Phỏng vấn Chủ tịch Hiệp hội Vàng mã

Hiệp hội Vàng mã chưa thành lập, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng phỏng vấn được ông Chủ tịch. Mời độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn giả tưởng gay cấn này...

Chủ tịch Hiệp hội Vàng mã:
"Phóng viên nào hỏi câu đấy, tôi đuổi thẳng cổ"

Phóng viên: Xin chào ông, mới đầu năm Hiệp hội Vàng mã của ông có những chiến lược chinh phục thị trường như thế nào để doanh nghiệp Hội viên vươn ra thế giới?

Chủ tịch HH Vàng mã: Anh hỏi rất vĩ mô nhưng hoàn toàn không đúng lúc. Tôi đang đọc công văn của Giáo hội Phật giáo vận động Phật tử không đốt vàng mã tại chùa đây. Tôi đã lường được sẽ có ngày này, nhưng tôi vẫn thấy choáng váng khi nó đến sớm quá…Dân không đốt thì bao nhiêu nhà lầu, oto, smart phone... chúng tôi sản xuất như vũ bão biết xuất đi đâu? Chẳng lẽ chúng tôi tự đốt à? 

 

Phóng viên: Để lại cho nhà mình đốt dần cũng là một cách hay thưa ông? Theo quan niệm trần sao âm vậy, nhà ông đốt càng nhiều thì các cụ dưới suối vàng của dòng họ, gia đình ông càng sung túc và sẽ phù hộ ngược lại con cháu. Họ không dùng hết thì bán cho những khách hàng dưới đó. Thế là vẹn cả đôi đường.

Chủ tịch HH Vàng mã: Anh điên à? Ai nói với anh là cứ đốt nhà lầu xe hơi, điện thoại xịn thì bên dưới các cụ nhận được? Anh là phóng viên mà phát biểu lôm côm. 

 

PV: Nếu người dưới suối vàng, âm phủ không nhận được thì chúng ta đốt để làm gì, thưa ông?

Chủ tịch HH Vàng mã: Trước đây, phóng viên nào hỏi câu đấy, là tôi đuổi thẳng cổ. Nhưng đã đến nước này, tôi huỵch toẹt ra luôn. Tục đốt vàng mã không phải truyền thống lâu đời của người Việt, anh hiểu chửa.

Dân mà biết tục này xuất phát từ Trung Quốc, thì Hiệp hội chúng tôi phá sản từ lâu. Người ta quan niệm rằng trần sao âm vậy. Người chết xuống âm phủ cũng phải có người hầu, xe ngựa, quần áo... như khi đang sống trên dương thế. Nhưng đến thời nhà Đường, khoảng năm 726 trước Công nguyên thì việc đốt vàng mã cũng bị phản đối khiến Hiệp hội Vàng mã khi đó rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, đóng cửa, giải thể.

Chủ tịch Hiệp hội thời đó của chúng tôi tên họ là Vương Luân, ông ấy đang lúc thất nghiệp nên mới nghĩ ra cách kích cầu như thế này. Ông ta cho một người giả chết, nằm sẵn trong quan tài rồi phao tin ầm lên rằng sẽ biện lễ vật, đốt vàng mã, hình nhân thế mạng cúng tế tới các quan thiên phủ, địa phủ, nói nôm na là hối lộ các ngài ấy để các ngài linh động, cho cơ chế đưa người về, không bắt phải chầu giời nữa. Sau khi ông Vương Luân đốt mã và cúng xong thì ra hiệu cho người giả chết tỉnh dậy.

Kịch bản truyền thông cụ Luân đã viết sẵn, người giả chết kia trình bày rằng các quan ngài thiên phủ, địa phủ đã ưng thuận với lễ vật, hình nhân thế mạng, vàng mã các loại nên tha cho về. Truyện này không phải tôi bịa ra đâu, nó được chép lại trong sách Trực ngôn Cảnh giáo. Đấy, từ đó về sau nghề vàng mã của chúng tôi cực thịnh. Đến giờ, ai mà chả tin chuyện trần sao âm vậy.

Có một điều này, chúng tôi biết tỏng, nhưng ai dại gì nói ra: Mặc dù học theo, nhưng bây giờ dân mình đốt mã còn khoẻ hơn cả người Trung Quốc. Thi nhau đốt. Khói lửa ngùn ngụt đêm ngày tại các chùa chiền. Càng đốt khỏe thì chúng tôi càng sống khỏe. Thừa thắng xông lên, Hiệp hội còn định sản xuất cả thẻ ATM, cây ATM, modem wifi, thiết bị thu phát 3G, 4G, đầu thu truyền hình Cap, vé tháng BOT, thẻ tập Gym... cho người dưới âm. Rồi doanh nghiệp vàng mã phải lên sàn chứng khoán để hút vốn của toàn xã hội chứ…

Nếu người đốt vàng mã biết rằng, đốt xong chỉ có khói ô nhiễm bay lên trời, rồi người dương lại hít cho đen phổi, chứ chả có cái quái gì chui xuống "dưới ấy", thì liệu họ có đốt nữa. Chúng tôi biết, nhưng ngu gì mà nói, tự tước đi miếng cơm manh áo của mình à?!

 

PV: Chuyện ông kể hay quá. Từ lâu tôi đã ngờ ngợ chuyện trần sao âm vậy nhưng không dám nói. Thực tế thì làm gì có ai xuống âm phủ rồi lại trở về mà biết trần sao âm vậy, đúng không ông?

Chủ tịch HH Vàng mã: Trong đầu anh có não không? Nếu có thì hãy đặt câu hỏi: Nếu trần sao âm vậy thì khi đốt điện thoại smart phone chẳng hạn, người phải khấn để báo mật khẩu truy cập, hoặc cho điện thoại nhận diện khuôn mặt như Iphone X chứ... Nhưng đằng này họ cứ đốt thẳng tay, các cụ sử dụng sao được. Mà nếu có nhận diện vân tay hay gương mặt thì chắc cũng bằng không vì mặt người và vân tay dưới âm là vô ảnh, vô hình, làm sao máy nhận được. hihi

 

PV: Cho hỏi khí không phải, nhà ông có đốt vàng mã không?

Chủ tịch HH Vàng mã: Lần sau mà hỏi khó thế tôi đuổi. Tôi kể nốt một chuyện này, như anh biết đấy, ngày xưa đất rộng, người dân ở nhà nào đốt vàng mã ở nhà đó, tức là họ tin "người nhà mình" sẽ về để thụ lễ, mang nhà lầu, xe hơi, điện thoại, máy tính đi để dùng dần. Nhưng bây giờ đất chật, nhiều người sống ở chung cư. Chung cư như anh biết đấy, tất cả các hộ gia đình đốt chung ở một chỗ, cái chỗ hoá vàng ấy. Thành ra mọi thứ lễ vật, vàng mã khi đốt xong lẫn lộn hết vào nhau. Anh bảo làm sao mà các cụ đứng chờ ở đó rồi phân biệt ra cho được. Đấy, cứ đốt thật lực đi.

Còn nhà tôi, dĩ nhiên tôi vẫn đốt chứ. Của nhà trồng được đâu có tốn kém gì. Vả lại, điều quan trọng nhất là nếu mình không đốt, bọn hàng xóm sẽ nghi ngờ ngay rằng đốt chẳng có tác dụng gì… Vì vậy, với chúng tôi, đốt vàng mã chỉ đơn thuần là một chiêu trò maketing lợi hại…Nếu vàng mã xuống được dưới ấy với các cụ thì cơ sở của chúng tôi đã không bị hoả hoạn mấy lần, suýt mất cả mạng. 

 

PV: Vâng, ngay một người sản xuất vàng mã mà còn nói thế thì tôi tin xã hội sẽ sớm tạm biệt vàng mã thôi.

Chủ tịch HH Vàng mã: Trong đầu anh có não không? Sao đơn giản thế được. Dù Giáo hội Phật giáo khuyên rất đúng, nhưng anh nghĩ một việc tồn tại cả ngàn năm thế này dễ bỏ lắm sao?

Tôi nói cho anh biết, chúng tôi vẫn sẽ sản xuất ra nhiều vàng mã độc đáo hơn, vươn ra chinh phục thị trường Đông Nam Á rồi chinh phục cả thế giới. Khi cái đầu nhiều người còn đặc mê muội, chúng tôi vẫn sống khỏe. Ai muốn đốt tiền thì cứ việc, chúng tôi sẽ phục vụ. Điều đáng sợ nhất với Hiệp hội là khi hàng triệu người tỉnh ngộ, thay vì đốt vàng mã vô tội vạ, họ lấy tiền làm từ thiện…Đó mới là cách tích đức tốt nhất.

Khi nhiều người không phung phí và chăm làm việc thiện, thì chúng tôi bỏ nghề cũng cam lòng. Còn khi nhiều người vẫn tham sân si, cầu xin không làm mà vẫn được ăn bẫm, không giỏi vẫn được cất nhắc, thiếu đức vẫn được ca ngợi, thì chúng tôi tội gì dừng lại…

Mà tôi hỏi thật, anh phỏng vấn làm gì nhỉ? Đưa lên báo à? Tôi không đồng ý nhé. Tôi hiểu rõ quy chế phỏng vấn, anh cứ đăng, tôi kiện, rõ chửa?!

-ST-