Người con Đức tìm được cha Việt sau gần 30 năm
Stephan Neubauer, một người Đức, bị lạc mất người cha Việt từ khi mới bốn tuổi và gần 30 năm qua anh không hề nhận được tin tức nào về ông.
Stephan Neubauer cùng vợ và con gái. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Stephan mang họ của mẹ, một phụ nữ người Đức. Bố Stephan là người Việt Nam. Anh sinh năm 1982 tại thành phố Jena, vùng Thueringen, thời đó thuộc Đông Đức. Vì nhiều trắc trở, mẹ Stephan không nuôi được anh và phải giao con trai cho bà ngoại từ khi anh mới một tuổi.
"Theo lời bà ngoại kể, bố tôi rất thương tôi, muốn được nuôi tôi và đưa tôi về Việt Nam, nhưng ông không thể xác nhận với chính quyền là bố đẻ của tôi", Stephan kể. "Thời đó, người Việt Nam không được phép yêu và có con với người Đức. Ai làm trái sẽ bị đuổi học, đuổi việc và phải trở về Việt Nam ngay lập tức".
Bố Stephan kết thúc thời gian học tập và làm việc của ông tại Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1986 và sau đó trở về Việt Nam. Từ đó đến nay, không ai liên lạc được với ông nữa.
Theo một số thông tin ít ỏi còn được lưu truyền trong gia đình, bố anh tên Sửu, sinh năm 1953 hoặc 1954. Ông học nghề và làm việc từ năm 1978 tới 1984, với ngành nghề là quang học chính xác.
Khát khao lớn nhất của Stephan bây giờ là tìm lại được bố. Trong trường hợp xấu nhất, nếu ông không còn sống nữa, Stephan vẫn mong ai quen biết ông lúc sinh thời sẽ tạo điều kiện giúp anh tìm về quê cha. Stephan đã gửi các thông tin chi tiết về bản thân và về bố anh cho các báo cả ở Việt Nam và ở Đức. Stephan sinh năm 1982 tại thành phố Jena, vùng Thueringen, thời đó thuộc Đông Đức, và mang họ của mẹ. Cha anh là một người Việt Nam từng làm việc ở Đức, nhưng kể từ ngày ông về nước cách đây gần 30 năm, không ai còn liên lạc được với ông nữa.
Nhiều năm qua, Stephan đã gửi các thông tin chi tiết về bản thân và những gì được nghe mẹ và bà ngoại kể về cha cho nhiều tờ báo cả ở Việt Nam và ở Đức với khát khao cháy bỏng là tìm lại được người đã sinh ra mình. Đầu năm 2013, với sự giúp đỡ của nhiều người, Stephan một lần nữa tiếp tục hành trình tìm cha và niềm vui lớn đã đến với anh.
Ngày 26/2, Stephan gặp ông Đào Văn Sơn, một người Việt đã sống ở Đức lâu năm và cũng là bạn cũ của cha anh. Biết tin Stephan đang khao khát gặp lại người cha lưu lạc, ông Sơn đã tìm gặp anh và liên lạc về người thân, bạn bè ở Việt Nam để giúp đỡ.
Hôm sau, cũng là tròn 4 tuần đăng tin trên báo Đức, Stephan nhận được điện thoại từ ông Sơn báo rằng đã tìm thấy cha anh. Stephan nửa tin nửa ngờ nhưng vẫn nhấc máy điện về Việt Nam theo số điện thoại được cho.
Đầu dây bên kia là giọng của một người đàn ông mà Stephan nghĩ rằng mình không hề quen biết. Cho đến khi ông phát âm vài từ tiếng Đức, hai người mới bắt đầu trò chuyện thoải mái hơn.
Ông hỏi về cô, bác của Stephan, những người mà trước đó anh chưa hề đề cập tới, kể về những kỷ niệm ngày xưa khi Stephan vẫn còn là một cậu bé. Đặc biệt, ông kể về chiếc xe đồ chơi mà ông từng mua tặng con trai. Thời đó, chiếc xe là một món đồ chơi đáng tiền so với đồng lương của vợ chồng ông.
Linh tính mách bảo, Stephan nhận ra đó chính là người cha mà anh bấy lâu nay tìm kiếm. Anh thét lên sung sướng trong điện thoại, nước mắt trào ra.
Cha anh là ông Trần Duy Sửu, 59 tuổi. Năm 1977, chàng thanh niên Sửu sang Đức học nghề. Một năm sau, hoàn thành khóa học, ông được ở lại để tiếp tục nâng cao tay nghề và làm việc trong một nhà máy về quang học. Cũng chính tại đây, ông nảy sinh tình cảm với một nữ công nhân cùng phân xưởng. Hai người không tổ chức đám cưới mà chỉ làm một buổi lễ nhỏ để từ đó về chung sống một nhà. Năm 1982, hai người đón bé trai đầu lòng chính là Stephan.
Tuy nhiên, do chính sách thời bấy giờ, những người được cấp học bổng đi học nghề ở nước ngoài đều phải trở về nước phục vụ, nếu không sẽ phải hoàn trả cho nhà nước một khoản tiền. Dù không đành lòng, ông Sửu vẫn phải chia tay người phụ nữ Đức và đứa con thơ rồi trở về Việt Nam năm 1986.
Lúc đó, ông định bụng chỉ về nước tạm thời rồi sẽ tìm cách quay trở lại Đức cùng gia đình. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế khó khăn đã khiến dự định của ông tan tành. Tình yêu 6 năm với người phụ nữ Đức cũng cứ thế trôi dần vào quên lãng.
Ngày rời Đức về nước, ông 31 tuổi và bây giờ, khi ông đoàn tụ với con trai, Stephan cũng 31 tuổi. Hiện ông Sửu đã nghỉ hưu và đang sinh sống tại tỉnh Lào Cai.
Được nói chuyện với cậu con trai đã chia xa từ năm mới 4 tuổi, ông Sửu cũng mừng mừng tủi tủi. Ông nói với Stephan rằng mấy chục năm qua, anh luôn ở trong tâm trí ông và ông vẫn treo một bức ảnh của con trai trong nhà mình ở Việt Nam.
Trong những năm về nước, ông cũng có hai lần đến đại sứ quán Đức để xin giúp đỡ tìm lại gia đình bên trời Âu nhưng không thành công. Tiền bạc eo hẹp khiến mong ước sum vầy với con càng trở nên xa vời.
Ông Sửu thời trẻ và Stephan lúc 3 tuổi. Ảnh: nhân vật cung cấp |
Những ngày này, ông Sửu và Stephan đang chìm trong niềm vui đoàn tụ gia đình. Ngày nào anh cũng gọi điện thoại từ Đức về để trò chuyện với cha và hỏi han về cuộc sống gia đình ông ở Việt Nam.
Hay tin cha con ông Sửu đoàn tụ, người thân, họ hàng, bạn bè và hàng xóm láng giềng ai nấy đều mừng cho ông. Điều mà Stephan lo sợ là sự xuất hiện bất ngờ của anh có thể làm ảnh hưởng đến gia đình hiện tại của ông Sửu. Tuy nhiên, mọi chuyện đã xảy ra hoàn toàn trái ngược.
Vợ ông Sửu vui mừng không kém chồng khi ông tìm lại được con trai ở Đức. Điều này khiến Stephan rất trân trọng bà và càng hạnh phúc hơn khi biết mình có thêm ba người em gái cùng cha khác mẹ.
Tháng 7 tới, anh sẽ cùng vợ con xin nghỉ phép và về Việt Nam gặp mặt cha hai tuần. Anh cũng sẽ đưa người cha Việt lưu lạc bấy lâu trở lại Đức thăm mẹ anh và gia đình bên ngoại. Mẹ Stephan hiện cũng đã yên ấm với gia đình mới.
Với Stephan, cuộc hành trình tìm cha đã khép lại nhưng anh sẽ mãi không bao giờ quên ơn tất cả những người đã không quản khó khăn, không tiếc thời gian và sức lực "cùng lên đường đi tìm cha" cho anh.
"Thật khó diễn tả cảm xúc lúc này, khi sau gần 30 năm lần đầu tiên tôi sẽ được nhìn thấy mặt cha. Tôi mong ngóng đến tháng 7 để được thăm ông ấy. Dù đôi lúc trong cuộc điện thoại, chúng tôi không hiểu người bên kia nói gì nhưng vẫn thật tuyệt vời khi được nghe giọng nói và tiếng cười của cha", Stephan nói.
Anh Ngọc - VNExpress.