Các Thánh Tử Đạo Thăng Hoa Văn Hóa Việt Nam

Các ngài là những người đã sống chết cho một lý tưởng cao thượng. Đời sống oanh liệt, cái chết oai hùng của các ngài đã xây dựng nên lâu đài đồ sộ của Đạo Công Giáo tại Việt Nam. Trải qua bao thế hệ, các ngài đã không ngừng rao giảng Phúc Âm, gieo vãi chân lý của một tôn giáo lấy ít thắng nhiều, đem yếu đối mạnh, thua để thắng và chết nhục để sống vinh quang.

Đức Anh Dũng Của Người Tử Đạo
Lm. Mai Đức Vinh & Gs. Nguyễn Xuân Tuệ

 

Mở đầu bài giới thiệu cuốn ‘Máu Tử Đạo trên Đất Việt’ của linh mục Trịnh Việt Yên, linh mục Gioan Baotixita Thanh Hải viết: “Có những người chết đi, thế giới không bao giờ quên được họ. Họ đã biết xả thân cho lý tưởng, hy sinh cho ngày mai của quần chúng. Đời sống họ đã ảnh hưởng đến xã hội nhiều quá. Sự nghiệp họ từ thế hệ này sang thế hệ khác không bớt phần rực rỡ. Những hành vi tư tưởng của họ vẫn còn chi phối loài người một cách mãnh liệt”. 

“Những bậc vĩ nhân đó là các thánh anh hùng Tử Đạo Việt Nam. Các ngài là những người đã sống chết cho một lý tưởng cao thượng. Đời sống oanh liệt, cái chết oai hùng của các ngài đã xây dựng nên lâu đài đồ sộ của Đạo Công Giáo tại Việt Nam. Trải qua bao thế hệ, các ngài đã không ngừng rao giảng Phúc Âm, gieo vãi chân lý của một tôn giáo lấy ít thắng nhiều, đem yếu đối mạnh, thua để thắng và chết nhục để sống vinh quang. Vì thế phụng sự Thiên Chúa với một đức tin bất khuất, các ngài đồng thời lại là những phần tử thực lòng yêu tổ quốc, vì nhờ các ngài biết hy sinh tính mạng mà ánh sáng Phúc Âm đã chiếu soi biết bao người” (1) 

Một trong những đức tính độc sáng của người anh hùng là đức anh dũng. Người anh dũng là người có tư chất anh hùng vượt mức, gọi là ‘cái dũng’ hay ‘đức anh dũng’.

Trong Trang Tử, nói về cái dũng của thánh nhân, có đoạn viết: “Lặn xuống đáy biển mà không biết sợ giao long, đó là cái dũng của người chài lưới. Vào rừng mà không biết sợ hổ, báo, đó là cái dũng của người săn bắn. Thấy gươm bén mà không biết sợ, xem tử như sanh, ấy là cái dũng của người liệt sĩ. Biết được chỗ cùng thông là Thời, Mệnh và bất cứ ở vào cảnh nguy hiểm nào cũng không biết sợ, đó là cái dũng của Thánh nhân” (2)

Giáo Hội quen dùng cụm từ ‘đức anh dũng’ để chỉ về các vị anh hùng tử đạo. Chẳng hạn trong lời nhắn nhủ các Tân Hồng Y, Giáo Hội dạy ‘Các vị hãy phụng sự Giáo Hội với tình yêu thương và lòng hăng say, với lòng trung thành và sự anh dũng của người tử đạo’ (3). Hay khi cổ võ sự thánh thiện của đời sống gia đình, Giáo Hội không ngần ngại tuyên bố ‘sẽ ghi vào trang sử tử đạo của Hội Thánh sự anh dũng của các nhân đức nơi người nam người nữ, đã thực hiện ơn gọi làm người Kitô trong cuộc sống hôn nhân’ (4).

Vào năm 2010, trong thư khai mạc Năm Thánh vào ngày lễ kính 117 Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, đức hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, tổng giám mục Sài gòn và đức cha phụ tá Phêrô Nguyễn Khảm đồng ký, đã nhắc nhở giáo dân ‘tưởng niệm công ơn ông bà tổ tiên cùng các tiền nhân và chứng nhân đức tin trên đất nước Việt Nam, để kín múc từ tấm gương anh dũng trung kiên của các ngài một nghị lực mới giúp chúng ta trung thành với đức tin và nhiệt tâm làm chứng Tin Mừng Đức Kitô’ (5). 

Hơn 100.000 chứng nhân đức tin tại Việt Nam trong 300 năm bắt đạo, với giai đoạn lâu dài nhất là thời Trịnh Nguyễn, dữ dội nhất là thời Tự Đức, Văn Thân, được nhận diện như sau: 150 linh mục Việt Nam, 50 linh mục thừa sai ngoại quốc, 340 thày giảng, 370 nữ tu Mến Thánh Giá, số còn lại giáo dân, quan lại, cai đội, binh sĩ, lý trưởng, y sĩ, trùm họ, thường dân (6). Trong số hơn 100.000 chứng nhân đức tin tại Việt Nam, mới có 117 vị được phong Hiển Thánh, và 1 vị, thày giảng Anrê Phú Yên, được phong Chân Phước.

 

Nhìn vào số các chứng nhân đức tin Việt Nam, đã được tuyên thánh hay chưa, chúng ta thấy ‘đức anh dũng tử đạo’ của các ngài là kết tinh của hai con người thành một: con người Việt Nam với anh hùng tính theo tư chất và văn hóa Việt Nam, con người Công Giáo với sức mạnh tin yêu của Tin Mừng, và hồng ân Chúa Thánh Thần trao ban. Do đó mỗi vị Tử Đạo Việt Nam là ‘một người Việt Nam – Công Giáo trọn vẹn’. Nơi mỗi vị Tử Đạo hội tụ toàn túc, biểu dương đầy đủ đức anh dũng Việt Nam và đức anh dũng niềm tin.

Trong chương sách về ‘Đức Anh Dũng của Người Tử Đạo’ chúng ta sẽ nêu bật những khía cạnh sau đây: 

1. Anh dũng sống ‘chuyên cần lao động và an bần lạc đạo’.

Thời ấy dân ta lấy nông nghiệp làm chủ yếu. Hầu như 99% các đấng Tử Đạo Việt Nam sống cảnh đồng quê, ‘chân lấm tay bùn’, ‘trên đồng cạn dưới đồng sâu, chồng cày vợ cấy con trâu kéo bừa’. Thật đẹp khi chúng ta đọc bài thơ ‘Công việc nhà nông’: ‘… Sáng ngày, đem lúa ra ngâm, bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra, gánh đi ta ném ruộng ta, đến khi lên mạ thì ta nhổ về…’ (7). Họ làm việc chuyên cần đến độ ‘mưa dầu, nắng lửa, sinh ra lừ đừ’, ‘con mắt lừ đừ, cơm chẳng muốn ăn’. Vì thế, người ta khuyên con cái ‘ăn quả nhớ kẻ trồng cây, nào ai vun xới cho mày có ăn’…. Và chính trong nếp sống đồng quê đồng dã như vậy mà truyền thống anh hùng dân tộc nảy sinh. Đinh bộ Lĩnh (970-979), anh em Tây Sơn (1778-1802) là tiêu biểu. Đúng là ‘dân sinh tại cần’ và ‘anh hùng tạo thời thế’, ‘an bần lạc đạo’. 

‘Chuyên cần lao động’ và ‘an bần lạc đạo’ là những sắc thái anh dũng của người Việt Nam lương thiện, trong đó có các Đấng Tử Đạo cha ông chúng ta. Đi xa hơn nếp sống ‘an bần lạc đạo’, các ngài sống tích cực tám mối phúc thật Chúa Giêsu công bố: ‘Phúc cho người có tinh thần nghèo khó’, ‘phúc cho người biết sống hiền lành’, ‘phúc cho người xây dựng hòa bình’, ‘phúc cho người can đảm chấp nhận mọi thử thách và bách hại vì chính đạo’… (Mt 4,3-12). Đọc mấy trường hợp sau đây, chúng ta nhận ra điều đó:

• Ông Micae Lý Mỹ (+1838): sinh năm 1804 tại nông trại Đại Đăng, tỉnh Ninh Bình. Khi lên 10 tuổi thì mất cha, rồi hai năm sau mất mẹ, phải đi ở với dì. Tuy nhà khó khăn thiếu thốn, bà dì vẫn liệu cho cháu ăn học chữ nho… Khi lập gia đình và đã có 8 mặt con, ông bỏ nghề nông quay sang học nghề bốc thuốc. Ông siêng năng đọc kinh tối sớm và đi dâng lễ. Ông ăn ở hiền lành, chẳng bao giờ nặng lời với với vợ con và người khác. Bà Lý kể: “Suốt 18 năm trời chung sống, chỉ có một lần ông tát tôi một cái vì tôi lười đọc kinh. Ngoài ra tôi chẳng thấy ông uống rượu, đánh bạc hay chửi ai bao giờ. Ông chỉ biết cần cù làm ăn, săn sóc cửa nhà và giữ đạo. Vì thế trong làng coi ông như gương sáng phải bắt chước” (DMAH 2, 180-181) (8). 

• Bà Anê Lê Thị Thành (+1841): Trong muôn vàn người nữ anh hùng xưng đạo, Giáo Hội đặc biệt ghi ơn bà Anê Lê Thị Thành. Bà sinh ra trong một gia đình công giáo, thuộc làng Gia Miếu tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ bà đã tỏ ra là một gương mẫu đạo đức, giúp mẹ tiêm trầu bán kiếm cơm ăn, siêng năng đọc kinh, xưng tội, rước lễ… Năm 19 tuổi kết hôn với một thanh niên tên là Nguyễn Văn Nhật. Hai vợ chồng sống chung hòa thuận, chu toàn các bổn phận. Gia đình sinh sống bằng việc cày ruộng và nuôi tằm. Hai ông bà có sáu người con. Lúc bà chết, bà có tất cả 17 cháu trai và gái… Gia đình bà không giàu, không nghèo, nhưng cả nhà chuyên cần làm ăn và không bao giờ từ chối một ai đến xin ăn. Bà Thành dạy con cái rất chu đáo. Khi con cái khôn lớn lập gia đình rồi, bà vẫn còn xem xét và thúc dục đi dự lễ, xưng tội, giúp việc nhà thờ. Mọi người trong làng đều quý mến hai ông bà, vì chẳng bao giờ thấy hai ông bà cãi nhau hay sinh sự với người khác. Cả hai chỉ biết nhịn nhục và yêu người. Trong thời kỳ cấm đạo, hai ông bà luôn can đảm mở rộng cửa đón tiếp các linh mục. Cha Khoan (+1840) đã có một thời trú ẩn trong nhà bà và sau còn cụ Kim, Ngân (+1840) và thày Thành (+1840). Nhà bà đã trở thành nơi các cha dâng thánh lễ và gửi giấu các đồ lễ… Và đây là lý do khiến bà bị bắt và được phúc chết vì đạo một cách anh dũng. (DMAH 3, tr.23-25)

• Binh sĩ Anrê Trần Văn Trung (+1835): Lớn lên được bố mẹ lo cho đi học hai nghề thợ bạc và thợ dệt. Nhờ chịu khó, Trần văn Trung có tay nghề. Năm 20 tuổi được nhận vào đội lính dệt của hoàng gia, trong đó có 8 người là công giáo. Binh sĩ Trung trẻ nhất nhưng luôn chăm chỉ làm việc. Đặc biệt luôn tỏ ra là người trẻ anh dũng, trả lời cương quyết trước tòa án: “Quan thương thì tôi được nhờ, bắt làm gì tôi cũng làm, nhưng bỏ đạo thì tuyệt đối không” (DMAH 2, tr.68). 

2. Anh dũng ‘cải ác hoàn lương’, ‘cải tà quy chính’:

‘Nhân vô thập toàn’, ai mà chẳng có những lúc lầm lỗi. Nhưng điều quan trọng là biết ‘cải tà qui chính’, biết ‘cải ác hoàn lương’, biết ‘tu thân tề gia’. Tu thân là tự sửa mình mà sống nết na, tề gia là biết xếp đặt công việc trong nhà, sống trọn bổn phận đối với gia đình. Trên đời, những người ‘phục thiện’ thì ít, những kẻ ‘tự kiêu’ cho rằng ‘cả đời đều đục chỉ mình là trong’ thì nhiều. Câu truyện ‘Thầy trò dạy nhau’ cho ta thấy tấm gương ‘khiêm tốn phục thiện’ của Lão Tử và Thường Trung (9). Còn nhiều chuyện khác được ghi lại trong sách giáo khoa cơ bản dạy chúng ta phải biết tự giác, như ‘Người say rượu’, ‘Người nghiện thuốc phiện’, ‘Chớ nên ham mê cờ bạc’ (10). Người ta kể rằng: Ông Trình Tử xưa để hai cái lọ trên bàn làm việc. Mỗi khi trong bụng nghĩ một điều tốt, thì ông bỏ một hạt đậu trắng vào trong một lọ. Mỗi khi nghĩ một điều gì xấu, thì ông lại bỏ một hột đậu đen vào cái lọ kia. Lúc đầu, đậu đen nhiều, đậu trắng ít, nhưng chẳng bao lâu, đậu trắng nhiều hơn đậu đen. Ông Trình Tử bền tâm quyết chí tu thân như thế mới trở thành hiền triết, thành người có đức anh dũng. Sách cổ có câu: “Từ đấng thiên tử cho đến kẻ thứ nhân, ai ai cũng phải lấy sự tu thân làm gốc” (11). 

Đức anh dũng của người tử đạo nhiều trường hợp giống đức anh dũng của thánh Phêrô ‘chối Chúa ba lần rồi khi nghe gà gáy, nhớ lại lời Thày đã nói trước, nên hối hận, khóc ròng’ (Lc 22,54-62), trở về ‘chung thủy với Chúa cho đến chết’. 

• Hối cải vì đã ‘lỗi đạo vợ chồng’: Thánh binh sĩ Augustinô Phạm Viết Huy (+1839) dù đã xưng đạo cách can đảm, vẫn cảm thấy mình tội lỗi cần phải gặp cha để đi xưng tội. Vì ngài là người công giáo nhưng lại có hai vợ. Ngài đã cưới người vợ có đạo, rồi sau lại cưới một người ngoại đạo ở tỉnh. Ngài tìm cách hối lộ để có thể về nhà giải quyết vấn đề gia đình và gặp cha để lo xưng tội. May mắn, thánh nhân gặp cha Thiều cũng có tên là cha Năng đang làm phúc tại họ Phú Đường, gần nhà ngài. Ngài đến xin cha Thiều tha tội. Cha Thiều buộc ngài phải làm giấy bỏ vợ hai. Ngài vâng lời. Cha cũng an ủi và khuyên ngài chịu khổ vì đạo. Sau khi chịu các phép bí tích, sáng ngày hôm sau ngài trở lại nhà giam để tiếp tục xưng đạo Chúa cách anh dũng (DMAH 2 tr.298-299). Thánh Matthêô Lê Văn Gẫm (+1847) lúc còn trẻ đã có lần lỗi nghĩa vợ chồng. Ngài hối cải và ăn năn đền tội. Ngài quyết tâm trở lại, sống đạo đức và dấn thân giúp việc nhà Chúa… (DMAH 3 tr.39).

• Hối lỗi vì ‘một lời khai thiếu khôn ngoan’: Cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm (+1838) vì tuổi già và bị đe dọa nên đã khai tên mấy gia đình đã cho cha trú. Khiến ông Sang, thày Lang và mấy người khác bị bắt. Cha hối hận, khiêm tốn thưa với quan huyện: ‘Thưa quan, vì tôi đã già 80 tuổi rồi, lại quá sợ hãi, nên tôi đã khai tên một số người, tôi xin quan trả tự do cho họ’ (DMAH 2 tr.268).

• Khiêm tốn nhận hình phạt: Theo lời chứng của một thày giảng, thì khi cha thánh Tịnh (+1857) làm bề trên tràng Latinh Kẻ Vĩnh, hay bị đức cha phạt. Ba trường hợp được ghi lại: 1) Cha Tịnh cho chạm trổ cửa phòng ngài ở. Đức ca khiển trách ‘Cha xem nhà của đức cha đơn sơ mà nhà cha thì chạm trổ trong thời cấm đạo ngặt nghèo được sao?’. 2) Cha Tịnh dẫn chủng sinh lên chào thăm đức cha và xin phần thưởng. Đức cha mắng: ‘Cha nhẹ tính, nhẹ dạ, chỉ muốn lấy lòng học trò. Chớ thì chỉ có mình cha là người biết thương chủng sinh, còn đức cha không thương các chủng sinh sao?’. 3) Cha quản lý lên thưa với đức cha rằng ‘Cha bề trên Tịnh thương học trò mà không nghĩ đến ích chung’. Đức cha gọi cha Tịnh lên khiển trách. Mỗi lần như vậy, đức cha đều ra hình phạt cho cha Tịnh phải lần hạt hay giúp tiền cho trại cùi. Cha Tịnh cúi đầu nhận lỗi và nhận hình phạt. Không bao giờ biện minh một lời (DMAH 3 tr.149).

3. Anh dũng trong ‘công việc phục vụ dân nghèo’
Người anh hùng không phải là người ‘an phận thủ thường’, chỉ cốt sao được yên ổn cho bản thân. Trái lại phải là người ‘kinh bang tế thế’, người có chí lớn để lo cho người khác sống an bình, cơm no áo ấm và nhất là sống đúng theo luân thường đạo lý. Ông Tiết-Huyên khẳng định: “Người ta phạm muôn nghìn tội lỗi vì chứng bệnh ‘Chỉ biết có mình’. Nghĩa là người ta chỉ muốn cho mình giàu, chỉ muốn cho mình sang, chỉ muốn cho mình sống, chỉ muốn cho mình vui, chỉ muốn cho mình yên, chỉ muốn cho mình thọ… còn người khác hèn, nguy khổ, lụn bại, chết chóc, nhất thiết là chẳng nghĩ gì đến cả. Bởi thế mà sinh ý chẳng liên can, thiên ý đến tuyệt duyệt, tuy có hình người, kỳ thực không khác gì cầm thú. Ví bằng trừ được chứng bệnh ‘chỉ biết có mình’, thì tâm địa rộng rãi thông minh, giàu, sang, nghèo, hèn, vui, khổ, sống, chết, đều cùng chung với cả loài người, thì sinh ý quán triệt, ai nấy được hả lòng mà thiên ý giữ được trọn vẹn” (12). Tóm lại, người anh hùng hay người có đức dũng cảm không phải là người ích kỷ, hẹp hòi, không biết cảm thông và giúp đỡ… nhưng là người đại lượng, biết nghĩ đến người khác, nhất là những người nghèo khổ: ‘cúc cung phục vụ’, ‘cúc cung tận tụy’ (hết tâm hầu hạ, cung phụng). 

Nói theo Tin Mừng, người anh dũng là người biết quan tâm phục vụ những người bé nhỏ: đau yếu, không cơm ăn, không áo mặc, không nhà ở, bị cầm tù… (xMt 25,31-37), người anh dũng là người ‘sống nhỏ bé giữa anh em, người hầu hạ anh em, người đến để phục vụ anh em và, khi cần, sẵn sàng thí mạng vì anh em’ (xMt 10,40-45). Mỗi người Tử Đạo là người có đức anh dũng phúc âm theo gương Chúa Giêsu:

• Thánh linh mục Luca Vũ Bá Loan (+1840): Cha sống dịu dàng, không bao giờ la mắng người giúp việc dù bé nhỏ… Mỗi ngày cha có một thứ công việc để làm. Cha rất quan tâm đến việc đạo đức hằng ngày… Theo cha Gauthier kể: Cha rất nhiệt thành giúp đỡ linh hồn người ta. Bằng cớ: một lần kia, ngài mắc bệnh phải nằm liệt trong giường nhưng vừa nghe có người trong xứ bị bệnh thổ tả, ngài chỗi dậy đi giúp họ tức thì. Người nhà ngăn cản: ‘Nhưng cha đi đứng không vững làm sao đi tới nơi được?’ – ‘Vậy các con hãy cáng cha đi!'. Tới nhà bệnh nhân, cha bị bất tỉnh tới một tiếng đồng hồ. Vừa tỉnh lại, ngài hỏi ngay: ‘Người đau còn sống không?’. ‘Dạ, còn’. ‘Dẫn họ tới đây cha ban các phép cho họ’ (DMAH 2 tr.420-421).

• Thánh trùm Anrê Thông (+1855): Giáo dân Gò Thị (Qui Nhơn) vô cùng mến phục ông trùm của họ. Vì trong thời bắt đạo, ông luôn đứng mũi chịu sào, che giấu đồ đạo, bảo vệ các linh mục và che chở giáo dân trong họ. Ông có lòng bác ái độ lượng, tinh thần nhiệt thành giảng dạy và giúp đỡ giáo dân lãnh nhận các bí tích. Ông không bao giờ uống rượu hay ngồi không nhàn rỗi… Cảm phục đức thương người và lòng nhiệt thành làm tông đồ của ông trùm Thông, Đức cha Cuénot đã gọi ông là ‘bông hoa của toàn giáo phận Qui Nhơn’ (DMAH 3 tr.104-105).

• Thánh Matthêô Nguyễn Văn Đắc (+1861). Tuy chỉ là một giáo dân, làm ăn lương thiện, nuôi vợ nuôi con. Trước tiên là nghề bốc thuốc, sau đổi sang nghề buôn bán. Thế nhưng cả họ đạo Sáo Bùn lại mến phục và quen gọi ông là thày giảng. Ông chăm lo việc rửa tội cho các em thơ sinh, chăm lo những người đau yếu trong họ cả về thuốc men, ăn uống và rước cha đến ban phép xức dầu. Vì thế gia đình ông trở thành chỗ đi lại, ẩn lánh của các linh mục, các thày giảng trong thời bắt đạo. Khi bị lính vây bắt, ông đã 60 tuổi. Thấy các con lo sợ và khóc lóc, ông khuyên răn: ‘Chúng con hãy vui lòng về số phận của cha, số phận của cha như vậy là phúc lắm. Các con đừng khóc, đừng buồn phiền, hãy yêu thương giúp đỡ lẫn nhau’ (DMAH 3 tr.268).

4. Sống anh dũng ‘bị phản bội mà không than trách, không thù oán’.

‘Phản bội’ là chuyện muôn thuở của con người. Có nhiều thứ loại và cấp bậc phản bội: phản bội quốc gia, phản bội dân tộc, phản bội giáo hội, phản bội gia đình, phản bội tình yêu, phản bội thày cô, phản bội bằng hữu… Theo ‘Từ Điển Tiếng Việt’ của Văn Tân (Hà Nội 1991), ‘Phản bội là hành động chống lại quyền lợi của cái mà nghĩa vụ bắt buộc mình phải tôn trọng và bảo vệ, của người mà điều cam kết bằng lý trí hoặc tình cảm đòi hỏi ở mình lòng trung thành tuyệt đối’. Vì từ ‘phản’ và từ ‘bội’ đều chung một nghĩa là ‘chống lại’, nên nhiều khi người ta chỉ viết tắt ‘phản quốc’, ‘phản dân’, ‘phản thày’, ‘phản phúc’… Đọc lịch sử, chúng ta gặp quá nhiều câu chuyện buồn về sự ‘phản bội’ này. Có nhiều nguyên nhân gây nên việc phản bội: vì thù hằn, vì tranh quyền, vì tham tiền của, vì không đồng chí hướng, vì nhát đảm… Phản bội là hành động ngược với đức Nghĩa và đức Tín trong Ngũ Thường. Người phản bội đâu còn nhớ lời ông bà ‘nghĩa nặng tình sâu chớ quên, ghi lòng tạc dạ quyết đền nghĩa ân’, họ là người ‘vong ơn bạc nghĩa’. Người phản bội không thể là người có lòng thành, họ hành động ngược lại lòng tin tưởng của người khác tin yêu họ… Trước những hành động phản bội, các Đấng Tử Đạo đã ứng xử đúng với lời dạy của các vị hiền triết tổ tiên: ‘Đấng trượng phu đừng thù mới đáng, đấng anh hùng đừng oán mới hay’.

Trong Tân Ước Giuđa phản bội ‘bán’ Chúa Giêsu vì ham tiền, coi thầy chỉ đáng giá ba mươi đồng bạc, và ‘giả hình đến độ’ lấy cái hôn làm dấu nộp thày… (Lc 22,3-6), Phêrô phản bội ‘chối’ Chúa Giêsu vì nhát gan, vì tự tín quá đáng, nhưng nhờ ánh mắt của Chúa, Phêrô bừng tỉnh ‘hối hận và khóc lóc thảm thiết’ (Lc 22,54-62). Trong truyện các Thánh Tử Đạo, chúng ta bắt gặp nhhiều trường hợp phản bội ‘cùng ăn một bàn rồi lại giơ chân đạp cho ngã’ (Tv 40,10; Ga 13,18). Theo gương Chúa Giêsu, các Thánh không một lời oán trách, không nguyền rủa, nhưng sẵn sàng đón nhận ý Chúa. Chúng ta nêu lên mấy trường hợp làm bằng chứng:

• Móc mắt người đau hay người chết: Vì ghét đạo công giáo, nhiều lương dân, nhiều quan lại đã ‘phản bội đồng bào ruột thịt của mình bằng những lời vu khống quái ác’, đặc biệt về ‘tội móc mắt người đau ốm’. Lời tố cáo này âm ỷ trong dân chúng từ lâu, tới năm 1826 Bộ Lễ đã kiến nghị dâng lên vua Minh Mạng xin trừ diệt đạo Giatô, trong đó có câu: “…Những người rao giảng khuyến dụ dân theo đường hư hỏng, những người móc mắt người ốm, nếu bị bắt sẽ bị phạt theo trọng tội” (DMAH 2 tr. 22). Đến năm 1835, ngay lúc sắp xử lăng trì cha Marchand Du, quan còn hỏi cha: “Vì lý do gì, bên đạo móc mắt người chết?”. Cha Du trả lời vắn gọn: “Không bao giờ tôi thấy như vậy” (DMAH 2 tr 82). Mãi tới năm 1856, trong phiên tòa xử cha Laurensô Nguyễn Văn Hưởng (+1856), quan đầu tỉnh Hà Nội còn hỏi cha: “Tại sao khi người ta đau ốm, các đạo trưởng đến khoét mắt đem về làm thuốc cho người ta mến và theo đạo?”. Cha Hưởng thưa: “Bẩm quan lớn điều ấy không đúng. Bên Phật giáo họ ghét đạo nên bỏ vạ cho chúng tôi như vậy. Những người kẻ liệt thì cũng một nửa còn sống, nếu khoét mắt thì họ mù làm sao còn xem được nữa. Vì khi còn khỏe, người ta hay dùng ngũ quan mà phạm tội, nên khi họ ốm đau, chúng tôi đến xức dầu thánh nơi con mắt và chân tay để trừ tội và ma quỷ chứ không làm sự gì khác” (DMAH 3 tr.113-114). 

• Chỉ điểm cho quan bắt các linh mục vì tham tiền: Vì tham số tiền lớn mà quan tổng trấn Trịnh Quang Khanh hứa cho, Ông Đặng Đình Lai là anh ruột và ông Đặng Đình Nhật là cháu ruột của cha Giuse Đặng Đình Viên (+1838) đã chỉ điểm cho lính của quan tổng trấn đến bắt cha. Câu chuyện khá li kì: Đã hơn một năm tổng trấn Trịnh Quang Khanh muốn lùng bắt cha Giuse Đặng Đình Viên mà không thành công. Quan liền nghĩ ra một xảo kế, là giả mạo người nhà viết thư và thuê ông anh ruột và người cháu ruột của cha đem thư đến chỗ cha trú ẩn. Sau hai tháng lần mò, ông Lai và ông Nhật tìm ra được nơi trú ẩn của cha Viên. Đó là nhà bà Nhì thuộc họ Cầu Chảy, xã Như Thiết… Cha Viên vừa ngó đầu ra nhận thư, thì lính nom thấy và ập vào. Người ta tìm cách đưa cha Viên ra trốn ngoài vườn mía. Bắt hụt cha viên, quân lính bèn bắt một đứa bé con bà Nhì ra tra khảo. Bị đánh đau quá em bé khóc la inh ỏi: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin đến cứu con, con không biết chỗ ẩn núp của linh mục đó”. - Cha Viên nghe vậy, mủi lòng chui ra khỏi vườn mía và nói: “Tôi đây là linh mục Viên, hãy bắt tôi và tha cho em bé, nó vô tội”. Tất cả quan quân đều khâm phục gương anh dũng và lòng thương người của cha Viên (DMAH 2 tr.205-206) 

• Không oán trách hay thù hằn: Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu (+1854) là trùm của họ đạo Mặc Bắc. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên gia đình sống khá giả. Ông Lê Đạo Quyền ở sát nhà ông trùm Lựu làm chứng rằng: “Ông trùm lựu là một tín hữu thánh thiện, không bao giờ nói xấu hay làm thiệt hại ai cái gì. Ông không hề uống rượu, tính rất hiền lành. Nhà ông là nơi đi lại và ẩn tránh của nhiều linh mục, thày giảng. Hôm ấy có cha Lựu và cha Minh cùng đến trốn tại nhà ông trùm Lựu… Hai người công giáo là Bếp Nhẫn và Xã Hiệp biết được. Hai người này, vốn tức giận về chuyện cha Lựu không cho hai ông mượn tiền, bèn coi đây là dịp tốt để có tiền, nên mau chân đi báo quan và dẫn lính đến vây nhà ông trùm Lựu. Cha Lựu trốn được còn cha Minh nộp mình để lính khỏi phá nhà ông trùm Lựu. Nhưng lính không chịu, họ bắt cha Minh, ông trùm Lựu và thêm 6 người khác nữa…” Trước mặt ba quan tòa, ông trùm Lựu hiên ngang nhận ông là người đã từng tiếp đón các đạo trưởng. Quan hạch hỏi lý do, ông trùm Lựu trả lời thẳng thắn: ‘Thày tôi đến thì tôi nuôi’. Quan ép ông phải đạp lên ảnh Thánh Giá, chứ đừng theo gương cha Minh mà bị chết. Ông trùm Lựu trả lời: “Cụ tôi chết thì tôi cũng chết. Tôi không bao giờ đạp ảnh”. Quan tức giận, cho lính đánh 100 trượng trước khi dẫn về nhà tù và làm bản án trảm quyết… Dù phải chịu nhiều trận đòn, nhiều xỉ nhục, ông trùm Lựu vẫn kiên trì, vẫn sống hiền lành và quảng đại. Trước khi chết rũ tù, ông dặn vợ và con cháu: ‘đừng thù hằn báo oán những người tố cáo ông, làm hại gia đình. Tha nợ cho những người đang mang nợ gia đình. Cố gắng cầu nguyện và khuyên bảo những người khô khan hay chối đạo mau ăn năn trở lại’… (DMAH 3,92-96). 

5. Anh dũng tuyên bố ‘mình là người theo đạo thật, là người công giáo thật’.

Người anh hùng là người tự trọng, không để ai khinh chê danh xưng của mình, không chịu cho ai xúc phạm đến tôn giáo hay lý tưởng, niềm tin của mình. Anh hùng là người sống có chính nghĩa. Đối với họ, cái gì cũng phải ‘trong sáng’, ‘danh chính ngôn thuận’. Họ không hành động vì danh nghĩa hay danh lợi riêng của cá nhân, nhưng vì danh nghĩa và danh lợi của gia tộc, tập thể, quốc gia. Những người như quý ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông Phùng khắc Khoan, Hoàng Trung, Ngô Quý Siêu, Phan chu Trinh, Phan Bội Châu… đều đồng quan điểm: ‘phải hành động vì dân vì nước. Người, dân ta, của, dân ta. Dân là nước, nước là dân (13). Nghĩa là phải hành động với danh nghĩa ‘vì dân vì nước’ và phải tôn trọng và hãnh diện về danh nghĩa hành động của mình. Nếu phải sống làm sao để ‘danh lưu thiên cổ’, ‘danh bất hư truyền’ thì cũng đừng quên rằng ‘danh ô nan thục’, ‘mua danh ba vạn, bán danh ba đồng’.

Trong ý nghĩa hoàn toàn siêu nhiên, Chúa Giêsu luôn hãnh diện và trung tín với danh nghĩa là ‘người được Chúa Cha sai đến trần gian’ (Ga 8,42; 17,3; Mt 21,27; Mc 12,6; Lc 20,16) và Thánh Phaolô tự hào và trung kiên với danh nghĩa ‘được Chúa Giêsu gọi làm tông đồ’ (1Cr 1,1; 2Cr 1,1; Ep 1,1). Thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta niềm hãnh diện và tự hào về ‘danh xưng người Kitô hữu’: Nhờ đức tin, người Kitô hữu đã nhận được sự hãnh diện tiên khởi (Dt 3,14) mà họ tự hào duy trì cho tới cùng như một hãnh diện vui tươi đầy hy vọng (Dt 3,6). Họ không thể làm mất sự hãnh diện vững bền này ngay cả trong lúc bị bách hại (Dt 10,34 tt) sợ rằng Chúa Kitô sẽ hổ thẹn vì họ trong ngày phán xét (Lc 9,26 tt). Người Kitô hữu sẽ biểu lộ sự hãnh diện của họ ở dưới thế gian này khi họ làm chứng về đức Kitô phục sinh. Như trường hợp của các Tông Đồ, dù ít học (Cv 4,13), các ngài đã không sợ sệt, nhưng hãnh diện và tự hào, tuyên giảng Tin Mừng (Cv 4,29+31; 9,27 tt; 18,25 tt) trước một đám thù nghịch và khinh bỉ. Quả thật như Phaolô, như mọi Tông Đồ, các tín hữu thời xưa hay thời nay phải hãnh diện về danh nghĩa và thiên chức của mình, mà khẳng định ‘Chúng tôi tin nên chúng tôi tuyên chứng’ (Cv 4,13).

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã tỏ ra là những người Kitô hữu anh hùng, anh dũng khi các ngài hãnh diện, tự hào về danh xưng của mình, về tôn giáo chân thật của mình; đồng thời đòi hỏi người khác phải tôn trọng đạo giáo mình ôm ấp. Nói tắt, các ngài hãnh diện về đức tin, về Giáo Hội, về Thiên Chúa của mình.

• Hình nhục ‘bôi nhọ danh nghĩa’. Những thập niên đầu tiên của công trình truyền giáo ở Việt Nam, vì ngôn ngữ bất đồng, người ta hiểu sai rằng: ai tin đạo Thiên Chúa là tin ‘Đạo Hoa Lang’ nghĩa là tin đạo người Hòa Lang rao giảng. Vì thế để cấm dân không được tin theo, chúa Trịnh Cương, năm 1712, đã ra sắc lệnh:… Sau một tháng thông báo tờ xuất giáo, nếu bắt được người nào còn theo đạo này hoặc tàng trữ đồ đạo thì cho phép phường trưởng, xã trưởng hay bất cứ ai được tố cáo với quan án. Sau khi đã bắt và xét xử, và nếu thấy có tội trạng, thì giao nộp cho quan trấn để cắt tóc đàng sau gáy, thích bốn chữ ‘Học Hoa Lang Đạo’ vào mặt để làm gương cho các người khác còn mù quáng tin theo. Mỗi người bị kết án phải nộp tiền phạt là 100 quan để thưởng công cho người tố giác. Một trong những ‘thành quả’ của sắc lệnh là tại địa phận Đông Ký có 304 người bị thích chữ ‘Học Hoa Lang Đạo’ (DMAH 1 tr. 140 +144). Cũng vậy, thày giảng Phêrô Nguyễn Khắc Tự (+1840) quê tỉnh Ninh Bình, bị vua Minh Mệnh kết án đi đày đến Phú Yên và bị khắc lên hai má: má trái chữ ‘Tả Đạo’ và má trái ‘Phú Yên’ (DMAH 2 tr.447).

• Hãnh diện và đòi hỏi tôn trọng danh xưng ‘Đạo Giatô’, ‘Đạo chân thật’: Sách ghi lại rằng: Hôm xuống tàu ở cửa Thuận An để đi Phú Yên, một thơ lại cầm giấy điểm tù, đến tên thày Tịnh (+1857) thì thêm câu ‘tòng Giatô tả đạo’, thầy Tịnh ngồi yên bất động, dù quan gọi ba bốn lần. Quan nóng giận quát lên: ‘Thằng nào láo, gọi tên mà không thưa’. Bấy giờ thày Tịnh mới lên tiếng: “Tôi đây, tôi không thưa vì ông gọi tôi là người theo tả đạo. Đạo tôi là chính đạo, có tam cương ngũ thường rõ ràng, bao giờ ông gọi là đạo ‘Giatô’ bỏ chữ ‘tả đạo’ đi thì tôi mới thưa. Quan phải chịu theo…”. Hơn thế, sau 38 ngày bị tù tội, trước khi bị đi xử tử, quan án còn dụ thánh Tịnh quá khóa, ngài thưa cách dõng dạc và hãnh diện: “… Đạo Thiên Chúa là đạo thật, tôi mến, tôi giữ từ nhỏ, dù có chết tôi cũng không bỏ” (DMAH 3 tr.135+141).

• Hãnh diện và trung tín với ‘thiên chức đạo trưởng, thày giảng, trùm họ và Kitô hữu’: Hầu như linh mục hay giám mục nào bị bắt cũng đều tỏ ra cách anh dũng mình là ‘đạo trưởng’, là ‘người hướng dẫn giáo dân’, là ‘người rao giảng tin mừng’.

+ Thày Vinh Sơn thưa với chúa Trịnh Giang (1736): “Thưa chúa thượng, tôi là một tín hữu công giáo từ thuở bé và rất hãnh diện được làm người Kitô hữu. Tội của tôi chỉ là như thế. Tôi vui mừng được chịu cực hình vì lý do chính đáng” (DMAH 1 tr.163).

+ Thày giảng Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu (+1839): Sau khi bị bắt, quan Bố Chính cho điệu thày ra xét xử. Quan hỏi thày: “Mày có phải là một trong những tên theo hầu cụ Tự không?” - Thày Mậu trả lời quan lớn với những lời khảng khái và hãnh diện về danh hiệu thày giảng của mình (DMAH 2 tr.345).

+ Ông trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu (+1854): rất nhiệt tình trong bổn phận của một ông trùm họ đạo. Ông lo cho họ đạo và thay cho họ đạo làm những việc thật anh dũng và gan dạ để phục vụ các linh mục đến trong họ đạo. Chính do lòng nhiệt thành tông đồ của ông trùm họ đạo mà ông Lựu đã bị bắt ‘khắc chữ tà đạo trên mặt và bị đi lưu đày’ (DMAH 3 tr.92-93). Bốn năm sau, ông trùm Emmenuel Lê Văn Phụng (+1859) bị bắt và khi quan hỏi ông “có phải mày là trùm trưởng không?”. Ông Phụng thưa thẳng thắn: “Phải, tôi là trùm trưởng. Tôi lo cho giáo dân trong họ với hết khả năng của tôi” (DMAH 3 tr.212). 

+ Linh mục Phêrô Khanh (+1842): Khi bị quan tuần khám xét và tra hỏi: “Ông làm gì mà có sách, bình dầu và dây này? Ông là thày thuốc hay là gì?” - Cha Khanh không dấu diếm, khai ngay: “Tôi là đạo trưởng”. Cha liền bị trói, đóng gông và dẫn đi tù… Đến sau, vì muốn ăn tiền, quan bảo ngài cứ khai ‘mình là thày thuốc’ để quan tha cho. Cha Khanh không chịu, ngài thưa quan cách thẳng thắn: “Bẩm quan lớn, như vậy không được, tôi là đạo trưởng chứ không phải là thày thuốc”. Lần khác, cha còn thưa cách dõng dạc: “Thưa quan lớn, nếu tôi khai là thày thuốc, đến sau có ai lên làm đạo trưởng giúp dân, thì liệu còn ai tin lời tôi nữa?”. - Trước khi làm bản án, các quan còn khuyên cha Khanh một lần nữa, là ‘đừng khai mình là đạo trưởng, mà chỉ là thày thuốc, như vậy án sẽ nhẹ đi hay có thể được tha bổng’. Cha Khanh không chịu, thưa rằng: “Thưa các quan, tôi đã làm đạo trưởng, giảng giải khuyên răn giáo dân thì tôi phải cứ sự thật mà khai, chẳng nên nói dối. Vì vậy, tôi đã là đạo trưởng mà khai là thày thuốc là nói dối tỏ tường. Quan có lòng thương mà tha thì tôi đội ơn, nhược bằng quan không thương mà khép tội, hay chém tôi ra làm mấy phần, tôi vẫn vui lòng. Tôi là đạo trưởng thì tôi phải trung tín với chức vụ đạo trưởng” (DMAH 3 tr.33-34). 

6. Anh dũng đón nhận mọi hành nhục.

Đọc ca dao tục ngữ, chúng ta gặp nhiều lời dạy thâm thúy của ông bà về một khía cạnh của người anh hùng hay người có đức anh dũng: - Người anh dũng là người gặp nhiều gian nan: ‘anh hùng đa nạn’ hay ‘nằm gai nếm mật’; nên phải bền chí ‘đã quyết thì hành’ hay ‘đâm lao phải theo lao’; phải được thử thách và toi luyện: ‘vàng thì thử lửa thử than’ hay ‘lửa thử vàng gian nan thử đức’; thậm chí đến hy sinh tính mạng: ‘vào sinh ra tử’ hay ‘chết vinh hơn sống nhục’… - Người anh dũng chấp nhận đau khổ, phải kiên trì giữa mọi khó khăn, phải can đảm trước mọi thử thách, bởi vì ‘làm trai quyết chí tu thân’, ‘khi nên trời giúp công cho’, ‘trời sinh trời chẳng phụ nào, phong vân gặp hội anh hào ra tay’, ‘trí khôn sắp để dạ này, có công mài sắt có ngày nên kim’. Cho nên ‘Vàng tâm ngâm nước vẫn tươi, anh hùng lâm nạn vẫn cười vẫn vui’.

Chuyện ông Nguyễn Văn An, ông Châu Trí và ông ông Nguyễn Văn Hiếu được kể lại trong ‘Quốc Văn Giáo Khoa Thư’ là những gương sáng tuyệt vời về ‘những người anh hùng có đức anh dũng’. Nhờ biết ‘chịu thương chịu khó’ ngay từ nhỏ, biết ‘dùi mài kinh sử’ suốt thời thanh niên, các ngài đã thành những người ‘tài đức kiêm toàn’, hết mình phục vụ đồng bào (14).

Trong Tân Ước, gương anh dũng của Chúa Giêsu về ‘sự chịu thương chịu khó, chịu sỉ nhục và chịu chết vì yêu thương loài người’ thật toàn hảo. Ngài đáng được tôn vinh là ‘Vua của các anh hùng tử đạo’. Cho nên, ‘trong lúc chịu khổ hình, các anh hùng tử đạo của Chúa Kitô, đăm đăm hướng về trời và cầu nguyện: Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con’. (Lễ chung các Thánh Tử Đạo). Có lẽ, không vị thánh nào mời gọi giáo dân theo sát gương của Chúa Giêsu bằng Thánh Phaolô. Chúng ta hãy nghe lời ngài: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Chúa chúng ta”. (Rm 8, 35-39). 

Là người Việt Nam-Công Giáo, các Đấng Tử Đạo tiền nhân của chúng ta đã thể hiện đức anh dũng theo một lúc cả hai nền văn hóa: văn hóa Việt Nam và văn hóa Tin Mừng. Lời dạy của tổ tiên thấm nhuần trong máu huyết và não trạng của các ngài đã được đổi mới, thăng hoa và siêu nhiên hóa nhờ văn hóa Tin Mừng, nghĩa là nhờ đức tin và tình yêu dâng lên cho Thiên Chúa theo gương Chúa Giêsu và các Thánh, đặc biệt Thánh Phaolô. Đó là sức mạnh giúp các ngài anh dũng chấp nhận mọi đau khổ và cả cái chết vì Chúa, vì anh chị em và vì phần rỗi của riêng mình. Dưới đây chúng tôi không nhắc đến những khổ nhục thông dụng, như đánh đòn, đeo gông, bị trói, giam tù… mà chỉ nhắc đến ‘mấy hành nhục’ quá ‘ghê sợ’ mà các vua quan đã sử dụng để hành nhục các ngài. Và các ngài đã chấp nhận một cách anh dũng vì đức tin:

• Khắc chữ lên má: Cụm từ ‘Học Hoa Lang Đạo’ như 304 người Kitô hữu ngoài Bắc thời Chúa Trịnh Cương (1709-1929) (DMAH 1 tr.144), hay cụm từ ‘tả đạo’ và ‘Phú Yên’ như trường hợp thày giảng Phêrô Nguyễn Khắc Tự (+1840) (DMAH 2 tr. 447).

• Đặt tên bỉ ổi: Thánh linh mục Martino Tạ Đức Thịnh (+1840) vì già cả lại bệnh tật, đặc biệt bị ghẻ lở hôi hám, nên quan tổng trấn Trịnh Quang Khanh tỏ thái độ khinh bỉ và luôn gọi ngài là ‘ông cụ thối’ (DMAH 2 tr.470).

• Hành nhục tối đa: Thánh Thoma Toán (+1840) nhất định không bước qua ảnh, không khai chỗ ở của các đạo trưởng, đã bị tổng trấn Trịnh Quang Khanh cho lính hành hạ nhục nhã tối đa. Trong ba ngày liền quân lính không để cho ngài yên, họ thay nhau, khạc vào mặt, nhổ râu, giật tóc, đánh vào đầu gối, tiểu vào mặt và còn nhiều lối hành nhục ghê sợ khác… (DMAH 2 tr. 434)

• Bỏ xuống lò nước tiểu: Vì không khuất phục được thánh Martinô Thọ (+1840), quan tổng trấn Trịnh Quang Khanh nổi cơn giận hãi hùng và truyền cho lính bắt trói ông Thọ, ném xuống lò nước tiểu của nhà tù từ trưa tới chiều, rồi giam cơm sáu ngày liền. Ngất xỉu vì mùi hôi nồng nặc của nước tiểu và vì đói lả, ông Thọ bị bất tỉnh. Cô Thuyên con gái của ông đút tiền cho lính để được vào chăm sóc ông (DMAH 2 tr.478).

7. Anh dũng sống ‘tinh thần trung tín’. 

Tín là một trong năm đức của ngũ thường ‘Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín’. Đối với người Việt Nam, con người phải sống đức tín, nghĩa là sống trung tín với Trời, trung thành với vua quan, trung hiếu với cha mẹ ông bà, chung thủy vợ chồng và thành tín với thày dạy, với bề trên và với bạn bè, với mọi người. Ông Phùng Khắc Khoan nói một câu để đời: ‘Giao lân tiện thị tín vi bản, tiến đức thâm duy kính tác dư’, nghĩa là ‘giao tiếp bền vững phải lấy tín làm gốc, trau dồi đức tính, kính là trên’ (15). Cũng vì giá trị căn bản của đức tín trong cuộc sống mà ông bà chúng ta bảo: ‘Một lần thất tín, vạn lần khó tin’.

Đức Tín được trình bày rộng rãi trong chương IX, ở đây chúng tôi chỉ nêu lên một khía cạnh nhỏ: trung tín với người trên hay với đạo trưởng. Sự trung tín như vậy bộc lộ một tình bạn sâu sắc.

Thánh Kinh nói nhiều về tình bạn: ‘Người bạn trung tín là kho tàng vô giá’ (Hc 6,15; 7,18). Vì ‘người ấy luôn yêu thương’ (Cn 17,17), làm cho đời sống trở nên thú vị (Tv 133; Cn 15,17). Làm sao có thể quên được tình bạn cao đẹp đã ràng buộc David với Gionathan, một tình bạn bộc phát tự nhiên (1Sm 18,1-4), keo sơn trong cơn thử thách (1Sm 19-20), bền vững cho tới mãn đời (2Sm 1,25 tt), và còn được nhớ mãi trong lòng (2Sm 9,1;21,7)?. Mẫu mực tình bạn chân thật là tình bạn mà Thiên Chúa muốn nối kết với loài người, với Abraham (Is 41,8; St 18,17 tt), với Maisen (Xh 33,11), với các ngôn sứ (Am 3,7). Chúa Giêsu đã đem tình bạn chân thật ấy đến cho những ai tin vào Ngài (Tt 3,4), đặc biệt các Tông Đồ. Chính Chúa đã nói với họ: ‘Thầy chẳng gọi các con là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu’ (Ga 15,15): Họ sẵn sàng chia sẻ những thử thách với Ngài, sẵn sàng đương đầu với đêm khổ nạn (Lc 22,28tt), họ là người Chúa yêu thương (Ga 15,9-10). Chính Chúa đã khẳng định và đã thi hành: ‘Không có tình yêu nào lớn hơn là chết vì người mình yêu’ (Ga 15,13). Đến lượt các Tông Đồ, lần lượt các ngài đã chịu bách hại, đã chịu chết vì Đức Tin, vì Tin Mừng. Chúng ta có thể nói: các Tông Đồ đã chết cách anh dũng vì ‘đức Tín’ với Chúa Giêsu là Thày và vì ‘đức Tín’ đối với nhau là anh em, là bạn hữu.

Theo gương các Tông Đồ, nhiều Thánh Tử Đạo Việt Nam đã anh dũng tuyên chứng một trật lòng trung tín đối với Chúa và sự gắn bó dành cho nhau, đặc biệt với bề trên, ‘đạo trưởng’ của mình. Thật cảm động và đáng noi theo.

• Cha Thánh Tự (+1838) và Thày Thánh Úy (+1839): Khi vào tù, cha Phêro Nguyễn Văn Tự gặp lại thày Đaminh Bùi Văn Úy. Một chút tiền đút lót đã mang hai cha con lại gần với nhau. Hai thày trò nằm gần bên nhau và thủ thỉ chuyện trò. Do đó sau này có mấy giáo dân kể lại. Cha Tự nói với thày Úy: ‘Nếu con muốn sống, cha sẽ nói mấy lời để con khỏi phải liên lụy và con có thể trốn thoát được’. – Thày Úy thưa: ‘Vậy cha sẽ nói lời gì?’ – Cha Tự trả lời: ‘Con là người nấu ăn cho cha, và đó là đúng’. – Thày Úy trả lời: ‘Con xin cha đừng nói lời đó. Con chỉ có một ao ước này là chịu đau khổ và chết với cha’. – Cha Tự nói: ‘Được rồi, vậy cha sẽ nói con là thày giảng. Lời đó sẽ đưa con tới phúc tử đạo’. (DMAH 2 tr.218).

• Cha Thánh Tự (+1838) với thày Thánh Mậu (+1839). Khi quan tòa đưa cha Tự ra đối chất với thày Mậu, cha Tự không muốn cho thày phải chết nên có ý không muốn nhận thày là một trong những thày giảng giúp việc cho mình. Vì thế khi nghe thày Mậu xác nhận mình là một trong những cộng tác viên của cha, thì cha quay mặt đi nơi khác có ý phủ nhận. Thày Mậu biết ý nên chạy tới quỳ trước mặt cha Tự mà thưa: ‘Lạy cụ, xin thương nhận lấy con để con được chết vì đạo với cụ’. Cha Tự thấy thày Mậu vững lòng như vậy, thì xác nhận thày là một trong những thày giảng vẫn theo giúp mình. Quan hạ lệnh tống giam thày Mậu vào ngục thất (DMAH 2 tr. 345-346).

• Thánh trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu (+1854) với thánh linh mục Philippê Phan Văn Minh (+1853): Trước mặt ba quan tòa, ông trùm Lựu hiên ngang nhận ông là người đã từng tiếp đón các đạo trưởng trong nhà. Quan hạch hỏi lý do, ông trùm mạnh dạn thưa lại: ‘Thày tôi đến thì tôi nuôi’. Các quan ép cha Minh, ông trùm Lựu và các chức việc khác đạp ảnh chối đạo, ông trùm Lựu theo gương cha Minh can đảm thưa: ‘Cụ tôi chết thì tôi cũng chết theo. Tôi không bao giờ đạp ảnh’. Lập tức ông trùm Lựu bị tra tấn rồi tống ngục. Mấy tháng sau lãnh án ‘khắc trên má hai chữ ‘tà đạo’ và đày lên Tuyên Quang, vùng nước độc’ (DMAH 3 tr.93).

• Nhất quyết theo gương đạo trưởng và giữ đạo cha ông: Thánh trùm Emmanuel Nguyễn Văn Phụng (+1859) cùng bị bắt với thánh linh mục Phêrô Đoàn Công Quý (+1859) đang lẩn trốn tại nhà ông. Sau nhiều trận đòn ác nghiệt, hôm nay ông bị ra tòa. Quan hỏi: ‘Ông có phải là công giáo không?’ – ‘Thưa phải, tôi là người công giáo’. – ‘Ông có phải là trùm trưởng không?’ – ‘Thưa phải’. - ‘Ông có muốn nghe lệnh vua bỏ đạo để được trả tự do không?’ – ‘Bẩm quan, tôi giữ đạo Đức Chúa Trời từ nhỏ, nếu quan thương thì tôi được nhờ, nhưng tôi không bao giờ chối đạo. Tôi nhất quyết theo gương đạo trưởng để chết vì đạo… Tôi nhất quyết giữ đạo cha ông đã truyền lại. Tôi sẵn sàng chết vì đạo’. Ông bị đánh đòn rồi dẫn về tù với bản án thắt cổ vì cố chấp chứa đạo trưởng và muốn chết theo đạo trưởng (DMAH 3 tr. 215-216).

8. Anh dũng tuyên chứng đức tin, không đạp ảnh, không bỏ đạo.

Có biết bao vị anh hùng liệt sĩ được ghi trong lịch sử dân tộc. Họ đã ‘thà chết vinh hơn sống nhục’, vì lý tưởng thương nhà thương nước như chị em hai bà Trưng. Ông Phạm Đình Tân đã hạ bút: “Bà Trưng Trắc không những vì chồng mà chính vì đất nước trước hết. Bà Trưng Nhị không những vì tình chị em mà chính vì xứ sở đầu tiên”. Quả thật ‘oanh liệt khen gái dị thường’ (16). Họ thà chịu thiệt thòi, bị gièm pha, sống cô đơn hơn là hy sinh khí tiết, danh dự và lòng yêu nước, như ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898). Sách còn ghi: Ông tự luyện một đời sống đặc biệt, lý tưởng, thông minh, thích ứng với tâm hồn phong phú của mình. Ông cố gắng học hành để đậu thám hoa, bảng nhãn, ông thông thạo 27 thứ tiếng, xuất bản trên 100 tác phẩm đủ loại… Người ta vận động để ông vào dân Pháp, nhập quốc tịch ngoại quốc. Nhưng ông cương quyết giữ lập trường ‘không’. Người ta ham mê làm quan, ông ưa thích làm nghề dạy học. Người ta nịnh hót, mong thăng quan tiến chức, ông thẳng thắn góp ý với nhà vua, mạnh dạn can dán kẻ bảo hộ… Sống như vậy ít ai hiểu ông, ông đành ‘nghe như chọc ruột, tai làm điếc, giận dẫu căm gan, miệng mỉm cười’ (17).

Cao quý biết chừng nào, những vị anh hùng liệt sĩ ‘một niềm vàng đã khăng khăng’ để ‘tâm thành tạc với non sông, vẻ vang nòi giống tiên rồng ngàn thu’, nên ‘cơ đồ đã trải bao dâu bể, ân đức, còn in dấu cỏ hoa, hương khói muôn thu nòi giống lạc, này bia kỷ niệm, nét chưa nhòa’ (Lương hồ).

Trong Tin Mừng Chúa Giêsu đòi hỏi những ai muốn đi theo Chúa phải có một sự từ bỏ thật lớn lao và trọn vẹn không kém và còn hơn sự từ bỏ của các anh hùng liệt sĩ quốc gia về nhiều quan điểm. Quả vậy, trong Tin Mừng Thánh Matthêu chương X, Chúa nói rõ, không úp mở:

• Đi theo Chúa có thể là nguyên nhân chia rẽ trong gia đình: Thầy đến để chia rẽ con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của người đi theo thầy là chính người trong nhà (Mt 10,36). Thậm chí họ sẽ bị anh chị em trong nhà tố cáo và nộp cho vua quan (Mt 10,21).

• Đi theo Chúa là phải yêu Chúa trên hết: Ai yêu cha mẹ hơn Thày, thì không xứng với Thày. Ai yêu con trai con gái hơn Thày thì không xứng với Thày; Ai không vác thập giá mình mà theo Thày, thì không xứng với Thày; Ai giữ mạng sống mình sẽ mất (Mt 10,37-39).

• Đi theo Chúa là phải sẵn sàng chịu bách hại: Anh em sẽ bị người ta tố cáo, bắt nộp ra hội đồng, sẽ bị đánh đập và điệu ra trước tòa quan quyền. 

• Khi bị bách hại: hãy tìm cách lẩn trốn, từ nhà này sang nhà khác, từ thành này sang thành khác (Mt 10.23).

• Nhưng anh em đừng sợ: Đừng sợ phải nói gì, Chúa Thánh Thần sẽ nói thay cho anh em (Mt 10,19-20). Đừng sợ mất sự sống, vì ai hiến mạng sống nhân danh Thày, người đó sẽ lấy lại được (Mt 10,39). Đừng sợ những người chỉ giết được thân xác chứ không giết được linh hồn (Mt 10,28).

• Các con phải nhớ: Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ (Mt 10,23). Ai bền vững đến cùng sẽ được cứu thoát (Mt 10, 22). Ai tuyên bố nhận Thày, Thày sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thày. Còn ai chối Thày trước mặt thiên hạ, thì Thày cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thày (Mt 10,30).

Xét như trên thì mỗi vị Tử Đạo đã anh dũng sống trọn vẹn hai đòi hỏi: đòi hỏi của anh hùng tính dân tộc và đòi hỏi của Tin Mừng, của Chúa Giêsu là vua các Thánh Tử Đạo. Chúng ta nêu lên mấy điểm sau đây:

• Lẩn trốn: Trong thời bắt đạo, các Thánh Tử Đạo, đặc biệt các giám mục, linh mục và thày giảng, đã phải trốn tránh nay đây mai đó, tìm người chứa chấp, nguy hiểm cho mình, nguy hiểm cho họ. Cha Philippê Phan Văn Minh (+1853) và Cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu (+1861) trốn ở nhà ông trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu (+1854), cả ba cùng bị bắt. Nhiều trường hợp ‘đi trốn bị phản bội’, người chứa chấp ham tiền báo cho quan đến bắt tại nhà của họ, như trường hợp cha Gioan Đặng Đình Viên (+1838). Linh mục Tôma Đinh Viết Dụ (+1839) trốn ở nhà bà Agnès Thu, bị tên Lý Mỹ ham tiền thưởng đã đi tố cáo với quan tổng trấn Trịnh Quang Khanh.

• Đổi tên: Vì sống lẩn lút và bị truy nã trăm bề, đức cha Girolamo Hermosila đã hai lần đổi tên: lúc là ‘ông Vọng’, lúc là ‘ông Liêm’, lúc là ‘trùm Vọng’ (+1861). Linh mục Anrê Trần Anh Dũng (+1839) đổi tên là Lạc để đánh lạc hướng các quan.

• Dỗ ngọt và hứa hẹn: Song song với những đe dọa, đánh đòn, đeo gông, giam tù… là những nhục hình quen sử dụng để áp đảo tinh thần và hành hạ thân xác, các quan và cả các chúa, các vua thường dùng phương pháp dỗ ngọt, khuyến dụ và nhất là hứa hẹn: cho về tự do, thưởng tiền, phục hồi chức vụ, thăng quan tiến chức, giúp cho làm nghề thày thuốc, dạy học… Như lời các quan án nói với thánh y sĩ Giuse Hoàng Lương Cảnh (+1838): “Chúng tôi nhận thấy rằng cụ là một người tốt, và vì thế chúng tôi rất thương hại cụ. Cụ đã già rồi, những ngày còn lại rất ít ỏi, tại sao cụ không cố mà hưởng nó, cụ chỉ cần bước qua thập giá là song ngay” (DMAH2 tr.232). Như lời quan tổng trấn nói với thày giảng Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu (+1839): “Mày có hình dáng đẹp đẽ, và hãy còn ít tuổi, mày có muốn làm quan thì tao sẽ bầu cử tâu vua cho, hay là có muốn về nhà làm thuốc, thì tao sẽ liệu cho, xong mày phải bước qua tượng này đã”. Thày Mậu thưa lễ độ nhưng cương quyết: “Bẩm lạy quan lớn, tôi chẳng dám đi qua mặt Chúa tôi” (DMAH 2 tr.347).

• Bước qua Thập Giá: Tất cả những bắt bớ, chửi bới, nguyền rủa, hành nhục, đánh đập, dụ ngọt, hứa hẹn đều nhằm đến một mục tiêu: chối đạo bằng hành động ‘bước qua ảnh Thánh Giá’: Các Thánh Tử Đạo nắm bắt được chiều sâu của cây Thập Giá: tình yêu và quyền năng cứu chuộc của Thiên Chúa. Vì thế cũng như thánh Phaolô, các Thánh Tử Đạo hãnh diện, yêu mến và tôn kính Thánh Giá một cách tuyệt đối, Thánh Giá là biểu hiện lòng tin của người tín hữu dâng lên Thiên Chúa. Mỗi lần bị ép đạp, giẫm lên ảnh Thánh Giá hay bước qua hoặc để quân lính lôi qua ảnh Thánh Giá là một lần các Thánh khẳng định lại niềm tin vào Thiên Chúa Tình Yêu, Cao Cả, Chân Thật, đáng Tôn Thờ, vào Đức Giêsu Cứu Thế. Đồng thời cũng là dịp tốt tuyên dương những mầu nhiệm thánh ẩn tàng trong cây Thánh Giá. Dù bị tra tấn, bị đe dọa, hay được dỗ ngọt, được hứa hẹn, hoặc biết rõ sẽ bị kết án lưu đày hay bị thắt cổ, chém đầu, lăng trì… các Thánh Tử Đạo tiền nhân chỉ nói những lời anh dũng và dứt khoát: “Thưa quan lớn, thà chết chứ tôi không bước qua ảnh và không chối đạo” (Thánh Dominicô Bùi Văn Uý) – “Bẩm lạy quan lớn, quan lớn có dám bước qua mặt vua không mà bảo tôi bước qua mặt Chúa tôi” (Thánh Stephanô Nguyễn Văn Vinh)– “Lạy Chúa con, con chẳng dám bước qua Chúa con, dù chết thế nào mặc lòng thì con cũng không bỏ đạo. Trái lại con xưng đạo Chúa con ra hơn nữa” (Thánh Augustinô Nguyễn Mới), - “Bẩm quan, chúng tôi thờ phượng Đức Chúa Trời và Thánh Giá là hình ảnh của Người, chúng tôi không khi nào dám đạp, sống chết chúng tôi cũng không bỏ đạo” (Thánh Phêrô Đào Văn Vân). “Nếu vua và các quan có lòng thương, tôi đội ơn, nhưng không bao giờ tôi bước trên ảnh Chúa. Tôi cũng không bao giờ chối đạo, tôi muốn trung thành với Chúa đến giây phút cuối cùng” (Thánh cai đội Giuse Lê Đặng Thị).

9. Anh dũng và hồ hởi đón nhận bản án và việc hành quyết.

Sử sách còn ghi, nhiều tín hữu đã đạp ảnh, chối đạo vì hèn nhát, vì bịn rịn gia đình, vì bị mê hoặc bởi những lời hứa của vua quan. Sau đây là một trường hợp hy hữu: Vào năm Minh Mệnh thứ 19, nhà vua truyền cho các quan bắt các binh sĩ có đạo trong quân ngũ phải quá khóa. Vua đã ra sắc lệnh cho quan tổng trấn Trịnh Quang Khanh như sau: “Nếu khanh muốn giữ thủ cấp trên cổ, khanh phải tuân theo lệnh của trẫm. Trẫm trao phó cả ngàn quân sĩ và đặt hết tín nhiệm nơi khanh. Hạn cho khanh trong vòng một tháng phải bắt tất cả các linh mục trốn tránh trong tỉnh, và thanh trừng các lính công giáo trong quân ngũ đến đứa cuối cùng. Trẫm không muốn giết chúng, nhưng trẫm muốn chúng bỏ đạo”. Thừa lệnh của vua, Trịnh Quang Khanh đã tiêu diệt đạo Công Giáo đến nỗi không có một quan nào dữ tợn hơn ông trong lịch sử bắt đạo tại Việt Nam. Vậy năm 1838, quan tổng trấn Trịnh Quang Khanh đã bắt 500 binh sĩ công giáo và đem ra xử tại tòa. Trước những đe dọa, hình nhục, cũng như trước những hứa hẹn của các quan tòa và những lời ‘than thở’ của thân nhân, gia đình… 485 binh sĩ đã đạp ảnh và tuyên bố bỏ đạo. Dĩ nhiên trong số những người lính bỏ đạo, nhiều người hối hận cả đời… Chỉ 15 người nhất định không để người ta kéo qua thập giá và tuyên bố ‘không bỏ đạo’. Nhưng rồi sau những trận đòn ác nghiệt hơn và những hứa hẹn ngọt ngào khác, chỉ còn ba người là Augustinô Phạm Viết Huy, 

Nicolas Bùi Đức Thể và Dominicô Đinh Đạt. Nhưng rồi, dưới những hình nhục và mưu độc của quan tổng trấn Trịnh Quang Khanh và các quan lại thuộc cấp, ba ông cũng lần lượt chối đạo. Ông Thể thưa với quan tổng trấn: ‘Lạy quan lớn, xin quan lớn tha cho, quan lớn dạy thế nào, con xin vâng’. - Tiếp đến, ông Đạt chiều lòng các quan tòa ‘bước qua Thập Giá’. – Sau cùng, ông Huy cũng làm theo ông Thể và ông Đạt. Cả ba ông đều chối đạo. Mỗi ông được thưởng 10 quan tiền và ra về tự do... Nhưng kể từ đó, ba ông hối hận thật lòng, cầu nguyện ăn chay, đi xưng tội và quyết tâm cùng nhau lên tỉnh Nam Định gặp lại quan tổng trấn Trịnh Quang Khanh và tâu: “Bẩm quan trấn, đạo Thiên Chúa là đạo thật, Chúa chúng con thờ là Đấng cao cả phép tắc vô cùng. Bởi chúng con đã quá dại dột mà chịu quá khóa, mất nghĩa cùng Chúa chúng con, nay chúng con xin trả tiền lại cho vua và quan lớn, cùng xin giữ đạo Thiên Chúa cho thật lòng”. Nghe vậy, các quan không xét đơn, coi như việc đã xong rồi. Hai ông Huy và Thể lại đi đến tận kinh đô Huế, dâng thư cho vua Minh Mệnh. Vua nhận thư, bỏ tù hai ông Huy và Thể, đồng thời trao vụ việc cho các quan hình bộ, lễ bộ cứu xét lại. Lúc đó, quan Lê Văn Đức gọi ông Huy và Thể ra và bảo: “Đánh đòn chúng bay chỉ mỏi tay mà thôi”. Các quan làm án tâu vua Minh Mạng. Vua còn thử lòng hai ông một lần nữa: Vua truyền đem ra 10 nén vàng, một ảnh Thánh Giá và một thanh gươm và bảo: “Mặc ý các ngươi chọn, nếu bước qua Thập Giá thì sẽ được thưởng 10 nén vàng, bằng không sẽ bị thanh gươm chặt ngang lưng làm hai rồi bỏ xác xuống biển”. Hai ông Huy và Thể nói cương quyết “Lạy đức vua, chúng con xin chịu chết”. Hai ông còn nói thêm Anh Đạt cũng vậy, vì công việc không đến được, nhưng anh đã dặn ‘Hai anh làm sao, tôi cũng làm như vậy’. Cuối cùng, các quan thi nhau nguyền rủa rồi cho lính dẫn hai ông đến cửa Thuận An, dùng rìu lớn chặt ngang lưng và bỏ xác xuống biển, ngày 12.6.1839. Còn ông Đạt bị xử giảo tại Nam Định ngày 18.7.1839 (xDMAH 2 tr. 295-328). 

Câu chuyện trên đây giúp chúng ta hiểu thâm thuý những lời người xưa đã nói: ‘Anh hùng đa nạn’, ‘Đại trượng phu ninh khả ngọc trái, bất năng ngã toàn’ (Đã là đấng trượng phu, thì thà làm viên ngọc vỡ chứ không làm viên ngói lành), hay ‘Cốt nhục tử sinh’ (Công to lớn ví như việc làm để xương khô có thịt, cho cái chết trở thành sự sống). Chúng ta chia sẻ với những anh chị em bỏ đạo, dù vì lý do gì, và chúng ta cảm phục đức anh dũng của những Đấng, dù ‘đa nạn’ đến đâu cũng một lòng trung thành với đức tin. Các ngài không ‘úy tử tham sinh’, nhưng luôn ‘anh hùng gắng sức: anh hùng chí’, luôn ‘một tấm lòng son tựa lửa’ quyết ‘tận hiếu tận trung’. Thật là ‘vạn niên bất tử’!

Với đức anh dũng như vậy các Thánh Tử Đạo Việt Nam thật đáng ca ngợi: 

Giáo Hội năm châu mừng chư vị,

Anh hùng tử đạo tại Việt Nam,

Đau khổ ngàn trùng ba thế kỷ,

Đầu rơi máu đổ vẫn bền gan…

Gian truân thử thách không sợ hãi …

Trời miệt pháp trường mây loang lổ,

Tiếng chiêng tuyệt mệnh mới dứt hồi,

Ngọc thể anh hùng như cây đổ,

Trong bụi mù bay chiếc đầu rơi.

Hạt giống thối rồi, cây đã mọc,

Từ lòng đất mẹ,mùa bao la…

(Lễ Tử Đạo, Kinh chiều I)

Mỗi Đấng Tử Đạo tại Việt Nam, được tuyên thánh hay chưa, là một chứng tá cụ thể và sống động cho đức anh dũng được ca ngợi như trên: anh dũng nhận bản án và anh dũng chịu hành quyết. Không một Đấng Tử Đạo nào khi nghe bản án mà buồn phiền, uất ức. Trái lại Đấng nào cũng hân hoan, bình tĩnh đón nhận như một hồng ân mong ước từ lâu:

• Linh mục Phêrô Lê Tuỳ (+1833). Khi các quan làm bản án gửi về triều đình, vua Minh Mệnh cầm đọc rồi phán: “Tên Tuỳ đã công khai thú nhận là đạo trưởng và dạy dân chúng đạo Công Giáo, vậy hắn phải bị xử tử”. Ngày hôm ấy viên ký lục thông báo cho một người công giáo để họ thưa lại với cha Tùy: “Thưa cha, con lạy cha, xin cha hãy chuẩn bị giờ chết, giờ Chúa gọi đã đến”. Cha Tùy không biểu lộ dấu sợ hãi khi nghe tin đó. Ngài tỏ ra hân hoan, hỏi lại xem tin có thực như vậy không. Khi được quả quyết chắc chắn, ngài tỏ ra vui mừng chưa từng có… Sáng sớm hôm sau, một quan và ba trăm lính đến đem ngài ra pháp trường. Ngài bước đi như đi dự hội, nét mặt hớn hở hơn mọi khi. Các quan và quân lính bỡ ngỡ. Dân chúng sửng sốt ‘chưa bao giờ thấy một cảnh lạ như vậy’. Tới chợ Quân Ban, nơi hành quyết, cha Tùy quỳ trên chiếc chiếu trải sẵn, bên cạnh tấm gỗ ghi bản án. Lập tức trời tối lại và đổ mưa. Ba người lý hình nói với nhau: “Người này có phải là một vị thần không mà trời ra tối tăm làm vậy?.”. Thày Thu đến quỳ trước mặt cha Tùy và thưa: “Thưa cha, cha được đến nơi hạnh phúc như lòng mong ước từ lâu, còn con phải ở lại thung lũng đầy nước mắt này, xin cha nhớ đến con”. – “Này con, hãy can đảm lên. Con cũng sẽ được Chúa thưởng công”. Sau đó giáo hữu lạy cha bốn lạy. Đoạn ngài nói: “Tất cả đã sẵn sàng”. Một hồi chiêng nổi lên, lý hình vung gươm chém đứt đầu cha Tùy. Dân chúng ùa vào hôn thi hài cha Tùy và thấm máu đào… (DMAH 2 tr.49-50).

• Quan đội Phaolô Tống Viết Bường (+1833): Sau nhiều ngày giam tù, hành nhục và khuyên bảo không được, các quan làm án xin vua ra lệnh xử tử. Song vua muốn hành hạ nhiều hơn, hy vọng sẽ làm xiêu lòng. Nhưng quan đội vẫn anh dũng kiên trì. Các quan tâu với vua rằng: “Người công giáo thật cứng lòng, dù có gia hình đến đâu cũng không thay đổi. Vậy, xin theo phép nước mà khép án cho xong, kẻo để lâu mãi vô ích”. Lúc đó vua Minh Mệnh mới y án trảm quyết và bêu đầu quan đội, người thông ngôn Micae, con rể của quan đội Bường và 6 binh sĩ: Vui, Mang, Quân, Hang, Minh và Phú. Riêng quan đội bường phải đem đi xử trước ngày 20.10. Khi hay tin, ngài vui mừng gọi các bạn tù lại từ giã và xin họ cầu nguyện cho mình được bền vững. Tới giờ, lính đến điệu ngài đi. Lúc bấy giờ đã chiều tối, họ phải cầm đuốc đi theo. Đi đầu là một tên lính cầm bản án rao to rằng: “Người này bị xử vì theo đạo Giatô, nên phải xử trảm quyết, đầu treo ba ngày”. Họ đi rất nhanh, quan đội Bường nói đùa với họ: “Các bạn việc gì phải đi nhanh thế? Tôi biết đường mà, chúng ta không lạc đâu!”. Khi đến họ Thọ Đúc, gần Trường An, vua còn sai quan đến khuyên dụ một lần nữa. Quan nói: “Đội Bường, ông không phải là tướng cướp, cũng không phải là tên giặc. Ông không có tội gì, ngoài tội theo đạo công giáo. Ông hãy xuất giáo, vua sẽ tha thứ và hoàn lại cấp bậc cho ông”. Quan đội Bường trả lời cương quyết: “Cám ơn quan lớn, tôi xin quan lớn truyền xử tôi cho mau, để tôi được về với Thiên Chúa. Tôi nhất quyết không bỏ đạo đâu”. Sau mấy phút cầu nguyện, quan đội Bường nói với lý hình: “Việc tôi đã sẵn”. Đao phủ vung gươm chém đầu ngài… (DMAH 2 tr.62).

• Ông Gioan Baotixita Cỏn và ông Martino Thọ: Hai ông cùng bị bắt, bị giam với một tội danh là ‘người công giáo cất giấu đồ đạo và chứa chấp các đạo trưởng, cùng bị án tử ngày 30.05.1840’. Trong suốt thời gian ở tù và bị tra tấn, hai ông vẫn luôn bên nhau để nâng đỡ, cùng nhất trí trung thành với Chúa. Vừa bị hành nhục đau đớn, các ông còn được lệnh phải liếm máu cho các tù nhân khác nữa. Khi bị đánh đòn, mới tới trượng thứ 60, ông Cỏn đã bị thổ huyết, nên cuối cùng bị ít đòn hơn ông Thọ. Ông này chịu đòn dẻo dai hơn. Hai ông còn bị phơi nắng ban ngày và bị phá giấc ngủ ban đêm. Khi quan hỏi: “Ai mang các đạo trưởng về Kẻ Báng?”. – “Chính chúng tôi là người cất giấu đồ đạo và đón các đạo trưởng về Kẻ Báng”. – “Vậy các ngươi có thật lòng quá khóa và từ nay không rước đạo trưởng nữa không?” - Cả hai thưa dõng dạc: “Thưa quan lớn, chúng tôi không quá khóa. Còn việc chứa đạo trưởng thì, khi quan lớn tha về mà chúng tôi gặp đạo trưởng Tây hay Nam thì chúng tôi cũng đón về ngay”. – “Hãy chối đạo đi rồi sau này đi xưng tội với các đạo trưởng, các ngươi sẽ được tha hết”. – Hai ông chẳng thèm để ý đến những lời dỗ ngọt như vậy. Khi án tử hình đã được vua Minh Mệnh châu phê và đem về tỉnh, cả hai ông đều vui mừng, nói với các bạn tù và xin họ cầu nguyện cho. Hai ông còn mừng rỡ hơn nữa khi được dẫn ra pháp trường. Ông Cỏn chào các bạn tù và nói: “Hôm nay chúng tôi được về quê”. Khi nhìn thấy một bạn tù khóc, ông Cỏn bảo: “Chúng tôi vui mừng thì anh bạn cũng phải vui mừng với chúng tôi chứ, lẽ nào anh lại khóc?”. Ra tới pháp trường, hai ông còn tươi tỉnh chào hỏi mọi người. Rồi hai ông quỳ xuống cầu nguyện, chìa cổ ra cho lý hình chém. Xác của hai ông được đưa về an táng tại Kẻ Báng (x DMAH 2 tr.473-479, 480-482).

Quả là ‘Có gió lộng mới biết tùng bá cứng, có ngọn lửa hồng mới rõ thức vàng cao’. Người Tử Đạo anh dũng là người đã khắc phục bao gian lao khổ nhục, cho đến chết. Chết vì lý tưởng cao siêu, chết vì hồn thiêng đất nước, chết vì đức tin kiên cường. Các ngài nên ‘người tử đạo anh dũng’ không do sức mình, nhưng trước tiên nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Đấng các ngài hết dạ tin yêu và trông cậy. Chính Thiên Chúa nâng đỡ các ngài trong mọi nghịch cảnh, trong mọi lời nói và trong mọi cách ứng xử. Cũng như chính Thiên Chúa là Đấng ban cho các ngài cành lá và triều thiên tử đạo. Vì thế ca tụng ‘đức anh dũng của người tử đạo’ chính là tôn vinh hồng ân đức tin và đức ái Thiên Chúa trao ban cho các ngài. Thật đẹp những lời Thánh thi:

Ngọn đuốc quang minh sáng tuyệt vời,

Vì trung với Chúa mặc đầu rơi,

Đức tin kiều diễm luôn gìn giữ,

Đức ái ngàn trùng tát không vơi.

Tung hô Chúa cả ba lần thánh, 

Tử đạo Việt Nam sử sáng ngời.

Tổ quốc tài bồi thêm rực rỡ,

Nước Trời xây dựng đẹp tinh khôi.

Cúi xin chư vị giúp con cháu,

Vượt sóng trần gian đến cõi trời.

(Kinh chiều II)

Lm. Mai Đức Vinh & Gs. Nguyễn Xuân Tuệ

-------------------- 

(1) Trịnh Việt Yên, ‘Máu Tử Đạo Trên Đất Việt Nam’, xb,UBCBPT, USA 1987, tr.7.

(2) Nguyễn Duy Cần, ‘Cái dũng của thánh nhân’, nxb Trẻ, T.P Hồ Chí Minh, 2012 tr. 16.

(3) (4) (5) Nguồn: Mạng Dũng Lạc. 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam. Vài nguồn ‘Google’.

(4) Trịnh Việt Yên, sd, tr.67-68

(5) Trần Trọng Kim, ‘Quốc Văn Giáo Khoa Thư’, nxb Quê Mẹ, Paris, 1983, tr.18-19.

(6) Vũ Thành, ‘Dòng Máu Anh Hùng’ 1,2,3, Hoa Kỳ 1987. Trong bài này chúng tôi trưng dẫn và viết tắt DMAH 1,2,3 tr… Chúng tôi trích dẫn hay viết theo bộ sách của cha Vũ Thành, bởi vì đọc các chú giải và thư mục ở phần cuối của mỗi cuốn, chúng tôi yên tâm về phần sử liệu liên quan đến Giáo Hội Việt Nam và truyện tích các Thánh Tử Đạo ở Việt Nam mà tác giả đã dày công nghiên cứu và sử dụng.

(7) Nguyễn Văn Ngọc, ‘Cổ Học Tinh Hoa’ II, Đại Nam in lại, Hoa Kỳ 1984, tr.47-48.

(8) Trần Trọng Kim, ‘Quốc Văn Giáo Khoa Thư’ , Quê Mẹ in lại, Paris, 1983 tr.16,17,21.

(9) Trần Trọng Kim, sd, tr. 101-102.

(10) Nguyễn Văn Ngọc, sd II, tr. 92-93.

(11) Xem Đinh Gia Khánh, ‘Văn Học Việt Nam’ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XVIII các tr. 53,59,178,189… và Trần Đình Hượu, ‘Văn học Việt Nam’ thời 1900-1930, nxb Đại học, Hà Nội 1988. 

(12) Trần Trọng Kim sd, tr. 42, 61, 80.

(13) Đinh Gia Khánh, sd. Tr. 198.

(14) Phạm Đình Tân, ‘Tâm hồn Việt Nam’, tủ sách Tinh Việt Hải Ngoại 1988, tr.27-35.

(15) Phạm Đình Tân, sd. tr.101-112.

Theo Vietcatholic