Tết Đoan Ngọ ý nghĩa và tập tục.

rong ngày Tết Đoan Ngọ, thuở xưa ở các làng xã có tế thần ở đình, đền, ở thôn, xóm thì cúng ở miếu. Tại gia đình thì sửa lễ cúng tổ tiên và cúng Thổ công. Lễ cúng là phẩm vật toàn trái cây. Riêng các gia đình thầy thuốc còn có thêm lễ cúng Thánh sư...
Tết Đoan Ngọ ý nghĩa và tập tục.
 
Hằng năm, nhiều địa phương trên khắp nước ta, cứ đến mồng 5 tháng 5 âm lịch lại tổ chức ăn Tết Đoan Ngọ. 
 
 
Vậy Tết Đoan Ngọ là Tết gì? Theo sách “Phong thổ kí” thì Tết Đoan Ngọ được gọi là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa). Còn Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Sở dĩ Tết này gọi là Tết Đoan Ngọ, chính vì tháng 5 là lúc bắt đầu trời nắng to, khí dương đang thịnh như mặt trời vào lúc giữa trưa. Theo quan niệm Đông phương thì phương Nam là chính ngọ, mà ngọ là ngôi dương cho nên Tết này gọi là Tết Đoan Dương. Ở Trung Quốc, họ gọi Tết Đoan Ngọ là Tết Trùng Ngũ vì là hai con số 5 gặp nhau, mồng 5 tháng 5.
Ngày xưa, lúc ban đầu, ngày Đoan Ngọ chỉ là ngày dân chúng cúng lễ để đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng, quang đãng. Hơn nữa, giữa tiết hạ vì oi bức thường có bệnh thời khí nên người ta hay cúng lễ để cầu an. Về sau này, để thêm ý nghĩa, người ta lấy ngày đó làm ngày kỉ niệm Khuất Nguyên và các thầy thuốc cũng nhân ngày đó để kỉ niệm hai chàng Nguyễn Triệu và Lưu Thần vào núi Thiên Thai hái thuốc.
Khuất Nguyên làm chức Tả Đồ nước Sở dưới triều vua Sở Hoài Vương bên Trung Quốc, có tài và liêm chính. Về sau ông bị nhà vua truất bỏ. Để tả nỗi oán than, ông có viết bài thơ Ly Tao nổi tiếng. Đến đời vua Tương Vương, ông còn bị đi đày vì nhà vua nghe theo lời bọn xu nịnh. Ông buồn nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn. Hôm đó là ngày mồng 5 tháng 5.
Được tin đó, nhà vua vô cùng hối hận và thương tiếc, người dân làm cỗ đem ra bờ sông ném xuống nước cho ông hưởng.
Còn Lưu Thần và Nguyễn Triệu là hai người đời nhà Hán, nhân ngày Tết Đoan Dương cùng rủ nhau vào núi hái thuốc, gặp hai tiên nữ kết duyên. Sau thời gian nửa năm sống nơi tiên cảnh với vợ tiên, hai người nhớ nhà đòi về. Giữ lại không được, hai tiên nữ đành đưa tiễn chồng về quê cũ. Vì thời gian ở tiên cảnh chỉ có nửa năm nhưng là mấy trăm năm ở cõi trần. Hai chàng thấy phong cảnh quê nhà đã khác xưa, người quen thì đã ra người thiên cổ, hai chàng bèn rủ nhau trở lại cõi tiên nhưng không được. Hai chàng ra đi mà không thấy trở về...
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, thuở xưa ở các làng xã có tế thần ở đình, đền, ở thôn, xóm thì cúng ở miếu. Tại gia đình thì sửa lễ cúng tổ tiên và cúng Thổ công. Lễ cúng là phẩm vật toàn trái cây. Riêng các gia đình thầy thuốc còn có thêm lễ cúng Thánh sư.
Sau lễ cúng Tết Đoan Ngọ là các tục lệ như tục giết sâu bọ, tục nhuộm móng chân, móng tay, tục tắm nước lá mùi, tục khảo cây lấy quả, tục hái thuốc vào giờ ngọ, tục treo ngải cứu để trừ tà... Phần lớn các tục lệ trên nay đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá mùi và tục đi hái lá thuốc. Nhiều địa phương ở ven sông, ven biển thay vì tắm nước lá mùi thì đúng giờ ngọ họ đi tắm sông, tắm biển gọi là tắm mồng 5.
Ở một số nơi còn giữ tục tết thầy học, tết thầy lang trong dịp này để trả ơn sự dạy dỗ của thầy giáo và đền ơn cứu bệnh của thầy lang.
Cũng như nhiều các lễ tiết khác, Tết Đoan Ngọ nguyên sơ từ Trung Quốc truyền sang Việt  Nam  nhưng đến nước ta được biến đổi mang một hình thức và ý nghĩa văn hoá khác. Những tập tục trong lễ tết được xây dựng trên căn bản nhân nghĩa và đạo đức truyền thống. Những tục lệ tết thầy giáo, thầy thuốc, biếu tặng những người đã tri ân cho mình đã chứng tỏ rằng, lễ giáo của ta rất được tôn trọng và những ân sâu nghĩa trọng không bao giờ quên.
Tết Đoan Ngọ ngày nay, qua mọi biến đổi của thời cuộc vẫn tồn tại trong nhân dân với ý nghĩa thiết thực và thiêng liêng của nó. Ăn Tết Đoan Ngọ, chúng ta cần tìm hiểu giá trị và tinh thần của ngày Tết này...
Ngày này mấy chú rễ mới cũng về Tết bên vợ,mang trà rượu,vịt ... về cúng gia tiên (lời: bảy Hiền)

__________________
.Món ăn không thể thiếu trong ngày tết Đoan Ngọ

Bánh ú nước tro
Bánh ú nước tro là món ăn truyền thống trong ngày tết Đoan Ngọ của người dân miền Nam. Chiếc bánh có hình chóp, to bằng nắm tay người lớn, bên ngoài gói lá. Bánh được bán nhiều trong các ngôi chợ vào những ngày này.
banh-u-nuoc-tro[1332088530].jpg
Bánh ú nước tro là món ăn không thể thiếu của người miền Nam trong ngày tết diệt sâu bọ. Ảnh: K.H.
Để làm bánh tro, đầu tiên lấy rơm nếp đốt lấy tro, hòa với nước cho tan và để lắng. Chắt lấy phần nước trong đem ngâm với gạo nếp. Không nên ngâm quá lâu để tránh mùi nồng của bánh, thường chỉ nên ngâm trong khoảng từ nửa ngày đến một ngày. Nếp ngâm xong, vớt ra xả lại bằng nước sạch, để ráo. Nhân bánh thường bằng đậu xanh hoặc không nhân. Đậu xanh ngâm qua đêm cho nở, nấu chín và tán nhuyễn với đường cát.
Lá để gói bánh trong truyền thống là lá tre, ngày nay, một số nơi người ta dùng lá chuối để thay cho lá tre. Cuốn một đầu lá thành hình chiếc phễu, cho vào một ít nếp, nhân, bên trên thêm một lớp nếp nữa và gói lại thành một hình tam giác cho thật kín, dùng dây chuối buộc chặt bên ngoài. Xếp bánh vào nồi và đem luộc, khi bánh chín, vớt ra ngâm vào nước lạnh cho bánh nguội, sau đó buộc bánh thành từng chùm vào trên lên sàn cho bánh nhanh khô lá. Bánh thường để cúng và làm quà cho người thân trong gia đình vào ngày tết Đoan Ngọ.
Cơm rượu
Giống như bánh ú nước tro, cơm rượu cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch. Theo quan niệm của dân gian, trong bụng chúng ta thường chứa rất nhiều các loại ký sinh gây hại, trong ngày tết Đoan Ngọ, các loại ký sinh thường ngoi lên nên chúng ta phải ăn thức ăn có vị chua vào để diệt chúng. Chính vì vậy nên dù có khác nhau về cách chế biến thì cơm rượu là món ăn phổ biến từ Nam ra Bắc trong ngày này. 
com-ruou-mien-Nam[1332088530].jpg
Cơm rượu miền Nam được vo thành những viên tròn, có nước và có vị ngọt. Ảnh: N.S.
Không như cơm rượu của miền Bắc thường rời, cơm rượu miền Trung ép thành từng khối thì cơm rượu miền Nam được vo thành viên tròn. Món ăn có nước tiết ra, pha thêm đường nên có vị ngọt đúng chất miền Nam. Cơm rượu được chế biến như nấu xôi. Gạo nếp sau khi chín, trải đều ra mâm hay khuôn và để hơi nguội, không được quá nóng men rượu sẽ bị chết không lên men. 
Dùng một cái đồ rây lỗ nhỏ, cho men rượu đã giã mịn vào và rây một lớp men lên bề mặt xôi. Tiếp tục lật ngược bề mặt xôi bên dưới, rây một lớp men mỏng. Sự kết hợp giữa xôi nếp và men trong quá trình ủ đã tạo ra hương vị thơm ngọt, chất đường tăng lên làm cho tính chất bổ dưỡng của món này cũng tăng lên. Cơm rượu có tác dụng rất tốt cho sức khỏe, làm ấm cơ thể, trừ đàm, thăng khí giúp tinh thần vui vẻ, phấn chấn.
Chè trôi nước
Ngoài bánh ú nước tro, cơm rượu thì chè trôi nước là món ăn không thể thiếu trong ngày này. Từng viên chè tròn làm bằng bột nếp trắng, bên trong có nhân đậu xanh, ăn cùng với nước cốt dừa có vị béo và rất nổi tiếng ở miền Nam, gần giống với bánh trôi của người miền Bắc.
che-troi-nuoc[1332088530].jpg
Chè trôi nước có vị ngọt, cay nồng của gừng cũng là món không thể thiếu trong ngày này. Ảnh: K.H.
Để nấu món chè trôi nước ngọt ngào, thoảng hương thơm ngan ngát của gừng già, béo ngậy của nước cốt dừa, không đòi hỏi nhiều công đoạn vất vả, nhọc nhằn, nhưng lại cần sự khéo léo và tinh tế của người làm bếp. Nguyên liệu chính là bột nếp và nhân đậu xanh. Bột được nhồi cho đến khi dẻo và mềm, khi nặn viên trôi nước, lấy một lượng nếp vừa đủ đặt trong lòng bàn tay rồi dàn mỏng ra, bỏ nhân đậu vào giữa, gói tròn lại và vo trong lòng bàn tay sao cho thật tròn trịa. 
Khi nấu chè, cho một ít gừng già giã nhỏ và ít muối cho món chè ngọt thanh, ngát hương thơm và ấm nóng. Vị béo và ngọt bùi hòa hợp với nhau cùng với vị cay ấm của gừng trong nước đường và vị thơm nồng của vừng phía trên. Cắn một miếng bột, sau vị dẻo thơm của nếp là vị bùi bùi của nhân đậu. Húp một muỗng nước để cảm nhận vị ngọt ngào của đường, ấm nóng của gừng, vị béo của nước cốt dừa và thơm lừng của những hạt vừng bé nhỏ lan trên đầu lưỡi.

(Sưu Tầm)