Thực sự thì, dù vẫn còn đang tranh cãi, nhưng theo một số ý kiến, trên bàn chân, ngón duy nhất cần là ngón chân cái, nhằm giữ sự cân bằng hoàn hảo. Còn đối với tay, thì đó là ngón cái và ngón trỏ, vì để nắm được đồ vật, chúng ta chỉ cần 2 ngón. Những ngón còn lại chỉ trợ giúp, nhưng nếu thiếu ngón cái và ngón trỏ, chúng ta không thể làm được việc gì...
Vì sao chúng ta có 10 ngón tay, 10 ngón chân???
Con người có 10 ngón tay và 10 ngón chân - đó là điều bình thường. Nếu không tính những trường hợp không may bị dị tật thì tất cả chúng ta đều như vậy. Vậy đã bao giờ bạn tự hỏi: Vì sao bàn chân, bàn tay chúng ta lại có 10 ngón?
Nhưng tại sao lại là 10? Vì sao không phải là 12, 16 hay thậm chí là 20? Câu trả lời là tỉ lệ đối xứng, đặc biệt trong thời hiện đại, khi mà mọi thứ được tạo ra dựa trên con số quen thuộc trên cơ thể chúng ta. Ví dụ như khi chơi nhạc cụ, thường phải sử dụng tất cả 10 ngón. Tuy nhiên, nếu chúng ta tiến hóa với 12 ngón hoặc nhiều hơn nhưng là số chẵn, chúng ta vẫn cân bằng, với mỗi bên nhiều hơn 1 hoặc nhiều ngón.
Nhiều người cho rằng hệ thống số đếm của chúng ta được tạo ra dựa trên số lượng ngón tay. Điều đó có nghĩa là, nếu chúng có nhiều hơn 10 ngón, hệ thống đếm có thể thay đổi theo dựa trên số ngón thừa ra.
Một câu hỏi khác khá thú vị về ngón út của chúng ta: Liệu chúng có thực sự cần thiết? Câu trả lời ở đây là không hay đúng hơn là không hẳn. Thực sự thì, dù vẫn còn đang tranh cãi, nhưng theo một số ý kiến, trên bàn chân, ngón duy nhất cần là ngón chân cái, nhằm giữ sự cân bằng hoàn hảo. Còn đối với tay, thì đó là ngón cái và ngón trỏ, vì để nắm được đồ vật, chúng ta chỉ cần 2 ngón. Những ngón còn lại chỉ trợ giúp, nhưng nếu thiếu ngón cái và ngón trỏ, chúng ta không thể làm được việc đó.
Có một điều thú vị về ngón áp út: tại sao ngón đeo nhẫn - ring finger ( ngón áp út) lại được sử dụng để đeo nhẫn? Theo văn hóa phương Tây, nhẫn cưới được đeo vào ngón áp út, vì họ tin rằng, ngón áp út tay trái có tĩnh mạch kết nối trực tiếp đến trái tim - thật lãng mạn phải không nào?
Vì sao khi bẻ khớp ngón tay lại kêu "rắc rắc"
Và thói quen bẻ khớp ngón tay này có lợi hay có hại?
Rất nhiều người có thói quen bẻ khớp ngón tay sau khi làm một công việc nào đó lâu hay khi cảm thấy bàn tay bị mỏi, tê cứng. Việc làm này khiến nhiều người trong chúng ta thấy thoải mái, dễ chịu hơn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc bẻ khớp ngón tay, chân sẽ dẫn đến thoái hóa khớp và đối mặt với nguy cơ của bệnh viêm khớp. Vậy đâu là sự thật đằng sau thói quen hàng ngày mà chúng ta chẳng mấy khi để ý này?
Chúng mình có thói quen bẻ khớp từ ngón tay, ngón chân cho tới cổ, hông, lưng, đầu gối… "Rắc rắc", “khục khục” hay “tạch tạch” là âm thanh mà chúng ta thường xuyên nghe thấy sau mỗi lần thực hiện việc bẻ khớp. Về cơ bản, nguyên nhân của âm thanh này đến nay vẫn chỉ dừng lại ở các giả thuyết khoa học chứ chưa có một kết luận chính xác nào cả. Nhưng trong số những giả thuyết được đưa ra, giả thuyết liên quan đến lỗ trống giữa hai khớp xương có vẻ là hợp lý và được ủng hộ nhiều hơn cả.
Có thể hiểu đơn giản như sau: điểm nối giữa hai khớp xương bao gồm dây chằng, các mô nang liên kết và bao phủ chúng chính là một lượng dịch khớp dày. Khi bạn tiến hành bẻ khớp, các mô liên kết trong ngón tay, chân tăng khối lượng, làm giảm áp lực trong khớp, dịch khớp dần biến thành những bong bóng trong lỗ trống và tới khi áp lực thấp nhất, các bong bóng này sẽ nổ và phát ra âm thanh như trên.
Điểm nối giữa hai khớp xương bao gồm dây chằng, các mô nang liên kết và bao phủ chúng chính là một lượng dịch khớp dày.
Thông thường, phải sau 25 - 30 phút kể từ khi bẻ các khớp kêu như vậy, bạn mới có thể bẻ lại được lần nữa. Lý do là bởi, các hạt khí bong bóng này cần 1 khoảng thời gian nhất định mới hình thành trở lại như cũ - vì dịch khớp cần thời gian để bôi trơn trở lại trạng thái cũ. Bên cạnh đó, một số người khác lại chia sẻ, tiếng “rắc”, "khục" phát ra là do dây chằng bị kéo dãn quá nhanh hay do sự chà xát mạnh giữa hai khớp xương gây ra.
Vậy thì bẻ khớp có lợi hay hại? Nhiều người cho rằng, hành động này là nguyên nhân gây ra viêm khớp và thoái hóa… nhưng sự thật thì không phải thế. Một nghiên cứu tiến hành trên những khớp xương ngón tay của 215 người có thói quen này (từ 50 - 89 tuổi) đã cho ra kết quả: không hề có dấu hiệu nào của căn bệnh viêm hay rạn khớp cả.
Như vậy, bạn có thể yên tâm rằng bẻ khớp không gây ra quá nhiều hậu quả nghiêm trọng. Song, các nhà khoa học cũng cảnh báo, những tổn thương là điều không tránh khỏi. Bẻ khớp tay thường xuyên làm tổn thương các mô nang liên kết xung quanh, làm khớp ngón tay bạn to lên trông thấy. Đồng thời, hệ lụy kéo theo là nó sẽ làm giảm sức cầm nắm của bản thân người bẻ khớp.
Lời khuyên của các nhà chuyên môn đưa ra là mỗi khi mỏi, chỉ cần cử động khớp qua lại nhẹ nhàng đến góc độ tối đa của khớp mà vẫn chưa gây đau, chưa tạo ra tiếng lạo xạo là được. Động tác đơn giản này sẽ góp phần tăng lưu lượng máu đến mô, tạo sự dễ chịu mà vẫn tránh được hiện tượng dính khớp, tránh được vi chấn thương. Nếu teen cứ cố tình thực hiện mạnh để nghe tiếng "rắc rắc" thì chẳng mấy chốc mà những ngón tay đẹp xinh sẽ bị thay thế bởi những ngón hình khúc tre với từng đốt thô kệch và xấu xí đấy!
Ngón tay "nhăn nheo như quả táo tàu" sau khi tắm
Đã bao giờ bạn thắc mắc về việc tại sao đầu ngón tay, chân của chúng ta lại trở nên nhăn nhúm đáng sợ sau khi tắm chưa?
Trong một khoảng thời gian rất lâu, người ta cho rằng điều đó xảy ra không vì lý do gì, chỉ đơn thuần như miếng bọt biển bị ngấm nước và trở thành hình dạng ngẫu nhiên nào đó. Tuy nhiên, những đặc điểm tiến hóa của con người khi gặp điều kiện tự nhiên nhất định hiếm khi nào “tự nhiên nó thế”. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra mục đích sâu xa của việc lớp da đầu ngón tay, chân trở nên nhăn nhúm sau khi tắm.
Một nhóm các nhà khoa học thuộc tổ chức nghiên cứu độc lập tại Idaho (Mỹ), chuyên nghiên cứu về khả năng nhận thức và sự tiến hóa của con người đã tìm ra sự thật đáng ngạc nhiên về hiện tượng trên. Do việc da trở nên nhăn nheo chỉ xảy ra ở đầu các ngón tay, chân chứ không phải bất kỳ bộ phận cơ thể nào khác nên các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân không thể do nước bị ngấm vào da trong quá trình tiếp xúc. Lý giải cho giả thiết trên, đội nghiên cứu đã phát hiện các bệnh nhân bị tổn thương thần kinh ở ngón tay đều “miễn nhiễm” với việc nhăn nheo khi tiếp xúc với nước.
Chính phát hiện này đã chỉ rõ rằng không phải nước mà chính hệ thần kinh mới là tác nhân chính điều khiển hiện tượng này.
Vậy những nếp nhăn này có tác dụng gì? Theo một bài báo khoa học đăng trên tạp chí “Brain, Behavior and Evolution”, hiện tượng nhăn da đầu ngón tay, chân này gọi là “rain treads” (tạm dịch: “bước trong mưa”). Đó là phản ứng được điều khiển bởi các dây thần kinh, khiến nước không bị giữ lại quá nhiều trên phần da của các đầu ngón tay, chân.
Điều này sẽ giúp cải thiện độ bám dính của tay, chân với bề mặt tiếp xúc trong điều kiện ẩm ướt (chẳng hạn như tay cầm điện thoại di động không bị trơn trượt trong những ngày mưa). Những nếp nhăn đó có chức năng tương tự như một mạng lưới thoát nước. Chúng ta có thể quan sát điều này rõ hơn qua ảnh dưới, phần da nhăn ẩm ướt có hình dạng rất giống với mạng lưới thoát nước trên một dãy núi.
Các nhà khoa học cũng tìm ra thêm một bằng chứng khác khiến họ cho rằng những nếp nhăn này có nhiệm vụ thoát nước: Thời gian chúng xuất hiện. Những nếp nhăn này chỉ xuất hiện khi chúng ta tiếp xúc với nước từ 5 phút trở lên. Khoảng thời gian này là hợp lý bởi khi đó, da chúng ta đang bắt đầu có tình trạng “uống no nước” nên các nếp nhăn này sẽ xuất hiện để “xả lũ”.
Trong nhiều nghiên cứu chưa được công nhận chính thức, các nhà khoa học phát hiện ra rằng khả năng bám giữ các vật nặng của con người thật sự được cải thiện khi ngón tay xuất hiện các nếp nhăn. Phải chăng, vì sở hữu "nếp nhăn khổng lồ" mà anh hùng Người Nhện có thể bò lên tường một cách dễ dàng? Một ngày nào đó, khi khả năng này chính thức được giới khoa học công nhận, công nghệ “rãnh nước nhân tạo” có thể sẽ được ứng dụng vào bề mặt của các loại găng tay, giày…
Sưu tầm.