Thông minh chẳng qua là thiên phú. Thiện lương mới chính là lựa chọn.

Người sống lương thiện nhận được phúc báo, đó là quy luật ngàn đời không chút sai chạy. Nó không phải là những lời thuyết giảng giáo điều của những nhà đạo đức học. Giữa cuộc sống này, mỗi ngày bạn lại được chứng kiến một câu chuyện đẹp về lòng từ bi, tâm thiện lành…

Thông minh chẳng qua là thiên phú. Thiện lương mới chính là lựa chọn.

Gần đây, trên mạng xã hội, người ta truyền tay nhau đọc những bài viết này. Không phải tin tức giật gân, cũng chẳng phải chuyện của ngôi sao, thần tượng. Đó chỉ là những câu chuyện hết sức bình dị nhưng truyền cảm hứng vô cùng mạnh mẽ.

1. Một lần tôi vừa lên xe taxi đi chưa được bao lâu, bác tài đột nhiên tấp xe vào bên đường đỗ lại và nói: “Cô thông cảm đợi tôi một chút, tôi vẫn chưa ăn cơm tối. Tôi bị bệnh tiểu đường”. Nói xong bác tài vội vàng mở cốp xe, lấy ra một chiếc bánh bao nhai vội vàng đến mắc nghẹn như thể không muốn khiến tôi phải đợi lâu hơn.

Bên cạnh chỗ đỗ xe có một tiệm tạp hoá nhỏ. Tôi ghé vào mua chai nước đưa cho bác tài. Thoạt đầu, bác có chút giật mình ngơ ngác nhưng sau đó ánh mắt bác sáng lên vì niềm vui khi nhận tấm lòng hảo tâm của tôi. Tôi chỉ nghĩ: “Không biết đây là người bố, người chồng của ai?”. Mới nghĩ đến đó mà mắt tôi đã cay cay. Thực sự là vậy. Nhiều năm trước, bố tôi cũng làm nghề lái xe và gặp phải tình cảnh tương tự như bây giờ.

Hồi đó gia cảnh nhà tôi rất nghèo, bố chỉ còn cách vất vả ngày đêm kiếm sống chăm lo cho chúng tôi. Công việc vất vả, cuộc sống như trò đùa với sinh mệnh. Mỗi bữa cơm, bố tôi chỉ cần chưa đầy 3 phút là ăn hết suất cơm hộp. Có hôm bận quá, qua giờ cơm trưa, bố tranh thủ ăn vội chiếc bánh bao trong khi chờ đèn đỏ. 

Kéo dài một thời gian như thế, bố tôi mắc bệnh dạ dày nghiêm trọng. Vào một buổi sớm, bố trở về nhà, cơ thể yếu ớt, mặt mày nhợt nhạt. Bố kể lại sự việc tối qua khi chở hai người khách cuối cùng, vừa kể hai mắt vừa cay cay vì cảm động.

Ảnh minh họa. Dẫn theo ttvn.vn

Cả ngày hôm đó bố rất đau, dù uống thuốc rồi nhưng cơn đau vẫn không đỡ. Nhưng bố vẫn cố gắng chịu đựng. Khi hai người khách cuối cùng lên xe, đi được giữa đường thì cơn đau dữ dội không chịu được, bố phải tấp xe vào bên đường vội vàng xin lỗi khách hàng và phiền họ tìm xe khác“.  

Hai người khách ái ngại bước xuống xe. Nhưng sau khi nhìn thấy bố tôi có vẻ không được ổn nên vẫn ở lại chưa muốn rời đi. Hồi đó điện thoại di động vẫn còn ít, liên hệ với gia đình và bệnh viện rất khó khăn. Bố tôi vội vàng tìm bọc thuốc mang theo, đổ tất cả vào miệng nuốt rồi nằm gục trên vô lăng hít thở chờ đợi cơn đau qua đi. 

Nhưng thuốc vẫn không có hiệu quả. Cơn đau mỗi lúc một mạnh, bố mở cửa xe gục xuống ven đường mà nôn thốc nôn tháo không ngừng. Lúc đó ông cảm nhận mình thật sự không ổn. Hai người khách ái ngại hỏi bố tôi có cần đi bệnh viện không? Nhưng vì đau quá bố nói không ra hơi. Hai người thấy vậy liền cõng bố tôi vào bệnh viện gần đó, cũng may bệnh viện cách đó không xa. 

Sau khi được bác sĩ tiêm thuốc, bố tôi dần dần tỉnh dậy. Lúc này ông phát hiện vừa rồi trong lúc nôn thốc nôn tháo đã làm dính bẩn hết quần áo của hai người khách. Nhưng họ chẳng hề cảm thấy phiền lòng gì. Đã vậy nữ hành khách kia còn mua sữa cho ông uống. Bố tôi vội vàng đưa tiền cho họ nhưng dù nói thế nào người phụ nữ kia cũng không nhận. Bà nói đó là tiền phí đi xe rồi bỏ đi mà không để lại tên tuổi hay số liên lạc.

Sự việc này qua đi rất lâu rồi nhưng mỗi lần nhớ lại bố vẫn luôn cảm động, nói: “Thật là người tốt, người tốt nhất định có tương lai tốt”. 

2. Vào mùa hè mấy năm trước, tôi đại diện công ty đến một viện dưỡng lão thương lượng hợp tác làm ăn. Người chủ quản tiếp tôi hôm đó dùng trăm phương nghìn kế gây khó khăn. Ông ta không những đưa ra những điều kiện rất khắt khe mà còn đòi hỏi tôi tiền phí bôi trơn. Bản thân tôi thấy vậy muốn bỏ cuộc không làm nữa, nhưng rồi lại vẫn muốn quay lại thử sức một lần cuối cùng xem may rủi ra sao.  

Khi đến nơi, người đó lại không có mặt, chỉ có một bác lao công già đang quét sân. Tôi chỉ còn cách ngồi đợi ở khuôn viên. Tôi vừa ngồi dưới tán cây hóng mát đợi, vừa nói chuyện với bác lao công. Tôi thấy bác ho liên tục không ngớt nên rót cho ông một cốc trà để uống rồi vỗ vỗ vào lưng ông. Lúc đó tôi mặc một chiếc váy nhạt màu, Khi vừa quay lại, chẳng may ông làm dính một ít nước trà xanh lên váy. Ông vội vàng xin lỗi tôi. Tôi cười vui vẻ nói không có gì.

Ông hỏi tôi đến đây có việc gì? Tôi trả lời rằng mình đến đây bàn chút việc làm ăn nhưng cũng không có hi vọng gì lắm. Nói đoạn, ông lại hớp liên tục từng ngụm, từng ngụm nước trà nóng từ ấm hãm trà mang theo. Đột nhiên tôi nhớ lại ông ngoại đã qua đời vì bệnh ung thư của mình. Trước đây, ông ngoại tôi cũng có thói quen uống nước nóng, việc này đối với cổ họng không hề tốt chút nào. Thế là tôi lấy thân phận của một bác sĩ mà khuyên người lao công nọ không nên uống nước nóng nữa. 

Hai chúng tôi đang nói chuyện vui vẻ thì người phụ trách viện dưỡng lão trở về. Vừa trông thấy chúng tôi, ông này vội vàng bước đến cúi mình: “Chào chủ tịch Trần“. Quá bất ngờ, tôi chỉ kịp kêu lên một tiếng kinh ngạc: “A!!!” Cứ nghĩ chuyện này vốn chỉ có trong phim ảnh, thật không ngờ nay lại xảy ra với chính mình.

Sự việc sau đó, không cần nói thì mọi người cũng biết. Công việc không những vô cùng suôn sẻ, thuận lợi mà tôi còn gây được mối quan hệ rất tốt với chủ tịch Trần. Chúng tôi còn có những công việc làm ăn khác nữa rất tốt đẹp. Đến giờ tôi vẫn chưa hiểu vì sao ông chủ tịch lại hóa trang thành người lao công đi quét sân như thế! 

Ông chủ tịch hóa trang thành người quét rác. Ảnh minh họa dẫn theo ttvn.vn

3. Sa mạc Sahara trước nay vẫn luôn được mệnh danh là “Vùng đất chết”. Có nhiều người phải bỏ mạng lại nơi đây vì gặp bão cát hoặc lạc đường. Năm 1814, có một đoàn khảo cổ lần đầu tiên thoát khỏi kiếp nạn này.

Khi ấy, ở trên hoang mạc này có rất nhiều bộ xương người xấu số bỏ mạng để lại. Đội trưởng đội khảo cổ ra lệnh mọi người khi gặp phải hài cốt của những người xấu số thì tìm gò cao an táng tạm cho họ. Mọi người còn lấy gỗ hoặc đá làm bia mộ.

Nhưng sau này, trên hoang mạc có quá nhiều hài cốt, việc chôn cất cho những người này chiếm rất nhiều thời gian. Nhân viên đoàn khảo cổ có người ý kiến: “Chúng ta đến đây là để khảo cổ chứ không phải đến đây an táng cho những người này”. 

Nhưng đội trưởng đội khảo cổ kiên quyết nói: “Mỗi một người xấu số này đều là một người đồng hành cùng chúng ta, làm sao có thể nhẫn tâm bỏ mặc họ như vậy được!”. 

Sau một tuần tiến vào trong hoang mạc, họ tìm thấy được rất nhiều hài cốt và vô số cổ vật quan trọng. Nhưng đến khi chuẩn bị rời đi thì đột nhiên có bão gió mấy ngày đêm không ngớt. Tiếp đó la bàn của họ lại hỏng, đội khảo cổ bị mất phương hướng. Lương thực và nước uống mang theo còn lại không đáng bao nhiêu. Lúc này họ mới hiểu được vì sao có nhiều người xấu số như vậy bỏ mạng nơi đây như vậy. 

Trong lúc nguy kịch không biết phải tính sao? Đột nhiên người đội trưởng nói: “Chúng ta không nên tuyệt vọng, khi chúng ta đến đây trên đường có làm rất nhiều ký hiệu”. Khi ấy, mọi người mới sực nhớ lại rằng lúc đi trên đường họ đã làm rất nhiều ngôi mộ cho những người xấu số thiệt mạng trước đó, giờ chỉ cần lần theo dấu vết là có thể an toàn về nhà. 

Khi họ thoát nạn trở về, có nhiều phóng viên đến phỏng vấn, mọi người đều cảm thán nói rằng: “Thiện lương là để lại cho chính mình một con đường sống!”. 

Không sai, trong sa mạc hoang vu, chỉ có lòng thiện lương mới có thể giúp chúng ta sống sót trở về. Sống ở trên đời, thiện lương chính là kim chỉ nam tốt nhất để chúng ta có thể tìm lại được bản chất của mình và hướng đi của cuộc đời.

Thiện lương là để lại cho chính mình một con đường sống. Ảnh dẫn theo genk.vn

Bai Fangli (Trung Quốc) là một người đạp xe thồ nghèo khó. Nhưng ông đã liên tục đạp xe như thế trong suốt 20 năm để có tiền quyên góp cho học sinh nghèo. Trong khoảng thời gian ấy, ông đã  góp được 350.000 NDT (tương đương hơn 1,2 tỷ đồng), giúp 300 học sinh nghèo có điều kiện đến trường đi học.

Ông ra đi vào tuổi 93 của đời người. Vào mùa đông cuối cùng, ông đến trường Trung học Diệu Hoa (Thiên Tân), đưa lên một hộp cơm trong đó có 500 NDT (khoảng 1,7 triệu đồng) rồi nói: “Tôi không còn làm việc được nữa rồi, có lẽ sau này tôi không thể quyên góp được nữa. Đây là số tiền sau cùng của tôi”. Khi đó thầy cô toàn trường đều xúc động đến không cầm được nước mắt.

***

Người xưa dạy: “Nhân chi sơ tính bản thiện” (Người sinh ra tính vốn thiện). Con người sinh ra đã tự mang chứa trong mình những điều thuần thiện, trong sáng, thánh khiết nhất. Đứa trẻ ra đời không biết oán giận, làm điều ác với ai, đói thì khóc, no thì cười, mệt thì ngủ, vô cùng thuần phác. Sự thuần phác ấy cũng là điều mà những triết gia vĩ đại nhất như Trang Tử, Lão Tử hướng đến.

Lão Tử nói: “Thánh nhân giữ thuần phác mà điều khiển trăm quan, cho nên người giỏi trị nước không chia cắt chi li” (Đạo Đức Kinh, chương 28). Ông cho rằng giữ được sự chất phác thì tự khắc vạn vật sẽ quy phục: “Đạo vĩnh viễn không có tên, chất phác, tuy ẩn vi mà thiên hạ không ai coi thường nó được. Các bậc vương hầu biết giữ nó, thì vạn vật sẽ tự động quy phục“.

Thiện lương vốn dĩ là một phẩm đức quý giá của con người, cũng là sức mạnh tiềm ẩn vô biên mà bẩm sinh mỗi người khi sinh ra đều có. Trong bất kể hoàn cảnh khó khăn nào, bạn hãy kiên trì thiện lương, nhân ái. Khi biết yêu thương người khác, ta mới có thể được sống trong vòng tay ấm áp của tình người. Vì mầm lành thiện lương gieo xuống sẽ cho gặt quả phúc báo.

Làm người, sống thiện lương khó hơn rất nhiều so với thông minh, khôn lỏi. Vì thông minh là một loại thiên bẩm còn lương thiện lại là lựa chọn. 

Minh Vũ - ĐKN