Các chờ mong của một số nhà chuyên môn đối với vị giáo hoàng tương lai

Trong Giáo Hội hiểu như nhiệm thể Chúa Kitô, ta hiến mình cho Thiên Chúa và cho nhau trong hành trình đức tin của mình, cả người lãnh đạo lẫn người được lãnh đạo. Đó chính là tâm điểm của mẫu thức Thánh Thể về Giáo Hội. Công Đồng cũng dạy ta phải khai phóng một cuộc đối thoại với thế giới. Ta có lý khi phê phán các khía cạnh bất công, ngẫu thần và không phản ảnh được ý nghĩa sau cùng của thế giới thế tục. Nhưng thế giới cũng có nhiều điều để dạy ta về giá trị của việc giữ trong sáng và tinh thần trách nhiệm trong quản trị...

Các chờ mong của một số nhà chuyên môn đối với vị giáo hoàng tương lai
Vũ Văn An

Thực ra Chúa Thánh Thần “muốn thổi ra sao là tùy ý Người”, nên đã có những trường hợp rất bất ngờ trong việc bầu giáo hoàng. Trên bản tin Zenit ngày 21 tháng Hai vừa qua, Edward Pentin có thuật lại một số cuộc bầu cử giáo hoàng để chứng tỏ rằng bất chấp tội lỗi và sự yếu đuối của các chi thể và bất chấp cả những cố gắng kinh khủng nhất của họ để buộc Giáo Hội phải gục ngã, nhưng ơn thánh vẫn nâng Giáo Hội dậy và dậy thật thẳng. 

Năm 687, sau nhiều tranh chấp giữa hàng giáo sĩ địa phương, quân đội và một tổng phó tế đồng loã của Rôma, các thẩm phán, binh lính, giáo sĩ và công dân thường đã chọn Sergius và đưa ngài vào dinh hoàng đế để được thừa nhận là giáo hoàng, sau đó tới Nhà Thờ Latêranô để được tấn phong giám mục. Ngạc nhiên thay, dù được bầu trong hoàn cảnh ấy, Đức Sergius I đã tỏ ra là một giáo hoàng đức độ và thành công, người đã đưa Kinh "Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con” vào Thánh Lễ lúc bẻ bánh trước khi Hiệp Lễ. 

Một cuộc bầu lạ lùng khác đã xẩy ra năm 731. Lần này, chính dân chúng Rôma nhận diện ra vị linh mục đạo đức và học thức giữa đoàn người tham dự cuộc an táng của Đức Gregory II. Họ bèn đưa ngài tới Đền Thờ Latêranô và tung hô ngài làm giáo hoàng lấy hiệu Gregory III, một giáo hoàng có công nhìn nhận việc tôn kính ảnh tượng thánh trong Giáo Hội. 

Từ năm 769, dưới thời Đức Stephen III, mới có quyết định chỉ có các hồng y linh mục và phó tế mới được bầu giáo hoàng. Đến thế kỷ thứ 9 mới có cố gắng hạn chế các hoàng đế và vua chúa không được can thiệp vào việc bầu giáo hoàng. Năm 1059, với sắc lệnh Nomine Domini (Nhân Danh Chúa) của Đức Nicholas II, chỉ có hồng y giám mục mới được bầu giáo hoàng. Nhưng lạm dụng vẫn tiếp tục xẩy ra, với tranh quyền và đút lót. Thể thức cơ mật viện bầu giáo hoàng khởi sự từ năm 1179, thời Công Đồng Lateran thứ III, với đa số 2/3 phiếu, nhưng mọi hồng y đều được bầu, chứ không riêng hồng y giám mục. Tỷ lệ này mãi đến đời Đức Piô XII mới bị thay đổi: 2/3 cộng thêm một phiếu. Đức Gioan Phaolô II đã chỉ định lại đa số 2/3, và đa số tương đối sau lần đầu phiếu số 34. Đức Bênêđíctô XVI hủy bỏ đa số tương đối này để trở lại với đa số 2/3; tỷ lệ này vẫn áp dụng dù sau 34 lần không thành, chỉ còn phải lựa giữa hai vị cao phiếu nhất. 

Các cải cách chỉ hữu hiệu một phần, chia rẽ và bế tắc vẫn tiếp tục xẩy ra. Năm 1261, vì chia rẽ quá, các hồng y cuối cùng phải chọn người ngoài hàng ngũ của mình, tức Jacques Pantaleon, thượng phụ Giêrusalem, làm giáo hoàng, tức Đức Urban IV. 

Ngày nay, thủ tục bầu giáo hoàng càng ngày càng được tu chính nhằm đem lại cho các hồng y (tất cả đều có chức giám mục) một bầu khí để họ trực tiếp đối diện với Chúa Thánh Thần khi đưa ra quyết định bầu cho ai. Nhưng như chính Đức Bênêđíctô XVI, khi còn là hồng y Ratzinger, từng nhận định: Chúa Thánh Thần đóng vai nhà giáo dục hơn là nhà độc tài chỉ đâu hồng y phải “đánh đó”. Nên tất cả những suy nghĩ, những âu lo của dân Chúa nói chung đã cùng với các ngài đi vào cơ mật viện. Như lời Đức HY Sean Brady, giáo chủ Ái Nhĩ Lan, nói tại nhà thờ giáo xứ của ngài tại Rôma ngày 11 vừa qua: các hồng y cảm nhận một sự gần gũi thâm tình với Chúa và với dân của Người khắp thế giới trong những ngày này. Ngài thâm tín rằng vị giáo hoàng mà các hồng y sẽ chọn thực ra đã được Thiên Chúa chọn rồi. 

Dù sao thì vẫn cần có cả hai sự lựa chọn ấy mới tạo ra được một giáo hoàng như Chúa và dân của Người mong muốn. Chính vì thế, một số nhà chuyên môn trong Giáo Hội đã không ngần ngại nói lên những suy nghĩ và lắng lo của dân Người, tạm gọi là những chờ mong theo cái nhìn phàm trần hy vọng được ánh sáng Thánh Thần hướng dẫn.

Dấn thân cho đối thoại

Linh mục Patrick J. Ryan, S.J., giáo sư Tôn Giáo và Xã Hội tại Đại Học Fordham, New York, đồng ý với nhận định của Anthony Grafton, giáo sư sử nổi tiếng của Đại Học Princeton, khi ông này cho rằng Đức Bênêđíctô XVI là “học giả vĩ đại nhất đã cai trị Giáo Hội kể từ Đức Innôxentê III” (cuối thế kỷ thứ 12 qua đầu thế kỷ 13). Lời khen của vị giáo sư này dường như có hai mặt. Quả Đức Innoxentê III là nhà luật học và cải cách vĩ đại của Giáo Hội, nhưng ngài chi phối khá nhiều vua chúa tại Âu Châu hồi ấy. Ngài cũng là người đã kêu gọi mở cuộc thập tự chinh chống lạc giáo Albigensians ở miền nam nước Pháp cũng như chống người Hồi Giáo ở cả Tây Ban Nha lẫn Đất Thánh, dù đôi lúc ngài nhìn nhận rằng những động thái này từng gây ra bạo lực. Cuộc thập tự chinh thứ 4 do ngài phát động nhằm lấy lại Đất Thánh khỏi tay người Hồi Giáo, nhưng thay vào đó, đã tạo ra cuộc cướp phá Constantinople của Kitô Giáo Đông Phương vào năm 1204. Người Chính Thống Giáo Hy Lạp không bao giờ quên và không bao giờ tha thứ cho điều đó. 

Dù vĩ đại, Đức Bênêđíctô đôi khi cũng rơi vào tình huống mà chính ngài không muốn, y như Đức Innôxentê III. Bài thuyết giảng cho giới đại học vào năm 2006 tại Đại Học Regensburg nhằm nhấn mạnh vai trò của lý trí trong khung cảnh đại học và nhất là nhằm nêu lên “vấn đề Thiên Chúa qua việc sử dụng lý trí”. Ngài bắt đầu với một mô tả ngắn một cuộc đối thoại tương truyền diễn ra năm 1391 giữa một học giả vô danh Hồi Giáo và vị hoàng đế gần áp chót của Byzantine là Manuel II Palaiologos. Trong cuộc đối thoại này, vị hoàng đế cho rằng không như Kitô hữu, người Hồi Giáo không tôn trọng lý trí nhân bản “Chỉ cần cho tôi hay Muhammad đã đem lại được điều gì mới, nếu không phải là sự ác và phi nhân, như lệnh truyền phải dùng gươm truyền bá niềm tin do ông giảng dạy”. Có lẽ cả Đức Bênêđíctô lẫn các cố vấn của ngài đều không ngờ câu trích đó sẽ gây phẫn nộ nơi người Hồi Giáo, và nhiều người cho rằng cuộc thảo luận về mối tương quan giữa đức tin và lý trí không cần tới câu trích dẫn ấy. Hơn nữa, ai cũng biết Hồi Giáo có một truyền thống triết thần lâu đời (kalam). 

Tuy nhiên, sau đó, Đức Bênêđíctô đã biểu lộ một lòng khiêm nhường trí thức cao độ trong các cuộc tông du Thổ Nhĩ Kỳ, Đất Thánh và Libăng qua việc cố gắng thận trọng khi phát biểu các xu hướng của ngài. Vị kế nhiệm Đức Bênêđíctô cần bác bỏ câu nói nổi tiếng của Hilaire Belloc rằng: “Âu Châu là đức tin và đức tin là Âu Châu” tuy nhiều người ngày nay vẫn còn bàn tán đến nó. Người Công Giáo tại Mỹ Châu La Tinh, tại Á Châu và tại Phi Châu hiện đang chiếm 2/3 tổng số người Công Giáo thế giới. Điều này không có nghĩa: vị giáo hoàng tương lai phải xuất thân từ những vùng này. Vì dù gì, nhiều người Công Giáo Á Châu, Trung Đông và Phi Châu còn tiêu cực đối với Hồi Giáo hơn cả người Công Giáo Âu Châu, Bắc Mỹ và Úc Châu. Nhưng vị giáo hoàng tương lai cần hiểu các sự thật căn bản về Hồi Giáo, và nếu có thể, nên thân quen với một số người Hồi Giáo. Quen thuộc bản thân thường phá sập nhiều rào cản bất trị. 

Vá lưới

Stephen Bullivant, một giảng sư thần học và đạo đức học tại Đại Học St Mary, London, thì cho rằng việc xã hội Phương Tây bị tục hóa nhanh chóng và việc nó cần được tái phúc âm hóa vốn là chủ đề chính của các vị giáo hoàng kể từ thời Đức Phaolô VI. Dù một vị giáo hoàng xuất thân từ Manila hay từ São Paolo rất có thể không cảm nhận chúng một cách nóng bỏng như một vị giáo hoàng xuất thân từ Milan hay New York, các vấn đề này vẫn khó có thể mất đi khỏi nghị trình tương lai của Giáo Hội. Bởi thế, gần như chắc chắn, vào ngay giai đoạn đầu của triều đại ngài, vị giáo hoàng tương lai sẽ có một tuyên bố chính về “Tân Phúc Âm Hóa để Truyền Bá Đức Tin Kitô Giáo”.

Căn cứ vào phạm vi và tính phức tạp của nó, việc tân phúc âm hóa này hẳn nhiên sẽ bao trùm nhiều việc, từ Twitter tới thần học thân xác, từ Lòng Chúa Thương Xót tới các công việc bác ái. Các vị giáo hoàng gần đây của ta, dĩ nhiên, vốn hướng dẫn tín hữu về một trong các điển hình này. Tuy nhiên, có một vấn đề nền tảng cần được khẩn cấp lưu tâm, nếu không, tân phúc âm hóa sẽ chỉ là một thất bại đau đớn. 

Nghịch lý thay đó là điều này: dù ta rất hay trong việc lôi cuốn người mới, nhưng lại khá dở trong việc giữ chân những người đã có được. Chỉ cần đơn cử: Theo cuộc điều tra năm 2008 của Pew, một trong 40 người Mỹ là người tân tòng Công Giáo, nhưng có đến một trong 10 người Mỹ là người Công Giáo xuất đạo (deconvert), nghĩa là được dưỡng dục làm Công Giáo nhưng nay không còn nhận mình là Công Giáo nữa. Diễn dịch thành con số cụ thể thì có gần 6 triệu tân tòng Công Giáo, nhưng song song với con số này, ta có gần 23 triệu người Công Giáo xuất đạo. Đây quả là cuộc khủng hoảng thực sự về việc truyền bá và duy trì. 

Như các tông đồ đầu tiên vốn biết rõ, lưới rách để mất nhiều cá hơn là thu về. Vì thế, dù là vị kế nhiệm Thánh Phêrô, vị giáo hoàng tương lai cần noi gương Thánh Giacôbê và Thánh Gioan: vá lưới của các ngài trước khi nghe lời kêu gọi trở thành những kẻ đánh cá người của Chúa Kitô (Mt 4:21-22). Bất hạnh thay, điều này nói dễ hơn làm. Sau nhiều thập niên bế tắc, ta cần dành nhiều giờ để chẩn đoán trước khi bắt tay chữa lành. Bước đầu nên làm là khuyến khích các nhà khoa học xã hội Công Giáo thăm dò chủ đề này một cách chi tiết. Các thăm dò sơ khởi cho thấy việc thực hành tôn giáo trong gia đình có thể là nhân tố chủ yếu ảnh hưởng tới việc giữ chân những người Công Giáo từ thuở nằm nôi. Nếu thế, vị giáo hoàng tương lai cần lưu ý nhiều hơn tới gia đình, vừa như đối tượng, vừa như tác nhân của tân phúc âm hóa. 

Quản trị tốt
Nữ tu Gemma Simmonds, C.J., giảng sư thâm niên về mục vụ, xã hội và thần học tại Heythrop College, Anh Quốc, và là giám đốc Religious Life Institute, phối hợp viên Erasmus Exchange Program và phó chủ tịch Hội Thần Học Công Giáo Anh, cho rằng việc từ nhiệm của Đức Bênêđíctô tạo nên nhiều suy đoán đối với tương lai. Trong khi nhiều bình luận gia tìm cách tạo ra một triều giáo hoàng và một giáo hội theo các nghị trình riêng hay theo các cá tính ưa chuộng của họ, thì nhiều người khác đặt ra các câu hỏi nền tảng về tương lai Giáo Hội, rất đáng để ta xem sét. Động thái can đảm và có tính đặc sủng của Đức Bênêđíctô cho thấy nhiều vấn đề thuộc phạm vi quản trị chưa được giải quyết và nay cần được khẩn cấp xem sét. Điều này càng đúng đối với vấn đề quyền hành và việc sử dụng nó nơi dân Chúa. 

Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội của Công Đồng Vatican II nói rõ: quyền hành tiếp tục nằm ở chỗ nó luôn luôn nằm. Giáo Hội tín thác nơi Chúa Thánh Thần, Đấng nói qua các vị thừa nhiệm Thánh Phêrô và các tông đồ trên các bình diện địa phương, quốc gia, và hoàn cầu. Nhưng Chúa Thánh Thần cũng nói qua các tín hữu nữa, những người nhờ phép rửa, được mời gọi nên thánh. Bài viết gây tranh cãi của Chân Phúc John Henry Newman tựa là “On Consulting the Faithful in Matters of Doctrine” (Về Việc Tham Khảo Tín Hữu Trong Các Vấn Đề Tín Lý) đã được Công Đồng Vatican II nhìn nhận. Trong bài đó, Chân Phúc phê phán việc “tập quyền quá đáng” của giáo hội thời ngài và thách thức ý niệm coi Tòa Thánh như người qui định mọi vấn đề tín lý; thay vào đó, ngài coi Giáo Hội như “tòa thượng thẩm tối cao”. Trong khi các văn kiện của Công Đồng mặc nhiên ủng hộ mẫu quản trị địa phương hóa và chịu tham khảo nhiều hơn, đặt căn bản trên các thực tại sống động, thuộc địa phương, thì các điểm mơ hồ không thể tránh trong các văn kiện của các ủy ban đã ngăn cản không cho mẫu ấy thể hiện được một cách hữu hiệu. Thay vào đó, là một mẫu có tính phẩm trật hơn, giáo sĩ hóa hơn và xa vời đối với cuộc sống và quan tâm của nhiều tín hữu. 

Trong ba phạm trù của Thánh Augustinô về đam mê, ta thấy có lòng ham kiểm soát, libido dominandi, và lòng ham biết, libido sciendi. Một cơ cấu quản trị chỉ tìm cách kiểm soát chặt chẽ diễn trình khai triển cái hiểu của Giáo Hội về chân lý chắc chắn không phải là cơ cấu để Thần Khí hành động. Thánh Augustinô cho rằng vì quá lo kiểm soát, ta đánh mất khả năng đánh giá các hồng phúc của chính ta và của người khác. Trong Giáo Hội hiểu như nhiệm thể Chúa Kitô, ta hiến mình cho Thiên Chúa và cho nhau trong hành trình đức tin của mình, cả người lãnh đạo lẫn người được lãnh đạo. Đó chính là tâm điểm của mẫu thức Thánh Thể về Giáo Hội. 

Công Đồng cũng dạy ta phải khai phóng một cuộc đối thoại với thế giới. Ta có lý khi phê phán các khía cạnh bất công, ngẫu thần và không phản ảnh được ý nghĩa sau cùng của thế giới thế tục. Nhưng thế giới cũng có nhiều điều để dạy ta về giá trị của việc giữ trong sáng và tinh thần trách nhiệm trong quản trị. Đối với nhiều người trong Giáo Hội, các cơ cấu quản trị đôi lúc tỏ ra mờ mờ ảo ảo và không có tinh thần trách nhiệm. Các cơ cấu này chỉ cổ vũ bầu khí bí mật: bí mật bàn thảo, lên án không cho người ta quyền chống án, mưu toan che đậy các tai tiếng có hại cho dân Chúa. Nhiều tiếng nói trung thực muốn thăm dò biên giới giữa tín lý và thực hành mục vụ bị coi là bất đồng thẳng thừng và bị trừng phạt… Truyền thông phần lớn có tính cách một chiều, nên ít có sự tham dự của giáo dân vào diễn trình quản trị cũng như khai triển tín lý. Người ta sợ như thế là thống trị chứ không phải lãnh đạo. Tỷ lệ càng ngày càng gia tăng của việc người Công Giáo thất vọng bỏ đi không nên tiếp tục bị làm ngơ nữa. 

Ta từng có những giáo huấn tuyệt vời từ hai vị giáo hoàng gần đây rồi, những giáo huấn nhằm phong phú hóa cả Giáo Hội lẫn thế giới. Muốn giáo huấn ấy vang lên để mọi người có thể nghe, ta cần chỉnh đốn hàng ngũ của mình trước.

Theo Vietcatholic.