Người Mỹ dạy trẻ em
Giờ học văn bắt đầu. Hôm nay thầy giảng bài Chuyện Cô bé Lọ Lem. Trước tiên thầy gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ lem. Em học sinh kể xong, thầy cảm ơn rồi bắt đầu hỏi.
Thầy: Các em thích và không thích nhân vật nào trong câu chuyện vừa rồi?
Học sinh (HS): Thích Cô bé Lọ Lem Cinderella ạ, và cả Hoàng tử nữa. Không thích bà mẹ kế và chị con riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô chị kia đối xử tồi với Cinderella.
Thầy: Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì?
HS: Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban đầu, lại mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Leo ôi, trông kinh lắm !
Thầy: Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy (Thầy làm bộ ngất lịm, cả lớp cười ồ). Bây giờ thầy hỏi một câu khác. Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử hay không? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy !
HS: (im lặng, lát sau có em giơ tay xin nói) Nếu là bà mẹ kế ấy, em cũng sẽ ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội.
Thầy: Vì sao thế ?
HS: Vì … vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu.
Thầy: Đúng. Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi. Bây giờ thầy hỏi một câu khác: bà mẹ kế không cho Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử, thậm chí khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Thế tại sao Cinderella vẫn có thể đi được và lại trở thành cô gái xinh đẹp nhất trong vũ hội ?
HS: Vì có cô tiên giúp ạ, cô cho Cinderella mặc quần áo đẹp, lại còn biến quả bí thành cỗ xe ngựa, biến chó và chuột thành người hầu của Cinderella.
Thầy: Đúng, các em nói rất đúng ! Các em thử nghĩ xem, nếu không có cô tiên đến giúp thì Cinderella không thể đi dự vũ hội được, phải không?
HS: Đúng ạ !
Thầy: Nếu chó và chuột không giúp thì cuối cùng Cinderella có thể về nhà được không ?
HS: Không ạ !
Thầy: Chỉ có cô tiên giúp thôi thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý: Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè. Bạn của ta không nhất định là tiên là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ. Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng tốt. Bây giờ, đề nghị các em thử nghĩ xem, nếu vì mẹ kế không muốn cho mình đi dự vũ hội mà Cinderella bỏ qua cơ hội ấy thì cô bé có thể trở thành vợ của hoàng tử được không ?
HS: Không ạ ! Nếu bỏ qua cơ hội ấy thì Cinderella sẽ không gặp hoàng tử, không được hoàng tử biết và yêu.
Thầy: Đúng quá rồi ! Nếu Cinderella không muốn đi dự vũ hội thì cho dù bà mẹ kế không ngăn cản đi nữa, thậm chí bà ấy còn ủng hộ Cinderella đi nữa, rốt cuộc cô bé cũng chẳng được lợi gì cả. Thế ai đã quyết định Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử ?
HS: Chính là Cinderella ạ.
Thầy: Cho nên các em ạ, dù Cinderella không còn mẹ đẻ để được yêu thương, dù bà mẹ kế không yêu cô bé, những điều ấy cũng chẳng thể làm cho Cinderella biết tự thương yêu chính mình. Chính vì biết tự yêu lấy mình nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được. Giả thử có em nào cảm thấy mình chẳng được ai yêu thương cả, hoặc lại có bà mẹ kế không yêu con chồng như trường hợp của Cinderella, thì các em sẽ làm thế nào?
HS: Phải biết yêu chính mình ạ !
Thầy: Đúng lắm! Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân mình. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự yêu bản thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có. Ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu, đúng không ?
HS: Đúng ạ, đúng ạ !
Thầy: Bây giờ đến vấn đề cuối cùng. Câu chuyện này có chỗ nào chưa hợp lý không ?
HS: (im lặng một lát) Sau 12 giờ đêm, mọi thứ đều trở lại nguyên dạng như cũ, thế nhưng đôi giày thủy tinh của Cinderella lại không trở về chỗ cũ.
Thầy: Trời ơi ! Các em thật giỏi quá ! Các em thấy chưa, ngay cả nhà văn vĩ đại (nhà văn Pháp Charles Perrault, tác giả truyện Cô Bé Lọ Lem – chú thích của người dịch) mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên sai chẳng có gì đáng sợ cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này có ai trong số các em muốn trở thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác phẩm hay hơn tác giả của câu chuyện Cô bé Lọ lem ! Các em có tin như thế không ?
Tất cả học sinh hồ hởi vỗ tay reo hò...
Bài “Người Mỹ giảng dạy chuyện Cô bé Lọ Lem như thế đấy” để lại trong tôi một ấn tượng mạnh hơn bất cứ lời bình nào về nền giáo dục của nước Mỹ. Người thầy giáo trong bài báo ấy chẳng khác một thiên thần. Ông đem lại cho lũ trẻ lòng công bằng, tình yêu thương, tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tư duy lý tính, ý nghĩa của cuộc đời … Với cách giáo dục như thế, sao mà lũ trẻ không có tình thương, sao mà chúng còn chịu sự ràng buộc và hạn chế của những điều này khoản nọ nào đấy ?
6 BÀI HỌC TỪ CÁC TỔNG THỐNG MỸ
Chúng ta có thể học hỏi được kinh nghiệm nghề nghiệp quý báu từ những bài học ở trường, từ đồng nghiệp, từ công việc đã trải qua, và cả từ các cựu lãnh đạo của Nhà Trắng trên đất Mỹ xa xôi.
Bài học thứ nhất: Chế ngự nỗi sợ hãi
“Điều duy nhất mà chúng ta phải sợ chính là nỗi sợ” – Franklin D. Roosevelt đã phát biểu như vậy trong buổi lễ nhậm chức của ông năm 1933 - thời điểm cuộc đại suy thoái kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn cao trào. Để chứng minh rằng việc chế ngự nỗi sợ hãi là hành động đúng đắn trong mọi trường hợp, Franklin D. Roosevelt đã có những nước cờ đầy mạo hiểm nhưng rất tỉnh táo để kéo nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như củng cố thêm sức mạnh quân sự của Mỹ trong thời chiến. Vì vậy, mỗi khi đương đầu với nỗi sợ, bạn hãy tự nói với bản thân: Đây chính là yếu tố kìm giữ bạn trên con đường thăng tiến, hãy vượt qua và can đảm bắt tay vào việc hiện thực hóa những mong muốn của mình – sẽ không bao giờ là thất bại cho đến khi bạn quyết định từ bỏ.
Bài học thứ hai: Thức thời
“Chúng ta đang ở trong hoàn cảnh mới nên chúng ta phải nghĩ khác và làm khác” – câu nói này là một minh chứng hùng hồn cho khả năng phân tích và nhận biết thời cuộc của Abraham Lincoln – một trong những vị tổng thống vĩ đại nhất của nước Mỹ. Để chứng minh nhận định: “Chế độ nô lệ sẽ thất bại và cáo chung, tương lai của nền dân chủ sẽ được bảo đảm, và chính quyền của dân, do dân, vì dân sẽ không lụi tàn khỏi mặt đất” ngoài Bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ, Abraham Lincoln còn là vị Tổng thống đầu tiên thông qua lệnh cầm tù không qua xét xử những người bị nghi là ủng hộ phe Liên minh trong cuộc nội chiến Mỹ. Vượt qua nhiều tranh cãi, Lincoln đã góp phần đưa nước Mỹ thành một cường quốc dân chủ phát triển hàng đầu thế giới như hiện nay.
Vậy, nếu bạn có óc quan sát nhạy bén và khả năng thích ứng cao thì đừng bao giờ tự “cột” mình vào một công việc nhàm chán bạn nhé!
Bài học thứ ba: Giữ đôi tay “sạch sẽ”
Mặc dù bị phản đối từ cả hai phía Mỹ và Việt Nam trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng cuộc đời chính trị của Tổng thống Richard Nixon cũng cho chúng ta một bài học về sự trong sạch: “Hãy giữ mình trong sạch nếu không muốn dính dáng vào các vụ bê bối và nhanh chóng bị hạ bệ hoặc bị kẻ khác chơi xấu”.
Những việc làm sai trái không sớm thì muộn cũng sẽ bị lôi ra ánh sáng. Do đó, nếu bạn không muốn phá hỏng tiền đồ của mình, hãy cư xử đúng mực và minh bạch trong mọi việc làm.
Bài học thứ tư: Cảnh giác với tình yêu công sở
Hẳn bạn còn nhớ cuộc tình đầy tai tiếng của Tổng thống Bill Clinton và Monica Lewinsky. Sau khi vụ bê bối này bị phơi bày trên các phương tiện thông tin đại chúng, vị tổng thống được lòng dân Mỹ nhất đã phải “cuống cuồng” bảo vệ không chỉ danh tiếng, hạnh phúc gia đình mà cả chiếc ghế tổng thống đang lung lay. Nhiều người vẫn thường nói, Bill Clinton sẽ thất bại bởi chính vụ bê bối này nếu không có sự hẫu thuẫn vững chắc của vợ mình - cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
Bạn có thể sẽ nói vì mình không nổi tiếng như Bill Clinton nên không cần lo lắng về bài học này. Nhưng bạn thân mến, tiền đồ của mỗi người dù là Tổng thống hay Nhân viên công sở cũng đều quan trọng như nhau, đừng bao giờ mạo hiểm “ăn vụng” nơi công sở để rồi bị tiêu tan cả hạnh phúc gia đình lẫn sự nghiệp bạn đã nhọc công gầy dựng lâu nay.
Bài học thứ năm: Học hỏi từ những sai lầm
Sau lễ nhậm chức, Tổng thống John F. Kennedy đã ngay lập tức phê chuẩn việc phát động chiến tranh xâm lược Cuba để lật đổ Fidel Castro. Cuộc xâm lược này sau đó thất bại thảm hại và chính quyền Kennedy rơi vào thế bế tắc. Thay vì câm lặng và để cho điều sỉ nhục này làm tiêu tan sự nghiệp chính trị của mình, Kennedy đã lên tiếng nhận trách nhiệm và người Mỹ tôn trọng ông vì điều đó. Cho đến nay, Kennedy vẫn là một trong những Tổng thống được mến mộ nhất nước Mỹ.
Trong công việc hàng ngày, không thiếu những lúc chúng ta mắc phải sai lầm dẫn đến thất bại. Nhưng đừng im lặng bi quan và tuyệt đối tránh tìm cách đổ lỗi cho người khác. Hãy dũng cảm nhận trách nhiệm để đưa ra giải pháp khắc phục, với cách làm này bạn sẽ khiến các đồng nghiệp nể phục và được cấp trên ghi nhận. Hơn nữa, bài học kinh nghiệm bạn rút ra từ những thất bại trên cũng sẽ là “vốn” kiến thức đáng giá cho sự nghiệp của bạn.
Bài học thứ sáu: Nổi bật trong đám đông
Các Tổng thống Mỹ như Chester Arthur, John Tyler và James Polk thường bị liệt vào danh sách “những Tổng thống bị lãng quên” do họ quá mờ nhạt trong thời gian nhậm chức. Ngược lại, gần như cả thế giới đều biết đến những cái tên như George Washington, Abraham Lincoln hay Franklin D. Roosevelt, họ không chỉ còn mãi trong ký ức nhân dân Mỹ mà còn là những nhân vật lịch sử bất diệt. Vậy, điều gì khiến họ được ghi nhớ hơn những người khác? Câu trả lời rõ ràng là do họ không ngại bày tỏ quan điểm của riêng mình, không ngại thay đổi. Họ nỗ lực để xây dựng một hình ảnh riêng và cống hiến không ngừng để để lại dấu ấn trong vài năm đương nhiệm ngắn ngủi.
Vậy còn bạn, bạn nhút nhát và không chịu lên tiếng? Bạn ẩn mình trong các cuộc họp? Bạn ngại đưa ra ý kiến vì sợ sai? Bạn sợ va chạm với đồng nghiệp? Bạn luôn hài lòng với vị trí hiện tại của mình? Nếu câu trả lời là đúng cho phần lớn các hỏi trên, bạn đang tự đưa mình vào danh sách “những nhân viên bị lãng quên” rồi đấy!
Nguồn : Vietnamworks
Cho và nhận
Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên "người bạn của sinh viên" vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh.
Trên đường đi, hai người bắt gặp một đôi giày cũ nằm giữa đường. Họ cho rằng đó là đôi giày của một nông dân nghèo làm việc ở một cánh đồng gần bên, có lẽ ông ta đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc của mình.
Anh sinh viên quay sang nói với vị giáo sư: "Chúng ta hãy thử trêu chọc người nông dân xem sao. Em sẽ giấu giày của ông ta rồi thầy và em cùng trốn vào sau những bụi cây kia để xem thái độ ông ta ra sao khi không tìm thấy đôi giày."
Vị giáo sư ngăn lại: "Này, anh bạn trẻ, chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra để trêu chọc mua vui cho bản thân. Nhưng em là một sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào người nông dân này đấy. Em hãv đặt một đồng tiền vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem phản ứng ông ta ra sao."
Người sinh viên làm như lời vị giáo sư chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn vào sau bụi cây gần đó...
Chẳng mấy chốc người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi đặt giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong, ông ta cúi xuống xem đó là vật gì và tìm thấy một đồng tiền. Sự kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông ta chăm chú nhìn đồng tiền, lật hai mặt đồng tiền qua lại và ngắm nhìn thật kỹ. Rồi ông nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày. Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quì xuống, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một mòn quà đúng lúc cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.
Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị giáo sư lên tiếng: "Bây giờ em có cảm thấy vui hơn lúc trước nếu như em đem ông ta ra làm trò đùa không?" Người thanh niên trả lời: "Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu nói mà trước đây em không hiểu: "Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về".
(sưu tầm trên mạng )