Đức Phanxicô: dưới cái nhìn của người em gái

Hai trăm năm sau, bà nghĩ người ta sẽ nhớ anh trai bà thế nào trong tư cách giáo hoàng? Một giáo hoàng khiêm nhường, một giáo hoàng yêu thương, nhất là yêu người nghèo và yêu sự thật. Tôi cũng nghĩ ngài sẽ được tưởng nhớ như một giáo hoàng rất cứng rắn, sẵn sàng làm những điều cần phải làm...

Đức Phanxicô: dưới cái nhìn của người em gái
Vũ Văn An

Từ lúc Đức Phanxicô ban phép lành đầu tiên cho công chúng trên bancông chính Nhà Thờ Thánh Phêrô, chuông điện thoại tại nhà bà Maria Elena Bergoglio đã bắt đầu liên tục réo lên rồi. John L. Allen của tờ National Catholic Reporter cho rằng: dù không có con số để hỗ trợ, nhưng người ta tin chắc rằng: kể từ ngày 13 tháng 3, người được phỏng vấn nhiều nhất trên hành tinh này là bà nội trợ 64 tuổi ở thành phố Ituzaingó của Argentina. Người đàn bà đó chính là Maria Elena Bergoglio, người em gái duy nhất còn sống của Đức Phanxicô, một người em y hệt anh trai ở điểm khiêm nhường, không một chút khoa trương, nhưng khi cần nói lên quan điểm của mình thì lại không chút sợ hãi. 

Như khi người ta bảo sở dĩ Jorge đi tu làm linh mục là vì bị người tình nhỏ bé từ khước lời cầu hôn, Maria lớn tiếng cho hay: lúc ấy Jorge chỉ là một cậu bé, làm sao nghiêm túc với chuyện vợ chồng được. Nhất là khi người ta tố cáo anh trai bà hợp tác với chế độ quân phiệt Argentina, Maria bèn “vặn lại”: gia đình bà rời cư khỏi Ý năm 1929 vì chống lại chủ nghĩa Phátxít, thì làm sao người con hiếu thảo là Jorge lại có thể hợp tác với độc tài? 
 

Về điểm trên, trong cuốn "Francis, Pope of a New World" vừa xuất bản của Andrea Tornielli, Maria có kể rằng: “bà nội Rosa là một nữ anh hùng đối với chúng tôi, một mệnh phụ hết sức can đảm. Tôi không bao giờ quên câu truyện bà kể cho chúng tôi nghe hồi còn ở Ý bà đã lên bục giảng của nhà thờ để lên án độc tài phát xít Mussolini ra sao”. Ai cũng biết Jorge thương mến và cảm phục bà xiết bao nên mới luôn lưu giữ di chúc tinh thần của bà trong sách nguyện mang theo bên mình đi khắp nơi. 

Dù đã trả lời không biết bao nhiêu câu hỏi về vị tân giáo hoàng, Maria vẫn còn dành cho Allen nhiều điều thú vị. Như việc bà vẫn nghĩ Đức Hồng Y Odilo Pedro Scherer của Brazil sẽ được bầu làm giáo hoàng, vì ngài luôn đứng về phía người nghèo, chứ không phải anh mình, người mà bà luôn “muốn trở về!”. 

Bà thú thực rằng từ ngày trở thành giáo hoàng, người anh trai bình thường hay e lệ và dè dặt của mình xem ra “có khả năng nhiều hơn trong việc phát biểu cảm quan của mình” nơi công chúng, một điều bà cho là nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Đối với những ai thắc mắc không hiểu anh trai bà có mạnh mẽ đủ để cai quản Vatican hay không, Maria quả quyết: anh ấy dư mạnh mẽ: “Bản thân anh ấy là người có cá tính mạnh mẽ, và anh ấy có một lòng tin sâu xa vào các xác tín của mình, không gì lay chuyển được đâu”. Bà rất tôn trọng lịch trình của anh trai, chỉ mong có được hai phút ôm ông anh một lần thôi. 

Sau đây là cuộc phỏng vấn của Allen

Cho đến sáng nay (3 tháng 4), bà đã có bao nhiêu cuộc phỏng vấn? 

Tôi không có ý niệm gì cả! Làm sao mà đếm cho xuể. Từ khi ngài được bầu, mỗi ngày điện thoại (nhà tôi) đều bắt đầu reo vào lúc 5 giờ 30 sáng, và người đến gõ cửa bắt đầu từ 6 giờ sáng, và chuyện này không bao giờ ngưng cho tới tận 8 hay 9 giờ tối. Lúc nào cũng thế. Bác sĩ thực sự đã khuyên tôi nên cắt bớt, vì tôi cũng chỉ là một bà nội trợ bình thường có một đời sống bình thường, như mọi người, và chưa quen với thứ sóng thần đổ xuống trên đầu chúng tôi này. Không hẳn tôi có bất cứ vấn đề sức khỏe gì đặc biệt, nhưng bác sĩ bảo tôi đang bị mệt mỏi và căng thẳng hơi quá một chút. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình không nên cắt giảm vì tôi cảm thấy như thể mình có bổn phận phải chia sẻ anh trai mình với mọi người. Tôi cảm thấy đây là điều tôi phải làm, cho dù nó sẽ làm tôi mệt mỏi. 

Điều tôi khiếp sợ là khi ngài về thăm Argentina lần đầu, vì tôi tưởng tượng ra cảnh các nhà báo, vì nghĩ rằng thế nào ngài cũng về nhà chúng tôi, nên sẽ có cả một đạo quân đóng trại ở ngoài đây để chờ gặp ngài. Ngài chắc chắn không đến nhà chúng tôi đâu! Có đến, thì phải là một cuộc thăm viếng mục vụ, chứ không phải đoàn tụ gia đình hay nghỉ hè. Chắc chắn một điều tôi sẽ phải tới gặp ngài. Bất cứ ở đâu, ngài cũng phải cho tôi 2 phút, tôi đáng được như thế! Tôi chỉ muốn 2 phút để được ôm ngài thôi. Tôi chẳng mong gì khác ngoài điều đó. 

Bà có cảm thấy như mất một người anh hay không? 

Thú thực, đúng hơn (phải nói) tôi vừa có được hàng triệu anh chị em mới, nên tôi cố gắng tìm cách chia sẻ anh trai tôi với mọi thành viên mới của gia đình này.

Bà đã nói chuyện với anh trai bà mấy lần từ ngày ngài làm giáo hoàng? 

Ngài điện thoại ngay khi có thể sau khi được bầu, và đó là cuộc nói chuyện rất xúc động. Tôi không thể nào giải thích được xúc cảm của mình lúc đó. Sau lần đó, ngài còn gọi một lần nữa, và lần này, chúng tôi nói như anh trai nói với em gái. Một cuộc tán gẫu rất bình thường như vẫn thường xẩy ra. Thí dụ, ngài muốn biết tôi đang nấu món gì!

Bà vẫn gọi ngài là “Jorge” hay đã gọi là “Phanxicô” hay “Đức Thánh Cha”? 

Jorge, Jorge! Bao lâu tôi còn biết đó là tên anh trai tôi, thì tôi còn gọi ngài là Jorge. Có lẽ một ngày kia, tôi sẽ gọi ngài là Phanxicô, nhưng bây giờ thì vẫn là Jorge thôi. 

Khi bà nói chuyện với ngài, xem ra ngài có bị lo lắng đến tràn ngập không? 

Tôi rất biết ơn vì cho đến nay, Phanxicô vẫn là Jorge. Xem ra ngài chẳng thay đổi gì, và mặc dù ý thức rõ trách nhiệm phải gánh vác hiện nay, nhưng ngài không có vẻ gì là căng thẳng hay lo lắng. 

Nhiều người ở Argentina cho tôi hay khi còn ở đây, Đức Hồng Y Bergoglio hình như hơi e lệ và dè dặt trước công chúng, và họ ngạc nhiên thấy ngài hứng khởi và nói năng lưu loát trong tư cách giáo hoàng. Bà có để ý điều đó không? 

Khi tôi thấy ngài xuất hiện trên bancông, tôi thấy ngài vẫn là con người tôi từng biết xưa nay, vẫn là Jorge thuở nào. Lẽ dĩ nhiên, lúc đó, tôi không có nhiều thì giờ nghĩ đến chuyện đó, vì ngay khi tên ngài được xướng lên, căn nhà của chúng tôi đã trở thành như một nhà thương điên, ai ai cũng gọi tới cho chúng tôi, khắp nơi thật ồn ào bừa bãi. Khi có thì giờ suy nghĩ và ngắm nhìn ngài kỹ hơn, tôi có cảm giác ngài rất hạnh phúc, và điều đó khiến tôi nghĩ Chúa Thánh Thần hẳn đang ở ngay tại đó với ngài. Ngài tỏ ra hạnh phúc, tròn đầy. Ngài vốn gần gũi với dân chúng ở đây, ở Argentina này, nhưng hôm ấy xem ra ngài còn gần gũi hơn nữa và có thể phát biểu các cảm nghĩ của ngài nhiều hơn nữa, điều mà tôi cho là Chúa Thánh Thần nâng đỡ ngài. Tôi phải thú thực rằng tôi rất sung sướng khi thấy anh trai tôi thích ứng tốt đối với vai trò mới của mình. 

Bà có nghĩ ngài sung sướng được làm giáo hoàng không? 

Tôi không nghĩ đó là chữ đúng để diễn tả. Có lẽ chỉ có thể nói thế này: tôi nghĩ ngài hạnh phúc, nhưng là một thứ hạnh phúc khác hẳn. Không hẳn theo như ông và tôi nghĩ khi chúng ta nói chúng ta hạnh phúc có ngài làm giáo hoàng. Theo tôi, ngài hạnh phúc với trách nhiệm được trao cho, nhưng cũng hiểu rõ gánh nặng ngài phải gánh. 

Bà có dự tính qua Rôma để gặp ngài không? 

Hiện tôi chưa có dự tính đi đâu cả. Nói cho ngay, tôi đã quen với việc không sống quá gần gũi Jorge rồi, đã quen với việc không có ngài ở bên về phương diện vật lý. Điều tôi tiếc chỉ là những cú điện thoại hàng tuần của chúng tôi thôi, nếu ngài không thể thực hiện việc ấy thường xuyên nữa. Chúng tôi đã quen nói với nhau hằng tuần rồi, nói thật lâu, và đó là điều tôi tiếc nếu ngài không thể tiếp tục như trước nữa. Dĩ nhiên, tôi hy vọng ngài sẽ về đây thăm!

Chỉ có một người khác nữa ở trên đời có thể thực sự hiểu được điều anh trai bà đang trải qua, và người đó là Đức Bênêđíctô XVI. Hai vị đã truyện trò với nhau một vài lần. Cũng thế, có lẽ chỉ có một người khác nữa có thể đánh giá đúng điều bà đang trải qua, và người đó là anh trai Georg của Đức Bênêđíctô. Có bao giờ bà nghĩ đến việc điện thoại cho ngài để vấn kế không?

Ông biết đấy, chưa ai hỏi tôi câu này trước đây. Quả thật, có lẽ không ai hiểu cảm quan của anh trai tôi bằng Đức Bênêđíctô. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc gọi điện thoại cho anh trai ngài, nhưng tôi chắc chắn đó là cú điện thoại rất lý thú. 

Nếu gọi cú điện thoại đó, bà muốn hỏi ngài điều gì? 

Không hẳn tôi muốn có điều gì để hỏi ngài, nhưng tôi muốn chúc mừng ngài vì đã có người em trai như thế. Đức Bênêđictô XVI là một người cực kỳ khiêm nhường và cực kỳ trung thực, và quả thực phải đảm lược lắm mới dám từ bỏ quyền lực như ngài đã làm. Tôi cũng muốn tỏ bày với Đức Bênêđíctô XVI lòng biết ơn sâu xa của tôi, vì ngài đã làm mọi điều khó làm. Trước nhất, ngài đã theo chân Đức Gioan Phaolô II, một việc gần như không thể nào làm được, nhất là vì Đức Bênêđictô hướng nội, e lệ và trí thức nhiều hơn. Tôi cũng cảm thấy ái ngại cho Đức Bênêđíctô vì xét theo nhiều cách, ngài phải làm công việc “dơ bẩn” trong Giáo Hội, như bắt đầu phải đề cập tới những chuyện tồi bại trong Giáo Hội, những trái cà chua thối, như các vụ lạm dụng (tình dục) chẳng hạn. 

Bà nhắc đến các vụ lạm dụng. Bà nghĩ anh trai bà sẽ giải đáp chúng ra sao? 

Tôi không có ý niệm gì về điều ngài sẽ làm, nhưng tôi biết ngài sẽ làm những gì cần phải làm. 

Bà có vui khi anh trai bà nối gót Đức Bênêđíctô chứ không nối gót Đức Gioan Phaolô II? Bà có nghĩ chẳng hạn rằng điều đó khiến mọi sự trở nên dễ dàng cho anh trai bà hơn không? 

Có lẽ, vâng, vì Đức Gioan Phaolô II ở rất đậm trong tâm hồn người ta. Nên thật hết sức khó khăn cho bất cứ ai có nhiệm vụ phải nối gót ngài. Tôi không nghĩ anh trai tôi hoàn toàn giống Đức Gioan Phaolô II hay Đức Bênêđíctô XVI… Xét về một số phương diện, ít nhất về nhân cách, anh ấy là tổng hợp khéo léo của cả hai vị. 

Có phải bà ở nhà khi anh trai bà được bầu? 

Vâng, tôi ở nhà, làm việc nội trợ. Khi nghe tin khói trắng xuất hiện, chúng tôi mở truyền hình để xem ai là người khốn khổ bị bầu làm giáo hoàng. Tôi vốn hy vọng ở (Đức Hồng Y Odilo Pedro) Scherer của Ba Tây, trong khi con trai tôi lại muốn một tu sĩ Dòng Phanxicô được bầu làm giáo hoàng… hắn không cần biết là ai, miễn là một tu sĩ Dòng Phanxicô là được. 

Ông biết đấy, tôi nghe nhiều người nói đến việc đức tân giáo hoàng được đưa tới “Phòng Nước Mắt” sau khi được bầu, tôi luôn cho đó là chuyện buồn cười. Đức giáo hoàng mà khóc nỗi gì? Nhưng khi hiểu ra đó là anh trai tôi, tôi lập tức thấy ngay là anh ấy cần chiếc phòng ấy. Toàn bộ công trường đầy những người la lớn Viva il Papa! ngay cả trước khi họ biết vị ấy là ai. Ông phải có trái tim đá mới không khóc chút nào trước khi bước ra ngoài để đối diện với những người điên rồ đang hò la vì ông. 

Tại sao bà đặt hy vọng ở (Đức HY) Scherer?

Tôi luôn luôn thích ngài. Ngài sống cho người nghèo. Tôi quả không có sự phân tích sâu xa nào, nhưng lúc nào đối với tôi ngài cũng chọn người nghèo trong mọi công trình mục vụ của ngài. 

Tại sao bà không ủng hộ anh trai bà? 

Vì tôi muốn anh ấy trở về! Tôi không muốn anh ấy lưu lại đó.

Năm 2005, bà có sợ hơn không? 

Có, lúc đó, anh ấy thực sự sợ là mình không trở về, vì ai cũng nói tới Đức Hồng Y Bergoglio như người thừa nhiệm Đức Gioan Phaolô II. Tôi cho là đúng (lời người ta thường nói) ai vào cơ mật viện như giáo hoàng thì lúc ra vẫn là hồng y. 

Lần này thì bà không sợ? 

Không, tôi không sợ chút nào. Hôm trước ngày lên đường qua Rôma, anh ấy có gọi cho tôi và chúng tôi chuyện vãn với nhau như thường lệ mỗi lần anh ấy đi đâu xa. (Tôi chúc anh ấy) ‘chúc anh lên đường bình an, hẹn gặp lại anh khi anh trở về. Anh em mình sẽ chuyện vãn ngay sau khi anh trở về’. Chẳng ai trong chúng tôi có cảm giác anh ấy không trở về. Khi chúng tôi gác máy, anh ấy bảo ‘hẹn gặp em sau’.

Đây là điều nhiều người muốn biết. Họ nói rằng sự giản dị và khiêm nhường của đức giáo hoàng và sự gần gũi dân của ngài là những điều tốt, nhưng họ thắc mắc liệu ngài có cứng đủ để lãnh đạo không, nghĩa là liệu ngài có đủ sức mạnh để đưa ra các quyết định khó khăn xứng với một vị giáo hoàng hay không. Anh trai bà có cứng rắn đủ hay không?

Có chứ, có, nhất định có. Bản thân ngài vốn có đức tính mạnh mẽ, và ngài cũng tin tưởng sâu xa các xác tín không thể bẻ gẫy của ngài. Không ai có khả năng buộc ngài phải thỏa hiệp trong những điều ngài tin. 

Bà có thể cho một thí dụ ở thời điểm nào trong đời sống ngài, sự cứng rắn ấy rõ ràng nhất? 

Cái đó khó, vì đây là một nét khá thường hằng trong con người của ngài. Không có thời điểm nào được coi là trổi vượt cả. Nếu ông muốn có thí dụ, thì thí dụ hay nhất có lẽ là việc ngài ưu tiên chọn người nghèo. Nhiều thời điểm khiến cuộc sống của ngài ra khó khăn tại Argentina, cả trong liên hệ với chính phủ lẫn trong liên hệ với giới kinh doanh là những người muốn ngài im tiếng về người nghèo. Nhưng ngài luôn luôn chọn người nghèo, bất luận chuyện gì xẩy ra, và xin thú thật, ở xứ này, lên tiếng ủng hộ người nghèo, bạn sẽ gặp nhiều thiệt hại khủng khiếp. 

Bà biết anh trai bà hơn bất cứ ai khác. Bà có thấy hay nghe điều gì ngài làm hay nói trong tư cách giáo hoàng khiến bà ngạc nhiên không?

Không, tôi chưa ngạc nhiên về điều gì cả… lẽ dĩ nhiên, trừ việc này là ngài được bầu làm giáo hoàng. Về căn bản, tôi muốn ngài vẫn là anh Jorge, vẫn làm những cử chỉ nhỏ mọn như lúc còn làm hồng y ở đây, như đi cử hành Thánh Lễ cho người trẻ vào Thứ Năm Tuần Thánh. Ngài vẫn giảng dạy và ban hành các sứ điệp mục vụ theo cách ngài vốn được dạy phải làm, tức bằng gương sáng. Không phải nói bài nói, mà bước đường bước. 

Hai trăm năm sau, bà nghĩ người ta sẽ nhớ anh trai bà thế nào trong tư cách giáo hoàng ?

Một giáo hoàng khiêm nhường, một giáo hoàng yêu thương, nhất là yêu người nghèo và yêu sự thật. Tôi cũng nghĩ ngài sẽ được tưởng nhớ như một giáo hoàng rất cứng rắn, sẵn sàng làm những điều cần phải làm. 

Có điều gì bà mong ngài làm mà ngài chưa làm chăng? 

Không, vì tôi thực sự chưa nghĩ tới việc đó. Ngài nên làm gì đâu phải do tôi quyết định. 

Bà nghĩ có ai ở Argentina sẽ được ngài yêu cầu tới Rôma phụ giúp ngài hay không? 

Rất có thể ngài sẽ làm thế, nhưng nếu ngài làm vậy, ngài đâu cần phải thảo luận trước với bất cứ ai. Ngài chỉ cần cầm điện thoại lên mà nói ‘qua đây ngay!’. Ngài sẽ thành lập nhóm làm việc của ngài theo đòi hỏi của ngài, theo điều được ngài tin là nhu cầu của Giáo Hội, nhưng ngài đâu cần phải thảo luận việc ấy với ai trước đó, ngài chỉ lẳng lặng hành động thôi. 

Bà vừa nhắc tới nhóm làm việc mà anh trai bà sẽ thành lập. Bà nghĩ ngài muốn có loại người nào tham gia nhóm ấy?

Những người chịu suy nghĩ như ngài, chịu cảm nhận như ngài, và chịu hành động như ngài. 

Những người như thế có dễ kiếm không? 

Dễ, những người như ngài rất nhiều. Chúng ta thường quen chú mục vào những điều xấu, chứ nếu biết tìm người tốt ở quanh ta, bạn sẽ thấy háng tá. 

(bất chợt, có con mèo của gia đình chạy qua) Tiện dịp, anh trai bà có thích mèo như Đức Bênêđíctô không? 

Thú thực, tôi không biết. Ngài vốn biết ngài không thể có bất cứ con vật thân thương nào, vì ngài không bao giờ biết trong tương lai mình sẽ ở đâu và vì ngài không có thì giờ chăm sóc nó. Ngài chưa bao giờ tỏ ra muốn có một con vật thân thương. Tôi biết lúc còn ở chủng viện, người ta có nuôi một con chó. Con chó này được anh trai tôi cưng, nhưng chưa bao giờ nghe nói ngài muốn có một con. 

Khi còn là một thiếu niên, há ngài đã không thích một con vẹt đuôi dài đó sao? 

Cái đó có, lúc ngài còn ở nhà tập, họ có nuôi một con vẹt đuôi dài và Jorge rất thích con vẹt đó. Ngài dạy nó nói một vài câu… ai cũng biết, không phải là lời cầu nguyện mà là chửi tục gì đó! Ngài rất thương giống vật, nhưng biết rõ mình không bao giờ có cơ hội chăm sóc riêng một con. 

Theo John L. Allen Jr. tháng Tư, 2013 NCR Today