Những chuyện rắc rối về luật hôn nhân tại Hoa Kỳ

Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ vừa đưa ra hai phán quyết liên quan tới hôn nhân đồng tính theo chiều lỏng lẻo, chấp nhận những cuộc phối hiệp này là hôn nhân. Hai phán quyết này được coi là chiến thắng lớn lao của phe bênh vực hôn nhân đồng tính và là một thất bại chua cay của những người chống đối loại hôn nhân để trong ngoặc kép này. Người mừng người giận đều có lý do cả...
Những chuyện rắc rối về luật hôn nhân tại Hoa Kỳ
Lữ Giang
 
Những chuyện rắc rối...

Hôm 26.6.2013, Tối Cao Pháp Viện Liên Bang Hoa Kỳ đã đưa ra hai phán quyết liên quan đến hai vụ kiện về luật cấm hôn nhân đồng tính: Vụ thứ nhất có tên là “United States v. Windsor” do các công dân ở New York kiện về tính cách bất hợp hiến của Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân (Defense of Marriage Act), thường gọi là Luật DOMA, quy định hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Vụ thứ hai có tên là vụ “Hollingsworth v. Perry” do công dân Hollingsworth kiện bang California (đại diện bởi Bộ Trưởng Tư Pháp California là Perry) về Đề luật số 8 (Proposition 8) cấm hôn nhân đồng tính.

Đây là hai vụ án khá phức tạp và còn gây nhiều tranh luận, vì đang có âm mưu dùng nó mở đường tiến tới phá vỡ hệ thống gia đình truyền thống vốn đã có từ lâu đời, nhân danh quyền bình đẳng tự do. Tổng Thống Obama là một trong những người yểm trợ chủ trương này.

Để độc giả có thể theo dõi, trước hết chúng tôi xin tóm lược nội dung hai vụ án nói trên và hậu quả mà hai phán quyết của TCPV sẽ đem lại. Sau đó chúng tôi sẽ nói đến cuộc tranh luận về các giải pháp cho những người đồng tính muốn sống chung.

NỘI DUNG HAI VỤ KIỆN

1.- Vụ “United States v. Windsor”

Đạo luật Bảo Vệ Hôn Nhân (Defense of Marriage Act), thường được gọi là Luật DOMA, do Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua và được Tổng Thống Clinton ký ban hành ngày 21.9.1996 quy định về chế độ hôn nhân tại Hoa Kỳ. Điều 3 của đạo luật này quy định rằng “chữ “hôn nhân” chỉ có nghĩa là sự kết hợp hợp pháp giữa một người nam và một người nữ như chồng và vợ, và chữ ‘người phối ngẩu’ chỉ quy chiếu vào một người khác phái là một người chồng hay một người vợ (the word 'marriage' means only a legal union between one man and one woman as husband and wife, and the word 'spouse' refers only to a person of the opposite sex who is a husband or a wife).

Nói cách khác, Luật DOMA không chấp nhận hôn nhân đồng tính.

Hai bà Edith Windsor và Thea Spyer ở bang New York là hai người đồng tính đã sống chung với nhau trên 40 năm và có tài sản chung. Năm 2007 hai người qua Canada và chính thức lập hôn thú ở Toronto, vì luật Canada cho phép những người đồng tính được kết hôn. 

Năm 2009, bà Thea Spyer qua đời. Sở Thuế Vụ Liên Bang (IRS) buộc bà Edith Windsor phải trả thuế di sản là 363.053 USD trên phần bất động sản bà thừa hưởng của bà Spyer. Bà Edith Windsor xuất trình hôn thú đã được lập tại Canada, nhưng IRS không công nhận vì Luật DOMA cấm hôn nhân đồng tính.

Bà Windsor nhờ luật sư kiện về tính cách bất hợp hiến của Luật DOMA. Vụ kiện này mang tên là “United States v. Windsor” (Công dân Windsor kiện chính phủ Hoa Kỳ). Ngày 26.6.2013, TCPV đã đưa ra phán quyết tuyên bố điều 3 của Luật DOMA bất hợp hiến “vì sự tước đoạt quyền bình đẳng tự do của những người được Tu Chính Án số V của Hiến Pháp bảo vệ (as a deprivation of the equal liberty of persons that is protected by the Fifth Amendment). Tu Chính Án Số V nói gì? Tu Chính Án số V quy định như sau:

“Không một ai bị buộc phải chịu trách nhiệm về một tội nghiêm trọng hay một tội xấu xa khác nếu không có sự tường trình và cáo trạng của Bồi thẩm đoàn, trừ những trường hợp xảy ra trong lục quân, hải quân hoặc trong lực lượng dự bị, khi đang thi hành công vụ trong thời chiến hoặc trong tình trạng xã hội gặp hiểm nguy. Không một ai sẽ bị kết án hai lần về cùng một tội có nguy hại đến tính mạng và thân thể; không một ai bị ép buộc phải làm chứng chống lại bản thân mình trong một vụ án hình sự và bị tước đoạt sinh mạng, tự do hoặc tài sản (nor be deprived of life, liberty or property), nếu không qua một quá trình xét xử theo đúng luật; không một tài sản tư hữu nào bị trưng dụng vào việc công mà không được bồi thường thích đáng.”

Việc áp dụng mấy chữ “nor be deprived of life, liberty or property” để cho rằng điều 3 của Luật DOMA là bất hợp hiến đã gây nhiều tranh luận giữa các thẩm phán TCPV, nhưng TCPV áp dụng luật đa số: Khi 5/4 cho rằng điều 3 bất hợp hiến thì nó bị coi là bất hợp hiến!

2.- Vụ “Hollingsworth v. Perry”

Ở California, trước năm 2000, sự kết hôn giữa những người đồng tính là hợp lệ. Nhưng năm 2000 Đề luật số 22 (Proposition 22) được đưa ra trưng cầu dân ý. Cử tri được hỏi: “Có đồng ý cấm hôn nhân đồng tính không?” Ða số cử tri đã trả lời “Yes” tức đồng ý cấm. Nhưng năm 2008 một số đoàn thể ở California đã đưa đề luật này ra trước Tối Cao Pháp Viện California xin tuyên bố đề luật đó bất hợp hiến. Bằng phán quyết “In re Marriages Cases” (Về các vụ hôn nhân), ngày 15.5.2008 TCPV Cali tuyên bố Đề luật 22 không phù hợp với Hiến Pháp Cali.

Tháng 11/2008, những thành phần chống hôn nhân đồng tính lại đưa ra trưng cầu dân ý Đề luật số 8 (Proposition 8) tu chính Hiến Pháp Cali. Đề luật này quy định rằng “chỉ có hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là hợp lệ hay được công nhận tại California” (only marriage between a man and a woman is valid or recognized in California). Đề luật này cũng được thông qua.

Các cặp đồng tính lại chống đối. Ngày 4.8.2010 chánh án liên bang Vaughn Walker phán quyết rằng Đề luật số 8 vi phạm điều khoản về tiến trình luật pháp và quyền được bảo vệ công bằng trong Hiến Pháp Hoa Kỳ. Những người ủng hộ Đề luật số 8 kháng cáo. Ngày 7.2.2012 Tòa Phúc Thẩm Liên Bang Vùng 9 (Ninth Circuit Court of Appeal) đồng ý với Chánh Án Walker. Nội vụ được thượng tố lên Tối Cao Pháp Viện Liên Bang với cái tên là vụ Hollingsworth v. Perry (công dân Hollingsworth kiện bang California đại diện bởi Bộ Trưởng Tư Pháp California Perry). Ngày 26.6.2013 TCPV Liên Bang đã bác đơn của những người thượng tố Đề luật số 8, viện lý do những người này không có tư cách pháp lý để kháng cáo phán quyết của tòa California thấp hơn vì tiểu bang từ chối bênh vực đề luật đó (did not have the legal standing to appeal the California lower courts' rulings in federal court, since the state refused to defend it).

NHỮNG HẬU QUẢ PHÁT SINH

Như chúng tôi nói ở trên, TCPV đã tuyên bố Luật DOMA bất hợp hiến, còn việc kháng cáo Đề án số 8 bị coi là không hợp lệ. Hai phán quyết này sẽ đưa đến những hậu quả pháp lý khác nhau.

(1) Vế Luật DOMA: Phán quyết của TCPV chỉ vô hiệu hóa một điều khoản của Luật Bảo vệ Hôn nhân liên bang là điều 3, chứ không bắt buộc tất cả các tiểu bang phải công nhận hôn nhân đồng tính là hợp pháp.

(2) Về Đề luật số 8 của California: Phán quyết của TCPV không công nhận quyền kháng cáo của những người chống hôn nhân đồng tính. Như vậy phán quyết của TCPV tiểu bang Cali tuyên bố Đề luật số 8 bất hợp hiến có hiệu lực và những người đồng tính ở bang này có quyền kết hôn.

Nhưng phán quyết của TCPV Liên Bang chỉ có hiệu lực đối với bang California mà thôi chứ không có hiệu lực đối với 36 tiểu bang khác ở Hoa Kỳ đang có luật cấm hôn nhân đồng tính. Muốn tiến tới như California, những người đồng tính tại các tiểu bang này phải kiện lên TCPV tiểu bang xin hủy bỏ luật cấm hôn nhân đồng tính.

Nói chung, chuyện tiến tới hợp pháp hòa hôn nhân đồng tính trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ còn gặp rất nhiều khó khăn phức tạp.

ĐỘNG LỰC CỦA CUỘC CHIẾN

Khi hay tin TCPV tuyên bố luật cấm hôn nhân đồng tính là bất hợp hiến, Tổng Thống Obama nói rằng TCPV “đã sửa cái sai, và nhờ đó mà đất nước của chúng ta tốt đẹp hơn.'' Tuy nhiên, sợ sự chống đối của các tôn giáo đang tranh đấu để bảo vệ hôn nhân truyền thống, ông phải nói thêm rằng phán quyết chỉ áp dụng cho hôn nhân dân sự và không thay đổi cách thức mà các tổ chức tôn giáo định nghĩa về tính thiêng liêng của hôn nhân. 

Một số người cho rằng ông Obama yểm trợ tích cực hôn nhân đồng tính là để kiếm phiếu cho Đảng Dân Chủ. Nhưng điều này không đúng, vì tỷ lệ cử tri đồng tính quá nhỏ, không ảnh hưởng gì đến kết quả của cuộc bầu cử. 

Như chúng tôi đã nói, tại Hoa Kỳ, ngày 17.2.2013 cơ quan thăm dò Gallup đã công bố kết quả một cuộc thăm dò tại 50 tiểu bang cho thấy thủ đô Washington là nơi có tỷ lệ đồng tính cao nhất: 10% dân số. Trong khi đó ở California là 4,0% và New York 3,8%. North Dakota có tỷ lệ này thấp nhất: 1,7%. Tính chung số người đồng tính ở Mỹ là khoảng 3,5% dân số. 

Trái lại, dự luật di trú mà ông Obama đang vận động thông qua nếu thành công có thể làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử tổng thống. Một thí dụ cụ thể: Hiện nay, số phiếu của người Latino ở Florida chiếm khoảng 24% và số phiếu bầu tổng thống giữa hai đảng ở bang này thường ngang ngửa (toss-up). Nếu tăng được số phiếu người Latino ở đây lên 28% hay 30%, bang này có thể nghiêng hẳn về Đảng Dân Chủ. Còn số phiếu của người đồng tính không có ảnh hưởng quan trọng nào.

Lý do thứ hai được một số người nêu lên là hôn nhân đồng tính sẽ giúp hạn chế sinh đẻ, ngăn ngừa nạn nhân mãn. Nhưng tỷ lệ người đồng tính quá thấp và mới chỉ áp dụng ở một số nước tiên tiến. Còn đến 80% các quốc gia trên thế giới không áp dụng luật này vì lý do tôn giáo hay phong tục, do đó luật hôn nhân đồng tính không ảnh hưởng gì đến nạn nhân mãn.

Lý do chính thức được đưa ra trong bản án của TCPV là luật cấm hôn nhân đồng tính “tước đoạt quyền bình đẳng tự do của những người được Tu Chính Án số V của Hiến Pháp bảo vệ” (as a deprivation of the equal liberty of persons that is protected by the Fifth Amendment). Nhưng đây chỉ là một lối ngụy biện. 

Khi thành lập công ty để làm ăn, người ta có thể lựa chọn loại công ty nào thích hợp với mục tiêu của mình chẳng hạn như công ty cổ phần (corporation), công ty trách nhiệm hữu hạn (limited liability company), công ty phần hùn (partnership), hợp tác xã (cooperative) hay các loại công ty khác. Khế ước kết hôn cũng là một loại khế ước thành lập công ty nhưng mục tiêu kết ước giữa hai người đồng tính và giữa hai người khác tính không giống nhau, nên phải cấp cho những người đồng tính một loại kết ước riêng chứ không thể cho họ xử dụng khế ước hôn nhân truyền thống. Nhiều nhà phân tích và nghiên cứu xã hội tin rằng chủ trương đồng hóa giữa hôn nhân khác phái và hôn nhân đồng tính là nhắm mục tiêu làm xói mòn và phá vỡ dần chế độ hôn nhân truyền thống đã có từ lâu đời.

Việc viện dẫn quyền bình đẳng nói trong Tu Chính An số V của Hiến Pháp mà các thẩm phán TCPV đã quy chiếu để bên vực hôn nhân đồng tính là gượng ép. Ngay trong 9 thẩm phán TCPV đã có 4 thẩm phán không đồng ý. Đọc các ý kiến của họ đính theo bản án chúng ta mới thấy rằng còn nhiều điều phải tranh luận. Đây là vấn đề sẽ được chúng tôi bàn trong một dịp khác.

TÌM MỘT LỐI THOÁT

Như chúng tôi đã nói, mục tiêu của hôn nhân khác phái và hôn nhân đồng tính hoàn toàn khác nhau. Từ khi có loài ngưới, mục tiêu chính của hôn nhân khác phái là duy trì nòi gióng. Sứ mạng chính của hai người nam nữ kết hôn là bảo tồn nòi gióng. Nhiều bản năng đặc biệt đã được Thượng Đế ban cho người mẹ để thi hành chức năng đó. Trái lại, mục tiêu của hôn nhân đồng tính chỉ là thỏa mãn tình cảm và tình dục. Họ không có sứ mạng dưỡng sinh.

Vì mục tiêu khác nhau nên quy chế dành cho sự kết hợp giữa hai người khác phái và hai người đồng tính cũng không giống nhau.

Như chúng tôi đã nói, hiện nay đã có 21 quốc gia hình thành những quy chế riêng cho người đồng tính. Các quy chế này thường được gọi là "sự kết hợp dân sự", tiếng Anh là Civil Union, Civil Partnership hay Domestic Partnership. Có 4 tiểu bang của Hoa Kỳ cũng đã đi theo giải pháp này là Delaware, Hawaii, Illinois and New Jersey. Khi kết ước theo hình thức kết hợp dân sự, họ cũng có quyền được hưởng những phúc lợi mà các cặp dị tính vẫn được hưởng, chẳng hạn như ưu đãi về thuế vụ, y tế và hưu bổng.

Hiện nay chỉ mới có 14 quốc gia cho rằng việc hình thành một định chế riêng cho người đồng tính là bất bình đẳng, nên quy định rằng người đồng tính được kết hôn theo định chế hôn nhân truyền thống, đó là các quốc gia Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Canada, Nam Phi, Argentina, Uruguay, Na Uy, Iceland, Thụy Điển, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, New Zealand và Pháp. Nhưng trên thế giới hiện còn trên 80 quốc gia xem đồng tính là tội phạm ở những mức độ khác nhau. Tại 8 nước là Iran, Mauritania, Nigeria, Pakistan, Ả Rập Saudi, Sudan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và Yemen, đồng tính có thể bị tội tử hình.

Chuyện phá vỡ chế độ hôn nhân truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các quốc gia Hồi Giáo. Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương đang làm suy yếu khối Hồi Giáo bằng cách loại trừ tất cả nhửng lãnh tụ Hồi Giáo chủ trương hình thành một liên minh Hồi Giáo theo kiểu NATO và đặt các quốc gia Hồi Giáo vào tình trạng phân hóa ngày càng trầm trọng. Nhưng với chế độ đa thê và chế độ tảo hôn, các quốc gia Hồi Giáo đã thực hiện kế hoạch “đẻ mau, đẻ mạnh, đẻ vững chắc”, nâng dân số khối Hồi Giáo lên rất nhanh. Chế độ hôn nhân đồng tính mà Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương đang cổ võ không có cơ hội nào để xâm nhập vào các quốc gia Hồi Giáo và chận đứng cao trào "đẻ mau đẻ mạnh" lại. Đó là cái cần làm nhưng Hoa Kỳ không làm được.

Lữ Giang
----------------------------------------------------------------
 
Chung quanh phán quyết về hôn nhân đồng tính của Tối Cao Pháp
Viện Hoa Kỳ - Vũ Văn An
 
Đúng như dự đoán của Đức Tổng Giám Mục W.E. Lori (Vietcatholic 25/06/2013), Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ vừa đưa ra hai phán quyết liên quan tới hôn nhân đồng tính theo chiều lỏng lẻo, chấp nhận những cuộc phối hiệp này là hôn nhân. Hai phán quyết này được coi là chiến thắng lớn lao của phe bênh vực hôn nhân đồng tính và là một thất bại chua cay của những người chống đối loại hôn nhân để trong ngoặc kép này. Người mừng người giận đều có lý do cả. Nhưng có người cho rằng đừng nên mừng quá mà cũng đừng nên giận quá. Bởi hai phán quyết ấy không đơn giản chút nào. Ross Douthat, một nhà bỉnh bút bảo thủ của tờ New York Times, chẳng hạn, cho rằng với hai phán quyết này, những người chống đối hôn nhân đồng tính nên thở phào nhẹ nhõm, vì việc định nghĩa hôn nhân vẫn nằm trong thẩm quyền tiểu bang. Nghĩa là, cuộc đấu tranh chính trị của họ vẫn còn có thể xẩy ra tại các quyền tài phán trong đó, xu hướng toàn quốc ủng hộ hôn nhân đồng tính chưa áp đảo được quan điểm truyền thống. Và cũng chính vì vậy, Douthat khuyên những nhà vận động bảo vệ hôn nhân truyền thống nên giải quyết cuộc tranh luận về hôn nhân tại các thủ phủ tiểu bang hơn là tại Washington D.C. Nhận định của Douthat không hẳn không có lý. Thực vậy, theo tường thuật của CNA/EWTN ngày 26 tháng 6, các phán quyết này vẫn để các tiểu bang được quyền chọn bất cứ định nghĩa nào họ thấy thích hợp về hôn nhân. Theo tường thuật của Adam Liptak trên tờ New York Times cùng ngày, hai phán quyết này để nguyên tại chỗ các đạo luật ngăn cấm hôn nhân đồng tính của các tiểu bang, và Tối Cao Pháp Viện từ chối không cho biết liệu việc phối hiệp đồng tính có phải là một quyền theo hiến pháp hay không. DOMA Phán quyết liên quan tới DOMA tức Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân do TT Clinton ban hành năm 1996 chỉ nhằm mở rộng một số phúc lợi cho những cặp đồng tính “kết hôn” tại các tiểu bang hợp pháp hóa loại “kết hôn” này. Việc này liên quan tới hai người đàn bà sống tại New York: Edith Windsor và Thea Clara Spyer lấy nhau năm 2007 tại Canada. Bà Spyer chết năm 2009, và bà Windsor thừa hưởng tài sản của bà ấy. DOMA cấm không cho Sở Thuế Nội Địa coi bà Windsor là người phối ngẫu sống sót, vì Luật này định nghĩa hôn nhân là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà, và bà này phải chịu một khoản thuế là $360,000, một khoản thuế mà người phối ngẫu trong các cuộc hôn nhân dị tính không phải trả. Bà Windsor nạp đơn kiện lên tối cao pháp viện. Phán quyết vừa rồi nhìn nhận cuộc phối hợp của 2 bà là “hôn nhân”, do đó, bà Windsor không phải trả khỏan thuế kia. Chánh án Kennedy, người viết luận điểm của phe đa số, cho rằng phán quyết này chỉ áp dụng cho những cuộc hôn nhân tại các tiểu bang nhìn nhận “hôn nhân” đồng tính. Tuy nhiên, chánh án Scalia, thuộc phe thiểu số chống đối, thì cho rằng “phe đa số đã trang bị tốt cho mọi người muốn thách thức bất cứ đạo luật tiểu bang nào nhằm hạn chế hôn nhân vào định nghĩa truyền thống mà thôi”. Đúng mười năm trước đây, chánh án Scalia cũng đã công bố cùng một nhận định như thế trong vụ Lawrence v. Texas, là vụ đã hủy bỏ các đạo luật coi việc làm tình của người đồng tính là một tội phạm. Hồi ấy, ông tiên đoán rằng phán quyết ấy sẽ dẫn tới việc hợp pháp hóa các cuộc kết hợp đồng tính. Lời tiên đoán của ông nay đã thành sự thật. Ba chánh án Roberts, Thomas và Alito về phe với chánh án Scalia. Các vị cho rằng DOMA được thông qua với sự hỗ trợ của cả hai đảng và được TT Clinton, một tổng thống cấp tiến, ký ban hành, thì không thể bị coi là phi hiến được. Chánh án Roberts nói thêm rằng: ông “không thể nào kết tội các ngành lập pháp là cuồng tín. Vả lại, quan tâm tới tính đồng nhất và ổn định đã biện minh đầy đủ cho quyết định của Quốc Hội” vào năm 1996, là quyết định “vào thời điểm ấy đã được mọi tiểu bang của đất nước chúng ta, cũng như mọi nước trên thế giới tiếp nhận”. Phần mình, chánh án Scalia cho rằng phe đa số đã đơn giản hóa một vấn đề phức tạp cần được giải quyết một cách dân chủ chứ không phải bởi các quan tòa. Nhưng dù gì, họ vẫn là phe thiểu số (4), lép vế so với phe đa số (5) của các chánh án Kennedy, Ginsburgh, Breyer, Sotomayer và Kagan. Chỉ có điều cần lưu ý là trong phán quyết chống lại Đề Nghị 8 của tiểu bang California, thành phần của hai phe này đã ra khác. Tỷ số đánh đổ Đề Nghị 8 cũng vẫn là 5 chống 4, nhưng 5 đây lại là Roberts, Scalia, Ginsburgh, Breyer và Kagan. Còn 4 đây là Kennedy, Thomas, Alito và Sotomayer. Xem thế, đủ biết các phán quyết về hôn nhân đồng tính không đơn giản.
 
Đề Nghị 8
Nhưng Đề Nghị 8 ra sao? Đây là một sáng kiến mang ra đầu phiếu nhằm sửa đổi hiến pháp của tiểu bang California để định nghĩa hôn nhân là sự phối hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Nó được các cử tri của tiểu bang thông qua vào năm 2008. Ngay khi được thông qua, những người cổ vũ hôn nhân đồng tính đã kiện chống lại nó và tòa quận hạt (district court) đã lật ngược luật này. Thông thường, các viên chức của California sẽ bảo vệ đạo luật đó nhưng đã từ khước không làm như vậy và một nhóm cá nhân tư đã quyết định làm việc ấy. Khi phán quyết, Tối Cao Pháp Viện không dựa vào nội dung của luật mà vào phương diện kỹ thuật của nó. Viện cho rằng các cá nhân tư bảo vệ Đề Nghị 8 không có tư cách cần có để bảo vệ nó trước tòa. Họ không có tư cách của nhà nước để thượng tố phán quyết của tòa dưới, nên phán quyết của tòa dưới có giá trị. Kết quả là nếu không có một cách bảo vệ Đề Nghị 8 hợp lệ khác, thì Đề Nghị ấy vô giá trị, và các cặp đồng tính có thể kết hôn hợp pháp tại California.Như trên đã nói, hai chánh án đánh đổ DOMA để công nhận cuộc “hôn nhân” đồng tính của Windsor và Speyer là Kennedy và Sotomayer nay lại không đánh đổ Đề Nghị 8, nghĩa là trên thực tế vẫn duy trì định nghĩa hôn nhân là sự kết hợp của một người đàn ông và một người đàn bà. Trái lại, hai chánh án Roberts và Scalia từng bênh vực DOMA nay lại đánh đổ Đề Nghị 8 nghĩa là trên thực tế bác bỏ định nghĩa hôn nhân là sự kết hợp của một một người đàn ông và một người đàn bà. Thành thử, cần phải nghiên cứu hai phán quyết này sâu sát hơn mới mong biết được lý lẽ của các chánh án “tối cao”. Cụ thể, cả hai phán quyết ấy cùng mang lại kết quả thực tế là công nhận hôn nhân đồng tính ở cấp cao nhất, tức cấp liên bang. Điều này được Đức Ông Charles Pope của tổng giáo phận Washington coi là một cơn sóng thần đang cuốn trôi nền văn hóa của ta trong vấn đề này, như thể có một chất ma túy gây ảo giác nào đó đang tác hại trên dư luận Hoa Kỳ. Theo ngài, những người cổ vũ hôn nhân đồng tính đã chiến thắng nhờ thành công trong việc xoay chuyển các hạn từ thảo luận, không nói tới chính hôn nhân (per se) mà chỉ nói tới quyền lợi của các cá nhân trưởng thành. Quả thế, các luật sư của bên đồng tính cho thấy sở dĩ họ thành công vì họ đã chứng minh được sự thiệt hại của thân chủ họ, trong khi những người chống đồng tính không chứng minh được thiệt hại gì khi cho phép việc công nhận các cuộc kết hợp đồng tính. Như thế, cả về phương diện văn hóa lẫn chính trị, người ta đã tập chú vào quyền lợi của người lớn, chứ không phải quyền lợi của trẻ em. Đức ông cho rằng người Công Giáo chúng ta, khi tranh luận về chủ đề này, cũng phạm vào sai lầm này, chỉ chú trọng tới người lớn mà không đếm xỉa gì tới trẻ em. Ta cần phải chứng minh rằng hôn nhân truyền thống, sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà, là tốt nhất cho trẻ em, là công bình đối với các em. Mọi trẻ em đều có quyền được dưỡng dục bởi cha mẹ, những người cam kết sống ổn định với nhau suốt đời.
 
Phần đồng lõa của Kitô hữu
Terry Mattingly, giám đốc Trung Tâm Báo Chí Hoa Thịnh Đốn tại Hội Đồng Các Cao Đẳng và Đại Học Kitô Giáo, thì nhìn vấn đề dưới khía cạnh khác: sự sa sút trong việc thực hành tôn giáo của người Hoa Kỳ, nhất là người da trắng Hoa Kỳ. Sự sa sút này “có liên hệ với bóng ma tôn giáo trong phán quyết của Tối Cao Pháp Viện liên quan tới DOMA và Đề Nghị 8”. Ngày nay, gần như không thể thảo luận bất cứ vấn đề nóng bỏng nào về xã hội và luân lý, như vấn đề quyền lợi người đồng tính chẳng hạn, mà lại không chú ý tới những thay đổi vũ bão trong hàng ngũ người Công Giáo da trắng, nhất là những người ít đi tham dự Thánh Lễ. Những người năng tham dự Thánh Lễ thường trung tín hơn đối với các niềm tin Công Giáo. Những người ít tham dự Thánh Lễ khó trung tín hơn.Phúc trình năm 2010 của Diễn Đàn Pew về Tôn Giáo và Đời Sống Công Cộng cho thấy: những người Hoa Kỳ da trắng Thệ Phản và Công Giáo càng ngày càng ủng hộ hôn nhân đồng tính hơn, dù hầu như mọi thay đổi ý kiến của hai nhóm này đều phát xuất từ những người tham dự phụng vụ không thường xuyên. Khoảng 49% người Thệ Phản da trắng ủng hộ hôn nhân đồng tính trong khi 38% chống lại. Hai năm trước đây các tỷ lệ ấy khác hẳn: 40% ủng hộ, 49% chống lại. Chỉ vào khoảng 35% người Thệ Phản da trắng đi nhà thờ ít nhất mỗi tuần một lần ủng hộ hôn nhân đồng tính, gần như phần trăm trong các năm 2008-2009 (34%). Nơi những người ít đi nhà thờ hơn, việc ủng hộ ấy tăng lên 11% (từ 42% tăng lên 53%). Một thay đổi tương tự cũng đã xẩy ra với người Công Giáo da trắng: hiện nay 49% ủng hộ hôn nhân đồng tính trong khi 41% chống đối. Hai năm trước đây, các tỷ số ấy gần như bằng nhau: 44% ủng hộ, 45% chống đối. Cả ở đây, sự ủng hộ cũng gia tăng nơi những người không đi nhà thờ hàng tuần, từ 51% năm 2008-2009 lên 59% năm 2010. Câu hỏi được Mattingly đặt ra là: Phải nói gì về giới có quyền của Công Giáo Hoa Kỳ liên hệ tới phán quyết của Tối Cao Pháp Viện? Không dám đi sâu vào việc thực hành đạo của từng chánh án tối cao, nhưng trong số 9 chánh án tối cao, hết 5 vị là Công Giáo Rôma: Scalia, Roberts, Thomas, Kennedy và Sotomayer, chưa kể Alito, gia đình gốc Ý, tuy không liệt kê tôn giáo, nhưng phần chắc cũng là Công Giáo. Chỉ có Thomas và Alito là nhất quán không hủy bỏ định nghĩa hôn nhân như sự kết hợp của một người đàn ông và một người đàn bà. Mấy người kia chao đảo giữa duy trì và hủy bỏ. Niềm tin của họ ở đâu?
------------------------------------------------------

Một số nhận định về cuộc hội đàm Tập Cận Bình – Trương Tấn Sang

Lê Xuân Khoa
Chia sẻ bài viết này
Trong bài trước, GS. Lê Xuân Khoa đã phân tích bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở hội nghị Shangri-La trên quan điểm cân nhắc lợi ích lâu dài của Việt Nam. Lần này, cũng với tinh thần ấy, ông lại gửi tới BVN bài phân tích của ông về chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận lời mời sang gặp gỡ người đứng đầu Nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình và bàn bạc, ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước. Với nguyên tắc tôn trọng quan điểm riêng của người viết miễn không phương hại đến nhân cách của đối tượng mình đang đề cập, BVN xin trân trọng đăng lên để bạn đọc xa gần tham khảo.
Bauxite Việt Nam
Mười chín ngày sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc bài diễn văn Shangri-La xoay chuyển chính sách ngoại giao Việt Nam sang phía Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Bắc Kinh hội đàm với Chủ tịch nước Tập Cận Bình về hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia. Ngay sau đó, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết 10 văn kiện hợp tác, gồm có:
  1. Chương trình hành động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.
  2. Thoả thuận hợp tác biên phòng giữa hai Bộ Quốc phòng.
  3. Thoả thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển.
  4. Hiệp định khung giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi (cho Dự án hệ thống thông tin đường sắt) trị giá 320 triệu Nhân dân tệ.
  5. Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc thành lập Trung tâm văn hoá tại hai nước.
  6. Điều lệ công tác của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc.
  7. Thoả thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu.
  8. Kế hoạch hợp tác giữa giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc giai đoạn 2013-2017.
  9. Hiệp định vay cụ thể tín dụng người mua ưu đãi cho Dự án Nhà máy Đạm than Ninh Bình trị giá 45 triệu đôla Mỹ.
  10. Thoả thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc liên quan tới Thoả thuận thăm dò chung trong khu vực thoả thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ.
Chuyến đi được kết thúc bằng một bản tuyên bố chung 8 điểm dài khoảng 5.000 chữ. Điểm số 1 nói về mục đích cuộc hội đàm thượng đỉnh song phương là “làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung” đã được thảo luận và ký kết từ trước. Điểm 2 xác nhận “tiếp tục kiên trì phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt” trong quan hệ phát triển lâu dài giữa hai nước.
Dựa trên cơ sở của hai điểm 1 và 2, điểm số 3 quan trọng nhất vì nó tóm lược 13 lĩnh vực hợp tác giữa các bộ, ngành của Chính phủ được ấn định trong “Chương trình hành động triển khai Quan hệđối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc”. Chương trình này được “khẩn trương bàn bạc” (bản tin TTXVN) trong phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương tại Bắc Kinh ngày 11.5.2013, và bản dự thảo chương trình được chính thức ký kết thành Văn kiện số 1 trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Đây là văn kiện cơ bản thể hiện “tiếp tục phát triển hợp tác theo chiều sâu” nhằm “đẩy quan hệ Việt-Trung lên tầm cao mới” là mục tiêu chính của cuộc hội đàm giữa lãnh đạo của hai nước. Chín văn kiện còn lại là những thể hiện chi tiết về hợp tác giữa các bộ, ngành trên mọi lĩnh vực.
Cuộc hội đàm Tập Cận Bình – Trương Tấn Sang có một số sự kiện cần được xem xét kỹ:
  1. Mục tiêu “tiếp tục phát triển hợp tác theo chiều sâu” và “đẩy quan hệ Việt-Trung lên tầm cao mới” đều được Chủ tịch nhà nước Việt Nam và Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội nhấn mạnh trong hai cuộc phỏng vấn riêng biệt của báo chí Trung Quốc (với Chủ tịch Trương Tấn Sang) và báo chí Việt Nam (với Đại sứ Khổng Huyễn Hựu) ngay trước chuyến đi Trung Quốc của nhà lãnh đạo Việt Nam. Rõ ràng đây là một sự đáp trả mạnh mẽ đối với bước ngoặt về đối ngoại của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài diễn văn Shangri-La ngày 31.5. Các văn kiện được chuẩn bị từ trước ngày họp của Đối thoại Shangri-La đều là kết quả đúc kết mau chóng từ những thoả thuận đã có trong những phiên họp của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương và Hội thảo lý luận giữa hai đảng trong nhiều năm qua. Văn kiện số 1 được “khẩn trương bàn bạc” trong phiên họp của Ủy ban Chỉ đạo ngày 11.5 cho thấy Bắc Kinh đã được báo cáo mật về sự xoay trục sang Hoa Kỳ của ông Nguyễn Tấn Dũng nên họ quyết định phải sớm có hành động đối phó bằng cách liên kết với phe chống Nguyễn Tấn Dũng ở trong nước.
  2. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được biết là người chống chính sách bá quyền của BắcKinh. Khi nhậm chức vào tháng Bảy 2011, ông Sang đã tuyên bố trước Quốc hội là ông quyết tâm bảo vệ độc lập và toàn vẹn chủ quyền của đất nước. Chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông là đi Ấn Độ vào tháng Mười 2011 trong khi Tổng Bí thư lên đường sang Trung Quốc. Mới hai tháng trước, ông Sang ra thăm ngư dân đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi, giúp đỡ nạn nhân bị tàu Trung Quốc tấn công và khuyến khích ngư dân “yên tâm bám biển, đoàn kết tương trợ nhau để tránh thiên tai, địch hoạ”. Cho đến nay, hai năm sau ngày nhậm chức, ông mới có chuyến công du đầu tiên sang Trung Quốc. Sự kiện này có thể được hiểu là Tập Cận Bình, muốn ngăn chặn Nguyễn Tấn Dũng chuyển hướng đối ngoại sang phía Mỹ, cần phải trấn an Trương Tấn Sang và ủng hộ ông ta trong cuộc tranh giành quyền lực với Nguyễn Tấn Dũng. Tập Cận Bình không mời Nguyễn Phú Trọng vì ông này thân Trung Quốc quá lộ liễu và vì, trong trường hợp này, quan hệ Việt-Trung nên được giải quyết giữa hai Chủ tịch nước. Trong khi đó, dù không ưa Trung Quốc, Trương Tấn Sang vẫn cần phải dựa vào cường quốc này để bảo vệ Đảng và chế độ. Do đó, hai bên đã cố gắng giảm bớt căng thẳng, gia tăng hợp tác với kết quả là đôi bên cùng có lợi.
  3. Một kịch bản khác là, trước nguy cơ Đảng suy sụp vì xung đột nội bộ và trước xu hướngchung của quốc tế là phải kiềm chế chính sách bành trướng ngang ngược của Trung Quốc, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam có thể đã đạt được đồng thuận giữa các bên là cân bằng lại chính sách ngoại giao để không còn nghiêng về Trung Quốc. Bởi thế, trong khi tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác với Bắc Kinh, Hà Nội cũng gia tăng hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ và môt số cường quốc khác. Chính sách đu dây này không có vấn đề gì đối với Hoa Kỳ vì nước này không có tham vọng xâm phạm chủ quyền lãnh thổ hay lãnh hải của một nước nào trong khu vực, nhưng Trung Quốc từ mấy ngàn năm nay không bao giờ từ bỏ ý đồ thôn tính và Hán hoá Việt Nam. Vì vậy chính sách cân bằng đối ngoại của Việt Nam rất khó tồn tại lâu dài trước mối đe dọa thường trực của Trung Quốc, nếu không có sự đảm bảo của quốc tế hay của một đối tác hợp tác chiến lược quốc phòng như trường hợp Hoa Kỳ đối với Nhật bản hay Đài Loan. Ngoài ra, kịch bản đồng thuận này của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chỉ là một giả định, chưa có gì là chắc chắn.
Trở lại quan hệ Việt Nam-Trung Quốc sau cuộc hội đàm Tập Cận Bình – Trương Tấn Sang, sự phát triển hợp tác theo chiều sâu và đẩy lên một tầng cao mới được thể hiện trong bản Tuyên bố chung với 10 Văn kiện cụ thể của “Chương trình hành động triển khai Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngoài việc phân tích những yếu tố chính trị đưa đến cuộc hội đàm Bình – Sang, cần xem xét kỹ lưỡng 10 văn kiện đã ký để nhận ra những điểm lợi hại cho Việt Nam trên từng lãnh vực hợp tác. Vì chưa được đọc các văn kiện và vì giới hạn của một bài báo, tác giả chỉ có thể đưa ra một số nhận định tổng quát về cơ sở và kết quả của cuộc hội đàm thượng đỉnh song phương này:
  1. Cuộc hội đàm được diễn ra trên cơ sở của phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt là một cơ sở quá cũ đã được chứng tỏ là Việt Nam bị Trung Quốc lường gạt bằng những lời hoa mỹ. Thực tế là Trung Quốc đã sử dụng “sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền” đúng như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ám chỉ trong bài diễn văn Shangri-La. Lẽ ra, mục đích cuộc hội đàm phải là cải thiện quan hệ hợp tác giữa hai nước bằng những cam kết ngưng tất cả mọi hành động áp đặt, đối xử bất bình đẳng, không tôn trọng nhân đạo và luật lệ quốc tế. Bản Tuyên bố không nhắc gì đến Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) là một thiếu sót do cố ý, rất hại cho Việt Nam và các nước ASEAN.
  2. Một số thoả thuận có tính tích cực như thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển, hợp tác kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu, cho vay tín dụng người mua ưu đãi cho dự án nhà máy Đạm than Ninh Bình. Vấn đề là việc thi hành có được đảm bảo về hiệu quả hay không.
  3. Thoả thuận có thể gây tranh cãi là mở rộng khu vực thăm dò chung về dầu khí trên Vịnh Bắc Bộ. Cần xem xét lợi hại thế nào cho Việt Nam.
  4. Văn kiện số 4 nói về tín dụng ưu đãi cho Dự án hệ thống thông tin đường sắt. Thật ra thì đây là Dự án giao thông đường bộ cao tốc Bằng Tường – Lạng Sơn – Hà Nội. Đường cao tốc nối liền Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây) với Hà Nội có lợi ích kinh tế nhưng cũng có thể nguy hiểm cho Việt Nam nếu chẳng may xảy ra xung đột quân sự giữa hai nước.
  5. Văn kiện số 5 về giao lưu văn hoá Việt – Trung, với nhữngTrung tâm văn hoá nước này ở nước kia, có thể là con dao hai lưỡi nếu được Trung Quốc sử dụng như một phương tiện đồng hoá dân tộc Việt.
Tóm lại, kết quả cuộc hội đàm Tập Cận Bình – Trương Tấn Sang có bề ngoài làm giảm căng thẳng và gia tằng hợp tác giữa hai nước, nhưng vẫn ngầm chứa ý đồ của Trung Quốc lấn chiếm Việt Nam. Trong khi đó, lãnh đạo Việt Nam cứ lúng túng giữa một bên là ý muốn bảo vệ đảng và chế độ và một bên là lòng bất mãn của nhân dân yêu nước và khát khao dân chủ đang lên cao.
Lãnh đạo cộng sản Việt Nam cần nhận biết rằng, thay vì theo sau Trung Quốc, nếu họ chọn con đường dân chủ hoá trước Trung Quốc thì, với sự ủng hộ của nhân dân và thế giới dân chủ, họ sẽ thành công trong sứ mệnh bảo vệ và phát triển đất nước. Hãy hoà giải với những người bất đồng chính kiến, hãy lắng nghe và hợp tác với trí thức. Trung Quốc, nếu cũng tự thay đổi chế độ từ độc tài sang dân chủ, sẽ không bị cô lập và được thế giới đón nhận như một siêu cường. Khi đó họ cũng sẽ được sự kính trọng và ủng hộ của các nước Á châu. Biển Đông sẽ êm lặng. Thế giới sẽ hoà bình. Đây là cái message cần được gửi đến lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc.
 
California, tháng 6/ 2013 - L.X.K.