Robin Hood và Đức Giáo Hoàng Phanxicô có gì giống nhau?

Giáo Hội luôn đưa ra giáo huấn Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô như là một cách thế để đi đến tự do và giải phóng con người. Thần học Giải phóng nới rộng giáo huấn này bao gồm cả sự tự do thoát khỏi nô lệ chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa. Thần học Giải phóng rất khó xác định, nhập nhằng mối quan tâm dành cho người nghèo với giáo huấn của Giáo Hội, đôi khi trở nên quá trần thế và ít có tính thiêng liêng, nhắm đến chủ nghĩa duy vật hơn là sự thắng vượt tội lỗi...

Robin Hood và Đức Giáo Hoàng Phanxicô có gì giống nhau?

Theo truyền thuyết, Robin Hood là vị anh hùng dân gian cướp của người giàu đem phân phát cho người nghèo. Ông nổi dậy dưới thời cai trị của một ông vua thối nát (các học giả không thống nhất được là vua nào) và là biểu tượng cho nạn nhân của bất công chống lại sự thối nát.

Đó chẳng phải là đường lối của Công giáo sao? Câu trả lời là có và không. Giáo hội Công giáo luôn ước mong sự công bình về kinh tế và xã hội, nhưng cứ cho rằng sự bất công là do kinh tế chứ không phải bắt nguồn từ tội lỗi thì đó là tấn công vấn đề từ góc nhìn sai lầm.

Và đây là nhận thức sai của Thần học Giải phóng, một phong trào xã hội phát xuất từ Châu Mỹ Latinh, quê hương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trong phong trào này, có những chiếc bẫy đưa người ta đi đến chỗ lạc xa với giáo huấn Giáo Hội. Đây là chiếc bẫy mà Robin Hood mắc phải: dùng sức mạnh để san bằng tỷ số.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Thần học Giải phóng

Thần học Giải phóng là thách đố đầu tiên mà cha Jorge Mario Bergoglio gặp phải, theo như Tiến sĩ Matthew Bunson, tác giả cuốn sách “Đức Giáo Hoàng Phanxicô” vừa mới phát hành. Bunson là tác giả của ba mươi đầu sách và là tác giả hàng đầu của Châu Mỹ về giáo hoàng và giáo hội. Bunson bắt đầu cuốn sách với sự từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI để băng qua nửa vòng thế giới đến với Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, Tổng Giám Mục Buenos Aires, Argentina.

Bunson viết: “Ngài đã mua vé khứ hồi, bạn bè ái ngại khi nhìn thấy đôi giày cũ nát nên nài nỉ xin ngài nhận chút quà tặng là đôi giày mới. Với đôi giày mới, ngài lên đường đi 
Vatican”. Thế rồi vào ngày 13 tháng Ba, Hồng Y Jorge Mario Bergoglio bất ngờ trở thành người kế vị thứ 265 của Thánh Phêrô. Cả thế giới đều tự hỏi: con người này là ai?

Sau công bố đắc cử, giới truyền thông thế tục đã cáo buộc Đức Giáo Hoàng Phanxicô tham gia bắt cóc và gia nhập các đoàn thể có liên quan đến Thần học Giải phóng, một phản ứng chống lại sự nghèo khổ do bất công xã hội gây ra, xuất phát từ Mỹ Châu Latinh vào những thập niên 1950-1960. Giáo Hội luôn đưa ra giáo huấn Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô như là một cách thế để đi đến tự do và giải phóng con người. Thần học Giải phóng nới rộng giáo huấn này bao gồm cả sự tự do thoát khỏi nô lệ chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa. Thần học Giải phóng rất khó xác định, nhập nhằng mối quan tâm dành cho người nghèo với giáo huấn của Giáo Hội, đôi khi trở nên quá trần thế và ít có tính thiêng liêng, nhắm đến chủ nghĩa duy vật hơn là sự thắng vượt tội lỗi.

Khi còn là Bộ trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Hồng y Joseph Ratzinger đã ban hành hai tài liệu nhìn nhận các giá trị của thần học giải phóng nhưng cũng lưu ý rằng nó cần được hướng dẫn để khỏi biến thành một lối rao giảng Tin Mừng thế tục.

Đức Phanxicô không bao giờ đi lạc khỏi giáo huấn Công giáo. “Ngay từ rất sớm, Cha Bergoglio giữ khoảng cách với những gì ngài cho là sai lệch với sự quan tâm chính thức của Giáo Hội đối với người nghèo cũng như lời mời gọi đi đến sự công bình đích thực có nguồn gốc trong Tin Mừng và vun vén sự gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô”.

Trong cuốn “Đức Giáo Hoàng Phanxicô”, Bunson trích dẫn lời cha Federico Lombardi: “Đối với “Thần học Giải phóng”, Bergoglio luôn tham chiếu hướng dẫn của Thánh bộ Giáo lý Đức tin. Ngài luôn phản đối bạo lực vì cho rằng chính những người yếu nhất là những người phải trả giá cho bạo lực”.

Khuynh hướng của Thần học Giải phóng là đặt mục tiêu kinh tế lên trên yếu tố thiêng liêng là vượt thắng sự nô lệ tội lỗi: đó chính là sự khác biệt giữa Robin Hood và Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Cả hai đều bắt đầu với cùng một giá trị Kitô giáo là yêu thương người nghèo và đem lại phẩm giá cho mọi người, nhưng kết cục đường đi lại khác biệt.

Bunson nói: “Ngài [Đức Phanxicô] e ngại rằng Thần học Giải phóng sẽ chính trị hóa Giáo Hội, biến Đức Kitô thành một nhà giải phóng khỏi những bất bình đẳng về chính trị hay xã hội thay vì là Con Thiên Chúa mang lại ơn cứu rỗi và niềm hy vọng sự sống đời đời”

Đức Phanxicô không chấp nhận bất công, nhưng giống như vị thánh mà ngài đã chọn làm danh hiệu, ngài không dấn thân cải cách bằng cuộc nổi dậy theo cánh tả. “Ngài chọn Thánh Phanxicô Assisi làm danh hiệu vì hiểu rõ hai di sản trường tồn của “il Poverello” (người nghèo khó – cách gọi Thánh Phanxicô Assisi) – là tình yêu người nghèo và sự dấn thân cải cách”. Giống như Thánh Phanxicô Assisi, Đức Phanxicô muốn Giáo Hội nghèo khó trong tinh thần, khiêm tốn và giống với Đức Kitô khi cải tổ để phục vụ người nghèo và người cô thế.

Một lần nữa, không giống như Robin Hood, vị anh hùng bênh vực người nghèo chống lại người giàu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không chống lại ai cả mà thực sự là người xây chiếc cầu nối. Nguồn gốc, học thức và những năm phục vụ với tư cách chủ chăn của một thành phố mà cư dân gồm những người giàu nhất Nam Mỹ và cả những người nghèo khổ nhất đã chuẩn bị cho ngài đóng vai trò này. Ngài là mục tử của mọi người, làm việc để chăm sóc những ai được trao phó cho mình, giúp họ gặp gỡ Đức Kitô. Bây giờ ngài cũng sẽ làm như thế cho toàn thế giới”.

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính 

lược dịch từ catholiclane.com