Từ Fatima đến bí tích Thánh Thể: khoa nghiên cứu các phép lạ
Một nhà khoa học có thể tin vào các phép lạ không? Nhà vật lý thì có đấy!
“Các phép lạ luôn luôn gắn liền với đức tin. Bởi vậy, tin vào các phép lạ không có nghĩa là cho lý trí “nghỉ xả hơi”, cho lý trí được tạm ngưng nghỉ chút xíu khỏi những ràng buộc phải suy tư, biện biệt. Chẳng những tin rằng các phép lạ có thể xảy ra, tin rằng đã thực sự có các phép lạ, là một việc phải lẽ, nhưng còn là rất phi lý, nếu cho rằng các phép lạ không thể xảy ra, không thể có các phép lạ.”
Ralph M. McInerny, Miracles — a Catholic View
Chừng một năm trước đây, tôi có viết một bài, tựa là “Nhà khoa học có thể tin vào các phép lạ hay chăng?”, bài này đã gây được chút ít tiếng vang. Tôi đã được một kênh truyền thanh Công giáo, một tạp chí Rôma phỏng vấn, và một cuộc phỏng vấn có thâu hình đang được thực hiện dở dang. Thay vì lập lại những gì tôi đã nói trong các cuộc phỏng vấn này, tôi muốn tìm ra các suy luận gắn liền với môn vật lý của mình – một người có học hành đàng hoàng, bởi vậy tôi đã viết bài này: “Làm sao mà Thiên Chúa có thể làm phép lạ được?”
Là một tín hữu Công giáo, tôi nhận là Thiên Chúa toàn năng; Người có thể uốn cong, điều chỉnh các luật vật lý nếu Người muốn. Thế nhưng tôi cũng tin rằng, Thiên Chúa thích một vũ trụ ổn định, nên có vá víu điều chỉnh, thì cũng chỉ là tối thiểu và khi cần thiết mà thôi. Và cái trí óc tò mò, tự phụ của tôi cứ muốn hiểu cho ra đường lối của Chúa, bất chấp tác giả Thánh kinh đã bảo, việc ấy xem chừng là một nỗ lực vô ích:
“Quả thật, con người không thể khám phá những gì được thực hiện dưới ánh mặt trời: cho dù có ra công tìm kiếm cũng không khám phá nổi; cho dù người khôn ngoan có nói là đã biết được, thì người ấy cũng không thể khám phá ra.”
(Gv 8,17)
Bởi vậy, đây là nỗ lực khiêm tốn nhất của tôi.
Trước khi xem xét hai ví dụ dễ kiểm chứng – phép lạ mặt trời múa nhảy ở Fatima và các phép lạ Thánh Thể – chúng ta hãy tìm hiểu về kiểu bằng chứng thường được trưng ra, nại tới để công nhận các phép lạ.
Trước tiên, các phép lạ không tái lại; chúng không phải là các thí nghiệm hay quan sát mang tính khoa học, nhưng là các biến cố chỉ diễn ra một lần duy nhất. Bởi vậy, với nhiều phép lạ, chúng ta phải dựa vào các lời chứng, các báo cáo của các chứng nhân. Một số phép lạ – chữa lành, các phép lạ Thánh Thể, xác thân hay thánh tích bất hoại (chẳng hạn, Tấm Khăn Liệm Turin) – lại có thể được phân tích một cách khoa học giúp chúng ta nắm hiểu phần nào.
Điểm quan trọng thứ hai là thế này, nhưng rồi rốt cuộc phép lạ đó thực ra lại chỉ là một sự kiện thuần tự nhiên, chứ không phải do bởi những nguyên nhân siêu nhiên, hay tệ hơn nữa, chỉ là sản phẩm của sự dàn dựng, thì Giáo hội sẽ bị công kích đến như thế nào. Cái phép lạ giả định đó sẽ bị những người vô tín dẫn ra để chống lại những chân lý thuộc các lĩnh vực thần học hay luân lý đạo đức mà Giáo hội chủ trương. Bởi vậy, chúng ta cần lưu tâm rằng, các chứng cớ để Giáo hội công nhận một phép lạ thì rất vững chắc.
Phép lạ mặt trời múa nhảy ở Fatima
Ba trẻ em Bồ Đào Nha được Đức Mẹ Mân Côi viếng thăm, kể lại, Đức Mẹ sẽ cho một dấu chứng tỏ Mẹ đã thực sự hiện ra. Và Mẹ đã thực hiện điều ấy: ngày 13 Tháng Mười 1917, trước sự chứng kiến của nhiều chục ngàn người gồm cả tín hữu lẫn những người vô tín, mặt trời đã biến dạng đủ hình đủ kiểu: bay lên cao, lao xuống thấp, toả ra những ánh quang đủ màu sắc, mờ tối đi. Dầu những sự việc này diễn ra trong vùng, chúng cũng được nhìn thấy từ các vùng miền khác cách 11 và 25 dặm, và chính đức Piô XII cũng nhìn thấy, khi ngài đang đi dạo trong vườn ở Ý (được kể lại sau này trong một ghi chép).
Những người được cho nhìn thấy các hiện tượng, thuật lại mỗi người một vẻ. Một số người lương dân được nhìn thấy các hiện tượng lạ kỳ, còn một số tín hữu lại chẳng nhìn thấy gì cả. Chúng ta có thể lý giải thế nào về điều này? Các thuyết cơ giới đã vào cuộc: chẳng hạn, linh mục Stanley Jaki đưa ra giả thiết rằng, có thể là do nhiệt độ thay đổi đột ngột và các đám mây tinh thể nước đá đã tạo ra các hiệu ứng như người ta nhìn thấy. Một số người khác lại cho rằng, do đám đông bị ảo giác. Nếu đào sâu hơn ngữ nghĩa của từ “ảo giác”, chúng ta có thể gặp phải một lối giải thích khác nữa. Thánh Thần có thể ngự đến nơi chúng ta và ban cho chúng ta một thị kiến; một thị kiến ta thấy là thật, nhưng chẳng máy quay phim, chụp hình nào có thể thu hình được. Đấy là sự phỏng đoán khiêm tốn và tối ưu nhất mà tôi có thể đưa ra về sự việc đã xảy ra. Nó không đi ngược lại với các định luật tự nhiên (natural), nhưng nó là một sự kiện có tính cách “siêu nhiên” (supernatural), hiểu theo ý nghĩa sâu xa nhất của từ ngữ này, giống như linh hồn của chúng ta là một thực thể siêu nhiên vậy.
Các phép lạ Thánh Thể
Ngay từ thế kỷ VIII, đã có nhiều báo cáo về các trường hợp bánh Thánh Thể biến thành thịt người thực sự, đôi khi có cả máu nữa. Khi các bánh Thánh Thể chuyển dạng này được nghiên cứu lâm sàng trong các phòng thí nghiệm về mô, người ta thấy đó là các mô cơ của tim. Tất cả các bánh Thánh Thể chuyển dạng này đều có chung một nhóm máu là nhóm AB+, đây là nhóm máu có thể tiếp nhận được máu của người thuộc bất kỳ nhóm máu nào – nếu vậy, thì thật tương hợp để mô tả về Đấng “nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20).
Trong tư cách là một người làm khoa học, tôi mạn phép đặt ra một vài câu hỏi:
1) Bánh Thánh Thể chuyển dạng thì nhẹ hơn, bằng hay nặng hơn bánh Thánh Thể nguyên thuỷ? Hãy chiêm ngắm bánh Thánh Thể chuyển dạng được để trong một chiếc mặt nhật nhé, có vẻ nhẹ hơn thì phải, bởi thế, định luật bảo toàn khối lượng đã không bị bẻ cong.
2) DNA người đã được tìm thấy trong nhiều bánh Thánh Thể chuyển dạng. Phải chăng, chúng có cùng một DNA?
Người ta cũng có thể đặt vấn đề, về những thay đổi về nhiệt độ có thể có nếu các hợp chất có nơi bánh thánh chuyển dạng thành thịt, và về việc, năng lượng cần thiết cho quá trình ấy xuất phát từ đâu.
Dĩ nhiên, không nhất thiết bánh thánh phải có đủ các đặc tính của mô người. Chúng ta tin Chúa hiện diện thực sự nơi đó, tin rằng bánh thánh chính là Thân Mình, Máu, Thịt là chính Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa. Vẻ ngoài thì có thể “tuỳ biến”; còn chính thực tại, bản thể, thì lúc nào cũng vậy, là chính sự hiện diện của Chúa. Và đây là những lời của bản thánh ca Thánh Thể nổi tiếng Tantum Ergo:
“Præstet fides supplementum
Sensuum defectui.”
“Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì…”
Vậy phải chăng chúng ta có thể nói, dầu không nhất thiết phải như thế, nhưng rõ ràng rất hữu ích, vì các phép lạ Thánh Thể chính là dấu chỉ giúp cho những người yếu tin, kém tin vững vàng hơn, tin tưởng hơn vào sự hiện diện thực sự của Chúa nơi bí tích Thánh Thể? Có lẽ đúng là như vậy. Khi có sự tương hợp của khoa học với những điều mà chúng ta nhận biết được nhờ đức tin, điều đó thật tuyệt vời, nhưng không nhất thiết lúc nào cũng phải như thế. Đức tin là “bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Hr 11,1)
Như đoạn trích sách Giảng viên đã nói, khoa học thật sự rất khó bàn về những chuyện lạ lùng, các phép lạ. Chúng thì siêu nhiên (super-natural), vượt tầm trí hiểu của chúng ta, vượt trên những định luật hay quy luật bình thường. Dầu là một nhà vật lý thực hành, tôi thâm tín rằng, còn có vô số những điều thuộc vũ trụ này, vượt tầm lý giải của khoa học. Bởi vậy, lòng tôi chợt vang lên lời của Tv 131 thế này:
“Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi !
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu.”
(Tv 131,1)
Chuyển dịch: Hoàng Long (Nhóm phiên dịch Mai Khôi)