Bộ mặt Giáo Hội sắp tới
Ở phía Tây Nam Rôma có ngôi nhà thờ nhỏ tên là Santa Maria in Palmis, nhưng tên thông thường được nhiều biết hơn chính là Nhà Thờ Lạy Chúa, Chúa Đi Đâu (Domine Quo Vadis). Tên sau do tương truyền Thánh Phêrô gặp Chúa Kitô trên đường chạy trốn cuộc bách hại tại Rôma. Thánh Phêrô hỏi : “Lạy Chúa, Chúa đi đâu?”. Chúa trả lời “đi Rôma chịu đóng đinh lần nữa”. Dù nguồn gốc thực sự của tên này ra sao, câu truyện gặp Chúa Kitô của Thánh Phêrô đã trở nên quen thuộc: nó kết thúc với việc đảo ngược kế hoạch ban đầu của người lãnh đạo đoàn tông đồ. Những gì khác đã thuộc về lịch sử.
Nhưng khi Giáo Hội đang chuẩn bị mừng Phục Sinh và việc bầu chọn vị kế nhiệm mới của Thánh Phêrô, câu hỏi xưa kia lại vang lên một cách mạnh mẽ, không phải chỉ riêng đối với ngôi vị giáo hoàng mà còn đối với mọi người chúng ta nữa. Vì vào lúc này, ta không dễ gì biết chắc Giáo Hội sẽ đi về đâu. Điều ta biết chỉ là với việc từ nhiệm của ngài, Đức Bênêđíctô đã tách chức vụ ra khỏi người đảm nhiệm. Ít nhất, ngài cũng đã tạo ra một không gian để ta suy nghĩ, một cơ hội để ta nghe Chúa Kitô hỏi ta: Các Con Đi Đâu? Riêng đối với chúng ta, vấn đề không chỉ là “Ta đang đi về đâu?” mà còn là “Ta muốn đi về đâu?”.
Qua hành động từ nhiệm, Đức Bênêđíctô nhắc ta nhớ rằng người cầm đầu Giáo Hội là Chúa Kitô. Đây không phải là kiểu nói đạo hạnh mà là một hành vi đức tin sâu sắc. Trong thời buổi khó khăn, Giáo Hội rất bị cám dỗ chỉ biết lo lắng tới thành công hay sống sót. Làm như thế, Giáo Hội tự chứng tỏ mình không khác chi bất cứ định chế nhân bản nào khác. Nó đã quên mất nguồn gốc và mầu nhiệm riêng của mình, quên mất cái phép lạ hàng ngày của mình trong sinh hoạt và trong các bí tích, quên mất thực tại của mình như là “vương quốc của Chúa Kitô đang hiện diện trong mầu nhiệm”. Cùng với việc Đức Giáo Hoàng lui vào cuộc cấm phòng Mùa Chay trong cầu nguyện, suy gẫm và im lặng, toàn thể Giáo Hội cũng nên theo gương ngài bằng cách dành thì giờ để Chúa Thánh Thần chuẩn bị ta cho việc bầu cử và tiếp nhận vị kế nhiệm ngài. Đây cũng là thời điểm để ta nhìn nhận và thấu hiểu điều có thể gọi là “nỗi sầu buồn của Giáo Hội”.
Chấp nhận nỗi sầu buồn
Thánh Inhã thành Loyola không phải là người đầu tiên nhận diện sự “sầu buồn” và “an ủi”, nhưng ngài dạy ta dùng chúng như trường học nơi Thiên Chúa dạy dỗ ta. Một trong những cái nhìn thấu suốt của Cuốn Linh Thao không phải là trốn chạy sự sầu buồn mà là quan tâm tới nó. Thiên Chúa hành động ngay cả lúc héo khô, đau đớn và tối tăm. Người thách thức ta bằng chính các nỗi sợ, các kình chống và các mất tự do của ta, đôi khi rất sâu xa và tế vi. Bất kể ta yêu Giáo Hội nồng nàn bao nhiêu, khó mà không cảm thấy ta đang sống trong thời kỳ đầy sầu buồn, ít nhất cũng theo quan điểm Âu Châu và Bắc Mỹ. Nhưng điều đó không làm ta sao lãng những điều tốt đẹp đến ngạc nhiên, những dấn thân và làm chứng can đảm của biết bao “những người Công Giáo tầm thường”, một dấu chỉ Chúa Thánh Thần luôn trung trinh. Thiển nghĩ sau đây là ba sầu buồn đang đè nặng lên Giáo Hội Phương Tây vào lúc này: sự lãnh đạo của hàng giáo phẩm; vết thương lạm dụng; và nỗi tiếc thương. Dĩ nhiên, ba sầu buồn này có liên hệ với nhau.
Lãnh đạo: Dù số tín hữu giảm đi có thể thực sự là do việc thế tục hóa của nền văn hóa, nhưng nó cũng vẫn có thể là triệu chứng sầu buồn bên trong cấu trúc định chế của Giáo Hội. Đây là một sầu buồn tế vi vì người Công Giáo vốn có trực giác hiểu và tôn kính bản chất phẩm trật của Giáo Hội mình. Sự sầu buồn này có lẽ ít liên hệ tới cơ cấu đúng nghĩa cho bằng tới việc thế tục hóa phẩm trật. Vì càng ngày, các giám mục và các linh mục càng thấy mình hành động như những ông tổng giám đốc, với một niềm tự tin lạ lùng trong việc kết án và ra kỷ luật, trong việc thăng tiến bộ lông phụng vụ giật lùi của họ, hơn là sống thực các bí tích cử hành.
Như Công Đồng Vatican II và các vị giáo hoàng liên tiếp từ đó đến nay vẫn dạy, Giáo Hội không phải là một công ty, nhưng là một hiệp thông của Chúa Thánh Thần; kỷ luật của nó không phát sinh từ cưỡng bức, sợ sệt, đe dọa và bách hại, nhưng từ tình yêu của Chúa Kitô, từ sứ mệnh, từ dân và từ chân lý của Người. Tình yêu này có nghĩa lãnh đạo luôn luôn phải có lòng tôn trọng người khác, tôn trọng các đặc sủng và phẩm giá của họ; nó luôn luôn phải khởi đầu bằng việc giả định họ có thiện ý. Xét cho cùng, chỉ có sự lãnh đạo như thế mới là nguồn ơn thánh cho cộng đoàn, mới thu thập được các hồng phúc để phục vụ toàn thể Nhiệm Thể Chúa Kitô và cuộc đấu tranh chống sự ác.
Vết thương lạm dụng: Ta cần nhìn nhận nỗi sầu buồn sâu xa và vết thương trong trái tim Giáo Hội không chỉ do cuộc khủng hoảng lạm dụng gây ra mà còn do cung cách giải quyết cuộc khủng hoảng này nữa. Ta cần phải nhìn nhận rằng không phải các kẻ thù của Giáo Hội đã vạch ra vết thương này, nhưng là Chúa Thánh Thần, Thần Khí sự thật. Cũng chính Chúa Thánh Thần này ban ơn để ta hành động cách liêm chính.
Không thể giải quyết lạm dụng bằng cách tuân theo các thủ tục mà thôi, dù các thủ tục này rất cần thiết. Một diễn trình chỉ có tính pháp chế sẽ không bao giờ thỏa đáng cả. Mưu toan đổ lỗi cho người khác hay cho nền văn hóa buông thả của thế tục không phải chỉ là một hành vi chối tội nguy hiểm; nó là một cái tội chống lại các nạn nhân và chống lại Chúa Thánh Thần, Đấng hằng bào chữa cho họ. Dù có tính bản thân cao độ, lạm dụng có ý nói tới một thất bại định chế và nền văn hóa giáo hội vốn hỗ trợ cho nó. Chỉ với một lòng thống hối sâu xa và khiêm nhường biết khởi đầu và biết ước muốn một hồi tâm bền đỗ trong linh hồn và trong nền văn hóa của Giáo Hội ta mới có được sự chữa lành và canh tân thực sự.
Giáo Hội phải tự đòi lại mình như là thân thể Chúa Kitô, chứ không phải là một loại tổ hợp quốc tế. Ở đây, Giáo Hội phải tự tin chính mình. Giáo Hội cần sử dụng chính các tài nguyên thiêng liêng, bí tích và tưởng tượng của mình; Giáo Hội cần một hồi hướng sâu xa. Chỉ khi nào làm được điều này, Giáo Hội mới thực sự làm chứng cho thế giới, một thế giới đang rất cần một đường lối khác.
Tiếc thương: Ta sống trong một Giáo Hội đang tiếc thương. Hiện đang có cảm thức mất mát một điều gì. Không hẳn chỉ là mất mát mầu nhiệm hay siêu việt, như có người nghĩ, một mất mát rất cần được phục hồi, nhưng còn là mất mát sự thân tình bí tích và sự tôn kính quen thuộc từng lên đặc điểm cho đặc tính “một nhà” đầy tính nhập thể với thiên đàng và trần gian. Đối với một số người, có thể đó là sự mất mát an toàn và vinh quang quá khứ; đối với một số người khác, đó có thể là một tương lai bất thành mà người ta đã thoáng thấy bóng dáng tại Công Đồng Vatican II, những cơ hội để lỡ mất hay những hạt giống không bao giờ đơm bông. Với thế hệ trẻ hơn, đó có thể là một điều họ chưa bao giờ được ban cho nhưng biết là mình đã lỡ hụt.
Tiếc thương có thể sản sinh ra giận dữ đối với những ai ta có cảm tưởng họ lấy mất của ta điều gì. Người ta có thể khám phá ra điều này trong hình thức giận dữ lạ lùng đang lên dấu ấn cho Giáo Hội Phương Tây vào lúc này. Ta thấy nó trong những tranh luận nội bộ giữa nhiều trường phái khác nhau, trường phái nào cũng cho là mình có câu trả lời cho các vấn đề của chúng ta, nhưng nó được đặc biệt nhắm vào việc đối kháng nền văn hóa thế tục, như thể chính thế giới thế tục đã phản bội Giáo Hội và cướp mất sứ mệnh của Giáo Hội. Giận dữ khiến ta không còn nhìn thấy điều tốt nơi người khác; nó khiến ta không nhận ra sự thiện lớn lao và những ý nguyện cao thượng của nền văn hóa hiện nay, không nghe thấy những khát vọng sâu xa hơn, không nhìn nhận những nỗi sợ sệt và những lắng lo xao xuyến thẳm sâu của nó, và không nhìn nhận cuộc tìm kiếm riêng của nó. Chỉ có sự giận dữ đối với việc mất mát và hạ giá thánh thiêng sự sống nhân bản, đối với việc áp bức người nghèo, đối với việc hủy diệt sáng thế và làm ngơ đau khổ mới phục vụ Tin Mừng của Chúa Kitô.
Giây phút quyết định trong cuộc hồi hướng của Thánh Augustinô là khi ngài nhớ lại lời các thiên thần nói ở ngôi mộ trống: “tại sao các chị lại đi kiếm người sống giữa những người chết?” Một Giáo Hội sống nhờ phục sinh không cần phải khóc thương tiếc nhớ; nó cần bước theo Chúa phục sinh với một đức tin hân hoan, thanh thản và không thể lay chuyển, dọc những nẻo đường vô danh của lịch sử. Nó mang theo mình lời công bố của Phục Sinh: “mọi thời gian đều thuộc về Người”. Bất chấp thời đại có đen tối bao nhiêu, Giáo Hội cũng không thể bước lui; Giáo Hội không bao giờ được đánh mất những con mắt Phục Sinh của mình: với chúng, Giáo Hội nhìn thấy cái sung mãn của sự sống ơn thánh ngay nơi hoang địa.
Một mẫn cảm mới
Nếu có thể dừng lại và dành ra chút thời gian, ta sẽ thấy: những nghi thức tẩm liệm do truyền thông thế tục (và một vài tiếng nói nội bộ) cử hành chỉ liên hệ tới các bệnh hoạn riêng của họ chứ không phải của thực tại trong Giáo Hội ta. Giáo Hội ta vẫn đang sống và sự sống đang đến một cách vừa quen thuộc vừa mới mẻ; một mẫn cảm thiêng liêng và đạo đức mới đang thành hình. Sự mẫn cảm này không sợ phải rút tỉa từ những giếng sâu lòng đạo đức cổ truyền của Giáo Hội để khám phá ra các hình thức mới mẻ. Nhiều người, cả đi nhà thờ lẫn không đi nhà thờ, cả già lẫn trẻ, ước ao da diết có được một đời sống và một quan điểm có tính bí tích, một quan điểm Công Giáo, có thể chữa lành các tha hóa sâu xa đang thống trị cuộc sống hậu hiện đại của ta, một quan điểm tạo ý nghĩa cho việc ta là ai, mục đích của ta là gì và đâu là trách nhiệm của ta đối với việc trân quí thế giới mà Thiên Chúa đã ban cho ta. Những người này thấy mình ở trong Giáo Hội giống như ở trong nhà mình; họ chờ mong Giáo Hội tái khám ra sự tự do cũng như khả năng sáng tạo (generativity) của mình trước thế giới thế tục. Cả thế giới thế tục cũng chờ mong một Giáo Hội mà họ có thể tin được cho dù họ không muốn bước vào.
Thoát ra được chủ nghĩa qui Âu Châu hay qui Mỹ Châu, thoát ra được các nỗi sợ sệt và sầu buồn của mình, ta mới có thể nhận ra Chúa Thánh Thần đang chuẩn bị tương lai cho ta. Ta sẽ bắt đầu từ đâu? Một lần nữa, câu hỏi “Lạy Chúa, Chúa đi đâu?” không phải là điểm xấu để bắt đầu. Chúa Kitô quả đang trên đường trở lại Rôma.
Tòa Phêrô: Ngôi vị giáo hoàng là hồng ân Chúa ban cho Giáo Hội, nhưng nó cần tiếp tục biến đổi nếu muốn thể hiện trọn vẹn sức phục vụ của nó. Nó từng bị giam hãm trong một giáo hội học cực kỳ bảo thủ (ultramontane) và một thứ thi hành quyền bính gần như thế tục, quân chủ. Dù ở cực thịnh, nó hết sức hữu hiệu và mang tính tiên tri, nhưng nó cũng có thể làm nghèo sự sống của Giáo Hội. Mọi vị giáo hoàng từ Công Đồng Vatican II đến nay đều ý thức được nhu cầu phải khai triển một nền thần học trọn vẹn hơn về ngôi vị giáo hoàng. Cả Đức Phaolô VI lẫn Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đều đã giúp ta “xì hơi” tính kỳ bí (mystique) của nó. Riêng Đức Gioan Phaolô II, dù cho thấy quyền lực phi thường, đôi khi có tính tiên tri của nó, đã không sợ dẫn khởi một suy tư thần học về nó. Việc này cần được tiếp tục. Với việc này, cần có cuộc cải tổ Giáo Triều Rôma, không hẳn về phương diện cơ cấu, nhưng về triết lý sống (ethos). Nó cần bớt chiều kích cai trị để đặt nặng chiều kích phục vụ. Tính phụ trợ (subsidiarity) không phải chỉ là một nguyên tắc quan trọng đối với mối liên hệ giữa các cơ cấu thế tục; nó cũng là một nguyên tắc quan trọng đối với Giáo Hội nữa. Như Đức Piô XII từng nhận định, bất chấp bản chất phẩm trật của Giáo Hội, nguyên tắc này vẫn có thể áp dụng vào sinh hoạt của Giáo Hội. Thực vậy, nó từng có mặt ngay từ buổi ban đầu, như Thánh Phaolô đã chứng tỏ. Chức vụ của Thánh Phêrô cần duy trì một nền thần học nghiêm chỉnh và lâu bền về hợp đoàn tính (collegiality), được diễn dịch thành thực hành hữu hiệu và tìm được biểu thức rõ ràng trong giáo luật. Công Đồng đã đặt được các nền móng, nhưng toàn bộ tòa nhà thì còn lâu mới hoàn tất.
Tính hợp đoàn: Cần phải đem lại cho tính hợp đoàn các cơ cấu hữu hiệu trong đời sống giáo hội địa phương. Chỉ bằng cách này, ta mới thể hiện trọn vẹn ơn phúc của cơ cấu phẩm trật trong Giáo Hội và khả năng của nó trong việc cung cấp lãnh đạo cho các nền văn hóa quốc gia và địa phương. Đức GH Gioan Phaolô II nói tới “nền linh đạo hiệp thông” cũng như sự canh tân và hồi hướng của việc sử dụng sức mạnh của nó để phục vụ. Điều này nếu không xẩy ra, thì uy quyền chỉ mỗi ngày một giảm trong Giáo Hội mà thôi.
Với việc triển khai tính hợp đoàn, ta cần chú ý tới ơn phúc và đặc sủng của những vị được bổ nhiệm làm giám mục. Các vị phải là những người đem lại sự lãnh đạo có ý nghĩa và có tính sáng tạo và điều này hàm nghĩa: các ngài cần biết sử dụng mọi ơn phúc của dân Chúa. Các ngài cần có khả năng giúp cộng đoàn bám chặt lấy sứ mệnh chính của họ là làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Kitô, hơn là để họ rơi vào chia rẽ và tranh cãi những chuyện không cốt yếu hay giá trị bị cường điệu hóa của nó.
Trên bình diện quốc tế, quốc gia và địa phương, Giáo Hội cần phải mỗi ngày một hiểu hơn cách thế làm sao tăng cường và nuôi dưỡng được đời sống nội tâm của mình trong khi vẫn thoả mãn được các đòi hỏi của nền văn hóa thế tục. Điều này hiển nhiên đòi phải có sự trong sáng và tinh thần trách nhiệm nhiều hơn, được phản ảnh trong triết lý hành động và luật lệ của Giáo Hội. Trên hết, giám mục không nên chứng tỏ mình là nhà quản trị kiểu tổng giám đốc cho bằng là nhà lãnh đạo tinh thần và mục vụ biết chăm lo. Thực ra ơn phúc quản trị vốn đã có trong cộng đoàn rồi, nhất là nơi hàng ngũ giáo dân, nên giám mục không nên ngần ngại sử dụng các tài năng đó một cách trọn vẹn, coi chúng như là thành phần trong thừa tác vụ của mình. Ngài phải có một cái hiểu sâu sắc và cảm thương đối với các linh mục và giáo dân của mình, những vật lộn và các hoàn cảnh sống của họ, nuôi dưỡng họ bằng ánh sáng Chúa Kitô và sự an ủi mãi mãi có tính sáng tạo của Chúa Thánh Thần.
Thực thế, ngài cần chứng tỏ tình yêu trên đối với mọi người trong giáo phận, sẵn sàng không những để kêu gọi họ vươn tới sự thật của Chúa Kitô, mà còn bênh đỡ họ khỏi mọi lực lượng đang làm họ thiệt hại hay đang áp bức họ. Trên hết, nhất là trong bối cảnh văn hóa hiện nay, ngài cần là người dám lên tiếng một cách bình thường về Thiên Chúa và mọi sự việc của Người.
Nền thần học: Chắc chắn nay đã đến lúc để lại phía sau cái thứ tranh cãi sai lầm và vô bổ về Công Đồng Vatican II và nền giải thích liên tục hay gián đoạn về nó. Hiện nay, ta đang ở thời điểm của một cuộc sở dụng (appropriation) công đồng như mới, mà các kho tàng của nó ta mới chỉ khởi đầu khám phá. Xét về cả vấn đề giải thích cũng như thực hành, một phần của vấn đề nằm ở chỗ nền thần học sau Vatican II đã không theo kịp các cái nhìn thấu suốt của Công Đồng. Đôi khi Công Đồng thoáng nhìn ra một sự thật nhưng lại thiếu một nền thần học để khai triển nó hoặc để thăm dò các hệ quả của nó. Từ thời Công Đồng, xem ra sinh khí và tính sáng tạo thần học trong Giáo Hội đã giảm đi. Nhu cầu này cần được tái tạo, và cả tính Giáo Hội trong thần học nữa.
Chuyện quá thông thường ngày nay là vì “rời cư” tới đại học, thần học đã đánh mất cảm thức phục vụ của mình, không những đối với học thuật mà còn đối với Giáo Hội và sứ mệnh của Giáo Hội nữa. Nó cần lấy lại sự tự do và quyền hợp pháp riêng của nó ngay trong khuôn viên, mà không phải hy sinh các thể tài của nó cho các vị thần của lý trí thế tục. Thần học không được để mình quên rằng chỉ trong phục vụ mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, nó mới tránh được sự rỗng tuếch kia.
Ta cần khám phá hay khám phá lại mối liên hệ mới giữa các đặc sủng của thần học và các đặc sủng của huấn quyền, cả của địa phương lẫn của Rôma. Trước nhất, cần có một nền thần học rõ ràng hơn và hữu hiệu hơn về sensus fidelium (cảm thức đức tin). Nó vốn không phải chỉ là việc thụ động tán thành chân lý Kitô Giáo nhưng còn là sự khôn ngoan tích cực biểu lộ qua việc sống và làm chứng cho chân lý ấy nữa. Không thế, Giáo Hội sẽ không bao giờ có được một nền thần học trưởng thành về hàng ngũ giáo dân hay thể hiện được trọn vẹn sự hữu hiệu nơi huấn quyền của mình. Nếu Giáo Hội không tín nhiệm thần học, không tin tưởng sứ mệnh và các rủi ro của nó, thì thần học sẽ thất bại trong trách vụ tin mừng của nó. Nó sẽ không còn nắm được các ý niệm của nền văn hóa hiện sống nữa. Trước các nền văn hóa này, nó sẽ trở thành i-tờ-rít khiến không ai hiểu nổi, vì không nắm đủ phương tiện cần thiết để nói tới những vấn đề phức tạp của thời đại với cái nhìn thấu suốt, với lý lẽ, nhân tính, sự hiểu biết và sự thật.
Thoáng nhìn Giáo Hội tương lai
Thọat nhìn, những điều trên xem ra chỉ là những quan tâm nội bộ, nhưng nếu không có chúng, các ơn phúc mà Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần ban cho toàn bộ cộng đoàn sẽ luôn luôn vô hiệu quả. Xuyên suốt Công Đồng Vatican II là viễn kiến về một Giáo Hội cởi mở, biết chú ý tới những phương cách trong đó Chúa Thánh Thần hành động trong mọi khía cạnh của cố gắng con người, trong mọi truyền thống chính trị, văn hóa và tôn giáo của nó. Ở tâm điểm viễn kiến ấy của Công Đồng là một giáo hội sinh động nhưng đơn giản hơn, biết sống thực mầu nhiệm Ba Ngôi. Sự lạ lùng trong đời sống bí tích đã đổi mới Giáo Hội này và làm nó bớt tính định chế đi và tăng tính huyền nhiệm quen thuộc của nó nơi sự hiện diện, nơi những con người và nơi sự hiệp thông. Đây là một giáo hội nơi sự hiệp thông được biểu lộ không phải qua việc rút lui khỏi đau khổ, khỏi bạo lực và bất công vốn là đặc điểm của thế giới, mà qua tình liên đới yêu thương sâu xa với thế giới này; một sự hiệp thông trong yêu thương, chủ yếu nhằm phục vụ người nghèo, người yếu đuối, người bị bỏ quên và bỏ rơi. Ở đây, chủ nghĩa qui Âu Mỹ trong Giáo Hội phải nhường chỗ cho một giáo hội đang xuất hiện tại thế giới đang phát triển, tức thế giới, vào cuối triều đại giáo hoàng sắp tới, sẽ bao gồm đa số các chi thể của Giáo Hội.
Giáo Hội phải dành tiếng nói để họ nói lên các quan tâm của họ, những quan tâm thường khá khác biệt so với các quan tâm của Phương Tây thế tục. Giáo Hội cần lên tiếng phản kháng bóc lột để bảo vệ các quyền kinh tế và xã hội, nhất là các quyền căn bản liên quan tới sự sống con người, tới quyền của phụ nữ và trẻ em. Nay đã tới lúc Giáo Hội phải khám phá ra giọng nói tiên tri của mình nhân danh thế giới đang phát triển, nhất là các viễn kiến về công bằng môi sinh và việc chăm sóc các tài nguyên tự nhiên mà mọi thành viên của gia đình nhân loại được quyền vui hưởng và trân quí lúc này và trong tương lai như các hồng phúc của Thiên Chúa Hóa Công. Giáo Hội này không sợ thế giới; cũng không sợ phải nghèo trước thế giới, vì biết mình không cần quyền lực thế gian để hoàn thành các mục tiêu của mình. Nó sẵn sàng hiến mình cho phục vụ, dù được nhìn nhận hay không; nó không bận tâm tới chính mình hay sự sống còn của mình, nhưng lấy nhu cầu và tương lai nhân loại làm trách vụ riêng.
Đây là một giáo hội theo chân Chúa Kitô nhập thể và phục sinh đi vào mọi chiều sâu của lịch sử và những khoảng trống trong trái tim con người, và luôn luôn với một trái tim đầy yêu thương. Sống bằng chân lý của Chúa Kitô, giáo hội này hiểu thấu và trân quí hồng ân tối cao của sự sống nơi mọi con người nam nữ, bất kể nòi giống, tôn giáo, địa vị, bậc sống. Nó hân hoan trong mọi cơ cấu, bất kể là nhân bản hay thánh thiêng, miễn là chịu để cho sự sống, mọi sự sống, có dịp nở rộ. Khi sống như thế, Giáo Hội đã sống đời sống bí tích của mình cách sâu xa nhất, được ban phát miễn phí hay không cần hợp đồng cho một thế giới mà linh hồn đang từ từ chết khát. Một giáo hội như thế sẽ giảng dạy các giáo huấn và giới răn Tin Mừng một cách đầy thế giá. Các giáo huấn và giới răn ấy thực ra chỉ là chia sẻ các tài nguyên của sáng thế ra sao, sống đơn giản hơn về vật chất và phong phú hơn về tâm linh ra sao trong liên đới với mọi người nam nữ, biết tôn kính thân xác riêng của ta và thân xác người khác như thế nào, biết bác bỏ ra sao mọi phương cách nhằm phương tiện hóa và thú vật hóa sáng thế và lẫn nhau.
Công Đồng hiểu rõ chỉ có thứ giáo hội biết sống thực tính tự hủy (kenosis) của tình yêu và nỗi hân hoan của tự hiến mới có thể thể hiện được viễn kiến trên. Đối với một giáo hội như thế, thế tục hóa không còn là một đe dọa mà là một kêu mời. Đó không phải là một giáo hội ảo tưởng hay một giáo hội sống trong một nền đạo đức nhân đạo đầy viễn mơ.
Theo chân Chúa Kitô chịu đóng đinh, giáo hội như trên không thể đánh giá thấp thực tại của thế giới đang bị thương tổn của ta, nhưng nó không sợ chịu đau khổ vì và với thế giới; sống với mọi thực tại thảm thương của tội lỗi, nhưng hiểu sự chiến thắng âm thầm hơn của hy vọng, của yêu thương và ơn thánh, chấp nhận “lao công và làm việc” trong vườn nho Chúa cho tới lúc Người đến. Trên hết, hình thức giáo hội mà Công Đồng thoáng nhận ra là một giáo hội biết rõ rằng dù cả trong thời điểm thế giới thế tục công khai bác bỏ Thiên Chúa, và mặc nhiên làm ngơ Người, Người vẫn luôn hiện diện.
Cần một giáo hội khiêm nhường, tự do, huyền nhiệm mới nhìn ra điều trên, mới bước vào cả bóng đêm nơi Thiên Chúa dấu mặt hoặc bị vứt bỏ. Bước được cái bước vừa kể, trong cả các Thứ Bẩy Tuần Thánh của thế giới thế tục, giáo hội ấy mới tìm ra Người ở nơi bất ngờ nhất; giáo hội này sẽ khám phá thấy: nhiều người vẫn còn mang tên Người và nghe tiếng Người. Họ đang chờ đợi quá lâu để Giáo Hội tìm ra họ.
Ước mong sao trong lúc Giáo Hội đang bầu chọn vị giáo hoàng mới, ta sẽ không sợ phải yêu Giáo Hội này, yêu nó như nó hiện là, như nó muốn nó là và như Thiên Chúa muốn nó là. Ước mong sao ta thoáng nhìn ra sự cao cả của trái tim và sứ mệnh của Giáo Hội.
Theo James Hanvey, S.J., hiện giữ ghế Giáo Sư Lo Schiavo về tư tưởng xã hội Công Giáo tại ĐH San Francisco (tạp chí America, 28-2-2013).
Vũ Văn An (vietcatholic.org)