Nếu Không Có Thượng Đế

Dù chúng ta không thể hiểu hết được, ngay cả khó chấp nhận được, chúng ta cũng phải lựa chọn vâng theo lời Ngài vì Ngài đã minh chứng Ngài chính là Thượng Đế. Cũng như khi bị bệnh, chúng ta vâng theo lời chỉ dẫn của bác sĩ, phải uống thuốc nào, ăn ngủ sinh hoạt ra sao, dù chúng ta không hiểu và cũng không muốn uống thuốc đắng. Chúng ta vâng theo vì biết ông ấy là một bác sĩ tài giỏi đã từng chữa lành nhiều người và chính chúng ta cũng muốn khỏi bệnh...
Nếu Không Có Thượng Đế
 
Ngắm núi đồi hùng vĩ, biển cả mênh mông, ngước nhìn bầu trời bao la, bí ẩn, tôi thấy mình thật bé nhỏ, giới hạn trong một xó xỉnh của vũ trụ lớn lao vô tận. Nói chi đến vũ trụ bao la, chỉ cần nhìn dòng người qua lại trên phố phường, tôi cũng đã thấy mình không khác gì con cá cơm trong đại dương. Rồi nhìn chính mình, tôi cũng không hiểu nổi, ngay cả khối óc trong tôi giúp tôi suy nghĩ, phát biểu những điều này. Tại sao tôi có mặt trên cõi đời này? Tại sao tôi có mặt nơi này mà không phải nơi khác trong vũ trụ? Tại sao quãng đời ngắn ngủi của tôi lại diễn ra lúc này mà không phải lúc khác trong dòng thời gian vĩnh cửu? Nhìn mọi phía, tôi thấy thật vô tận và mình chỉ là một hạt bụi, một thoáng qua không bao giờ trở lại. Tôi biết chắc chắn trước sau gì tôi cũng phải chết, nhưng điều tôi ít biết nhất lại là cái chết mà tôi vô phương né tránh.
Vì không biết mình từ đâu tới, nên tôi cũng không biết rồi sẽ đi về đâu. Tôi chỉ đoán rằng khi lìa đời tôi sẽ mãi mãi đi vào cõi hư vô, hoặc vào tay một Đấng Thượng Đế nào đó. Đó là tình trạng của tôi, đầy dẫy yếu đuối và bấp bênh.
Mà thôi nghĩ gì cho mệt, tôi cứ sống từng ngày một, không cần biết gì về số phận của mình. Có thể tôi sẽ tìm ra giải đáp cho những điều mình nghi ngờ, nhưng việc gì phải bận tâm khám phá những điều ấy!
Bạn nghĩ gì khi đọc những lời trên? Không thể chấp nhận một thái độ sống dửng dưng như vậy, tôi muốn tìm ra câu giải đáp cho tình trạng khốn cùng của mình. Thế nhưng tôi nhận ra rằng dù không phát biểu như trên nhưng tôi lại lẩn tránh, trốn chạy tình trạng thất bại của mình như bao người: tiêu phí biết bao thì giờ, công sức, suy tính tìm tòi những giá trị tầm thường, những thú tiêu khiển chóng qua… Nói chung tôi chỉ xoay quanh chính mình, với tiền của, danh lợi, tình dục, nghệ thuật, âm nhạc, thể thao, du lịch… Cuối cùng chẳng thấy đâu là hạnh phúc, ý nghĩa đích thực của cuộc đời, chỉ thấy một thế giới kiêu ngạo, tham lam, ích kỷ, lừa dối, lo âu, buồn chán, tội ác, bệnh tật, chết chóc và trống rỗng!
Có thể bạn cho là vơ đũa cả nắm khi ghép chung những tay anh chị, những kẻ tư kỷ chỉ biết hưởng lạc với những người đã hy sinh cho tha nhân, cho xã hội, những nhà tu hành, những người đạo đức luôn tìm kiếm điều thiện… Vâng, tôi có nghĩ đến điều đó và tự hỏi, phải chăng vì đã tìm thấy hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc đời nên họ đã sống như vậy, hay họ chỉ mong đi tìm hạnh phúc và ý nghĩa bằng cách sống ấy? Nếu họ đã tìm thấy thì tôi ao ước biết được bí quyết để có một cuộc đời hạnh phúc và ý nghĩa, nhưng nếu họ đang đi tìm thì họ cũng chỉ đang đi trên con đường dẫn đến đau khổ mà thôi. Vì khi càng cố sống cho phù hợp với những tiêu chuẩn khách quan của điều thiện bao nhiêu, con người càng ý thức một cách đau khổ rằng mình không có khả năng làm được điều mình muốn bấy nhiêu. Thế nên, cuối cùng của cuộc đời chân thành theo đuổi nếp sống đạo đức sẽ là mặc cảm tội lỗi và tuyệt vọng.
Pascal đã nói rằng muốn tìm kiếm giải pháp cho những bế tắc, cho tình trạng khốn cùng của con người thì con người phải nhận biết Thượng Đế. Bạn có đồng ý với ông ta không? Bạn có thấy vấn nạn của đời sống mình có liên hệ với sự nhận biết Thượng Đế không?

Tôi hoàn toàn đồng ý với Pascal vì:
NẾU KHÔNG CÓ THƯỢNG ĐẾ thì…

Đáp lại câu hỏi "Tôi là ai? Tôi có mặt trong cõi đời này để làm gì? Rồi tôi sẽ đi về đâu?" những người vô thần sẽ trả lời như sau: "Con người là một sản phẩm tình cờ của thiên nhiên, một kết quả từ vật chất, cộng thời gian, cộng ngẫu nhiên". Vì là ngẫu nhiên tình cờ nên sự hiện diện của con người không có lý do, không có mục đích. Tất cả những gì con người đối diện chỉ là sự chết.
Con người giống như những sinh vật phải chết. Không có hy vọng gì vào cõi trường sinh, cuộc sống chỉ hướng đến mồ mả. Đời người chẳng khác một tia sáng chợt loé lên trong bóng tối vô cùng tận, rồi tắt lịm mãi mãi. So với thời gian vô tận, thì đời người chỉ là một thoáng qua không đáng kể, sống vài năm hay vài chục năm thật ra không khác gì nhau. Bây giờ tôi biết mình đang tồn tại trong cõi đời này, rồi một ngày kia (ngày nào tôi không biết) tôi sẽ chết, không còn hiện hữu nữa.
Nếu không có Thượng Đế thì không có sự bất diệt. Nếu chết là hết, con người không còn hiện hữu khi qua đời, thì ý nghĩa cuối cùng của đời người là gì? Việc người ấy có mặt trên đất này vài giờ hay vài chục năm có gì quan trọng, có giá trị gì không? Có thể cho rằng cuộc sống người ấy là quan trọng vì đã gây ảnh hưởng đến người khác, đến tiến trình của lịch sử nữa. Thật ra, nếu không có Thượng Đế thì ảnh hưởng ấy có nghĩa gì? Khi mọi sự kiện chỉ là vật chất tình cờ xảy ra thì việc tác động trên biến cố, trên sự kiện ngẫu nhiên ấy có ý nghĩa gì? Phải chăng nhân loại cũng chỉ như một đám ruồi muỗi hay một bầy gia súc, vì tận cùng đều như nhau? Quá trình ngẫu nhiên đã sản sinh thì cũng ngẫu nhiên biến mất.
Nếu thật vậy thì những đóng góp của các nhà khoa học để gia thêm tri thức cho con người, những công trình nghiên cứu của các bác sĩ để làm giảm bớt bệnh tật, đau đớn; những nỗ lực của các nhà ngoại giao để tìm kiếm hoà bình cho thế giới; những hy sinh của biết bao người để làm thăng tiến mức sống con người; những mồ hôi nước mắt của các nhà giáo dục… tất cả đều luống công. Rốt cục họ cũng chẳng tạo được điều gì khác biệt. Vì cuộc đời con người cuối cùng là vô nghĩa nên mọi hoạt động trong cuộc đời cũng vô nghĩa. Thời gian dùi mài kinh sách, làm việc, nghiên cứu, tình bằng hữu… phân tích cho cặn kẽ, mọi thứ đều vô nghĩa. Và vì tận cùng của con người không có gì cả nên con người không là gì cả.
Giả định rằng con người không chết, con người có khả năng tồn tại mãi mãi thì còn kinh khủng hơn nữa. Vì nếu không có Thượng Đế, nếu con người chỉ là sản phẩm của vật chất, của ngẫu nhiên, nếu cuộc sống không có mục đích, không có ý nghĩa thì tồn tại mãi để làm gì? Có một câu chuyện khoa học giả tưởng kể rằng một nhà du hành vũ trụ bị bỏ rơi trên một thiên thạch khô khan cằn cổi, lạc lõng ngoài không gian. Anh ta đã đem theo hai ống thuốc. Một ống thuốc độc và một ống thuốc trường sinh. Khi nhận thức được tình trạng bi đát của mình anh ta quyết định chọn liều thuốc độc, nhưng khủng khiếp thay anh ta đã uống nhằm liều thuốc trường sinh! Nghĩa là anh ta sẽ phải kéo lê cuộc sống vô nghĩa ấy đến mãi mãi vô tận.
Xét về tính chất một sản phẩm vô tri của vật chất, cộng thời gian, cộng ngẫu nhiên thì con người có hơn gì loài giun dế vì cũng đều là kết quả của mối tương tác vô tri giữa ngẫu nhiên và nhu cầu. Nói thế thật khó nghe, nhưng nếu không có Thượng Đế thì đó là sự thật. Nếu không có Thượng Đế thì bạn và tôi chỉ là một kết hợp tình cờ của thiên nhiên, đột nhiên xuất hiện trong một vũ trụ vô mục đích để sống một cuộc đời vô mục đích.
Còn một vấn đề nữa. Nếu không có Thượng Đế không có sự bất diệt, chết là hết; nếu cuộc đời chấm dứt ở nấm mồ, cuộc sống không có mục đích nào thì có gì khác biệt khi người ấy sống như một kẻ gian ác hay như một vị thánh. Nhà văn Dostoyevsky đã viết: "Nếu không có sự bất diệt thì chúng ta đều có phép làm mọi sự". Và rất có lý khi ca tụng tính ích kỷ, hãy sống cho chính mình, vì cuộc đời quá ngắn ngủi nên đừng liều lĩnh thực hiện bất cứ điều gì không phải là tư lợi; hy sinh cho người khác là dại dột.
Nếu không có Thượng Đế thì chẳng có tiêu chuẩn tuyệt đối nào để thẩm định đúng sai, phải quấy. Ai có thể nói giá trị nào đúng, giá trị nào sai? Quan niệm đạo đức mất tất cả ý nghĩa trong một vũ trụ không có Thượng Đế. Có nghĩa là không thể lên án chiến tranh, áp bức, tội ác, ma tuý, đĩ điếm và kể đó là điều ác được. Cũng không ai có thể ca ngợi tình huynh đệ, bình đẳng và tình yêu để coi đó là điều thiện. Vũ trụ không có Thượng Đế thì thiện ác không tồn tại, mà chỉ như Jean Paul Sarte nói: "Tất cả những gì chúng ta đương đầu chỉ là những thực tế trơ trọi, vô giá trị". Nếu không có Thượng Đế thì cuộc sống vô nghĩa, vô mục đích, vô giá trị!
Bạn có hiểu tầm mức quan trọng của sự lựa chọn bày ra trước mặt chúng ta hay không? Vì nếu Thượng Đế hiện hữu thì còn có hy vọng cho con người, cho bạn, cho tôi. Nhưng nếu không có Thượng Đế thì chúng ta tuyệt vọng. Bạn có hiểu tại sao vấn đề Thượng Đế hiện hữu lại quan trọng đối với con người như thế không? Một nhà văn đã viết: "Nếu Thượng Đế đã chết thì con người cũng chết".

Thật ra chưa hề có ai sống đúng, sống chân thật với niềm tin "không có Thượng Đế".

Ai cũng muốn chứng minh đời mình có giá trị, cuộc sống mình có ý nghĩa, có mục đích vì ai cũng muốn mình hạnh phúc. Thế nhưng khi tìm kiếm những điều này thì họ đã mâu thuẫn với niềm tin "không có Thượng Đế", mọi sự chỉ là ngẫu nhiên kia mà!
Bạn có biết vì sao người ta luôn cố gắng chứng tỏ mình tài giỏi, mình thành công, mình đẹp…? Và nếu được thì còn hơn người khác nữa. Vì sao người ta cảm thấy khốn khổ khi không được người khác yêu thương, khen ngợi? Vì sao con người lại sợ cô đơn, sợ bệnh tật, sợ lừa dối, sợ chết…? Vì sao người ta cố gắng sống thiện lành để đức lại cho con cháu? Vì thật ra người ta không thể sống đúng với quan niệm rằng mình chỉ như con giun con dế, một sản phẩm của ngẫu nhiên tình cờ và rồi một ngày nào đó không còn là gì cả.
Tại sao người ta lên án chiến tranh, chế độ nô lệ, sự phân biệt chủng tộc, kỳ thị giai cấp? Tại sao người ta lên án sự lừa dối, phản bội, độc tài, độc đoán? Tại sao chấp nhận lấy chuột, thỏ làm vật thí nghiệm mà lại lên án khi đem người làm vật thí nghiệm? Tại sao người ta không chịu ngồi yên khi Đức Quốc Xã giết hàng triệu người Do Thái, khi Pôn-pốt tiêu diệt hàng triệu đồng bào của ông ta? Vì con người không thể sống thành thật với quan niệm cho rằng giá trị con người chỉ là kết quả của sự tác hợp vô tri giữa ngẫu nhiên và nhu cầu. Người ta không thể sống thành thật với quan niệm cho rằng vấn đề thiện ác, đạo đức chỉ là sở thích cá nhân… Nhưng như vậy là đã mâu thuẫn, là đã phản bác điều họ vẫn tin "không có Thượng Đế" mất rồi!
Tại sao lại phải cố gắng đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ? Thiên nhiên thế nào cũng đúng cả mà, phụ nữ có khác gì một con gà mái hay một con dê cái? Có ai sống nỗi với quan niệm như vậy không?!
Tại sao chính những người vô thần, những người tuyên bố "không có Thượng Đế" lại lên án những kẻ tư kỷ chỉ biết hưởng thụ vui chơi? Tại sao họ lại ca ngợi những người biết dốc lòng cho thế hệ mai sau? Vì tự thâm tâm họ hiểu điều họ nói - chết là hết - là không đúng. Con người chết chưa phải là hết, không thể nào kết cuộc những năm tháng sống trên đời, dù gian ác hay thiện lành, rồi chỉ là một nấm mồ, không còn gì sau đó nữa. Không thể thế được. Không đúng thế.
Tại sao lại phải nỗ lực giáo dục trẻ thơ biết tôn trọng người khác, biết lễ nghĩa hiếu kính…? Xin bạn cho biết vì sao.
Trong một thế giới mà công lý con người luôn luôn thay đổi, chỉ có tính tương đối và thường lầm lẫn, bạn có thể sống nổi với quan niệm rằng sự tàn ác, gian dối của con người rồi sẽ qua đi mà không hề bị trừng phạt, cũng như không có sự ban thưởng cho người ngay lành? Hồng y Newman, nhà thần học người Anh, nói rằng: "Nếu tôi tin rằng mọi điều ác và bất công trên đời này qua suốt cả lịch sử không được trình ra trước mặt Thượng Đế ở đời sau thì thà tôi làm người điên còn hơn".
Trong sinh hoạt thực tế hằng ngày, con người đã tự kiểm chứng rằng niềm tin "không có Thượng Đế" là sai lầm, không thể chấp nhận. Khi cố tình không muốn nói đến Thượng Đế thì người ta lại phải tìm cái khác để thay thế. Zeldovich và Novikov, hai nhà vật lý tên tuổi người Nga, khi quan sát tính chất vũ trụ đã đặt câu hỏi tại sao ‘thiên nhiên’ đã tạo dựng vũ trụ như thế này mà không như thế khác. Ngôn ngữ này thật khó tin, nhất là đối với các nhà khoa học Mác-xít vốn được coi là vô thần. ‘Thiên nhiên’ đã trở thành một cái gì thay thế Thượng Đế, thực hiện vai trò và chức năng của Thượng Đế. Trong tác phẩm ‘Nguồn gốc của mã di truyền’ Francis Crick đã viết hoa chữ Thiên Nhiên, ở những chỗ khác ông nói đến sự đào thải thiên nhiên là khéo léo và biết suy nghĩ. Đối với Carl Sagan chữ Cosmos (vũ trụ) luôn được viết hoa và cho thấy vũ trụ đóng vai trò thay thế Thượng Đế. Còn rất nhiều người dầu nói rằng không tin Thượng Đế nhưng họ lại đưa vào cái thay thế Thượng Đế, bởi vì họ không thể sống trong một vũ trụ mà mọi thứ đều là kết quả ngẫu nhiên của các lực phi thân vị.

Thế giới quan vô thần không thể hội đủ điều kiện để sống cuộc đời hạnh phúc. Không ai có thể sống với niềm tin ‘không có Thượng Đế’ vì cuộc đời từ chối Thượng Đế không có ý nghĩa, không có mục đích, không có giá trị. Khi chối từ Thượng Đế người ta nghĩ rằng mình được ‘giải phóng khỏi áp bức’ để sống tuỳ ý mình thích; nhưng thực tế cho thấy khi gạt bỏ Thượng Đế, con người đã tự phủ nhận chính mình.

Từ đầu đến giờ tôi đã đặt chữ NẾU ‘Nếu không có Thượng Đế’. Tại sao lại nếu? Chỉ vì để dễ thấy sự phi lý của niềm tin ‘không có Thượng Đế’.
Đúng ra chúng ta không cần phải nói NẾU như thế, vì chứng cứ hiển nhiên nhất cho sự hiện hữu của Thượng Đế ấy là chính Ngài đã ‘lên tiếng’, đã tự bày tỏ cho chúng ta.
Thượng Đế đã tự bày tỏ cho chúng ta bằng nhiều cách: qua sự kỳ diệu, trật tự của thiên nhiên, vũ trụ; trong lương tâm của mỗi người; trong những vấn đề đạo đức thiện ác; quy luật nhân quả… Dưới đây, tôi chỉ nêu ba cách bày tỏ mà con người có thể nhận biết Thượng Đế rõ ràng nhất.

Cách thứ nhất Thượng Đế tự bày tỏ đó là Ngài đã gởi bức thư cho loài người. Bức thư ấy chính là Kinh Thánh.
Kinh Thánh là bộ sách được Thượng Đế hướng dẫn một số người tin thờ Ngài viết ra cách kỳ diệu.
Chính Kinh Thánh được gọi là Lời của Thượng Đế. Đã có đến hơn hai ngàn câu "Thượng Đế phán". Chẳng những do lời tự xưng mà Kinh Thánh còn rất nhiều bằng chứng hiển nhiên bày tỏ Thượng Đế là tác giả tối hậu.
Sự thống nhất toàn bộ Kinh Thánh là điều kỳ diệu. Có hơn 40 trước giả khác nhau, xuất thân từ những giai tầng khác nhau, viết ra trên ba đại lục Á Châu, Phi Châu và Âu Châu, bằng ba ngôn ngữ khác nhau (Hy Bá Lai, A-ram, Hy văn). Kinh Thánh được viết trong khoảng thời gian 1500 năm, nhưng lại là một toàn khối thống nhất, hài hoà trọn vẹn. Người ta không thể giải thích được là do trùng hợp ngẫu nhiên hay có sự thông đồng với nhau mà chỉ có thể hiểu bởi quyền tể trị của Thượng Đế, Ngài đã hướng dẫn các trước giả và tập hợp các sách lại thành một bộ thống nhất.
Có nhiều lý do khác như lời chứng của Sử học cho thấy biết bao lời tiên tri trong Kinh Thánh đã được ứng nghiệm từng chi tiết; của Khảo Cổ học; và của hàng triệu đời sống qua các thời đại đã được biến cải bởi Kinh Thánh. Một điều đáng chú ý là không có một cuốn sách nào có nhiều kẻ thù như Kinh Thánh. Rất nhiều vua chúa, các bậc cầm quyền đã muốn tiêu huỷ Kinh Thánh nhưng tất cả những thế lực, những con người đó đều qua đi, còn Kinh Thánh vẫn y nguyên và càng ngày càng lan tràn mạnh hơn. Đó là cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất, và đã được in ra nhiều nhất trên thế giới ngày nay.
Trong khuôn khổ nhỏ bé của tập sách này tôi không thể đi vào chi tiết, nhưng có lẽ cách tốt nhất để xác minh Kinh Thánh là Lời Thượng Đế xin bạn hãy đọc Kinh Thánh. Kinh Thánh sẽ cho bạn biết Thượng Đế hiện hữu, Ngài yêu thương con người, dù tội lỗi đã làm con người xa cách Thượng Đế, Kinh Thánh có câu trả lời rõ ràng cho quá khứ, hiện tại và tương lai của đời bạn. Ngài có chương trình để cứu rỗi và giải quyết những bế tắc, để giải phóng bạn khỏi tình trạng khốn cùng. Hãy đọc Kinh Thánh rồi bạn sẽ rõ đó chính là bức thư của Thượng Đế.

Cách thứ hai Thượng Đế bày tỏ cho con người ấy là qua dân tộc Do Thái.
Tôi xin nhường lời lại cho Josh McDowell:

"Nói khác đi, Thượng Đế đã hứa ban cho Áp-ram: 1. Một dân tộc lớn; 2. Một danh tiếng lớn; 3. Trở thành một nguồn phước cho mọi dân tộc; 4. Và một xứ sẽ thuộc về hậu duệ ông mãi mãi.

"Nhiều thế kỷ sau khi Thượng Đế hứa những điều này với Áp-ram, thì một dân lớn đã thành hình đông đến mấy triệu. Họ tiến vào Đất Hứa dưới quyền lãnh đạo của Môi-se và Thượng Đế cảnh cáo rằng nếu họ không vâng lời Ngài thì Ngài sẽ dùng nhiều dân tộc khác đuổi họ khỏi xứ ấy. Ngài báo trước rằng họ sẽ bị tan lạc khắp thế giới, làm khách lạ tại các nước mà họ không hề quen biết, và sẽ không bao giờ tìm được sự yên nghỉ khi lưu lạc rày đây mai đó. Dầu vậy Thượng Đế vẫn thành tín, Ngài hứa sẽ đưa họ về xứ của họ.

"Lịch sử đã phán quyết như thế nào? Tuy đã được cảnh cáo, dân Do Thái vẫn sa vào tội thờ hình tượng và họ đã bị đuổi khỏi tổ quốc mình. Năm 606 TCN, vua Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-sa đã bắt dân Do Thái đày sang Ba-by-lôn, và đến năm 588-586 TCN sau một cuộc vây hãm dài ngày đã tiêu huỷ kinh đô Giê-ru-sa-lem cùng đền thờ tại đó. Đó là lần lưu đày thứ nhất. Tuy nhiên 70 năm sau, vào những năm 537-536 TCN Thượng Đế cho phép số người còn sót lại hồi hương trở về xứ như lời Ngài đã hứa. Lần lưu đày thứ hai, vào năm 70 SCN dưới quyền tướng Titus người La Mã, toàn dân Do Thái đã bị đuổi ra khỏi tổ quốc họ và thành phố Giê-ru-sa-lem bị huỷ phá tan tành.

"Suốt gần 1900 năm, dân Do Thái đã lưu lạc lang thang khắp thế giới như những khách lạ, bị bách hại từ khắp mọi phía. Thảm nạn này lên đến tột đỉnh trong Thế Chiến II, khi 6 triệu người Do Thái bị tàn sát trong các trại tập trung của Đức quốc xã.

"Vượt qua bao bất đồng cản trở, quốc gia Do Thái lại hồi sinh vào ngày 14 tháng 5 năm 1948, và người Do Thái từ khắp bốn phương trời đã trở về xứ của họ. Từ năm 1948 họ vẫn tồn tại qua nhiều tranh chấp khủng khiếp, kể cả Cuộc Chiến Tranh Sáu Ngày năm 1967 và Cuộc Chiến Tranh Cho Ngày Thánh năm 1973.

"Qua những biến cố vừa kể, người Do Thái đã không hề bị tiêu diệt hay bị mất dân tộc tính. Lịch sử đã chứng minh rằng bất kỳ một dân tộc nào từ bỏ tổ quốc ra đi thì chỉ 5 thế hệ sau sẽ mất đi dân tộc tính, bị cuốn hút vào nền văn hoá mới, nhưng dân Do Thái vẫn tồn tại như một thực thể phân biệt.

"Chẳng những họ còn tồn tại, mà các dân tộc từng bách hại ngược đãi họ như dân Mô-áp, A-môn, Ê-dôm và nhiều dân tộc khác nữa đều đã bị tiêu diệt hoặc mất gốc.

"Có bao giờ bạn nghe nói một người Thuỵ Điển gốc Mô-áp? Một người Nga gốc Ba-by-lôn, một người Đức gốc Ê-đôm? Hay một người Mỹ gốc A-môn? Không bao giờ! Các dân tộc ấy đều đã bị nhiều nền văn hoá và chủng tộc khác nuốt mất rồi.

"Hẳn bạn đã từng nghe nói một người Thuỵ Điển gốc Do Thái? Một người Đức gốc Do Thái hay một người Mỹ gốc Do Thái chứ? Có! Đúng như lời tiên tri, lý lịch của họ đã không hề bị mất đi.

"Thượng Đế của Kinh Thánh là thành tín Ngài đã chứng minh sự hiện hữu lẫn lòng thành tín của Ngài bằng cách đối xử với dân Do Thái như một dấu hiệu khách quan cho thế giới đều thấy."

Nhưng cách thứ ba Thượng Đế bày tỏ cho chúng ta rõ ràng hơn cả là chính Ngài đã đến với chúng ta trong thân xác con người: Chúa Giê-su chính là Thượng Đế đến với con người.
Có ai như Ngài đã tự xưng mình là Thượng Đế và đã thách thức nếu không tin lời Ngài nói thì hãy xem việc Ngài làm. Chỉ bởi lời phán Ngài đã khiến người bệnh được lành, người què được đi, người câm được nói, người mù được sáng, người chết được sống lại. Ngài đã chứng tỏ uy quyền trên thiên nhiên. Ngài hoá năm cái bánh, hai con cá cho hơn năm ngàn người ăn. Ngài đi bộ trên mặt nước. Ngài quở bão tố khiến phải yên lặng. Ngài chứng tỏ quyền năng trên thế giới vô hình khi đuổi quỉ, trừ tà ma…
Không ai sống một cuộc đời đạo hạnh như Ngài, có lần Ngài đã thách thức những kẻ ghen ghét vì ganh tị với Ngài rằng: "Có ai bắt ta thú tội được chăng?" Ngài không phải là hạng đạo đức xa lánh xã hội, sống đời ở ẩn, nhưng Ngài đã tiếp xúc, đã đến với mọi hạng người và đã biến cải những kẻ cướp, những gái điếm, những kẻ gian ác bóc lột nên người ngay lành, những người khôn ngoan chức trọng cũng xin làm môn đệ Ngài.
Không ai giảng dạy như Ngài. Ngài không cậy uy quyền của ai mà luôn nói bằng uy quyền của chính Ngài. Ngài thường phán: "Ta bảo, ta phán cùng các ngươi…" để dạy người ta cách phải sống.
Có ai đã tuyên bố như Ngài rằng Ngài có quyền tha tội, rằng cuộc đời của mỗi người, số phận của mỗi người, hạnh phúc hay khổ đau trong đời này và cả đời sau đều tuỳ thuộc người đó có bằng lòng tin thờ Ngài là Thượng Đế, hay không?
Nhưng lời tự chứng hùng hồn nhất của Ngài chính là sự phục sinh của Ngài. Khi còn sống trên đất, Ngài đã nói trước Ngài sẽ chết cách nào, sau đó đến ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại, và sự thật đã xảy ra như lời Ngài đã phán. Có ai như Ngài!
Không thể cho rằng Chúa Giê-su chỉ là một nhân vật tưởng tượng hay huyền thoại, vì như vậy phải chứng minh hàng trăm ngàn người sống đồng thời với Ngài cũng là những nhân vật huyền thoại. Vì họ đã theo Ngài, tin Ngài, tôn thờ Ngài và nhận biết Ngài là Thượng Đế. Sử sách ghi rõ rằng họ đã có ảnh hưởng lớn trên đế quốc La Mã thời bấy giờ. Họ đã sẵn sàng chết để làm chứng cho nhân vật Giê-su lịch sử ấy. Và cho đến ngày nay tiếp nối họ, hàng triệu triệu người già trẻ lớn bé, thuộc mọi thành phần xã hội của mọi sắc dân trên thế giới đã kinh nghiệm Chúa Giê-su thực hữu qua cuộc đời được biến cải bởi quyền năng của Ngài, vì Ngài là Chúa Hằng Sống. Và đừng quên sự giáng sanh của Ngài đã chia đôi dòng lịch sử nhân loại. Không hề có ai suốt từ thời cổ đại lại có nhiều chứng cứ lịch sử như Chúa Giê-xu.

Chúa Giê-su chính là Thượng Đế đến với con người. Chúng ta phải nghe và tin theo lời Ngài phán.
Chúa Giê-su cho bạn và tôi biết rằng chúng ta khổ đau vì chúng ta là tạo vật của Thượng Đế nhưng đã sống xa cách Ngài. Chẳng những thế, chúng ta còn sống trong tội lỗi, phạm biết bao điều xấu xa gian ác chống nghịch Thượng Đế. Ngài là Đấng Thánh Khiết và Công Chính phải hình phạt chúng ta. Loài người bị hư mất ngay trong bản chất, những việc làm, tư tưởng, lời nói xấu xa tội lỗi đang huỷ hoại cuộc đời con người; và vì xa cách Thượng Đế nên con người bất lực, không thể tìm được ý nghĩa, mục đích, giá trị thật cho đời sống. Số phận chúng ta là chết và hư mất.
Nhưng Thượng Đế còn là Đấng Yêu Thương. Ngài ghét tội lỗi nhưng yêu tội nhân. Ngài không muốn chúng ta sống khổ đau và chết mất trong tội lỗi. Ngài muốn thay đổi bản chất bại hoại của chúng ta. Ngài muốn chúng ta được sống với Ngài là Đấng dựng nên chúng ta, Đấng cầm quyền cai trị cả vũ trụ, Đấng đang cầm giữ sự sống và sự chết của chúng ta.
Nhưng con người tội lỗi không thể nào sống chung với Đấng Thánh được. Chúa Giê-su đem đến cho chúng ta một tin mừng ấy là Thượng Đế đã có một giải pháp để hình phạt tội lỗi mà vẫn cứu được tội nhân:
Chúa Giê-su đã đến trần gian tội lỗi này và minh chứng Ngài chính là Thượng Đế. Ngài cho biết mục đích Ngài đến thế gian là để chết thế con người. Sự chết của Ngài chính là hình phạt của Đấng Thánh đối với tội lỗi con người. Ai bằng lòng tin rằng Ngài chết vì tội của người ấy, Ngài đã chịu thay án phạt của Thượng Đế dành cho tội lỗi của người ấy, thì trước mặt Thượng Đế người ấy được tha tội, được nhận làm con của Thượng Đế và Thượng Đế ở cùng. Có thể ví điều này như một quan án công chính đã tuyên án tử hình bị cáo mà bị cáo ấy lại chính là con mình đã phạm tội đáng chết; sau đó ông đã bằng lòng chịu án chết thay con.
Bằng chính sự sống lại, Ngài minh chứng sự chết của Ngài không như sự chết của bao người.
Dù chúng ta không thể hiểu hết được, ngay cả khó chấp nhận được, chúng ta cũng phải lựa chọn vâng theo lời Ngài vì Ngài đã minh chứng Ngài chính là Thượng Đế. Cũng như khi bị bệnh, chúng ta vâng theo lời chỉ dẫn của bác sĩ, phải uống thuốc nào, ăn ngủ sinh hoạt ra sao, dù chúng ta không hiểu và cũng không muốn uống thuốc đắng. Chúng ta vâng theo vì biết ông ấy là một bác sĩ tài giỏi đã từng chữa lành nhiều người và chính chúng ta cũng muốn khỏi bệnh.
Đó là những lý do khiến tôi đồng ý với Pascal, rằng giải pháp cho những bế tắc, cho tình trạng khốn cùng của con người, của tôi, của bạn chính là chúng ta phải nhận biết Thượng Đế và sống với Đấng đã dựng nên mình. Con người đã tìm kiếm giải pháp cho mình trong khoa học kỹ thuật, kinh tế chính trị, giáo dục, triết lý và ngay cả trong những tôn giáo huyền bí mê tín… Tất cả chỉ là sản phẩm của con người và kết quả thực tế đã chứng minh cho chúng ta rồi.
 
Sưu tầm.