Viết cho Ngày của mẹ 12.5
Tôi hay cáu khi con biếng ăn hoặc õng ẹo chê món này món nọ. Nhớ hồi nhỏ, mỗi khi chị em tôi chê món gì, mẹ lại lui cui nấu món khác hoặc dỗ dành từng đứa một. Tôi thấy mẹ thật kiên nhẫn.
Mới thức vài đêm chăm con ốm, tôi đã muốn quỵ.
Vậy mà mẹ lần lượt nuôi mấy anh em tôi lớn khôn, khỏe mạnh. Tôi thấy mẹ thật mạnh mẽ.
Những khi quở trách con, tôi lại nhớ ngày còn bé, khi tôi làm gì sai, thay vì la mắng, mẹ ân cần bảo tôi làm lại và động viên tôi làm tốt hơn. Tôi thấy mẹ thật bao dung.
Thấy người ta đố kỵ nhau, tôi nhớ lời mẹ dạy mỗi khi anh em tôi cãi vã: "Khôn ngoan đối đáp người ngoài...". Tôi nghiệm ra những bài học của mẹ thật chí lý.
Thấy tôi buồn khi tình cảm không như ý, mẹ bảo: "Cứ thế này là con đang bạc đãi chính mình. Con còn không biết thương mình thì sao đòi hỏi người ta phải thương con?". Bấy nhiêu đó vực tôi dậy khỏi hố sâu thất vọng. Tôi thấy lời khuyên của mẹ thật quý giá.
Mẹ ít sắm sửa cho riêng mình nhưng không bao giờ để chị em tôi thiếu đồ mới mặc tết hay những món ăn ngon. Tôi thấy mẹ thật giàu đức hy sinh.
Giờ thì... mẹ hay kể đi kể lại một chuyện hoặc hỏi đi hỏi lại một câu mà tôi đã trả lời rất nhiều lần. Mẹ không nhận thấy mình lẩn thẩn nhưng tôi thấy buồn vì mẹ đã bắt đầu nhớ trước quên sau.
Mẹ bao giờ chả thế! Còn tôi chỉ ước mình không bao giờ phải chịu nỗi đau mất mát khi mẹ vĩnh viễn đi xa!
Lê Thị Ngọc Vi
Mẹ
Khi được hỏi về mẹ, chị Lê Thị Lan, 35 tuổi, kiến trúc sư, tạm trú tại Q.6, TP.HCM, bộc bạch: “Mẹ tôi (chị ngập ngừng) không biết đọc, không biết viết.
|
Cha tôi bỏ hai chị em tôi khi tôi vừa tròn 2 tuổi. Mẹ trồng bắp, làm rẫy ở Đồng Nai nuôi chúng tôi. Không biết chữ, không dạy chúng tôi được, bà chỉ khuyên tụi tôi học hành để sau này không phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời như mẹ. Mẹ tôi, một người không biết chữ, đã yêu thương, dạy dỗ, nuôi dưỡng chúng tôi trở thành người trí thức trong xã hội. Với tôi, bà đã là một người không chỉ thành công mà rất vĩ đại”.
Khi hỏi những hình ảnh về mẹ mà chị nhớ nhất, chị Bích Ngọc cười: “Đó là mẹ đứng chờ tôi trước cổng trường từ mẫu giáo đến lớp 12, rồi mẹ đưa tôi đi thi đại học và cười hạnh phúc lúc tôi trúng tuyển”. Vâng, những người mẹ rất bình thường, thậm chí không biết chữ, nhưng đã dâng tặng xã hội những đứa con trí thức, có nhân cách bằng sự tận tụy và tình yêu thương của mình.
Người mẹ của tổng thống Tân Tổng thống của nước Pháp François Hollande sinh ra trong một gia đình tư sản trung lưu điển hình Pháp, có bố là bác sĩ, mẹ là nhân viên cứu trợ xã hội. Ông luôn tự nhận mình là người tỉnh lẻ từ trong tâm hồn cho đến gu ăn uống và sở thích trò chuyện cùng mọi người trong các quán rượu vùng Corrèze - nơi ông bắt đầu sự nghiệp chính trị. Cuối tuần, ông thường đi thăm các khu chợ ngoài trời ở thành phố Tulle, vùng đất ông từng làm thị trưởng tới tận năm 2008. Cả thành phố nhỏ khoảng 15.000 dân này hầu như ai cũng gặp ông và gọi ông thân mật là François thay vì thói quen lịch sự gọi theo tên họ vốn có của người Pháp. Chính sự gần gũi và dễ mến là một trong những lý do giúp ông thu hút được cảm tình của cử tri. Ông Hollande có được sự bình dị và dễ mến đó phần lớn do ảnh hưởng từ mẹ ông, bà Nicole Hollande. Là nhân viên cứu trợ xã hội, bà Nicole có trái tim giàu nhân ái và một tâm hồn rộng mở. Điều này ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của người con trai út sau này. Ông kể: “Cha tôi luôn có tư tưởng bi quan về tương lai và theo ông, chính trị chẳng thay đổi được gì, mẹ tôi thì ngược lại, là người lạc quan và luôn tin tưởng vào tình hữu ái giữa con người, bà luôn tươi cười và thân ái với mọi người. Tuy không nói ra nhưng tôi luôn thấy gần gũi hơn với chính kiến của mẹ”. Có lẽ vì vậy mà dù sinh ra trong gia đình tư sản giàu có sung túc, tổng thống của nước Pháp vẫn chọn Đảng Xã hội để dấn thân làm chính trị. Trong cuộc míttinh quan trọng trước khi diễn ra bầu cử tổ chức tại Bourget trước hàng chục ngàn ủng hộ viên, ông Hollande đã nhắc đến cha mẹ mình: “Tôi cảm ơn cha mẹ tôi, đặc biệt là mẹ tôi, người có tâm hồn nhân ái và bà đã truyền cho tôi thứ tốt đẹp nhất đó là khao khát trở thành người có ích”. Cho đến khi qua đời năm 2009 ở tuổi 80, bà Nicole luôn dõi theo bước đường chính trị của ông Hollande và luôn nhiệt thành ủng hộ sự dấn thân của con trai, đặc biệt là trong những bước khó khăn nhất của cuộc sống riêng tư và sự nghiệp chính trị. Bà vẫn luôn tin tưởng vào “định mệnh” sẽ đưa con trai mình trở thành nhà lãnh đạo quốc gia, trái hẳn với không ít người luôn mỉa mai tính cách mềm yếu và luôn hướng tới sự đồng thuận thay vì đối đầu của ông Hollande. “Chính bà đã truyền cho tôi tính vị tha và dạy tôi biết yêu thương con người” - ông Hollande phát biểu về mẹ mình ngay sau khi cử tri Pháp lựa chọn ông làm tổng thống tối chủ nhật 6 -5 vừa rồi. Rất tiếc là bà Nicole không còn sống đến ngày hôm nay để chứng kiến sự thành công tột đỉnh của người con trai. Nguyễn Quân |
Bao la lòng mẹ
Dù cho con bất hiếu hay gây tội ác, dù xã hội lên án, phỉ nhổ thì người mẹ vẫn đủ sức thứ tha và hy vọng.
Đến tòa từ sáng sớm; xách theo lỉnh kỉnh đồ ăn, thức uống; tất tả chạy theo chiếc xe bít bùng để được nhìn và gọi tên con; khóc nức nở bởi mức án mà con phải chịu. Đó là mẫu số chung của các bà mẹ của bị cáo. Với những bà mẹ có con mang án chung thân, tử hình, nỗi đau đó còn nhân lên bội phần...
|
Cạn nước mắt vì con
Bà ngồi ở hàng ghế sau cùng, chắp hai bàn tay trước ngực, khép mắt, miệng lẩm nhẩm và rồi hai hàng nước mắt lặng lẽ rơi khi vị công tố đề nghị mức án tử hình cho bị cáo, là con của bà, bởi hai tội giết người, cướp tài sản.
Cao thượng, bao dung Với pháp luật và xã hội, họ là những người phạm tội tày trời, khó nhận được sự thứ tha, thậm chí đáng trăm lần chết. Nhưng đối với những người mẹ, dù con bất hiếu hay phạm tội ác, dù xã hội lên án, phỉ nhổ thì vẫn là đứa con mà họ mang nặng đẻ đau, bón từng muỗng sữa, miếng cháo, hạnh phúc khi nhìn con lớn lên từng ngày. Vậy nên, họ đủ sức vượt qua bao khó khăn, nghiệt ngã, đủ sức thứ tha và tiếp tục hy vọng... Tiếc rằng, đến khi các bị cáo cảm nhận được sự hy sinh tuyệt đối của mẹ qua cái dáng tất tả ngược xuôi, những giọt nước mắt mặn đắng trên gương mặt héo hắt; hiểu được nỗi đau mình đã gieo cho đấng sinh thành, muốn làm gì đó để xin lỗi thì có khi đã quá muộn màng. |
Cũng chịu khó xuống tận Bình Dương làm ăn... Bữa nghe tin nó bị công an bắt, tôi cứ nghĩ nó chạy xe sao đó chứ có ngờ đâu vì thiếu nợ bạn bè, nó lại làm cái chuyện như vậy...” - bà nói tiếp, rồi bất ngờ hỏi tôi: “Tòa tuyên xong rồi, mình có xin được không vậy cô? Nó mới 20 tuổi thôi...”.
Tòa tuyên án tử hình, vợ chồng bà đứng bần thần mãi trước cửa phòng xử. Trông thấy tôi, bà quệt nước mắt, kéo tay tôi, cuống quýt: “Nãy tòa nói làm đơn kháng cáo nhưng nó không biết chữ thì sao hả cô? Tiền không có để thuê luật sư, tôi phải đi đâu để nhờ người ta làm giùm bây giờ?”. Không đành lòng trước nỗi lo lắng đến thắt lòng của một người mẹ, sau khi hướng dẫn bà đến gặp thư ký phiên tòa để liên hệ, tôi đã ghi lại số điện thoại của mình để bà tiện liên lạc khi cần.
Vậy rồi, ngày đầu tiên của năm 2011, bà điện thoại cho tôi, khóc òa: “Cô ơi, phúc thẩm họ đã bác đơn rồi. Người ta nói chỉ trong hạn 7 ngày sau khi tòa tuyên án phải làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân xá nhưng lại trúng những ngày nghỉ lễ, họ có tính không? Phải làm sao để cứu nó bây giờ?”. Tôi điện thoại cho một luật sư để nhờ chị tư vấn, hướng dẫn cách gửi đơn, chị sốt sắng nhận lời. Nghe tôi nói, bà mừng rỡ, rối rít cảm ơn.
Nhưng rồi không lâu sau đó... “Cô ơi, tôi nghe người ta nói Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân xá của nó. Hết cách rồi...” - bà nức nở trong điện thoại. Cảm nhận nỗi đau như muối xát kim châm của bà nhưng tôi cũng không biết phải làm gì hơn. Pháp luật phải thực thi nhiệm vụ của nó để thiết lập trật tự xã hội. Chỉ thương cho những người mẹ như bà, vất vả nuôi con chưa một ngày được đáp đền công ơn sinh thành và nuôi dưỡng đã lại khóc cạn nước mắt vì con.
Những khoảng lặng đau đớn
HĐXX chấp nhận kháng cáo, bị cáo được thoát án tử hình. Chỉ nghe bấy nhiêu, người mẹ đã sụp xuống lạy HĐXX. Trước đó, trong khi chờ nghị án, bà thắc thỏm hết đứng lại ngồi, hết nhìn con đang cúi đầu sau vành móng ngựa lại lặng lẽ khóc. Rồi trong khi tòa tuyên đọc bản án, bà cứ chắp tay trước ngực, hồi hộp lắng nghe từng con chữ để rồi vỡ òa niềm vui trước quyết định cuối cùng của HĐXX. Đứa con trai bà mang nặng đẻ đau, từng là niềm tự hào của bà, điểm tựa tinh thần để bà có thể vượt qua những trận đòn roi sau mỗi cơn say của chồng, đã được sống.
Bà chỉ cần có thế cũng đủ bù đắp cho những tháng ngày đớn đau, vật vã khi con phạm tội tày đình: giết cha; đủ để bà sống nốt quãng đời còn lại dù chẳng mong gì được con đáp đền. Suốt hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ngoài nước mắt không ngừng tuôn rơi, người ta còn chứng kiến nỗi đớn đau, chua xót của bà khi buộc phải kể tội chồng, nhận hết trách nhiệm về mình với hy vọng đó là những tình tiết để có thể được xem xét giảm nhẹ. “Hễ say là ông ấy đánh đập vợ con. Tôi thì cứ nhẫn nhục chịu đựng khiến con cái bị ức chế mà không biết. Lần đó, nó không kiềm chế được... Xin tòa thương tình...” - bà nghẹn ngào.
Cách đây không lâu, tôi chứng kiến cảnh một bà mẹ đã hoảng loạn và ngất xỉu khi đứa con trai lớn bị bác kháng cáo, y án tử hình về hai tội giết người, cướp tài sản. Bất lực nhìn cảnh mẹ đau đớn bởi hậu quả do mình gây ra, bị cáo tấm tức khóc và thảm thiết gọi: “Mẹ ơi!”. Nhưng tiếng gọi ấy rơi vào khoảng trống chơi vơi, người mẹ đã không thể nghe được. Tôi được em của bị cáo kể lại rằng trước khi xử sơ thẩm, để cầu xin ơn trên phù hộ cho con trai, người mẹ đã cạo đầu, ăn chay.
Lần đó, cấp sơ thẩm tuyên án tử, bà ngất xỉu và nằm viện cả tuần vì lên cơn đau tim. Phiên phúc thẩm, sợ bệnh tim bộc phát, các con không cho đi nhưng bà kiên quyết đòi đi để được nhìn mặt con. Họ đành phải chiều theo, để rồi vừa lo lắng cho anh trai vừa hồi hộp dõi theo sắc mặt của mẹ vì sợ một lần nữa bà lại không chịu đựng nổi... Hình ảnh cuối cùng sau phiên tòa là những bước chân luống cuống, vấp ngã liên tục của các con bà khi vừa gọi xe đưa mẹ đi cấp cứu vừa cuống quýt xoa dầu; vuốt khuôn ngực thoi thóp của mẹ. Còn bà thì lịm dần đi như chẳng còn thiết sống...
Theo Người Lao Động
Những lần mẹ nói yêu con
Minh họa: Văn Nguyễn
Mẹ nói "Mẹ yêu con" khi đét cho con mấy cái thật đau vào mông vì cái tội lỉnh ra bờ sông chơi giữa trưa nắng. Lúc ấy con cũng hậm hực lắm, nhưng nhớ lại mới thấy đấy là tình thương của mẹ.
Những lúc đó người con nhễ nhại mồ hôi, đầu tóc nóng ran vì không đội mũ. Con mải mê chơi nhưng lại không biết mẹ đang phát sốt lên vì lo lắng, và con đã không biết những khoảnh khắc ấy khó khăn đối với mẹ thế nào.
Mẹ nói "Mẹ yêu con" khi gò lưng đạp xe thật nhanh về nhà lúc tan ca trực đêm. Sợ đến rùng mình lúc đi ngang qua nghĩa trang dưới cái ánh trăng xam xám, lành lạnh. Chỉ có suy nghĩ về đứa con đang khóc trong tay bố mới giúp mẹ khỏi hét toáng lên vì một con chuột chạy vụt qua lốp xe hay lặng người đi trước một cái bóng cây chập chờn trên đường đầy đe dọa.
Mẹ nói "Mẹ yêu con" khi con vừa mở mắt ra đã thấy gói xôi đậu to tướng mẹ đặt trên bàn, khi đó con mới nhớ lại tối qua con đã tỉ tê với cả nhà về món xôi đậu mà thằng bạn hàng xóm chiêu đãi hôm nọ.
Mẹ nói "Mẹ yêu con" lúc kiên nhẫn ngồi nghe con "kể lể" về "cái đứa hay gửi thư cho con". Con còn nhớ mắt mẹ như đang nhớ lại điều gì, miệng cười nhẹ. Nhưng rồi khi “cậu ấm” kết thúc câu chuyện thì mẹ lại "Gì thì gì, xin cu cứ học hành cho tử tế đã cu ơi!", cũng là vì "mẹ yêu con" mà!
Mẹ nói "Mẹ yêu con" khi mắng cho con một trận vì đống quần áo chưa giặt cứ treo đầy trên mắc. Nhưng để rồi một lát sau đã thấy mẹ lặng lẽ đem đống quần áo của con đi giặt và lẩm bẩm "lười thế này làm sao nên người được!"
Mẹ nói "Mẹ yêu con" khi đưa con lên thành phố dự thi đại học và rồi cùng con đến địa điểm dự thi, me xua tay bảo: "Con vào đi, làm bài tốt nhé! Mẹ chờ cho con vào phòng rồi sẽ về ngay”. Cái sự "về ngay" của mẹ nghĩa là ba tiếng đồng hồ hết đứng lại ngồi trước cổng, còn căng thẳng hơn cả con đang ngồi trong phòng thi. Lúc hết giờ làm bài, con vừa ra đã thấy mẹ đứng đợi con - mồ hôi nhễ nhại hai bên gò má. Mẹ lại bảo: “Mẹ vừa từ nhà đến đây, chứ ai dại đứng đây làm gì cho chết nắng!”.
Ba tiếng "Mẹ yêu con" mẹ chẳng viết ra mà cũng hiếm khi nói thế. Nhưng con nghe thấy, nhìn thấy ba tiếng ấy hàng ngàn, hàng triệu lần. Chỉ cần biết cách nhìn, chỉ cần biết cách nghe.
Còn bạn, bạn có bao nhiêu cách để nói "Con yêu mẹ"?
Hoàng Diệu
(Khoa Báo chí - ĐHQG Hà Nội)
"Mẹ cảm ơn con!"
Mẹ bị ốm. Ốm rất nặng. Nhận được tin báo mẹ ốm tôi bỏ hết công việc còn dang dở, bắt chuyến xe cuối cùng của ngày để về quê.
Về đến cửa, tôi chạy ùa vào giường mẹ. Thấy tôi, mẹ đưa mắt nhìn, đôi mi rơm rớm. Căn bệnh quái ác lấy đi dần sức khỏe của mẹ nhưng tôi biết, chính nỗi nhớ thương con khiến mẹ héo hon, gầy mòn. Tôi là đứa con mẹ thương yêu nhất. Vì tôi là con gái, gần 40 tuổi mẹ mới sinh tôi. Vậy mà, đứa con gái thân yêu của mẹ cứ đi biền biệt. Cuộc sống bon chen náo nhiệt chốn thị thành cuốn tôi đi. Tôi xa vòng tay mẹ, vật lộn với cuộc đời và giờ đây có một chỗ đứng vững vàng trong xã hội. Tôi tưởng thế là tôi đã trưởng thành.
Tiếng mẹ ho trong đêm làm tim tôi thắt lại. Bàn tay mẹ quờ quạng trong bóng tối tìm chiếc khăn tay. Tôi ngồi dậy. Tôi lấy chiếc khăn đặt vào tay mẹ. "Khổ thân mẹ, mẹ ơi", tôi nghẹn ngào. “Mẹ cảm ơn con!”. Tôi ngỡ ngàng. Tôi không tin vào tai mình nữa. Trong bóng tối tôi thấy mắt mẹ long lanh. Có phải mẹ vừa nói như vậy không? Có phải mẹ vừa nói cảm ơn tôi không? Ôi, mẹ ơi. Từ bao giờ con đã xa mẹ đến thế. Mẹ nuôi con bao nhiêu năm tháng nào có mong một lời cảm ơn của con. Vậy mà giờ mẹ nói cảm ơn chỉ vì đứa con gái mẹ dứt ruột đẻ ra, nuôi nấng chăm sóc, thức dậy trong đêm để tìm giúp mẹ một chiếc khăn sao?
Cả đêm tôi thao thức. Bên cạnh tôi nhịp thở của mẹ đã đều đều. Bàn tay mẹ nắm nhè nhẹ lấy tay tôi.
Rồi mẹ mất. Tôi choáng váng. Trong tôi không có cảm xúc gì rõ rệt. Chỉ ý thức rằng mình đã mất đi một thứ gì quý giá và lớn lao. Tôi đã tưởng đó là ngày đau khổ nhất trong đời mình.
Từ khi biết rằng mẹ của tôi không còn ở bất cứ nơi nào trên cõi đời này, kể cả tôi có vượt hàng trăm nghìn cây số cũng không thể tìm thấy người nữa, tôi thấy cuộc sống của mình chông chênh quá. Tôi trở lại là một đứa trẻ hay hờn dỗi và ghen tị với mọi người.
Mối tình tưởng bền chặt của tôi sụp đổ, tôi khao khát có mẹ ở bên để gục đầu vào tay mẹ mà khóc.
Tôi đi dự đám cưới một người bạn. Mẹ cô ấy dắt tay và ôm lấy con thật chặt trước khi cô ấy lên xe hoa. Ngày tôi cưới, mẹ chẳng thể ôm tôi như vậy.
Mẹ từng bảo Ngày của Mẹ chính là ngày tôi có mặt trên đời. Bởi ngày đó là ngày mẹ được làm mẹ.
Ngày mai là sinh nhật con. Đó là Ngày của Mẹ mà con không có mẹ ở cạnh bên nữa rồi.
Ngồi trên chiếc giường hai mẹ con đã nằm những đêm cuối, tôi thì thầm đọc cho mẹ nghe bài thơ thuở nhỏ tôi vẫn thích đọc:
Cảm ơn con ong cho mật ngọt
Cảm ơn con chim đã hót
Cảm ơn con cừu cho áo len
Cảm ơn con dê cho cốc sữa trên bàn
Và cảm ơn mẹ, mẹ ơi
Vì mẹ cho con có ở trên đời
Vì mẹ gọi con là
Con của mẹ.
Nguyễn Thúy Hiền