MÙA CHAY, TUẦN THÁNH – NHỮNG TẬP TỤC VÀ TRUYỀN THỐNG

Mùa Chay là một cuộc tĩnh tâm thường niên, cuộc canh tân tinh thần để đón mừng mầu nhiệm nền tảng nhất của Kitô giáo: Chúa Giêsu được Phục Sinh từ cõi chết và hôm nay Ngài đang là Đấng Kitô, Chúa chúng ta. Vì thế, nếu không hướng tới Lễ Phục Sinh, tới cuộc sống mới, Mùa Chay sẽ mất ý nghĩa...

MÙA CHAY, TUẦN THÁNH – NHỮNG TẬP TỤC VÀ TRUYỀN THỐNG

Mùa Chay là mùa “nhập hạ,” mùa tịnh tâm của Giáo Hội. Mùa Chay bắt đầu khoảng một tháng rưỡi sau Mùa Giáng Sinh.

Đây là một cuộc tĩnh tâm thường niên, cuộc canh tân tinh thần để đón mừng mầu nhiệm nền tảng nhất của Kitô giáo: Chúa Giêsu được Phục Sinh từ cõi chết và hôm nay Ngài đang là Đấng Kitô, Chúa chúng ta. Vì thế, nếu không hướng tới Lễ Phục Sinh, tới cuộc sống mới, Mùa Chay sẽ mất ý nghĩa. Từ những thế kỷ đầu, Kitô giáo đã hình thành nhiều tập tục, truyền thống sống động về Mùa Chay để thể hiện những ý nghĩa chính yếu này: 

* Mầu nhiệm Khổ Nạn của Chúa Giêsu.

* Mầu nhiệm Khổ Nạn và Phục Sinh đối với người sửa soạn lãnh Phép Rửa.

* Cuộc hoán cải trong đức tin.

Thời điểm

Mùa Chay diễn ra trong mùa xuân, thời gian ngày dài hơn đêm từ sau ngày đông chí.

Thế kỷ thứ hai, các tín hữu đã ăn chay hai ngày để chuẩn bị mừng Lễ Phục Sinh mỗi năm.

Thuở đó họ nóng lòng đợi chờ Chúa lại đến, nên hai ngày chay tịnh trước Lễ Phục Sinh là thời điểm thích hợp để chuẩn bị cho thời gian thánh thiêng nhất: ngày Chúa lại đến. Thế kỷ thứ ba, thời gian chay tịnh trải dài cả Tuần Thánh. Tới thế kỷ thứ tư Lễ Phục Sinh được chuẩn bị bằng cả một Mùa Chay đầy ý nghĩa.

Mùa Chay và Phép Rửa

Mùa Chay đặc biệt nhấn mạnh chủ đề Phép Rửa. Khoảng từ thế kỷ thứ ba, Phép Rửa gắn liền với đêm Canh Thức mừng Chúa Phục Sinh (Vọng Phục Sinh). Những thế kỷ đầu việc chuẩn bị cho Phép Rửa trải dài nhiều năm. Thuở đó những người trưởng thành muốn gia nhập Giáo Hội thì không thể gia nhập ngay. Họ cần tới ba năm thử thách. Trong thời gian này họ được hướng dẫn, nâng đỡ để từ bỏ nếp sống lương dân và tập sống nếp sống mới. Sau đó, họ được nhận vào làm ứng viên bí tích Phép Rửa. Cuối cùng, vào một thời điểm đặc biệt, sau này gọi là Mùa Chay, họ được học hỏi sâu rộng hơn, được lãnh nghi thức trừ tà, tham dự một số các nghi thức khác, giữ chay tịnh Thứ Sáu, Thứ Bảy Thánh và được lãnh Phép Rửa vào đêm Phục Sinh. Khi cuộc bắt đạo tại Rôma chấm dứt vào năm 313, Giáo Hội bắt đầu xác định rõ ràng hơn tiến trình cử hành công khai thời gian dự tòng (Katechein: giảng dạy), tiến trình đón nhận các dự tòng nhập đạo. Và giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để lãnh Phép Rửa luôn bao gồm một giai đoạn chay tịnh để củng cố nếp sống mới. 

Ban đầu, theo nghi thức, thời gian chuẩn bị Lễ Phục Sinh là thời gian đặc biệt chỉ dành cho các dự tòng; về sau, trở thành phổ thông. Mọi tín hữu đều dự vào truyền thống chay tịnh. Đầu thời Trung Cổ, những nghi thức dự tòng cũ biến mất để lại truyền thống bốn mươi ngày Mùa Chay, mùa chuẩn bị Lễ Phục Sinh.

Sám hối

Thế kỷ thứ tư, việc chuẩn bị cho dự tòng lãnh Phép Rửa được kết hợp với việc chay tịnh và những thực hành sám hối khác trước Lễ Phục Sinh, để chuẩn bị cho những hối nhân phạm tội công khai hay phạm tội ác được lãnh ơn tha thứ. Những thực hành này cũng mở rộng dần tới các tín hữu khác và vào thời Trung Cổ đã lan cả Giáo Hội. Thời này nghi thức sám hối nhấn mạnh tới tội riêng tư. Do đó trong phụng vụ, Mùa Chay là “mùa tím,” tím màu sám hối, nên Lời ngợi khen Alleluia và Kinh Vinh Danh bị hủy bỏ. Phụng vụ cũng cấm cử hành những cuộc cưới xin trong Mùa Chay. Ở vài nơi còn có cả nghi thức “chôn táng” bài ngợi ca Alleluia.

40 ngày chay tịnh

Thuở đầu Mùa Chay kéo dài suốt 40 ngày dành cho các dự tòng. Sau, mọi Kitô hữu khác cũng ăn chay 40 ngày để bắt chước Chúa Giêsu chay tịnh 40 ngày trong sa mạc (Mt 4,2). Trong Cựu Ước, chúng ta cũng gặp 40 ngày của Môsê trên núi Sinai (Xh 34,28), 40 ngày của Êlia trên núi Horeb (1 V 19,8) và 40 năm dân Chúa lang thang trong sa mạc. Từ ngữ chính thức của Giáo Hội chỉ Mùa Chay là Quadragesima (Mùa 40).

Từ đầu, 40 ngày ăn chay được tính ngược từ chiều Thứ Năm Thánh (ngày đầu trong Tam Nhật Vượt Qua) – nghĩa là ngày đầu tiên trúng vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay. Tuy nhiên, tín hữu không bao giờ ăn chay trong những Chúa Nhật Mùa Chay, vì Chúa Nhật được kể là ngày tưởng nhớ Chúa Phục Sinh (còn được gọi là Lễ Phục Sinh nhỏ). Do đó khoảng thế kỷ thứ bảy, Mùa Chay sáu tuần lễ tính sớm hơn: từ thứ tư Lễ Tro, và gồm cả Thứ Năm và Thứ Sáu Thánh, để tròn 40 ngày ăn chay. Giáo Hội Đông Phương không kể ngày thứ Sáu và Thứ Bảy Thánh là ngày chay, nên Mùa Chay bắt đầu sớm hơn một tuần. 

Phụng vụ Chúa Nhật Mùa Chay luôn duy trì tiến trình của thời gian dự tòng, nhấn mạnh cuộc hành trình vào bí tích Phép Rửa. Năm 1972, Giáo Hội công bố “Nghi Thức Khai Tâm Kitô Giáo Cho Người Trưởng Thành,” làm sống lại thời gian dự tòng thuở trước.

Theo đó, cả hai thành phần, dự tòng và tín hữu, được hướng tới hành trình của Phép Rửa gồm: nghi thức tuyển chọn, cử hành Tin Mừng, tuyên xưng đức tin, kinh Lạy Cha, công bố từ bỏ ma quỷ (thay thế việc trừ quỷ ngày xưa). Việc di chuyển tân tòng (sau bài giải thích Lời Chúa) tới một nơi khác trong nhà thờ để được hướng dẫn đặc biệt về bài đọc Thánh Kinh của ngày hôm ấy.

Cũng như lòng mộ mến của các tín hữu, phụng vụ Mùa Chay gắn bó với nỗi đau và cái chết của Chúa Giêsu.

‘Thứ Ba Béo’

Ngay trước Mùa Chay, tuy không có trong niên lịch Giáo Hội, nhưng theo thói quen, dân chúng có ngày “thứ ba béo,” ngày vui vẻ hội hè. Đó là “cuộc vui” cuối cùng trước khi bước vào mùa ăn chay kiêng thịt nhiệm nhặt từ hôm sau, Thứ Tư Lễ Tro. Thói tục này tuy không được Giáo Hội khuyến khích nhưng vẫn lưu truyền trong dân chúng với mục đích thực tế. Hồi đó, những thức ăn mà luật chay tịnh nghiêm ngặt của Giáo Hội cấm là những thức ăn cần ướp lạnh. Vì kỹ thuật ướp lạnh đã không hề được phát minh mãi cho tới thế kỷ XIX nên thật ý nghĩa việc dân chúng mang ra ăn hết những thức ăn nào sẽ bị hư, nếu để qua sáu tuần lễ ăn chay. Đồng thời họ chia sẻ những thức ăn này với gia đình khác. Vì thế những bữa ăn chung vào Thứ Ba trước Lễ Tro mang không khí vui vẻ của ngày lễ hội. Thế kỷ 14, ngày “thứ Ba Béo” đã được tổ chức khá phổ biến. Lễ hội này cũng phản ảnh những cuộc chè chén, hóa trang và những thói tục lương dân mừng mùa xuân hay ngày xuân phân. Phải chăng vì Giáo Hội cấm những cuộc truy hoan trong suốt Mùa Chay nên dân chúng dễ bù trừ bằng một lễ hội “vọng chay”?

Thứ Ba xá giải

Ngày trước Thứ Tư Lễ Tro còn mệnh danh là Thứ Ba xá giải. Nhóm từ này xuất phát từ tập tục xưa: giáo hữu thường tới lãnh bí tích xá giải để chuẩn bị bước vào Mùa Chay Thánh.

Thứ Tư Lễ Tro

Thứ Tư Lễ Tro chính thức đưa tín hữu vào Mùa Chay và Mùa Phục Sinh. Theo thói quen, tro được đốt từ những cành lá trong Lễ Lá năm trước còn lại. Tro này sẽ được bỏ trên trán các tín hữu. Việc đổ tro lên đầu và mặc áo nhặm là nghi thức sám hối chung trong dân Do Thái xưa (Giôna 3,5-9 / Giêrêmia 6,26 / Matthêu 11,21...).

Thuở đầu, nghi thức xức tro cùng với ý nghĩa Thánh Kinh không có trong nghi thức mở đầu Mùa Chay. Sớm nhất là vào những năm 300, nghi thức này được một số Giáo Hội địa phương áp dụng trong việc ra vạ tuyệt thông tạm thời hoặc trục xuất các tội nhân đã phạm tội hoặc gây gương mù công khai như chối đạo, lạc đạo, giết người, ngoại tình.

Vào thế kỷ 7 nghi thức xức tro lan rộng. Trước nhất, hối nhân phải xưng thú cá nhân. Tiếp theo họ được giới thiệu với đức giám mục và được ghi nhận vào thành phần những người sám hối để chuẩn bị lãnh bí tích Hòa Giải vào Thứ Năm Thánh. Sau việc đặt tay và xức tro, họ bị đuổi khỏi cộng đoàn. Việc xua đuổi này mô phỏng Ađam và Eva bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng. Hối nhân bị xua đuổi cùng với lời nhắn nhủ rằng sự chết là hình phạt do tội: “Hãy nhớ người là tro bụi, người sẽ trở về với bụi tro” (Sáng Thế 3,19). Họ phải sống tách rời gia đình, họ đạo trong 40 ngày Mùa Chay (quarantine). Khi mặc áo nhặm và xức tro, họ được mọi người nhận ra là hối nhân trong cộng đoàn, đôi khi họ phải đứng trên những bậc thềm, trên lối vào nhà thờ. Những hình phạt chung chung dành cho họ là kiêng thịt, rượu, không được tắm gội, hớt tóc, cạo râu, quan hệ vợ chồng và giao dịch buôn bán. Tùy mỗi địa phận hình phạt có thể kéo dài nhiều năm, có khi trọn đời! Thời Trung Cổ, tội riêng được chú ý hơn tội công khai. Do đó, những tập tục về ngày Thứ Tư Lễ Tro đỡ khắc nghiệt hơn và được thực hiện phổ thông cho mọi tín hữu trưởng thành trong họ đạo. Những truyền thống tương tự như thế được tuân giữ trong toàn Giáo Hội từ thế kỷ 11. Gần đây Giáo Hội đưa ra công thức xức tro khác, có ý nghĩa tích cực hơn về Mùa Chay: “Hãy từ bỏ tội lỗi và trung thành với Tin Mừng (Máccô 1,15). Công thức mới này, trước đây lã được sử dụng trong một tu viện ở Giáo Hội Celtic thuộc Anh từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 8. Đây là công thức sám hối riêng tư dành cho tội nhẹ có vẻ thích hợp với diễn biến của bí tích Hòa Giải hơn là nghi thức xức tro.

Có ba loại truyền thống xác định ý nghĩa Mùa Chay: 

- Truyền thống giữ bầu khí chay tịnh trầm buồn.

- Truyền thống thực hành sám hối đặc biệt là ăn chay kiêng thịt.

- Những việc đạo đức tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu thương khó.

Những truyền thống này, nối kết với những truyền thống mới, mang lại cho Mùa Chay những chiều kích tích cực hơn.

Bầu khí chay tịnh

Bầu khí chay tịnh mang sắc thái trầm buồn. Trong phụng vụ, lời ca Alleluia và Kinh Vinh Danh bị tạm bỏ. Màu tím được sử dụng trong phụng vụ và trong những hình thức trang trí thánh đường. Mọi sự trang trí cách long trọng trong cung thánh được tháo gỡ. Tiếng nhạc cũng trầm lắng.

Gần đây trong Giáo Hội có thói quen che các ảnh tượng và tượng Chịu Nạn bằng tấm màn tím thẫm như tín hiệu u buồn khóc than. Khoảng đầu năm 900 tại một số Giáo Hội địa phương, từ đầu Mùa Chay nhà thờ treo một tấm màn lớn ngăn cách bàn thờ và giáo dân. Việc này nhằm tạm thời che khuất vinh quang thiên quốc minh họa do các ảnh tượng. Đồng thời, tấm màn che cũng tượng trưng việc tách rời tội nhân khỏi bàn thờ, giống như các tội nhân công khai bị tuyệt thông. Từ những năm 1600 việc che màn chỉ còn thực hiện từ Chúa nhật thứ năm Mùa Chay - ngày xưa gọi là “Chúa Nhật Vượt Qua.” Vào Chúa nhựt này, bài Tin Mừng kết thúc với câu sau đây:

“Lúc đó họ lượm đá ném Chúa Giêsu, nhưng Ngài đã ẩn mình và lướt qua khỏi hành lang đền thờ (Ga 8,59) (bây giờ đoạn Tin Mừng này chỉ còn trong chu kỳ năm B).

Kiêng thịt

Ăn chay và kiêng thịt luôn nối kết nhau. Nhưng có những quy định riêng. Ăn chay là ăn ít hay không ăn gì. Kiêng thịt là hạn chế một số loại lương thực - thí dụ thịt. Ăn chay là hình thức đạo đức phổ thông ngay từ Giáo Hội sơ khai. Việc từ chối một nhu cầu nhân bản trong một giai đoạn, mang nhiều ý nghĩa khác nhau: ăn chay để chuẩn bị cho một ngày đại lễ, để tự kềm chế bản thân, để nâng đỡ lời cầu nguyện. Ăn chay cũng giúp thanh tẩy bản thân khỏi những lạm dụng và tội lỗi. Những ý nghĩa này thành động lực đưa tới truyền thống chay tịnh trong Mùa Chay. Một động lực khác cũng góp phần trong truyền thống chay tịnh là: làm phước. Làm phước là trao tặng cho người thiếu thốn những gì ta dành dụm được nhờ ăn chay và kiêng thịt, hoặc cho đi phần thặng dư.

Ăn chay và kiêng thịt thuở đầu là những thực hành tự nguyện. Sau dần thành nghiêm nhặt và thành quy định của Giáo Hội. Từ những năm 400 tới 800. Giáo dân chỉ ăn một bữa mỗi ngày thường vào buổi chiều tùy tập tục địa phương. Phải cữ những thức ăn như thịt, cá tươi, rượu. Nhiều nơi giáo dân phải cữ cả trứng và những sản phẩm từ sữa. Từ đầu thế kỷ 10, giáo dân có thói quen khi ăn chay chỉ ăn bữa trưa. Thế kỷ 14, giáo dân được ăn thêm một bữa nhẹ vào buổi chiều. Thời Trung Cổ luật cấm ăn cá và các sản phẩm từ sữa bị hủy bỏ.

Quy chế ăn chay kiêng thịt khá nhiệm nhặt còn hiệu lực mãi tới 1966. Giáo dân từ 21 đến 59 tuổi chỉ được ăn một bữa chính suốt cả Mùa Chay, trừ ngày Chúa nhật. Tuy nhiên ta cũng được phép dùng hai bữa phụ khác không có thịt, để có đủ sức khỏe; nhưng hai bữa này cộng lại phải kém hơn một bữa ăn no đủ. Việc ăn chay đi kèm với kiêng thịt, nước cốt thịt, thịt xay vào Thứ Tư Lễ Tro và tất cả các thứ Sáu (luật kiêng thịt áp dụng với giáo dân từ 7 tuổi trở lên). Vào những ngày thường trong Mùa Chay, chỉ được ăn thịt trong bữa chính.

Những việc sám hối phổ thông

Những hình thức sám hối khác không được Giáo Hội quy định nhưng đã phổ thông trong nhiều thế kỷ nay. Phần lớn là những hình thức tư riêng trong các gia đình nhưng đang được nhiều tín hữu thực hành: không ăn món tráng miệng, kẹo bánh, nước ngọt, rượu. Ngoài ra, còn việc để dành tiền tặng người nghèo, hạn chế xem phim ảnh, truyền hình cũng là thái độ chay tịnh tốt đẹp.

Đàng Thánh Giá

Mùa Chay, giáo dân thường đi đàng thánh giá. Ngược dòng lịch sử, ta biết vào thời Thập Tự Quân (1095-1270) nhiều giáo dân có thói quen đi hành hương Đất Thánh và đi bộ theo bước chân Chúa Giêsu lên đồi Canvê. Trong hai thế kỷ tiếp theo, sau khi người Hồi giáo tái chiếm Đất Thánh, những cuộc hành hương tại đây rất nguy hiểm. Thời gian này, để thay thế việc hành hương, khắp Âu Châu giáo dân thiết lập những chặng đàng thánh giá ngoài trời, những chặng này nêu lên những biến cố thương đau dựa theo Thánh Kinh hay truyền thống về con đường thập giá của Chúa Giêsu. Giữa thế kỷ 18, những chặng đàng thánh giá được phép thiết lập ngay bên trong nhà thờ và thành nét đặc trưng của các nhà thờ Công Giáo. Vào những năm 1960, các nhà thờ thường thêm vào chặng thứ 15: Chúa Phục Sinh.

Đầu thập niên 60, Giáo Hội chú trọng tới mặt tích cực của quy luật Mùa Chay và những công trình bác ái, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã chính thức chuẩn nhận chiều hướng này qua Tông Huấn Paenitemini. Theo đó, tín hữu chỉ buộc kiêng thịt vào Thứ Tư Lễ Tro và các thứ Sáu trong Mùa Chay. Việc ăn chay chỉ buộc vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Thánh. Các tín hữu cần lưu ý các hình thức chay tịnh tự nguyện. Những định hướng chung trong tinh thần Mùa Chay vẫn đề cao ý nghĩa bí tích Phép Rửa, cuộc trở về của bản thân, sám hối và sống mầu nhiệm thương khó, tử nạn của Chúa Giêsu.

Tuần lễ Thánh

Ý nghĩa và nghi thức trong tuần lễ Thánh theo sát những biến cố lịch sử. Giáo Hội Công Giáo Đông Phương mệnh danh đây là tuần lễ của Ơn Cứu độ. Tên gọi này cũng làm nổi bật ý nghĩa của Tuần Thánh.

Tuần Thánh là trung tâm năm phụng vụ. Những nghi lễ chính thức và những truyền thống của Giáo Hội nhắc nhớ và hiện thực hóa cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu: đi qua cái chết nhục nhằn để đạt tới cuộc sống mới vinh quang. Theo đó, con người và mọi tạo vật cũng được vượt qua với Ngài.

Những nghi thức chính yếu, trước tiên được cử hành ở Giêrusalem. Ở đây các tín hữu được sống giữa khung cảnh thực nơi xảy ra các biến cố lịch sử cuộc đời Chúa Giêsu, cuộc thương khó, cái chết và cuộc Phục Sinh của Ngài. Năm 313 khi đạo Chúa được công khai thừa nhận, các tín hữu đã thanh tẩy công khai về tụ họp tại Giêrusalem hoặc gần Giêrusalem trong ngày kỷ niệm những biến cố trọng đại, tại chính nơi theo truyền thống là những “nơi thánh.” Họ cảm nghiệm sống động những biến cố đó. Họ hát, tuyên đọc những truyện tích (kể lại bài thương khó), đi rước kiệu và canh thức. Nhiều truyền thống tôn giáo cổ xưa về Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh được Egeria viết lại chi tiết trong nhật ký của chị. Chị là một lữ khách hành hương từ miền Tây Bắc Tây Ban Nha tới Đất Thánh vào năm 381-384. Những nghi thức Tuần Thánh được phổ biến khắp Châu Âu thời đó, qua những khách hành hương Đất Thánh như Egeria. Với thời gian, những nghi thức này được Giáo Hội đón nhận và trở nên nghi thức chính thức của Giáo Hội: nghi thức “Tuần Thánh”! 

Mầu nhiệm Vượt Qua

Ban đầu Giáo Hội cử hành Lễ Vượt Qua như một mầu nhiệm thống nhứt, gồm mầu nhiệm cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Đức Kitô. Giáo Hội không phân chia từng ngày trong Tam Nhật Vượt Qua để tưởng niệm riêng từng mầu nhiệm. Ngày lễ Vượt Qua trọng đại nhất trong Kitô giáo liên kết chặt chẽ với lễ Vượt Qua, lễ trọng đại nhất của Do Thái. Dân Do Thái xưa được giải thoát khỏi cảnh nô lệ khi thiên thần vượt qua cửa nhà người Do Thái để tiêu diệt các con trai đầu lòng của người Ai Cập. Do đó việc tưởng niệm hoạt động giải phóng của Thiên Chúa trở thành kinh nghiệm sâu sắc và nền tảng nhất của dân Do Thái.

Lễ Vượt Qua của Do Thái là một hòa trộn hai lễ hội cổ Do Thái. Lễ hội mùa xuân để dâng con chiên hy tế mùa xuân cho Thiên Chúa trong thời gian du mục. Lễ hội bánh không men vào thời gian sau lưu đày ở Aicập. Vào thế kỷ 7 trước Chúa Giáng sinh. Khi Giêrusalem trở thành thánh cung duy nhất của dân Do Thái, hai lễ hội này hòa làm một đại lễ: lễ Vượt Qua. Lễ Vượt Qua được mừng ngày 14 tháng Nisan (tên gọi một tháng trong năm theo lịch Do Thái) gồm nghi thức tế chiên trong đền thờ và bữa tiệc thánh tại các gia đình.

Chính vào dịp lễ Vượt qua của Do Thái, Chúa Giêsu đã vượt qua cuộc thương khó và sự chết để đạt tới cuộc sống mới. Cuộc vượt qua này cũng là hoạt động thần linh của Chúa để cứu cả nhân loại và các thụ tạo khỏi trầm luân trong vực thẳm của sự chết.

Tam Nhật Vượt Qua

Thuở Giáo Hội sơ khai chưa có Tuần Lễ Thánh, mầu nhiệm Vượt Qua được mừng trong một ngày: Canh Thức Phục Sinh. Lễ mừng bắt đầu từ lúc hoàng hôn ngày Sa-bát và kéo dài đến bình minh ngày thứ nhất trong tuần (Chúa Nhựt). Tới thế kỷ 5, mầu nhiệm được tưởng niệm trong ba ngày như nghi thức được cử hành ở Giêrusalem. Ba ngày tưởng niệm này mệnh danh là Tam Nhật Vượt Qua từ Thứ Sáu Thánh đến sáng Chúa Nhựt Phục Sinh. Tam Nhật Vượt Qua tưởng niệm cái chết, cuộc mai táng và biến cố Phục Sinh. (Thời gian từ Thứ Sáu tới Chúa Nhựt được tính là ba ngày theo lối tính của Do Thái: một ngày tính từ lúc mặt trời lặn của buổi chiều hôm trước). Về sau Thứ Năm Thánh cũng được nhập vào Tam Nhật Vượt Qua.

Sau cuộc bách hại Kitô giáo, các hoàng đế theo đạo đã cấm làm việc và vui chơi dưới mọi hình thức trong Tuần Thánh. Thuở đó cũng có tập tục ân xá, phóng thích các tù nhân vào dịp này. Với các Kitô hữu, Tam Nhật Vượt Qua được coi như những ngày linh thánh nhất trong năm.

Chúa Nhật Lễ Lá

Tuần Thánh bắt đầu bằng Chúa Nhật Lễ Lá, ngày nay Giáo Hội gọi là Chúa Nhật Thương Khó. Trong phụng vụ Chúa Nhật này, phần đầu lễ có nghi thức làm phép lá và rước lá để nhớ ngày Chúa Giêsu bước vào Giêrusalem vinh quang. Tại đây dân chúng cầm cành lá tung hô Chúa. Tiếp theo trong thánh lễ, là phần tuyên đọc bài thương khó. Rõ ràng phụng vụ ngày lễ lá muốn chú trọng cuộc thương khó của Chúa Giêsu hơn cuộc tiếp đón mà dân Giêrusalem dành cho Chúa. Nhìn chung, Giáo Hội muốn chú trọng tới ý nghĩa của Tuần Thánh hơn là giới thiệu một tiến trình lịch sử chính xác của những biến cố cứu độ. Ngày lễ lá được coi là bước đầu trong chặng đường vượt qua của Chúa.

Riêng tại Do Thái, vào Lễ Lá dân chúng thường xếp hàng đi kiệu trên con đường từ ngôi làng nhỏ Bêtania vào thành phố Giêrusalem theo vết chân Chúa xưa. Họ đi rước, tay mang tàu lá thiên tuế hoặc một nhánh ô-liu, một loài cây thường gặp nhất ở vùng Palestin (Mat 21,18) (ngày nay, tùy địa phương, giáo dân có thể cầm nhành dương liễu, cành đào, lá dừa, nhánh thông... để đi kiệu lá).

Những ngày chuẩn bị

Thứ hai, ba, tư trong Tuần Thánh là những ngày chuẩn bị cho Tam Nhật Vượt Qua. Theo truyền thống, vào những ngày này, giáo dân thường tìm đến tòa cáo giải lãnh bí tích Hòa Giải để tâm hồn bình an bước vào những ngày đại lễ.

Xưng tội rước lễ mùa Phục Sinh

Thời Trung Cổ, xuất hiện khuynh hướng từ chối đón nhận bí tích Thánh Thể. Họ suy nghĩ Thánh Thể quá cao sang, con người chỉ nên chiêm ngắm và tôn thờ hơn là “cầm lấy mà ăn.” Do đó nhiều người trở thành xa cách Thánh Thể. Công Đồng Latêranô 1215 dạy giáo dân phải rước lễ ít là một lần mỗi năm vào Chúa Nhựt Phục Sinh. Từ giáo huấn này, hôm nay Giáo Hội đòi các tín hữu phải rước lễ mùa Phục Sinh (mùa Phục Sinh kéo dài từ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay đến Lễ Chúa Ba Ngôi). 

Lãnh bí tích Hòa Giải cũng là bổn phận của người tín hữu trong mùa Phục Sinh. Giáo Luật hiện hành qui định (khoản 989): mọi tín hữu tới tuổi trưởng thành ít nhất phải xưng thú tội nặng một năm ít nhất một lần. Rõ ràng vào thế kỷ 8 đã hình thành việc xưng thú cá nhân trong bí tích Hòa Giải. Thời này, có việc xá giải cho các hối nhân phạm tội công khai.

Thứ Năm Thánh

Thứ Năm Thánh bắt đầu Tam Nhật Vượt Qua. Ban đầu, Tam Nhật chỉ gồm Thứ Sáu Thánh và Thứ Bảy Thánh (theo cách tính của người Do Thái là ba ngày). Sang thế kỷ 4 gồm thêm ngày Thứ Năm Thánh. Trước đó Thứ Năm Thánh có tên là thứ năm Lễ Tiệc Ly. Ngày này tưởng niệm bữa tiệc ly của Chúa và kỷ niệm Chúa lập bí tích Thánh Thể. Và thứ năm này cũng có tên khác là thứ năm của giới răn mới: “Thày ban cho anh em một giới răn mới” (Ga 13,34). Trong nghi lễ thứ năm có nghi thức rửa chân, để nhớ mãi giới luật tình yêu Chúa đã dạy trong đêm tiệc ly này.

Nguyên thủy Thứ Năm Thánh chỉ là ngày chuẩn bị lễ mừng mầu nhiệm Vượt Qua. Vào ngày này, các hối nhân được xá giải và tái nhập vào cộng đoàn để họ được tham dự vào lễ Vượt Qua. Từ hôm nay, dầu thánh cũ bị hủy bỏ, các nhà thờ sẽ sử dụng dầu thánh mới để cử hành bí tích Thánh Thể và Thêm Sức vào đêm Phục Sinh.

Truyền thống cử hành nghi thức Lễ Tiệc Ly tại Giêrusalem, là địa điểm và thời điểm tiến hành bữa tiệc ly của Chúa theo tương truyền. Về sau cả Giáo Hội đã áp dụng nghi thức Thứ Năm Thánh tương tự truyền thống ở Giêrusalem. Thứ Năm Thánh tưởng niệm Chúa lập bí tích Thánh Thể. Màu sắc, khung cảnh hôm nay rất rực rỡ. Kinh Vinh Danh đã vắng lặng từ Thứ Tư Lễ Tro nay lại vang lên rộn rã. Nhà tạm được để trống sau Thánh Lễ. Bánh thánh được truyền phép nhiều hơn để giáo dân rước lễ hôm nay và hôm sau. Để tưởng niệm cuộc thương khó nhục nhã, đớn đau, kể từ sau Kinh Vinh Danh ngày thứ năm, tất cả đờn chuông sẽ vắng lặng. Tập tục này có từ thế kỷ 9.

Nghi thức rửa chân

Nghi thức rửa chân trong Thánh Lễ hôm nay được chính chủ tế cử hành để học và sống bài học khiêm nhu, phục vụ của Chúa trong bữa tiệc ly. Nghi thức này được cử hành rải rác tại một vài địa phương hồi thế kỷ 5 và đến thế kỷ 12 đã phổ biến trong toàn Giáo Hội. Theo tập tục chung sẽ có 12 người được chọn rộng rãi trong giáo dân hoặc chọn trong những người đứng đầu các xóm họ để được “rửa chân.” Một số nơi chọn “người được rửa chân” từ những người nghèo hèn, những người bị xã hội bỏ rơi...

Nhà tạm suy tôn Thánh Thể

Cuối Thánh Lễ, Mình Thánh Chúa còn lại sau rước lễ sẽ được đưa tới nhà tạm suy tôn Thánh Thể. Theo truyền thống, các giáo hữu sẽ thay nhau cầu nguyện và tôn thờ trước Thánh Thể tới nửa đêm. 

Lễ truyền dầu

Từ rất sớm Thánh Lễ Truyền Dầu đã cử hành trong nhiều địa phận. Hôm nay ngày Thứ Năm Thánh, khắp các địa phận, tại nhà thờ chính tòa hoặc một nhà thờ trong giáo phận, đức giám mục địa phận cùng với các linh mục, giáo sĩ, tu sĩ và đại diện giáo dân tụ họp để cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu theo một nghi thức long trọng. Có ba thứ dầu được thánh hiến để sử dụng trong một số bí tích tại các nhà thờ:

1/ dầu dự tòng: dùng để xức cho dự tòng khi họ được chuẩn bị lãnh bí tích Phép Rửa.

2/ dầu bệnh nhân: dùng trong bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân.

3/ dầu rửa tội và thêm sức: dùng trong bí tích Phép Rửa và Thêm Sức.

Thứ Sáu Thánh

Thứ Sáu Thánh là ngày kỷ niệm cái chết của Đức Giêsu trên thập giá ngoài thành Giêrusalem. Những khoảnh khắc hôm nay sẽ được hoàn thành trọn vẹn vào ngày hôm sau - khi đêm tối Thứ Bảy nhường chỗ cho ngày Chủ nhật và khi sự chết chuyển hóa thành cuộc Phục Sinh. Nói “Thứ Sáu Thánh” là nhằm để nhấn mạnh giá trị cứu độ của biến cố lịch sử là cái chết thập giá của Đức Giêsu. Trong suốt giòng lịch sử của nó, ngày Thứ Sáu Thánh bao giờ cũng mang sắc thái trầm lặng u buồn và thương tiếc Đức Giêsu chịu đóng đanh và chịu chết.

Đây là ngày duy nhất trong năm không có cử hành Bí Tích Thánh Thể. Trong các thế kỷ đầu tiên, người ta không cử hành Thánh Thể vào những ngày trong tuần. Tập tục này càng mang ý nghĩa đặc biệt đối với Thứ Sáu Thánh khi mà chiều kích hy tế của Thánh Lễ bắt đầu được nhấn mạnh. Việc không cử hành Thánh Thể nhằm nêu bật hành vi hiến tế của Đức Giêsu trên thập giá. Vì vậy, Giáo Hội nhấn mạnh một phụng vụ Lời Chúa bao gồm một trình thuật khổ nạn và những thánh vịnh tiên báo cuộc thương khó của Đức Giêsu.

Phụng vụ Thứ Sáu Thánh của Giáo Hội diễn ra trong khoảng giữa buổi chiều. Đây là thời gian lý tưởng nhất để đọc kinh thần vụ trong các nhà thờ xứ đạo hồi cổ thời - khi chưa có thói quen dâng Thánh Lễ hằng ngày. Trọng tâm của cử hành được tập trung vào việc đọc Thánh Kinh và cầu nguyện. Các bài đọc, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, xoáy vào cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu. Các lời nguyện vốn xuất phát từ những lời nguyện chung cổ xưa, nay trở thành một phần của mọi Thánh Lễ - tức Lời Nguyện Tín Hữu.

Suy tôn thánh giá

Vào cuối thế kỷ 4, việc suy tôn thánh giá được đưa vào truyền thống Thứ Sáu Thánh ở Giêrusalem. Truyền thuyết kể rằng trước kia bà Helen, mẹ của Constantine, vị hoàng đế Kitô hữu đầu tiên, đã khám phá thấy tại khu vực Giêrusalem chính cây thập tự mà người ta đã dùng để đóng đanh Đức Giêsu trên đó. Thế là hằng năm, tại Giêrusalem, thánh tích này được đưa ra để các tín hữu đến hôn kính và suy tôn. Về sau, cả thánh tích lẫn thói quen này được phổ biến rộng ra khắp đế quốc Rôma. Việc thực hành này được đưa vào phụng vụ Rôma hồi thế kỷ 8. Một giòng người nối đuôi nhau chầm chậm tiến lên hôn kính một cây thánh giá trên tay vị thừa tác viên, đó là hình ảnh vẫn còn mang nét đặc thù của việc cử hành ngày Thứ Sáu Thánh trong thời đại chúng ta hôm nay. Cho đến gần đây, người ta vẫn còn duy trì thói quen bước tới hôn kính thánh giá bằng chân trần, bái gối nhiều lần trước khi đến chỗ thánh giá và cung kính hôn nó.

Thánh Lễ không có truyền phép Thánh Thể

Trong thời Trung Cổ, việc rước lễ (chỉ thuần túy rước lễ thôi) của phụng vụ Thứ Sáu Thánh đã chuyển biến thành “Thánh Lễ” không có truyền phép Thánh Thể (tức “Thánh Lễ” với bánh đã được truyền phép ngày hôm trước). Nghi thức này bắt chước một dạng Thánh Lễ được cử hành không có kinh nguyện Thánh Thể. Ban đầu, giáo dân ngưng không rước lễ trong các cử hành Thứ Sáu Thánh. Vì vậy, chỉ có linh mục được rước lễ vào ngày này. Năm 1955, nghi thức truyền thống được tái lập lại: bắt đầu là phụng vụ Lời Chúa, rồi suy tôn thánh giá và sau đó cả cộng đoàn rước lễ.

Việc giữ chay

Việc giữ chay Thứ Sáu Thánh diễn tả sự đền tội cá nhân và nỗi đau buồn về cái chết của Đức Giêsu. Ngay từ thế kỷ thứ 2, truyền thống chay tịnh (đôi khi kiêng hết mọi thức ăn thức uống) đã được thực hành trong bốn mươi tiếng đồng hồ. Việc giữ chay này chuẩn bị cho niềm vui Phục Sinh và luôn luôn là một đặc nét của ngày Thứ Sáu Thánh. Tại nhiều nơi trong Giáo Hội, việc giữ chay này được thực hành rất nghiêm ngặt, nghiêm ngặt hơn cả sự qui định chính thức của Giáo Hội. Ngày nay chúng ta vẫn còn thấy rất rõ các dấu vết của truyền thống nghiêm ngặt ấy. Trong ngày hôm nay, một số gia đình không chỉ kiêng thịt (như qui định của Giáo Hội) mà còn kiêng cả những thức ăn thông thường khác như sữa, bơ, phô mai... Một số tập tục kỳ lạ - đối với con mắt của người không quen - vẫn còn rất phổ biến đến tận thời nay, chẳng hạn, bánh được cố tình nướng đến cháy khét.

Trong nhiều gia đình, một bầu khí thinh lặng phủ trùm. Người ta nhịn xem tivi, nhịn nghe radio, nhịn thưởng thức nhạc đời. Cho đến gần đây, người tín hữu vẫn coi trọng tinh thần ngày Thứ Sáu Thánh trên mọi sắc thái văn hóa thế tục. Phần lớn các cơ sở buôn bán làm ăn đều đóng cửa từ giữa trưa cho đến 3 giờ chiều. Ngày nay tập tục này chỉ còn được nhận thấy ở rải rác vài nơi.

Ba Giờ tưởng niệm

Nhiều tín hữu vẫn còn nhớ việc cử hành Ba Giờ Tưởng Niệm của ngày Thứ Sáu Thánh trong nhà thờ xứ đạo của mình. Truyền thống này đã được hội nhập vào phụng vụ chính thức của ngày Thứ Sáu Thánh và được kéo dài trong ba giờ, tương ứng với khoảng thời gian mà Đức Giêsu đã trải qua trên cây thánh giá. Việc cử hành này bao gồm việc đọc kinh nguyện chung và các việc đạo đức như đi đàng thánh giá, lần hạt Mân Côi, suy niệm về những lời nói cuối cùng của Đức Giêsu trước khi tắt thờ. Những việc đạo đức này vẫn còn khá phổ biến tại nhiều giáo xứ. Xuất phát từ Lima, Pêru vào năm 1732, truyền thống này đã lan đến các quốc gia Mỹ la tinh khác, rồi đến Anh, Ý và Hoa Kỳ. Còn các nơi khác trên thế giới, thực hành này không mấy phổ biến.

So với các tập tục ở các nơi khác, truyền thống cử hành Ba Giờ Tưởng Niệm xem ra nhẹ và thoáng hơn nhiều. Ở một số nước, nhất là ở Mỹ la tinh, người ta có thói quen tổ chức một đám táng vào ngày Thứ Sáu Thánh này. Thi hài được khiêng đi là một bức tượng di hài của Đức Giêsu. Điểm đến là một “mồ huyệt,” nơi người ta sẽ tiếp tục đến viếng như thể viếng một người thân của mình mới qua đời.

CANH THỨC PHỤC SINH 

Từ giữa màn đêm mới vừa buông xuống, một ánh lửa bén lên bên ngoài thánh đường. Ngọn lửa ấy được dùng để thắp cây Nến Phục Sinh, một cây nến đính các dấu biểu hiệu của con số chỉ năm dương lịch hiện tại, của thần tính Đức Kitô và của cuộc khổ nạn vinh quang của Ngài. Cây nến được trịnh trọng đem vào giữa đám đông đang qui tụ. Tại đây, cây nến được giới thiệu bằng lời ca hân hoan: “Ánh sáng Chúa Kitô... Tạ ơn Chúa.” Hàng trăm cây nến của các tín hữu tham dự được thắp sáng lên từ ngọn lửa của một cây nến duy nhất này, cho đến khi cả thánh đường chan hòa ánh sáng mới. Đứng trước cây Nến Phục Sinh đang bùng cháy, người lĩnh xướng cất tiếng hát bài Exultet - một bài ca cổ điển và hùng tráng công bố Tin Mừng Phục Sinh. Tiếp theo là các bài đọc Thánh Kinh đầy ấn tượng về nước và về công cuộc sáng tạo mới. Kinh Cầu Các Thánh được hát lên trong khi giếng nước Phục Sinh được làm phép bằng dầu thánh mới được thánh hiến chỉ vài hôm trước. Những người dự tòng bước tới, tuyên hứa các lời hứa Phép Rửa hòa trong tiếng nói đồng tình của toàn thể cộng đoàn vây quanh họ; và Phép Rửa được cử hành. Chuông bắt đầu đổ liên hồi. Hoa đèn rực rỡ cung thánh. Bài ca Alleluia uy phong vút lên sau sáu tuần lễ im bặt. Đức Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết!

Không một khoảnh khắc nào khác của năm phụng vụ uy hùng và súc tích ý nghĩa cho bằng Đêm Canh Thức Vọng Phục Sinh này. Đây là đêm mẹ của mọi đêm. Đây là trái tim của Kitô giáo. Chúa đã sống lại trong đêm này.

Những giờ khắc ban ngày của ngày Thứ Bảy Thánh tiếp nối bầu khí mặc niệm của Thứ Sáu Thánh - và ngay từ những thế kỷ đầu, những giờ khắc ấy được xem như thời gian để thinh lặng và chay tịnh. Bản thân ngày Thứ Bảy Thánh không có phụng vụ hay truyền thống tôn giáo nào. Tất cả bầu khí nhằm sửa soạn để đón màn đêm buông xuống và cuộc cử hành mừng Chúa sống lại.

Canh thức Phục Sinh

Ngay từ thế hệ Kitô hữu đầu tiên, đã có việc cử hành hằng năm mừng Chúa sống lại. Trong suốt ba thế kỷ đầu, đây là lễ hội duy nhất được ghi nhận trong Giáo Hội. Việc cử hành nguyên thủy - tiền thân của Lễ Phục Sinh sau này - được thực hiện bằng hình thức một cuộc canh thức (vigilia trong tiếng La tinh có nghĩa là “sự tỉnh thức” hay “đợi chờ”). Thật dễ hiểu tại sao các Kitô hữu đã chọn những giờ khắc của ban đêm để cử hành cảm nghiệm tôn giáo của mình về cuộc khải thắng của Đức Kitô trên sự chết và tội lỗi - đồng thời đó cũng là cuộc khải thắng của chính họ, cùng với Đức Kitô. Chính trong những giờ khắc của đêm tối trước ngày thứ nhất trong tuần (ngày Chúa Nhật) mà mầu nhiệm này đã diễn ra. (Matthêu 28,11; Máccô 16,1; Luca 24,1; Gioan 20,1). 

Vào thời Giáo Hội sơ khai, có một niềm tin rất phổ biến rằng Chúa Phục Sinh sẽ trở lại trong chính những giờ khắc đêm tối này của Đêm Canh Thức Phục Sinh. Vì vậy, điều đương nhiên là tất cả mọi người cùng có mặt và chờ đợi. Đây sẽ là sự trở lại cuối cùng trong vinh quang của Người, và ngày nay trong mỗi Thánh Lễ, lời loan báo về sự cáo chung của thời gian vẫn còn vang lên để xác tín: “Đức Kitô đã chết, đã sống lại và sẽ đến!”.

Ngoại trừ một số thay đổi, nhất là thay đổi về thời lượng, nghi thức đã được canh tân ngày nay phản ảnh rõ chính nghi thức của những thế kỷ ban đầu. Vừa khi sao hôm xuất hiện trên bầu trời, các nghi thức bắt đầu được cử hành và kéo dài suốt cả đêm. Những khoảnh khắc đầu tiên dành cho việc đọc các bài đọc Thánh Kinh và những lời nguyện. Các bài đọc Thánh Kinh - thường gồm 12 bài - nhấn mạnh ý nghĩa tiên tri về một công cuộc sáng tạo và cứu độ mới bằng nước. Đó là những bản văn nói về cuộc tạo dựng ban đầu, sự sa ngã, trận lụt hồng thủy, câu chuyện sát tế Isaac, biến cố các thiên thần vượt qua cửa nhà người Do Thái để tàn sát các con trai đầu lòng của người Ai Cập, cuộc vượt qua Biển Đỏ và hành trình tiến vào Đất Hứa.

Khi bóng tối đã trùm kín không gian cũng là lúc chủ đề nói trên được thể hiện bằng nghi thức sáng tạo mới qua nước của Phép Rửa, nhất là Phép Rửa cho người trưởng thành. Vốn là một nét đặc trưng của Đêm Canh Thức Phục Sinh, nghi thức này bắt đầu với việc làm phép nước Phục Sinh một cách trọng thể. Trong khi cộng đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh, cây Nến Phục Sinh cháy sáng được cắm vào nước, và dầu thánh cũng được chế vào hòa lẫn với nước. Giờ đây, những người dự tòng - thường đã được chuẩn bị từ vài năm trước - sẽ tuyên hứa từ bỏ mọi ảnh hưởng của Satan trên con người cũ của mình; họ tuyên xưng đức tin, lãnh nhận Phép Rửa, được xức dầu và mặc áo trắng. Vào thế kỷ thứ 5, trong Giáo Hội Rôma có thực hiện việc xức dầu lần thứ hai do đức giám mục - và đây chính là dạng ban đầu của bí tích Thêm Sức.

Trong những thế kỷ đầu tiên, người ta có thói quen trao sữa và mật ong đã được làm phép cho những người mới lãnh nhận Phép Rửa. Cử chỉ này có ý nghĩa rằng người mới lãnh Phép Rửa là người còn non nớt trong đức tin, gọi là tân tòng. Cử chỉ ấy cũng ám chỉ rằng họ vừa mới tiến vào miền Đất Hứa mới “chảy tràn sữa và mật ong”. Việc thực hành nói trên, có tầm vóc đánh dấu một mốc điểm quan trọng trong cả đời sống, vốn là một thực hành được vay mượn từ các thần thoại ngoại giáo.

Cuối cùng, gần lúc tờ mờ sáng, những người mới lãnh Phép Rửa sẽ rước Thánh Thể lần đầu - cùng với cộng đoàn tín hữu.

Lửa Phục Sinh

Nghi thức làm phép và thắp lửa Phục Sinh đầy ấn tượng, vẫn còn được duy trì cho đến ngày nay để bắt đầu mỗi đêm Vọng Phục Sinh, vốn không hề được nhận thấy trong nghi thức cổ thời. Trước kỷ nguyên Kitô giáo, người Germanic đã có thói quen đốt lửa tôn vinh thần minh để loan báo mùa xuân đã bắt đầu, và để cầu xin cho mùa màng được bội thu. Khi Kitô giáo được truyền bá đến với các sắc dân này, Giáo Hội cấm việc đốt lửa đầu xuân vì cho rằng đó là một thực hành ngoại giáo. Tuy nhiên, trong các thế kỷ 6 và 7, các nhà thừa sai người Ailen đã mang vào lục địa châu Âu một truyền thống làm Phép Rửa bên ngoài thánh đường vào tối Thứ Bảy Thánh. Truyền thống này đầu tiên do thánh Patrick khai mào để phản ứng lại ảnh hưởng của tập tục đốt lửa đầu xuân đang phổ biến giữa các tăng lữ vùng Celtic. Rồi truyền thống này trở thành quen thuộc trong đế quốc Caroling, lan tràn đến Rôma, và cuối cùng được đưa vào phụng vụ Đêm Canh Thức Phục Sinh.

Nến Phục Sinh

Việc thắp Nến Phục Sinh dường như bắt nguồn từ nghi thức Lucernare được thực hiện hằng ngày hồi cổ thời (“lucernare” có nghĩa là “thắp đèn”) mỗi khi màn đêm buông xuống. Còn truyền thống thắp nến trên tay những người hiện diện thì bắt đầu ở Rôma trong các thế kỷ đầu tiên. Bóng tối của Đêm Canh Thức được tràn ngập bởi áng sáng muôn ngọn nến tượng trưng cho Đức Kitô sống lại.

Trong vương quốc Frankish, nhiều ý nghĩa biểu tượng được gán thêm vào cho cây Nến Phục Sinh và tiếp tục đến ngày hôm nay, tùy theo sự thẩm định của vị mục tử. Một dấu thánh giá được khắc hay vẽ lên cây nến, kèm theo lời công bố: “Đức Kitô hôm qua và hôm nay, nguyên thủy và cùng đích,” rồi hai mẫu tự đầu tiên và cuối cùng của tiếng Hi Lạp được khắc lên: “Alpha và Omega.” Các con số chỉ năm dương lịch hiện tại được ghi nơi bốn góc tạo ra bởi hình thánh giá: “Thời gian là của Chúa, và mọi thế hệ là của Chúa; vinh quang và quyền lực là của Chúa qua mọi thế hệ đến muôn đời. Amen.” Bốn hạt trầm hương đính sẵn với những chiếc đinh bằng sáp màu đỏ được gắn lên bốn đỉnh thánh giá, hạt thứ năm được đính vào chỗ tréo ngang - với lời nói kèm theo: “Nhờ các dấu thương tích thánh và vinh hiển của Ngài... xin Chúa Kitô. .. gìn giữ.... và bảo toàn chúng con. Amen.”

Phụng vụ buổi sáng Thứ Bảy Thánh

Khoảng đầu thế kỷ thứ 5, con số người lớn lãnh Phép Rửa giảm dần và việc rửa tội trẻ em trở thành điều thông thường. Vì Đêm Canh Thức Phục Sinh không còn cần quá nhiều giờ như trước nữa, nên vào thế kỷ 6 việc cử hành Thánh Thể được bắt đầu trước lúc nửa đêm, đến giữa thế kỷ 8 thì việc cử hành này được lui về sớm hơn nữa - ngay sau khi trời sập tối. Trong thế kỷ thứ 6, một Thánh Lễ cử hành vào buổi sáng Chủ Nhật Phục Sinh đã trở thành thông thường. Càng về sau, việc canh thức càng được cử hành sớm hơn nữa. Trong Lễ Qui của Đức Piô V (1570), luật Giáo Hội qui định việc Canh Thức thành một phụng vụ sáng Thứ Bảy Thánh, lưu giữ nguyên hình thức nguyên thủy của nó, chỉ trừ có việc cử hành Phép Rửa. Vì dài dòng - thường là vài tiếng đồng hồ - và cũng vì đã đánh mất ý nghĩa gốc của nó là cử hành mừng Chúa Phục Sinh, việc Canh Thức Phục Sinh không được mấy tín hữu tham dự. Không phải là chuyện quá xa lạ việc các giáo hữu tà tà đến vào lúc sắp vãn các nghi thức, đem theo bình chứa để lấy một ít nước Phục Sinh mới về nhà sử dụng như một á bí tích. Phần đông giáo hữu xem Thánh Lễ sáng Chủ nhật Phục Sinh là việc cử hành chính yếu mừng Chúa sống lại.

Canh tân việc Canh Thức Phục Sinh

Ngày nay, việc Canh Thức Phục Sinh đã lấy lại chỗ đứng xứng đáng của nó như nghi thức quan trọng bậc nhất của cả năm và như cuộc cử hành thứ nhất để mừng Chúa sống lại. Đầu tiên, vào năm 1951, sự canh tân này được áp dụng thử nghiệm. Đến năm 1955, nó được thiết định dứt khoát. Đêm Canh Thức Phục Sinh trong hình thức canh tân cũng gần giống hoàn toàn với hình thức nguyên thủy của nó trong các thế kỷ ban đầu, ngoại trừ là các nghi thức giờ đây chỉ kéo dài chừng hai tiếng đồng hồ thay vì suốt cả đêm. Các nghi thức bao gồm bốn phần rõ rệt: nghi thức làm phép và rước Nến Phục Sinh, phụng vụ Lời Chúa, cử hành Phép Rửa, và cử hành Thánh Thể.

Sự canh tân việc Canh Thức Phục Sinh đã đem lại ấn tượng cơ hồ như có hai Lễ Phục Sinh khác nhau. Tuy nhiên, mỗi năm càng có nhiều tín hữu ý thức cuộc canh thức Phục Sinh theo nguồn gốc của nó hơn: đây là đêm mẹ của mọi đêm và là cuộc cử hành thứ nhất để mừng Chúa sống lại. Sự canh tân trong việc dạy giáo lý cho người lớn dự tòng ở các giáo xứ cũng đã tái lập một nét đặc biệt cho Đêm Canh Thức Phục Sinh sau nhiều thế kỷ bị đánh mất: đó là việc cử hành Phép Rửa cho người trưởng thành. Đối với nhiều giáo hữu khác, Thánh Lễ sáng Chủ Nhật Phục Sinh vẫn là dịp chính để mừng Chúa sống lại.

Để có được những nghi thức mạch lạc và trang trọng cho đêm Canh Thức Phục Sinh, cần phải có sự chuẩn bị rộng rãi của những người hữu trách trong giáo xứ và của nhiều giáo hữu khác. Phải chuẩn bị sẵn lửa củi, nước, trầm hương, dầu thánh và các thứ trang hoàng thánh đường; nghi thức phụng vụ phải được dợt đi dợt lại. Còn những người lớn dự tòng thì bước vào những khoảnh khắc cuối cùng của quá trình sửa soạn lãnh nhận Phép Rửa.

Cho tới những thập niên gần đây, ngày Thứ Bảy Thánh là ngày giữ chay và kiêng nhịn một phần (chỉ được ăn thịt trong bữa ăn chính thôi) để sửa soạn đón mừng lễ trọng nhất trong năm. Quy định giữ chay này vẫn được duy trì ngay cả vào thời mà cuộc Canh Thức Phục Sinh long trọng được cử hành vào sáng ngày Thứ Bảy Thánh, và do đó đã tràn ngập bầu khí vui mừng của Lễ Phục Sinh rồi. Điều ấy cho thấy rằng mầu nhiệm Phục Sinh vẫn gắn kết chặt chẽ với những giờ khắc của buổi tối hôm trước và buổi sáng sớm ngày Chúa Nhựt.

Trong những năm gần đây, truyền thống giữ chay này đã được tái lập cùng với sự canh tân việc dạy giáo lý dự tòng cho người lớn. Những người lớn dự tòng chuẩn bị lãnh Phép Rửa trong đêm Canh Thức Phục Sinh thường dành ra một thời gian để tĩnh tâm kèm với việc giữ chay và cầu nguyện trước khi đi vào với cuộc Canh Thức Phục Sinh.

Làm phép giỏ thức ăn Phục Sinh

Các truyền thống phổ biến của ngày Thứ Bảy Thánh thường gắn liền, cách nào đó, với việc sửa soạn mừng lễ hội Phục Sinh. Vào ngày này hoặc trong suốt những ngày trước đó nữa, người ta chuẩn bị các thứ thức ăn. Việc làm phép những thức ăn đặc biệt mừng Lễ Phục Sinh hiện vẫn còn là một truyền thống phổ biến, nhất là đối với những người gốc Ba Lan. Người ta mang các giỏ thức ăn đến nhà thờ và chúng sẽ được cha sở ban phép lành.

Phục Sinh

Sáu tuần lễ trôi qua thật căng thẳng. Tiếng gọi hoán cải vang lên dồn dập. Một mùa đền tội, chẳng có chi là “thú vị” lắm! Mọi hình thức trang trí đều bị khống chế. Các nghi thức trong Tuần Thánh vừa qua đầy ắp tính biểu tượng. Những cành lá thiên tuế xếp lại, nhường chỗ cho tấn kịch đau thương. Bữa Tiệc Vượt qua rộn ràng rồi cũng đến hồi tàn, nhường chỗ cho thập giá. Và đêm qua, thập giá nhường chỗ cho lửa mới, dầu mới, nước mới - và sự sống mới.

Rõ ràng là một điều gì đó thật tuyệt diệu đã xảy ra khi người ta bước vào bên trong thánh đường. Họ được chào đón bởi một thánh đường lộng lẫy những dấu hiệu của sự sống mới: những sắc màu rực rỡ và những đóa huệ Phục Sinh xinh tươi. Điệp khúc Alleluia vang vọng dập dìu. Buổi sáng Phục Sinh đã đến rồi!

Đối với nhiều tín hữu - nếu không nói là đa số - đây là cuộc cử hành chính mừng Phục Sinh. Tuy nhiên, trong nhiều giáo xứ, cuộc cử hành chính đã diễn ra tối hôm trước với các nghi thức Canh Thức Phục Sinh. Thánh Lễ Phục Sinh vào sáng Chủ Nhật đã xuất hiện trong lịch sử khi cuộc Canh Thức mừng Chúa sống lại được dời lui về buổi sáng ngày Thứ Bảy Thánh.

Bầu khí của buổi sáng Phục Sinh cũng âm vang lại bầu khí của đêm Canh Thức tối hôm trước. Trong buổi sáng này, người ta tưởng niệm và cử hành chính nền tảng của Kitô giáo: Đức Giêsu đã được Phục Sinh từ cõi chết và Ngài là Chúa. Những ai tin và nhận lãnh Phép Rửa đều thông dự vào cuộc Phục Sinh này để hướng tới sự sống mới. Tiêu điểm này sẽ tiếp tục trong năm mươi ngày tiếp theo - tức mùa Phục Sinh.

Thật dễ hiểu tại sao ngay tự ban đầu các Kitô hữu đã xem khoảnh khắc này là khoảnh khắc linh thánh. Đây chính là khoảnh khắc kỷ niệm buổi sáng hôm nào khi họ cảm nghiệm được rằng Ngài đã sống lại và đang hiện diện giữa họ. Ngài đã chết vào dịp đại lễ Vượt Qua. Và sự sống lại của Ngài đã hoàn thành trọn vẹn ý nghĩa của lễ Vượt Qua theo nhận thức của họ trong tư cách là người Do Thái. Đó là một cuộc xuất hành, một chuyến đi bỏ lại sau lưng ách nô lệ xưa cũ để tiến đến với sự tự do đích thực của tâm hồn. Giêsu, Con Chiên Vượt Qua, đã bị sát tế để đạt đến tự do này.

Sự sống lại của Đức Kitô là dấu chỉ của những khởi đầu mới: một mùa xuân. Ý nghĩa này vốn đã được ghi nhận trong lịch sử của lễ Vượt Qua từ rất lâu trước cuộc Xuất Hành ra khỏi Ai Cập. Tổ tiên của người Do Thái đã cử hành lễ hội mừng hoa quả đầu mùa bằng việc dâng tiến bánh và ngũ cốc, và mừng lứa con đầu tiên của đàn súc vật bằng việc sát tế chiên con. Theo sự chỉ dẫn của Môsê, những lễ hội này được kết hợp lại trong một cuộc tưởng niệm hằng năm về cuộc trốn thoát lạ lùng của họ ra khỏi Ai Cập, và tưởng niệm biến cố thiên thần tru diệt đã vượt qua chứ không ghé vào nhà họ. Ngót 3000 năm và mãi đến hôm nay, người Do Thái vẫn còn cử hành cuộc giải cứu kỳ diệu này bằng việc nhắc lại câu chuyện ngày xưa ấy qua các bài ca, bài đọc và những thức ăn đầy tính biểu tượng: bữa tiệc Chiên Vượt Qua. Ngày nay, cũng như trong suốt giòng lịch sử vẫn thế, nghi thức này diễn ra vào buổi chiều ngày mười bốn tháng Nisan theo lịch Do Thái.

Truyền thống Ngày Chủ Nhật

Chính trong bữa tiệc Chiên của lễ Vượt Qua này mà Đức Giêsu đã cùng với các bạn hữu Ngài cử hành buổi tối trước cuộc khổ nạn, với lời yêu cầu rằng biến cố ấy sẽ được cử hành lại bằng một cách thức mới mẻ để tưởng nhớ Ngài. Và họ đã thực hiện lời yêu cầu ấy trong dịp kỷ niệm hằng tuần cuộc Phục Sinh của Ngài: ngày thứ nhất trong tuần, hay Chủ Nhật. Đương nhiên là dịp kỷ niệm hằng năm sẽ dành được sự nhấn mạnh nhiều hơn, với sự trang trọng đặc biệt.

Ngày Lễ Phục Sinh

Vào thời sơ khai của Kitô giáo có nảy lên một cuộc tranh luận về việc thiết định ngày Lễ Phục Sinh hằng năm. Một số người, thuộc khuynh hướng Quartodecimans (từ La ngữ có nghĩa là “thứ mười bốn”) cho rằng nên chọn đúng ngày Vượt Qua của Đức Giêsu trong lịch sử tức ngày 14 tháng Nisan - và như vậy sẽ thường rơi vào một ngày trong tuần thay vì là Chủ Nhật. Những người khác thì cương quyết bảo vệ quan điểm rằng đó phải luôn luôn là một ngày Chủ Nhật, vì Đức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết vào ngày thứ nhất trong tuần. Cuộc tranh luận này đã trở thành điểm ưu tiên trong chương trình nghị sự tại Công Đồng Nicêa do Hoàng Đế Constantine triệu tập vào năm 325. Cuối cùng, ngày đó được quyết định là ngày Chủ Nhật tiếp theo sau ngày trăng tròn đầu tiên sau ngày xuân phân. Ở Tây phương, chỉ có Giáo Hội Celtic tại Anh là từ chối không chấp nhận quyết định ấy cho đến năm 664. 

Sự phong phú, phì nhiêu - một ý nghĩa

Ngay từ thuở ban đầu, Phép Rửa cho các Kitô hữu mới đã diễn ra trong nghi thức cử hành hằng năm này. Việc thực hành này xuất hiện do có mối liên hệ thâm sâu giữa cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu trong sự sống mới và cuộc tái sinh của những người lãnh nhận Phép Rửa. Ý nghĩa về sự sống mới này của Lễ Phục Sinh có liên quan tới ý nghĩa về sự phong phú, phì nhiêu. Khi Kitô giáo bắt đầu được truyền bá, cũng có một phong trào tôn giáo được phổ biến trong đế quốc Rôma. Phong trào này liên quan tới những thần thoại ngoại giáo về năng lực sinh sản phong phú. Không có mấy chứng cứ về việc Kitô giáo đã chủ ý vay mượn các điều tin tưởng và các thực hành từ những truyền thống này. Dẫu sao, điều tự nhiên là Kitô giáo đã nhận ảnh hưởng từ các truyền thống ấy - cũng như nó vẫn luôn luôn chịu tác động bởi thế giới thực tế xung quanh nó.

Một ví dụ về chủ điểm năng lực sinh sản phong phú được ghi nhận trong nghi thức Canh Thức Phục Sinh: sự nhấn mạnh được dành cho lửa và nước. Đây có lẽ là một ảnh hưởng từ lễ hội xuân mừng lửa và nước của người Rôma thời bấy giờ, một lễ hội đầy âm hưởng đề cao năng lực sinh sản dồi dào: lửa tượng trưng cho nam tính và nước tượng trưng cho nữ tính. Người ngoại giáo có cử hành một nghi thức trong đó một ngọn đuốc đang cháy bùng được cắm vào nước. Cho tới thời gần đây, việc làm phép giếng nước Phục Sinh của Giáo Hội vẫn có bao gồm ba lần cắm cây Nến Phục Sinh đang cháy vào trong nước. Sau đó, nước sinh sự sống này được dùng để tái sinh những người lãnh Phép Rửa. Hiện nay, cử chỉ cắm cây nến vào nước không còn có tính bắt buộc nữa.

Thánh Lễ Chủ Nhật Phục Sinh

Trong Giáo Hội sơ khai không hề có việc cử hành Lễ Phục Sinh vào ngày Chủ Nhật. Việc cử hành mà ngày nay chúng ta gọi là mững Lễ Phục Sinh đã diễn ra trong đêm trước Chủ Nhật, tức đêm Canh Thức Mừng Chúa Sống Lại. Thật vậy, Chủ Nhật Phục Sinh chính là Chủ Nhật thứ nhất của mùa Phục Sinh, bởi lẽ Lễ Phục Sinh tự nó đã diễn ra rồi. Thánh Lễ Chủ nhật Phục Sinh chỉ xuất hiện khi cuộc Canh Thức Phục Sinh được cử hành sớm vào buổi sáng ngày Thứ Bảy Thánh. Không có nghi thức đặc biệt nào gắn riêng với Thánh Lễ Chủ Nhật Phục Sinh ngoại trừ những gì đã được cử hành hết sức trang trọng trong cuộc Canh Thức tối hôm trước: cũng là những bài ca Mừng Chúa Phục Sinh (nhất là điệp khúc Alleluia), cũng là việc cử hành Phép Rửa và nhắc lại lời tuyên hứa Phép Rửa, cũng là việc rảy nước thánh trên cộng đoàn, cũng là cờ quạt trùng giăng và những đoá huệ Phục Sinh mơn mởn.

Không phải tất cả các truyền thống tôn giáo gắn liền với Lễ Phục Sinh đều có nguồn gốc Kitô giáo. Nhưng đa số các truyền thống ấy trải qua các thế kỷ đã nhận được một sự diễn dịch theo tinh thần Kitô giáo. Sắc thái của mùa này rõ ràng khác với sắc thái của Mùa Giáng sinh. Tuy nhiên, niềm vui cũng rộn ràng không kém; bởi vì đất trời đã vào xuân, bỏ lại sau lưng những tháng mùa đông lạnh giá; bởi vì người ta cảm nghiệm được sự sống lại của riêng mình sau những nỗ lực sống mùa chay tịnh; cũng bởi vì Mùa Chay đầy căng thẳng đã trôi qua.

Con Chiên Phục Sinh

Con Chiên bị sát tế là biểu tượng chính yếu của bữa ăn Vượt Qua. Nó tiếp tục là biểu tượng của Đức Giêsu, Con Chiên Thiên Chúa, bị hành quyết và được Phục Sinh từ cõi chết để đem lại tự do cho tất cả những ai ở trong vòng nô lệ của tội lỗi và của sự mê muội về mặt tinh thần. Con Chiên Phục Sinh đã trở thành một biểu tượng quan trọng trong nghệ thuật Kitô giáo. Việc đưa biểu tượng này vào các kiểu trang hoàng Lễ Phục Sinh và việc nướng bánh Phục Sinh trong hình dạng con chiên cũng đã trở nên một truyền thống quen thuộc. 

Tuần Bát Nhật Phục Sinh

Lễ Phục Sinh không chấm dứt một cách bất thần. Nó mở ra một mùa. Cũng như mọi đại lễ khác trong năm phụng vụ, Lễ Phục Sinh được mừng với một Tuần Bát Nhật, một lễ hội kéo dài cả tuần lễ. Trong những thế kỷ đầu những người lãnh Phép Rửa trong đêm Canh Thức Phục Sinh sẽ qui tụ lại với nhau hằng ngày trong suốt Tuần Bát Nhật Phục Sinh để được hướng dẫn thêm trong đời sống đức tin Kitô giáo. Những sự hướng dẫn đặc biệt này được gọi là mystagogia (truyền bí pháp). Ngày nay, việc “truyền bí pháp” này được khôi phục lại ở các giáo xứ. Một lần nữa, nó trở thành một nếp quan trọng trong hành trình đức tin của những người lớn mới lãnh nhận Phép Rửa.

Lm. Lê Công Đức tổng hợp, 
theo Catholic Customs & Traditions của Greg Dues, 
do Twenty-Third Publications xuất bản.