Sau khi từ nhiệm, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI vẫn giữ nguyên tước hiệu và tu phục trắng
WHĐ – Chiều 26-02, cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, đã thông báo với báo chí: Sau khi từ nhiệm, danh xưng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ là “Nguyên Giáo hoàng”; ngài vẫn giữ tước hiệu “Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI” và tu phục trắng, nhưng không mang khăn choàng vai bên ngoài tu phục.
Về buổi tiếp kiến chung lần cuối cùng, đã phát hành 50.000 vé vào quảng trường Thánh Phêrô nhưng số người tham dự chắc chắn sẽ nhiều hơn số lượng vé.
Diễn tiến buổi tiếp kiến sẽ như thường lệ, ngọai trừ việc Đức Thánh Cha sẽ di chuyển bằng xe chuyên dụng với lộ trình mở rộng hơn và không có phần ngỏ lời riêng với từng nhóm. Thay vào đó, ĐTC chào các quan chức Nhà nước hiện có mặt tại Rôma, như Tổng thống Slovaquia, hoặc Thủ hiến xứ Bavaria (Đức).
Chương trình ngày 28-02 sẽ diễn ra như thông báo trước đây (WHĐ đã loan tin).
Cha Lombardi cũng cho biết, sau khi từ nhiệm, ĐTC sẽ không đeo nhẫn ngư phủ (nhẫn giáo hoàng) và không dùng triện ấn ký mang tên ngài. Ngoài ra ngài cũng sẽ không còn mang đôi giày giáo hoàng màu đỏ nữa.
Buổi tiếp kiến chung lần cuối cùng của Đức Bênêđictô XVI trên cương vị giáo hoàng: Như một di chúc thiêng liêng
WHĐ (28.02.2013) – Sáng thứ Tư 27-02-2013, Đức Bênêđictô XVI đã có buổi tiếp kiến chung cuối cùng trên cương vị giáo hoàng. Buổi tiếp kiến diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô, dưới bầu trời trong xanh, nắng rực rỡ. Ít nhất có 150.000 người có mặt tại buổi tiếp kiến chung, đứng chen chúc đến tận đường Hòa giải. Khoảng 70 hồng y tham dự buổi tiếp kiến.
Trong bài Giáo lý như thường lệ hằng tuần vào các ngày thứ Tư, ĐTC chia sẻ với mọi người những suy nghĩ và tâm tình của ngài về Giáo hội và về sứ vụ Phêrô, đặc biệt về quyết định từ nhiệm.
Bài huấn từ Giáo lý của ĐTC như một di chúc thiêng liêng gửi lại Giáo hội, một Giáo hội ngài hằng yêu mến, phục vụ, và sẽ tiếp tục phục vụ trong một hình thức khác. Hình thức chiêm niệm và cầu nguyện cho Hội Thánh của Chúa.
*
Mở đầu, ĐTC ngỏ lời cảm ơn mọi người đã nồng nhiệt chào đón ngài, đồng thời cho biết ngài “rất xúc động” vì “đang được nhìn thấy một Giáo hội sống động! Đồng thời tôi nghĩ chúng ta phải cảm ơn Đấng Tạo hóa đã ban cho lúc này, dù vẫn còn mùa đông, thời tiết tuyệt đẹp”.
Giáo Hội là của Chúa – Trong con thuyền Giáo Hội vẫn hằng có Chúa
ĐTC nhìn lại tám năm thi hành sứ vụ Phêrô của mình:
“Tám năm sau, tôi có thể nói được rằng Chúa thực sự dẫn dắt tôi, ở bên tôi, hằng ngày tôi đều thấy được sự hiện diện của Chúa. Đó là cả một chặng đường dài của Giáo hội, có những lúc hân hoan và tươi sáng, nhưng cũng có những khi chẳng dễ dàng gì. Tôi thấy mình như Thánh Phêrô và các Tông đồ trong con thuyền trên hồ Galilê: Chúa đã cho chúng ta biết bao ngày nắng đẹp, gió nhẹ, những ngày đánh được nhiều cá; nhưng cũng có những lúc biển động, gió ngược, như nhiều lúc trong lịch sử Giáo hội, khi đó Chúa dường như cứ ngủ. Nhưng tôi đã luôn biết trong con thuyền này vẫn có Chúa, và cũng luôn biết rằng, con thuyền Hội Thánh không phải của tôi, không phải của chúng ta, nhưng là của Chúa và Người không để nó chìm mất [cử tọa vỗ tay hồi lâu]. Chính Người dẫn dắt con thuyền Hội Thánh. Chắc chắn Người cũng dẫn dắt qua những người Chúa chọn, vì Người đã muốn vậy. Đó là điều chắc chắn không ai có thể làm lung lạc. Chính vì thế, hôm nay lòng tôi tràn đầy tâm tình biết ơn Chúa, bởi Người không để cho Giáo hội -và cả tôi nữa- không được Người an ủi, soi sáng và yêu thương”.
Di chúc thiêng liêng của Đức Bênêđictô XVI: “Hãy vui mừng được làm người Kitô hữu”
ĐTC nhắn nhủ mọi người về Năm Đức Tin:
“Chúng ta đang sống trong Năm Đức Tin, là năm tôi muốn củng cố niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa, trong một bối cảnh dường như chỉ muốn đưa đức Tin xuống hàng thứ yếu. Tôi muốn mời gọi tất cả anh chị em hãy tin tưởng vào Chúa vững vàng hơn nữa, hãy phó thác mình như con cái trong tay Chúa, tin chắc rằng đôi tay Chúa luôn nâng đỡ chúng ta, hằng ngày vẫn giúp chúng ta bước đi trong mọi nhọc nhằn.
Tôi mong mỗi người hãy cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã ban Con của Người cho chúng ta và cho chúng ta nhận biết tình yêu vô biên của Người. Tôi mong mỗi người cảm nhận niềm vui được làm người Kitô hữu. Trong kinh sáng hằng ngày, chúng ta vẫn đọc: “Lạy Chúa, con thờ lạy Chúa, con yêu mến Chúa hết lòng. Con đội ơn Chúa đã dựng nên con, cho con được làm người Kitô hữu…”.
Vâng, chúng ta vui mừng vì đã được hồng ân đức Tin, đó là của cải quý báu nhất không ai có thể lấy đi mất! Chúng ta hãy tạ ơn Chúa mỗi ngày, qua việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh nguyện và cuộc sống Kitô hữu. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chờ đợi chúng ta kính mến Người!”
Di chúc thiêng liêng của Đức Bênêđictô XVI: “Giáo hội là một thân thể sống động, là anh em, chị em hiệp nhất trong Thân Mình Chúa Kitô”
ĐTC ngỏ lời cảm ơn mọi người, từ các vị phẩm trật trong Hội Thánh đến mọi tín hữu khắp thế giới, từ các chính phủ, ngoại giao đoàn đến đông đảo dân thường khắp năm châu, đã dành cho ngài sự cộng tác, chia sẻ, tình bạn, lòng yêu mến trong suốt thời gian ngài đảm trách sứ vụ Phêrô.
Đặc biệt ĐTC xúc động nói đến các Kitô hữu bình thường, từ khắp nơi trên thế giới, đã từng viết thư cho ngài:
“Tôi đã nhận được rất nhiều thư của những người bình thường viết cho tôi một cách đơn sơ với tất cả tấm lòng, mang lại cho tôi những tình cảm thân thương. Tấm lòng đó cho thấy anh chị em thuộc về Chúa Giêsu Kitô, thuộc về Giáo hội. Những anh chị em này không viết cho tôi như cho một ‘ông hoàng’ hoặc một vị ‘đại nhân’ không quen biết, nhưng như những anh em, chị em, như những người con, với tâm tình ruột thịt trong gia đình. Ở đây có thể cảm nhận cụ thể Giáo hội là gì. Giáo hội không phải một tổ chức, hiệp hội nhằm mục đích tôn giáo, từ thiện, mà là một thân thể sống động, một sự hiệp thông của những anh em, chị em trong Thân Mình Chúa Giêsu Kitô, Đấng kết hiệp chúng ta nên một. Cảm nghiệm về Giáo hội theo cách như thế, chạm được một cách hữu hình sức mạnh sự thật và tình yêu của Giáo hội, chính là lý do mang lại niềm vui giữa lúc có biết bao người nói đến ngày tàn của Hội Thánh. Thế nhưng, hôm nay chúng ta thấy, Giáo hội sống động biết bao!”
“Tôi luôn luôn và mãi mãi phục vụ Hội Thánh”
Đề cập việc từ nhiệm, ĐTC cho biết:
“Những tháng vừa qua, thấy sức khỏe mình giảm sút, tôi đã không ngừng cầu xin Chúa soi sáng giúp tôi đưa ra quyết định đúng nhất, không phải vì lợi ích bản thân tôi mà vì ích lợi của Hội Thánh. Thực hiện điều này, tôi biết rất nặng nề và cũng rất mới mẻ nhưng tâm hồn tôi hết sức thanh thản.
Yêu mến Giáo hội cũng có nghĩa là có những chọn lựa khó khăn, đau đớn, nhưng phải luôn đặt mình trước lợi ích của Giáo hội chứ không cho bản thân mình.
Cho phép tôi trở lại một chút ngày 19 tháng Tư 2005. Giây phút tôi phải đưa ra quyết định nặng nề, vì Chúa tôi đã luôn và mãi mãi dấn thân. Người đảm nhận sứ vụ Phêrô thì “luôn luôn” không còn cuộc sống riêng. Ngài luôn luôn và hoàn toàn thuộc về mọi người, thuộc về Giáo hội. Cuộc sống của ngài đã bị tước hết, kể cả khía cạnh riêng tư. Tôi đã có kinh nghiệm và bây giờ tôi cảm nghiệm rằng ta nhận được sự sống khi biết ban tặng sự sống. Tôi đã từng nói nhiều người yêu mến Chúa cũng yêu mến Đấng kế vị Thánh Phêrô và gắn kết với ngài, đồng thời ngài thấy quanh mình là vòng tay hiệp thông của họ, ngài không còn thuộc về mình nữa mà thuộc về mọi người và mọi người thuộc về ngài.
‘Luôn luôn’ cũng là ‘mãi mãi’: không còn quay về với cuộc sống riêng nữa. Quyết định không đảm nhiệm sứ vụ nữa không có nghĩa là bãi bỏ điều đó. Tôi không quay về cuộc sống riêng tư của mình, quay về cuộc sống với những chuyến du hành, hội kiến, tiếp kiến, hội nghị… Tôi không từ bỏ vác Thánh giá, nhưng sẽ đứng bên Đấng bị treo trên Thập giá với một cung cách mới. Tôi không còn giữ quyền điều hành Giáo hội, nhưng có thể nói, tôi phục vụ Giáo hội trong cầu nguyện, tôi đặt mình sống trong rào lũy của Thánh Phêrô”.
*
Buổi tiếp kiến chung lần cuối cùng của Đức Bênêđictô XVI trên cương vị giáo hoàng diễn ra trong niềm xúc động không chỉ của hàng trăm ngàn người có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô, mà còn hàng tỉ người khắp thế giới ngưỡng mộ Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, một nhân cách vĩ đại trong thế giới đương đại.
Nhân cách của một con người, vị giáo hoàng chỉ còn một ngày tại vị, đã được hình thành từ một cuộc đời thuộc trọn về Chúa.
(Nguồn: WHĐ)