Bắt “bút tàng hình” hiện hình

Bằng các phương pháp khoa học thường thức, đơn giản, dễ sử dụng người dân có thể ứng dụng để vạch mặt những kẻ lạm dụng khoa học để lừa đảo. Các trường hợp lừa đảo này cần đưa ra ánh sáng để pháp luật trừng trị.

 

Bắt “bút tàng hình” hiện hình

(Kienthuc.net.vn) - Trước nguy cơ lạm dụng “bút tàng hình” để lừa đảo, Kiến Thức đã đưa mẫu đến Viện Hóa học kiểm nghiệm. 
TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam) đã giải mã thành công nguyên lý mực bay màu. Đồng thời, bằng những chất có sẵn trong gia đình, nhà khoa học này hướng dẫn giúp người dân làm rõ mực kể cả khi đã bị bay mất. 

Công nghệ ở cửa hàng nhếch nhác
Gần đây thông tin cho thấy, có khá nhiều người cho vay nợ bỗng trở nên mất trắng do "bút tàng hình". Theo đó, khi vay nợ, người vay viết bằng bút bi. Đến hạn trả tiền, khi đưa giấy vay nợ ra thì... chữ trên giấy không cánh mà bay. Toàn bộ khế ước vay chỉ còn lại là tờ giấy trắng, không tì vết...
 
Để tìm mua loại bút này không khó. Theo một địa chỉ của trang mạng mobihot.vn, chúng tôi tìm mua loại bút được cho là có khả năng "phù thủy", làm mất chữ viết sau một thời gian ngắn. 

Loại bút được cho là có khả năng "phù thủy", làm mất chữ viết sau một thời gian ngắn. 
Tại số 553 Minh Khai (Hà Nội), là một chi nhánh của hệ thống bán hàng qua mạng với biển hiệu khá to và nổi bật với quảng cáo: Máy điện thoại, phụ kiện hàng chính hãng. Thế nhưng vào trong tất cả đã hoàn toàn khác. Đối lập với biển hiệu to và nổi bật thì cửa hàng trông bụi bẩn, nhếch nhác bày la liệt các mẫu hàng từ điện thoại, đồng hồ, iPad... Thậm chí, theo như quảng cáo ở đây còn bán cả gạo ăn!. Điểm chú ý nữa chính là đa phần là các sản phẩm công nghệ bày bán ở đây được làm giả y như thật với giá cả rất khác nhau. Một chiếc điện thoại Vertu đính đá có giá 19.900.000đ, điện thoại iPhone 4S giống y như thật giá 1,3 triệu đồng, điện thoại mobiado giá 2.950.000đ... 
 
Khi chúng tôi hỏi mua "bút tàng hình", nhân viên bán hàng cho hay, giá 400.000đ. Theo nhân viên này, bút có thể sử dụng trong nhiều trường hợp với mục đích sau khi viết chữ mất đi, không còn lại chứng cứ gì đã viết. Thậm chí, nhân viên này còn cam đoan, sau khi viết bút này, từ 5 phút đến 24 giờ mực sẽ bay hết, không còn lại dấu vết gì, thậm chí cả nét bút.
 
Bút được đựng trong hộp màu đen có ba chữ số tám (888). Thân bút màu đen tuyền tương tự chiếc bút mực dạ bình thường. Trừ ba số tám trên, thì cả vỏ hộp lẫn thân bút không có bất cứ thông tin, chú thích nào, dù là tiếng nước ngoài. Khi viết, bút có mực màu xanh giống như mực bút dạ. Mực viết ra không có dấu hiệu nào thể hiện khả năng mất, nhòe. Để chắc chắn chiếc bút này có khả năng "phù thủy" trên, cũng như chúng tôi không bị lừa khi không có chứng cứ đã mua bút tại đây, nhân viên bán hàng nhanh nhảu viết hóa đơn bán lẻ bằng loại bút bi thông thường. 
 
Giải mã công nghệ làm mất màu mực
 
Đúng như quảng cáo, chiếc bút có khả năng biến mất chữ thực sự. Chúng tôi đã viết chữ lên tờ giấy trắng. Sau khoảng 30 phút, mực bắt đầu mờ. Sau khoảng 2 tiếng, mực mờ hơn nữa. Cứ thế, sau khoảng một ngày thì hoàn toàn chữ trên tờ giấy trắng đã biến mất. Chúng tôi thử bằng các cách như soi ánh sáng, làm nóng tờ giấy với mục đích làm chữ nổi lên như các công nghệ trước đây được Việt Nam đề cập đều không có tác dụng. 
 
Để giải mã công nghệ này, TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam đã đồng ý nhận mẫu là chiếc bút phóng viên đã mua tại mobihot.vn để mổ xẻ bằng các phương pháp hóa học phân tích.
 
Theo TS Vũ Đức Lợi, sau một thời gian phân tích và đối chứng với các mẫu mực có khả năng bay hơi bằng phương pháp cảm nhiệt và ánh sáng đều cho thấy không có sự liên quan. Bằng các phương pháp khác, các nhà khoa học đã xác định được phương pháp mất màu mực là: Lợi dụng sự hấp thụ CO2 trong không khí để thay đổi môi trường pH của mực. Khi lượng pH vừa đủ mực sẽ hiện rõ, nhưng khi pH thấp mực sẽ biến mất. 
 
TS Vũ Đức Lợi giải thích cụ thể: Thành phần mực của bút bao gồm ethanol, dung dịch kiềm và chất Thymolphthalein. Chất Thymolphthalein là chất chỉ thị axit bazo, có công thức hóa học C28H30O4. Trong môi trường kiềm, tức tại pH > 9,3 Thymolphthalein có màu xanh. Tuy nhiên, khi pH < 9,3 mực không còn màu. Hiện tượng mất mực xảy ra khi viết lên giấy được dựa vào sự hấp thụ CO2 trong không khí làm giảm pH của mực dẫn đến mất màu.
 
Làm mất, rõ chữ bằng chanh và nước vôi
 
Bên cạnh việc giải mã phương pháp, chất có khả năng khiến mất màu mực sau khi viết, TS Vũ Đức Lợi cũng đã có các phương pháp đơn giản hướng dẫn người dân bị lợi dụng bởi loại bút này như lừa đảo vay tiền... Cụ thể, trước khi viết vào văn bản chính hãy thử bút trên tờ giấy nháp. Muốn phát hiện mực mất hay không một cách nhanh chóng hãy cho vào mực đó mấy giọt chanh, quất hoặc giấm. Chính axit của chanh, giấm sẽ làm pH giảm thấp xuống, mực biến mất tức thì. Trường hợp này người dân không đồng ý sử dụng bút đó để giao dịch. 
 
Ngược lại, trong trường hợp bị mất mực, muốn chữ hiện lên cũng không khó khăn. Người dân hãy dùng nước vôi trong thấm lên phần giấy đã viết chữ đó, màu mực sẽ hiện ra, thậm chí còn rõ hơn lúc viết. Bởi nước vôi sẽ giúp pH lớn hơn 9,3.  
 
Như vậy, bằng các phương pháp khoa học thường thức, đơn giản, dễ sử dụng người dân có thể ứng dụng để vạch mặt những kẻ lạm dụng khoa học để lừa đảo. Các trường hợp lừa đảo này cần đưa ra ánh sáng để pháp luật trừng trị.

Bút thần kỳ vẽ hình ảnh thành vật thật

Bút vẽ 3D mới giúp biến ước mơ sở hữu chiếc bút lông thần kỳ, vẽ hình ảnh thành vật thật của Mã Lương trong truyện cổ dân gian, thành sự thực.
Một công ty đã phát triển công nghệ trong chiếc bút 3D,cho phép biến những bức vẽ thành hiện thực.

Chiếc bút 3 Doodle sử dụng nhựa được đun chảy ở nhiệt độ 270 độ C để thay cho mực và tạo ra vật 3D thay vì những ý tưởng được trình bày trên giấy.

 
 Bút vẽ 3Doodle giúp biến hình vẽ nguệch ngoạc thành những bức tượng điêu khắc tuyệt đẹp.
Lúc đầu bạn dùng 3Doodle để vẽ trên giấy bình thường, với ngòi bút di trên giấy, nhưng sau đó bạn nhấc ngòi bút lên và chiếc bút vẫn tiếp tục vẽ.
“Mực” nhựa cứng và khô gần như là ngay lập tức nhờ một chiếc quạt gắn trên ngòi bút.

Theo nhà sản xuất, bút này được dùng để tạo ra trang sức, hoa tai, nam châm và cho phép người dùng tự tạo ra vỏ bọc máy điện thoại thông minh, laptop và máy tính bảng. Nó cũng có thể được các nhà thiết kế sử dụng để phác thảo ý tưởng của mình dưới dạng 3D, trước khi đưa nó vào sản xuất hàng loạt.
Do nhiệt độ để đun chảy nhựa lên tới 270 độ C nên tốt nhất là không nên để trẻ em đến gần bút.
Ngoài nhựa, công ty này còn dự định dùng đường để làm mực bút.

 

Theo Kienthuc.net.vn.