Psy hát Gangnam Style mừng nữ tổng thống Hàn Quốc
Lễ nhậm chức tổng thống của bà Park diễn ra lúc 10h sáng nay (giờ địa phương) ở phía trước tòa nhà Quốc hội tại Seoul, với sự tham dự của 70.000 người. Psy, nghệ sĩ đạt kỷ lục Guinness với bài Gangnam Style, cũng tới biểu diễn và khuấy động không khí sôi động tại quảng trường.
Trong đoạn video, những nữ thanh niên và cả những cụ bà, người ủng hộ nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, mặc trang phục đen, quàng khăn đỏ giống như bà Park từng mặc, lắc lư theo điệu nhạc. Còn những vũ công trên sân khấu cũng mặc áo khoác giống của bà để thể hiện sự ủng hộ. Không khí của lễ nhậm chức vô cùng sôi nổi trên nền nhạc của ca khúc gây sốt suốt năm 2012 trên toàn thế giới.
Vũ Hà (Video: Youtube)
Phụ nữ đang trỗi dậy ở các nước Đông Á
Tân Tổng thống Hàn Quốc có thể mở ra một kỷ nguyên mới |
Khi có phụ nữ tham gia tranh cử tổng thống hồi tháng 12, một nhà lập pháp ủng hộ ứng cử viên đối thủ đã trích dẫn một câu tục ngữ cổ xưa của châu Á nhằm khuyên ngăn người dân đừng bỏ phiếu cho bà. Đó là câu: "Khi gà mái gáy, lụn bại cửa nhà."
Nhưng bà Park Geun-hye tỏ ra bà là "nữ tổng thống có chuẩn bị tốt" và đã thắng cử mặc cho những lời gièm pha phân biệt giới tính. Bà tuyên thệ nhậm chức tổng thống đời thứ 18 của Hàn Quốc ngày 25-2.
Bà Park là nữ quốc trưởng đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc kể từ thời Nữ hoàng Jinseong cai trị từ năm 887-897, người cuối cùng trong ba nữ hoàng duy nhất.
Trong cuộc vận động tranh cử, người ta xem bà Park giống như Nữ hoàng đầu tiên Seondeok (632-647). Seondeok có nghĩa là "thiện hảo và đức hạnh".
Hầu hết người dân nghĩ rằng bà Park không thể thắng cử nếu bà không phải là con gái của cố Tổng thống Park Chung-hee (1961-1979), người vốn bị chỉ trích độc tài nhưng lại được quý mến vì đã đưa Hàn Quốc thoát khỏi cảnh cùng cực nghèo khổ.
Các nữ hoàng Triều Tiên chỉ thừa kế ngai vàng do không có anh em trai làm vua. Bà Park có một người em trai nhưng ông ta đã nhiều lần bị nghiện và phải ngồi tù.
Triều Tiên thiếu lãnh đạo nữ từ khi Khổng giáo phát triển ở quốc gia này.
Nếu chúng ta quan sát kỹ vấn đề này ở các nước Đông Á khác, chúng ta có thể thấy Nhật Bản cũng có thể giống như thế, không sớm thì muộn thôi.
Nhật Bản đã có từ 8-10 nữ hoàng nhưng sau Đệ nhị Thế chiến, Nhật Bản đã sửa đổi quy định và tuyên bố chỉ có đàn ông mới có thể làm hoàng đế. Nhưng trong những năm gần đây, chính phủ Nhật Bản tỏ dấu hiệu thay đổi, vì thái tử hiện nay không có con trai kế vị. Và do theo chế độ quân chủ lập hiến, Nhật Bản cũng chưa có nữ thủ tướng.
Trung Quốc, nguồn gốc của Khổng giáo vốn lấy nam giới làm trọng dường như cần thêm thời gian để chấp nhận người đứng đầu quốc gia là nữ giới.
Trung Quốc không có nữ hoàng trong hơn 4.000 năm lịch sử. Có một số thái hậu có quyền lực hơn hoàng đế vai con hoặc cháu mình, nhưng tất cả các phụ nữ này được nhớ đến do những việc làm xấu xa của họ, chứ không phải vì đức hạnh.
Đảng Cộng sản Trung Quốc tự hào đã giải phóng phụ nữ Trung Quốc khỏi xã hội phong kiến, nhưng ngay cả Giang Thanh, vợ của Mao Trạch Đông, người thật sự dẫn dắt Trung Quốc trong cuộc Cách mạng Văn hoá (1966-1976), cũng không được phép bước vào trung tâm quyền lực của Uỷ ban Thường trực Bộ Chính trị.
Đông Á là một trong những thành trì cuối cùng nằm dưới sự thống trị của nam giới, nhưng Hàn Quốc đang âm thầm rời khỏi xu hướng đó.
Trong thế hệ trẻ ở Hàn Quốc, phụ nữ nhận được đa số giấy chứng nhận làm giáo viên, công chức, nhà ngoại giao và luật sư.
Nhưng các nhà quan sát nói điều này chứng tỏ tồn tại tình trạng không được thăng quan tiến chức do giới tính - chỉ có các kỳ thi cử cho phép phụ nữ cạnh tranh công bằng với nam giới, vì thế phụ nữ thường tập trung vào các công việc đòi hỏi bằng cấp quốc gia.
Để xoá bỏ sự phân biệt đối xử vô hình như thế, chương trình hành động tích cực đã có đà trong xã hội Hàn Quốc.
Tháng 10 năm ngoái, các tổ chức công đoàn và những người chủ trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính trong nước này đã đi đến thỏa thuận trong năm 2013 sẽ tiến hành áp dụng hệ thống chỉ tiêu thăng chức.
Các tổ chức công đoàn chỉ ra rằng mặc dù số nhân viên nữ đang tăng nhưng có ít lãnh đạo nữ. Trong 4 ngân hàng lớn nhất, không có lãnh đạo nữ nào.
Các hệ thống chính trị trong nước đã đưa ra một số chính sách về chương trình hành động tích cực gia tăng số nhà lập pháp nữ, mặc dù không hoàn chỉnh và vô hiệu quả.
Tôi hy vọng việc Hàn Quốc hiện đang có một phụ nữ đứng đầu quốc gia sẽ khích lệ trao quyền cho phụ nữ trong nhiều lĩnh vực trong xã hội, cũng như trong Giáo hội.
Giáo hội phục vụ trong xã hội để phản ánh giáo huấn của Chúa Giêsu và cần "semper reformanda" (luôn đổi mới) để làm như thế. Cách đây khoảng một thập niên, Giáo hội Hàn Quốc được đề xuất áp dụng hệ thống chỉ tiêu dành cho phụ nữ trong việc thành lập các hội đồng giáo xứ, nhưng đề xuất này đã bị hàng giáo phẩm làm ngơ.
Không còn ai có thể làm ngơ sự gia tăng quyền lãnh đạo của phụ nữ trong Giáo hội nữa. Tháng 11 năm ngoái, Nhà thờ Chính toà Myeongdong ở Seoul, vốn được xem là bộ mặt của Giáo hội Hàn Quốc, chào đón nữ chủ tịch hội đồng giáo xứ đầu tiên.
Nguồn: UCANews