Dây Pallium
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Dây Pallium
Ngày lễ khai mạc sứ vụ mục tử Phero, còn gọi là lễ đăng quang, Đức tân giáo hoàng nhận choàng lên vai dây Pallium, và chiếc nhẫn ngư phủ được trao xỏ vào ngón tay.
Hai biểu tượng này diễn tả chức vị cùng quyền hành của Đức giáo hoàng Công giáo Roma.
Nhưng đâu là ý nghĩa dây Pallium?
1. Nguồn gốc lịch sử dây PalliumDây Pallium là biểu hiểu chức vị của Đức giáo hoàng Công giáo. Dây Pallium cũng được trao ban cho các vị Tổng giám mục đứng đầu các Tổng giáo phận Công giáo trên thế giới.
Dây Pallium cũng là chiếc dây Các Phép (Stola), mà linh mục mang đeo khi cử hành các Bí Tích. Dây Pallium ngày nay có hình thể như chữ Y, phía trên quấn thành hình tròn choàng qua hai bên vai, và phía dưới dài xuống trước ngực, chiều ngang rộng từ 5 đến 15 centimét. Trên dây Pallium có thêu các hình Thánh gía mầu đen. Riêng dây Pallium của Đức giáo hoàng thêu hình Thánh gía mầu đỏ.
Tới thế kỷ thứ 3. dây Pallium là một phần áo mão của các Nghị sĩ quan thượng viện Roma. Sau khi đạo Công giáo được chính thức công nhận là tôn giáo trong toàn thể đế quốc Roma năm 380, dây Pallium được trao cho các Giáo sỹ chức sắc cao cấp.
Bên Đông Phương dây Pallium thuộc về phẩm phục của các Đức Giám mục.
Từ thế kỷ thứ 7. Đức giáo hoàng bên Phương tây trao dây Pallium cho các vị Tổng giám mục.
Dây Pallium được Đức giáo hoàng cũng như các Vị Tổng giám mục mang đeo trên vai, không chỉ mang ý nghĩa là biểu tượng của chức vị cùng quyền bính. Nhưng còn hơn thế nữa. Dây Pallium có một ý nghĩa thâm sâu về đạo đức thần học, nhất là trách nhiệm là mục tử của người được mang đeo dây này.
2. Ý nghĩa đạo đức thần học
„ Biểu tượng đầu tiên là dây Pallium, được dệt bằng len thuần túy, sẽ được đặt lên đôi vai tôi. Dấu chỉ xa xưa này các Giám mục Rôma đã quàng từ thế kỷ IV có thể xem là hình ảnh gánh nặng của Đức Kitô mà vị Giám mục của thành này, Tôi Tớ của các Tôi Tớ Chúa, mang lên vai ngài. Ách của Thiên Chúa là thánh ý Chúa mà chúng ta nhận lấy. Và thánh ý này không đè nặng lên chúng ta, đè bẹp chúng ta và lấy đi tự do của chúng ta. Niềm vui của dân Do Thái, đặc ân lớn nhất của dân tộc này là biết điều gì Chúa muốn, là biết nơi đâu có thể tìm ra con đường dẫn đến sự sống. Đó cũng là niềm vui của chúng ta: Thánh ý Chúa không tha hóa ta, nhưng thanh tẩy chúng ta - cho dù điều này có thể là đau thương - và do đó dẫn ta quay về với chính mình. Như thế, chúng ta không phụng sự một mình Ngài nhưng còn phụng sự ơn cứu độ của toàn thế giới, của toàn bộ lịch sử.
Biểu tượng của dây Pallium còn cụ thể hơn nữa: len chiên nhằm tiêu biểu cho những con chiên lạc lối, yếu đau mà vị mục tử vác lên vai ngài và đem đến những nguồn nước sự sống. Đối với các Nghị Phụ của Giáo Hội, dụ ngôn con chiên đi lạc mà vị mục tử tìm kiếm trong sa mạc, là một hình ảnh của mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội. Nhân loại - mỗi một người trong chúng ta - là con chiên lạc trong sa mạc không còn biết lối về. Con Thiên Chúa sẽ không thể để điều này xảy ra; Ngài không thể bỏ mặc con người trong điều kiện thê thảm như vậy. Ngài nhảy trên đôi chân mình và từ bỏ vinh quang thiên quốc để tìm kiếm con chiên này và theo nó đến tận cùng của Thánh Giá. Ngài mang nó lên vai và gách vác nhân loại; Ngài gách vác tất cả chúng ta - Ngài là mục tử nhân lành đã thí mạng vì đàn chiên. Điều dây Pallium này chỉ ra đầu tiên và trên hết là tất cả chúng ta được gánh vác bởi Đức Kitô. Nhưng đồng thời nó cũng mời gọi chúng ta gánh vác lẫn nhau.
Do đó, dây Pallium trở thành một biểu tượng cho sứ vụ mục tử mà Bài Đọc thứ Hai và Bài Phúc Âm đề cập đến. Người mục tử phải được linh hứng bởi lòng nhiệt thành thánh thiện của Đức Kitô: với Ngài không thể có chuyện thờ ơ trước cảnh quá nhiều người đang sống trong sa mạc. Và có quá nhiều loại sa mạc. Có những sa mạc của nghèo đói, sa mạc của đói khát, sa mạc của bỏ rơi, của cô đơn, của tình yêu bị huỷ diệt. Có những sa mạc của đêm đen Thiên Chúa, sự trống rỗng của các linh hồn không còn nhận thức được phẩm giá và mục đích đời người. Những sa mạc bên ngoài thế giới đang lớn dần vì những sa mạc bên trong đã trở thành quá mênh mông.
Do đó, những kho tàng dưới thế không còn để kiến tạo vườn của Thiên Chúa cho tất cả mọi người sống chung nhưng chúng được dùng để phục vụ những quyền lực bóc lột và hủy diệt. Giáo Hội như một tổng thể và tất cả các Mục Tử, giống như Đức Kitô, cần phải tiến bước để dẫn dắt dân ra khỏi sa mạc, tiến về cung điện cuộc sống, tiến đến tình bạn với Con Thiên Chúa, tiến đến Đấng đã ban cho chúng ta sự sống, và sự sống dồi dào.
Biểu tượng của con chiên cũng có một ý nghĩa sâu xa hơn. Trong vùng Cận Đông Cổ, các vua chúa có thói quen xem mình là các mục tử của dân họ. Đây là một hình ảnh tiêu biểu cho quyền lực của họ, một hình ảnh coi thường người khác: với họ đối tượng của mình chỉ như bầy cừu mà mục tử có thể khử bỏ tùy thích. Khi mục tử của toàn thể nhân loại, Thiên Chúa hằng sống, chính Ngài trở nên con chiên, Ngài đứng bên những con chiên, đứng bên những ai bị áp bức và giết hại. Đây là cách thức Ngài tự mạc khải mình là vị mục tử chân chính: Đức Giêsu nói về chính Ngài: "Ta là Mục Tử Tốt Lành … Ta thí mạng sống mình vì đàn chiên" (Ga 10:14). Không phải là quyền lực nhưng chính là tình yêu cứu chuộc chúng ta! Đây là dấu chỉ của Thiên Chúa: chính Ngài là tình yêu.
Biết bao lần chúng ta mong Thiên Chúa tỏ mình ra mạnh mẽ hơn, muốn Ngài ra oai quyết liệt, đánh gục sự dữ và kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Tất cả các ý thức hệ về quyền lực biện minh cho chúng bằng đúng đường lối này, chúng biện minh cho sự hủy hoại bất cứ thứ gì chắn lối trên con đường của tiến bộ và giải phóng nhân loại. Chúng ta đau khổ vì sự nhẫn nại của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta lại cần đến sự nhẫn nại của Ngài. Thiên Chúa, Đấng đã trở nên chiên con bảo với chúng ta rằng thế giới được cứu rỗi bởi Đấng Chịu Đóng Đinh, chứ không phải bởi những kẻ đóng đinh Ngài. Thế giới được cứu chuộc bởi sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Nó bị phá hủy bởi sự thiếu kiên nhẫn của con người.
Một trong những tính cách căn bản của một mục tử phải là yêu thương dân được trao phó cho mình như yêu mến Đức Kitô Đấng ngài phụng sự. Chúa Kitô nói với Thánh Phêrô: "Hãy chăm sóc các chiên ta", và giờ đây, trong giây phút này, Ngài cũng nói với tôi điều đó. Chăm sóc nghĩa là yêu thương, và yêu thương cũng có nghĩa là sẵn sàng chịu đau khổ. Yêu thương nghĩa là trao ban cho đàn chiên những gì là thực sự lương hảo, dưỡng chất chân lý Thiên Chúa, lời Chúa, dưỡng chất sự hiện diện của Ngài, được ban cho chúng ta qua các Bí Tích Hồng Phúc. Các bạn thân mến- trong giờ phút này, tôi chỉ có thể nói: hãy cầu nguyện cho tôi, để tôi có thể học biết yêu Chúa càng ngày càng nhiều hơn. Hãy cầu nguyện cho tôi để tôi có thể học biết yêu đàn chiên của Ngài càng ngày càng nhiều hơn - nói cách khác, các bạn, Giáo Hội thánh thiện, mỗi người trong các bạn và tất cả các bạn hợp lại. Xin cầu cho tôi, để tôi đừng trốn chạy vì sợ sói dữ. Hãy cầu nguyện cho nhau xin Thiên Chúa gánh vác chúng ta và chúng ta sẽ học biết cách gánh vác lẫn nhau.“ ( Đức Giáo hoàng Benedicto XVI., bài giảng lễ khai mạc sứ vụ mục tử Phero, Vatican 24.04.2005
3. Chiếc dây Pallium được làm phép thánh hiến
Dây Pallium được làm bện bằng lông của con chiên, và vào ngày lễ kính Thánh nữ Agnes, 21.01. hằng năm do Đức giáo hoàng làm phép thánh hiến.
Lông các con chiên được thu thập đưa về nhà Dòng Santa Cecilia kín bên Ý Trastevere bện dệt thành dây Pallium.
Chiều trước ngày lễ kính hai Thánh Tông đồ Phero và Phaolo, những chiếc dây Pallien được đưa đến bàn thờ trước mộ Thánh Phero nằm bên dưới bàn thờ chính của đền thờ Thánh Phero bên Vatican. Những dây Pallien mới này được giữ cẩn thận trong hộp ngay sát cạnh di tích Xương Thánh của Thánh Phero. Như thế dây Pallium được đụng chạm với di tích Xương Thánh của vị Tông Đồ cả của Chúa Giesu, Thánh Phero.
Dây Pallium được Đức giáo hoàng trao ban cho các Vị Tổng giám mục mới được bổ nhiệm đứng đầu các Tổng giáo phận vào ngày lễ kính hai Thánh Tông đồ Phero và Phaolô, 29.06. hằng năm ở đền thờ Thánh Phero bên Vatican, trong buổi lễ đại trào long trọng.
Việc trao dây Pallium từ tay Đức giáo hoàng cho các vị Tổng giám mục mới được bổ nhiệm gắn liền với lời tuyên thệ trung thành với Đức Gíao hoàng Roma đương nhiệm và những vị kế nhiệm ngài.
Các vị Tổng giám mục chỉ được mang đeo dây Pallium khi dâng thánh lễ trong Tổng giáo phận của ngài, và trong những Giáo phận thuộc về vùng tổng giáo phận của mình.
Chỉ một mình Đức Gíao Hoàng Roma được mang dây Pallium khắp nơi, chỗ nào ngài tới dâng thánh lễ.
Dây Pallium chỉ trao ban cá nhân cho vị Tổng giám mục. Nên vị đó không được trao truyền tiếp cho ai. Khi vị đó qua đời, dây Pallium cũng được quàng vào chôn theo vị đó.
Một vị Tổng giám mục đã được trao dây Pallium cho một tổng giáo phận, và rồi một thời gian sau lại được bổ nhiệm sang làm việc ở một Tổng giáo phận khác, vị đó lại cần dây Pallium mới.
Hôm 19. 03.2013 Đức tân giáo hoàng Phanxico đã được Đức Hồng Y đẳng Phó Tế Tauran, trao choàng dây Pallium có thêu 6 hình cây Thánh gía mầu đỏ trong lễ khai mạc sứ vụ mục tử Phero.
Tuy không trực tiếp như vị tiền nhiệm Đức nguyên giáo hoàng BenedictoXVI. trong lễ khai mạc sứ vụ mục tử đã có suy tư nói về ý nghĩa dây Pallium. Nhưng Đức tân giáo hoàng Phanxico trong bài giảng, đã nói lên khía cạnh gánh nặng trách nhiệm phục vụ canh giữ những gì Thiên Chúa đã tạo dựng ban cho con người:
”Nhưng ơn gọi của người canh giữ không phải chỉ liên hệ đến các tín hữu Kitô chúng ta mà thôi, nhưng còn có một chiều kích đi trước và nhân bản, liên hệ tới tất cả mọi người.
Đó là việc bảo tồn toàn thể thiên nhiên, vẻ đẹp của công trình tạo dựng, như được trình bày cho chúng ta trong Sách Sáng Thế và như thánh Phanxicô Assisi đã chỉ cho chúng ta; đó là tôn trọng đối với mỗi thụ tạo của Thiên Chúa và môi trường trong đó chúng ta sinh sống.
Đó là giữ gìn con người, chăm sóc tất cả mọi người, mỗi người, với tình yêu thương, đặc biệt là các trẻ em, người già, những người yếu đuối hơn và thường ở ngoài lề tâm hồn chúng ta.
Đó là chăm sóc lẫn nhau trong gia đình: vợ chồng gìn giữ nhau, và trong tư cách là cha mẹ, họ chăm sóc con cái, rồi với thời gian cả con cái cũng trở thành những người gìn giữ cha mẹ.
Đó là sống những tình bạn chân thành, là một sự gìn giữ nhau trong sự tín nhiệm, trong sự tôn trọng và trong thiện ích. Xét cho cùng, tất cả đều được ủy thác cho sự gìn giữ của con người, và đó là một trách nhiệm liên hệ tới tất cả chúng ta. Anh chị em hãy trở thành những người gìn giữ hồng ân của Thiên Chúa.
”Và khi con người thiếu sót trách nhiệm của mình, khi chúng ta không chăm sóc công trình tạo dựng và các anh chị em chúng ta, thì khi ấy xảy ra sự tàn phá và con tim trở nên chai đá. Rất tiếc là trong mỗi thời đại, đều có những ”vua Hêrôđê” đề ra những mưu đồ chết chóc, hủy hoại và bóp méo khuôn mặt của con người nam nữ. (Đức giáo hoàng Phanxico, Bài giảng lễ khai mạc sứ vụ mục tử, 19.03.2013)
Đức tân gíao hoàng Phanxico từ khi được bầu chọn là giáo hoàng đã và đang chiếm giữ được cảm tình lòng qúi mến của mọi người. Người ta nghe, nhìn thấy cùng cảm nhận n được lòng khiêm nhượng, sự chân thành đơn giản trong cung cách cũng như lời nói của ngài phát chiếu tỏa ra.
Nhiều người đã nói lên tâm tư tin là làn gió mới Đức Chúa Thánh Thần đang thổi vào trong Giáo Hội.
*********************
Làn gió mới Đức Chúa Thánh Thần thổi vào đời sống Giáo Hội là làn gió thiêng liêng đạo đức, làn gió mang đến sự tươi mát đem đến sức sống sự phấn khởi cho con người, mà các vị Giáo hoàng cũ cũng như mới đều nhấn mạnh đến:
1. Đức nguyên gíao hoàng Benedicto XVI. trong buổi triểu yết cuối cùng ngày 27.02.2013 đã cảnh gíac nguy cơ coi biến Gíao Hội tựa như một „Tổ hợp cho mục tiêu tôn giáo hay mục tiêu nhân bản lo việc phúc lợi“
Đức tân gíao hoàng Phanxico trong bài giảng đầu tiên ở nhà nguyện Sixtine với các Vị Hồng Y đã nói lên tâm tư quyết liệt chống lại hình ảnh một Giáo Hội như „Chúng ta có thể tiến bước theo ý muốn của mình, chúng ta có thể xây dựng rất nhiều điều, nhưng nếu chúng ta không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, thì có ích gì? Chúng ta sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ (NGO) đáng thương, chứ không phải là Giáo Hội, không phải là Hiền Thê của Chúa“ ( 14.03.2013.)
2. Đức nguyên giáo hoàng Benedicto XVI, khi từ gĩa lui về nghỉ hưu đã kêu gọi cùng xây dựng Giáo hội trong „ hòa hợp hài hòa“.
Đức tân gíao hoàng Phanxico cũng nhìn thấy mục tiêu của Giáo Hội „không phải đều giống như nhau, nhưng trong sự hòa hợp hài hòa.“
3. Đức nguyên Gíao hoàng Benedicto XVI. đã nói lên Giáo Hội cần phải đừng để bị tục hóa. Nhưng ưu tiên cho người nghèo.
Đức tân giáo hoàng Phanxico luon nhấn mạnh đến khía cạnh sống dấn thân cùng đồng hành với người nghèo.
Mỗi Vị Giáo Hoàng được Chúa gửi đến cho Giáo Hội vào mỗi thời điểm khác nhau, mà đời sống con thuyền Giáo Hội cần.
Như thế có thể nói được:
Đức cố Giáo hoàng Phaolo II., bây giờ là Á Thánh, đã giữ con thuyền đời sống Giáo Hội cho vững vàng trở lại trong cơn sóng gió bão táp.
Đức nguyên Giáo hoàng Benedicto XVI. đã bắt đầu làm nhiệm vụ thanh tẩy rửa con thuyền Giáo Hội bị dơ bẩn, và lèo lái cho đi trở lại đúng đường, đúng hướng.
Và Đức tân giáo hoàng Phanxico bây giờ làm nhiệm vụ cho dàn máy bên trong thuyền hoạt động nổ chạy, để con thuyền Giáo Hội có khả năng vượt đại dương.
Khí hậu mùa Xuân đang về với đất trời, với con người và với Gíao Hội Chúa ở trần gian.
Theo Vietcatholic.