Cầu nguyện là thiêng liêng và cân đối

Chúng ta cần cầu nguyện không phải vì Chúa cần lời cầu nguyện, nhưng nếu không cầu nguyện, chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy một cái gì kiên định trong đời sống của mình. Đơn giản, nếu không cầu nguyện, chúng ta sẽ luôn luôn hoặc sống quá nhiều về bản thân, hoặc quá thiếu sinh lực, nói cách khác, hoặc tự mãn hoặc chán nản. Tại sao vậy? Mổ xẻ vấn đề này, chúng ta sẽ thấy gì?
Cầu nguyện là thiêng liêng và cân đối
Những năm làm việc sinh ích của chúng ta là một cuộc đua đường dài chứ không phải cuộc đua nước rút, do đó sẽ khó giữ vững tính mềm mại, lòng quảng đại và kiên nhẫn khi phải đi qua những lúc mệt mỏi, thử thách, cám dỗ vây quanh chúng ta trong suốt đời sống người lớn. Khi phải dựa hoàn toàn vào chính mình, chỉ tin vào sức mạnh của ý chí, chúng ta thường mệt mỏi, sức chịu đựng đi xuống, làm việc nửa vời, cả trong sự chín chắn và kỷ luật của mình. Chúng ta cần một hỗ trợ từ bên ngoài, từ một nơi nào đó nằm ngoài hỗ trợ của con người, và sự hỗ trợ đó sẽ nâng đỡ chúng ta. Chúng ta cần sự giúp đỡ của Thiên Chúa, một sức mạnh khởi xuất từ một điều gì đó cao hơn sức mạnh của con người. Chúng ta cần cầu nguyện.

Nhưng thường thì chúng ta nghĩ về cầu nguyện là lòng mộ đạo hơn là một cái gì thực tế. Hiếm khi chúng ta hiểu cho thấu cầu nguyện thật ra là một vấn đề sống chết đối với chúng ta. Chúng ta cần cầu nguyện không phải vì Chúa cần lời cầu nguyện, nhưng nếu không cầu nguyện, chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy một cái gì kiên định trong đời sống của mình. Đơn giản, nếu không cầu nguyện, chúng ta sẽ luôn luôn hoặc sống quá nhiều về bản thân, hoặc quá thiếu sinh lực, nói cách khác, hoặc tự mãn hoặc chán nản. Tại sao vậy? Mổ xẻ vấn đề này, chúng ta sẽ thấy gì?

Dù hiểu theo tất cả những gì tốt đẹp nhất trong truyền thống Kitô giáo hay không, cầu nguyện mang đến cho chúng ta hai điều cùng một lúc: Nối kết chúng ta với sinh lực thiêng liêng và cho chúng ta nhận thức. Năng lực này không phải của chúng ta, nó đến từ một nơi khác, và có lẽ chúng ta chẳng bao giờ xác định được. Với tác động của nó, cầu nguyện sẽ đổ đầy sinh lực thiêng liêng cho chúng ta, cùng lúc nó cho chúng ta biết sinh lực này không phải của chúng ta, sinh lực này hoạt động trong chúng ta, nhưng không phải do chính chúng ta. Để lành mạnh, chúng ta cần cả hai: Nếu mất nối kết với sinh lực thiêng liêng, chúng ta sẽ cạn kiệt sinh lực, nản lòng và thấy trống rỗng. Ngược lại, nếu để sinh lực thiêng liêng tuôn chảy mà không cần xác định chính xác nó là gì, cứ nghĩ nó là của mình, thì từ đó chúng ta thành người tự đại, tự mãn, tự cho mình là quan trọng và kiêu ngạo, rồi từ đó sẽ ích kỷ và hư mất.

Để làm sáng tỏ điều này, Robert Moore đã minh hoạ một hình ảnh rất hữu ích, một chiến đấu cơ nhỏ cần được tiếp năng lượng trong lúc bay. Chúng ta từng xem các đoạn phim ngắn, chiếu cảnh một chiến cơ được tiếp nhiên liệu trong khi bay. Tàu mẹ với dự trữ nhiên liệu khổng lồ, bay trên tàu con. Tàu con phải bay đủ gần tàu mẹ, để vòi xăng từ tàu mẹ nối được với tàu con, và đổ đầy nhiên liệu cho nó. Nếu không làm được cách nối này, tàu con sẽ cạn nhiên liệu và sẽ rớt. Ngược lại, nếu nó bay thẳng vào và nhập một với tàu mẹ, thì nó sẽ cháy.

Một vài hình ảnh trên nói lên được tầm quan trọng của cầu nguyện trong đời sống chúng ta. Không có cầu nguyện, mãi mãi chúng ta sẽ chỉ thấy mình giao động chập chờn giữa cạn kiệt sinh lực và quá nhiều cái tôi. Nếu không nối kết với sinh lực thiêng liêng, chúng ta sẽ như phi cơ cạn xăng. Nếu nối kết với sinh lực thiêng liêng theo kiểu đồng nhất vào đó, chúng ta sẽ huỷ hoại chính mình.

Cầu nguyện sâu đậm vừa thêm sinh lực, vừa làm trụ nâng đỡ chúng ta. Chúng ta có thể thấy điều này nơi mẹ Têrêxa, người thiết tha với sinh lực sáng tạo nhưng luôn luôn xác định rõ ràng, sinh lực này không xuất phát từ mình, mà chính từ Thiên Chúa, mẹ chỉ là tạo vật khiêm hèn mà thôi. Thiếu cầu nguyện sẽ tạo ra hai dạng tương phản với mẹ Têrêxa. Một mặt, nó làm cho những người đầy sinh lực sáng tạo trở nên cực kỳ tài năng và hăng hái, nhưng đồng thời cũng đầy cái tôi và tự đại; hay ngược lại, nó làm cho người ta cảm thấy trống rỗng và tẻ nhạt, không phát ra được sinh lực tích cực nào. Không có cầu nguyện, chúng ta sẽ luôn luôn chao qua chao về giữa hai trạng thái tự đại và nản lòng.

Vì thế, là người nhạy cảm, nếu trong đời sống, tôi không cầu nguyện một cách trung thực, tôi sẽ sống trong khủng hoảng thường xuyên, ngại rằng nếu tôi bám lấy và hành động trên sinh lực của mình sẽ làm cho người khác nghĩ rằng tôi chỉ biết nghĩ đến cái tôi của mình. Vì là người nhạy cảm, tôi không chấp nhận như thế, nên tôi chôn vùi các sinh lực tốt nhất của mình với lối suy nghĩ vô thức rằng nản lòng thì tốt hơn là bị cho là ích kỷ. Nhưng Chúa Giêsu, trong dụ ngôn kể về các tài năng, đã cảnh báo mạnh mẽ về cái giá phải trả khi chôn vùi tài năng của mình, cụ thể là, những gì chúng ta phải trả là sự trống rỗng, giận dữ, và thiếu vui tươi trong cuộc sống. Thường thường, khi chúng ta dò sâu xuống bên dưới các giận dữ, ghen tương, chúng ta sẽ thấy nơi đó có một tài năng bị chôn vùi đang cay đắng vì bị đè nén. Đức hạnh có được nhờ đè nén sinh lực sẽ dẫn đến nỗi chua cay mà thôi.

Ngược lại, nếu tôi không quan tâm đến việc người khác nghĩ tôi là người ích kỷ, cuộc sống tôi cũng chẳng biết cầu nguyện thực sự là gì, thì tôi sẽ để những dòng sinh lực thiêng liêng chảy tự do trong tôi, và tôi sẽ đồng nhất mình với chúng như thể chúng là của tôi, là tài năng của tôi và tặng vật của riêng tôi, kết cục tâm hồn tôi sẽ đầy cái tôi và tự đại, và rồi những người xung quanh sẽ mong tôi sớm gặp khủng hoảng!

Không có cầu nguyện, mãi mãi chúng ta sẽ hoặc cạn kiệt sinh lực hoặc mang trong mình quá nhiều cái tôi, chỉ vậy mà thôi.
Fr. Ron Rolheiser, OMI
Tuyên rao Đức Kitô chịu đau khổ
(Chúa Nhật 12 Thường Niên C)

Tín đồ tôn giáo nào cũng hãnh diện và tôn sùng các vị thần mình của tôn giáo mình cả. Đay là điều rất thường tình, đơn giản vì các vị thần mình ấy được tin nhận là có địa vị chí tôn, có uy quyền mạnh mẽ, có hào quang chói ngời...

Tuy nhiên, Đức Giêsu Kitô, Đấng sáng lập Kitô giáo thì đặc biệt hơn: Ngài cũng uy quyền, vinh quang và cao cả, nhưng Ngài còn mang vào mình thân phận yếu hèn của con người chúng ta; hơn nữa, Ngài còn chịu đau khổ với chúng ta và “vì chúng ta để cứu độ chúng ta”.

Do đó, một mặt, chúng ta được mời gọi tuyên xưng Đức Kitô là Đấng Thiên sai, Đấng Cứu Tinh vinh quang uy quyền. Mặt khác, chúng ta cũng được mời gọi tuyên rao Ngài là Tôi Tớ của Thiên Chúa Giavê, Vị Tôi Tớ đã phải kinh qua nhiều đau khổ và sự chết. Đau khổ vì bị người đời khinh khi, đau khổ vì bị chính những môn đệ thân tín phản bội và chối từ, đau khổ vì bị giới chức đạo đời Dothái loại trừ và cho đóng đinh vào thập tự giá.

Nếu ta chỉ tuyên xưng Đức Kitô là Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Thế của một Thiên Chúa vinh quang quyền uy, nhưng lại không xưng tụng Ngài là Tôi Tớ của Thiên Chúa Giavê, Đấng đã chết nhục nhã trên cậy thập giá, thì quả là một thiếu sót.

Tuyên xưng một Đức Kitô là Đấng Cứu Thế uy quyền và tuyên rao một Đức Kitô chịu đau khổ, chịu chết trên cây Thập giá, chúng ta cũng được mời gọi tuyên nhận những đau khổ, thử thách như là những thập giá của phận người: “Ai muốn theo ta hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo.” Đón nhận những đau khổ, những nghịch cảnh trong đời để được liên kết với mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô và được nên giống như Ngài.

Hôm qua, một người quen ở Sài Gòn gọi điện nói: “Cha ơi, xin cha cầu nguyện cho con và gia đình con với. Con và gia đình con đang gặp chuyện đau khổ quá”…

Cách đây một tháng, người em rể của chị đi làm bị mất xe, sau đó mấy ngày lại bị tai nạn. Nay thì chuyện liên quan đến hai đứa cháu gái ruột. Cô chị mới 17 tuổi, học sinh lớp 11, có thai mà cả gia đình không ai biết. Cho đến khi sinh rớt trong nhà vệ sinh và được đưa đi bệnh viện cấp cứu thì gia đình bố mẹ, cô dì mới tá hoả. Chưa hết, ngay sau khi cô chị sinh thì phát hiện thêm cô em mới 15 tuổi cũng đang có thai 2 tháng. Đúng là đại hoạ. Hoạ vô đơn chí!

Chị ta vừa nói chuyện điện thoại vừa khóc: “Cha ơi, sao Chúa thử thách con nhiều thế, sao Chúa gửi thánh giá đến cho con và gia đình con nhiều thế? Con và gia đình con đã làm gì nên tội.”

Được biết, chị là một người rất tốt lành, rất đạo đức, đã có thâm niên phục vụ nhà bếp cho một giáo xứ lớn.

Tôi an ủi chị rằng có khi Chúa thương ai thì Chúa gửi thánh giá, đau khổ tới. Cuộc đời của nhiều vị thánh minh chứng cho điều này. Hầu như không có vị thánh nào mà không phải trải qua nhiều đau khổ. Mà các thánh là những người được Chúa yêu thương nhiều. Chị được Chúa thương nhiều lắm đấy.

Chị bảo:

- Chúa thương gì kỳ quá vậy cha.

- Đúng là có khi Chúa thương theo kiểu hơi kỳ cục, cũng giống như cha mẹ thương con, có khi cho roi cho vọt. Có điều thường khi gởi đau khổ, gửi thánh giá tới, thì liền sau đó Chúa sẽ gửi những viên thuốc bổ tới. Chúa sẽ gửi đến những viên thuốc bổ cho chị để tăng thêm sức cho chị, hầu chị đủ sức vác lấy những thánh giá ấy. Chị hãy chờ xem và nhận ra những viên thuốc bổ ngọt ngào mà Chúa sẽ gửi đến.

Thập giá khổ đau luôn gắn liền với thân phận của con người. Chúa Giêsu dẫu là Thiên Chúa vinh quang, quy quyền, nhưng một khi chấp nhận làm người, Ngài cũng chấp nhận mang lấy những hệ luỵ của kiếp người, tức là đau khổ và sự chết. Có điều Ngài đã hoá giải đau khổ và thập giá bằng chính Mầu nhiệm Phục sinh của mình, mầu nhiệm đem lại ơn cứu độ trào tràn.

Những đau khổ, những thử thách trong đời có giá trị giúp thanh luyện chúng ta, giống như lửa thử vàng, gian nan thử đức vậy. Và trong ý nghĩa đó, thử thách đau khổ sẽ trở thành những hạt mầm chất chứa nguồn ơn cứu độ khi chúng ta biết liên kết với những đau khổ của Đức Kitô.

Xin cho mỗi người chúng ta một khi tuyên rao về Đức Kitô và Mầu nhiệm Thập Giá của Ngài, chúng cũng biết sẵn sàng đón nhận những nghịch cảnh, những đau thương trong đời, không phải với thái độ bi quan, chán chường, nhưng với thái độ hân hoan vì được nên giống Chúa Kitô hơn và được hiệp thông phần mình trong mầu nhiệm cứu độ của Ngài. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long