Phúc âm thịnh vượng: nguy hiểm và kỳ quặc
Phúc âm thịnh vượng biến Thiên Chúa thành một sức mạnh sẵn sàng phục vụ chúng ta và Giáo hội thành siêu thị đức tin
“Phúc âm thịnh vượng” là luồng thần học nổi tiếng xuất phát từ các phong trào truyền giáo tân Ngũ Tuần. Cơ bản đó là niềm tin cho rằng Chúa muốn những người theo Ngài có một cuộc sống thịnh vượng, tức là giàu có, khỏe mạnh và hạnh phúc. Dòng Kitô giáo này đặt sự thịnh vượng của tín hữu ở trung tâm lời cầu nguyện, và biến Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo thành một người làm cho tư tưởng và ước muốn của tín hữu trở thành sự thật.
Nguy cơ của hình thức chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm trong tôn giáo, vốn đặt con người và sự thịnh vượng của con người ở trung tâm, đó là nó biến Thiên Chúa thành một sức mạnh sẵn sàng phục vụ chúng ta, Giáo hội thành siêu thị đức tin và tôn giáo thành hiện tượng vụ lợi vốn cực kỳ thực dụng và hấp dẫn.
Hình ảnh thịnh vượng và hạnh phúc như thế, chúng ta sẽ được nhìn thấy ngay, liên quan đến cái gọi là “Giấc mơ Mỹ”. Nó không giống nhau, chỉ là cách giải thích đơn giản hóa. Về cơ bản giấc mơ này là sự ảo tưởng về một vùng đất, một xã hội được hiểu như là một nơi có nhiều cơ hội. Về mặt lịch sử qua hàng thế kỷ nay, nó trở thành động lực thúc đẩy nhiều di dân kinh tế rời khỏi quê nhà lên đường sang Mỹ tìm đến một nơi mà việc làm tạo ra những kết quả không thể có được ở thế giới cũ của họ.
Phúc âm thịnh vượng một cách máy móc biến ảo tưởng này thành những điều kiện trong tôn giáo, như thể giàu có và thịnh vượng là dấu chỉ đích thực về sự hài lòng của Chúa được đức tin chinh phục cách kỳ diệu. Trong những thập niên gần đây, “thần học” này đã phổ biến trên khắp thế giới nhờ các chiến dịch tuyên truyền của các sứ vụ và phong trào truyền giáo đặc biệt là các phong trào tân đặc sủng trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Mục đích chúng tôi phản ảnh là để giải thích và đánh giá hiện tượng này, vốn dùng thần học biện minh cho chủ nghĩa tân tự do kinh tế. Trong phần kết luận, chúng ta sẽ thấy Đức Thánh cha Phanxicô thường cảnh báo về những mối nguy hiểm của thần học này vốn có thể “làm lu mờ Phúc âm của Chúa Kitô” như thế nào.
Phổ biến trên khắp thế giới
Phúc âm thịnh vượng đã phổ biến không chỉ ở Mỹ là nơi nó ra đời, mà còn ở châu Phi đặc biệt là Nigeria, Kenya, Uganda và Nam Phi. Tại Kampala có một sân vận động có mái che khổng lồ được gọi là nhà thờ chính tòa Trung tâm Phép lạ, có chi phí xây dựng 7 triệu Mỹ kim. Đây là thành quả của mục sư Robert Kayanja, còn là người triển khai một phong trào lớn thường xuyên có mặt trên các phương tiện truyền thông.
Tại châu Á phúc âm thịnh vượng cũng có ảnh hưởng đáng kể đặc biệt là ở Ấn Độ và Hàn Quốc. Thập niên 1980 chứng kiến một phong trào bản xứ hoạt động mạnh ở Hàn Quốc có liên quan đến luồng thần học này, do mục sư Paul Yonggi Cho xúc tiến. Ông rao giảng một thần học về “chiều kích thứ 4”, qua đó tín hữu, thông qua ảo tưởng và giấc mơ, sẽ có thể kiểm soát được thực tại và có được tất cả các loại thịnh vượng vốn có.
Chúng ta cũng có thể thấy nó bén rễ ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhờ “các Giáo hội ở Ôn Châu”. Ôn Châu là một cảng lớn ở miền đông thuộc tỉnh Chiết Giang, tại đây có nhiều tòa nhà treo thánh giá lớn màu đỏ, thường thể hiện sự hiện diện của một “Giáo hội Ôn Châu”, vốn là cộng đồng do nhiều thương gia địa phương thành lập và có quan hệ với phong trào phúc âm thịnh vượng.
Tại Mỹ Latinh, thần học này phổ biến và tự tuyên truyền theo cấp số nhân sau năm 1980, thậm chí nguồn gốc của nó ở đó có thể được truy nguyên từ thập niên 1940 và 1950. Hiện tượng tôn giáo này thích hợp, theo quan điểm của giới truyền thông, với việc sử dụng truyền hình bởi chính các mục sư theo phong trào đặc sủng có thông điệp trực tiếp đơn giản, được trình bày rầm rộ qua các chương trình âm nhạc và làm chứng, và các bài đọc Kinh thánh mang tính thực dụng và trào lưu chính thống.
Tại Trung Mỹ, chúng ta thấy Guatemala và Costa Rica đã trở thành thành trì chính của dòng tôn giáo này. Tại Guatemala có sự hiện diện thường trực của lãnh đạo phong trào đặc sủng Carlos Enrique Luna Arango, biệt danh là “Cash Luna”. Costa Rica là nơi đặt trụ sở của kênh truyền hình vệ tinh truyền giáo TBN-Enlace.
Tại Nam Mỹ, hoạt động truyền bá mạnh nhất diễn ra ở Colombia, Chile và Argentina, nhưng Brazil cũng đáng được đặc biệt đề cập đến vì ở đây có phong trào Ngũ Tuần bản xứ năng động riêng trong Giáo hội Phổ quát Nước Thiên Chúa. Nhóm này còn có tên là “Ngăn chặn đau khổ”, có chi nhánh ở khắp Mỹ Latinh. Nó dùng một loại ngôn ngữ kết hợp giữa tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, tạo cho nó một loại ngôn ngữ giao tiếp riêng biệt. Chỉ cần phân tích hoạt động công bố Giáo hội Phổ quát ở Brazil là tìm thấy một thông điệp mạnh mẽ về sự thịnh vượng và khỏe mạnh, có liên quan đến việc cá nhân viếng các đền thờ để nhận được nhiều lợi ích.
“Phúc âm” này được phổ biến nhờ sự hiện diện mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông chính và được duy trì bởi sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nó đến đời sống chính trị.
Nguồn gốc của phúc âm thịnh vượng và Giấc mơ Mỹ
Nếu chúng ta tìm kiếm nguồn gốc của các luồng thần học này, chúng ta thấy nó ở Mỹ, nơi đa số những người nghiên cứu hiện tượng học tôn giáo Mỹ tìm thấy nguồn gốc của nó xuất phát từ mục sư Esek William Kenyon (1867-1948) ở New York. Ông khẳng định thông qua sức mạnh của đức tin bạn có thể thay đổi những cái cụ thể và thực tế. Niềm tin này kết luận đức tin có thể dẫn đến sự giàu có, khỏe mạnh và hạnh phúc, trong khi thiếu đức tin dẫn đến nghèo khổ, bệnh tật và bất hạnh.
Nguồn gốc của phúc âm thịnh vượng thực sự phức tạp, nhưng ở đây chúng tôi xem xét nguồn gốc quan trọng nhất, giới thiệu với độc giả các luận văn và ấn phẩm chuyên đề để biết thêm chi tiết. Ví dụ nhà thần học Kate Ward đã viết về sự ảnh hưởng của Adam Smith, đặc biệt là “thuyết quan điểm luân lý” của ông. Ward cho thấy đối với Smith lòng trắc ẩn không có liên hệ gì đến người nghèo, nhưng kêu gọi ngưỡng mộ những người thành công.
Những học thuyết này có liên quan đến và đặc biệt công nhận thế giới tư duy tích cực, vốn thể hiện lối sống của Mỹ. Theo đó nó có liên quan đến “quan điểm ngoại lệ” được Alexis de Tocqueville trong cuốn sách nổi tiếng của mình là Nền dân chủ ở Mỹ (1831) cho là của người Mỹ, ở một mức độ nào đó họ có thể “tin rằng sẽ không bao giờ có người dân chủ nào đạt đến một vị trí giống” như họ. Tocqueville còn khẳng định lối sống này hình thành nên tôn giáo của người Mỹ.
Đôi khi nhà chức trách Mỹ tự chứng minh mối liên hệ này. Trong Thông điệp Liên bang hôm 30-1-2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, để miêu tả bản sắc đất nước: “Cùng nhau chúng ta sẽ tái thiết nước Mỹ’. Và ông nói tiếp: “Ở Mỹ, chúng ta biết đức tin và gia đình, không phải là chính quyền và bộ máy quan liêu, là trung tâm của đời sống Mỹ. Khẩu hiệu của chúng ta là ‘nơi Chúa chúng ta phó thác’. Và chúng ta tung hô cảnh sát, quân đội và các cựu chiến binh tuyệt vời của chúng ta là những anh hùng xứng đáng được chúng ta luôn hoàn toàn ủng hộ”. Chỉ trong vài dòng chúng ta thấy Chúa, quân đội và Giấc mơ Mỹ.
Các nhà thờ khổng lồ và phúc âm kỳ quặc
Động lực cơ bản thúc đẩy các ý tưởng này trong phúc âm thịnh vượng xuất phát từ cái gọi là phong trào Lời Đức tin, trong đó cố vấn chính là mục sư và là tiên tri tự xưng Kenneth Hagin (1917-2003). Trong số những đặc điểm tiêu biểu của Hagin là những thị kiến tái diễn luôn đã truyền cảm hứng cho ông đưa ra lời giải thích độc nhất vô nhị về một số bản văn nổi tiếng nhất trong Kinh thánh. Ví dụ, trong Tin Mừng Mác-cô (Mc 11, 23-24): “Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: ‘Dời chỗ đi và nhào xuống biển’, mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. Vì thế Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý”. Hai câu này đối với Hagin là các trụ cột trong phúc âm thịnh vượng.
Ông khẳng định để biến đức tin phi thường thành hành động cần phải chắc chắn, đặc biệt là về những việc không thể: bạn phải tuyên bố rõ phép lạ và tin rằng bạn sẽ nhận được theo cách mình tưởng tượng. Hagin còn nhấn mạnh một khía cạnh khác: đó là phép lạ mong muốn cần phải được xem như là đã nhận được rồi, có nghĩa là việc xảy ra phép lạ đó phải được chuyển từ tương lai sang quá khứ.
Kenyon và Hagin đều hiểu rằng phương tiện truyền thông đại chúng là công cụ cơ bản để phổ biến nhanh chóng giáo huấn của họ. Kenyon dùng nó trong chương trình Kenyon’s Church of the Air, và Hagin trong chương trình Faith Seminar of the Air.
Có một số nhà thuyết giảng chúng ta có thể lưu ý như sau trong truyền thống thần học của Kenyon và Hagin, dùng chiến lược truyền thông của họ. Thứ nhất là Kenneth Copeland, được Hagin chọn làm người kế vị – và chương trình truyền hình của ông Believer’s Voice of Victory, phổ biến các học thuyết đó trên khắp thế giới. Tương tự, Norman Vincent Peale (1889-1993), mục sư nhà thờ Marble Collegiate ở New York, có được nhiều người ủng hộ nhờ các sách của ông có tựa đề lên tiếng nói cho chính họ: The Power of Positive Thinking (Sức mạnh tư duy tích cực), You Can If You Think You Can (Bạn có thể làm được nếu bạn nghĩ mình có thể làm được), A Guide to Confident Living (Hướng dẫn sống tự tin). Peale là người thuyết giảng thành công và có thể kết hợp tiếp thị và thuyết giảng.
Tại Mỹ có hàng triệu người thường xuyên đến các nhà thờ khổng lồ phổ biến phúc âm thịnh vượng. Những người thuyết giảng, tiên tri và tông đồ gia nhập nhánh tân Ngũ Tuần này đã đảm trách các vị trí ngày càng quan trọng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, phát hành rất nhiều sách nhanh chóng trở thành các sách bán chạy nhất, và có những bài phát biểu thường được chuyển đến hàng triệu người qua internet và mạng xã hội.
Các tên tuổi lớn như Oral Roberts, Pat Robertson, Benny Hinn, Robert Tilton, Joel Osteen, Joyce Meyer và những người khác đã tăng sự nổi tiếng và giàu có của họ nhờ tập trung vào tìm hiểu phúc âm này, nhấn mạnh và quảng bá nó tối đa. Joyce Meyer cho biết chương trình truyền hình “Enjoying Everyday Life” (Thưởng thức cuộc sống hàng ngày) của bà đến được 2/3 thế giới thông qua radio và truyền hình và được phát bằng 38 thứ tiếng.
Điều hoàn toàn rõ ràng ở đây đó là sức mạnh kinh tế, truyền thông và chính trị của các nhóm này – được chúng ta gọi chung là “các nhóm truyền bá Giấc mơ Mỹ” – giúp họ nổi tiếng hơn các Giáo hội truyền giáo khác, ngay cả những người thuộc phái Ngũ Tuần cổ điển. Ngoài ra, sự phát triển của họ tăng theo cấp số nhân và tỷ lệ thuận với những lợi ích kinh tế, thể lý và tinh thần mà họ hứa với những người theo họ: tất cả những lợi ích này bị loại khỏi cuộc sống hoán cải thường được giảng dạy bởi các phong trào truyền giáo truyền thống.
Mặc dù có nguồn gốc từ các giáo phái khác, và sau đó tách ra riêng, các phong trào này bị chỉ trích gay gắt bởi các nhóm thuộc các Giáo hội đặc sủng vốn khẳng định bản chất tôn giáo truyền giáo của họ dựa trên phép lạ, lời tiên tri và dấu chỉ. Nhiều nhóm truyền giáo, cả truyền thống (Baptist, Methodist, Trưởng Lão) lẫn mới đây, đã chỉ trích gay gắt các phong trào này, thậm chí còn gọi những gì họ thuyết giảng là một loại “phúc âm kỳ quặc”.
Kinh tế thịnh vượng và khỏe mạnh
Các trụ cột của phúc âm thịnh vượng như chúng tôi đã đề cập đến, cơ bản có hai trụ cột là kinh tế thịnh vượng và khỏe mạnh. Đây là do cách giải thích theo nghĩa đen một số bản văn Kinh thánh được hiểu một cách đơn giản. Chúa Thánh Thần bị giới hạn ở một sức mạnh được dùng để phục vụ hạnh phúc của cá nhân. Chúa Giêsu Kitô từ bỏ vai trò làm Thiên Chúa và trở thành người mắc nợ về mỗi lời Ngài nói. Chúa Cha bị hạ xuống thành ‘một hạng người làm thuê phục vụ các nhu cầu và mong muốn của các tạo vật do Ngài dựng lên”.
Đối với những người thuyết giảng phúc âm này, “lời đức tin” mà họ tuyên xưng đảm nhận vai trò Kinh thánh giữ theo truyền thống là chuẩn mực đức tin và luân lý trong phong trào truyền giáo, thậm chí còn nâng nó lên thành sức mạnh và tác động của lời rao giảng của “đấng được xức dầu”. Nhân danh Chúa nói trực tiếp, cụ thể và rõ ràng mang lại cho “lời tích cực” một ý nghĩa sáng tạo được họ xem là có khả năng làm cho mọi việc xảy ra, nếu những người có mặt không ngăn cản bằng sự thiếu đức tin.
Đồng thời họ cũng dạy rằng về vấn đề “tuyên xưng đức tin”, các tín đồ chịu trách nhiệm bằng lời nói của họ về mọi việc gì xảy ra với họ, được ơn lành hay bị nguyền rủa, về mặt kinh tế hay thể lý, đời hay đạo. Một điệp khúc được nhiều mục sư dùng đến đó là “Có phép lạ trong miệng bạn”. Quá trình thực hiện phép lạ như sau: mường tượng chi tiết những gì bạn muốn, tuyên bố nó chính xác bằng miệng, xác nhận bằng đức tin và quyền năng của Chúa và xem như đã nhận được. Do đó, “xác nhận” lời hứa của Chúa, vốn được trích từ Kinh thánh hay lời tiên tri của mục sư, đặt tín đồ vào một vị trí cao liên quan đến một Thiên Chúa bị chính lời nói của mình giam cầm, theo như các tín hữu nhận thức và tin.
Chủ đề khỏe mạnh cũng có vai trò chính trong phúc âm thịnh vượng. Trong các học thuyết này, đó là tâm trí ta phải tập trung vào các lề luật trong Kinh thánh, sau đó tạo ra sức mạnh mong muốn thông qua lưỡi. Ví dụ, có niềm tin cho rằng một bệnh nhân không cần đi bác sĩ, có thể được chữa lành bằng cách tập trung và đọc Kinh thánh dùng thì hiện tại hoặc quá khứ hay cầu nguyện theo Kinh thánh. Một trong những câu được dùng như thế là “Nhờ những vết thương của Đức Kitô mà tôi đã được chữa lành”. Đây là những lời theo họ có thể để cho ơn Chúa chữa lành họ vào chính lúc đó.
Rõ ràng, những sự kiện đau buồn và bi thảm, bao gồm những thảm họa thiên nhiên hay bi kịch như của di dân và những người gặp các tình huống tương tự không để lại câu chuyện hấp dẫn nào có thể giúp làm cho các tín hữu gắn bó với tư tưởng của phúc âm thịnh vượng. Đây là lý do tại sao có thể thiếu sự thấu cảm và tình liên đới trong các trường hợp như thế từ những người đi theo phúc âm này. Có thể không có tình thương dành cho những người không giàu có, vì rõ ràng họ không theo các quy luật này và do đó sống trong thất bại và không được Thiên Chúa yêu thương.
Một Thiên Chúa của giao ước và hạt giống
Một trong những đặc điểm của các phong trào này là sự nhấn mạnh đặt nơi giao ước được viết bởi Chúa và dân Ngài, các nhân chứng trong Kinh thánh. Và trước hết họ dựa vào giao ước với các trưởng lão. Do đó giao ước với Abraham có một vị trí quan trọng, có ý nghĩa sự thịnh vượng được đảm bảo. Quan niệm “Thiên Chúa của các giao ước” được lập luận như thế này vì Kitô hữu là con tinh thần của Abraham, họ cũng là người thừa kế các quyền lợi về vật chất, của cải tài chính và đất đai trên trái đất này, nghe giống như một bản hợp đồng hơn là một giao ước trong Kinh Thánh.
Kenneth Copeland viết trong cuốn The Laws of Prosperity (Quy luật Thịnh vượng) của mình rằng vì thỏa thuận với Chúa đã được thiết lập và thịnh vượng là một trong những kết quả của thỏa thuận đó, tín đồ cần ý thức rằng giờ đây họ có quyền được thịnh vượng.
Trong các thần học này, đạo làm con của Kitô hữu vốn là con Chúa lại được giải thích là đạo làm con của ‘Con Vua’: phận làm con phải đem quyền lợi và đặc ân, đặc biệt là các quyền lợi vật chất đến cho những người công nhận và rao giảng. Trong cuốn How to be a Winner (Làm thế nào để trở thành người chiến thắng), Harold Hill viết: “Con cái Chúa có quyền được ưu đãi đặc biệt vì họ có mối quan hệ rõ ràng với Cha trên trời là người tạo dựng tất cả và tiếp tục là Chúa của tất cả”.
Một khái niệm chính nữa trong thần học này, liên quan mật thiết với khái niệm trước, là nguyên tắc gieo giống. Câu nói cổ điển đó nằm trong thư gửi tín hữu Galát chương 6 câu 7: “Đừng để bị lừa dối. Đức Chúa Trời không chịu khinh thường mãi đâu, vì ai gieo gì sẽ gặt nấy”. Và còn trong sách Mác-cô, Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”, (Mc 10,29-30)
Thịnh vượng về vật chất, thể xác và tinh thần được tìm thấy trong Thư thứ ba của Thánh Gioan: “Anh thân mến, tôi cầu chúc anh được mọi bề thịnh đạt, thể xác mạnh khỏe và tinh thần phấn chấn” (câu 2). Trong Cựu Ước, xin tham khảo Sách Đệ Nhị Luật chương 28, câu 1-14.
Các đoạn Kinh thánh được giải thích theo cách phục vụ một mục đích nào đó. chẳng hạn, trong cuốn God’s Will is Prosperity (Ý muốn của Chúa là sự thịnh vượng) do nhà truyền giáo Gloria Copeland viết, đề cập đến sự quyên góp cho các sứ vụ như của bà: “Quyên góp một Mỹ kim vì tình yêu phúc âm, bạn sẽ nhận được một trăm; quyên góp 10 Mỹ kim, sẽ nhận được một ngàn. Quyên góp một máy bay, sẽ nhận được gấp trăm lần giá trị chiếc máy bay đó. Quyên góp một chiếc xe, bạn sẽ có xe suốt cả đời. Tóm lại, Tin Mừng Mác-cô câu 30 chương 10 là một thỏa thuận rất tốt”.
Khi tất cả được nói và thực hiện, nguyên tắc tinh thần về hạt giống và mùa gặt, theo cách giải thích này vốn hoàn toàn nằm ngoài bối cảnh, khẳng định trao ban trước hết là một hành động kinh tế được đo lường dựa trên sự đền đáp. Tuy nhiên, điều bị lãng quên ở đây được tìm thấy ngay sau câu 7 chương 6 trong Thư gửi tín hữu Galát, trong câu 8 Thánh Phaolô viết: “Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu, thì sẽ gặt hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà giao điều tốt, thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời”.
Tính thực dụng và ngạo mạn về sự thành công
Phúc âm mà chúng tôi đã miêu tả dễ dàng được đón nhận trong các xã hội ngày nay, vì những việc siêu nhiên chỉ cần qua một hình thức xác minh nào đó trên thực tế là được chấp nhận. Tính thực dụng mong muốn thành công cần những lời tuyên xưng đức tin đơn giản. Nhu cầu muốn có một cuộc sống thịnh vượng mà không có đau khổ hợp với một tín ngưỡng tiện lợi, lấy khách hàng làm trung tâm, và kairos (thời) của Thiên Chúa lịch sử nhường chỗ cho kronos (thời) điên cuồng của thế giới thực. Khi tất cả được nói và thực hiện, chúng ta đang nói ở đây về một Thiên Chúa được tạo dựng theo giống hình ảnh con người và hoàn cảnh của con người, chứ không theo mô hình trong Kinh thánh. Trong một số xã hội chế độ trọng dụng nhân tài đi đôi với vị thế kinh tế xã hội mà không hề có sự quan tâm nào đến những khác biệt to lớn về cơ hội, “Phúc âm” này, vốn nhấn mạnh đức tin là một “công trạng” để leo lên chiếc thang xã hội, thật bất công và hoàn toàn phi phúc âm.
Nói chung, việc có tài sản của cải và lợi ích vật chất một lần nữa lại rơi vào trách nhiệm riêng của tín đồ, và do đó việc họ nghèo khổ hoặc thiếu hàng hóa cũng vậy. Thành công về vật chất khiến tín hữu tự hào vì nhờ sức mạnh của ‘đức tin’. Trái lại, nghèo khổ mang lại cho họ nỗi bất hạnh không thể chịu đựng được vì 2 lý do: thứ nhất là người đó nghĩ rằng đức tin của mình không thể lay động bàn tay quan phòng của Chúa; hai là họ khổ cực là do ý Chúa, một hình phạt phải cam lòng chấp nhận.
Một thần học về Giấc mơ Mỹ?
Thần học này rõ ràng phục vụ các khái niệm kinh tế-chính trị-triết học của một mô hình tân tự do. Một trong những kết luận của những người khởi xướng truyền thống thần học này cơ bản mang tính địa chính trị và kinh tế, và liên quan đến nguồn gốc của phúc âm thịnh vượng, dẫn đến kết luận rằng Mỹ đã trở thành một quốc gia được Thiên Chúa quan phòng của phong trào Truyền giáo chúc phúc. Trong khi đó, những người sống ở miền nam Rio Grande đang chìm ngập trong nghèo khổ do Giáo hội Công giáo ở đây có quan điểm khác, đối lập vốn đề cao sự nghèo khổ. Theo quan điểm chính trị, thậm chí có thể xác minh mối liên hệ giữa các quan điểm này và sự cám dỗ của những người theo thuyết bao biện và trào lưu chính thống.
Thật vậy, một trong những vấn đề nghiêm trọng mà phúc âm thịnh vượng mang đến là ảnh hưởng tiêu cực của nó đến người nghèo. Trên thực tế nó không chỉ kích động chủ nghĩa cá nhân và đánh mất ý thức liên đới, mà còn thôi thúc người ta chấp nhận một quan điểm tập trung vào phép lạ, vì chỉ có đức tin – không phải cam kết xã hội hay chính trị – mới có thể mang lại sự thịnh vượng. Vì thế có nguy cơ những người nghèo nghe theo phúc âm giả tạo này vẫn còn lóa mắt trong sự dối trá chính trị xã hội dễ dàng để cho các thế lực khác hình thành thế giới của họ, khiến họ hoàn toàn vô hại và không có khả năng tự vệ. Phúc âm thịnh vượng không phải là nguyên nhân thay đổi thật sự, một khía cạnh cơ bản trong tầm nhìn vốn có trong giáo huấn xã hội của Giáo hội.
Trong khi Max Weber nói về mối quan hệ giữa Tin Lành và chủ nghĩa tư bản trong bối cảnh truyền giáo trong tình hình kinh tế khó khăn, các nhà thần học về phúc âm thịnh vượng phổ biến tư tưởng giàu có trong quan hệ tương xứng với đức tin của cá nhân. Không nói về mặt xã hội, và được trình bày theo kinh nghiệm lợi ích cá nhân, khái niệm này hữu ý hay vô tình đưa ra cái nhìn cực đoan về các thần học tiền định của Calvin. Cứu thế học bằng cách nào đã bị neo lại về mặt thời gian và địa điểm và làm mất đi quan điểm cánh chung truyền thống của nó. Vì thế, trong bối cảnh Tin lành nhiều người theo thần học truyền thống nhìn sự phát triển các thần học này cách hoài nghi và thậm chí còn chỉ trích gay gắt, và còn được nhiều người liên hệ với “thời đại mới” và biểu thị chủ nghĩa thần bí kỳ diệu.
Cứu độ không phải là thần học thịnh vượng
Từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng, Đức Thánh cha Phanxicô đã nhận thức về ‘phúc âm kỳ quặc’ của thần học thịnh vượng, chỉ trích nó, và áp dụng giáo huấn xã hội cổ điển của Giáo hội. Ngài thường nói về phúc âm này để cảnh báo về mối nguy hiểm của nó. Lần đầu tiên là ở Brazil ngày 28-7-2013. Phát biểu với các giám mục Mỹ Latinh và vùng Caribbean, ngài nói về thuyết chức năng trong Giáo hội vốn “áp dụng một loại phúc âm thịnh vượng trong tổ chức công tác mục vụ”. Điều này cuối cùng dẫn đến sự quan tâm về tính hiệu quả, thành công, kết quả định lượng và thống kê tốt. Giáo hội đi đến chỗ bị quản lý như một doanh nghiệp theo một con đường lầm lạc khiến người ta rời xa mầu nhiệm đức tin.
Cũng phát biểu với các giám mục, lần này tại Hàn Quốc hồi tháng 8-2014, Đức Phanxicô dẫn lời Thánh Phaolô (1 Cor11, 17) và Thánh Giacôbê (2, 1-7), những người đã quở trách các Giáo hội đang sống theo một cách khiến người nghèo cảm thấy không được hoan nghênh. “Đây là sự cám dỗ của sự thịnh vượng”, Đức Phanxicô khẳng định. Và ngài nói tiếp: “Hãy thận trọng vì Giáo hội của các cha là một Giáo hội đang thịnh vượng, một Giáo hội truyền giáo mạnh, một Giáo hội tuyệt vời. Đừng để ma quỷ được phép gieo những loại cỏ lùng này, sự cám dỗ này khiến người nghèo tránh xa cơ cấu rất tiên tri của Giáo hội và làm cho các cha trở thành một Giáo hội giàu có dành cho người giàu, một Giáo hội của người giàu – có thể không đến mức phát triển một ‘thần học thịnh vượng’ – nhưng là một Giáo hội tầm thường”.
Ta cũng thấy phúc âm thịnh vượng được nhắc đến trong các bài giảng lễ hàng ngày của Đức Phanxicô tại Santa Marta. Ngày 5-2-2015, Đức Thánh cha nói rõ “cứu độ không phải là thần học thịnh vượng” nhưng là “một ơn, giống như ơn Chúa Giêsu đã nhận để trao ban”. Sức mạnh của Phúc âm là sức mạnh của “việc xua đuổi các thần ô uế để giải phóng họ, chữa lành cho họ”. Chúa Giêsu “không trao ban sức mạnh để làm ăn kinh doanh lớn”. Đức Phanxicô nhắc lại điều này một lần nữa tại Santa Marta hôm 19-5-2016. Ngài nói một số người tin “vào cái được gọi là phúc âm thịnh vượng, nghĩa là Chúa chỉ cho bạn thấy bạn đúng nếu Ngài ban cho bạn rất nhiều của cải”. Nhưng nghĩ thế “là sai lầm”. Đây là lý do tại sao tác giả viết Thánh vịnh nói: “Đừng để lòng gắn bó với của cải vật chất”. Để giải thích rõ hơn, Đức Thánh cha kể lại đoạn Tin Mừng nói về “người thanh niên giàu có được Chúa Giêsu yêu mến vì anh ta công bằng, chính trực”: anh ta “tốt, nhưng đã để lòng mình gắn bó với của cải vật chất và những thứ của cải vật chất đó cuối cùng đã trở thành xiềng xích trói chân anh ta, khiến anh ta không thể tự do theo Chúa Giêsu”.
Quan điểm về đức tin của phúc âm thịnh vượng rõ ràng mâu thuẫn với quan điểm loài người tội lỗi cần ơn cứu chuộc theo thuyết cách chung, liên quan đến Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ chứ không phải liên quan đến sự thành công trong công việc. Nó là hiện thân của một hình thức lạc thuyết Pelagius mà Đức Thánh cha Phanxicô đã từng kêu gọi chúng ta cảnh giác. Như ngài viết trong tông huấn Gaudete et Exsultate, có các Kitô hữu dấn thân theo con đường “công chính hóa bằng nỗ lực của bản thân, tôn thờ ý chí con người và năng lực của chính mình. Kết quả là tự mãn quy về mình và tự coi mình là ưu tú, làm mất đi tình yêu đích thực. Điều này được diễn tả bằng nhiều cách suy nghĩ và hành động có vẻ rời rạc khác nhau”, trong số đó có “mối quan tâm quá mức về các chương trình tự lực và thành tựu cá nhân”. (Số 57)
Phúc âm thịnh vượng còn ủng hộ một trong số các lạc giáo lớn trong thời đại chúng ta đó là thuyết Ngộ đạo. Thuyết này khẳng định thực tại có thể được thay đổi bằng sức mạnh của tâm trí. Điều này đặc biệt rõ ràng trong hoạt động và ảnh hưởng lớn của Mary Baker Eddy (1821-1910) trong Giáo hội và phong trào Khoa học Kitô giáo. Như Đức Phanxicô viết trong Gaudete et Exsultate, vốn dĩ thuyết Ngộ đạo muốn kiểm soát mầu nhiệm Thiên Chúa và hồng ân của Ngài. Những người theo thuyết ngộ đạo “dùng tôn giáo cho các mục đích riêng để xúc tiến các học thuyết về tâm lý hay trí tuệ của họ”. Thay vì thế, “Thiên Chúa siêu vượt vô cùng trên chúng ta; Ngài làm những việc đầy bất ngờ. Chúng ta không phải là người quyết định khi nào và bằng cách nào sẽ gặp gỡ Ngài”. Một đức tin được dùng để thao túng thực tại, về mặt trí tuệ và tinh thần, “dám kiểm soát sự siêu việt của Thiên Chúa” (Số 41).
Phúc âm thịnh vượng hoàn toàn khác với lời mời gọi của Thánh Phaolô trong thư 2 gửi tín hữu Côrintô (2 Cor 8, 9-15): “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào, Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (8,9). Và nó cũng hoàn toàn khác với lời tiên tri khai sáng tích cực về Giấc mơ Mỹ đã truyền cảm hứng cho nhiều người. Phúc âm thịnh vượng rõ ràng không phải là “giấc mơ truyền giáo” của những người Mỹ đi tiên phong, và càng không phải là thông điệp của các nhà truyền giáo như Martin Luther King và nội dung nói về xã hội, hội nhập và cách mạng trong bài diễn văn bất hủ của ông: “Tôi có một giấc mơ”.
(UCAN 03.08.2018)