Các mầu nhiệm của Chúa Kitô và của Mẹ Maria trong Kinh Mân Côi - Mầu nhiệm của sự vui và sự sáng
Linh Tiến Khải
Đức Gioan Phaolô II khẳng định rằng chỉ khi biết lắng nghe, trong Thần Khí, tiếng nói của Thiên Chúa Cha, tín hữu mới bước vào sự chiêm ngắm gương mặt của Chúa Kitô, bởi vì ”không ai biết Người Con trừ Chúa Cha” (Mt 11,27). Trước lời tuyên xưng của tông đồ Phêrô gần Cesarea Philiphê, Chúa Giêsu sẽ xác định nguồn gốc trực giác trong sáng về căn cước của Người: ”Không phải thịt xác hay khí huyết đã vén mở cho con biết điều đó, nhưng Cha Thầy ở trên trời” (Mt 16,17). Như vậy sự mạc khải từ trên cao cần thiết. Nhưng để tiếp nhận nó, cần phải đặt mình trong tư thế lắng nghe: ”Chỉ có kinh nghiệm của sự thinh lặng và lời cầu nguyện cống hiến chân trời thích hợp, trong đó có thể chín mùi và phát triển sự hiểu biết thật sự, gắn bó và trung thực với mầu nhiệm ấy”.
Kinh Mân Côi là một trong các lộ trình truyền thống của lời cầu nguyện được áp dụng vào việc chiêm ngắm gương mặt của Chúa Kitô. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI miêu tả Kinh Mân Côi như sau: ”Là lời kinh tin mừng, tập trung vào mầu nhiệm nhập thể cứu chuộc, Kinh Mân Côi như thế là lời kinh có định hướng kitô học một cách rõ ràng. Thật thế, yếu tố đặc thái của nó - việc lập lại lời kinh ”Hãy vui lên, hỡi Maria” - cũng trở thành lời chúc tụng không ngừng dâng lên Chúa Kitô, đích điểm lời loan báo của thiên thần và lời chào của mẹ Đấng Tẩy Giả: ”Phúc cho hoa quả lòng bà” (Lc 1,42). Chúng ta sẽ còn nói hơn thế nữa: việc lập lại Kinh Kính Mừng Maria làm thành khuôn khổ, trên đó phát triển việc chiêm ngắm các mầu nhiệm: Đức Giêsu, mà mỗi Kinh Kính Mừng Maria nhắc tới, cũng chính là Đức Giêsu, Con của Thiên Chúa và của Mẹ Maria, mà sự tiếp nối các mầu nhiệm đề nghị với chúng ta lần này sang lần khác” (MC 46) (s. 18).
Như đã được củng cố trong thói quen chung được giáo quyền chấp nhận, Kinh Mân Côi chỉ đề nghị với chúng ta vài mầu nhiệm trong biết bao nhiêu mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô. Việc lựa chọn này đã được áp đặt bởi khuôn khổ ban đầu của lời kinh, được tổ chức theo số 150 tương đương với các Thánh Vịnh.
Tuy nhiên, để củng cố bề dầy kitô học của Kinh Mân Côi, Đức Gioan Phaolô II đã thêm vào năm mầu nhiệm sự Sáng, bao gồm cả các mầu nhiệm cuộc sống công khai của Chúa Kitô từ Phép Rửa cho tới cuộc Khổ Nạn. Thật thế, trong các mầu nhiệm này chúng ta chiêm ngắm những khía cạnh quan trọng của con người Chúa Kitô, Đấng mặc khải Thiên Chúa. Người là Đấng, được tuyên bố là Con yếu dấu của Thiên Chúa Cha trong Phép Rửa ở sông Giordan, loan báo Nước Thiên Chúa đến và làm chứng với các việc làm và công bố các đòi buộc của nó. Chính trong các năm của cuộc sống công khai mà mầu nhiệm của Chúa Kitô đặc biệt cho thấy mầu nhiệm sự sáng: ”Cho tới khi nào Thầy còn ở trong trần gian, Thầy là sánh sáng thế gian” (Ga 9,5).
Vì thế để cho Kinh Mân Côi có thể nói được một cách tràn đầy là ”Tin Mừng tóm gọn”, thật thích hợp việc cũng chiêm ngắm vài thời điểm đặc biệt ý nghĩa trong cuộc sống công khai (các mầu nhiệm của ánh sáng), sau khi đã nhớ lại việc nhập thể và cuộc sống ẩn dật của Chúa Kitô (các mầu nhiệm của sự vui), và trước khi dừng lại trên các khổ đau của cuộc khổ nạn (các mầu nhiệm của sự thương), và trên chiến thắng của sự phục sinh (các mầu nhiệm của sự vinh quang). Việc đưa vào các mầu nhiệm mới này, không gây thiệt hại cho khía cạnh nòng cốt nào trong trật tự truyền thống của lời kinh này, nhằm mục đích giúp sống lời kinh với sự chú ý được canh tân trong nền tu đức kitô, như là việc thực sự bước vào trong sự sâu thẳm của trái tim Chúa Kitô, là vực sâu của niềm vui và ánh sáng, của khổ đau và vinh quang (s. 19).
Tiếp đến Tông thư trình bày các mầu nhiệm sự vui, sự sáng, sự thương và sự mừng hay sự vinh quang của Tràng Hạt Mân Côi.
Chu kỳ thứ nhất, chu kỳ của “các mầu nhiệm vui”, thực sự có tính cách của sự vui mừng tỏa ra từ biến cố Nhập Thể. Điều này hiển nhiên ngay từ lúc Truyền Tin, trong đó lời sứ thần Gabriel chào Trinh Nữ thành Nagiarét gắn liền với lời mời của niềm vui cứu thế: ”Hãy vui lên, hỡi Maria”.
Toàn lịch sử cứu độ, còn hơn thế nữa, trong một cách nào đó, chính lịch sử thế giới dẫn đến lời chào này. Thật vậy nếu chương trình của Thiên Chúa Cha là thu tóm mọi sự nơi Chúa Kitô (x. Ep 1,10), thì toàn vũ trụ, trong một nghĩa nào đó, đã được đạt tới bởi ơn nghĩa thiên linh, qua đó Thiên Chúa Cha cúi xuống trên Đức Maria để khiến cho Người trở thành Mẹ của Con mình. Tới lần mình nhân loại như được gói trọn trong lời thưa Fiat, qua đó Đức Maria đáp lại ý muốn của Thiên Chúa một cách mau mắn.
Thế rồi như dấu chỉ của niềm vui là cảnh gặp gỡ bà Elidabét, trong đó chính tiếng nói của Đức Maria và sự hiện diện của Chúa Kitô trong lòng Mẹ khiến cho Gioan ”nhảy mừng” (x. Lc 1,44). Tràn đầy niềm vui là cảnh Bếtlêhem, trong đó biến cố Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế sinh ra được các thiên thần ca hát và loan báo cho các mục đồng như là ”một niềm vui lớn lao” (Lc 2,10).
Trong hai mầu nhiệm cuối, tuy vẫn giữ được mùi vị của niềm vui, nhưng đã diễn tả trước các dấu chỉ của thảm cảnh. Thật thế, việc dâng Chúa Giêsu trong đền thờ, trong khi diễn tả niềm vui của sự thánh hiến và đắm chìm trong sự xuất thần của cụ già Simeon, nó cũng ghi nhận lời tiên tri của ”dấu chỉ chống đối”, mà Con Trẻ sẽ là đối với Israel và của lưỡi gươm sẽ đâm thâu linh hồn Đức Maria (x. Lc 2,34-35). Vừa vui mừng và vừa thê thảm cũng là cảnh Đức Giêsu, khi lên mười hai tuổi lên đền thờ. Ở đây Người xuất hiện trong sự khôn ngoan thiên linh của mình, trong khi lắng nghe và chất vấn, và một cách nòng cốt trong lớp áo của người ”giảng dậy”. Việc vén mở mầu nhiệm là Con hoàn toàn tận hiến cho các việc của Thiên Chúa Cha là lời loan báo tính cách triệt để của Tin Mừng, khiến cho các tương quan thân tình nhất của con người bị khủng hoảng, trước các đòi buộc tuyệt đối của Nước Trời. Chính Thánh Giuse và Mẹ Maria run rẩy và lo lắng cũng ”không hiểu các lời của Người” (Lc 2,50).
Chiêm ngắm các ”mầu nhiệm vui” như thế có nghĩa là bước vào trong các lý do cuối cùng và trong ý nghĩa của niềm vui kitô. Nó có nghĩa là dán cái nhìn vào sự cụ thể của mầu nhiệm Nhập Thể và lời loan báo tăm tối của mầu nhiệm khổ đau cứu rỗi. Mẹ Maria dẫn đưa chúng ta học hỏi bí mật của niềm vui kitô, bằng cách nhắc nhở cho chúng ta biết rằng Kitô giáo trước hết là “tin vui”, có trọng tâm, và hơn thế nữa, có chính nội dung của nó nơi con người của Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, Đấng Cứu Độ duy nhất của thế giới (s. 20).
Tiếp đến Tông Thư giải thích các mầu nhiệm của sự sáng. Khi từ tuổi thơ ấu và cuộc sống tại Nagiarét bước sang cuộc sống công khai, việc chiêm ngắm đưa chúng ta tới các mầu nhiệm có thể gọi, với tước hiệu đặc biệt, là các ”mầu nhiệm của ánh sáng”. Trong thực tế, toàn mầu nhiệm của Chúa Kitô là ánh sáng. Người là ”ánh sáng thế gian” (Ga 8,12). Nhưng chiều kích này đặc biệt nổi bật trong các năm của cuộc sống công khai, khi Người loan báo tin mừng Nước Trời. Khi muốn chỉ cho cộng đoàn kitô năm lúc ý nghĩa - các mầu nhiệm sáng láng - của giai đoạn này trong cuộc đời Chúa Kitô, tôi cho rằng chúng có thể được nhận diện một cách thích hợp: thứ nhất, trong Phép Rửa tại sông giordan; thứ hai, trong việc tự mạc khải ở tiệc cưới làng Cana; thứ ba, trong việc loan báo Nước Thiên Chúa và kêu mời hoán cải; thứ bốn, trong việc Hiển Dung; và sau cùng thứ năm, trong việc Thành lập Thánh Thể, diễn tả bí tích của mầu nhiệm vượt qua.
Mỗi một mầu nhiệm này là mạc khải của Nước Trời đã đến trong chính con người của Đức Giêsu. Là mầu nhiệm của ánh sáng trước hết là Phép Rửa tại sông Giordan. Ở đây, trong khi Chúa Kitô xuống nước sông, Đấng vô tội tự biến thành ”tội lỗi vì chúng ta” (x. 2 Cr 5,21), trời mở ra và có tiếng nói của Chúa Cha công bố Con yêu dấu (x. Mt 3,17 song song), trong khi Thần Khí xuống trên Người để tấn phong cho Người sứ mệnh đón chờ Người. Mầu nhiệm của sự sáng là sự khởi đầu các dấu chỉ tại Cana (x. ga 2,1-12), khi Chúa Kitô biến nước thành rượu, mở ra cho đức tin con tim của các môn đệ, nhờ sự can thiệp của Mẹ Maria, người đầu tiên của các kẻ tin. Mầu nhiệm của sự sáng là lời rao giảng, qua đó Chúa Giêsu loan báo nước Thiên Chúa đến và mời gọi hoán cải (x. Mc 1,15), bằng cách tha tội cho những ai tới gần Người với lòng tin tưởng khiêm tốn (x. Mc 2,3-13; Lc 7,47-48), bắt đầu chức thừa tác của lòng thương xót, mà Người sẽ tiếp tục thi hành cho tới ngày tận thế, đặc biệt qua bí tích Hòa giải được phó thác cho Giáo Hội (x. Ga 20,22-23).
Thế rồi mầu nhiệm ánh sáng tuyệt vời là sự Hiển Dung trên núi Tabor theo truyền thống. Vinh quang của Thiên tính rạng ngời trên mặt Chúa Kitô, trong khi Thiên Chúa Cha giới thiệu Người với các Tông Đồ đang xuất thần, để các ông lắng nghe Người (x. Lc 9,35 song song) và chuẩn bị sống với Người lúc đớn đau của cuộc Khổ Nạn, để cùng Người đạt tới niềm vui của sự Phục Sinh và một cuộc sống được Chúa Thánh Thần biến đổi. Sau cùng mầu nhiệm của sự sáng là việc thành lập bí tích Thánh Thể, trong đó Chúa Kitô trở thành lương thực với Mình và Máu Người, đưới các hình bánh và rượu, bằng cách làm chứng ”cho tới cùng” tình yêu của Người đối với nhân loại (x. Ga 13,1), mà Người sẽ tự hiến làm lễ tế cho ơn cứu rỗi của nó.
Trong các mầu nhiệm này, trừ tại Cana ra, Mẹ Maria chỉ hiện diện ở hậu trường. Các Phúc Âm chỉ hơi nhấn mạnh sự hiện diện của Mẹ trong lúc này hay lúc khác trong việc rao giảng của Chúa Giêsu (x. Mc 3,31-35; Ga 2,12), và không có gì nói tới sự hiện diện của Mẹ trong Nhà Tiệc Ly khi Chúa thành lập Thánh Thể. Nhưng vai trò Mẹ có tại tiệc cưới Cana, trong một cách nào đó, đi theo toàn lộ trình của Chúa Kitô. Mạc khải, trong Phép rửa tại sông Giordan, đã được Thiên Chúa Cha cống hiến một cách trực tiếp và được Gioan Tẩy Giả làm vang dội lên, ở trên miệng của Mẹ tại Cana và trở thành lời dặn dò hiền mẫu lớn lao, mà Mẹ hướng tới Giáo Hội thuộc mọi thời đại: ”Người bảo gì, các con cứ làm theo” (Ga 2,5). Đây là lời dặn dò giới thiệu tốt đẹp các lời nói và dấu chỉ của Chúa Kitô trong suốt cuộc sống công khai, làm thành bối cảnh thánh mẫu của tất cả mọi mầu nhiệm sự sáng.
Theo Vietcatholic