Hình ảnh người phụ nữ trong các tác phẩm điện ảnh
Lấy bối cảnh nước Mỹ trong thập niên 1960, “The Help” đưa khán giả tới với những thân phận phụ nữ da màu. Họ làm người giúp việc cho những gia đình da trắng. Cuộc sống của họ vất vả, khổ cực, luôn phải nhẫn nhục, chịu đựng.
Aibileen – nhân vật chính của câu chuyện đã chăm bẵm 17 đứa trẻ da trắng trong khi con trai của bà ở nhà phải nhờ người khác nuôi hộ. Những thân phận phụ nữ như Aibileen dù hy sinh rất nhiều để làm tốt công việc của mình nhưng luôn bị coi thường, tựa như cỗ máy lao động mà nhà chủ sở hữu. Aibileen phải nhận đồng lương rẻ mạt, thường xuyên bị lăng mạ, xỉ nhục.
Tuy vậy, người phụ nữ nhẫn nại và giàu lòng vị tha đó vẫn luôn trao đi yêu thương. Bà yêu những đứa trẻ, chăm sóc tốt cho chúng dù gia đình đứa bé có thể không đối tốt với bà. Aibileen sống cởi mở, chan hòa với những người xung quanh và tuyệt nhiên không đánh mất niềm tin và tình yêu cuộc sống.
Người mẹ hy sinh tất cả vì con trong “Les Miserables” (2012)
Nhân vật Phăngtin trong bộ phim nhạc kịch đình đám “Những người khốn khổ” là hình tượng đỉnh cao của sự hy sinh mà một người mẹ có thể làm vì con. Trong nguyên tác, Phăngtin đã bán tóc, bán răng và cuối cùng bán thân để con có thuốc uống, có áo ấm mặc.
Trong quá trình diễn tiến của nhân vật, hình ảnh Phăngtin càng về sau càng thảm hại, cô như một “con ma dại”, một cái xác khô di động, bị bệnh tật hành hạ đến gần như thoi thóp, nhưng trong những ngày tháng cuối đời cô vẫn làm hết mình để kiếm tiền nuôi con. Càng thảm hại về hình hài, vẻ đẹp tinh thần của Phăngtin càng ngời sáng như một vị nữ thần, khiến người xem cảm động bởi sự hy sinh quá lớn mà cô dành cho con.
Người phụ nữ yêu thầm trong “The Bridges of Madison County” (1995)
Nhân vật nữ chính trong phim - Francesca đã có chồng và 2 con. Người phụ nữ ấy từng ôm ấp bao ước mơ, hoài vọng về sự nghiệp và cuộc sống gia đình. Khi kết hôn cùng Richard, Francesca vỡ mộng. Ngày tháng trôi qua nhạt nhòa với bổn phận của người vợ, người mẹ, dần dần bào mòn nhiệt huyết và mơ mộng năm xưa.
Cuộc sống quẩn quanh trong khu bếp, mải mê với nội trợ khiến Francesca quên đi chính con người mình trước đây, quên đi những giấc mơ thời thiếu nữ. Không còn quan tâm đến bản thân, không đợi chờ những điều “hão huyền” sẽ xảy ra trong cuộc sống. Francesca bỏ quên mình trong căn bếp nhỏ.
Cho đến một ngày trái tim cô rộn ràng trở lại khi gặp nhiếp ảnh gia du lịch tới quận Madison. Ngay từ lần gặp đầu tiên, họ đã bị cuốn vào nhau. Những giấc mơ thời thiếu nữ, những cảm xúc thổn thức của tuổi trẻ bừng tỉnh trong Francesca. Tình yêu ở chặng giữa cuộc đời làm sống lại quãng đời tưởng như đã bị bỏ quên.
Tình yêu của họ đẹp như ngọn lửa bùng cháy một lần mãnh liệt để rồi mãi mãi xa cách nhưng vĩnh viễn sẽ chìm đắm trong nhớ thương, trân trọng. Tình yêu ấy khiến cuộc sống của con người trở nên đáng sống. Francesca cuối cùng đã chọn trở về với gia đình như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Francesca đã không dối lòng mình, cô không chốn chạy tình yêu, cô để mình được tự do bay lên và cháy hết mình với tình yêu trong một phút giây nhưng sau đó trách nhiệm cao cả níu giữ Francesca quay trở lại mặt đất và sống trọn vẹn với những bổn phận mà cô đã lựa chọn.
Cô gái điếm vui tươi, nồng nhiệt trong “Pretty Woman” (1990)
Vivian Ward, cô gái trẻ ở thành phố Los Angeles, trẻ trung, xinh đẹp, vui tươi, luôn nở nụ cười. Vivian có vẻ ngoài hoàn hảo và một tấm lòng nhân hậu, chỉ có điều nàng làm một công việc hạ đẳng: gái điếm ở Hollywood.
Mỗi người có câu chuyện cuộc đời riêng và chẳng thể phán xét Vivian rằng tại sao cô lại xuất hiện ở khu phố đèn đỏ mà không tiếp tục đi học hay chọn làm một công việc tử tế hơn. Trong những tạp nham của nghề, Vivian vẫn luôn giữ cho mình chút kiêu kỳ và tự trọng cuối cùng của người phụ nữ.
Nàng độc lập và quyết đoán, không chịu làm việc dưới sự điều khiển của bất cứ tay ma cô nào, nàng quyết giữ cho mình quyền… chọn khách. Và thậm chí khi một khách đã “bao” nàng rồi, nàng vẫn có quyền quyết định mình sẽ làm gì và không làm gì.
Ở Vivian, ta bắt gặp những mâu thuẫn: cô gái điếm và một tấm lòng trinh bạch; lối sống dễ dãi và sự tự trọng không khoan nhượng. Ở Vivian, ngay từ đầu đã toát lên một sức hấp dẫn kỳ lạ và cuối cùng số mệnh đã mỉm cười với cô gái kỳ lạ đó.
Cô gái nhân hậu trong “Amelie” (2001)
Phim kể về Amelie Poulain, một cô bồi bàn nhút nhát ở thành phố Paris. Amelie sống khá cô đơn vì cô luôn ngượng ngùng, nhút nhát và vì thế không có nhiều mối quan hệ. Cô gái có đôi mắt to tròn, đen láy này cũng rất nhân hậu, dù cuộc sống của mình không vui vẻ, mỹ mãn nhưng Amelie vẫn luôn tìm cách đem lại hạnh phúc cho những người xung quanh và rồi một ngày thần tình yêu đã gõ cửa trái tim Amelie.
Câu chuyện của Amelie tựa như câu hát “Cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa, em hãy yêu con người, ngọt ngào đời vẫn thế”. Hãy yêu đời, yêu người, yêu bản thân mình và cuộc sống sẽ trả cho “em” những hoa thơm và quả ngọt.
Người phụ nữ giàu nghị lực trong “Erin Broncovich” (2000)
Bộ phim tiểu sử “Erin Brockovich” kể về nhân vật có thật cùng tên. Erin là một người mẹ đơn thân có 3 con, cô sống rất chật vật trong cảnh thất nghiệp. Nhờ một duyên may, Erin được nhận vào làm việc tại một văn phòng luật sư.
Vừa bước vào giới luật sư, Erin đã phát hiện ra một bí mật đen tối động trời của một nhà máy công nghiệp. Nhà máy này xử lý chất thải sai quy cách, khiến hàng trăm người trong thị trấn bị ung thư.
Erin dũng cảm theo đuổi vụ việc đến cùng và thắng cuộc, buộc công ty kia phải bồi thường cho người dân và bản thân cô cũng nhận được một khoản hoa hồng kếch xù đảm bảo cho cuộc sống của 4 mẹ con trong tương lai.
Bộ phim nhận được 5 đề cử tại giải Oscar và nữ diễn viên Julia Roberts đã rinh về tượng vàng ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.