SỨC MẠNH CỦA SỰ THA THỨ

Chúng ta cần nhớ rằng tất cả chúng ta, không trừ một ai, đều là tội nhân, và thậm chí, có thể chúng ta còn tệ hơn người khác nữa. Ai ai trong chúng ta cũng cần đến lòng xót thương của Chúa. Đây chính là vẻ đẹp của Bí Tích Hòa Giải. Trường-dạy-yêu (Schola Amoris) của Chúa là ở đó. Nơi ngôi trường đó, chúng ta biết được lòng xót thương của Ngài, Ngài muốn chúng ta cũng trải rộng lòng thương xót mà chúng ta có được, cảm nghiệm được từ Chúa, để lên đường và trao ban lại cho người khác.

 

SỨC MẠNH CỦA SỰ THA THỨ
Bài giảng của Tổng Giám Mục José H. Gomez

Đức Cha José H. Gomez hiện nay là tổng giám mục giáo phận Los Angeles, và là thành viên trong ban Truyền Thông Xã Hội của Tòa Thánh

Đức Cha José H. Gomez hiện nay là tổng giám mục giáo phận Los Angeles, và là thành viên trong ban Truyền Thông Xã Hội của Tòa Thánh

Nền văn hóa của chúng ta ngày nay đã trở nên một nền văn hóa càu nhàu và nóng giận chính đáng – người ta mau chóng kết án và mau chóng chỉ trích. Chúng ta đang sống trong nền văn hóa thiếu vắng sự tha thứ. Chúng ta phải cẩn trọng để không cho mình bị rơi vào cạm bẫy này. Đức tin Kitô giáo của chúng ta luôn làm cho chúng ta trở thành “khác”. Chúng ta hãy cố gắng trở nên những người biết thứ tha và mang lại bình an cho tha nhân. Người của lòng xót thương và thứ tha.

Mỗi lúc chúng ta cần đi xa hơn trong việc tha thứ. Đây cũng chính là một trong những sứ điệp Mùa Chay thánh vậy.

Thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu phải tha thứ bao nhiêu lần. Chúa Giêsu đáp: “Bảy mươi lần bảy.” Hay nói cách khác, là tha thứ mọi lúc mọi nơi trong vô tận. Trong trình thuật về người con thứ đi hoang, chính là một bài học thật tuyệt vời về lòng Chúa xót thương và tha thứ.

Đó hẳn là bài học mà hết thảy chúng ta cần phải học kỹ hơn, nhiều hơn.

Hằng ngày, chúng ta vẫn cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn biết tha thứ khi chúng ta đọc lời kinh mà chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta – “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.”

Nhưng thật khó biết dường nào để chúng ta sống với những lời nguyện ấy! Ngược lại, chúng ta thấy dễ dàng biết bao khi chúng ta đi vào những phê bình chỉ trích tha nhân.

Vâng! Thật sự là chúng ta thấy nhiều lý do chí lý đáng cho chúng ta lên án và chỉ trích người khác. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều tội nhân, nhiều vụ xì-căn-đan và nhiều bất công trên trái đất này.

Thời của Chúa Giêsu xưa kia cũng giống như ngày nay của chúng ta thôi. Thế nhưng, Chúa Giêsu đến thế gian để chỉ ra cho chúng ta thấy có một cách thức khác. Ngày nay, thật là cấp bách hơn lúc nào hết để tất cả chúng ta hãy cố gắng sống một cách thức khác mà Chúa Giêsu Kitô mong đợi và mời gọi.

Lòng xót thương và sự thứ tha của Thiên Chúa chính là sứ điệp cốt lõi của Tin Mừng. Chúa Giêsu đã đến với con người để “trao ban ơn cứu độ trong việc thứ tha tội lỗi” cho con người, Tin Mừng đã cho chúng ta biết như thế.

Chúa Giêsu đã rất rõ ràng – lòng xót thương mà chúng ta cầu xin nơi Chúa phải là lòng thương xót mà chúng ta trao ban cho người khác. Trong công cuộc tân Phúc Âm hóa cho nền văn hóa của thời đại này, chúng ta được mời gọi để làm cho lòng xót thương và sự tha thứ trở thành sứ điệp và chứng từ sống động cho thế giới này.

Thế giới ngày nay đang kiếm tìm Chúa Giêsu Kitô. Khi con người đang đi tìm Ngài, theo lẽ thường tình, họ sẽ quay qua chúng ta – là những người tự xưng là biết Ngài – để chất vấn chúng ta. Chúng ta là những người cho mình là tin vào Chúa Giêsu, sống theo Lời và gương của Ngài.

Vậy thì, người ta sẽ tìm thấy được gì khi người ta quay qua thắc mắc chúng ta? Qua chúng ta, họ có thấy được Chúa Giêsu không? Họ có thấy được phản chiếu gì của lòng xót thương và sự thứ tha của Thiên Chúa không?

Mùa Chay là thời điểm cho tất cả chúng ta để chân tình với cõi lòng sâu thẳm của mình. Nhìn thấy lỗi phạm của kẻ khác thì dễ biết dường nào. Nhưng cũng thật ư là dễ dàng để chúng ta quên bẵng đi rất nhiều lần chúng ta đã làm Chúa buồn lòng, khi chúng ta không trao ban cho nhau sự yêu thương, khi nhiều lần chúng ta đã thất bại vì không trung tín với Ngài.

Trong cuộc sống Kitô hữu, chúng ta không ngừng giang tay ra về phía Chúa Giêsu và sự thánh thiện mà Ngài mời gọi nơi chúng ta. Thế rồi, chúng ta đã biết quá rõ về bản thân mình, đó là chúng ta cứ hoài té ngã…

Mỗi khi chúng ta té ngã, chúng ta luôn được tha thứ. Lòng xót thương của Thiên Chúa mãi luôn có đó cho tất cả chúng ta. Những phán xét của Ngài thì tử tế làm sao! Đó là những lời phán xét của một Người Cha hằng mãi yêu thương chúng ta.

Và, giờ đây, chúng ta nhìn lại xem, những phán xét của chúng ta có giống như Người Cha đó không? Hay những phán xét của chúng ta thật là cay nghiệt, thật là nghiêm khắc đối với người khác? Chúng ta có những suy nghĩ và lời nói nào với những con người sống chung quanh chúng ta, những người bị đăng trên bản tin mỗi ngày, trên truyền thông đại chúng?

Chúng ta cần đem Chúa Giêsu đến với nhiều người hơn nữa, qua lòng xót thương và tha thứ của chúng ta, hơn là bằng những chỉ trích lên án của mình – không cần biết chúng ta đúng thế nào, không cần biết đối phương sai trái ra sao. Hãy cho họ khám phá và cảm nhận được Chúa Giêsu.

Tha thứ chính là một hành vi của đức tin. Khi chúng ta tha thứ, không phải chúng ta muốn quên đi hay bỏ qua những tội lỗi quá khứ. Nhưng, bằng sự thứ tha của mình, chúng ta đang nói cho mọi người biết rằng: “Chúng tôi tin rằng, chỉ có một Đấng xét xử duy nhất, đó là Thiên Chúa.”

Bổn phận của chúng ta, trong tư cách là Kitô hữu, không phải là kết án. Chúa Giêsu nói, “Đừng kết án, kẻo bị kết án” (Lc 6,37). Ngài mời gọi chúng ta hãy tha thứ cho tội nhân và hãy sửa lại những đổ vỡ mà người ấy gây nên. Chúng ta được kêu mời mang tội nhân đến với Thiên Chúa, sửa lại những sai trái mà họ vấp phạm, và chữa lành những vết thương cũng như những sự rạn nứt mà họ gây ra.

Trong tuần này, trong khi tất cả chúng ta đang cầu nguyện cho Hội Thánh và đức tân Giáo Hoàng của chúng ta, chúng ta hãy cùng nhau nguyện xin Ân Sủng Thiên Chúa cho chúng ta trở thành những người biết thực thi lòng xót thương và bao dung đích thật.

Chúng ta cần nhớ rằng tất cả chúng ta, không trừ một ai, đều là tội nhân, và thậm chí, có thể chúng ta còn tệ hơn người khác nữa. Ai ai trong chúng ta cũng cần đến lòng xót thương của Chúa. Đây chính là vẻ đẹp của Bí Tích Hòa Giải. Trường-dạy-yêu (Schola Amoris) của Chúa là ở đó. Nơi ngôi trường đó, chúng ta biết được lòng xót thương của Ngài, Ngài muốn chúng ta cũng trải rộng lòng thương xót mà chúng ta có được, cảm nghiệm được từ Chúa, để lên đường và trao ban lại cho người khác.

Vì thế, chúng ta hãy khẩn nài Mẹ Maria Rất Thánh, là Đấng Thương Xót và là nơi Nương Náu của Tội Nhân, hãy giúp chúng ta tở thành những người biết tha thứ, hầu dựng xây một xã hội của tình yêu thương tràn đầy lòng trắc ẩn và công bình cho thế giới hôm nay.

Khất Tuệ
(trích dịch từ báo The Tidings, Tòa Tổng Giám Mục Los Angeles, 12.3.2013)