Đức tân Giáo hoàng và ngôn ngữ không lời
Những dòng này được trích nguyên văn từ bài Giáo hoàng của người nghèo của tác giả Trần Phương đăng trên báo Tuổi Trẻ, thứ Sáu ngày 15-3-2013. Công bằng mà nói, tác giả đã có bài viết tương đối công phu, chịu khó thu thập thông tin từ các trang báo mạng, trình bày một chân dung tích cực về vị tân Giáo hoàng. Nguyên tựa đề Giáo hoàng của người nghèo đã nói lên được nhiều điều. Chỉ tiếc là tác giả đã bắt đầu bài viết bằng những từ ngữ “quá tệ”. Những từ “hài hước” và “cầu nguyện cho Chúa” không chỉ chứng tỏ sự thiếu hiểu biết mà còn xúc phạm đến tình cảm của cả tỉ người Công giáo trên thế giới.
Tại sao thế? Bởi vì tác giả không hiểu được ý nghĩa của ngôn ngữ không lời. Các nhà nghiên cứu về truyền thông cho biết, trong những tương giao và tiếp xúc hằng ngày, người ta chỉ nói với nhau bằng lời nói có 30%, còn 70% thông điệp được truyền đi bằng ngôn ngữ không lời, tức là những cử chỉ, điệu bộ, thái độ, diễn tả trên khuôn mặt… Xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng trong tư cách người kế vị Thánh Phêrô, Đức tân Giáo hoàng thay vì ban phép lành cho dân chúng thì lại cúi đầu xuống xin họ cầu nguyện cho ngài, sau đó ngài mới chúc lành cho mọi người. Một cử chỉ khiêm tốn như thế lại bị mô tả là hài hước! Đúng là không hiểu chút gì về ngôn ngữ không lời. Qua cử chỉ khiêm tốn ấy, một thông điệp quan trọng được công bố và cũng là bài học cho mọi nhà lãnh đạo, trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội.
Thông điệp quan trọng đó là: nhà lãnh đạo phải ý thức rằng mình không phải là người trao ban, nhưng trước hết là người lãnh nhận, nhờ đó mới có thể trao ban. Đức Hồng y Bergoglio được chọn làm Giáo hoàng, một vị trí được cả thế giới trân trọng, nhưng ngài ý thức rõ ràng đây là hồng ân và trách nhiệm lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa để phục vụ nhân loại. Vì thế, ngài cúi đầu xin mọi người cầu nguyện với Chúa cho ngài (chứ không phải cầu nguyện cho Chúa), rồi ngài mới ban phép lành cho dân chúng. Nếu các nhà lãnh đạo trong Giáo hội cũng ý thức như thế, chắc chắn sẽ tránh được thái độ trịch thượng, quan liêu, hống hách, để sống đúng Lời Chúa Giêsu hơn: “Các con đã lãnh nhận cách nhưng không (miễn phí), thì cũng hãy cho đi cách nhưng không”.
Không chỉ với các nhà lãnh đạo trong Giáo hội mà thôi, thông điệp ấy còn được gửi đến cả những nhà lãnh đạo ngoài xã hội. Quyền bính của các nhà lãnh đạo phát xuất từ nhân dân, họ lãnh nhận quyền bính ấy từ nhân dân qua việc bầu cử tự do và công bằng; vì thế họ phải thi hành quyền bính ấy để phục vụ dân chứ không phải để cưỡng bức dân. Trong các chế độ dân chủ, vì có bầu cử tự do và công bằng nên nhà cầm quyền thường ý thức điều này rõ nét hơn, còn khi người ta tự chiếm lấy quyền bính bằng bạo lực và cưỡng ép, thì thường dẫn đến chế độ độc tài. Đó là bài học của lịch sử.
Xem ra Đức Thánh Cha Phanxicô là bậc thầy về ngôn ngữ không lời. Chỉ mới lên ngôi giáo hoàng có vài ngày nhưng ngài đã gửi khá nhiều thông điệp bằng thứ ngôn ngữ không lời: cúi đầu xin mọi người cầu nguyện cho; đứng (thay vì ngồi) để nhận sự thần phục của các hồng y, lại còn hôn nhẫn của các hồng y; đích thân đi dọn đồ và trả tiền phòng nơi ở trọ... Ngôn ngữ ấy không phải là những cử chỉ có tính toán nhưng xuất hiện cách hồn nhiên từ một tâm hồn đạo đức, đơn sơ, khiêm hạ như Thánh Phanxicô mà ngài chọn làm tước hiệu Giáo hoàng. Theo gương Thánh Phanxicô, hy vọng vị giáo hoàng này sẽ trở thành khí cụ hoà giải và bình an của Chúa trong thế giới nhiều xung đột ngày nay.
Thiên Triệu
Nguồn: WHĐ
Đức Phanxicô: đi với ma mặc áo giấy
Vũ Văn An
Đức Phanxicô tiếp tục mang lại ngạc nhiên cho mọi người và ở chỗ nào sự ngạc nhiên này cũng đều là sự ngạc nhiên của lý thú, của sáng tạo. Và cuộc gặp gỡ với hơn 5 ngàn ký giả năm châu của ngài trong ngày 15 tháng 3 vừa lý thú vừa thật sáng tạo mà có người cho rằng đúng là ngài đã mặc áo giấy khi đi với ma. Chỉ có điều ma đây không nên hiểu chỉ là tinh quái và áo giấy đây không nên hiểu chỉ là hời hợt, giả tạo, phỉnh lừa.
Thực vậy, nói với giới truyền thông hiện đại, Đức Phanxicô đã áp dụng mọi kỹ thuật thông tin của họ. Thông tin ngày nay không phải chỉ là đưa tin tức, nhận định, mà còn phải có giải trí nữa. Nhận định xưa nay vẫn là sở trường của các vị giáo hoàng, và các ngài đã thi hành sở trường này một cách thâm thúy. Tin tức hay thông tri hình như các ngài để cho các tùy viên, nhất là từ ngày có phòng báo chí, có sở thông tin, có đài phát thanh, có đài truyền hình, có phát ngôn viên chính, phát ngôn viên phụ. Còn giải trí thì gần như không thích hợp với ngôi vị giáo hoàng. Nên hầu như bị các ngài cho ra rìa.
Nơi Đức Phanxicô, người ta thấy cả ba khía cạnh thông tin hiện đại ấy. Tất nhiên nhận định bao giờ cũng là khía cạnh hàng đầu của ngôi vị giáo hoàng nhằm giáo huấn, khuyến khích, cổ vũ, thuyết phục hay ít nhất cũng là trình bày quan điểm của định chế mà ngài là người chịu trách nhiệm. Trong bài nói chuyện với các ký giả năm châu, phần này ít nhất cũng chiếm quá nửa. Cốt chính dĩ nhiên là quan điểm của ngài về vai trò chân thực của báo chí, tức “nhìn và trình bày các biến cố trong lịch sử Giáo Hội một cách nhậy cảm đối với bối cảnh đích thực mà người ta cần phải đọc chúng, tức bối cảnh đức tin”. Nghĩa là: nếu có giải thích các biến cố lịch sử thì hầu như lúc nào cũng cần một giải thích thận trọng, lưu ý tới chiều kích đức tin. Theo ngài, các biến cố xẩy ra trong Giáo Hội không hẳn là đơn giản, chúng cũng phức tạp, rắc rối chẳng kém các biến cố chính trị hay kinh tế!
Các biến cố này có nét hết sức đặc thù: chúng theo một mẫu thức không hoàn toàn tương ứng với các phạm trù “thế gian” mà “chúng ta” quen sử dụng. Bởi thế, không dễ gì giải thích và thông đạt chúng cho quảng đại quần chúng đa dạng.
Ngài giải thích thêm: Giáo Hội chắc chắn là một định chế phàm nhân và có tính lịch sử, nhưng bản chất của Giáo Hội, trong yếu tính, không phải là chính trị, mà là tâm linh: Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, là Dân Thánh của Người, một Dân Thánh đang lữ hành tìm gặp Chúa Giêsu Kitô. Chỉ với một nhãn quan như thế, người ta mới tường trình đời sống và sinh hoạt của Giáo Hội một cách thoả đáng mà thôi.
Cái định chế phàm nhân và lịch sử kia có Mục Tử là Chúa Kitô nhưng sự hiện diện của Người trong lịch sử kinh qua tự do của con người, mà giữa họ, Người chọn ra một người để phục vụ trong tư cách Đại Diện Người, thừa nhiệm Thánh Phêrô. Tuy nhiên, Người vẫn ở giữa Giáo Hội, Người vẫn là trung tâm của Giáo Hội, chứ không phải vị đại diện kia. Vì không có Người, vị đại diện kia chỉ là số không, không hiện hữu.
Ngài ngầm cho hiểu những biến cố như việc Đức Bênêđíctô XVI từ nhiệm và việc bầu chọn người thay thế ngài, tất cả đều dưới sự hiện diện của Chúa Kitô, qua Chúa Thánh Thần. Bởi thế, điều cần là các nhà báo phải nắm được lối nhìn sự việc ấy và lối giải thích ấy mới mong tập chú đúng vào những gì thực sự xẩy ra trong Giáo Hội. Tóm lại, ngoài việc chuẩn bị cẩn thận, có nhậy cảm và kinh nghiệm ra, báo chí cần quan tâm tới chân, thiện, mỹ. Giáo Hội cũng chỉ làm có thế, đó là truyền đạt Đấng Chân, Thiện, Mỹ. Giáo Hội và báo chí không truyền đạt chính mình mà là truyền đạt bộ ba chân, thiện, mỹ ấy.
Đức Phanxicô khiêm nhường đủ để so sánh vai trò của Giáo Hội và vai trò của báo chí. Và để chứng tỏ sự song hành ấy, ngài không ngại sử dụng kỹ thuật tin tức bằng cách kể truyện, kể về một điều ai cũng muốn nghe. Nên để ý: khi ngài bắt đầu kể truyện, các ký giả đã nhất loạt vỗ tay tán thưởng như thế nào. Ngài quả đã đi vào thế giới của họ. Ngài kể lại nguyên lai của việc lấy Thánh Phanxicô Assisi làm danh hiệu cho triều đại của ngài. Nguyên lai ấy là chữ nghèo. Các ký giả vỗ tay nồng nhiệt. Ngài nhắc lại chữ nghèo hai lần và câu nói bất hủ: “Ôi, tôi muốn có một Giáo Hội nghèo, và một Giáo Hội cho người nghèo xiết bao!”. Ngài cũng khiêm nhường đủ để ghi công Đức Hồng Y Claudio Hummes, TGM hưu trí của Sao Paolo, Ba Tây về việc này.
Chưa hết, kỹ thuật giải trí cũng đã được ngài sử dụng hết sức duyên dáng trong dịp này, dịp hiếm hoi gặp gỡ hơn 5 ngàn ký giả khắp năm châu, như một câu truyện làm quà: ngài cho hay một trong các hồng y đề nghị ngài nên lấy danh hiệu Clêmentê XV để “trả đũa” vị giáo hoàng đã dẹp bỏ Dòng Tên, là Dòng ngài gia nhập từ hồi còn niên thiếu, tức Đức Clêmentê XIV (1769-1774). Nhiều người tin chắc câu truyện này ngài tự đặt ra để mua vui với báo chí, chứ lúc ngài được bầu làm giáo hoàng, phải lấy danh hiệu ngay, đâu có thì giờ tham khảo ý kiến các hồng y khác. Vả lại trong bầu khí đầy xúc động lẫn phấn khích của Cơ Mật Viện lúc ấy, không ai nghĩ đến chuyện vui đùa cho được. Hiệu quả là các ký giả được một trận cười hả hê.
Tuy nhiên, “đi với ma mặc áo giấy” đã lên tới tột đỉnh trong cuộc gặp gỡ các nhà báo hoàn cầu lần này, đó là lúc ngài phải ban Phép Lành Tòa Thánh như thông lệ của bất cứ vị giáo hoàng nào, một thông lệ mà ngài cũng sẽ không phá bỏ, tuy ngài sẽ thực hiện nó cách đặc biệt. Tiến sĩ Robert Moynihan, trên www.themoynihanletters.com, khi thuật lại cách ban phép lành này đã ghi rằng nó “làm ngạc nhiên mọi người, làm vui lòng nhiều người, và làm một ít người ngỡ ngàng”: ngài không giơ tay lên, không làm cử điệu chúc lành, không đọc to câu “nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” dù ngài nói bằng tiếng Ý rõ ràng rằng: “tôi thân ái ban phép lành cho tất cả quí vị”.
Đối với những người ngỡ ngàng, ngài vội giải thích bằng tiếng Tây Ban Nha (tại sao lại bằng tiếng Tây Ban Nha, thì không hiểu, có thể đó là tiếng mẹ đẻ của ngài?) rằng: “Tôi đã thưa với quí vị rằng tôi sẽ thân ái ban phép lành cho quí vị. Nhưng vì nhiều người trong quí vị không phải là thành viên của Giáo Hội Công Giáo, và nhiều quí vị khác không phải là người có tín ngưỡng, nên tôi sẽ thân ái ban phép lành cách thầm lặng, cho từng người trong quí vị, vì tôn trọng lương tâm của mỗi người, nhưng vẫn ý thức rằng mỗi người trong quí vị đều là con cái Thiên Chúa. Xin Người chúc lành cho quí vị!”. Sau đó, ngài quay lưng và đi thẳng.
Đã đành đây không hẳn là một buổi tụ họp hoàn toàn có tính tôn giáo, nhưng nó vẫn là buổi tụ họp do Đức Giáo Hoàng chủ xướng. Tác phong của ngài, do đó, khiến nhiều người thấy thiếu một điều gì. Nhưng nếu đọc lại đoạn nhận định của ngài, thì ngài chỉ là người nhất quán. Ngài yêu cầu báo giới tôn trọng ngữ cảnh đức tin trong mọi biến cố của Giáo Hội được họ nhìn và giải thích, thì chính ngài hẳn nhiên phải tôn trọng ngữ cảnh của họ. Có điều, đây là một tín hiệu không mấy khích lệ cho những người duy truyền thống, nhất là các đồ đệ của Tổng Giám Mục Lefèbre.
Vietcatholic.