Các lệch lạc của chủ thuyết nhân bản hiện đại

Vào cuối công trình tạo dựng Thiên Chúa tuyên bố rằng tất cả những gì Người đã làm ”đều là điều rất tốt lành”. Người ta có thể nhắc tới thuyết của Platon về ”Tư tưởng của sự Thiện”. Nhưng cần phải suy tư trở lại tất cả những điều đó trong chiều sâu, để có thể tái đề nghị nó với vài hy vọng thuyết phục.

Các lệch lạc của chủ thuyết nhân bản hiện đại
Linh Tiến Khải

Phỏng vấn triết gia Rémi Brague

Trong các ngày cuối tháng 4 năm 2013 triết gia Rémi Brague, người Pháp, giáo sư dậy triết tại các đại học Paris và Muenchen bên Đức, đã cho phát hành cuốn sách tựa đề ”Điều thuộc về riêng con người. Về một tính cách hợp pháp bị đe dọa”.

Cuốn sách mạnh mẽ phê bình các lệch lạc của chủ thuyết nhân bản ngày nay. Chúng có tính cách ”chống nhân bản”, chủ trương hư vô, và triệt để tương đối hóa mọi sự. Cuốn sách xuất hiện trong thời điểm nóng bỏng của các cuộc xuống đường biểu tình rầm rộ chống lại luật hôn nhân đồng phái được quốc hội Pháp vội vã thông qua chiều ngày 23-4-2013. Các phê bình của triết gia Brague nhắm vào bối cảnh suy đồi luân lý đạo đức và tụt dốc tôn giáo chung của toàn đại lục Âu châu. Nó đang có khuynh hướng khinh thường và tiêu diệt tính chất nhân bản hợp lệ và dẫn đưa tới các quan niệm lệch lạc tháo thứ, trong đó có hôn nhân đồng phái đang được nhiều chính quyền sử dụng như chiêu bài mỵ dân để kiếm phiếu trong các cuộc bầu cử, điển hình là trường hợp của tổng thống Hollande của Pháp.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn triết gia về các lệch lạc của chủ thuyết nhân bản hiện đại. Triết gia Rémi Brage sinh năm 1947, nguyên là giáo sư Triết lý thời trung cổ và triết lý A rập tại Đại học Paris 1 Pantheon Sorbonne. Giáo sư cũng là giảng viên tại saị học Ludwig Maximilian Muenchen bên Đức, và nhiều đại học khác, trong đó có dại học quốc gia Pensylvania và đại học Boston bên Hoa Ký, đại học Navarra Pamplona bên Tây Ban Nha, và đại học Vita-Salute San Raffaele Milano Italia.

Giáo sư là tác giả và dịch giả của hàng chục cuốn sách. Trong số các sách được phát hành bằng tiếng Ý có các cuốn như: ”Tương lai của Tây Phương. Sự cứu thoát của Âu châu là trong mô thức Roma” (2005); ”Sự khôn ngoan của thế giới. Lịch sử kinh nghiệm nhân bản của vũ trụ” (2005); ”Thiên Chúa của các kitô hữu” (2009); ”Còn ở trên trời. Hạ tầng cơ sở siêu hình” (2012).

Hỏi: Thưa giáo sư Rémi, trong khảo luận mới xuất bản hồi tháng 4 vừa qua giáo sư truy tầm lịch sử của một sự đe dọa dài chống lại quan niệm truyền thống của chúng ta liên quan tới điều được coi là ”nhân bản”. Thế thì đe dọa này đến từ đâu thưa giáo sư?
Đáp: Suy ra cho cùng, một cách mâu thuẫn, nó lại đến từ chính sự thành công của dự án nhân bản, trong chặng cuối cùng của nó. Không còn phải là giai đoạn nhấn mạnh trên phẩm giá con người, trong Thánh Kinh, trong giáo huấn của các Giáo Phụ và nơi các nhà tư tưởng thời Trung Cổ, rồi vào thế kỷ XV nữa. Nhưng một ít nó đã ở trong giai đoạn thúc đẩy nó đi tìm khám phá ra thiên nhiên, với Francis Bacon. Thế rồi một cách chắc chắn, trong giai đoạn không khoan nhượng đối với tất cả những gì cao vượt hơn con người: nó cho rằng không có thiên nhiên, không có các thiên thần, không có Thiên Chúa. Nhưng khi làm như thế là con người đánh mất đi mọi điểm tham chiếu. Con người không còn có thể biết xem có phải là một sự thiện tiếp tục hiện hữu nữa hay không, và như thế nó cũng không còn biết có nên tiếp tục cuộc mạo hiểm làm người, bằng cách bảo đảm cho việc truyền sinh giống người hay không.

Hỏi: Sự đe dọa này thổi trên sự hiểu biết của chúng ta cả trong ngàn năm mới này nữa hay sao thưa giáo sư?
Đáp: Vâng, và nó hiện diện hơn bao giờ hết. Trước hết có sự hiện diện của các phương tiện rất là cụ thể nhằm chấm dứt nhân loại: đó là các vũ khí nguyên tử và các vũ khí sinh học, sự ô nhiễm đất đai và sau cùng một cách kín đáo hơn là mùa đông dân số. Nạn mùa đông dân số liên quan tới các vùng đất tiến bộ mở mang, có học thức và có các cơ cấu xã hội dân chủ hơn các miền khác. Trường hợp tệ hại nhất trong các trường hợp có thể xảy ra đó là cảnh tuyệt chủng đơn thuần, hay ít nhất là một loại tuyển chọn giữa các tuyển chọn kinh ngạc nhất. Thế rồi còn có giấc mơ vượt qúa cái nhân bản nữa. Đây là giấc mơ cũ ít nhất là từ thời triết gia Nietzsche. Ngày nay giấc mơ về ”siêu con người” này được củng cố bởi các tiến bộ của ngành sinh học. Sau cùng còn có sự nghi ngờ của con người đối với chính mình. Con người không còn biết mình có khác con vật hay không. Và con người lại còn nghi ngờ mình thực sự giá trị hơn thú vật. Có một loại ”môi sinh sâu xa” còn mơ tưởng sát tế con người cho Trái Đất, được tôn thờ như một loại thần linh.

Hỏi: Thưa giáo sư Rémi, ai là các tác nhân, hay có các yếu tố nào hoạt động để xóa bỏ sự khác biệt giữa những gì là nhân bản với cái không phải là nhân bản hay không?
Đáp: Thế giới khoa học hoàn toàn có lý, khi tìm kiếm các dấu vết của thời tiền nhân bản của con người, hay trái lại, các diễn tả trước các cung cách hành xử của con người, thí dụ như nơi vài sinh vật lớn đầu tiên nào đó. Nhưng trái lại, tôi sẽ khắt khe hơn với những người phổ biến rộng rãi các khám phá này, cười gằn với sự vui thích xấu bụng và nói: ”Qúy vị thấy chưa, qúy vị chỉ là những kẻ tìm cách ngoi lên, từ các lũ khỉ đã gặp may mắn thôi!”

Ngay từ thời Đệ nhất thế chiến, các tác giả có ảnh hưởng đã tấn công tư tưởng về ”thuyết nhân bản”. Chẳng hạn tôi nghĩ tới thi sĩ người Nga Alexander Blok, là người đã chế ra từ ”thuyết nhân bản”. Trong các thập niên 1960, trong một bầu khí trí thức đã được triết gia Heidegger chuẩn bị từ tác phẩm ”Bức thư về thuyết nhân bản”, hai triết gia Luis Althusser và Michel Foucault, trong một bình diện sâu xa rất khác biệt đã tấn công, với các lý lẽ khác nhau, điều mà hai ông gọi là ”chủ thuyết nhân bản”, mà không định nghĩa nó là gì.

Hỏi: Vậy chúng ta có các lính canh đứng trước cuộc tấn công chống lại chủ thuyết nhân bản này hay không thưa giáo sư?
Đáp: Trong địa vị khiêm tốn của tôi, tôi hy vọng mình là một trong những người đó. Nhưng tôi cũng đề phòng đối với các bạn bè của tôi, đối với các “đồng minh khách quan” của tôi. Lý do là vì trong số họ cũng có những gương mặt vụng về chống lai thyyết nhân bản, mà không nói lên một cách chính xác tại sao phải bênh vực sự nhân bản. Có những người tranh đấu cho các quyền con người, và đó là điều tguyệt hảo, nhưng họ lại không có khả năng giải thích tại sao con người có các quyền cần phải được tôn trọng. Thế rồi còn có những người không thực sự chú ý tới điều đích thật trong hoạt động phản đối môi sinh và việc lo lắng tôn trọng các thụ tạo khác. Họ hô hào bảo vệ môi sinh và cứu sống các loại súc vật, nhưng lại hoàn toàn im lặng trước tệ nạn phá thai và cảnh tàn sát người vô tội.

Hỏi: Cuộc tranh luận đang xảy ra tại Pháp về luật đo dân biểu Taubira đề xướng liên quan tới hôn nhân đồng phái và quyền của họ được nhân nuôi con, thế thì nó âm hưởng cho tới mức độ nào đối với thách đố nền tảng mà giáo sư phân tích?
Đáp: Cho tới một điểm nào đó. Đa số những người bênh vực luật này được linh hoạt bởi các tâm tình tốt, như ước muốn bình đẳng hay sự thương hại đối với những người cho tới nay vẫn bị khinh miệt. Nhưng luật này có cái luận lý nội tại của nó. Cho phép các cặp đồng phái được nhận nuôi con, nghĩa là không sinh con một cách cần thiết, thì một cách không thể tránh né được nó dẫn đưa tới chỗ truyền sinh nhân tạo, gọi là ”được y khoa trợ giúp”, và việc cho mướn tử cung, gọi là ”mang thai thay thế”. Và trong cách này thì đứa trẻ trở thành một đồ vật, mà người ta chế tạo và mua bán, một đồ vật tiện lợi, mà người ta “có quyền có”. Điều này dẫn đưa tới chỗ xóa bỏ sự khác biệt, không phải giữa con người và con vật, nhưng giữa các bản vị con người và các đồ vật. Các nhà xã hội học của chúng ta - mà trên thực tế phải gọi là các chuyên viên xã hội như người ta gọi tại Pháp hiện nay - được phân biệt tại đây giữa người cầu mong có các cải tổ xã hội, cho xã hội, và người thăng tiến các cuộc cải cách của xã hội, và như thế họ tiến tới sự chiến thắng tột đỉnh của chủ nghĩa tư bản: đó là biến con người trở thành hàng hóa có thể mua bán đổi chác.

Hỏi: Đối với giáo sư, các chắp nối, một đàng là giữa lý trí, đàng khác là một tâm tình đồng thời duy nhân bản và tôn giáo, có là điều có thể làm được hay không?
Đáp: Hơn là có thể, chúng cần thiết, nếu nhân loại muốn trước hết là nhân bản thực sự, nghĩa là nếu muốn sống còn. Thế rồi, nếu nó muốn thực sự là người, có nghĩa là có lý trí. Chứ còn đưa ra các lời kêu gọi đối với thiên nhiên hay đối với bản năng để bảo đảm tương lai của nhân loại, tín thác cho cái vô lý vận mệnh của cái gọi là ”con vật có lý trí”, là một từ nhiệm của lý trí, một sự phản bội đích thực của triết lý.

Hỏi: Thưa giáo sư, chúng ta có được trang bị đầy đủ để soạn thảo một ”tư tưởng của sự Thiện” hay không?

Đáp: Chúng ta có thể bắt đầu kín múc từ các suối nguồn nền văn hóa của chúng ta. Tôi đã kết thúc cuốn sách của tôi với một suy niệm lấy từ trình thuật đều tiên về sự sáng tạo trong sách Sáng Thế. Vào cuối công trình tạo dựng Thiên Chúa tuyên bố rằng tất cả những gì Người đã làm ”đều là điều rất tốt lành”. Người ta có thể nhắc tới thuyết của Platon về ”Tư tưởng của sự Thiện”. Nhưng cần phải suy tư trở lại tất cả những điều đó trong chiều sâu, để có thể tái đề nghị nó với vài hy vọng thuyết phục. 

(Avvenire 30-4-2013)