Sự thinh lặng hùng hồn vang dội châu Á
Linh mục Bill Grimm từ Tokyo
Đức Thánh Cha cho thấy chúng ta và Giáo hội có thể sống và phục vụ cùng một cách.
Qua những việc đã làm và chưa làm được trong vài ngày từ khi lên ngôi giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho người Công giáo lý do để hy vọng hay hối tiếc phần lớn những gì họ đã quen hay cam chịu trong khoảng 35 năm qua sẽ thay đổi.
Hôm 16-3, Đức Phanxicô có bài phát biểu trước đại diện truyền thông đã đưa tin về việc từ nhiệm của Đức Bênêđictô XVI và Mật tuyển viện. Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn về việc làm vất vả của họ và nỗ lực chuyển tải đầy đủ ý nghĩa các sự kiện họ đưa tin. Ngài còn giải thích lý do ngài chọn tước hiệu Giáo hoàng Phanxicô.
Chính bài phát biểu thân thiện và còn mang tính hài hước này cho thấy Đức Thánh Cha hiểu vai trò của các phương tiện truyền thông.
"Xin đảm bảo rằng về phần mình Giáo Hội rất quý trọng công việc quan trọng của các bạn. Các bạn có toàn quyền sử dụng phương tiện để nghe và lên tiếng về những nguyện vọng và yêu cầu của người dân, phân tích và giải thích những sự kiện thời sự. Công việc của các bạn đòi hỏi chuẩn bị kỹ, nhạy cảm và kinh nghiệm giống như nhiều nghề khác, nhưng nó còn đòi hỏi phải đặc biệt quan tâm đến những gì là chân thiện mỹ nữa".
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà Đức Thánh Cha nói và làm nằm ở cuối bài phát biểu, khi ngài nói với các nhà báo tại sự kiện này: "Tôi chân thành ban phép lành của tôi cho tất cả các bạn. Xin cảm ơn". Sau đó, trong khi các nhà báo cầm sẵn viết và máy ghi âm đợi, ngài không nói cũng không làm gì cả!
Sau một hồi thinh lặng, ngài nói: "Tôi đã nói với các bạn là tôi chân thành ban phép lành của tôi cho các bạn rồi. Vì nhiều người trong các bạn không thuộc Giáo hội Công giáo, và có người không có tín ngưỡng, tôi chân thành ban phép lành này trong thinh lặng, cho mỗi người trong các bạn, tôn trọng tín ngưỡng của mỗi người, nhưng mọi người đều biết mỗi người trong các bạn đều là con của Thiên Chúa. Xin Thiên Chúa chúc lành cho các bạn!"
Đức Thánh Cha không nói theo công thức xưng tụng Chúa Ba Ngôi và ngài cũng không làm dấu Thánh giá. Ngài chỉ cầu nguyện trong thinh lặng để tất cả có thể chia sẻ, cầu nguyện xin cho con cái Chúa hiện diện ở đó đều có thể cùng hưởng phép lành của Chúa.
Giây phút thinh lặng đó đặc biệt có ý nghĩa ở châu Á, nơi người Công giáo sống giữa vô số tôn giáo và không tôn giáo.
Tất nhiên, thực trạng ảnh hưởng đến cách Kitô hữu ở châu Á sống đức tin luôn là thực trạng của Giáo Hội trên thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay Giáo hội Công giáo thường có vẻ và rất hay chuộng châu Âu, cầu nguyện và hành động không để ý nhiều đến thực tại của thế giới vốn có nhiều tôn giáo nhưng ngày càng thiếu một tôn giáo nào đó.
Đức Thánh Cha, qua vài giây thinh lặng, đã tái khẳng định tầm nhìn của Giáo Hội cổ vũ Công đồng Vatican II: Dân Chúa đang hành hương trên thế giới này công bố Chúa chúc lành cho "niềm vui và hy vọng, đau buồn và lo lắng của người dân trong thời đại này, đặc biệt là những người nghèo hay bị đau khổ".
Cách châu Á hình thành Giáo Hội - gặp gỡ tôn trọng đối thoại với người khác, cầu xin Chúa chúc lành cho họ, nhưng không áp đặt những biểu tượng, lời nói hay ý tưởng, "tôn trọng tín ngưỡng của mỗi người" - đã được công nhận và minh chứng ở cấp phục vụ cao nhất trong Giáo Hội.
Người Công giáo châu Á hiện có vai trò lớn đối với Giáo Hội. Phép lành của Đức Thánh Cha nhấn mạnh tình hình chúng ta sống và phục vụ thực ra là tình hình sống và phục vụ của toàn Giáo Hội.
Kinh nghiệm truyền giáo của chúng ta bằng đối thoại hiện nay phải trở thành hướng đi của toàn Giáo hội, làm cho nó ngày càng công giáo, phổ quát hơn. Thông qua mẫu gương cũng như giáo huấn rõ ràng này, người Công giáo châu Á có thể đền đáp những người đã truyền giáo cho chúng ta bằng cách chứng minh cho những thành viên còn lại trong Giáo hội cách trung thành với Đức Kitô bằng sự khiêm nhường, thiểu số, đối thoại và bác ái.
-------------
(*) Linh mục Bill Grimm chịu trách nhiệm xuất bản của UCANews, sống ở Tokyo
Nguồn: UCANews
Món quà Thiên Chúa ban đặc biệt cho thế giới
Tuyết Mai
________________________________________
Từ khi giới báo chí và giới truyền thông đăng tải tin tức cho thế giới biết chúng ta có được một Đức Giáo Hoàng mới, từ đó không một ai có thể rời được con mắt tò mỏ khỏi được màn hình và không ngừng tò mò xem ngài Giáo Hoàng Francisco mới này có những gì hay, mới, lạ mà ngài có thể đem đến cho nhân loại khắp nơi trên thế giới? Thưa là nhiều nhiều lắm lắm!. Từ giới làm báo cho đến giới truyền thông và hết thảy mọi người dù có đạo hay không có đạo đã không ngừng chúc mừng cho Giáo Hội Công Giáo đã chính thức có được vị Giáo Hoàng Francisco mà toàn khắp thế giới đều tỏ lòng kính mến và mừng vui khấp khởi.
Giờ thì chúng ta mới cảm nhận được là Chúa Giêsu xưa đã cuốn hút hay thu hút người dân đi theo Chúa rất đông đảo như thế nào? Thì nay hình ảnh ấy được diễn ra y như vậy lần nữa. Có phải vì Đức Giáo Hoàng của chúng ta ngài đẹp lão, trí thức, và gồm đủ mọi điều kiện cho chúng ta mê hay không? Hay vì ngài có gì khác lạ để cho thế giới ca ngợi ngài nhiều đến như thế??. Khi mà cả thế giới con người đã ca ngợi ngài thì thật ai cũng phải đồng tình mà công nhận rằng chính Chúa Thánh Thần đã tuyển chọn ngài, vì ngài thật xứng đáng.
Từ cái xuất hiện đầu tiên của ngài, cái nụ cười ấm áp rất tình người ấy, và mọi hành động nhỏ của ngài dù ở xa trên khung cửa, dù ngài có đứng đó lặng yên trong giây phút, trong sự chờ đợi nín thở của mọi người đang tò mò và theo dõi ngài, người ta cùng đồng thanh reo to tên của ngài (Francisco) khi được cho biết. Vâng, tất cả cùng hòa một nhịp điệu vui mừng, yêu thương, tin tưởng, và hy vọng vì hiểu rằng tên Francisco có nghĩa là tình yêu tuyệt đối, là sống cho người nghèo khổ, và sống trong tình yêu của Thiên Chúa.
Rõ nhất là từ màn hình thật to chiếu cho thế giới nhìn ngắm dung nhan của một Đức Giáo Hoàng Francisco mới!. Rồi thì những ngày tiếp theo, nhất cử nhất động và từng lời nói của ngài đều được thế giới thu thanh và thu hình để cho mọi người trên thế giới được nghe biết. Hẳn chỉ trong thời gian rất ngắn ngủi, thiên hạ ở khắp cùng đã hâm mộ ngài Francisco đến cách đặc biệt, cách lạ lùng!. Người ta mê ngài cách kính trọng; mê ngài vì có sự cảm thông của thần giao cách cảm giữa người với người!? Hay mê vì sự rung động của mọi trái tim có sức cảm nhận!? Hay nói cách tự tin hơn là ngay cả giới báo chí với giới truyền thông hình như không thiết muốn được nghỉ ngơi, nhất là trong giai đoạn mà cần có nhiều tin tức về ngài càng nhiều thì càng tốt, v.v….
Thế giới mê ngài đến độ mà cuộc đời của ngài suốt mấy chục năm qua chẳng một ai cần biết đến hay biết là ngài hiện hữu. Mê say ngài đến nỗi người ta phải truy lại cuộc đời quá khứ của ngài. Xem ngài từ đâu đến? Ngài là ai và ở đâu từ trước đến giờ? Con cái của ai? Và như càng tìm hiểu về ngài thì thế giới càng ngạc nhiên hơn nữa trong sự thánh thiện và đạo đức của ngài như là một Thánh Sống. Ngài đã từng sống giữa dòng người và dòng đời, hầu hết họ là những con người sầu khổ, đau thương, nghèo khổ, bệnh tật, và tội lỗi.
Ngài Giáo Hoàng Francisco đã rất thuờng tới lui những ổ chuột của thành phố, từng an ủi những con người tội lỗi như Maria Madalina, và ngài Giáo Hoàng của chúng ta rất thường rửa chân cho họ. Ngài yêu thương họ, đến cùng với họ để chia sẻ và đem Tin Mừng của Chúa đến với hết thảy mọi người, không trừ một ai; và họ đã vô cùng ngạc nhiên về ngài (người bạn thân nhất của họ) nay là Đức Giáo Hoàng của cả thế giới.
Nhưng nay có phải là sự mừng vui hoan hỷ hơn hết là từ đây Đức Giáo Hoàng Francisco của chúng ta sẽ giáo huấn cho mọi hàng phẩm trật trong Giáo Hội cách nhìn, cách sống, và cách sinh hoạt đúng nghĩa với tinh thần của Chúa Giêsu thời xưa hơn; có nghĩa là sống thực tế và điều thiết yếu nhất vẫn là chọn sống “Gần gũi” với giáo dân và đem Tin Mừng của Chúa đến cho mọi nơi và mọi người. Vui mừng vui lắm thay, khi ta thấy ngài ngồi chung với các giám mục trên một chiếc xe van thay vì ngồi trên xe limosine sang trọng và ngay cả những khuôn mặt vui mừng của những giám mục khác ta cũng thấy họ rất đồng tình với cách sống giản dị, gần gũi, ấm cúng, và đầy tình người ấy!!!.
Trong sự cảm tạ Thiên Chúa và vui mừng, chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục cầu nguyện cho Ngài Giáo Hoàng Francisco của chúng ta luôn sống trong ơn Chúa và phục vụ con người nhất là những ai cùng khổ. Hy vọng rằng từ nay chúng ta chỉ nghe những tiếng thơm về ngài Giáo Hoàng Francisco của chúng ta mà thôi! Và hy vọng rằng Giáo Hội Chúa càng ngày càng vững mạnh như câu “Một cây làm chẳng nên non; ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
Tuyết Mai