Giáo hội Công giáo và Trung Quốc: "Giao lộ" tôn giáo và địa chính trị

Đây không phải là lần đầu tiên Vatican và Bắc Kinh đưa ra những dấu chỉ nối lại quan hệ, dù tình trạng khó xử vẫn còn. Không rõ Bắc Kinh sẽ cho phép được bao nhiêu một thế lực bên ngoài can thiệp vào quyền lãnh đạo tôn giáo trên đất Trung Quốc, và Vatican sẽ chứng minh việc họ sẵn sàng chấp nhận mong muốn của Bắc Kinh đến mức nào...

Giáo hội Công giáo và Trung Quốc: "Giao lộ" tôn giáo và địa chính trị

Năm 1594, thừa sai Dòng Tên Matteo Ricci cùng với Kitô giáo đã được Trung Quốc chào đón, sau hàng ngàn năm ngăn cách, vừa do “xa xôi cách trở”, vừa bởi những hàng rào bất khả xâm phạm của Hồi giáo.

Vị thừa sai này nêu cao sự tương thích rõ ràng giữa Trung Quốc và truyền thống cố cựu của Giáo hội Công giáo La Mã, và cho thấy "sự dung hợp đáng kể giữa các nguyên lý Kitô giáo và các giá trị minh triết lâu đời của Trung Hoa". Thật vậy, trong thời gian ở Trung Quốc, thừa sai Ricci đã chứng kiến những thành công tuyệt vời, ông đã trở thành cố vấn cho hoàng đế Khang Hy và thu phục được nhiều người vị vọng trở lại. Tuy nhiên, có những xung đột dẫn tới khủng hoảng cho Công giáo mà lúc đó đã là một trong các tôn giáo chính của Trung Quốc. Năm 1700, ước tính có khoảng 200.000 người Công giáo Trung Quốc. Ba thập kỷ sau, các tín đồ của "Thiên Chúa giáo", (danh xưng được người Trung Quốc sử dụng thay từ “Công Giáo”), bị cắt lìa khỏi Châu Âu sau đó bị cấm hoàn toàn. 

Tại Trung Quốc, không chỉ riêng Công Giáo mới có những thách đố về mặt tôn giáo. Thật vậy, người Công giáo Trung Hoa có nhiều vấn đề phải đặt ra khi thường xuyên đối mặt với một chế độ luôn tìm cách khẳng định quyền kiểm soát trên một đất nước vốn tập hợp nhiều vùng lãnh thổ khác nhau. Tại Trung Quốc, trong nhiều thế kỷ qua, vẫn thường xảy ra những mâu thuẩn giữa Kitô giáo nói chung và nhiều truyền thống tín ngưỡng khác với chính quyền dân sự. Ngày nay, khi Công giáo phải đối mặt với cuộc chạy đua tìm kiếm sự ủng hộ trên khắp thế giới, Vatican đang cố gắng điều hướng bối cảnh chính trị phức tạp của Trung Quốc để khẳng định sự hiện diện chính thức của mình trong đất nước nầy. 

Lợi ích và cạm bẫy của đức tin trong Đế chế.

Các truyền thống tín ngưỡng luôn cho thấy cả thách thức và cơ hội cho bất kỳ chế độ nào. Một mặt, chính quyền đưa ra những yêu sách buộc phải làm, điều này có thể khiến các tín đồ bất tuân mệnh lệnh của chế độ. Mặt khác, chính quyền có thể đề xuất một công cụ hợp pháp có giá trị để nhà nước có thể dễ bề thao túng. Đối với Trung Quốc vào cuối thế kỷ 16, chấp nhận Kitô giáo là để có cơ hội tiếp cận các kỹ thuật và thông tin của châu Âu, đang du nhập qua ngã Thái Bình Dương. Nhưng việc tiếp cận này chỉ có giá trị khi nào không làm suy yếu quyền lực nhà nước. Trong dòng lịch sử suốt 3.000 năm của Trung Quốc, đời sống chính trị luôn quan tâm tới vấn đề tôn giáo. 

Vào năm 1692, có thể nói là thời cao điểm của Công giáo ở Trung Quốc, khi hoàng đế Khang Hy ban hành sắc lệnh đậm chất khoan hoà, đưa Kitô giáo ngang hàng với các truyền thống tín ngưỡng lâu đời khác trong vương quốc. Nhưng sắc lệnh cũng ẩn chứa một cảnh báo, với lưu ý rằng người châu Âu "rất im lặng" và không giống như các "tà giáo", tôn giáo của họ không có "bất kỳ xu hướng kích động sự nổi loạn nào". Điều này muốn ngụ ý rằng Kitô giáo chỉ được chấp nhận bao lâu còn "im lặng" và không làm suy suyển  đến thiết chế chính trị của Trung Quốc. Thật vậy, thành công ban đầu của Công giáo ở Trung Quốc dựa trên những nỗ lực to lớn của các giáo sĩ trong việc nghiên cứu triết học và văn hóa Trung Quốc cũng như hội nhập vào giới tinh hoa của đất nước. Năm 1615, Vatican thậm chí còn trao cho người Công giáo Trung Quốc đặc quyền duy nhất đó là được phép cử hành phụng vụ bằng Hoa ngữ thay vì tiếng Latin. 

Nhưng vào đầu thế kỷ 18, cuộc tranh chấp giữa Vatican và chính quyền Trung Quốc đã sớm bộc lộ chân tướng của động thái chính trị trên. Trong suốt thời gian xảy ra sự kiện được mệnh danh là Tranh luận về về Lễ điển Trung Hoa, hàng giáo sĩ Công giáo đã bàn thảo về việc người Công giáo Trung Quốc có được phép thờ lạy trước bàn thờ gia tiên và tham dự vào các nghi lễ Khổng giáo khác.

Dòng Tên ở Trung Quốc nghĩ rằng những nghi thức này mang tính dân sự và tương hợp với thực hành Công giáo, trong khi những người khác lại cho đó là mê tín dị đoan. Và cuộc tranh luận này không còn là vấn đề riêng trong nội bộ Giáo hội; nó thách thức chính bản chất của Khổng giáo, vốn là cột trụ của thiết chế chính trị Trung Quốc, đã liên kết từ người nông dân thấp kém nhất cho tới hoàng đế, theo một giềng mối quan trọng chi phối toàn bộ cuộc sống và cả sự chết. Việc cử hành các lễ tiết của Khổng giáo lại là trách nhiệm chính của các quan chức trên toàn quốc, cho nên, việc cấm thực hành tôn kính tổ tiên đã thách thức toàn bộ kết cấu của xã hội Trung Quốc. Cuộc đối đầu với hoàng đế và bộ máy quan liêu đã khiến toàn thể đất nước liên kết với nhau chống lại Công Giáo. 

Nếu trước đây, từ những ngày đầu tiên cho đến năm 39 sau Công nguyên, Kitô giáo đã bất chấp sự thờ phượng hoàng đế có ý nghĩa quan trọng đối với chính trị của Đế chế La Mã, thì cũng đã ứng phó như thế đối với Nghi lễ Trung Quốc. Với Trung Quốc thế kỷ 18, tương tự như với Đế chế La Mã trước đây, Vatican đã ra lệnh cho các tín hữu không được tham dự; Giáo hoàng Clement XI ban hành một phán quyết cuối cùng cấm thực hành các Nghi thức của Trung Quốc vào năm 1704. Khi các nhà truyền giáo đang hiện diện trên hàng chục vùng đất ngoài Kitô giáo, Giáo hội Công giáo đã làm cho uy tín của mình mất trắng ! 

Đáp lại, hoàng đế Trung Quốc đã trục xuất phái bộ Tông toà cùng với tất cả các nhà truyền giáo tuân hành các mệnh lệnh của Vatican. Cuộc bách hại nổi lên, đặc biệt là trong những năm sau năm 1724, khi hoàng đế Ung Chính (Yongzheng) chính thức cấm đạo Công giáo. Năm 1814, hoàng đế Gia Khánh (Jiaquing) đã tiến thêm một bước, đưa lệnh cấm toàn bộ Kitô giáo vào các luật cơ bản của đất nước; ông đã kết án tử hình những người châu Âu nào theo đạo, gửi các Kitô hữu, những kẻ không bỏ đạo sang các vùng xa xôi trong vương quốc, sa thải hoặc và lưu đày các sĩ quan quân đội, nếu phạm tội như thế.

Mãi đến thời Hiệp ước Thiên Tân được ký kết năm 1858, buộc triều đại nhà Thanh yếu nhược lúc đó một lần nữa phải chấp nhận các nhà truyền giáo; nhờ đó Công giáo mới sống còn cách mạnh mẽ. Sự phát triển đó kéo dài đến năm 1951, khi Cộng hòa Nhân dân Trung Cọng chĩa mũi dùi vào tôn giáo trong nỗ lực chống lại những gì được coi là mối đe dọa cho sự ổn định đến từ các đế quốc phương Tây. 

Phật giáo: Ngoại lệ làm sáng tỏ quy tắc 

Thật không ngạc nhiên khi Trung Quốc đã trừng phạt triệt để Vatican sau cuộc tranh cãi về Lễ điển Trung Hoa. Trong Đế quốc La Mã, Kitô giáo cuối cùng đã tranh thủ được nhiều người theo đạo (nhất là trái tim của chính hoàng đế) để thiết lập một chỗ đứng vững chắc. Nhưng Trung Quốc thì khác. Đất nước tiếp cận nhiều truyền thống tín ngưỡng - bao gồm Công giáo - bằng cách uốn nắn và định hướng theo trật tự chính trị. Nếu cần, Trung Quốc sẽ triệt để ngăn cấm. 

Phải nói rằng, xét về mặt tôn giáo, Phật giáo chính là sự thành công lớn nhất của Trung Quốc; dầu vậy, Phật giáo cũng đã phải trải qua nhiều giai đoạn đấu tranh. Phát sinh từ Ấn Độ, lần đầu tiên, Phật giáo có mặt ở Trung Hoa vào giữa thế kỷ thứ nhất thời Hán triều, sau đó lan rộng đến mọi miền trong vương quốc và có được một số hoàng đế là những tín đồ thuần thành. Vào triều đại nhà Tùy 581-618 và nhà Đường 618-907, Phật giáo trở thành một công cụ quý giá cho chính quyền trung ương. Nhà cầm quyền chấp nhận các giáo sĩ Phật giáo vì công việc của họ bổ sung cho quyền lực của các quan chức trên toàn đế chế và thậm chí để những người lính vượt qua lòng trung thành của gia đình, thấm nhuần một nền đạo đức vừa phổ thông, vừa mang tính tự nguyện. 

Tuy nhiên, chính quyền dân sự Trung Quốc luôn nghi ngờ rằng các giáo sĩ Phật giáo quá xa cách với lý tưởng thoát tục. Các định chế nhà nước đã nỗ lực chấn chỉnh để giảm thiểu các tu viện Phật giáo và trực tiếp giám sát các vấn đề tôn giáo. Vào những năm 840, khi triều đại nhà Đường không còn kiểm soát chặt chẽ một số tỉnh của Trung Quốc, chính quyền đã tiến hành một cuộc thanh trừng Phật giáo rộng lớn, tịch thu đất tu viện, tước bỏ quyền lực của các tu sĩ và phá hủy các đền chùa trên khắp đất nước. (Gần như cùng lúc, Trung Quốc đã dập tắt làn sóng Kitô giáo đầu tiên du nhập vào nước này theo Con đường tơ lụa cổ đại.). Mấy thế kỷ sau đó, khi tái hoạt động để lấy lại sức mạnh, Phật giáo bắt đầu hội nhập nhiều hơn yếu tố văn hóa Trung Quốc, đồng thời bổ sung cho sự phục hưng trong Nho giáo. 

Không giống như Kitô giáo, Phật giáo đã sẵn sàng đồng hoá để thích nghi với quyền lực chính trị của Trung Quốc. Là tôn giáo đã từng có tất cả nhưng đã chết dần chết mòn ở Ấn Độ và do đó có rất ít quyền lực bên ngoài. Không hề có cái gọi là “Phật giáo Vatican” nên cũng ít có nguy cơ Phật giáo trở thành một đế chế trong đế chế. Trên thực tế, nhờ cắm rễ lâu đời ở Trung Quốc, nên Phật giáo đã mang lại cho mình vị thế của một tín ngưỡng gần như bản địa. Trong khi đó, Kitô giáo luôn luôn liên kết với người ngoại quốc phương Tây. Riêng Công giáo đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc nghi ngờ, vì lòng trung thành đối với quyền bính từ châu Âu cách xa cả ngàn dặm với thủ đô của Trung Quốc. 

Trong thời kỳ hiện đại, Phật giáo đôi khi cũng đe dọa chính quyền tập trung của Trung Quốc, như trường hợp Phật giáo Tây Tạng, nơi có lãnh đạo tinh thần riêng bên ngoài Trung Quốc. Bắc Kinh đã hành động cứng rắn để khống chế và xoay chuyển cơ cấu quyền lực của Phật giáo Tây Tạng về phía Trung Quốc, thách thức nghiêm ngặt Đức Đạt Lai Lạt Ma và tìm cách áp đặt uy quyền lên tín ngưỡng. Hiện tại có những dấu hiệu mới mẻ cho thấy chính quyền Tây Tạng, và ngay cả chính Đức Đạt Lai Lạt Ma, đang bắt đầu tỏ ra mềm dẽo theo ý muốn của Bắc Kinh. Và Vatican có thể không bị bỏ lại phía sau. 

Cuộc chiến ngày nay giữa Chúa và chính phủ 

Năm 1939, Giáo hoàng Piô XII đã đảo ngược lệnh cấm của Giáo hội Công giáo đối với Lễ điển Trung Hoa, xóa bỏ quan điểm gắn bó hàng thế kỷ và thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân Quốc. Và ngay cả dưới sự cai trị của Cộng sản một thập kỷ sau đó, Kitô giáo không bao giờ biến mất hoàn toàn ở Trung Quốc, nhờ nhiều năm hoạt động thầm lặng, cũng như nhờ các cộng đoàn thuộc Công Giáo ái quốc được giám sát cẩn thận.

Ngày nay, Kitô giáo vẫn còn hiện diện mạnh mẽ. Ước tính chính thức của Bắc Kinh, dân số Kitô giáo khoảng 25 triệu người, gồm 18 triệu người Tin lành và 6 triệu người Công giáo La Mã. Ước tính của Trung tâm nghiên cứu Pew đã cho những con số còn cao hơn, với 58 triệu người Tin lành và 9 triệu người Công giáo. Mặc dù Kitô hữu chỉ chiếm 5 phần trăm dân số Trung Quốc, nhưng nếu chỉ nhắm đến con số thôi, thì đây là nhóm thiểu số Kitô giáo lớn nhất trên thế giới. 

Nhưng để phù hợp với lịch sử, vị thế của Kitô giáo ở Trung Quốc hiện nay thật khó trình bày cặn kẻ. Tôn giáo bị nhấn chìm phân nửa, những ai còn sống đạo cũng bị chia cắt : người thuộc Giáo Hội chính thức, kẻ thuộc Giáo Hội hầm trú. Và ngay cả đối với các cộng đoàn Giáo Hội được Bắc Kinh phê chuẩn, cả Công giáo và Tin lành, vẫn không tránh khỏi chia rẽ. Phong trào “Tam Tự” đối với người Tin lành được thành lập năm 1951, trong khi “Hiệp hội Công giáo ái quốc Trung Quốc” được thành lập năm 1957 và được giám sát bởi các linh mục và giám mục do Bắc Kinh chọn nhưng không được Vatican công nhận. 

Trong suốt nửa sau của thế kỷ 20, nhà nước Trung Quốc đã cố gắng tìm sự cân bằng giữa lợi ích của mình và các tín đồ Kitô giáo, trải qua biến động giữa các cuộc đàn áp khắc nghiệt của Phong trào Cải tạo Xã hội chủ nghĩa 1963-66 và Cách mạng Văn hóa 1966-76, sau đó khoan giản lần từ những năm 1980. Nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Vatican có thể sẵn sàng tìm kiếm sự cân bằng lâu dài giữa chấp nhận và kiểm duyệt.

Hai điểm chính để thiết lập lại sự hiện diện chính thức của Vatican tại Trung Quốc đó là phải cắt đứt quan hệ với chính phủ Đài Loan và chấp nhận chính sách không can thiệp vào các vấn đề tôn giáo của Trung Quốc. Vấn đề đầu tiên có vẽ dễ dàng hơn. Không giống như nhiều cơ quan ngoại giao khác, Vatican vẫn duy trì sự ủng hộ đối với Trung Quốc đại lục sau khi Cộng sản chiến thắng và đã đẩy những người quốc gia đến Đài Loan. (Chính Bắc Kinh cuối cùng đã hất cẳng Vatican). Trong khi đó, yêu cầu không can thiệp lại là thách thức lớn hơn đối với Giáo hội Công giáo, vì điều nầy đòi hỏi phải từ bỏ một số trách nhiệm trong việc bổ nhiệm lãnh đạo Công giáo để nhường lại cho chính quyền Trung Quốc. 

Trong thập kỷ qua, Vatican đã cho thấy sự sẵn sàng thương lượng. Trong khi Hiệp hội Công giáo ái quốc  không được Vatican chính thức công nhận, các thành viên của tổ chức nầy được phép thừa nhận thẩm quyền tinh thần của Giáo hoàng, và hầu hết các giám mục thuộc tổ chức nầy hiện được chính Rome thừa nhận. Và ít nhất kể từ năm 2007, Vatican đã đưa ra những tín hiệu sẵn sàng để đi đến một thỏa thuận chính thức với Bắc Kinh. Vào cuối năm 2017, Cơ quan chính thức của Vatican đã thông báo về việc hai giám mục thầm lặng Trung Quốc nghỉ hưu và nhường chỗ cho các giám mục được Bắc Kinh ủng hộ. Một số báo cáo đã dự kiến về một cuộc thương lượng quan trọng được thực hiện vào đầu tháng 4 năm 2018, nhưng điều này vẫn còn trong hy vọng. Và ngay cả khi đã đạt được, thỏa thuận cuối cùng này chỉ có thể giải quyết vấn đề liên quan đến các giám mục, còn về quan hệ ngoại giao phải để lại sau. 

Đối với Vatican, lý do để thỏa thuận với Bắc Kinh là hiển nhiên. Công giáo đang căn thẳng trên toàn thế giới, phải hoạt động để duy trì nền tảng khi các mô hình Kitô giáo khác đang bị thách thức ở những nơi Kitô giáo từng thống trị, đáng chú ý nhất là ở Mỹ Latinh. Đó là chưa kể, nếu chấp nhận con số thống kê không chính thức, thì những người theo đạo Tin lành ở Trung Quốc đông hơn người Công giáo gấp 6 lần. Thế mà các Giáo hội Tin lành tự trị và bị chia cắt sâu sắc, trong khi Vatican có lợi thế là có thể đàm phán với Bắc Kinh như một thực thể thống nhất. Nếu liên kết được giữa Giáo Hội thầm lặng với Giáo Hội Công giáo được công nhận, có thể kéo cả bộ máy đang ngập nước trồi lên mặt đất trong một lần và hy vọng có thêm nhiều tín hữu.

Tuy nhiên, đối với anh em Tin lành, những gì xảy ra với Giáo Hội chính thức không ảnh hưởng đến Giáo Hội hầm trú, khiến người Tin lành gặp khó khăn trong việc thực hiện những thay đổi. Thời điểm cũng là mấu chốt: Luật tôn giáo mới ban hành vào tháng 2 khiến việc vận hành ở các vùng thuộc Giáo hội hầm trú trở nên khó khăn đáng kể; trong khi đó, việc củng cố quyền lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình báo hiệu một kỷ nguyên mới của tập trung quyền lực sẽ là “điềm gỡ” cho hoạt động tôn giáo bất hợp pháp. Vatican có lẽ thấy rằng bây giờ là thời điểm tốt nhất để cố tranh thủ sự chấp thuận chính thức của chính phủ. 

Đối với Bắc Kinh, việc đưa Giáo hội Công giáo trở lại lục địa Trung Quốc thực chất là một cuộc đảo chính ngoại giao chống lại Đài Loan. Vatican là cường quốc châu Âu cuối cùng công nhận Đài Loan là một quốc gia; nếu cắt đứt các mối quan hệ đó, một số thủ đô của Mỹ Latinh có thể làm theo. Điều này đặc biệt quan trọng với những nỗ lực gần đây của Hoa Kỳ đang tăng cường quan hệ ngoại giao và quân sự với Đài Loan. Việc tập chú đổi mới của Bắc Kinh trong việc truyền bá sự phát triển đến các vùng xa xôi sẽ nhận được hỗ trợ qua hoạt động của Giáo hội Công giáo; đây là loại hình thể hiện mối quan tâm chung hướng đến công tác giảm nghèo. Cuối cùng, dân số già của Trung Quốc báo hiệu một lỗ hổng “chà bá” trong các dịch vụ xã hội của chính phủ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, có thể được lấp đầy nhờ gia tăng các tổ chức tôn giáo từ Phật giáo đến Công giáo. 

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Vatican và Bắc Kinh đưa ra những dấu chỉ nối lại quan hệ, dù tình trạng khó xử vẫn còn. Không rõ Bắc Kinh sẽ cho phép được bao nhiêu một thế lực bên ngoài can thiệp vào quyền lãnh đạo tôn giáo trên đất Trung Quốc, và Vatican sẽ chứng minh việc họ sẵn sàng chấp nhận mong muốn của Bắc Kinh đến mức nào. Việc nhường sân chơi cho chính phủ Trung Quốc có nguy cơ làm suy yếu thẩm quyền của giáo hoàng, nhưng tiền lệ cho loại thỏa thuận này có thể được tìm thấy trong mối quan hệ của Giáo Hội với Hungary, Ba Lan, Tiệp Khắc và Argentina. Tất nhiên, các thành viên của Giáo hội Công giáo - đặc biệt là các giám mục thuộc Giáo Hội thầm lặng - đã chống lại các nỗ lực trong các lĩnh vực này. Nhưng khi Công giáo phải đối mặt với những thách thức trên toàn thế giới, thì Vatican có thể tìm thấy 1,4 tỷ linh hồn của Trung Quốc đủ trêu ngươi để kiếm một món hời. 

Nguyên tác : The Catholic Church and China: Where Religion and Geopolitics Meet

By Evan Rees, Asia-Pacific Analyst, Stratfor

Chuyển ngữ : Trương Đình Hiền