Đi xe buýt ở Nga khác xa xe buýt Việt Nam

Chuyến xe không chứa hết số người xếp hàng. Nó được một hành khách lên sau cùng đóng cửa lại và từ từ chuyển bánh. Những người còn lại vẫn thư thái đợi chuyến tiếp theo để đến lượt mình. Những người khác tiếp tục bước đến để đón xe 74 nối nhau vào cái hàng người đứng đợi một cách yên lặng, bình thản...

 

Đi xe buýt ở Nga khác xa xe buýt Việt Nam

Chuyến xe không chứa hết số người xếp hàng. Nó được một hành khách lên sau cùng đóng cửa lại và từ từ chuyển bánh. Những người còn lại vẫn thư thái đợi chuyến tiếp theo một cách yên lặng.
 
Câu chuyện thứ nhất
 
Tôi đi ra từ trong bến metro (tàu điện ngầm) ngang qua bến xe buýt. Tại điểm đợi xe số "74", mọi người đang xếp hàng dài một cách rất trật tự. Vài người đọc sách, vài người mơ màng nghe gì đó qua tai phone dây luồn ra từ trong áo.
 
Trời đã ngừng mưa, mặt đường hòa lẫn nước và tuyết. Tôi dừng lại ngó lơ. Chiếc xe buýt hiệu Ford mười lăm chỗ số 74 đậu xịch lại tại bến. Một người phía trong gần cửa kéo mở cửa xe và mọi người lần lượt bước xuống.
 
Rồi những người xếp hàng lần lượt bước lên, từng người thả 30 rúp (tiền Nga) xuống cái khay đựng tiền cạnh người lái xe và tự động xé một vé cho mình từ cuộn vé cạnh đó trước khi ngồi vào ghế.
 
Chuyến xe không chứa hết số người xếp hàng. Nó được một hành khách lên sau cùng đóng cửa lại và từ từ chuyển bánh. Những người còn lại vẫn thư thái đợi chuyến tiếp theo để đến lượt mình. Những người khác tiếp tục bước đến để đón xe 74 nối nhau vào cái hàng người đứng đợi một cách yên lặng, bình thản.
 
Câu chuyện thứ hai
 
Vào một buổi chiều đông muộn, tôi bước lên xe buýt từ cửa sau, đảo mắt một hồi không thấy ai thu tiền cả, nhìn bảng giá thấy ghi 21 rúp. Người lái xe ngồi ở khoang riêng. Loại xe này thông thường có một người soát vé. Xe vẫn chạy.
 
Đến bến khác, tôi để ý vài người bước lên từ cửa trước. Họ lần lượt quẹt thẻ vào cái máy kiểm tra ngay cái cột cạnh cửa. Không thấy ai dùng tiền mặt cả. Tôi hỏi một người phụ nữ làm thế nào để trả tiền mặt. Bà trả lời là có thể trả cho người lái xe. Tôi chuẩn bị 21 rúp lẻ. Đến bến xuống, tôi ghé luồn tiền qua ô cửa cho người lái xe rồi bước xuống.
 
Câu chuyện thứ ba
 
Chiếc tờ-ram-vai* đã dừng, những người trên xe đã xuống hết, những người dưới bến đã lần lượt bước lên. Tôi và một người bạn chạy ngược từ phía đầu xe. Vừa chạy vừa ra hiệu cho người điều khiển xe đợi hai đứa.
 
Quãng đường khá xa, tôi chạy sau người bạn và nghĩ: thì cứ chạy chứ chắc gì xe đợi hai anh em. Đến gần thì nhìn rõ mặt người điều khiển xe đang mỉm cười thông cảm. Hai anh em bước lên xe. Cửa xe từ từ đóng lại, xe bắt đầu chuyển bánh. Vài người trên xe nhìn hai anh em thở dốc và mỉm cười thông cảm. 
 
*Tờ-ram-vai (трамвай): xe điện chạy bánh ray dọc các phố lớn trong nội thành ở Saint-Petersburg.
 
Câu chuyện thứ tư
 
Chiếc xe buýt chuẩn bị dừng ở bến, nhưng tôi thì còn cách sau nó cả trăm mét. Chạy!
 
Một cụ bà chuẩn bị bước lên ở cửa trước. Cụ nhác thấy tôi đang chạy đến, cụ nhìn tôi với ánh mắt cảm thông và giả như nhùng nhằng ở ngưỡng cửa xe. Phía cửa sau cụ bà khác bước xuống, cũng nhác thấy tôi đang vội lao đến cho kịp chuyến xe, cụ cũng nhìn tôi mỉm cười và giả như chầm chậm bước xuống nơi ngưỡng cửa.
 
Tôi chạy kịp đến, cụ thứ nhất vừa kịp bước lên xe và cụ thứ hai vừa kịp bước xuống lòng hè. Tôi khẽ cúi đầu và máy môi nói "Сảm ơn nhiều!" không thành tiếng.
 
Cả hai cụ đều mỉm cười đáp lại. Chuyến xe khép cửa và từ từ chuyển bánh. Mọi người trên xe buýt thư thái, trật tự. Một người nam đứng dậy nhường ghế cho cụ bà vừa bước lên. Một cái cúi người nhẹ của bà cụ, một lời cảm ơn qua ánh mắt.

 

 

Văn hóa xếp hàng

(Kienthuc.net.vn) - Bây giờ mỗi lần phải xếp hàng là tôi lại thấy phát khiếp lên. Chen ngang trắng trợn, xô đẩy, trèo lên đầu lên cổ người khác mà chen vào... thật là đáng xấu hổ.
 
Tôi đi mua bánh mỳ, đúng giờ tan tầm nên rất đông người. Sọt bánh mới nướng được mang ra, nóng hổi, thơm lừng. Đang hý hửng tìm được cái gắp để lấy bánh, tôi đã bị chen bật cả ra. Đành đứng vòng ngoài nhìn người ta chọn bánh xong mới mong đến lượt mình. Mà rõ khổ, bánh mới ra lò ngon như thế, nóng như thế mà người ta vẫn phải chọn, lại không dùng kẹp, cứ tay không mà nhặt, nhặt lên lại vứt xuống, rồi bới, rồi tìm, sốt cả ruột. Mãi thì cũng đến lượt. 

Ảnh minh họa. 
Vừa mừng vì lấy được túi bánh, quay ra lại thấy một hàng dài chờ xếp hàng thanh toán. Cái việc xếp hàng này cũng là bình thường thôi, nhưng bực cái là có 2 cô nhân viên thanh toán, thành ra người ta xếp hàng cả hai phía quầy. Đã thế có người lại cố tình không nhìn thấy người khác xếp hàng, thản nhiên chen vào giữa để tiện bên nào thì trả tiền bên đấy. Bị chen ngang mấy lần kiểu đấy tôi đã điên tiết lắm rồi. 

Đến lượt, cô nhân viên lại quay sang định thanh toán cho một người phía bên kia, tôi bực mình định ra trả chỗ bánh đó không thèm mua nữa. Nhưng phía bên kia lại là một người đàn ông nước ngoài, ông ta ra hiệu cho cô bán hàng là đến lượt tôi. Tôi vẫn hậm hực nên cũng quên quay lại cảm ơn người đàn ông ngoại quốc kia.

 
Bây giờ mỗi lần phải xếp hàng là tôi lại thấy phát khiếp lên. Chen ngang trắng trợn, xô đẩy, trèo lên đầu lên cổ người khác mà chen vào... thật là đáng xấu hổ.
 
Nào có phải dân mình không biết xếp hàng đâu. Thời bao cấp tôi cũng đã phải đi xếp hàng chán ra rồi. Hết xếp hàng mua gạo, thịt, mắm muối, đến cả mớ rau muống già cũng phải xếp hàng. Xếp hàng nhiều đến nỗi tôi thường phải mang sách theo để học. Mà việc xếp hàng ngày đó đơn giản lắm. Một hòn gạch, một mảnh rổ rách để vào đó để đánh dấu là chỗ của mình, rồi đi đâu đó, lúc cô bán hàng mở cửa thì quay lại nhận chỗ. Hoặc mọi người ngồi chờ lâu lại quay ra rủ rỉ trò chuyện, tâm sự đủ thứ. Thành ra có cả hội những người quen nhau ở chỗ xếp hàng. Nó cũng là một nét văn hoá, văn hoá xếp hàng. Chả hiểu vì sao giờ cái văn hoá đấy cũng mất nốt rồi.

Kienthuc.net.vn