Những suy nghĩ của trẻ em Việt Nam vùng Chemnitz

Từ vài năm nay, tôi may mắn được tiếp xúc nhiều với thế hệ thứ hai của người Việt ở Đức, trên cương vị là cô giáo tiếng Việt. Những tâm sự của các cháu mang đến cho tôi cảm giác vui buồn lẫn lộn. Tôi kể lại tâm sự của các cháu với hy vọng, các bậc phụ huynh sẽ cùng chia sẻ với tôi, cùng đồng cảm để chúng ta hiểu con mình ở khía cạnh tự nhiên, vì khi được gặp bạn bè cùng lứa tuổi, chúng như tờ giấy trắng, nói hết, thể hiện hết...

Những suy nghĩ của trẻ em Việt Nam vùng Chemnitz

Kỳ 1: SUY NGHĨ TUỔI THƠ

Học sinh của tôi từ lớp hai đến lớp mười, gồm các cháu sinh ra ở Đức, sang Đức từ nhỏ và một số lớn tuổi hơn sang theo diện „đoàn tụ“. Để hiểu được tâm tư của các cháu, tôi thường đặt ra những câu hỏi để bàn luận và nhận xét. Đối với phụ nữ chúng tôi, vai trò của gia đình, đặc biệt là người bố rất quan trọng cho các cháu. Bữa ăn tối xum họp của gia đình với những món ăn mẹ nấu là đề tài đầu tiên tôi hỏi các cháu. Tôi hỏi: „Trong các món ăn mẹ nấu, cháu thích món nào nhất?“. Các cháu lầu lượt nói:

- Cháu thích nhất món mì tôm hoặc cơm với giò Việt Nam (Bố mẹ cháu này có một cửa hàng, tối lại tranh thủ giao hàng cho người bán lẻ)
- Cháu thích mẹ làm món cánh gà rán, canh cá nấu dưa chua, món phở, món xôi, món nem rán (mẹ cháu này đang trong thời kỳ nuôi em bé ở nhà)
- Cháu thích mẹ làm món mì xào, cơm rang, vịt Bắc Kinh (mẹ cháu suốt ngày bận rộn với công việc ở một Imbiss (1)

Nếu không đọc phần trong ngoặc, chắc các bạn cũng có thể đoán ra hoàn cảnh các cháu. Khi được hỏi về mẹ, các cháu nhận xét:

- Mẹ cháu vui tính.
- Mẹ cháu trẻ, xinh.
- Mẹ cháu hiền nhưng hơi già.
- Mẹ cháu yêu cháu, lo cho cháu nhiều.
- Mẹ cháu cái gì cũng biết.
- Mẹ cháu hát hay nhưng cháu không hiểu gì hết.
- Mẹ cháu hay mắng cháu và bố cháu.
- Mẹ cháu như một ông vua trong nhà, ai cũng sợ.
- Mẹ cháu yêu cháu nhưng hay mắng và đuổi bố cháu đi.
- Mẹ cháu bị đau lưng.

Khi được hỏi suy nghĩ của các cháu về bố, các cháu nói:

- Bố cháu không già lắm.
- Bố cháu yêu cháu và chơi với cháu.
- Bố cháu hay mua đồ chơi cho cháu.
- Bố cháu không còn nhiều tóc nữa.
- Bố cháu cái gì cũng biết.
- Bố cháu làm việc nhiều.
- Bố cháu hay đánh bạc gespielt.
- Bố cháu cũng về thăm cháu.
- Bố cháu dạy cháu làm toán.
- Bố cháu thỉnh thoảng cũng đánh cháu.

Khi được hỏi về quà Noel của từng cháu, một cháu 7 tuổi, lớp một, đã kể: “Bố cháu đã tặng cháu một con “echt” chim (2). Nó biết ăn Korne (3) và biết gut singen” (4)

Còn điều này tôi muốn chia sẻ tấm lòng mình với các cháu khi chúng bộc lộ hoàn cảnh gia đình mình, có điều gì không hài lòng, xin các bậc cha mẹ bỏ qua.

Một hôm trong giờ học tiếng Việt, một cháu đến chia tay với tôi và cả lớp. Cháu buồn rầu nói: „Cháu không được học tiếng Việt với các bạn nữa vì cháu phải chuyển về Leipzig cùng mẹ!“

- Vì sao cháu lại chuyển trường vào giữa năm học thế này? – tôi hỏi.

- Vì bố mẹ cháu getrennt (5), cháu phải ở với mẹ.

Nghe thấy thế, một cháu lớp hai nói ngay với tôi:

- Bố mẹ bạn H cũng getrennt cô ạ.

- Có đúng vậy không? Vì sao bố mẹ chia tay – tôi giật mình hỏi.

- Bố đánh bạc gespielt (6) và cả gái nữa. Mẹ đuổi bố: “Anh đi đi!“. Thế là bố đi, lâu lâu bố mới về đưa chúng cháu đi mua đồ chơi.

Dù chưa dám tin vào khả năng của các cháu (vì chúng còn nhỏ quá) nhưng tôi vẫn khuyên:

- Con hãy về khuyên mẹ tha thứ cho bố để con có cả bố lẫn mẹ và xin bố đừng đi nữa, có được không?

Trong một buổi học lúc gần Tết, tôi dạy các cháu viết thiệp chúc mừng bố mẹ. Tôi đã sưu tầm được những lời chúc thật giản dị và chân tình của các cháu:

- Con chúc bố mẹ mạnh khỏe, may mắn, vui vẻ!

- Con chúc bố mẹ mạnh khỏe, may mắn, sống lâu!

- Con chúc bố mẹ mạnh khỏe, bán hàng tốt!

- Con chúc bố mẹ mạnh khỏe, may mắn, kiếm được nhiều tiền!

- Con chúc bố mẹ mạnh khỏe, may mắn, yêu con nhiều!

Một bé gái lớp ba viết:“ Nhân dịp năm mới, con chúc mẹ mạnh khỏe, may mắn và sống với con!“ . Tôi nói với cháu „Con viết thiếu bố rồi, con viết lại đi!“. Cháu buồn buồn trả lời: “Ứ ừ, cháu thích thế!“. Sau này tôi mới biết, bố cháu đã bỏ đi từ lúc cháu mới có mấy tháng.
Một lần học về màu sắc, sau khi giải thích các màu, tôi đặt một số câu hỏi trong đó có câu: “Ô tô của bố cháu màu gì?“. Cháu bé kể trên vốn là người rất nhanh nhẹn nhưng lại nộp bài sau cùng chính vì câu hỏi này. Cuối cùng cháu mạnh dạn hỏi tôi: “Bác ơi, cháu muốn viết màu ô tô của mẹ có được không ạ?“ Chúng ta suy nghĩ gì về tâm hồn của cháu bé này?

Một cháu trai lớp năm trường chuyên có khả năng ngoại ngữ rất khá. Hôm đó đến lớp cháu rất buồn, mặt mày ủ rũ. Đến giờ giải lao, tôi hỏi cháu:

- Hôm nay cháu bị mệt à?

- Không – sau đó cháu oà lên khóc. 

Tôi lúng túng vì câu hỏi của mình đã làm cháu xúc động:

- Chuyện gì đã xảy ra với cháu? Hãy kể cho cô nghe đi!

- Bố mẹ cháu sắp bỏ nhau. Mẹ cháu bế em đi, cháu phải ở nhà với bố. Lúc cháu đi học, mẹ cháu đang chuẩn bị va ly. Cháu phải làm gì vì cháu không muốn mẹ đi?

Tôi chỉ biết khuyên cháu làm nhiệm vụ của một đứa con, xin bố mẹ bỏ qua lỗi cho nhau để cháu có chỗ dựa ấm cúng.

Trong lớp tiếng Việt của tôi còn có hai anh em ruột, anh lớp bốn, em lớp hai. Trong giờ luyện nói, tôi đã hỏi các cháu về gia đình và anh chị em. Cháu gái nói với tôi, cháu có một anh trai và một Halbschwester (7). Tôi lại hiểu sai là mẹ cháu có bầu nên hỏi: “Mẹ cháu sắp sinh em bé à?“. Cháu trả lời: “ Đó là con của bố chứ không phải của mẹ!“

- Vậy em bé có dễ thương không?
- Em dễ thương, em còn bé không có lỗi.

Các cháu phản ánh suy nghĩ như một tấm gương, không che đậy, không tô hồng. Các bậc phụ huynh hãy dành thời gian nhiều hơn cho con mình, giải đáp cho các cháu các mối quan hệ trong gia đình. Vì chỉ có như thế bạn mới hiểu được con bạn và tạo niềm tin cho chúng.

Nguyễn Thanh Nguyên
(Cô giáo tiếng Việt vùng Chemnitz, CHLB Đức)

-----------------------------------------
Chú thích các từ tiếng Đức:

(1) - Imbiss: quán ăn nhỏ
(2) -"echt" chim: một con chim thật (không phải đồ chơi)
(3) - Korne: hạt
(4) - gut singen: hót hay (chim)
(5) - getrennt: ly thân
(6) - gespielt: chơi (bài, bạc)
(7) - Halbschwester: anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha

************************

Trong phần 1, chúng tôi đã hân hạnh được tâm sự với các bạn về những tình cảm của các cháu nhỏ sinh ra ở Đức.

Lần này chúng tôi muốn bày tỏ cùng các bạn niềm vui và băn khoăn của mình qua tâm sự của các cháu lớn tuổi hơn, tuổi sắp trưởng thành và tuổi đã trưởng thành.

Những lời kể quá thật của các cháu có thể làm cho một số bạn phật ý, nếu vậy tôi thành thực xin lỗi độc giả.

Kỳ 2: QUAN ĐIỂM CỦA LỨA TUỔI VỊ THÀNH NIÊN

Chắc các bạn cũng như tôi, lo lắng nhiều khi con ở lứa tuổi này. Quan tâm và để ý từng cử chỉ của con mình, các bạn sẽ có lúc vui, lúc lo sợ và có lúc bực tức. Tôi suy nghĩ rất nhiều khi con tôi sang tuổi 15. Sau Lễ trưởng thành do người Đức tổ chức, cháu bắt đầu đòi quyền tự quyết một số vấn đề. Tôi cảm thấy con mình cứ xa dần vòng tay âu yếm của cha mẹ, không thích được nuông chiều như trước nữa. Có lẽ đó là điều dễ hiểu khi các cháu sống ở đất nước tự do này. Còn tôi thực sự lo lắng vì đây là cái tuổi mà người Việt gọi là “choai choai”, đòi làm người lớn nhưng thực sự chưa lớn, thật phiền hà.

Tôi đã tiếp xúc với nhiều cháu tuổi từ 13 đến 20. Một số cháu sinh ra ở đây, số còn lại khi lớn mới sang Đức theo diện đoàn tụ gia đình. Được tiếp xúc với xã hội và nhà trường, các cháu có những suy nghĩ, nhận xét rất khác nhau. Tôi xin trích một vài tâm sự của các cháu mới sang Đức được vài năm, những người hòa nhập vào xã hội Đức khó hơn, phong cách sống Việt Nam nhiều hơn, vì khi lớn mới sang đây. Các cháu thường quần tụ nhóm người Việt với nhau, không thích tham gia hoặc tham gia miễn cưỡng những hoạt động do nhà trường tổ chức. Trong giờ tiếng Việt, tôi đã cùng các cháu thảo luận đề tài: Vì sao các cháu có sự thay đổi môi trường sống? Ai thấy thích, ai không, thậm chí ai là người cảm thấy bị bắt buộc? Một cháu gái 16 tuổi nói: ”Cháu đang học lớp 10 ở Việt Nam, cháu có nhiều người thân và bạn bè, cháu phải sang đây vì ba mẹ sống ở Đức. Trước khi đón cháu sang đây, ba mẹ có hỏi ý kiến cháu, cháu đã đồng ý. Nhưng khi sang đến đây, cháu mới thấy cuộc sống khác và buồn quá. Nhiều hôm cháu nằm mơ thấy mình đang ở Việt Nam”.

Một cháu gái khác 15 tuổi kể: ”Mẹ cháu có bàn với cháu khi đưa cháu sang Đức đoàn tụ, vì ba và mẹ cháu đã chia tay. Khi còn ở Việt Nam, cháu ở với bà, bà đã già lắm rồi. Mẹ cháu sợ cháu ở Việt Nam sẽ không có tương lai và cháu cũng muốn có gì đấy thay đổi trong cuộc sống. Nhưng ở đây buồn quá, mẹ đi làm cả ngày rất cực, còn cháu thì không có bạn. Nhiều lúc cháu thèm sống một ngày ở Việt Nam”.
 
Một cháu trai 17 tuổi, đã sang Đức được ba năm kể: ”Mẹ cháu có bàn với cháu việc đưa cháu sang đây. Mẹ rất tôn trọng ý kiến của cháu và cháu đã đồng ý ngay, vì thấy người ở “tây” về rất “tây”, sang trọng hơn những người ở nhà. Vì hiếu kỳ cháu muốn sống ở tây nhưng bây giờ cháu thực sự thất vọng. Đó là lỗi của cháu”.

Một cháu gái 17 tuổi, sang Đức được 3 năm tâm sự: ”Bố cháu đón mẹ, cháu và em cháu sang Đức. Bố cháu đã chuẩn bị tất cả. Lúc đầu sang Đức cháu rất sợ, bây giờ đã ba năm rồi cháu không còn sợ nữa nhưng vẫn không quen được cuộc sống ở đây. Cháu vẫn mong có một ngày nào đó được về thăm Việt Nam gặp lại bạn bè”.

Còn các cháu sinh ra ở Đức thì ngược hẳn. Những lời tâm sự của các cháu sau khi nghỉ hè ở Việt Nam làm tôi rất bất ngờ vì các cháu trả lời rất thật, thật đến nỗi làm tôi rát cả mặt. Khi kể những câu chuyện đó ra đây, tôi mong độc giả hiểu và thông cảm. Một cháu lớp hai nghỉ hè ở một vùng nông thôn Việt nam. Nhà bà cháu nuôi rất nhiều gà và cháu đã hỏi bà: ”Bà ơi sao bà không làm toilet cho gà để nó ị ra khắp nhà thế này?”, “Bà ơi sao bà nuôi nhiều ruồi thế, chỗ nào cũng thấy ruồi!”. Khi sang Đức, mẹ xin cháu đừng kể những gì ở Việt Nam cho các bạn Đức nghe, các bạn ấy sẽ bảo là mình không văn minh. Cháu phản ứng ngay: ”Thế mình nói dối à?”. Một cháu khác khi nghe tôi hỏi về sức khỏe của bà thì cháu nói: ”Bà răng đen ghê lắm, nhưng bà thương cháu” (!)

Gia đình tôi có một người bạn, anh có hai con, cháu gái 14 còn cháu trai lên 9. Khi các cháu nghỉ hè từ Hà Nội về thăm quê cách đó hơn chục cây số, nhà hơi thấp và lụp xụp, vì chỉ còn toàn người già ở đó. Trong nhà có bàn thờ tổ tiên mà cháu trai lại là cháu đích tôn cần phải ra mắt. Khi đến cổng, cả hai đứa nhất định không chịu vào nhà. Cháu trai còn nói: ”Đây mà cũng gọi là nhà à?”, và hai đứa thi gan đứng ngoài trời đến tối, cả nhà phải tập trung quạt muỗi và cuối cùng phải chịu nhượng bộ đưa chúng về Hà Nội. Là cha là mẹ, ai mà không đau lòng vì các cháu đã “tây hoá” quá nhiều.

 

Kỳ này, chúng tôi muốn nói đến những điều tâm tư, bộc bạch của các cháu ở tuổi đã trưởng thành. Các cháu cũng có những nhận xét rất sâu sắc về quan hệ gia đình.

Có lần tôi đặt câu hỏi để các cháu bàn luận: „Các con suy nghĩ thế nào về bố mẹ?”, tôi đã nhận được những câu trả lời chân tình của những đứa con tinh thần, cho phép tôi được nói như vậy.

Kỳ 3: TÂM SỰ CẦN ĐƯỢC SẺ CHIA

Một cháu 19 tuổi, mới sang Đức được một năm (cháu ở nhà với bố, hai bố mẹ đã bỏ nhau): „Mẹ cháu sang Đức lúc cháu mới học lớp hai, em cháu mới 4 tuổi. Mười mấy năm sống ở Việt Nam cháu thật sung sướng và đầy đủ, cháu tiêu tiền không biết tiếc vì mẹ gửi về. Cháu không tưởng tượng được mẹ cháu ở đây lại cực đến thế, một mình lái xe đi khắp các chợ bán hàng để gửi tiền về cho con. Cháu thương mẹ quá!”.

Một cháu gái 16 tuổi sang đây từ nhỏ: „Mẹ cháu làm việc nhiều quá, bệnh cũng vẫn đi bán hàng, nên ngoài giờ học cháu bán hàng giúp mẹ, mẹ không bắt cháu nhưng cháu tự nghĩ phải giúp mẹ.“.

Một cháu gái 18 tâm sự: ”Mẹ cháu hay mua quần áo đẹp cho cháu, thỉnh thoảng lại cho tiền để cháu đi chơi vậy mà mẹ cháu toàn mặc quần áo cũ hoặc mặc những quần áo bán thừa, cháu thương mẹ lắm!”.

Một cháu khác thì tâm sự: „Bố cháu ở Việt Nam đã có vợ khác và có con. Mẹ đón chị em cháu sang đây, mẹ thương và lo cho chúng cháu lắm. Bây giờ cháu mới thông cảm khi mẹ có bạn trai, chứ lúc đầu cháu phản đối dữ lắm!”

Một cháu gái 10 tuổi sinh ra và lớn lên ở Đức, mẹ cháu bị bệnh và qua đời cách đây một năm. Cháu vẫn đi học đều, vui vẻ và chơi vui cùng bạn bè. Tôi nghĩ cháu đã nguôi dần, vậy mà khi đọc những dòng lưu niệm cháu viết cho các bạn, tôi đã bật khóc:

- Sở thích: thích đọc sách, đi xe đạp, ngồi suy nghĩ một mình.

- Tương lai: lớn lên làm bác sĩ

- Ước mơ: Tất cả trẻ em đều có mẹ, không có chiến tranh, quan trọng nhất là sức khoẻ.

Để tìm hiểu suy nghĩ của các cháu, có lần trong giờ tiếng Việt tôi đặt một câu hỏi: „Các con sẽ làm gì nếu bỗng nhiên trở thành triệu phú?”. Tôi xúc động khi nghe những câu trả lời:

- Trước hết cháu sẽ mua một máy tính thật hiện đại, tặng bố mẹ một phần để bố mẹ không phải đi bán hàng nữa, một phần đi du lịch, một phần giúp người nghèo.

- Cháu sẽ đãi các bạn một chầu kem, mua đồ mà cháu thích, còn lại tặng bố mẹ để bố mẹ khỏi phải dậy sớm đi bán hàng, để bố mẹ có tiền để trả tiền nhà.

- Cháu sẽ tặng bố một BMW hiện đại vì xe của bố bị hỏng nhiều quá rồi, sau đó mua một căn nhà để khỏi phải đi thuê, cháu sẽ để 50 Euro mua đồ cháu thích.

Khi nghe một cháu gái 17 tuổi đã ở Đức hơn 10 năm tâm sự, tôi thấy mình lòng buồn man mác: „Nếu có một triệu, trước hết cháu sẽ cho mẹ để mua giấy tờ ở lại hợp pháp, sau đó cháu cho mẹ tiền để mẹ có thể về phép Việt Nam, vì đã hơn 10 năm rồi mẹ không được về. Mẹ nói, nếu được về Việt Nam, mẹ sẽ đi chùa thắp hương”.

Đó là một số trong rất nhiều ý kiến của các cháu bày tỏ tình cảm với bố mẹ. Các cháu tự cho mình là người lớn nên rất dễ tự ái khi cảm thấy bị xúc phạm. Tôi đặt cho các cháu chủ đề khác: „Còn điều gì các con chưa hài lòng trong quan hệ giữa bố mẹ và các con?”

- Bố mẹ hay mắng cháu vì cách ăn mặc của cháu. Mẹ mới nghe người khác nói mà đã mắng cháu, đó là ý thích của cháu, cháu phải được tự do lựa chọn chứ. (cháu gái 18 tuổi)

- Mẹ cháu lúc nào cũng lấy gương người khác để mắng cháu: bạn này học trường chuyên, bạn kia giúp mẹ, anh chị đó học giỏi... Trong khi cháu đã cố gắng hết mình nhưng không được mẹ nhìn nhận.

- Khi bạn đến nhà, bố mẹ cháu thường hỏi, bạn ấy có học trường chuyên không? Con nhà ai? Tại sao cứ phải học trường chuyên mới là bạn của cháu?

Có lần trong giờ giải lao, hai cô bé tâm sự với nhau mà tôi nghe được:

- Mẹ tớ thỉnh thoảng lục tủ của tớ, xem nhật ký và đọc thư bạn bè. Tớ rất giận mẹ, mẹ bảo, mẹ là mẹ nên phải biết tớ làm gì chứ! Mẹ của cậu có vậy không?

- Cũng may mẹ tớ phải làm việc nhiều quá nên không có thời gian, chứ nếu mẹ tớ làm thế tớ cũng mắng mẹ tớ, mặc dù đó là mẹ của tớ thật.

Một lần khác tôi được nghe hai cậu con trai 16 tuổi tâm sự. Mẹ của một cháu đi lao động ở Đức khi cháu mới được mấy tháng, cháu ở nhà với bố. Một năm sau bố mất vì một tai nạn lao động, cháu lại ở với bà và được mẹ đón sang Đức lúc 6 tuổi. Cháu nói với bạn: „Tao đang ở Việt Nam với bà thì mẹ về làm giấy tờ đón tao sang mà không hỏi ý kiến tao. Mẹ thương hai chị em tao lắm, nhưng bạn trai của mẹ đã kiềm tỏa, cấm đoán tao 8 năm liền. Tao bị mất hết tuổi thơ và tình cảm với mẹ, vì thế mà có nhiều mâu thuẫn”.

Tôi xin chép lại những tâm sự buồn vui lẫn lộn này để mong đọc giả và phụ huynh có những đồng cảm nhất định. Tôi có cảm giác, ở tuổi này các cháu nói nhiều hơn và tranh chấp với mẹ nhiều hơn, phải chăng các ông bố „tế nhị” hơn trong việc này và nhường nó cho các bà mẹ?

Dù sao tôi cũng mong các bạn góp ý kiến để con em chúng ta có một tuổi thơ đích thực.

Nguyễn Thanh Nguyên
(Cô giáo tiếng Việt vùng Chemnitz, CHLB Đức)