Tin! Là đi theo Đức Giêsu
Jos.Vinc. Ngọc Biển
Đức tin là ân ban của Thiên Chúa. Nhờ có đức tin, chúng ta đón nhận cách mạnh mẽ những chân lý, mạc khải của Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Đức Giêsu và Giáo Hội của Ngài . Thật diễm phúc cho những ai sống trong đức tin. Khi sống trong đức tin, họ được dìm mình vào trong ân sủng của Thiên Chúa, và có khả năng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi cuộc sống thường ngày qua mọi chiều kích. Nói như thánh Luca: sống trong đức tin là sống liên lỉ, hành động và hiện hữu trong Thiên Chúa (x. Cv 17,28). Bởi vì qua đức tin, chúng ta đi vào sự sống của Thiên Chúa và cuộc sống của Chúa Giêsu; chính qua đức tin mà Thiên Chúa bắt đầu sống trong chúng ta. Đức tin chính là nguyên nhân đệ nhất vượt lên trên mọi nguyên nhân thứ yếu để ta gặp được Thiên Chúa .
Lần giở lại Kinh Thánh, chúng ta thấy Đức Giêsu đã kêu gọi một số người cách đặc biệt để cùng với Ngài thi hành sứ mạng cứu độ mà Chúa Cha đã trao phó cho Ngài. Tuy nhiên, ngày nay, Ngài vẫn còn tiếp tục mời gọi chúng ta và trao truyền cho chúng ta sứ mạng mà xưa kia Ngài cũng đã trao phó cho các Tông đồ.
1. Ngày xưa, Đức Giêsu gọi các môn đệ đi theo Ngài trên lộ trình cứu độ
Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã thông truyền và khai mở lòng tin cho những ai Ngài muốn mời gọi để đi vào sự hiện hữu của Ngài: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng lậy Cha, đó là điều đẹp ý Cha" ( Mc 10, 21). Hành trình ấy được khởi đầu bằng việc Ngài mời gọi các tông đồ. Theo Kinh Thánh, thì vào rạng đông trên hồ Galilê, nơi đó có Simon và Anrê đang quăng chài dưới biển, Đức Giêsu tiến lại gần họ, Ngài dừng lại, giơ tay vẫy chào và lên tiếng gọi họ: “Các Anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các Anh thành những kẻ lưới người như lưới cá!”. Cũng trong buổi sáng hôm đó, Ngài đi dọc bờ biển, và Ngài lại thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là Gioan, hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Đức Giêsu lại cất tiếng mời gọi, lập tức các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Đức Giêsu (x. Mt 4, 18-22). Còn trong Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta cũng thấy Đức Giêsu gặp ông Philípphê và Ngài cũng cất tiếng mời gọi: “Anh hãy theo tôi” (Ga 1,43). Hôm khác, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêu đang ngồi tại trạm. Ngài bảo ông: "Anh hãy theo tôi! " “Ông đứng dậy đi theo Người” (x. Mt 9, 9-13).
Đức Giêsu đã gọi các Tông đồ, để các ông lên đường với Ngài, khởi đầu cho một hành trình cứu độ mà Ngài đã đón nhận từ Thiên Chúa Cha. Thật vậy, các ông đã mau mắn đáp lại lời mời gọi ấy và sẵn sàng ra đi để đến với muôn dân. Tinh thần đáp trả của các Tông đồ cách triệt để như vậy thể hiện một niềm tin tưởng trọn vẹn nơi Đức Giêsu. Cuộc sống của các ông giờ đây chính là một cuộc đời có Chúa. Các ông xác tín điều đó, nên mặc dù Đức Giêsu sống nay đây mai đó như lời Ngài đã nói: con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu, thế mà các ông vẫn cứ theo. Mặt khác, trên lộ trình ấy, có những lúc thuận tiện cũng nhưng cũng không thiếu những lúc bất tiện cho hành trình của Thầy –trò, nhưng các ông vẫn tin và đi theo. Cuối cùng, cái chết của các môn đệ để bảo vệ chân lý, niềm tin vào Đức Giêsu chính là lời chứng hùng hồn để nói cho con người mọi thời rằng: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa Hằng Sống.
2. Ngày nay, Đức Giê su cũng cất tiếng mời gọi chúng ta “Hãy theo Ngài”
Ngày hôm nay, chắc có nhiều người nói: chúng ta không được diễm phúc như các Tông đồ khi xưa là được Đức Giêsu đến và đích thân mời. Nhưng, vẫn Đức Giêsu ấy, Ngài cũng đang mời gọi chúng ta là: “Hãy theo Thầy”. Lời mời gọi ấy ta thấy trong chính từng trang Kinh Thánh. Bởi lẽ: “mọi sự có qua đi, nhưng Lời Chúa thì vẫn tồn tại mãi mãi”. Điều quan trọng là chúng ta có nhạy bén để nhận ra Ngài và đáp lại lời mời gọi để đi theo Ngài như các Tông đồ khi xưa hay không?. Nếu chúng ta nhận ra ân sủng đó, thì cũng là lúc chúng ta đi vào trong sự hiện hữu; hay nói cách khác, chúng ta đang sống cuộc sống của Đức Giêsu, mà hiện hữu trong Đức Giêsu và sống cuộc sống của Ngài là gì nếu chẳng phải là vâng theo ý của Thiên Chúa như lời Đức Giêsu đã nói: “Lương thực của Thầy là vâng theo ý Chúa Cha”. Trên hành trình ấy, chúng ta có thể gặp được hoa thơm, nhưng cũng không ít cỏ dại làm cản bước chân ta. Nói cách khác, trên hành trình theo Chúa của mỗi chúng ta, chúng ta cũng sẽ bắt gặp những người hay nhóm người nhiệt tình ủng hộ ta cách “tuyệt đối”, cuộc sống và công việc của ta là của họ. Tuy nhiên, lại có một hay nhóm người khác tìm mọi cách loại bỏ chúng ta ra khỏi “cuộc chơi” của họ cách phũ phàng...và cũng lại không thiếu những con người dửng dưng sống theo chủ nghĩa “mặc bay”. Tất cả những phản ứng đó, chúng ta lần giở lại các trang Kinh Thánh nói về cuộc đời của Chúa Cứu Thế, chúng ta cũng thấy nó luôn xuất hiện trong sứ vụ của Ngài. Vì vậy, khi nói chúng ta theo Chúa để trở thành môn đệ của Ngài, thì Ngài đi con đường nào, người môn sinh cũng sẽ đi con đường đó, bởi lẽ ta đi theo chứ không phải là đi trước. Mà đã đi theo thì sẽ cùng chung số phận với Thầy: “vì Thầy mà anh em bị bắt bớ...”. Nhưng điều quan trọng là theo Chúa đến cùng, ta mới được phục sinh: “ai bền đỗ đến cùng mới được cứu độ”.
Như vậy, Đức Giêsu là người đi bước trước để mời gọi những ai Ngài muốn. Ngài cất tiếng gọi họ, thì cũng có nghĩa là Ngài ban cho họ một khả năng để đón nhận lời mời gọi ấy như một mạc khải. Khả năng đó ta có thể gọi là “ơn đức tin” mà Thiên Chúa phú bẩn và trao ban cho con người. Khi những người được gọi đã đi vào trong lộ trình đức tin ấy, thì họ sẵn sàng sống – chết vì lý tưởng. Điều đó chứng minh rằng, khi đã nghe được tiếng Chúa mời gọi, họ đi theo và sẵn sàng dấn thân vì biết rằng có Chúa là có tất cả trong cuộc đời của họ rồi. Như vậy, tắt một lời: tin là đi theo Đức Giêsu và sống những giá trị đức tin ấy trong cuộc sống thường ngày.
Vâng lời
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Chúa nhật 3 PS.C (Tđcv 5, 27b-32. 40-41; Kh 5, 11-14; Ga 21, 1-14).
Vâng lời là một trong ba lời khấn trong nghi thức khấn dòng: Khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời. Vâng lời là bỏ ý riêng mình, vâng theo ý Chúa qua sự vâng phục ý của bề trên. Vâng lời đòi hỏi sự khiêm nhu đích thực. Thơ gởi tín hữu Do-thái đã diễn tả về Chúa Giêsu: Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục (Dt 5, 8). Chúa đã nêu gương vâng phục thánh ý Chúa Cha. Sau khi các tông đồ đã được diện kiến và chia sẻ ăn uống với Chúa Kitô phục sinh, các Ngài đã mạnh dạn ra đi làm nhân chứng. Các tông đồ là những nhân chứng sống động và can đảm nhất. Các Ngài đã đối diện với nhiều quyền lực cả thần quyền lẫn thế quyền. Người ta hăm dọa và cấm cản các tông đồ. Bấy giờ ông Phêrô và các Tông Đồ khác đáp lại rằng: "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm (Tđcv 5, 29). Một chọn lựa tuyệt đối. Các tông đồ đã chọn Chúa, vâng lời Thiên Chúa. Sự chọn lựa này có thể đưa đến sự giam tù, đầy ải khổ đau và chết chóc.
Những sự kiện mới xảy ra hôm nào: Đức Giê-su đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy (Tđcv 5, 30). Tin tức còn nóng hổi. Các nhân chứng còn đang hiện diện đầy phấn khởi. Tân hồn của các Tông đồ sôi xục niềm tin. Các ông ra đi rao giảng tin vui cho mọi người. Chẳng chút sợ hãi từ nan. Lòng nhiệt thành của các Tông đồ làm cho các nhà chức trách lo ngại. Nhưng dù có cấm cản và đe dọa, các Tông đồ vẫn một lòng trung kiên: Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người."(Tđcv 5, 32). Các nhân chứng vâng theo ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Niềm tin và lòng trung tín của các Tông đồ là những hạt giống gieo mầm đức tin cho các thế hệ và cho mỗi người chúng ta. Đức tin của chúng ta cậy dựa vào những lời chứng của các tông đồ xưa.
Tâm hồn của các tông đồ hân hoan và vui mừng cho dù khổ đau trăm bề. Chứng nhân cho sự thật đồng nghĩa với sự khổ nhục vì danh Chúa Kitô. Chỉ có sự thật mới có thể giải thoát. Người đời không thể hiểu được ý nghĩa đích thực của các nhân chứng sự thật. Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu (Tđcv 5, 41). Chịu tù đầy, đánh đòn và giam giữ trở nên nguồn sinh lực hân hoan cho các tông đồ. Trong suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, có rất nhiều chứng nhân dám xả thân mang tin mừng cứu độ đến mọi người khắp mọi nơi. Đã có những vị tử đạo bỏ mình nơi vùng hoang sơ của những bộ lạc sống sơ khai man rợ. Tinh thần lạc quan và nhiệt tình của các nhà truyền giáo đã giúp họ xông pha trên mọi nẻo đường dù gian khó. Qua các Ngài, hôm nay chúng ta được thừa hưởng kho tàng mầm sống đức tin.
Chúa Giêsu chúc phúc cho những ai không thấy mà tin. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi người tín hữu đã được gieo mầm đức tin và được tháp nhập vào nhiệm thể của Chúa Kitô. Cả cuộc đời của chúng ta đã bỏ vốn đầu tư trong một niềm tin. Chúng ta đã cống hiến nhiều thời gian, sức lực, khả năng, của cải và cả đời sống nơi Chúa Kitô phục sinh. Chúng ta đã đặt trọn niềm tin, niềm hy vọng và tình yêu vào Đấng trung gian của vũ trụ. Chúng ta đã chọn Chúa Giêsu Kitô là trung tâm điểm của đời sống tâm linh. Chúng ta đã hy sinh, hãm mình, thi hành bác ái và tuân giữ giới răn của Chúa và Giáo Hội. Chúng ta đang trông chờ điều gì? Đó chính là sự sống lại và sự sống hạnh phúc ngày sau. Chúng ta biết rằng con đường lên thiên đàng là thiên đàng. Vâng theo thánh ý Chúa trong cuộc lữ hành trần thế là chúng ta đang dõi theo con đường hướng thượng.
Hằng ngày chúng ta vác thánh giá đi theo Chúa. Theo Chúa là theo con đường đi lên, con đường an vui hạnh phúc, con đường ngược dòng và cả con đường khổ giá. Chúng ta đã đầu tư biết bao nhiêu công sức để học hỏi, tìm hiểu và sống niềm tin của mình qua năm tháng. Đừng để niềm tin của chúng ta trở thành trống rỗng, mê tín, hình thức và trình diễn bên ngoài. Chúng ta hãy chìm sâu vào cốt lõi của niềm tin. Tinh thần vâng phục sẽ mang lại hoa trái tốt đẹp. Biết tìm từ bỏ ý riêng và chấp nhận ý Chúa. Vâng phục không phải là đánh mất mình nhưng là chia sẻ một cuộc sống hài hòa trong yêu thương bác ái. Vâng lời trọng hơn của lễ là thế. Chúng ta biết trăm người trăm ý, nên cần có những quyết định và ý kiến chung để thi hành. Tuy rằng không có ý nào là tuyệt đối nhưng có đa số quyết định. Giáo hội là Nước Trời tại thế nhưng giáo hội cũng là tổ chức xã hội, cần có sự nhất trí để dẫn dắt mọi tín hữu đi trong đường lối Chúa. Chúng ta cũng biết sự vâng phục sẽ nhẹ nhàng hơn đôi chút khi có sự đối thoại và thông cảm. Hãy sống niềm tin đích thực trong mọi trạng huống ở đời.
Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần và nhiều cách với nhiều người. Đôi khi các tông đồ cũng chẳng nhận ra Chúa. Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su (Ga 21, 4). Chúa đến với các tông đồ khi Chúa muốn. Chúa cho ai ân sủng, người đó lãnh nhận. Chúng ta không nên phân bì, so sánh hay ganh tị. Ân sủng là qùa tặng nhưng không. Trong bài Phúc âm, Chúa Giêsu lại yêu cầu các tông đồ làm một việc có vẻ như thách thức tinh thần vâng phục. Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá (Ga 21, 6). Vâng lời Thầy, con thả lưới. Các tông đồ là những ngư phủ chuyên nghiệp đã cật lực thâu đêm mà chẳng bắt được gì. Vâng lời Thầy, các ông đã kéo được mẻ cá to. Sự vâng phục đã mang lại niềm vui và thành qủa to lớn.
Chúa Giêsu là Chúa và là Thầy. Chúa vẫn dùng những cử chỉ thân thương gần gũi để chia sẻ cuộc sống với các tông đồ: Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy (Ga 21, 13). Bánh và cá đã trở thành dấu chỉ sự hiện diện của Chúa. Trên sườn núi Chúa cũng đã biến hóa bánh và cá hai lần để nuôi dân con số trên cả mấy ngàn người. Chúa quan tâm sự vất vả, mệt nhọc và đói khổ của dân chúng. Sự hiện diện của Chúa mang lại niềm an vui, no thỏa và ủi an. Chúng ta tín thác vào lòng thương xót của Chúa moi nơi mọi lúc. Nếu chúng ta có Chúa hiện diện là có sự bình an, có niềm vui hoan lạc và hy vọng. Hãy kết hợp thường xuyên với Chúa Giêsu, tâm hồn chúng ta sẽ được an nghỉ: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11, 28).
Sách Khải Huyền của thánh Gioan mở ra cho chúng ta một viễn tượng tuyệt vời nơi đất mới trời mới: Tôi thấy và tôi nghe tiếng muôn vàn thiên thần ở chung quanh ngai, các Con Vật và các Kỳ Mục. Số các thiên thần có tới ức ức triệu triệu (Kh 5, 11). Đây là thực tại của niềm tin. Tất cả niềm hy vọng của chúng ta đặt vào Chúa Kitô Phục Sinh. Chúng ta hy vọng sẽ cùng chung hưởng một cõi sống vĩnh hằng. Những đau khổ của chúng ta hôm nay, chẳng là gì so với vinh quang bất diệt mà chúng ta sẽ được dự phần. Thánh Gioan diễn tả: Tôi lại nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô: "Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời! "(Kh 5, 13).
Lạy Chúa, chúng con cứ mải mê tìm kiếm những của cải và thú vui thế sự để thỏa mãn những nhu cầu vật chất. Xin cho chúng con biết nhìn lên, hướng thượng và chiêm ngắm vinh quang mà Chúa đang dành sẵn cho chúng con. Xin cho chúng con cùng được thông phần hạnh phúc với các thánh trong Nước Trời. Amen.