Thùng gởi trẻ của mục sư gặp phải phản đối

“Khi tôi thấy cháu bé được quấn trong chiếc khăn dơ bẩn, tôi đã ngã phịch xuống đất. Tôi nghĩ chúng tôi đã chuẩn bị để đón nhận việc này, nhưng tất cả nhân viên của nhà thờ chúng tôi đã tuôn nước mắt”... Đó là vào tháng 3-2010.

Thùng gởi trẻ của mục sư gặp phải phản đối

(Seoul, Hàn Quốc) Mặc dù số trẻ bị bỏ rơi tăng vọt nhưng các quan chức Hàn Quốc nói đây là việc làm phạm pháp

LeeJong-rak.jpg   Mục sư Lee bên chiếc thùng gửi trẻ tự thiết kế gây tranh cãi  

Mục sư Lee Jong-rak thuộc nhà thờ Cộng đoàn Jusarang ở ngoại ô phía nam Seoul sẽ không quên lúc ông nhận cháu bé đầu tiên được bỏ vào trong thùng gửi trẻ của ông.

“Khi tôi thấy cháu bé được quấn trong chiếc khăn dơ bẩn, tôi đã ngã phịch xuống đất. Tôi nghĩ chúng tôi đã chuẩn bị để đón nhận việc này, nhưng tất cả nhân viên của nhà thờ chúng tôi đã tuôn nước mắt”, ông kể. Đó là vào tháng 3-2010.

Mục sư Lee đặt thùng gửi trẻ đầu tiên và duy nhất ở Hàn Quốc trên tường nhà thờ của ông vào tháng 10-2009, sau khi có người bỏ một cháu bé trước của nhà thờ ông, lúc đó cháu bé gần như đã chết vì bị hạ thân nhiệt.

“Tôi chỉ nghĩ chúng ta cần một nơi có thể cho các cháu bé bị bỏ rơi có một nơi an toàn. Lúc đó tôi không có ý tưởng gì về thùng gửi trẻ. Sau đó tôi nghe nói một bệnh viện bên Cộng hòa Czech có một cái, vì thế tôi quyết định làm một cái”, ông kể.

Mục sư Lee thiết kế chiếc thùng có nguồn cung cấp oxy, lò sưởi và có hai cửa - một cửa bên ngoài nhà thờ và một cửa bên trong nhà thờ - và một cái chuông reo báo cho nhân viên nhà thờ khi cửa ngoài mở.

Từ đó đến nay nhà thờ đã nhận được 231 cháu bé. Trong đó có khoảng 50 cháu được đưa trở về với gia đình.

Khi có cháu bé được đưa đến, trước hết nhà thờ phải báo với cảnh sát. Thường thì nhà thờ giữ cháu bé trong ba ngày cho đến khi có nhân viên y tế địa phương đến đưa cháu bé đến bệnh viện. Sau khi  kiểm tra y tế, cháu bé được cho đến nhà mồ côi hay cơ sở dành cho người khuyết tật, nếu cần.

“Những cháu đó bị phân biệt đối xử từ lúc mới sinh. Tôi cảm thấy tội cho các cháu”, mục sư Lee nói.

Trên thực tế hiện nay các cháu bé này đang đối mặt một hình thức phân biệt đổi xử về mặt pháp lý.

Luật nhận con nuôi đặc biệt có hiệu lực vào tháng 8-2012, quy định không được nhận nuôi trẻ trừ khi trẻ đó đã được bố mẹ ruột đăng ký khai sinh. Đạo luật sửa đổi này mang ý tốt nhắm ngăn chặn nạn buôn bán trẻ em và giúp các em được nhân nuôi có quyền biết và tìm kiếm bố mẹ đẻ.

Nhưng nó có một hậu quả không lường trước, nó khiến cho số trẻ bị bỏ rơi trong thùng nhà thờ này tăng đáng kể.

“Trước đây, chúng tôi nhận được trung bình một tháng là hai cháu. Từ tháng 8 năm ngoái khi luật thay đổi, con số này tăng lên 15 cháu một tháng”, mục sư Lee cho biết.

Ông nói thêm: “Đa số các bà mẹ ở tuổi vị thành niên còn độc thân nên sợ ảnh hưởng đến tương lai khi đăng ký khai sinh cho con theo tên mình. Trước khi có đạo luật này, họ có thể gửi con đến các trung tâm nhận con nuôi nhưng giờ đây họ không thể”.

Để có được giải pháp cơ bản, ông khẳng định văn hóa làm nhục các bà mẹ không chồng phổ biến hiện nay cần được thay đổi triệt để.

“Trong xã hội này, các bà mẹ đơn thân gặp phải tình trạng phân biệt đối xử và không có tổ chức xã hội nào giúp họ nuôi con, vậy ai dám đăng ký khai sinh cho con? Luật này cần được sửa đổi lại để giúp họ cách thiết thực hơn”.

Tuy nhiên, thùng gửi trẻ này lại bị một số người chỉ trích.

Ủy ban Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em cảnh báo các thùng gửi trẻ được lắp đặt ở Đông Âu có thể vi phạm quyền tiếp cận bố mẹ ruột của các trẻ bị bỏ rơi.

Tại Hàn Quốc, Bộ Y tế và phúc lợi gửi thư cảnh báo hồi tháng 5, ra lệnh gỡ bỏ thùng này và nói đây là việc làm bất hợp pháp.

“Bộ luật hình sự quy định gia đình bỏ rơi con trẻ là phạm pháp; có thể bị phạt đến hai năm tù giam. Ngoài ra, luật phúc lợi trẻ em cấm bỏ rơi trẻ em và thùng gửi trẻ khuyến khích các hoạt động phạm pháp đó”, một viên chức tại bộ này phát biểu với ucanews.com, với điều kiện giấu tên.

“Cứu một mạng người và cho trẻ một nơi ở an toàn lại phạm pháp là thế nào?” mục sư Lee hỏi lại. “Đó chỉ là một lập luận suông. Chúng tôi sẽ không bỏ hoạt động này”.

“Tôi luôn cầu nguyện xin cho không còn trẻ em bị bỏ rơi trong quốc gia này và không còn cháu nào trong thùng gửi trẻ của chúng tôi. Đó là tất cả những gì tôi muốn”.

 

John Choi, UCAN

Chiếc hộp sơ sinh hay truyện mục sư Lee Jong-rak

Tại Nam Hàn, mục sư Lee Jong-rak khám phá ra một vấn đề đau lòng: hàng trăm trẻ sơ sinh không được ai muốn có đã bị bỏ rơi bên vỉa hè hàng năm. Do đó, ông đã nghĩ cách để thay đổi tình huống đó.

lee-jong-rak-SOUTH-KOREA.jpg


Đây không hẳn là truyện thần tiên gì, nó chỉ là truyện đơn giản của một người anh hùng xuất thân từ Hàn Quốc. Và ông trở thành người sáng tạo ra Chiếc Hộp Sơ Sinh. Đây là sáng kiến đầu tiên và duy nhất hiện nay tại Hàn Quốc, nhằm “thu lượm” các trẻ sơ sinh bị bỏ rơi hoặc vì khuyết tật thể lý hay tinh thần hoặc vì cả cha lẫn mẹ các em đều cùng không muốn có các em.

Mục sư Jong-rak biết rằng đây là những trẻ sơ sinh quí giá. Ông làm một chiếc hộp đặt bên cạnh nhà với hàng chữ: “Xin đặt trẻ sơ sinh vào đây”.

Câu truyện về ông và chiếc hộp này được cả thế giới biết đến nhờ Brian Ivie, một thanh niên 22 tuổi. Brian thực hiện một cuốn phim tài liệu dài 72 phút tựa là “The Drop Box” (Chiếc Hộp Để Vứt Vào). Bên trong chiếc hộp, có chiếc khăn dầy phủ đáy, có đèn và hơi ấm để giữ cho thai nhi thoải mái. Chiếc chuông sẽ reo lên mỗi khi có ai đó đặt một em bé vào trong hộp. Lúc đó, Jong-rak, vợ ông hay một nhân viên của nhà thờ sẽ lập tức di chuyển em bé vào bên trong. Mục đích của ông là cung cấp một phương thức cứu sống cho những người mẹ tuyệt vọng của thủ đô Hán Thành. Ông thực sự không mong nhận được các trẻ sơ sinh… nhưng các em đã tới với ông. Giữa đêm khuya, giữa ban ngày, có khi có lời nhắn gửi, có khi không, thậm chí có những bà mẹ nói chuyện thẳng với ông. Mục sư Jong-rak kể rằng có bà mẹ kia nói với ông: “bà có đủ thuốc độc sát hại cả bà lẫn đứa con sơ sinh”. Nhưng ông bảo: “Bà đừng làm thế. Bà hãy vào đây với đứa con”. Có bà mẹ đơn chiếc đã để lại lời nhắn xé lòng sau đây cùng với đứa con mới sinh:

“Con sơ sinh của mẹ! Mẹ rất xin lỗi.
Mẹ xin lỗi đã quyết định như thế này.
Con trai của mẹ! Mẹ hy vọng con sẽ gặp được những cha mẹ tuyệt vời, còn mẹ, mẹ rất ân hận.
Mẹ không đáng được nói chi cả.
Xin lỗi, xin lỗi, mẹ yêu con trai của mẹ.
Mẹ yêu con hơn bất cứ điều gì.
Mẹ bỏ con ở đây vì mẹ không biết cha con là ai.
Mẹ thường nghĩ đến điều bất hạnh, nhưng mẹ đoán chiếc hộp này an toàn hơn cho con.
Nên mẹ quyết định bỏ con ở đây. Con trai của mẹ, xin con tha thứ cho mẹ”.

Mục sư Jong-rak quả quyết: “Đúng thế, chiếc hộp nhỏ này quả là chỗ an toàn hơn các kế sách từng ám ảnh người mẹ đơn chiếc này. Nhờ chiếc hộp làm phương thức thay thế này, bà đã chọn sự sống. Chiếc hộp này, vì thế, chắc chắn sẽ là bước khởi đầu của một thừa tác vụ trước đó chưa ai nghĩ tới ở Nam Hàn, thừa tác vụ Chiếc Hộp Sơ Sinh”.

Cuốn phim tài liệu của Brian Ivie vừa thắng Giải Nhất Đại Hội Hồng Ân và Giải Nhất Thánh Thiêng Sự Sống của Đại Hội Điện Ảnh Độc Lập Kitô Giáo lần thứ 8 tổ chức tại San Antonio vào tháng 2 năm nay. Ivie được thúc đẩy nhờ đọc một bài báo của tờ Los Angeles Times nói về sứ vụ của mục sư Jong-rak và anh đã quyết định tới Nam Hàn để thực hiện cuốn phim tài liệu.

Trong diễn văn nhận giải, Ivie cho rằng “những trẻ sơ sinh này không phải là sai lầm. Các em rất quan trọng… Tôi trở thành Kitô hữu nhờ thực hiện cuốn phim này. Khi khởi sự thực hiện nó và được chứng kiến các em nhỏ này xuất hiện qua chiếc hộp, tôi thấy như có một làn chớp… các em khuyết tật này có một thân xác co quắp thế nào, tôi cũng có một linh hồn co quắp như thế. Ấy thế mà Thiên Chúa vẫn thương yêu tôi. Đụng tới sự thánh thiêng của vấn đề sự sống, ta nên hiểu rằng niềm tin vào Thiên Chúa là nơi náu thân duy nhất đối với những con người bị coi là không cần thiết. Thế giới này quá dựa vào mình, quá coi trọng mình, quá qúi chuộng mình. Quá tự phụ quả là một ảo tưởng không hơn không kém. Chúa Kitô mới là điều duy nhất khiến chúng ta có khả năng”.

Nam Hàn không phải là nơi duy nhất đương đầu với cảnh bỏ rơi trẻ em. Trên khắp thế giới, hàng triệu trẻ em chết vì bị bỏ rơi. Dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy theo mỗi nước. Các em đáng được sống giống như mọi con người nhân bản khác. Với những người tuyệt vời như mục sự Lee Jong-rak, thế giới này đang thấy ra rằng cuộc đời sẽ thay đổi ra sao đối với những trẻ sơ sinh này khi chúng ta đón tiếp các em vào nhà; khi chúng ta trở nên tiếng nói cho những người không thể tự nói gì được cho chính mình này.

Muốn có tên trên danh sách thư từ, xin email cho dropboxmovement@gmail.com và tham gia Facebook www.dropbox-movie.com.

Vũ Văn An


The-Drop-Box.jpg