ nhị thế chiến cũng đã bị cám đỗ bởi nhãn quan thần học chính trị này.
Linh Tiến Khải, RadioVaticana