Tại sao âm nhạc của Johann Sebastian Bach là âm nhạc trên thiên đàng?

Là một người có niềm tin tôn giáo sâu sắc, sau tất cả, Bach cảm thấy hài lòng về những gì mình đã làm được cho nhà thờ St. Thomas nói riêng và dòng nhạc Thiên Chúa giáo nói chung. Khi làm việc trong nhà thờ, ông mải mê sáng tác những bản nhạc hay để đem phục vụ giáo dân trong các nghi lễ tôn giáo. Có giai đoạn sung sức, cứ mỗi tuần, Bach lại sáng tác xong một bản nhạc mới dài khoảng 20 phút để phục vụ trong những buổi lễ ngày Chủ Nhật, những dịp lễ các Thánh, lễ Tạ ơn… Bach là một người làm việc “điên cuồng”...
Tại sao âm nhạc của Johann Sebastian Bach là âm nhạc trên thiên đàng?

Cả cuộc đời, Bach phải trải qua nhiều bi kịch nhưng sau tất cả, nhìn lại, ông vẫn cảm thấy hài lòng. Ông chỉ có một mục tiêu quan trọng nhất, đó là “soạn ra những bản nhạc tuyệt vời kính dâng lên Chúa”. Điều này ông đã thực hiện được.

Hình: Nhạc trưởng người Anh John Eliot Gardiner
 

Nhạc trưởng người Anh John Eliot Gardiner (sinh năm 1943) là một trong những tên tuổi nổi danh trong làng nhạc giao hưởng thính phòng Châu Âu. Khi còn nhỏ, mỗi ngày cậu bé Gardiner đều được “gặp gỡ” nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Johann Sebastian Bach (1685 – 1750)… trên cầu thang.

Trong một dịp tình cờ, một người Do Thái đang chạy trốn quân Phát-xít Đức đã nhờ cậy gia đình cậu bé Gardiner cất giữ một bức tranh chân dung của nhà soạn nhạc lừng danh, cốt để bức tranh này không lọt vào tay quân Phát-xít thời Thế chiến II. Bức tranh được họa sĩ người Đức Elias Gottlob Haussmann thực hiện năm 1748, chỉ vài năm trước khi Bach qua đời.

Đó là một trong rất ít những tác phẩm mỹ thuật khắc họa chân dung Bach khi ông còn sống. Khi được nhờ cậy, gia đình Gardiner cảm thấy khá lo lắng nhưng họ vẫn quyết định nhận lời cất giữ bức tranh. Họ không hề biết rằng quyết định này sẽ có vai trò làm thay đổi cuộc đời của cậu con trai nhỏ – John Eliot.

Ngay từ nhỏ, John Eliot đã rất quan tâm tới bức tranh được treo trên cầu thang nhà mình, cậu bé bắt đầu tìm hiểu về nhân vật trong tranh – nhà soạn nhạc người Đức Johann Sebastian Bach.

Giờ đây, khi đã ở tuổi 70, cậu bé John Eliot ngày nào đã trở thành một vị nhạc trưởng tài danh. Nhớ lại câu chuyện năm xưa, ông quyết định thực hiện một cuốn sách tổng hợp lại những hiểu biết của mình về cuộc đời và sự nghiệp của nhà soạn nhạc thiên tài.

Đã nghiên cứu sâu sắc về âm nhạc của Bach với tư cách một nhạc công và một nhạc trưởng, John Eliot có những trải nghiệm về rung cảm của Bach khi sáng tác và khi đứng trước các nhạc công để chỉ đạo biểu diễn.

Cuốn sách mới xuất bản này không chỉ là một cuốn tiểu sử, khắc họa lại cuộc đời Bach mà còn là chuyến hành trình khám phá tâm hồn của một nhà soạn nhạc qua chính những tác phẩm do ông sáng tạo ra.

Hình: Cuốn sách mà nhạc trưởng người Anh John Eliot Gardiner vừa xuất bản – “Bach – Âm nhạc trong tòa tháp thiên đàng”
 

Cho đến nay, những gì người ta biết về cuộc sống riêng tư của Bach khá ít ỏi. Cả cuộc đời, ông phải trải qua nhiều bi kịch gia đình. Bach trở thành trẻ mồ côi năm 9 tuổi. Ông mất đi người vợ đầu tiên sau 13 năm chung sống. Trong số 7 người con có được với người vợ đầu, 4 người con sớm qua đời. Kết hôn với người vợ thứ hai, ông có 13 người con nhưng 7 người chết yểu.

Trong sự nghiệp, Bach cũng gặp nhiều khó khăn. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc, Bach tìm được việc khá dễ dàng. Tuy vậy, cơ hội việc làm khi đó không có nhiều đất cho ông sáng tạo, ông phải lựa chọn giữa việc làm một nhân viên trong tòa án, một người chơi đàn organ trong nhà thờ, hoặc một thầy giáo dạy nhạc. Những công việc này thực tế đều không thỏa mãn những kỳ vọng của Bach.

Ban đầu, ông đồng ý làm việc trong tòa án, nhưng rồi quyết định “nhảy việc”. Về sau, ông trở thành nhạc công kiêm người điều khiển đoàn ca trong nhà thờ St. Thomas ở thành phố Leipzig, Đức. Ông đã gắn bó với công việc này cho tới tận khi qua đời năm 1750.

Trong suốt sự nghiệp, Bach phải đối mặt với nhiều sự thất vọng. Trước tiên, công việc không đem lại cho ông đồng lương hậu hĩnh. Điều kiện làm việc cũng không lý tưởng do nhà thờ không có đủ tiền để mời cho ông những giọng ca đẹp, những nhạc công giỏi hay mua về những nhạc cụ tốt để tương xứng với những bản nhạc tinh tế do ông sáng tác ra.

Bach đương thời cũng rất tạo bạo trong âm nhạc, ông hy vọng sẽ làm được nhiều điều mới mẻ, cách tân, nhưng mỗi khi ông muốn giới thiệu một sự phá cách nào đó trong âm nhạc, người ta lại chặn đứng ông, bởi ở thời đó, âm nhạc cũng được coi như một “mặt trận chính trị”. Sự táo bạo trong âm nhạc vì vậy bị coi là một mầm mống nguy hiểm cần loại trừ.

Tuy vậy, làm việc trong nhà thờ vẫn là một nơi phù hợp với Bach hơn cả, bởi một trong những mục tiêu quan trọng nhất đối với ông chính là “soạn ra những bản nhạc tuyệt vời kính dâng lên Chúa”.

Hình: Nhà soạn nhạc người Đức Johann Sebastian Bach
 

Là một người có niềm tin tôn giáo sâu sắc, sau tất cả, Bach cảm thấy hài lòng về những gì mình đã làm được cho nhà thờ St. Thomas nói riêng và dòng nhạc Thiên Chúa giáo nói chung. Khi làm việc trong nhà thờ, ông mải mê sáng tác những bản nhạc hay để đem phục vụ giáo dân trong các nghi lễ tôn giáo.

Có giai đoạn sung sức, cứ mỗi tuần, Bach lại sáng tác xong một bản nhạc mới dài khoảng 20 phút để phục vụ trong những buổi lễ ngày Chủ Nhật, những dịp lễ các Thánh, lễ Tạ ơn… Bach là một người làm việc “điên cuồng”.

Khi được hỏi về bí quyết để thành công trong sự nghiệp, ông từng trả lời rằng: “Tôi bắt mình phải làm việc chăm chỉ, bất cứ ai làm việc chăm chỉ rồi sẽ thành công”.

Thực tế, sự thành công của Bach khi sáng tác dòng nhạc tôn giáo còn đến từ việc ông là một con chiên ngoan đạo, kính Chúa và có đức tin sâu sắc.

Đối với nhiều nhà soạn nhạc lừng danh khác, họ thành công theo những cách khác nhau, vì những lý do khác nhau, nhưng với Bach, ông thành công vì luôn nghĩ tới Chúa và luôn trăn trở làm sao để có thể đưa Chúa đến gần với các con chiên. Đối với Bach, cách duy nhất để ông có thể làm được điều đó, chính là sáng tác âm nhạc.

Bích Ngọc (dantri.com.vn)

Một trong những tuyệt phẩm của Bach, bản “Jesu, Joy of Man’s Desiring” :