Thôi miên không phải là cách biến người khác thành con rối của mình và khi thôi miên, ý thức của người thôi miên và người bị thôi miên hoàn toàn độc lập. Nó thực chất chính là sự tập trung cao độ, kết hợp với thả lỏng và thư giãn cơ thể hết mức. Khi đó, ý thức con người nhường chỗ cho tiềm thức, từ đó ta biết được nhiều thông tin hơn...
4 phương thức thôi miên kinh điển
Khi nhắc đến thôi miên, hẳn điều đầu tiên bạn nghĩ là hình ảnh những con người bí ẩn trong bộ áo khoác màu đen, đang sử dụng con lắc để biến một ai đó trở thành một con rối, buộc họ phải tuân theo mệnh lệnh của mình một cách vô điều kiện. Tuy nhiên, đó chỉ là những điều mà bạn hay bắt gặp trong phim ảnh chứ trong thực tế, thôi miên khác xa nhiều so với tưởng tượng.
Thôi miên là một môn khoa học “nghệ thuật” đàng hoàng, chứa đựng cả lợi và hại. Để có thể thôi miên được không phải là chuyện đơn giản và cũng có vô số cách khác nhau để đi đến thành công, tùy theo mỗi người.
Ai cũng có thể thôi miên, đó là một điều chắc chắn. Nói như nhà thôi miên vĩ đại thế kỉ 20 - Wolf Messing, khả năng này tiềm ẩn ở tất cả chúng ta, chỉ khác ở chỗ, bạn có đủ sức kiểm soát và điều hành sức mạnh ấy của mình hay không mà thôi. Thôi miên không phải là cách biến người khác thành con rối của mình và khi thôi miên, ý thức của người thôi miên và người bị thôi miên hoàn toàn độc lập. Nó thực chất chính là sự tập trung cao độ, kết hợp với thả lỏng và thư giãn cơ thể hết mức. Khi đó, ý thức con người nhường chỗ cho tiềm thức, từ đó ta biết được nhiều thông tin hơn.
Như vậy, để đạt được tới trạng thái thôi miên, một số điều kiện tiên quyết cần có là bạn muốn, sẵn sàng và có niềm tin rằng, mình sẽ bị thôi miên. Cùng với đó là sự vận dụng phương pháp phù hợp đối với từng cá nhân cụ thể. Xét theo đó, có thể chia thôi miên theo một số phương thức sau:
1. Phương thức cổ xưa nhất của thôi miên, xuất hiện nhiều nhất trên điện ảnh khiến nhiều người lầm tưởng nhất đó là “Cái nhìn cố định”. Hiểu nó rất đơn giản, nhà thôi miên sẽ sử dụng quả lắc hoặc một chiếc đồng hồ, đưa qua đưa lại trước mắt người tham gia, yêu cầu họ luôn nhìn vào đó.
Phương pháp "Cái nhìn cố định".
Nguyên lý cơ bản của phương pháp này là giúp người tham gia “miễn nhiễm” với môi trường xung quanh hay các tác động bên ngoài trong khi tiến hành. Sự thay đổi vị trí liên tục của con lắc khiến bạn phải tập trung cao độ và luôn dõi theo từng chuyển động của nó. Khi đã tập trung cao độ, người ta hoàn toàn không bị phân tâm bởi các yếu tố bên ngoài, nhà thôi miên sẽ tiến tới một bước nữa bằng cách sử dụng lời nói nhẹ nhàng, êm dịu, đưa cơ thể người đối diện vào trạng thái thả lỏng, thư giãn và dần dà, ý thức sẽ bị che lấp bởi tiềm thức. Công cuộc thôi miên đến đây là hoàn thành. Phương pháp này được ưa chuộng trong giai đoạn đầu tiên phát triển của lịch sử thôi miên. Tuy nhiên, cho tới hiện nay, nó ít khi được vận dụng do không còn mang lại hiệu quả cao như trước.
2. Một phương pháp khác không thể không nhắc tới đó là “Mệnh lệnh dồn dập”. Về phương pháp này, cơ bản nó có chung mục tiêu với cách đầu tiên: buộc ý thức phải nhường chỗ cho tiềm thức con người.
Phương pháp "Mệnh lệnh dồn dập".
Một trong những đặc điểm của nó là có thể tiến hành ở chỗ rất đông người do không phụ thuộc vào môi trường mà mấu chốt nằm ở cách tiếp cận. Thậm chí môi trường đông người còn là điểm mạnh khiến ý thức con người tác động dễ hơn cả. Nhà thôi miên sẽ liên tiếp đưa ra những mệnh lệnh ngắn đơn giản và nhanh, yêu cầu đối tượng làm theo như: “Nghe này!”, “Nói đi!”… Do tốc độ phản ứng với kích thích của ý thức không nhanh bằng tốc độ ra mệnh lệnh nên dĩ nhiên, sau một lúc, ý thức sẽ “không kịp trở tay”, tê liệt và để tiềm thức xâm lấn. Đến đây thì đối tượng sẽ hoàn toàn ngoan ngoãn nghe lệnh của chủ nhân.
3. Tiếp theo, đó là “thư giãn” - phương pháp tiến bộ nhất được các nhà tâm thần học vận dụng rất nhiều trong y học hiện nay.
Phương pháp "thư giãn".
Bằng cách nói chuyện với đối tượng trong một giọng nói nhẹ nhàng, êm dịu, cùng một nhịp điệu chậm rãi, họ dần dần mang đến cho bạn sự thư giãn và thoải mái. Cùng với đó là sự tập trung dần được đẩy lên cao độ. Dựa trên nguyên lý này, bạn hoàn toàn có thể tự thôi miên mình, thông qua những bản nhạc, hay những câu truyện nhẹ nhàng và chậm rãi. Thiền - xét trên một khía cạnh nào đó, cũng có thể coi như một hình thức tự thôi miên và thuộc phương pháp "thư giãn" này..
4. Thủ thuật thôi miên cuối cùng sẽ khiến nhiều bạn vô cùng ngạc nhiên: “mất thăng bằng”. Theo định nghĩa về phương thức này, chắc chắn 100% các bạn đều bị mẹ mình thôi miên từ khi còn bé xíu. Nhà thôi miên sẽ phối kết hợp xen kẽ những nhịp điệu mang tính chất nhẹ nhàng và bùng nổ, từ đó gây ra sự mất cân bằng trong tâm trí bạn.
Thủ thuật "mất thăng bằng".
Lấy ví dụ đơn giản: khi đang nghe du dương một bản nhạc sâu lắng dịu dàng của Mozart, bạn tình cờ nghe được những âm điệu dồn dập của Rhapsody, hẳn bạn sẽ khó mà tự kiểm soát được bản thân. Một trường hợp khác, ru con ngủ là biểu hiện rõ nhất của phương thức này. Bộ não của những đứa trẻ khi còn nhỏ chưa phát triển một cách hoàn thiện, vì vậy khả năng giữ thăng bằng của nó còn yếu. Việc bà mẹ ru con trong lời hát nhẹ nhàng êm ái, hoặc đưa con qua lại trên võng sẽ khiến đứa trẻ bị “thôi miên”. Tất nhiên tình huống này sẽ không có hại gì bởi lời ru nhẹ nhàng sẽ đưa em bé đang quấy khóc đi vào một giấc ngủ sâu mà thôi.
Sưu tầm