Phương Tây đã trở thành một thứ phản văn hóa

Ngày nay, nhiều người coi nền văn hóa Phương Tây như một thứ phản văn hóa, vì đã phạm thánh loại bỏ phần lớn những gì trước đây được coi là thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Hầu như không còn điều gì trong “nền văn hóa” Phương Tây chịu cưỡng lại các cố gắng của những kẻ khinh suất muốn xé bỏ và hân hoan tiêu diệt bất cứ vết tích nào bị họ coi là kìm hãm tự do của họ hay dám nghi vấn tác phong của họ. Theo một nghĩa nào đó, đối với những kẻ đập phá thánh thiêng trong văn hóa, mọi sự phải biến đi. Và dù các cá nhân ít nhiều có cái chủ trương đập phá thánh thiêng này, nhưng xét về mặt cộng thể, sự đập phá quả là to tát và không cho thấy dấu hiệu nào ngưng lại cả...

Phương Tây đã trở thành một thứ phản văn hóa
Vũ Văn An

Hình như Phương Tây đã dấn thân vào một cuộc thử nghiệm, nhưng đã thất bại, để tìm hiểu xem liệu một nền văn hóa có thể hiện hữu được chăng mà không cần tới một “cultus” (thờ phượng) chung. Nghĩa là liệu một viễn kiến chân thực và có tính hợp nhất mà ta vốn gọi là văn hóa có thể hiện hữu thực sự được chăng mà không cần đến bất cứ điều gì ở trên nó và ở ngoài nó, một điều vốn hợp nhất nó và bắt nó phải trả lẽ. 

Chẳng may, hạn từ “cultus” vốn có một âm hưởng khá tiêu cực trong Anh Ngữ, có ý chỉ các hình thức cực đoan của việc tụ tập tôn giáo. Nhưng thực ra, nguyên tự La Tinh của "cultus" chỉ có nghĩa sự tôn sùng hay tôn thờ có tính tôn giáo dành cho Thiên Chúa hay toàn bộ các tín điều và viễn kiến tôn giáo mà thôi. Với nghĩa này, nó vốn được dùng làm nền tảng cho văn hóa và tạo nên chính trái tim của nó. 

Tại Hoa Kỳ và một phần Âu Châu, hạn từ "cultus" không nhất thiết chỉ có âm hưởng bè phái. Bởi ở đấy, nói chung, vốn có một thỏa thuận căn bản đối với cái nhìn của Thánh Kinh về Thiên Chúa và đối với điều ta gọi là viễn kiến Do Thái – Kitô Giáo. 

Nhưng một khi đã phần lớn bác bỏ tiền đề trên, nền văn hóa Phương Tây mau chóng chia thành nhiều phe phái càng ngày càng tự cô lập nhau và chống đối nhau, những phe phái không còn một căn bản chân thực nào để thảo luận, chứ đừng nói tới thỏa thuận một cách có ý nghĩa. 

Thực vậy, ngày nay, nhiều người coi nền văn hóa Phương Tây như một thứ phản văn hóa, vì đã phạm thánh loại bỏ phần lớn những gì trước đây được coi là thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Hầu như không còn điều gì trong “nền văn hóa” Phương Tây chịu cưỡng lại các cố gắng của những kẻ khinh suất muốn xé bỏ và hân hoan tiêu diệt bất cứ vết tích nào bị họ coi là kìm hãm tự do của họ hay dám nghi vấn tác phong của họ. Theo một nghĩa nào đó, đối với những kẻ đập phá thánh thiêng trong văn hóa, mọi sự phải biến đi. Và dù các cá nhân ít nhiều có cái chủ trương đập phá thánh thiêng này, nhưng xét về mặt cộng thể, sự đập phá quả là to tát và không cho thấy dấu hiệu nào ngưng lại cả. 

Gần đây, trên trang mạng của Hội Bảo Thủ Mỹ, www.theamericanconservative.com, Rod Dreher có viết một bài tựa là Sex After Christianity. Trong bài này, ông trình bày chi tiết một số hành động triệt hạ văn hóa mà ta vừa kể trên đây. Đặc biệt, ông tập chú vào vấn đề làm thế nào và tại sao việc tái lên khuôn tính dục, nhất là vấn đề kết hợp đồng tính, đã trở thành đinh chốt chính của trục xe văn hóa. 

Đức Ông Charles Pope, trên trang mạng của Tổng Giáo Phận Washington, http://blog.adw.org, đã nhân cơ hội này, có một số nhận định như sau. 

Tầm quan trọng của tính dục
Ngài đặt câu hỏi: phải chăng tính dục được coi như đinh chốt trục xe (linchpin) chính trong trật tự văn hóa Kitô giáo? Có thực sự đúng khi loại bỏ giáo huấn Kitô Giáo về việc làm tình và về tính dục nói chung sẽ loại bỏ được nhân tố từng tạo nên và còn đang tạo nên sức mạnh xã hội của Kitô Giáo hay không?

Đức ông cho rằng hạn từ đinh chốt trục xe vốn dùng để chỉ cái đinh chốt gắn xuyên qua chiếc trục để giữ vững bánh xe. Từ đó, nó dùng để chỉ bất cứ điều gì có tác dụng duy trì các yếu tố khác nhau của một cơ cấu phức tạp để chúng được kết hợp với nhau. Dĩ nhiên, việc làm tình không phải là yếu tố duy nhất trong một nền văn hóa, nhưng nó quả là cốt yếu vì không những nó phục vụ tương lai của bất cứ cộng đồng hay quốc gia nào, mà nó còn nằm ở chính trung tâm của trật tự xã hội và việc nuôi dưỡng và dạy dỗ thế hệ kế tiếp nữa. 

Những người cho rằng “việc làm tình chẳng quan trọng gì” chỉ là những người sống trong thế giới mộng mơ. Dĩ nhiên, làm tình là điều quan trọng, và làm cho đúng việc này là điều chủ yếu đối với việc thành công của bất cứ nền văn hóa nào… Vì hiểu cho đúng và thực hành một cách có định hướng, việc làm tình chính là chất keo đính kết sự vật với nhau, nghĩa là nếu chịu đồng hành nhịp nhàng với tình yêu, với lòng trung thành, với các dây liên kết gia đình, và với việc sinh sản hướng tới tương lai. Rút cái chốt ấy ra là toàn bộ bánh xe sẽ tan vỡ mau chóng. 

Nhận diện nền văn hóa qua các ngăn cấm
Dreher trích dẫn tác giả Philip Rieff và cuốn sách nổi tiếng của ông này, xuất bản năm 1966, tựa là "The Triumph of the Therapeutic". Rieff là một người vô tín ngưỡng nhưng hiểu rằng tôn giáo là chìa khóa để hiểu bất cứ nền văn hóa nào. Đối với Rieff, yếu tính của mỗi một và mọi nền văn hóa được nhận diện bằng những gì nó ngăn cấm. Mỗi tôn giáo đều áp đặt một số đòi hỏi luân lý lên các tín hữu của mình, để phục vụ các mục tiêu cộng đoàn, và đều giúp họ đương đầu với các đòi hỏi ấy. Nền văn hóa nào cũng đòi phải có một thứ thờ phượng (cultus), tức ý thức về một trật tự thánh thiêng, một vũ trụ luận khơi nguồn cho các đòi hỏi kia bên trong cái khung siêu hình… 

Đức ông Pope cho rằng điều ấy đúng. Và ta nên để ý xem những đòi hỏi luân lý cũng như các ngăn cấm kia phục vụ các mục tiêu của cộng đoàn ra sao. Việc bác bỏ các giới hạn một cách ấu trĩ và trâng tráo cũng như não trạng “không ai được bảo tôi phải làm gì hay phán đoán tôi” không hề ngừng lại để thấy rằng giới hạn là điều cần đối với bất cứ thực hành tự do nào. Tuyệt đối tự do là bất trị và hỗn loạn. Trong khi tự do xây dựng chỉ hiện hữu trong một phạm vi nào đó và với một số giới hạn nào đó. Tôi chỉ được tự do để truyền đạt nếu biết tuân thủ các giới hạn của văn phạm. Tôi chỉ được tự do lái xe nếu chịu tuân theo các luật đi đường. 

Bởi thế, “ngăn cấm” hay nói tới các giới hạn hay đòi hỏi luân lý, một điều ngày nay bị coi là không đúng về chính trị, là điều cần thiết nếu muốn có văn hóa. Và nếu nhận rằng nền văn hóa nào cũng cần một thờ phượng, thì hẳn nhiên Kitô Giáo có vai trò đó trong nền văn hóa của chúng ta. Bây giờ, nếu đẩy viễn kiến Kitô Giáo ra bên lề, ta sẽ chẳng còn gì để trám vào chỗ trống cả. Mọi sự đều tan vỡ, chỉ còn lại đấu tranh quyền lực, tranh chấp nhau ở tòa án trở thành cơm bữa. 

Chủ nghĩa cá nhân triệt để của Phương Tây, và tâm thức vị kỷ và ích kỷ nói chung của nhiều người thời nay ít dành thì giờ và cảm tình cho các mục tiêu cộng đoàn. Và nếu có chút cảm tình nào đó, thì nó cũng luẩn quẩn trong cái biệt ngữ “tập thể” (collective) theo nghĩa xã hội chủ nghĩa chứ không hẳn cộng đoàn. Tư duy xã hội chủ nghĩa chuyển nhượng trách nhiệm luân lý cho Nhà Nước và lấy nó khỏi cá nhân. Dù thế, nó vẫn có tính cá nhân chủ nghĩa, ít nhất cũng theo nghĩa thoái hóa của Phương Tây. 

Tái điều hướng bản năng dục tính
Rieff cũng cho rằng bác bỏ sự tự lập tính dục và nhục cảm tính của nền văn hóa ngoại giáo là cốt lõi của nền văn hóa Kitô Giáo, một nền văn hóa chủ yếu không những từ bỏ mà còn tái điều hướng bản năng dục tính nữa… 

Đối với đức ông Pope, “tự lập tính dục” là một điều tự mâu thuẫn với chính nó. Vì, từ bản chất, tính dục hướng về nhau và về người thứ ba, vì nó vốn có tính sinh sản. Từ bản chất, tính dục vốn là về người khác, và về người thứ ba, về toàn thể cộng đoàn, vì nó vốn có đó vì tương lai cộng đoàn, tương lai Giáo Hội và tương lai quốc gia. 

Quan điểm của Thánh Phaolô về tính dục
Thực ra, Dreher cho rằng người Hoa Kỳ hiện nay khó có thể hiểu được tại sao tính dục lại là quan tâm lớn của cộng đồng Kitô Giáo buổi sơ khai. Sarah Ruden, phiên dịch viên các tác phẩm cổ điển được huấn luyện tại ĐH Yale, trong tác phẩm “Paul Among The People” xuất bản năm 2010, đã giải thích nền văn hóa trong đó Kitô Giáo xuất hiện. Bà cho rằng quả là thậm ngu dốt nếu coi Thánh Phaolô như một nhà thanh giáo (puritan) tiên khởi đầy chua chát chống báng những người lãng tử (hippies) ngoại giáo ưa khoái lạc, qua việc dạy họ phải chấm dứt vui chơi. Trên thực tế, giáo huấn của ngài về sự trong sạch tính dục và hôn nhân đã được chấp nhận như có tính giải phóng đối với nền văn hóa khiêu dâm, khai thác tính dục của nền văn hóa La Hy đương thời, nhất là khai thác nô lệ và phụ nữ… Như chính Thánh Phaolô từng nói một cách chi tiết, Kitô giáo đã làm một cuộc cách mạng văn hóa, qua việc giới hạn và định hướng dục tính của nam giới, nâng cao địa vị của cả phụ nữ lẫn thân xác con người, và thấm đượm hôn nhân, cũng như tính dục vợ chồng, bằng tình yêu. 

Đây quả là một phân tích tuyệt vời. Kitô hữu chúng ta quá nhiều khi tự để mình bị xác định bởi những điều ta chống lại, thay vì chịu nhấn mạnh rằng nếu ta chống lại điều gì đó, thì việc này chỉ là vì một thiện ích lớn hơn thôi. Ở đây, đạo đức học tính dục của Kitô Giáo có đó để duy trì phẩm giá phụ nữ, phẩm giá gia đình, phẩm giá hôn nhân, phẩm giá con cái, phẩm giá thân xác con người, và cả phẩm giá của chính tính dục nữa. Chúng ta VÌ những điều đó chứ không chỉ vì những điều chống lại tính dục, theo nghĩa thanh giáo nào đó. 

Không có những giới hạn này, tính dục rất dễ bị khai thác và kết cục bị kẻ quyền thế áp đặt chứ không phải là một hiến thân hỗ tương đặt căn bản trên lời hứa về một cam kết bền vững, có hoa trái và đầy tín trung, mà ta vốn gọi là Phép Hôn Phối. Không có sự tín trung và tôn trọng này, ta sẽ có rất ít căn bản để đạt được trật tự xã hội, chứ đừng nói tới văn hóa. 

Kitô Giáo gặp gỡ thế giới La Hy đang tan vỡ vì vi phạm các cái nhìn thông sáng ấy. Nên đã tái khẳng định các cái nhìn thông sáng này để tái lên khuôn và phục hưng nền văn hóa cổ xưa. Vấn đề không phải chỉ là, hay chủ yếu là tái định nghĩa và tái lượng giá tính dục, nhưng bên trong nền nhân học Kitô Giáo, tính dục nhận được một ý nghĩa mới và khác hẳn… Trong Kitô Giáo, không thể tách biệt điều người ta làm cho tính dục với bản chất thực sự của con người nhân bản… Điều này tạo ra phương thế giúp điều hướng bản năng tính dục, đặt nó trong khung cảnh cộng đoàn, và điều hướng nó một cách tích cực… Điều văn hóa có bổn phận phải làm là giới hạn các đam mê cá nhân và điều hướng nó một cách sáng tạo về hướng mục tiêu cộng đoàn. 

Đánh trống lảng
Đúng như nhận định của Dreher, điều đáng nói là thời hiện đại, người ta đã đảo ngược vai trò của văn hóa. Thay vì dạy ta phải lấy đi khỏi mình điều gì để trở thành văn minh, thì xã hội lại dạy ta đi tìm ý nghĩa và mục tiêu trong việc giải thoát mình khỏi các ngăn cấm xưa. Giải thích hiện tượng này là điều không dễ. Nhưng quả tình Phương Tây đang đánh mất cảm thức này là Kitô Giáo rất ăn có với trật tự văn minh… Trong thế kỷ 20, vất bỏ các lý tưởng Kitô Giáo có tính hạn chế tính dục là một việc càng ngày càng được đồng hóa với lành mạnh. Đến thập niên 1960, xác tín cho rằng phát biểu tính dục là điều lành mạnh và tốt đẹp, càng nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, và xác tín cho rằng thèm muốn tính dục là nội tại ngay trong căn tính bản vị con người đã đạt tới đỉnh cao với cuộc cách mạng tình dục, mà tinh thần sinh động của nó cho rằng sự tự do và tính chân thực của con người không hệ ở việc kìm hãm tính dục (theo nghĩa Kitô Giáo) nhưng ở việc phát biểu và khẳng định nó. Người Hoa Kỳ hiện đại đã bảo vệ sự tự do của họ theo nghĩa này. 

Hiểu “lành mạnh” theo lối trên là điều lạ lùng. Nhiều người quả lên án giáo huấn Công Giáo về tính dục là “không lành mạnh”, là ức chế… Nhưng lạ lùng hơn nữa là nền văn hóa bệnh hoạn kia dám nói về sức khỏe của tôi. Sức khỏe thể lý đàng hoàng. Trong khi lối sống “lành mạnh” của những người phóng túng là gì, nếu không phải là việc bùng phát các bệnh đường tình dục (STD), AIDS, hoa liễu, vô sinh, phụ nữ ghiền hormones, chưa kể những vụ giết trẻ em, băm thây chúng bằng phá thai. Rồi còn những việc “không lành mạnh” khác của gia đình tan vỡ, tỷ lệ ly dị cao, làm mẹ đơn chiếc, làm mẹ lúc còn thiếu niên, ghiền khiêu dâm, và đủ thứ tệ nạn xã hội phát sinh từ những gia đình tan vỡ và kết hợp thiếu lành mạnh. Vậy mà họ vẫn kết tội tôi là “thiếu lành mạnh”, “bị ức chế”. Thử nêu vấn đề này với một người phóng túng mà xem, một là ông ta sẽ nhìn anh trừng trừng hay dùng chiến thuật đánh trống lảng như vạch ra các tội lỗi của một số giáo sĩ nào đó chẳng hạn…

Một trật tự xã hội ổn định
Dreher cho rằng vì không nhận cộng đoàn có khả năng nắm bắt các chân lý trói buộc vượt lên trên cá nhân, nên cuộc cách mạng tình dục đã không thể thiết lập được một trật tự xã hội vững ổn. Vì không thể có văn hóa, nếu không có thờ phượng là điều vượt trên cộng đoàn và có sức trói buộc. Không có thờ phượng, không thể lập ra văn hóa, lập ra trật tự vững ổn cho xã hội, vì một ai đó từ bên trên và từ bên ngoài phải điều hướng và tập chú vào nền văn, một ai đó mà ta gọi là Thiên Chúa. 

Chính vì thế, Dreher cho rằng nền văn hóa hậu Kitô Giáo là nền văn hóa “phản văn hóa”… Cái chết của văn hóa bắt đầu khi các định chế tiêu bản của nó không còn truyền đạt được các lý tưởng có tính trói buộc từ bên trong nữa. 

Tuy nhiên, trách nhiệm không hoàn toàn nằm trong những con người “phản thánh thiêng” (iconoclastic) hiện đại. Chính các Kitô hữu cũng đang thất bại trong việc truyền đạt các lý tưởng của ta một cách lôi cuốn từ bên trong. Bởi thế, tân phúc âm hóa đòi ta phải tái đề xuất Tin Mừng một cách mới mẻ và lôi cuốn hơn.

Theo Vietcatholic